Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Tuần Trăng Mật Màu Xanh của tác giả Nguyễn Thị Hoàng, cũng như link tải ebook Tuần Trăng Mật Màu Xanh miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Giới thiệu cuốn sách Tuần Trăng Mật Màu Xanh PDF
“Em đi với anh một vòng ra phố không, ta ăn sáng, hưởng một cuộc liều với anh.”
Các nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, nếu có chút nào gần gũi nhất, và cũng kỳ lạ nhất, dễ nhìn ngắm nhất và cũng khó lý giải nhất, thì họ đều là những kẻ liều thân để tìm kiếm “một chút đời” như ý muốn.
Một chút đời ấy, đối với Nhung, Đông và Ý Lan, là tìm lấy một khoảng xanh êm dịu giữa miền hỏa ngục của chiến tranh, tìm lấy chút ý nghĩa giữa những cùn mòn trơn tuột của đời sống. Họ vô tình gặp nhau, vồ vập yêu và vồ vập ân ái, vồ vập từng khoảnh khắc hạnh phúc mà cái hố đen chiến tranh chưa kịp nuốt chửng lấy.
Không có đám cưới, không có áo hoa, cũng chưa kịp trao một đính ước, nhưng đối với họ, tình yêu và những phút thăng hoa của tình yêu đã cứu rỗi, nâng đỡ tâm hồn họ, kịp cho họ hưởng một tuần trăng mật màu xanh, cho họ được một lần chạm vào sự sống giữa cuộc chiến đầy chết chóc và tối tăm.
Một câu chuyện không có thiệp cưới, lễ kết hôn, những lời chúc phúc, thế nhưng những nhân vật trong “Tuần trăng mật màu xanh”, họ vẫn có tuần trăng mật. Tuần trăng mật màu xanh.
Tuần trăng mật màu xanh diễn ra trong thời chiến.
Nhân vật Đông – một người lính mang nỗi ám ảnh của cái chết từ chiến tranh, tạm trốn khỏi quân doanh trong một kỳ nghỉ phép nhưng vẫn ngửi thấy mùi thuốc súng, mùi của cái chết, tiếng bom đạn và luật lệ trong quân đội căng thẳng đến mức nghẹt thở. Ý Lan – một người phụ nữ tình cờ vướng vào cơn say tình ái chớp nhoáng với người lính nọ, rồi suy sụp khi hay tin chồng mình đã chết, càng tuyệt vọng hơn khi nhận ra mình đã phải lòng người lính kia. Nhung – một người mang trong mình nỗi ám ảnh của cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt, với một người đàn ông không có gì thú vị, rồi sau khi gặp lại người lính đã từng là bạn mình thuở trước, lại bất chấp tất cả mà gieo mình vào cuộc tình với anh.
Ba con người, ba cuộc đời, họ gặp nhau và rồi nảy sinh những tình cảm phức tạp. Khi chiến tranh đang bao trùm lên mọi ngóc ngách của cuộc sống, sự chán chường của họ cũng như hơi ẩm trong không khí, tức là luôn hiện diện nhưng không sao rút bỏ hết đi được. Nỗi u hoài của họ là nỗi u hoàn rất đời, băn khoăn mãi về việc tương lai sẽ ra sao, và mình sẽ phải sống thế nào đây, bước tiếp thế nào đây, trong cái thực tại như chỉ chực chờ ép họ đến nghẹt thở, ép họ đến chết này. Và thế là họ tìm đến tình yêu và những niềm vui thú như một lẽ dĩ ngẫu. Nhưng bởi mối quan hệ nửa kín nửa hở này khó mà vẹn toàn được với tất cả mọi người, vì vậy rốt cuộc vẫn phải có người ra đi.
Ý Lan là một người phụ nữ, mà như cô tự nhận “bất cần, tham lam, lang bang”, một người phụ nữ mà tự bản thân cô biết rằng Đông sẽ không bao giờ yêu, hoặc chẳng bao giờ cần. Cô thừa nhận vào cái ngày nhận tin người đàn ông của mình chết, rồi nhớ về Đông, cô cảm thấy mình như đang mọc cánh bay lên. Nhưng ấy không phải là một sự tái sinh, mà là một cái chết khác. Vì cô nhận ra mình đã yêu, oan trái hơn, cô biết tình yêu với người đàn ông đó có thể cứu rỗi mình, thế nhưng cô lại không bao giờ có được điều đó.
Ý Lan yêu Đông và sẵn sàng ngồi chờ cả ngày trời bên ngoài quân doanh để chờ anh, sửa soạn cho một buổi hẹn hò trong mơ của riêng cô. Thế nhưng đối với Ý Lan, ngay từ đầu Đông đã xác định mối quan hệ giữa hai người chỉ là mối quan hệ qua đường mà thôi. Do vậy vào lần cuối gặp nhau trên sông nước đêm ấy, Đông đã bảo Ý Lan rằng, “Em đáng yêu vô cùng, nhưng mà không còn gì trong lòng tôi cả, thật uổng phí cho em.”
