Cuốn sách “Trên đường băng” là một tập hợp các bài viết được yêu thích trên Facebook của Tony Buổi Sáng. Tuy nhiên, sách này không phải là một tập tản văn thông thường, mà là một bộ sưu tập có chủ đích, nhằm chuẩn bị về tinh thần, kiến thức cho các bạn trẻ khi bước vào cuộc sống. Sách được chia thành 3 phần: “Chuẩn bị hành trang”, “Trong phòng chờ sân bay” và “Lên máy bay”, tượng trưng cho những giai đoạn mà một người trẻ phải trải qua trước khi “cất cánh” vào cuộc đời, bay vào không gian rộng lớn.
Các bài viết của Tony rất sinh động, thiết thực, hài hước và phản ánh cái tâm trong sáng của một người đã đi trước với nhiều kinh nghiệm. Anh chia sẻ về thái độ trong việc học và tích lũy kiến thức, cách đối phó với những khó khăn và thách thức trong công việc, cũng như về cách sống đạo đức và tôn trọng lẽ phải. Những thông điệp này truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sống hết mình, tận hưởng từng khoảnh khắc.
Mặc dù sách nhắm đến độc giả chính là các bạn trẻ, nhưng độc giả lớn tuổi cũng có thể đọc để hiểu và hỗ trợ con em mình một cách đúng đắn, không bao giờ làm con trở nên phụ thuộc. Những người đi làm từ lâu cũng có thể đọc sách để tự suy ngẫm về con đường đã đi qua, và xem xét liệu đó có phải là hướng đi mình mong muốn hay không. Cuốn sách này nhấn mạnh rằng sự thay đổi không bao giờ là quá muộn, và mọi người đều có thể tự mình tạo ra cuộc sống mà họ mong muốn.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Trên đường băng của tác giả Tony Buổi Sáng
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Chuyện thằng Quân
Năm ngoái, lúc tìm đơn vị thi công cho Villa De Tony ở quận 9, có anh bạn giới thiệu Tony đến một công ty xây dựng của nước ngoài. Bữa đó, ra tiếp Tony là một cậu còn trẻ tên Quân, thấy ghi trên danh thiếp là trưởng phòng. Tony ngạc nhiên, vì ngành này mà lên chức trưởng phòng thường là phải lớn tuổi. Hỏi ra mới biết là nó ở trọ gần chung cư Tony. Nên Tony rủ qua nhậu vào cuối tuần với nhóm bạn bè của mình.
Nó kể em mới học xong lớp 9, nghỉ học ở nhà phụ bố làm cửa sắt trên thị trấn Bắc Hà. Sau đó học trung cấp nghề ở Lào Cai ngành xây dựng dân dụng, vừa học vừa làm, tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc. Sau đó vô Sài Gòn, em vừa đi phụ hồ, vừa tranh thủ học ngành xây dựng ở một cao đẳng dân lập trên Gò Vấp. Tình cờ em đọc một câu trong một cuốn sách, đại ý là đời người chỉ có một lần sống trên trái đất, nên đi đây đi đó ra thế giới bên ngoài cho biết. Thế là em lao vào học ngoại ngữ như điên, dù mấy lần bỏ cuộc, vì bị ngọng l, n, r, d, ch, tr,.. Ban ngày đứng dưới nắng nóng làm việc, tối đến chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng ý chí của một người con trẻ lại bùng lên, em nắm tay lại và đứng bật dậy, em lại lốc cốc đến trung tâm và về nhà tự học đến khuya. Rồi có lần em thấy công ty này quảng cáo này tuyển nhân viên, em nộp đơn và được nhận vào làm, ông Tây sếp nói mày học gì không quan trọng, quan trọng là mày có cái gì trong đầu. Đúng 6 tháng sau, em được lên làm trưởng phòng, chỉ huy cả mấy chục đứa, có cả kỹ sư tốt nghiệp từ các đại học lớn như Bách Khoa, Công Nghiệp, Kiến Trúc…
Nó nói em 5h sáng đã ngủ dậy, tập thể dục rồi đi làm sớm nhất công ty. Lên dọn dẹp giấy tờ của mình và của các bạn trong phòng, coi các file trên máy tính, cái nào không xài thì xóa. Dọn dẹp máy tính cũng như dọn dẹp ở nhà vậy. Rồi thậm chí phụ chị lao công lau chùi toilet, hút bụi, lau kính trên cao chỗ chị ấy với tay không tới. Trong lúc làm việc, em ngồi viết ra các việc phải làm, nên chiều khi đóng máy tính thì mọi việc đều đã giải quyết hoặc em đã nắm được tiến độ là đang tới đâu, để mai vô xử lý tiếp. Buổi tối, em nán ở lại 1 tiếng hướng dẫn các bạn mới vào hay nhóm sinh viên thực tập. Nó nói mình hướng dẫn các bạn, mình cũng ôn lại kiến thức và nhiều cái mới các bạn phản biện, mình sẽ tìm hiểu thêm. Nên lúc họp với sếp lớn bên nước ngoài qua, nhiều kỹ sư tốt nghiệp Bách Khoa, Xây Dựng….nhưng nghe tiếng Anh lõm bõm hoặc không cập nhật kiến thức mới, em phải dịch lại cho hiểu sát nghĩa. Trong các lần tranh luận, em đều có căn cứ và lập luận rõ ràng đưa ra để mọi người tâm phục khẩu phục, dù em chỉ có cái bằng cao đẳng nghề gì đó thôi chứ không phải là kỹ sư hàn lâm. Tụi kỹ sư kia đầu tiên cũng coi thường em, nhưng riết thấy em tử tế và hiểu biết nên đành im lặng.
