Cuốn sách “Tù nhân của thiên đường” của tác giả Carlos Ruiz Zafón mở đầu bằng hình ảnh của thành phố Barcelona, một thành phố được biết đến với sự sôi động và xinh đẹp, nhưng trong tác phẩm này lại hiện lên với một bức tranh hoàn toàn khác.
Cuốn sách đặt bối cảnh vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, u ám của năm 1957 ở Barcelona. Trong thành phố này, chúng ta được giới thiệu với ngôi nhà sách Sempere và Con, nơi Daniel Sempere, cùng với cha mình, điều hành. Sau cuộc chiến tranh, cuộc sống của Daniel Sempere đã ổn định, anh đã lập gia đình và có một cậu con trai. Anh sống ở tầng trên của hiệu sách với người cha già, vợ Beatriz và con trai Julian. Dù việc kinh doanh có phần gặp khó khăn nhưng người bạn thân Fermin vẫn tận tụy làm việc cho hiệu sách và tiếp tục tìm kiếm những cuốn sách hiếm.
Cuộc sống của Daniel và Fermin dường như yên bình cho đến khi một ngày kẻ lạ mặt xuất hiện và mua cuốn sách đắt tiền nhất, Bá tước Monte Cristo, và tặng cho Fermin với lời đề tặng bí ẩn. Sự xuất hiện của người này làm cho Fermin suy sụp, và Daniel cảm thấy có điều gì đó bí ẩn về người đàn ông này đối với Fermin.
Từ đây, quá khứ của Fermin được lật mở và câu trả lời chứa đựng trong một bí mật kinh hoàng đã bị che giấu suốt hơn hai mươi năm. Qua việc quay ngược thời gian, chúng ta được biết đến những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất, khi Fermin là một tù nhân ở pháo đài Montjuïc và đã trở thành bạn với nhà văn David Martín.
Cuốn sách thể hiện sự tinh tế và kịch tính trong việc lồng ghép các yếu tố của câu chuyện. Tác giả tạo ra những manh mối và nút thắt để người đọc tiếp tục theo dõi cuốn sách với sự hồi hộp và tò mò. Tuy nhiên, mặc dù cuốn sách đầy hấp dẫn, nhưng có điều tiếc nuối khi đến cuối cùng, những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, khiến người đọc cảm thấy hụt hẫng.
Mời các bạn đón đọc Tù Nhân Của Thiên Đường của tác giả Carlos Ruiz Zafón.
*****
Tù Nhân Của Thiên Đường là phần thứ ba trong trilogy Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên của Zafón. Để so sánh với cuốn Bóng Hình Của Gió trước đó thì nội dung Tù Nhân Của Thiên Đường không xoắn não bằng mà đơn giản hơn rất nhiều, chủ yếu tập trung vào quá khứ của Fermín cũng như hé lộ thêm về người mẹ đã mất của Daniel.
Điều ấn tượng nhất của cuốn sách này vẫn là cách miêu tả sinh động vùng đất Barcelone, Tây Ban Nha cũng như cách mà Zafón để số phận của từng nhân vật bện xoắn lại với nhau một cách rất chi tiết và tỉ mỉ như trong phần một. Nội dung càng về cuối càng rõ ràng hơn, không kém phần rành mạch, chặt chẽ và chiếc chìa khoá trả lời cho mọi bí ẩn vẫn luôn dẫn đến điểm kết cuối cùng nơi Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Thực sự tớ rất thích ngôn từ giàu hình ảnh của tác giả, ngôn ngữ và cách dùng từ rất sinh động cũng là yếu tố góp phần để tớ quyết định chấm 4/5 sao.
Điểm sáng trong Tù Nhân Của Thiên Đường bên cạnh đó cũng chính là tình bạn của Daniel và Fermín, đúng kiểu bromance son sắc thuỷ chung trong truyền thuyết mãi mãi không lìa xa.
Điểm trừ là cuốn này thiếu đi yếu tố phiêu lưu ly kỳ và cốt truyện không đồ sộ như Bóng Hình Của Gió (BHCG hơn 500 trang trong khi TNCTD chưa đến 300 trang). Nếu như Bóng Hình Của Gió trước đó có thể ví như công trình của một toà tháp khổng lồ thì Tù Nhân Của Thiên Đường có lẽ chỉ là một ngôi nhà nhỏ bé nhưng vẫn mang nét đẹp hài hoà, và vì tớ đặc biệt thích anh chàng Fermín trong sách nên khi đọc, tớ hoàn toàn bị cuốn theo mạch truyện và cày hết chỉ trong có một buổi chiều thôi. Wow. Thật đấy, chắc chắn Fermín sẽ lọt trong top nhân vật yêu thích nhất của tớ luôn, cách tác giả Zafón khắc hoạ lên nhân vật Fermín quá chất chơi và cái miệng của anh chàng này cũng sâu cay không kém.
Tuy nhiên, có lẽ Tù Nhân Của Thiên Đường là tiền đề để viết tiếp phần thứ tư nên không có kết truyện, bí mật to nhất mà Zafón đặt ra ở đây vẫn chưa có lời giải khiến tớ có một sự hụt hẫng không hề nhẹ. Đành phải chờ tiếp phần tiếp theo của trilogy trong trạng thái hoang mang ghê gớm.
