Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Tục Thế Kỳ Nhân của tác giả Phùng Kí Tài, cũng như link tải ebook Tục Thế Kỳ Nhân miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Giới thiệu sách Tục Thế Kỳ Nhân PDF
Cuốn sách “Tục Thế Kỳ Nhân” mở đầu với Vệ Thiên Tân, một bến cảng thu hút cư dân từ khắp nơi đến đây để làm ăn sinh sống. Với tính cách đa dạng, đây là nơi tập trung những người có nguồn gốc và tầng lớp khác nhau. Vì từng là mảnh đất của nước Yên, vùng đất này từng sống sót qua cuộc nội chiến khốc liệt, và do đó, địa lý của nó đã tạo ra nhiều nhân vật quái lạ và đặc biệt. Từ giới trí thức tầng lớp trên đến giang hồ tầng lớp lao động, tất cả đều tìm thấy đất sống và cuộc sống của mình ở Vệ Thiên Tân.
Trong cuốn sách “Tục Thế Kỳ Nhân”, tác giả Phùng Kí Tài đã tổng hợp hơn 50 câu chuyện về những nhân vật kỳ nhân và dị sĩ của Thiên Tân. Mỗi câu chuyện đều liên quan đến một nhân vật và được viết rõ ràng. Ngoài ra, các câu chuyện còn được minh họa bằng những bức tranh mà chính tác giả vẽ.
Khi nhắc đến giang hồ và võ hiệp của Trung Hoa, chúng ta thường nghĩ đến các bộ phim kiếm hiệp với những màn võ công đầy ấn tượng và tuyệt kỹ của các môn phái, hay những màn biểu diễn kỹ thuật võ công vào cảnh tượng, chẳng hạn như đập đá bằng tay trần, nằm bàn chông, hoặc nuốt gươm đao. Trong “Tục Thế Kỳ Nhân”, các kỳ nhân và dị sĩ này đến từ các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội Thiên Tân cách đây hơn trăm năm, từ những người làm công việc như quét vôi, nắn xương cốt, bán chè, bán bánh bao, đến những nghề nặn tượng, làm pháo, làm họa sĩ, và cả những tội phạm gian trá. Mỗi người trong nghề nghiệp riêng của mình đã đạt tới trình độ thượng thừa, đạt tới mức khiến độc giả cảm thấy khó tin rằng đây là những câu chuyện có thật.
Giới thiệu về tác giả Phùng Kí Tài
Tác giả Phùng Kí Tài, một nhà văn nổi tiếng trong thời kỳ văn học mới của Trung Quốc từ sau năm 1977 đến nay. Ông sinh ra ở thành phố Thiên Tân, từng trải qua giai đoạn “cách mạng văn hóa” và phải chịu đựng nhiều khổ cực như bao người trí thức khác như đi làm công nhân, người bán hàng, dạy học và nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống. Trong quá trình sinh sống ở Thiên Tân, ông từng nghe rất nhiều chuyện về những nhân vật quái kiệt ở mảnh đất cảng này nên đã bỏ công sưu tầm và ghi chép lại để hậu thế thưởng ngoạn.
Đọc thử sách Tục Thế Kỳ Nhân PDF
TÔ BẢY ĐỒNG Thầy lang Tô vốn tên là Tô Kim Tán, đầu những năm Dân Quốc, mở một hàng thuốc nắn khớp chỉnh xương ở khu Tiểu Bạch Lâu, có thể nói đứng hàng đầu ở vệ Thiên Tân, ngay cả người Tây Dương đua ngựa bị trật khớp, gãy xương cũng đến nhờ ông chữa.
Thầy lang Tô vóc cao áo dài, bàn tay xương xẩu nhưng có lực, tuổi chừng ngoại ngũ tuần, môi hồng răng trắng, con mắt sáng như đèn, dưới cằm là một chòm râu dê, được chuốt dầu đen bóng. Hễ cất giọng nói, âm thanh từ xoang não đi ra mang theo khí từ đan điền, khiến gần xa vang ngân, nếu như năm xưa ông vào phường học hát kịch thì đảm bảo là đối thủ đáng gờm của Kim Thiếu Sơn. Động tác bàn tay của ông mới càng gọi là “sạch sẽ nhanh gọn”. Gặp có người bị trật khớp, gãy xương tìm đến nhờ chữa trị, ông chỉ cần chạm một ngón tay thì dẫu cách da cách thịt, nhưng mọi thứ bên trong như thế nào, ông đều lập tức tỏ tường hết thảy. Rồi bỗng nhiên hai bàn tay như một đôi chim trắng, bay lên liệng xuống, nhanh như chớp giật, chỉ nghe một tiếng “cắc cắc”, bệnh nhân còn chưa kịp cảm thấy đau thì xương gãy đã tiếp nối, dán thêm một miếng thuốc cao, buộc hai thanh nẹp, người bệnh về nhà sẽ tự khỏi. Nếu như có quay lại thì nhất định là để sụp lạy mà kính tặng một bức hoành phi đại tự để cảm tạ đại ân.