Có bữa Tony sang nhà trọ của nó để rủ đi uống cà phê. Nhà trọ của nó nằm sâu trong hẻm, ở chung với 3 đứa nữa. Vô thấy nó đang hì hục lau quạt trần. Thấy tivi bàn ghế gì đều sạch như mới. Nó nói 3 đứa kia làm biếng lắm, nói dọn dẹp làm gì, vì đây là nhà trọ. Nhưng nhà trọ cũng là nhà, chỗ mình ở phải sạch sẽ tinh tươm, mình hưởng chứ ai hưởng. Nhưng nếu để mặc thì ai làm anh? Thôi mình làm cho xong. Tony nói đúng, thể loại làm biếng thì nhà trọ nó không lau đã đành, cho nó cái biệt thự nó cũng không lau luôn. Nó nói em ngồi quan sát miết, cứ có góc nào trống là em thiết kế một cái gì đó, có khi chỉ là một cái kệ để bình hoa cho đẹp. Tối nào nếu không gặp khách nó cũng tự đi chợ nấu ăn cho sạch sẽ. Sau đó nó đi tập thể dục chạy bộ ở trung tâm thể hình, xong về tắm rửa sảng khoái, ngồi học anh văn hay đọc sách đến khuya, chỉ đi chơi với bạn bè vào tối thứ 7 hay sáng chủ nhật, còn lại thời gian là đầu tư cho trí tuệ và sức khỏe. Laptop Ipad nó cũng có nhưng chẳng bao giờ đụng đến khi ở nhà trừ khi phải làm thêm các bản vẽ. Nhìn nó sống rất văn minh. Trên tường là kệ sách có nhiều sách chuyên môn lẫn sách văn học, nó nói em tranh thủ đọc vào buổi tối trước khi ngủ, đọc sách giấy sẽ đỡ mỏi mắt hơn và thú vị hơn. Tony mở coi thì bao nhiêu sách kinh điển như “Đỏ và Đen”, “Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn”, “Tiếng Chim Hót trong bụi mận gai”, thậm chí “Miếng da lừa” của Balzac cũng có. Tony thấy thằng này còn trẻ mà đọc sách văn học như vậy, là đứa hay ho đẳng cấp đây, nên đồng ý cho đi theo rót rượu trong các cuộc nhậu với nhóm bạn.
Tony cũng hay gọi nó qua sửa giùm ống nước hay bắt lại điện đóm trong nhà. Nó nghe là tranh thủ mang đồ nghề qua làm liền, làm xong dọn dẹp hút bụi lau sạch như mới, cho tiền nhưng không lấy. Nên cả nhà Tony ai cũng mến. Nó thích ngồi nhậu với đám bạn Tony, vì thấy ai cũng thành đạt, có sự nghiệp riêng ổn định, bạn nào cũng có gia đình riêng bé nhỏ và thường xuyên gặp gỡ giúp đỡ nhau. Cuộc rượu cuộc trà nào cũng toàn đàm đạo chuyện văn thơ, không bao giờ bàn chuyện chính sự hay làm ăn gì cả, dù kẻ bán phân, người sản xuất nhôm nhựa, kẻ bán phấn đưa hương ( kinh doanh mỹ phẩm) chứ không phải là văn nghệ sĩ. Nên ngưỡng mộ lắm, nói các anh giúp em thiết kế cuộc đời đi. Mình nói dù em có thiết kế cuộc đời hay không thiết kế, anh tin là em sẽ hạnh phúc và thành công. Vì em có nhiệt tình, em có trí tuệ, em có sự chăm chỉ và quan trọng nhất, em được lòng mọi người. Và sự chân thành của em xuất phát từ tâm sáng, tụi anh lăn lộn thương trường mười mấy năm nên nhận biết dễ dàng lắm. Giữa đứa mồm mép và đứa thật lòng, tụi anh nói chuyện 3 nốt nhạc là phát hiện ra.
