Nếu người ta muốn tìm ở truyện này một truyện gì, tôi xin nói ngay truyện này không có truyện gì cả .
Bạn đọc xem hết, sẽ thấy nó thường lắm, bởi vì nó xảy ra luôn và còn cứ xảy ra mãi mãi.
Nhưng cái đó không quan hệ.
Cái quan hệ là nhân vật. Trong rừng cây, không có hai cái lá giống nhau, thì trong rừng người, làm sao mà lại có hai người giống nhau cho được ?
Vậy, cái khó của một nhà văn, phải đâu là chụp lại nhân vật để các bạn khác cùng xem. Tôi nghĩ nếu công việc của nhà văn có khó thì chính ở chỗ « sáng tạo » ra nhân vật vậy.
Hai người. Hai người trong truyện này là hai kẻ bị đọa đày. Linh hồn họ đau đớn, họ là những người đáng thương. Sự đau khổ nâng cao họ gần trời.
Những người thực cao thượng đều phải thấy một cái buồn mênh mông trên trái đất.
Một đêm mưa gió, có một người trẻ tuổi nằm không ngủ được … Kéo cái chăn chiên lên cổ, y lắng nghe cái đêm khuya rơi não nùng ở một góc vườn. Hoa rụng, gió gào. Trời sầu thảm tựa một linh hồn đau khổ. Những hạt mưa hình như mang lại những lời trối trăn cuối cùng của cây cỏ và phố xá. Không có một tiếng rao.
Một đêm mưa gió, có một người trẻ tuổi nằm không ngủ được … Y vò võ nằm thu hình ở trong một cái buồng con. Bóng tối đầy thăm thẳm. Ngủ được thì thực tốt. Nhưng y không ngủ được, và y nghe thấy những tiếng động chung quanh cuộc đời của y. Y nằm cái giường của y và y nghe những tiếng động ấy, y ở cái gác của y và y nghĩ miên man đến đời của y.
Một đêm mưa gió, có một người trẻ tuổi nằm không ngủ được … Ấy chính lúc ấy, y thấy hai mươi tuổi của y tiến lại trước mặt y. tại sao? Y không phải là một người ốm quay lại nhìn dĩ vãng. Nhưng mà những hạt mưa kêu lên như một linh hồn bị xiềng xích và những tiếng kêu ấy đã làm những tiếng kêu của y thức dậy. Người ta có thể bảo rằng đời người sắp xảy ra một cái nạn gì đây. Y thấy cái tuổi hai mươi của y đến ở giữa tấm lòng giá lạnh và y buồn, bởi vì hai mươi năm mà y đã trải qua không phải là hai mươi năm y ước định. Không, cái đời của y, y định nó khác lắm, chứ có đâu như thế này ….
Lúc mười tám tuổi, y nghĩ: Đến hai mươi tuổi ta sẽ lập thân ta. Ta không biết rồi ta làm gì, nhưng ta biết chắc là ta làm nên to lắm bởi vì ta theo học đến tú tài mà bất cứ về môn nào ta cũng đứng hạng nhì, ba cả.
Đến mười chín tuổi, y có những ý muốn rõ ràng hơn: Hai mươi tuổi, ta sẽ đổ tú tài, ta vào học thuốc, và sau dăm bảy năm theo học, người ta sẽ thấy ta đi lại ở trong tỉnh như một bức tranh nhân đạo. Nhưng chỉ ít lâu sau, y lại đổi ý kiến ngay bởi những ông bác sĩ có cái trách nhiệm nặng nề quá và chỉ vô ý một chút cũng có thể làm chết người được như chơi. Lại nữa, y có một người bạn học ở ban văn chương tìm đủ lý lẽ để cho y hiểu rằng học luật và học thuốc đều không làm gì được cả. Y bèn sang học ban văn chương và ra công khảo về Boileau, về Rouseau, vê Goethe. Văn chương có thể đưa người ta đến tất cả các nghề: nghề dạy học, nghề thư ký, nghề tham biện, và không ngăn cấm ta làm báo, làm họa sĩ, làm giáo sư âm nhạc. Những học trò tú tài ban văn chương đi riễu trong một cánh đồng đầy mộng và chứa chan hy vọng.