À quên mất, tuy cùng thuộc một bộ tiểu thuyết lấy chủ đề Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên, nhưng ba tập truyện này đều là truyện riêng biệt dù cũng vẫn dàn nhân vật ấy. Dù vậy chúng vẫn kết nối với nhau tạo ra một sự liền mạch chặt chẽ, một sự bện xoắn hoàn hảo, một thể thống nhất trong chủ đề và lối kể chuyện. Nên chắc chắn sau khi đọc xong phần một Bóng Hình Của Gió nhảy luôn qua phần ba – là cuốn sách này – vẫn có thể hiểu được nội dung nên không phải xoắn nha.
********
Cuốn sách “Tù Nhân Của Thiên Đường” tiếp tục câu chuyện từ phần tiếp theo của tập “Bóng hình của gió” với phong cách viết sâu lắng và khéo léo miêu tả nội tâm của các nhân vật, như chúng ta đã thấy trong tác phẩm trước của Carlos Ruiz Zafon.
Qua phần này, chúng ta càng khám phá sâu hơn những sự tối tăm trong tâm hồn của các nhân vật, từng bước từng bước. Điều này khiến chúng ta cảm nhận được sự đau thương và mệt mỏi. Mặc cho sự đau thương và mệt mỏi đó, các nhân vật vẫn luôn giữ ngọn lửa tình yêu mãnh liệt luôn bùng cháy trong lòng. Mặc dù thể xác của họ bị đè nén và tinh thần bị xúc phạm liên tục, nhưng ngọn lửa đó đã giúp họ vượt qua những biến cố của cuộc sống đầy khổ đau này.
Cuốn sách “Tù nhân của thiên đường” của tác giả Carlos Ruiz Zafón bắt đầu với việc một người đàn ông kỳ lạ xuất hiện trong hiệu sách của Daniel và gửi một lời nhắn cho bạn của Daniel là Fermin. Dần dần mọi chuyện hé mở khi Fermin kể cho Daniel biết mình từng là một tù nhân trốn trại và những người trong nhà tù đó đều liên quan ít nhiều đến Daniel. Hóa ra giám đốc nhà tù là người đã từng muốn giết Fermin, người mà bị nghi đầu độc mẹ Daniel. Tuy nhiên tác giả lại kết truyện khá là lửng lơ với bao nhiêu câu hỏi chưa được giải đáp: martin còn sống không, ai là cha thật của Daniel, ai lấy số vàng của tù nhân số 14…Kết cục khá là hụt hẫng
Cuốn sách này thực sự phù hợp với năm 2020, một năm đầy biến động và cao trào. Tuy nhiên, kết thúc của cuốn sách lại để lại một cảm giác dang dở, như thể chúng ta chưa thể hoàn toàn kết thúc mọi điều.
********
Cứ mỗi lần gấp lại trang cuối “Tù Nhân Của Thiên Đường” của một cuốn sách thuộc bộ “Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên “ của Carlos Ruiz Zefón, tôi lại cho phép mình hít một hơi thật sâu để hơi thở nhẹ nhõm hơn, trước khi đi vào những cảm xúc căn cốt dành cho trải nghiệm đọc của mình. Tác giả chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Nếu có chút ít đòi hỏi sự trưởng thành hơn nữa trong nội dung hay cốt truyện thì đó cũng chỉ như làn gió nhẹ, nó không khiến tôi muốn quay về để so sánh với ấn tượng to lớn mà “Bóng hình của gió” đã để lại. Bởi vì nó phải trải qua nhiều biến cố lịch sử mà trong đó biến cố của đời người, biến đổi của nội tâm là điều hẳn nhiên phải xảy đến.
Ở tập Tù Nhân Của Thiên Đường này, David Martín đã trở lại, thứ niềm tin từng mạnh mẽ khi rời Barcelona trước kia tạm thời đã được đóng gói lại, ông không gửi nó đến bất cứ ai trong xã hội đầy dối trá và ngụy tạo này nữa, ngoại trừ Isabella – cô thiếu nữ phụ việc khi xưa bởi vì “Isabella là điều tốt đẹp duy nhất còn lại giữa thế giới bẩn thỉu này.” Để bảo vệ nàng và gia đình cũng như để gìn giữ một tình bạn bền chặt thủy chung dẫu thay đổi của dòng lịch sử, David một lần nữa lại đặt lòng tin vào Fermin – người bạn tù cho ông một linh cảm tốt đẹp. Chiến tranh và sự bỉ ổi của một số tầng lớp đã biến xã hội thành những cuộc rượt đuổi, thanh trừng, đổ tội và cướp công. Điển hình là người bạn văn Vidal sặc mùi tư bản hay tên giám thị nhà tù Mauricio Valls, cả hai, bằng cách riêng lạnh lùng của chúng đã tước đoạt cả tình yêu lẫn sự nghiệp của ông ra khỏi cuộc đời, khiến ông trở thành một nhà văn dị hợm với công chúng, một con người vô giá trị. Chúng “thu hồi tất cả các tác phẩm của Martín và đem đốt vì bị coi là tài liệu mưu phản, vô luân lý và ngược những ứng xử cao đẹp.” Bóng tối của dối trá và nghịch lý không buông tha ông để ông phải chìm trong hố sâu đau khổ triền miên : “Trong thế giới chúng ta đang sống, điều gì cũng có thể tha thứ trừ việc nói ra sự thật.”