Mình cho nó 7 câu hỏi, kêu về suy nghĩ trả lời bữa sau mình thảo luận. Thứ nhất là the mission of life, tức sứ mạng của cuộc đời bạn là gì. Sứ mạng ở đây là mày muốn tương lai mày ra sao, một ông chủ một quán bánh bèo, một người lãnh đạo ở một tập đoàn, hay một giáo viên, một linh mục, một nhà hoạt động xã hội, hay đơn thuần chỉ là 1 người đàn ông có 1 gia đình bé nhỏ, hay thành cái ông gì đó mà mình mong ước. Nó về suy nghĩ 3 hôm. Cái bữa sau, nó đem qua cho Tony 1 con gà quay, dắt theo một cô bạn xinh xắn.
Cái anh em bày thịt gà rồi lấy bia ra uống. Cô bạn gái đi theo Quân tên là Loan, nhà giàu lắm, có mấy chục hecta trồng cà phê ở Di Linh. Cái Loan tốt nghiệp ngành bưu điện viễn thông nhưng làm ở công ty du lịch. Gia đình mua cho một cái nhà to đùng ở Phú Nhuận nhưng Loan không ở, nói em cho thuê một tháng cũng kiếm được 20 triệu. Còn em đi 1 cái phòng trọ gần chỗ làm, tháng 2 triệu thôi. Nó nói nhà to quá em ở 1 mình cũng sợ, lại lãng phí nên tính vậy gọn hơn. Tiền hàng tháng tích lũy được, lương thưởng cũng tằn tiện, để vài bữa nữa em đi du học tự túc chuyên ngành quản lý du lịch ở Thụy Sĩ. Em đam mê ngành du lịch anh à. Quân nói nếu Loan đi Thụy Sĩ thì Quân cũng sẽ tìm cách đi tu nghiệp ngành xây dựng bên Đức, có gì cuối tuần chạy qua núi An Pơ nấu cơm y chang như bây giờ nghen. Hai đứa cười tươi như hoa với kế hoạch du học của mình, thấy thiệt dễ thương.
Nhìn cái Loan, Tony ưng mắt lắm. Vì thấy con gái mà biết vun biết vén ( một số bạn gái cũng chỉ biết vén mà không biết vun), nhà giàu mà tiết kiệm thì là đứa rất hay ho, nên ra hiệu nói 2 đứa em là một đôi rất tuyệt, anh duyệt. Cái Loan nói gia đình em cũng giới thiệu em nhiều mối, con trai bây giờ phần nhiều lười biếng nhớt thây anh ơi. Đàn ông gì mà bóng điện hư không biết sửa, cái toilet hư cũng kêu thợ, suốt ngày chỉ biết cà phê nhậu nhẹt với facebook game online, chả biết làm gì. Em quen với anh Quân vì thấy ảnh chỉn chu, chiều chủ nhật em hay qua nhà trọ của ảnh rồi nấu cơm ăn, thấy rất ngon lắm. Hèn gì thấy 2 đứa làm đồ nhậu mà khéo tay, thịt gà chặt miếng nào miếng nấy đều nhau, có miếng da phủ ở trên chứ không tan nát như Tony chặt.
Bữa đó, có anh Phương anh Tú, chị Thảo cũng là bạn của gia đình Tony nữa. Mấy bạn này cũng gần nhà nên có nhậu là gọi qua. Tony ghét nhậu ngoài quán, vì ồn ào, xô bồ. Vô quán gọi toàn đặc sản chứ có ăn được đâu, cứ 3 phút là cầm ly lên cụng 1 lần. Ở nước ngoài, người ta vô cụng 1 lần, rồi thôi, ai uống thì tự đưa lên miệng uống, chứ không có cụng hoài như ở ta. Vừa gắp miếng ăn đưa vào miệng, chưa kịp nhai đã cụng. Rồi màn cuối là cùng nhau vô trong toilet, có chỗ ghi rõ là “ bồn ói”, nôn thốc nôn tháo ra hết mọi món ngon vật lạ. Hồi xưa Tony đi làm sale, ông sếp dặn mày đi nhậu với khách hàng, nửa chừng mày giả bộ bỏ vô toilet, móc họng ra ói hết, rồi ra tỉnh táo nhậu tiếp nha. Tony chẳng bao giờ nghe lời, uống được bi nhiêu thì uống. Ai nói mặc kệ. Chớ mắc mớ gì mà phải khổ sở và lãng phí vậy?