Y chứa chan hy vọng quá thành thử những cái thích của y không bờ bến. Nhưng mà đêm nay …
Một đêm mưa gió, có một người trẻ tuổi nằm không ngủ được …
Tâm hồn y rung động những tiếng vang lạnh lẽo. Từ những sự rầu lòng đến hy vọng, đó là những năm tháng bị giam hãm ở bốn bức tường trường học nó kêu rên, nó đi lại, nó kể lễ những hình phạt của những ông giám thị, nó nhắc nhở một quãng đời bó buộc và buồn rầu, nó đem diễn lại những buổi chiều ngồi ngủ gật trong “ê – tuýt”. ( Tiếng Pháp Étude = nơi học tập )
Ngọn đèn hoa kỳ để ở trên bàn ngủ của người trẻ tuổi chiếu một thứ ánh sáng não nùng. Người ta thấy những quyển sách viết trong bốn năm học Bưởi của y. Gió đập cửa thình thình, mưa rào rào xuống như một người khóc không bao giờ nín. Y tưởng như nghe thấy từng bài thơ của Villon, của Chénier, của Lamennais.
Y nhớ lại cả những giờ toán pháp.
Nằm nghe gió thỉnh thoảng rít lên, y lại tưởng như nghe thấy những chữ X,Y,Z vậy. Những chữ x,y,z ấy ở trong những bài kỷ hà học của y:
thấy chúng là những kẻ khốn nạn làm ăn vất vả quá, đến tận lúc chết có lẽ cũng không được nghỉ.
Việc ấy như thế này: Hồi đó, y vừa mới lên năm thứ ba. Ông cụ sanh ra y làm chánh tổng ở một làng ở Hải Dương. Một hôm, nhân dịp được nghỉ lễ, y về quê thăm nhà, và ông bố cưỡi con ngựa đèo con đi sang làng bên cạnh để khoe con mình học ở trường Cao Đẳng trên Hà Nội về chơi. Bất ngờ đến một con dốc kia, con ngựa ngã. Hai bố con văng mỗi người một nơi. Ông cụ nói:
Hải ơi, con đã thấy chưa? Thầy độ này suy lắm. Gân cốt kém, mắt mũi cũng kém, thế mà con chẳng biết thương thầy, Hải ạ! Thầy cặm cụi một sương hai nắng để gửi con lên học ở Hà Thành, thầy cho con cái vốn đấy, thế mà con không chịu khó học hành gì cả. Kỳ thi nào con cũng gần bét. Con là con cả của thầy, con còn các em, con phải nhớ lời thầy bảo: Con không treo gương tốt cho các em con đâu, con ạ!
Hai bố con nói thế xong rồi về, mang một khối nặng ở trong đầu.
Thế rồi, cách ba tháng sau, vào giữa lúc buổi học chiều bắt đầu, người cha khốn nạn ấy không sống nữa. Một bức điện tín đến báo tin, chính ông giám thị đã mở ra đọc trước.
Nước mắt không đến được, nhưng mà hình như suốt đời, ông già đã chết ấy vẫn còn nói câu này: “Con phải nhớ lời thầy bảo: Con không treo gương tốt cho các em con đâu, con ạ!”.
Chịu tang đâu đấy cả rồi, Hải lại quay lại sân trường cũ. Y không kể chuyện của y cho ai nghe hết, nhưng chuyện này, đầu y không theo chân y nhưng chính là đầu y theo chân y. Y xếp hai chân ngang hàng với nhau. Còn hai tay, y để vào hai thái dương. Mười ngón tay của y kẹp chặt lấy cái trán để cho những cái gì đã đọc được ở sách, bằng hai con mắt, đều phải ở lại cả trong óc, không thoát ra được ngoài. Sự thực thì cũng hơi khó khăn một chút: những bàn tay thì ở lại, nhưng hai con mắt thì vẫn để đi đâu … Tuy vậy, cuối năm y cũng được hai giải thưởng: giải thưởng cách trí và giải thưởng sử ký và địa dư. Lúc ông hiệu trưởng gọi tên y để lên trên bục nhận thưởng, y nhìn chòng chọc vào gói sách, rồi đánh đùng một cái, y hệt một cái máy nước chảy, y khóc, khóc, khóc bao nhiêu là nước mắt, đến nỗi ông hiệu trưởng phải kêu hai người học trò lớn đến dìu y ra ngoài.
