“Tình, có cha vốn là địa chủ bị du kích cộng sản bắn chết. Bản thân hắn trốn vào Nam theo Chúa năm 1954. Lúc này Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA muốn triển khai chiến dịch “Phá Cộng sản ngay trong lòng Cộng sản”. Chúng dự định tung gián điệp vào “mật khu” để chống phá từ bên trong. Và Tình được chúng tung về xây dựng “mật khu”, dưới chiêu bài rước Chúa ra Bắc, mang bí danh N1. Bắt đầu từ đây diễn ra trận chiến thầm lặng nhưng gian nan, không kém phần khốc liệt giữa 1 bên là CIA và Chi Cục Tình báo Trung ương Mỹ ở miền Nam và 1 bên là Ty Công an Ninh Bình và Cục Phản gián Bộ CA. Với lợi thế 30 năm làm công an, tác giả đã dựng nên bối cảnh cuộc chiến đấu trí ác liệt giữa hai bên. Qua đó cho thấy tài trí của các chiến sĩ tình báo Việt Nam. Cái hay là bên cạnh nghiệp vụ tình báo được miêu tả nhuần nhuyễn, tác giả còn tập trung phân tích chiều sâu tâm tư, tâm lý nhân vật trong truyện rất sắc sảo. Nhất là những dằn vặt, đấu tranh tâm lý của Tình. Lần trước trốn vào Nam hắn cố gắng mang vợ con theo. Nhưng rồi con thì chết, vợ cũng không theo cùng được. Lần này quay về Tình đấu tranh dữ dội giữa hai lựa chọn. Theo vợ, theo Việt Minh thì hắn sẽ phản bội Chúa. Theo CIA thì vợ chồng hắn có thể sẽ chết. Thân phận làm kẻ gián điệp đứng giữa ngã ba đường, Tình rơi vào cuộc chiến khủng khiếp trong chính con người hắn. Hẳn sẽ làm gì đây? Làm theo lời Chúa hay làm kẻ phản Chúa? Trả thù cha hay quên đi mối hận thù và đi theo cách mạng? Sự giằng xé của Tình càng tăng thì kịch tính của truyện cũng càng căng thẳng và gay cấn. Liệu Tình có chiến thắng được con ác quỷ phục thù xấu xa trong trái tim hắn, liệu hắn có xứng đáng với tình yêu vô bờ bến vợ hắn dành cho hắn? Liệu chiến dịch “Phá Cộng sản ngay trong lòng Cộng sản” của CIA có thành công?
Lâu lắm mới được đọc một tác phẩm trinh thám phản gián tuyệt vời đến thế. Tác phẩm đậm chất tình báo Việt Nam ngày xưa. Tác giả đã tái hiện một thế giới tình báo không tiếng súng, nhưng sự gian nan, khốc liệt và hiểm nguy của nó không thua gì súng đạn trên chiến trường. Tuy nhiên, tác giả không chỉ chứng tỏ thế mạnh ở vốn kinh nghiệm trinh thám tình báo, mà còn cho thấy tài năng khi tập trung mô tả những suy nghĩ, giằng xé trong con tim Tình. Phải nói đọc những trang đấu tranh nội tâm của Tình mình rất phê, những trang viết miêu tả tận cùng đớn đau, tận cùng đau khổ và dằn vặt của cả hai vợ chồng hắn. Thêm vào đó tác giả đã lột tả được mâu thuẫn dai dẳng, nhức nhối giữa chính quyền cách mạng và đồng bào theo Công giáo. Một bên là cách mạng, một bên là Chúa. Bức tranh một xóm đạo trong thời buổi loạn ly hiện lên sinh động và rõ nét. Tác phẩm Trùm Phản Chúa là một trong ba tiểu thuyết nằm trong Tập 1 Tuyển tập của Nhà văn Trần Diễn. Mình sẽ cố gắng đọc thật nhanh và review hết các tập truyện còn lại trong tập này, cũng như trong hai tập khác còn lại. Chỉ tiếc rằng tác phẩm xuất bản từ năm 2003, đến nay có lẽ không còn trên hiệu sách.”
Trần Diễn (sinh 14/10/1944) là nhà văn công an Việt Nam, Đại tá Công an Nhân dân Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng giữ vị trí Giám đốc và Tổng biên tập của Nhà xuất bản Công an nhân dân, cũng như là Tổng biên tập của Tạp chí Sách và đời sống.
Trần Diễn được độc giả Việt Nam biết đến qua nhiều tiểu thuyết hình sự – tâm lý xã hội với các đề tài xoay quanh an ninh Tổ quốc và cuộc sống bình yên. Ông là một trong số ít những nhà văn Việt Nam chủ yếu viết về tình báo, phản gián, và trinh thám (cùng với các tên tuổi như Phạm Cao Củng).
Sinh năm 1944 tại Hà Nam, Trần Diễn lớn lên ở Ninh Bình và đã có nhiều trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực trước khi gia nhập Nhà xuất bản Công an nhân dân. Tại đây, ông đã làm biên tập viên, Trưởng phòng, Phó Giám đốc, và sau cùng là Giám đốc – Tổng biên tập cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005.
Trần Diễn khám phá văn chương một cách tự nhiên, như một cách giãi bày tâm sự và chia sẻ những trải nghiệm chứng kiến trong nghề nghiệp. Mặc dù ông đã học qua hơn 10 khóa đào tạo với nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng ông chưa từng học về văn chương.
Tháng 11 năm 2011, Trần Diễn gặp sự cố đột quỵ, làm liệt nửa người bên trái, tuy nhiên trí tuệ của ông không bị ảnh hưởng. Ông vẫn tiếp tục giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Sách và đời sống, làm việc tại tòa soạn riêng của mình.
Mời các bạn đón đọc tiểu thuyết Trùm Phản Chúa của tác giả Trần Diễn