Uống bia uống rượu thì theo sở thích, theo tửu lượng chứ khích bác, nói này nói kia mần chi. Tony thấy ai mà ép ép kiểu đó, đứng dậy trả tiền rồi bỏ về luôn. Các bạn trẻ nghe lời Tony, không phải nghe theo mấy câu khích tướng đó rồi uống như điên như khùng. Và mấy thằng ép rượu cũng là mấy đứa nhảm nhí, mối quan hệ đó cũng chẳng cần phải đầu tư làm gì mà phải ngại ngùng cả nể, dẹp cho xong. Khích tướng để làm ra tiền, để giàu có sang trọng, để văn minh đẳng cấp, để tử tế giỏi giang thì còn được, còn ép nuốt cồn vào bụng, thì thôi, unfriend.
Văn hóa công sở ở đô thị Việt Nam bây giờ là thế, nhìn thấy chán. Tan giờ làm là đi nhậu. Buồn cũng nhậu. Vui cũng nhậu. Không buồn không vui cũng nhậu. Sao không đi tập gym, tập thể dục thể thao, chơi tennis, chơi cầu lông, đi bơi, đi hạc thêm ngoại ngữ, đi hạc nhảy, đi thăm bạn thăm bè, về nhà nấu ăn đọc sách dọn dẹp nhà cửa giúp đỡ người nhà? Riết thành thói quen, 5h chiều shut down máy là vọt đi. Vô nâng ly toàn nói mấy chuyện chính sự linh tinh, chém gió ào ào, say xỉn rồi phóng xe máy đảo qua đảo lại trên đường. Lương bổng có bi nhiêu đâu mà tối nào cũng ra quán, vừa tốn tiền, vừa mệt người, bữa sau dậy đâu có nổi. Bụng đứa nào mới hai mươi mấy tuổi mà đã phệ xuống, mặt mũi thì nhàu nát, bủng beo. Sức khỏe, trí tuệ gì cũng không có. Muốn nhậu nhẹt gì thì nên cuối tuần tổ chức ở nhà bạn, uống 2-3 chai cho nó hưng phấn, còn nhắm bữa nào muốn say túy lúy thì chơi uống rượu luôn, rồi ngủ lại đừng đi về nguy hiểm xe cộ.
Trở lại bữa nhậu hôm đó, mấy anh em vừa uống bia, ăn thịt gà, vừa bàn chuyện thơ chuyện văn hào hứng lắm. Một lúc Quân nó ngà ngà say, mới nói anh Tony à, em biết ơn anh lắm. Về câu hỏi anh cho em hôm trước, em về suy nghĩ kỹ rồi, sứ mạng của cuộc đời em là một bài hát. Để em hát anh nghe. Nói rồi nó cất giọng vang vang:
“Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua Tôi đứng trên tầng gác thật cao, nhìn ra chân trời xa xa Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm muôn vì sao sáng Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca”
Rồi cái Loan cũng góp giọng
“Loan ơi, Quân còn đi xây nhiều nhà khắp nơi Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng Quân thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm, Quân càng yêu em càng hăng say. Xây cho nhà cao cao mãi”
Biết là bài “Những Ánh Sao Đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, vì hẻm thuộc lời nên Tony lật đật vô phòng ngủ lấy Ipad ra mở lời để cùng nhau ca. Mấy người bạn của Tony cũng lấy Iphone ra search lời bài hát, rồi biến thành tốp ca nam nữ. Đang hát, 2 người cạnh nhau sẽ nhìn nhau cười 1 cái hoặc lấy tay chỉ 1 chỗ nào đó rồi cùng nhìn, giống như trên sân khấu văn nghệ sinh viên ngày xưa vậy. Hát xong, thấy cái Loan gục nhẹ đầu vào vai Quân, nhìn đẹp đôi quá nên Tony mới nói, vài bữa tụi bây cưới nhau, tao đi đám cưới 1 cây vàng…(còn tiếp)
—
Chuyện ở Trung Đông
Các quốc gia ở Trung Đông hầu hết nằm trên những giếng dầu khổng lồ. Cứ thế, ra sau nhà múc dầu lên bán.
Nhưng gần đây, thế hệ con em của các nhà giàu Ả Rập sau khi du học Tây Tàu về, nhận thấy sự giàu có do tài nguyên thiên nhiên mang lại không vững bền được. Vì tài nguyên sẽ cạn kiệt, những quốc gia phồn vinh nhất lại là những quốc gia ít tài nguyên thiên nhiên nhất, tài nguyên con người mới là quan trọng. Những cái đầu kiệt xuất, giỏi giang sẽ giúp quốc gia phát triển bền vững. Không có dòng máu của ai, của dân tộc nào là đẳng cấp cả, tất cả đều do đào tạo mà nên. Một đứa trẻ mồ côi trong trại mồ côi ở Việt Nam cũng có thể trở thành 1 bộ trưởng ở Đức. Cũng không có người dở, chỉ có người lười học tập và lười lao động và biến thành người dở.