Người bố đã chết rồi, y mới được thưởng thực là chậm quá.
Bây giờ, Hải như một người nhà quê đã cày xong thửa ruộng của mình. Một trận gió thổi ở trên những bông lúa sắp cấy, và người nhà quê ấy tìm ở trên mặt đất xem còn có gì sót lại hay không.
Nhưng mà những việc chua chát ở đời bao giờ cũng có ngày mai.
Một đêm mưa gió, có một người nằm không ngủ được.
Y thấy cuộc đời của y bỗng có một buổi chiều chua chát. Nhà y hết tiền. Mẹ y thì già yếu. Y lại có nhiều em. Cái chí nguyện của y lại bật rễ như một cây cổ thụ, mảnh bằng tú tái mày mong mỏi bấy giờ chỉ còn lại một cái đích để không bao giờ tới nữa. Y bỏ học. Y đem mẹ và em lên buôn bán lặt vặt ở Hà Thành. Thôi thế là thôi, bao nhiêu mộng tan tành, bây giờ y chỉ là một kẻ dở dang, những đêm mưa lạnh, nằm nghĩ đến hồi đi học trông đợi ngày thi ra.
Buổi sáng, y thức dậy và hỏi bốn phương trời. Y không muốn có một ý nghĩ bi quan nào cả. Đây này: khí trời buổi sáng đem bao nhiêu là sự mát mẻ ở những phương trời xa lại. Y, một người đã đỗ bằng thành chung và đã học ba năm ban tú tái! Có chức thư ký nhà nước, thăng từng trật một, mà trật nào cũng chứa một mẩu tương lai. Có chức thư ký nhà buôn, mới nghe thì tưởng chẳng nên trò gì cả, nhưng chính ra thì lương bổng hậu lắm, lấy được vợ đẹp và làm được nhà cho thuê là khác. Có chức giáo học tư gia nhàn rỗi, cơm ăn nước uống tử tế, mà mỗi tháng, nếu chịu khó thì lại con để được ra vài chục.
Này này, đời nhiều hứa hẹn lắm! Chỉ sợ mình không có sức mà thôi, chứ có sức thì trăm hai mươi chỗ làm vừa Nhà nước, vừa tư gia kia kìa. Người ta không thiệt gì cả. Một ông cử nhân luật chẳng đã bảo y rằng những bực tài giỏi xưa nay đều là những hạng rẽ ngang ư? Mà chính vì có rẽ ngang như thế mà một người bạn của ông ta mới xoay làm nghề báo, mỗi năm kiếm đến vài ba nghìn đồng.
Hải sống với cái tâm trạng ấy trong hai năm. Mẹ y cũng vậy, nhưng hơi lo một chút…
– Đời mỗi lúc một khó khăn, con ạ.
Hải cười. Y đứng lên. Mẹ ơi, cuộc đời nó có những lý luận ấy và thấy nó đi qua cửa sổ. Mẹ nghi ngờ sự thực.
Hải lấy làm phiền không làm cho mẹ hiểu rõ hơn. Y có năm vạn ước vọng, mà ước vọng nào cũng bị mẹ hơi ngờ cả. Tại sao? Y cũng có những lý luận riêng. Mỗi lý luận, Y lại tìm ví dụ cho thâm cứng. Những bạn cũ của y bây giờ đều có việc làm cả. Y cũng như họ, y sẽ theo những đường mà họ đã đi. Tiện lắm. Mà y lại lợi hơn là khác: bởi vì y đi sau, y chỉ bắt chước những người đi trước, chứ không phải nghĩ ngợi mưu cơ gì cả.
Bà cụ già, nghe nói mà sợ hãi thay.Gần trải hết một cuộc đời rồi, bà còn lạ gì cái nghề nghiệp nó cũng như của cải ở đời. Những người nghèo không có nghề.
…
Mời các bạn đón đọc Truyện Hai Người của tác giả Vũ Bằng.