Tất cả biến cố ấy bắt ông bước vào bóng tối của thực tại, nói chuyện với chính mình mỗi ngày là cách giải khuây duy nhất. “Do những lời nói lảm nhảm của Martín cộng với danh hiệu cư dân mất trí của nhà tù, một số người đùa cợt ông là “Tù nhân của thiên đường.”
Fermin Romero Torres xuất hiện như một vị cứu tinh cho tất cả mọi rắc rối nội tại nhưng chính anh cũng tự tạo rắc rối cho bản thân, tự nguyện đẩy mình vào hành trình đuổi hình bắt bóng để rồi trở nên sâu sắc, thấu đáo, lanh lợi, nhiệt tình trong hết thảy sự việc và với những người đến rồi đi trong hành trình ấy. Với sự giúp đỡ của bác sĩ trại giam đầy nhân ái Sanaluja và mưu kế của Martín, Fermin đã có một cuộc vượt ngục ngoạn mục, tưởng chết rồi lại hồi sinh. Từ người trị bệnh lão làng Armando chăm sóc anh hàng tháng trời đến cha xứ Valera cho anh ăn và tặng anh quần áo giày dép hay cô gái điếm vừa thành thiếu nữ tốt bụng Rociíto với những buổi hẹn hò đầy niềm vui sống, tất cả họ đều có trái tim nhân hậu giữa sự hiểm hóc của nhân loại, họ giúp anh tiến thêm một bước tới nhiệm vụ được gửi gắm của mình: đó là tìm và bảo vệ người thân của một kẻ vừa quen chưa kịp thân nhưng câu chuyện đời của kẻ ấy đã vận vào cuộc đời anh, khiến anh sống có trách nhiệm hơn. Kể từ đó, Fermin trở thành một người đàn ông thực thụ với sự trải đời, tính lãng tử, lòng biết ơn, sự chăm chỉ và cả sự kiên định dũng cảm khi đối diện với bất cứ điều gì.
Daniel Sempere – nhân vật xưng tôi này thực ra đã xuyên suốt qua 3 tập truyện, từ bé thơ đến hiện tại, khi đã có vợ và sinh con. Là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Isabella và con trai ông Sempere, Daniel có mối liên hệ kỳ lạ với sách và với cả “Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên “ Phải chăng vì cảm nhận được điều đó mà David dành cho Daniel những lời dặn dò yêu thương trong bức thư viết và gửi vào nghĩa trang sách ấy qua người trông giữ là Issac. Để nhiều năm sau, khi những câu hỏi còn lơ lửng về những bí ẩn của Julian Carax với “Bóng hình của gió” hay David Martín với Trò chơi của thiên thần” chưa hoàn toàn được sáng tỏ, Daniel đã tìm thấy một tia sáng le lói. Một nền móng mới của hy vọng cho những quyển sách “đang chết” hay sự hiện diện vô hình của những người viết nên chúng khiến anh phấn chấn hơn. Dường như “lịch sử bí ẩn của Barcelona được nhìn qua những nhà văn bị nguyền rủa và những điều bị cấm đoán trong chính sử.” Hành trình vạch trần bộ mặt của Valls trong cái chết của mẹ anh và những sự thật đằng sau mới chỉ bắt đầu.
Tình yêu, tình bạn, tình người luôn là yếu tố chủ chốt xuyên suốt tác phẩm. Những mối giao hảo thầm kín, những tình yêu trong chịu đựng và nín lặng, trong tha thứ, hy sinh và bảo vệ luôn hiển hiện trên những trang viết. Là Cristina ở quá khứ, là Isabella hay là cô gái điếm Rociíto đã luôn thanh cao theo cách nào đó. Còn Bea hay Bernada dù xuất hiện nhạt nhoà nhưng có vẻ như đấy chỉ là khởi điểm của dòng đời còn tiếp nối. “Những người tình sẽ không bao giờ gặp lại nhau ở Barcelona cùng khiêu vũ với nhau lần cuối.” Carlos đã bỏ lửng như vậy đấy.
Càng những tập về sau, sự nặng nề của nội tâm các nhân vật được giảm nhẹ dù hoàn cảnh chưa hẳn sáng sủa hơn. Luôn có những con người mà linh hồn bị đoạ đày nhưng Carlos xử lý khá tốt với những biến động. Có lẽ vậy mà giọng văn của ông cũng bớt đi vẻ bí hiểm, trầm buồn thay vào đó là sự châm biến đủ nhẹ, là giọng văn của hành động và bứt phá. Mong được đón đọc phần cuối của bộ truyện vô cùng cuốn hút này.