Nói là làm, họ đầu tư con người kinh khủng, điển hình như Ả Rập Sau-di, quốc gia luôn dẫn đầu về lượng sinh viên du học tại Mỹ và châu Âu. Đặc trưng của nhóm này là sau khi học xong, họ về nước chứ không ở lại, mở cơ ngơi làm ăn, chủ yếu các ngành nghề không liên quan đến dầu khí. Nên họ học không vì bằng cấp, mà học để biết cách làm. Dubai hay nhiều thành phố khác trở thành các trung điểm cho du lịch, tài chính, thể thao, hậu cần, vận tải…vì họ biết TIỀN ĐẺ RA TIỀN. Các doanh nhân ở đây biến lợi thế nằm giữa lục địa Á-Phi-Âu của vùng trung đông và cứ thế hốt bạc của Âu, Á, Phi, có nhiêu tiền đem qua cho họ hết.
Các sân bay ở Dubai, Doha…không ngừng mở rộng quy mô, làm cơ sở cho 3 hãng hàng không lớn nhất ở Trung Đông, đều được xếp hạng 5 sao, là Emirates, Qatar và Etihad. Mỗi hãng có mấy trăm chiếc máy bay tân tiến hiện đại, họ tổ chức đi thu gom khách hầu hết mọi thành phố lớn ở châu Á, từ Phnom Pênh đến Mumbai, Tokyo, Thượng Hải….rồi chở về trung điểm. Từ trung điểm đó, họ túa đi mọi thành phố lớn ở châu Âu và châu Phi. Các sân bay ở đây hoạt động 24/24 và các chuyến bay nối tiếp nhộn nhịp vô cùng, các xe buýt chở đầy khách từ cửa này đến cửa kia trong sân bay, băng qua những con đường đầy cát của sa mạc, thậm chí từ terminal này đến terminal kia phải đi tàu điện. Ví dụ như sân bay Dubai, có tới 70 triệu hành khách 1 năm, và nối tuyến trực tiếp với 270 thành phố trên thế giới, có 90,000 nhân viên phục vụ tại sân bay trực tiếp, nửa triệu việc làm gián tiếp. Hàng năm, sân bay này thu về 27 tỷ đô la, bằng GDP một quốc gia nhỏ.
Điều đặc biệt là công nhân viên ở các sân bay phần lớn là người nước ngoài. Họ tự tìm đến để làm việc (search “apply job in Dubai/Doha airport”). Còn trên các chuyến bay, tiếp viên đủ thành phần quốc tịch, phi công cũng vậy, chỉ có máy bay, sân bay, tiền lãi…là của các ông chủ Ả Rập. Vì họ đào tạo dân họ với thói quen “cho việc” tức quản lý và kiếm tiền, còn nhân lực thuê mướn hết. Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Philippines, Indonesia…là những nơi cung cấp nhân lực nhiều nhất cho họ.
Họ có văn phòng tuyển nhân lực ở các nước. Ở Ấn, họ tuyển ở Mumbai, Chennai và New Delhi. Ở Trung Quốc, họ đặt VP ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh. Ở Đông Nam Á, họ đặt văn phòng tuyển người ở Singapore và Kuala Lumpur. Các bạn trẻ phải tự nộp hồ sơ và sang đó phỏng vấn, ngày nào cũng có tuyển. Các bạn trẻ mới ra trường ở Đông Nam Á rất thích công việc tiếp viên hàng không hay nhân viên mặt đất ở sân bay trung chuyển, thường làm 2-3 năm để kiếm ít tiền trước khi về nước làm ăn.
Ngoài ra, nếu làm tiếp viên HK, còn có cơ hội du lịch miễn phí. Vì một đoàn tiếp viên bay đường dài, ví dụ đến Milan Ý, sẽ nghỉ ngơi vài ngày. Toàn ở khách sạn 5 sao. Ở Tp HCM, đoàn tiếp viên hay ở khách sạn Movenpick, đứa nào đứa nấy vô khách sạn đẹp như tiên nữ ngọc đồng, sáng lóa cả góc trời.
