Vào khoảng đầu thập niên 70, Nguyễn Nam Anh của tạp chí Văn ở Sài Gòn có hỏi Bình-nguyên Lộc trong một cuộc phỏng vấn về tác phẩm ưng ý nhất của ông, Bình-nguyên Lộc cho biết, trong tất cả những gì đã viết, ông thích nhất ba cuốn : Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình-nguyên Lộc, Cuống rún chưa lìa và Tỳ vết tâm linh. „Tại chủ quan tôi thấy nó hay. Nhưng người khác chưa chắc đã thấy như tôi. Tỳ vết tâm linh là cuốn truyện dày về một thiếu nữ bị bệnh tâm trí. Cùng một chủ đề tâm trí, ông còn nhiều truyện ngắn. Cái cảm tình „chủ quan“ của ông đối với cuốn truyện dày kia có chỗ thương tâm.
Chúng ta chắc chắn là chưa kiểm điểm dược mọi nỗi niềm tâm sự của Bình-nguyên Lộc : đời có ai thấu hết được lòng ai. Tưởng không nên tham lam quá.
Ra khỏi trại bịnh hơn mười phút đồng hồ rồi mà Lưu còn nghe choáng váng bàng hoàng.
Chàng vừa trải qua những phút chấn động tâm thần mãnh liệt, nó suýt dìm chàng vào cõi bất thức giác y như người em gái của chàng, con bịnh mà chàng vừa thăm.
Ba tháng trước, ngày Bích lên cơn điên, chàng ở trên Đà Lạt. Cha mẹ chàng đã đưa Bích vào nhà thương Chợ Quán rồi đánh điện cho chàng hay tin.
Chàng đã thăm Bích hai lần, khi về Sàigòn, lúc ấy thì Bích đập phá, la hét rầm trời nhưng chàng không hề bối rối hay hoảng sợ chút nào. Chàng đã nghe sách vở và bạn hữu của chàng, những người bạn nghiên cứu chuyên khoa về khoa tâm bịnh, nói rằng những con bịnh làm ồn và phá phách, coi vậy mà rất mau khỏi.
Vả lại, lúc ấy Bích còn tươi tốt hồng hào lắm, hồng hào quá, và rất hung hăng, trông Bích như một con ác thú, như một người say rượu, không gợi tình thương xót bao nhiêu.
Rồi thì Bích được đưa lên đây, lên dưỡng trí viện nầy mà tục thường gọi là nhà thương điên Biên Hòa.
Đường xa, chàng bận học, cha mẹ chàng, nhứt là mẹ chàng, cứ giành đi thăm Bích mãi nên chàng không thấy mặt Bích đã hơn mười tuần lễ rồi.
Cứ theo lời mẹ chàng thì Bích đã đỡ nhiều, không la, không cười vô cớ nữa, cũng không đánh đập, cào cấu cắn xé ai nữa. Nhưng chàng ngờ 1ắm. Người ta đưa Bích lên Biên Hòa, sự kiện ấy chứng tỏ một tình trạng ngược lại mà bà cụ không dè.
Chàng thì chàng biết, cũng cứ qua sách vở và lời của bạn hữu. Nhưng chàng chỉ biết vậy… vậy thôi, cho đến cái giây phút đầu mà chàng thấy mặt đứa em gái thân yêu của chàng ở lần thăm đầu, hôm tuần trước.
Lưu trông Bích không khác ngày thường bao nhiêu. Nàng giống một thiếu nữ vừa qua một cơn ốm nặng, cảm cúm, hay sốt rét rừng gì đó, nước da xanh mét, thân thể tiều tụy. Chỉ có thế thôi. Mà với sinh lực hai mươi, sự suy đồi của cơ thể của Bích không đáng ngại, hễ ăn ngon ngủ kỹ vài hôm, hoặc tiêm độ năm bảy mũi thuốc nước cốt gan là lại sức ngay. Nhưng mà …
Bích chỉ còn là một con hình nộm không hồn mà thôi. Đôi mắt lờ đờ, mất thần của nàng trước người anh ruột của nàng, nhìn chàng trân trân mà không thấy, đôi môi cứ mấp máy, lẩm bẩm những gì không nghe được, bốn ngón tay cứ xe mãi một sợi chỉ vô hình rất dài, tất cả những thứ ấy làm cho chàng thấy em gái của chàng xa chàng vạn dặm.
Chàng đã mất Bích rồi, mất hẳn, không sao tìm lại được, vì chàng lo rằng Bích đã bước qua cái giai đoạn khó khăn nhứt trong các chứng bịnh tâm trí, giai đoạn mà bản ngã của con người co rút lại để không bao giờ mở ra được nữa cả.
Lưu đã khóc, đó là những giọt lệ đầu tiên của người con trai nầy, kể từ khi hắn rời bỏ tuổi thơ ấu.
Thật ra thì chàng đã khóc ngày chàng vừa được điện tín của cha mẹ chàng đánh lên Đà Lạt. Chàng biết em chàng đau khổ từ ngày vị hôn phu của nó bỏ rơi nó để cưới con gái một triệu phú.
Cái anh vị hôn phu ấy là bạn của chàng, hắn tới lui nhà chàng thường lắm nên hai đứa nó yêu nhau, và Bích mới yêu vỡ lòng nên yêu nhiều lắm.
Chàng đã khóc hôm ấy, nhưng rồi chàng buồn cười cho chàng lắm, bật cười ra và hết buồn ngay. Chàng cứ ngỡ Bích nó trẻ con nên đau tương tư bậy bạ vậy thôi rồi vài ngày nó sẽ nguôi.
Lần thăm trước thì chàng khóc nghẹn ngào. Và lần nầy nữa, vì đây là lần thứ nhì mà chàng đi thăm Bích. Không dám đứng lâu nơi cửa phòng bịnh để nhìn mãi cái cảnh đau lòng mà chàng hoàn toàn bất lực cứu vãn, Lưu bước ra ngoài, đi thơ thẩn trên con đường viền cỏ vú sữa, bần thần như là chính mình đang đau ốm.
Khi chàng lần bước ra tới ngã ba mà con đường nhỏ nầy gặp con đường lớn, con đường chánh của nhà thương, thì chàng thoáng thấy hai người đi thăm bịnh cũng vừa bước tới đó.
Hôm nay là một ngày thường, tức ngày làm việc, nên người thăm bịnh thưa thớt lắm.
Mời các bạn đón đọc Tỳ Vết Tâm Linh của tác giả Bình Nguyên Lộc.