Còn Nhung, Nhung chính là người mà Đông muốn vun đắp tình yêu cùng. Đông cũng là lí do thúc đẩy Nhung dứt khoát chấm dứt cái mệnh đề bắt đầu có khả năng nối dài tới mệnh đề sau – “một tương lai tẻ nhạt” của mình. Cuộc sống của Nhung và Đông chẳng khác nào chuỗi những cuộc vui, họ cố gắng sống và yêu theo cách mình muốn, gắng đến nỗi mình cảm tưởng như họ không để cho chút muộn phiền nào có cơ hội chen chân vào những giây phút hai người bên nhau. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà mình luôn cảm thấy bất an khi đọc câu chuyện của họ. Mình đã có cảm giác rằng truyện của hai người sẽ không thể trọn vẹn.
Nguyễn Thị Hoàng không tả Đông là một người lính sẵn sàng hi sinh vì chiến tranh hay tập trung khắc hoạ lý tưởng cao đẹp mà ta thường thấy ở nhân vật người lính, ngược lại, bà để anh bộc lộ một cách trực quan, trần trụi nhất những suy nghĩ của mình: Về những luật lệ nơi quân ngũ khiến anh căng thẳng, về lời xì xào của những người lính khác, về người thượng sĩ lúc nào cũng ám chỉ chuyện phải có quà qua lại… Đông không phải là mẫu người lý tưởng, mình phải công nhận điều này. Đông lười biếng, hèn nhát – nếu xét theo tiêu chuẩn nhà binh, nhưng nếu nói về khát vọng được sống theo ý thích, thì anh ta là một người chăm chỉ và dũng cảm. Cái liều của Đông không thể hiện trên chiến trường, mà thể hiện trong cuộc sống cá nhân mà anh ta muốn. Như câu nói Đông bảo Nhung, “Em đi với anh một vòng ra phố không, ta ăn sáng, hưởng một cuộc liều với anh.”
Văn của Nguyễn Thị Hoàng rất thơ, hay hay, là lạ. Mình cảm thấy những nhân vật trong “Tuần trăng mật” đều có lối sống và suy nghĩ rất tài tử. Mình hiểu suy nghĩ và câu chuyện của họ, nhưng không đồng tình hoàn toàn. Tính cá nhân của những nhân vật trong câu chuyện này rất cao, nhất là Đông. Họ gieo mình vào tình yêu để tìm kiếm sự cứu rỗi, khỏa lấp khoảng trống trong lòng, tìm một lý do chính đáng để hồn mình neo lại được với đời. Họ vượt thoát và vẫy vùng, y như con cá cố tìm đường bơi ra biển lớn, nhưng sau rốt có thành hay không thì lại chẳng thể chắc chắn được.
Mình không đánh giá đây là câu chuyện hay hay không hay. Như chị mình nói, có lẽ những câu chuyện mà Nguyễn Thị Hoàng viết ra thuộc về dạng “hợp hay không hợp”. Mình thì không cảm thấy thực sự hợp lắm với câu chuyện này, nhưng có những câu văn rất chạm lòng mà mình thích. Như là, “Không thể mất đi một khúc đời nào cả. Một khúc đời còn hơn cả trăm ngàn khúc tay chân.”
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thị Hoàng
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nguyên quán ở Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, nơi thân sinh bà làm Tổng Giám thị trường Quốc học Huế từ năm 1930. Bà theo học tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và trung học Đồng Khánh Huế đến 1956 thì vào Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn theo học đại học Văn khoa, đại học Luật khoa rồi dạy học ở Đà Lạt. Năm 1964 bà bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên Vòng tay học trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Tác phẩm được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách khoa, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Năm 1966, Vòng Tay Học Trò được xuất bản thành sách, in lần thứ nhất đã 5.000 cuốn và chỉ trong vòng mấy tháng đã tái bản bốn lần.
Từ năm 1965 đến 1975, bà xuất bản gần 30 cuốn gồm tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn. Sau đó Nguyễn Thị Hoàng im tiếng suốt 15 năm vì những chuyển dời bất định trong cuộc sống riêng, trước khi trở lại vào năm 1990 với tập ghi chép Nhật Ký Của Im Lặng.
Dù vẫn chưa hề có một phê bình nhận định đúng, đủ trên quan điểm thuần túy văn học về tác phẩm và trường hợp một tác giả, Nguyễn Thị Hoàng cùng sự nghiệp văn chương của bà vẫn nổi lên như một đóa hoa rực rỡ của văn nghệ miền Nam. Để giới thiệu với thế hệ độc giả ngày nay phần nào về đóa hoa ấy, ba mươi năm sau ngày xuất bản tác phẩm chính thức cuối cùng của bà, với sự đồng ý của tác già, Nhã Nam tái bản đồng thời với Vòng tay học trò bốn cuốn truyện nữa. Không chỉ là chuyện tình, đây còn là những hoài niệm sâu đậm về thời gian, không gian từng nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn suốt cuộc đời (Một ngày rồi thôi); nỗi niềm và suy tư của người đàn bà giữa thời tao loạn (Tiếng chuông gọi người tình trở về); thái độ và khát vọng sống của con người trong tấm lưới chiến cuộc bủa vây (Tuần Trăng Mật Màu Xanh và Cuộc Tình Trong Ngục Thất). Qua những tác phẩm này, chúng tôi mong sẽ có thể dò tìm được mạch ngầm tư tưởng của tác giả, và, trên hết thảy, thấy lại chút chứng tích tâm thức của một thời đã qua.