Chúc các bạn trẻ tự tin làm việc và trở thành công dân toàn cầu. Làm việc ở Trung Đông, giá cả sức lao động là công bằng cho mọi quốc tịch. Họ cũng không quan tâm bằng cấp, high school là đủ, miễn tiếng Anh giao tiếp tốt. Nhưng phải thể dục thể thao để khỏe mạnh, chịu đựng được cường độ làm việc với “con nhà người ta”. Con nhà người ta bây giờ là Mary, Zhu Xiao Bin, Sasaki, Peter, Mohamed, Naidu…nên mình phải cao lớn, khỏe mạnh, đẹp đẽ ngang hàng với họ. Dẹp thói quen dặt dẹo với ipad laptop mà đầu tư cho thể lực và trí lực đi, để phân công lao động quốc tế. Lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp không phải 4-5 triệu nữa mà là 2000-3000 USD.
Mình làm ở đó, lương bổng cao nên về quê hương Cà Mau xài tiền như nước nhé, gián tiếp làm cho quê nhà giàu có hơn. Ví dụ 1 con cua Cà Mau, dân địa phương ăn 20,000 đồng còn lật qua lật lại chê óp chê nhỏ, mình phá giá liền, mua con cua đó giá 200 ngàn đồng trong sự ngỡ ngàng của thực khách bản địa. Người thì nước hoa sực nức, ăn vận sang trọng, mở miệng nói tiếng Anh lơ lớ, người ta đang hâm mộ nên mình phải chảnh lên. Giả bộ rút ví ra boa luôn chị bán cua 100 ngàn, nói chụy ơi hấp bia Corona giùm em nghen chị, làm chị ấy lúng túng chơi, dưới quê có ai biết bia Corona là bia gì.
Nói giỡn chứ các bạn trẻ lo đầu tư vào tài sản của mình đi. Chuẩn quốc tế hết đi. Chỉ có 4 loại tài sản là vốn sống, nhân cách, thể lực và trí lực. Còn lại là phương tiện hết. Bằng cấp chỉ là miếng giấy chứng nhận trong một thời gian nào đó có vượt qua 1 kỳ sát hạch. Biệt thự chung cư cũng chỉ là phương tiện trú ngụ (giống cái hang đá ngày xưa), siêu xe (xe hơi xe máy cũng như xe ngựa cách đây mấy trăm năm) hay tiền bạc (đô la vàng bạc cũng chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa, giống vỏ sò cách đây 2000 năm). Đừng nhầm mà đầu tư cho phương tiện, giống cách đây 2000 năm, nhiều người ngây ngô đầu tư xây dựng hang đá thiệt đẹp, xe ngựa thiệt to, vỏ sò thiệt nhiều…rồi lúc đó khoe khoang này nọ, nói để dành cho con cháu, giờ có dùng nữa đâu? Nên giờ mình đầu tư biệt thự, tiền bạc, xe cộ…2000 năm nữa tụi nhỏ nó cười mình chết. Ông tổ để lại một nhân cách lấp lánh, một trí tuệ lung linh vẫn tuyệt vời hơn 1 đống vỏ sò lòe loẹt.
Học học học. Làm làm làm. Kỷ luật kỷ luật kỷ luật…!!!
—-
Một đời xớ rớ…
Xớ rớ là một từ rặt Nam bộ. Nó nói hành động quanh quẩn một chỗ nào đó mà không làm gì. Người ta dùng nó để nhận biết những đứa có tài và bất tài trong một đám đông. Ví dụ đám tiệc, mấy đứa bất tài nó sẽ không biết phụ gì với ai, nên cao lớn chồng ngồng ngáng đường ngáng sá, còn không thì ngồi một góc hoặc nằm dài trên giường, ôm cái iphone hay laptop coi miết. Vì đầu óc rỗng tuếch, nghĩ không ra việc gì để làm, đứng chầu chực để được SAI VIỆC. Hoặc bản chất là đứa làm biếng, thay vì lảng đi chỗ khác sẽ bị chửi mắng, nên nó xớ rớ qua lại để người ta thấy là nó cũng có mặt. Để không mắc cỡ khi ăn.
Còn người có tài thì khác. Họ sẽ quan sát và nhảy vô làm phụ. Thấy ai đó đang nhặt rau sẽ ngồi xuống phụ nhặt, thấy chưa có nước đá sẽ hỏi gia chủ rồi chạy đi mua, rồi dọn ly dọn chén dọn đũa ra trong lúc chờ đợi. Họ ra giữ xe, dắt xe, nhổ cỏ, lau nhà, rửa toilet, cứ thấy gì không ổn thì họ sẽ lao vào dọn dẹp. Rồi đếm số khách, bố trí chỗ ngồi, chỉnh âm thanh ánh sáng v.v… Nên người có tài họ luôn chân luôn tay, không bao giờ có chuyện đứng xớ rớ thừa thãi.