Người có tài năng thì tính khí nhất định có điểm đặc biệt khác người. Thầy lang Tô có một quy định đặc biệt là: phàm người đến khám bệnh, bất luận giàu nghèo thân sơ, tất đều phải trước tiên đưa đủ bảy đồng bạc lên mặt quầy thì ông mới chịu xem bệnh, nếu không nhất quyết không thèm để ý. Đó là thứ quy định gì? Nhưng ông ấy quy định như vậy đấy! Người ta chửi thầy lang Tô là chỉ biết có tiền, không biết đến người, tài nghệ đáng giá bảy đồng, vì vậy đặt cho ông biệt hiệu mang tính châm biếm, gọi là: Tô Bảy Đồng. Trước mặt thì gọi ông là Tô đại phu, nhưng sau lưng thì gọi ông là Tô Bảy Đồng, chứ chẳng ai biết đến đại danh Tô Kim Tán của ông cả.
Thầy lang Tô thích đánh mạt chược, một hôm rảnh rỗi, có hai người bạn đánh mạt chược đến chơi. Ba người thì thiếu một chân, họ bèn mời thầy lang Hoa – một thầy thuốc chữa răng ở phía bắc phố không xa, cùng lập một bàn mạt chược. Chơi đang hứng thú thì chợt có người phu xe xích lô là Trương Tứ chạy xộc vào, đứng tựa vào bên cửa, tay phải đỡ cánh tay trái, trên đầu trên trán túa mướt mồ hôi, quanh cổ cái áo ngắn cũng ướt sũng một đám, rõ ràng là bị ngã gãy tay rồi, đau đớn không thể chịu nổi. Khốn nỗi phu xe xích lô thì ai chẳng ráo mồ hôi là hết tiền, đào đâu ra được bảy đồng bạc đây? Trương Tử nói tạm xin nợ thầy lang Tô, sau này nhất định sẽ trả đủ, vừa nói vẫn vừa kêu ôi ối vì đau. Ai ngờ, thầy lang Tô nghe cũng như không vẫn đủng đỉnh ngồi bốc bài, xem bài, tính bài, chơi bài như cũ, khi vui khi lo khi sợ khi giả vờ không sợ, đầu óc đều để cả vào bàn mạt chược. Một người bạn chơi bài nhìn thấy thế không chịu nổi, đưa ngón tay chỉ chỉ ra ngoài cửa, nhưng thầy lang Tô mắt vẫn không rời quân bài. Cái biệt hiệu “Tô Bảy Đồng” đúng là thể hiện ra không thể chối cãi đi đâu được.
Thầy lang Hoa chữa răng nổi tiếng thiện tâm, ông lấy cớ đi giải, rời bàn mạt chược đi ra sân sau, rồi luồn qua của sau, vòng ra đường trước, đứng từ xa lặng yên vẫy tay gọi Trương Tử đang đứng tựa bên cửa lại, móc từ trong người ra lấy bảy đồng bạc đưa cho anh ta, rồi không đợi Trương Tứ cảm tạ, lập tức quay người theo đường cũ trở lại, vào buồng ngồi xuống bàn mạt chược, tiếp tục chơi bài tựa như không có chuyện gì cả.
Một lát sau, Trương Tứ lảo đảo đi vào phòng, cầm bảy đồng bạc để kêu “reng” lên mặt quầy. Bấy giờ nhanh còn hơn cả bấm chuông, thầy lang Tô đã đứng ngay trước mặt Trương Tứ từ khi nào, vén tay áo, cầm cánh tay Trương Tứ đặt lên quầy, nắn một chút chỗ khớp xương, bàn tay kéo bên trái, đẩy bên phải, dưới đẩy lên, trên ấn xuống. Trương Tứ so vai rụt cổ, nhắm mắt nghiến răng, sẵn sàng chuẩn bị để chịu đau một lúc, thì thầy lang Tô đã nói: “Nắn vào rồi.”
Xong liền bôi thuốc cao lên, nẹp nẹp lại, còn đưa cho Trương Tứ mấy túi thuốc bột hoạt huyết giảm đau để uống. Trương Tứ nói, anh ta không còn tiền để trả tiền thuốc, nhưng thầy lang Tô chỉ nói một câu: “Thuốc này tôi cho anh.” Rồi liền quay ngay lại bàn mạt chược.
Hội mạt chược hôm ấy ai nấy cũng có thắng có thua, mãi không dứt ra nổi, tận đến lúc lên đèn, bụng đói réo sôi ùng ục, mọi người mới tan. Lúc ra đến cửa, thầy lang Tô đưa cánh tay gầy, ngăn thầy lang Hoa giữ lại bảo có việc riêng. Đợi sau khi hai người bạn mạt chược kia đi rồi, ông mới lấy từ chỗ tiền mà mình vừa ngồi chơi bài ra bảy đồng bạc, đưa vào tay thầy lang Hoa. Thầy lang Hoa còn đang ngạc nhiên thì ông đã nói: “Có câu này phải nói với ông. Ông chớ cho rằng tôi là con người tâm địa bất thiện, chỉ là cái quy định tôi đã lập ra thì không thể trái lại được!”
Thầy lang Hoa mang theo câu nói ấy ra về, nghĩ ngợi suốt ba ngày ba đêm, rốt cuộc cũng không thể nghĩ ra được thâm ý bên trong câu nói ấy của thầy lang Tô. Nhưng từ sâu trong lòng mình, ông rất khâm phục việc làm, lý lẽ và con người thầy lang Tô.