Khi đi làm cũng vậy. Người bất tài sẽ lên chỗ làm và tiếp tục xớ rớ. Không có óc quan sát nên cái đống rác trước mặt, nó cũng không hốt. Phải ngồi chờ chỉ đạo, ai sai việc gì thì làm nấy. Thậm chí giao 5 việc thì làm 3 việc, quên 2 việc. Nhắc lại thì mới nhớ, mới làm. Với nhóm bất tài này, thường xuyên có thời gian chết, ngồi nhìn vô màn hình đầu óc vô định miên man, cặp mắt vô hồn. Mắt nó chỉ sáng rỡ khi mở coi facebook tò mò chuyện cá nhân người khác, hoặc đọc tin tức ca sĩ diễn viên cởi áo tuột quần, mấy clip giật gân nhảm nhí.
Còn người có tài thì đến chỗ làm, họ sẽ nghĩ ra việc mình phải làm hôm nay, ghi vào sổ. Họ sẽ quan sát để ý, thấy à, với cái này, mình sẽ phải làm thế này thế kia, sau đó bắt tay vào làm tuần tự đến khi hoàn tất. Chủ động trong mọi việc, gọi cho người này người kia, phối hợp đồng nghiệp, nghĩ cách xử lý SAO CHO TỐT HƠN, ĐẸP HƠN, SẠCH HƠN, NHANH HƠN, GỌN GÀNG HƠN, HIỆU QUẢ HƠN.
Khi còn trẻ tuổi, lúc còn là nhân viên, người có tài bao giờ cũng luôn tay luôn chân từ 8h sáng đến 5h chiều, thậm chí ở lại đến 8-9h tối mới xong. Sau này lớn tuổi hơn, họ sẽ lên chức quản lý, họ sẽ phải nghĩ ra việc cho người khác. Còn đám xớ rớ kia thì cứ làm nhân viên miết, già 60 tuổi vẫn làm nhân viên, vì có một tuổi trẻ không có khát vọng vươn lên gì cả. Già cả lụm cụm bị tụi nhỏ làm sếp nó chỉ đạo, sai việc, làm không tốt bị tụi nó mắng mỏ khiển trách, nhiều lúc họ cũng cảm thấy tủi thân. Nhưng cân nhắc cho họ làm quản lý thì không được, vì 60 năm qua chỉ có kinh nghiệm xớ và rớ. Nên nếu bạn còn trẻ, đề về già không bị tụi nhỏ xài xể, thì ngay từ bây giờ hãy động não và động chân động tay giùm.
Mình để ý ở đám tiệc, thấy thanh niên còn trẻ mà cứ đứng xớ rớ thì đừng có trọng dụng. Vì nó không biết làm gì đâu. Nếu cho nó làm quản lý, 3 bữa là dẹp tiệm. Thực tế là có những công ty mà ở đó, toàn thể lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên cùng nhau lượn qua lượn lại, nhìn chóng mặt. Ai cũng đoạt giải “ Vua Ngáo ngơ” và “ Nữ Hoàng Xớ Rớ”.
Hoặc mình nạt, kêu đi ra ngoài đi, chật chỗ quá. Cũng đừng có ôm cái điện thoại hay máy tính khi mọi người đang làm việc. Nhìn ngứa mắt. Khi nào xong xuôi tao kêu vô ăn.
Nhưng lúc ăn, nó lại năng suất hơn người khác. Đặc trưng của nhóm người Xớ Rớ này là ĂN CỰC KHỎE.
—
Một lá thư Quảng Bình
Một cậu bé học lớp 11 ở Quảng Bình vừa gửi mail cho Tony. Cậu nói cô giáo dạy văn của cậu đọc bài “Chuyện Ở West Point” cho cả lớp cậu nghe cách đây 2 hôm. Cậu chợt bừng tỉnh. Cậu THỀ sẽ từ bỏ hoàn toàn việc chơi game máy tính. Cậu THỀ từ bỏ mọi cái lười biếng cố hữu. Cứ 10h đêm cậu ngủ và 5h sáng thức dậy, chạy bữa đầu 1 vòng quanh nhà, một ngày tăng lên 1 vòng nữa. Tối về cậu sẽ bay đá vào bao cát 100 cái mới tắm và đi ngủ. Cậu cũng ra điều kiện 1 ngày 10 từ tiếng Anh mới, cậu sẽ lấy sách tiếng Anh cấp 2 ra và dò lại với mục tiêu là nắm vững những gì đã học, không sót một chữ nào. Cậu cũng sẽ đọc lại kỹ các cuốn sách xã hội như địa lý, cái mà cậu nghĩ là tầm phào trước đây. Cậu cũng đã thu âm các bài tiếng Anh do mình tự đọc. Cậu nói, chưa bao giờ có cái gì truyền cảm hứng cho cậu thấy việc học tập, rèn luyện thể lực, rèn luyện trí tuệ đến như vậy. Cứ mỗi sáng thức dậy, lồng ngực lại đầy khí trời của một ngày mới và tinh thần tràn đầy năng lượng. Cậu lại lao vào học tập say mê, rèn luyện say mê.
Cậu hứa với Tony, thời điểm con người có chuyên môn là học thì phải tập trung vào học. HỌC SINH SINH VIÊN THÌ PHẢI HỌC. Cậu quyết tâm sắt đá và sẽ trở thành một người đàn ông tuyệt vời, là cây tùng cây bách chứ không phải là dây leo tầm gửi. Cậu sẽ báo cáo cho Tony vào từng tháng sự tiến bộ của mình, dù Tony có đọc và có trả lời không thì cậu không quan tâm, đơn giản là cậu muốn rèn luyện kỹ năng viết.
Tony thấy hài lòng. Sẵn đây nói luôn với các bạn trẻ cỡ tuổi cậu này. Nếu thượng đế có cho ta lại một cuộc đời, chúng ta nên thiết lập các mục tiêu sớm hơn. Và với bất cứ lứa tuổi nào, sự tỉnh thức cũng đều không muộn.
Dù đã đi làm, ngay bây giờ, hãy đến các trung tâm ngoại ngữ để học. Hãy ra các nhà sách để mua sách về đọc. Hãy đến các trung tâm thể dục thể thao để ghi danh tập võ, tập cầu lông tennis, tập khiêu vũ, tập bơi lội… Lên kế hoạch cho từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm của cuộc đời mình. Đừng về nhà và ôm lap top, ôm ipad nữa. Trên facebook của bạn bè, chẳng có gì mới đâu.
Mấy trang tin tức cũng vậy, nhảm nhí cả thôi, đọc vài tờ báo chính thống biết xã hội xung quanh thế nào, rồi thôi, tắt máy. Online 1 ngày 30 phút là đủ.
Một dân tộc hùng cường sẽ bắt đầu bằng những học sinh khỏe mạnh và thông tuệ. Đất nước hóa rồng, hãy kiêu hãnh là một hồng cầu, đừng là khúc ruột thừa của con rồng ấy.
Sức mạnh chỉ có từ nội lực và tinh thần bên trong. Bạn thử quan sát lúc gà con nó nở. Đầu tiên, con gà con bên trong quả trứng sẽ cựa mình, nó sẽ mổ cái vỏ, rùng mình trút lớp vỏ ấy, và bước ra nhìn đời. Còn nếu ai đó mong muốn giúp nó mà tìm cách bóc tách cái vỏ, thì con gà con ấy sẽ chết. Cuộc đời cũng y chang vậy, không ai làm giùm cho đâu, không ông thầy bà cô nào, trường chuyên lớp chọn cỡ nào đi nữa, hay dù cha mẹ giàu có ra sao…, không ai có thể giúp MÌNH THÀNH ĐẠT được.
Mình muốn mình thành ai, thì tự quyết. Có những tuổi trẻ quanh quẩn trong mấy bức tường nhà ống, dặt dẹo ôm cái ipad trên giường, mỏi mắt thì xuống bếp coi ai dọn sẵn thì ngồi ăn. Ăn xong rồi ị, soi gương rồi nặn mụn, móc ráy tai rồi thủ dâm, rồi lết vô giường coi ipad tiếp, mặt mũi sưng húp, tóc tai rũ rượi, mắt mở hết lên…
Cũng có những tuổi trẻ đầy sức sống, bụng 6 múi, mặt đẹp sáng bừng, trí não thông tuệ….ở ngoài sân bóng, ngoài hồ bơi, trong những trung tâm thể dục thể thao, các nhà văn hoá, cùng nắm tay nhau hát vang ngoài công viên, cùng nhau đi nơi này nơi khác xoá mù chữ, mang ánh sáng văn hoá với cộng đồng. Nhìn họ thật đẹp, vì họ biết tận dụng tuổi thanh xuân để làm người có ích.
Chúng ta có một tuổi trẻ duy nhất để cơ thể tráng kiện, đẹp đẽ, tràn đầy năng lượng. Chúng ta có một quỹ thời gian ít ỏi để xây dựng nền móng cho ngôi nhà mình. Thành cao ốc chọc trời hay nhà tranh xiêu vẹo thì tuỳ bạn quyết định vào hôm nay. Nếu để tới ngày mai, bạn đã bị mất 1 ngày vô nghĩa, và có khi sẽ không bao giờ làm được cái gì hết. Người thất bại hay hẹn, câu cửa miệng là “thôi từ từ, để mai cũng được”.