Tình yêu là gì? Cảm thấy nó thì dễ, định nghĩa tình yêu quả thực khó. Nếu bạn hỏi cá biển giống gì, cá sẽ nói, “Đây là biển. Biển là tất cả xung quanh. Và nó là thế.” Nhưng nếu bạn cứ nài nỉ mãi – “Xin định nghĩa biển đi” – thế thì vấn đề trở thành quả thực rất khó.
Điều cao thượng nhất và tuyệt vời nhất trong cuộc sống có thể được sống, có thể được biết tới, nhưng chúng lại khó định nghĩa, khó mô tả.
Khổ của con người là thế này: trong bốn đến năm nghìn năm qua con người đơn giản nói và nói mãi về cái gì đó mà con người phải đã sống một cách tha thiết nhất, về cái gì đó mà phải được nhận ra từ bên trong – về tình yêu. Đã có những bài nói vĩ đại về tình yêu, vô số bản tình ca đã được hát lên, và những bài thánh ca thành kính vẫn liên tục được tụng niệm trong chùa chiền, đền đài và nhà thờ – tất cả những điều đó chẳng được tiến hành nhân danh tình yêu sao? – vậy mà vẫn không có chỗ cho tình yêu trong cuộc sống con người. Nếu chúng ta đào sâu vào trong ngôn ngữ của nhân loại, chúng ta sẽ không tìm ra từ nào không thật hơn từ “tình yêu”.
Tất cả các tôn giáo đều mang thái độ kì quặc về tình yêu, nhưng loại tình yêu thấy được ở mọi nơi, loại tình yêu đã bao bọc con người như bất hạnh cha truyền con nối nào đó, thì chỉ thành công trong việc đóng lại tất cả các cánh cửa tới tình yêu trong cuộc sống con người. Nhưng đám đông tôn thờ những nhà lãnh đạo tôn giáo như đấng sáng tạo của tình yêu. Họ đã làm cho tình yêu thành giả; họ đã chặn lại mọi dòng suối của tình yêu. Trong trường hợp này không có khác biệt cơ bản nào giữa Đông và Tây, giữa Ấn Độ và Mĩ.
Dòng suối tình yêu đó vẫn còn chưa trào lên bề mặt trong con người. Và chúng ta đóng góp điều này cho chính bản thân con người. Chúng ta nói nó hiện hữu bởi vì con người bị tha hoá và tình yêu đã không tiến hoá, và không có dòng chảy tình yêu trong các kiếp sống của mình. Chúng ta trách nó dựa trên tâm trí; chúng ta nói tâm trí độc. Tâm trí không độc. Những người đã làm thoái hoá tâm trí, đã đầu độc tình yêu; họ đã không cho phép trưởng thành của tình yêu. Chẳng có gì trong thế giới này độc cả. Không cái gì xấu trong toàn bộ sự sáng tạo của Thượng đế; mọi thứ đều là nước cam lồ. Chỉ mỗi con người biến chiếc cốc đầy nước cam lồ này thành nước độc. Và thủ phạm chính là cái gọi là các thầy giáo, cái gọi là những người linh thiêng và thánh nhân, chính khách.Suy ngẫm về điều này thật chi tiết vào. Nếu bệnh này không được hiểu ngay ra, nếu nó không được làm lành mạnh ra, chẳng có khả năng nào cho tình yêu trong cuộc sống của con người – bây giờ hay trong tương lai.
Điều mỉa mai là ở chỗ ngay từ đầu chúng ta đã chấp nhận một cách mù quáng nguyên nhân cho điều này từ chính cội nguồn đáng bị trách cứ về việc không làm rạng lên tình yêu trên đường chân trời của con người. Những nguyên tắc lầm lạc vẫn được lặp đi lặp lại mãi qua nhiều thế kỉ, chúng ta không thấy được dối trá cơ bản đằng sau những nguyên tắc nguyên thuỷ đó. Và thế rồi hỗn loạn được tạo ra, bởi vì con người bản năng không thể trở thành cái mà những qui tắc phi tự nhiên này nói người đó đáng phải trở thành. Chúng ta đơn giản chấp nhận rằng con người là sai.
Trong thời cổ đại, tôi đã từng nghe, một người bán quạt rong ngày nào cũng đi qua trước cung điện nhà vua. Anh ta khoe khoang về những chiếc quạt duy nhất và tuyệt vời của mình. Anh ta tuyên bố chưa ai đã từng thấy những chiếc quạt như vậy trước đây.
Nhà vua có một bộ sưu tập tất cả các loại quạt từ mọi xó xỉnh trên thế giới và do vậy ông ta tò mò. Một hôm ông ta ngó nghiêng qua ban công để xem người bán quạt duy nhất và tuyệt vời này. Với ông ta những cái quạt ấy có vẻ tầm thường, chẳng đáng giá một xu, nhưng dẫu sao ông ta vẫn gọi người này lên lầu. Nhà vua hỏi, “Độc đáo của quạt này là gì? Và giá của chúng ra sao?”
Người bán rong đáp, “Tâu Bệ hạ, chúng không đắt lắm đâu. So với phẩm chất của những quạt này, giá rất thấp: một trăm ru pi một quạt.”
Nhà vua ngạc nhiên, “Những một trăm ru pi sao! Quạt một xu này có ở khắp chợ. Mà ngươi lại đòi những một trăm ru pi! Có gì đặc biệt về những chiếc quạt này?”
Người này nói, “Phẩm chất của chúng! Mỗi chiếc quạt này được đảm bảo thọ tới một trăm năm. Thậm chí trong một trăm năm nó cũng không hỏng.”
“Mới nhìn dường như nó không thể nào thọ nổi một tuần. Ngươi định xỏ ta chăng? Đây rõ ràng là dối trá? Mà dối trá với vua nữa?”
Người bán hàng trả lời, “Tâu Bệ hạ, thần không dám. Bệ hạ biết rất rõ rằng thần hàng ngày đi qua dưới ban công bệ hạ, để bán quạt. Giá là một trăm ru pi một quạt, và thần chịu trách nhiệm nếu nó không thọ được một trăm năm. Hàng ngày thần đều có ở phố. Và trên hết, bệ hạ là người cai trị mảnh đất này. Làm sao thần có thể an toàn được nếu định lừa bệ hạ?”
Cái quạt được mua với giá đã rao. Mặc dầu nhà vua không tin gì người bán rong, nhưng ông ta chết vì tò mò muốn biết người này có nền tảng gì mà đưa ra phát biểu như vậy. Người bán hàng được lệnh phải đến trình diện vào ngày thứ bẩy.
Chốt trung tâm của quạt rời ra sau ba ngày, và cái quạt rã ra trước khi hết một tuần.
Nhà vua chắc chắn người bán quạt sẽ không bao giờ quay lại nữa, nhưng ông ta rất ngạc nhiên là người này lại đến trình diện như đã được yêu cầu – đúng lúc, đúng ngày thứ bẩy.
“Xin tuân chỉ bệ hạ.”Và vua nổi giận. “Ngươi là kẻ bất lương! Ngươi là đồ ngu! Nhìn đây. Quạt của ngươi đấy, tan thành từng mảnh. Đây là hiện trạng của nó trong một tuần, và ngươi lại đảm bảo nó sẽ thọ một trăm năm! Ngươi có điên không, hay chỉ là kẻ siêu dối trá?”
Người này khiêm tốn đáp lại, “Với tất cả sự cung kính, theo thần dường như Bệ hạ không biết cách dùng quạt. Chiếc quạt này phải thọ được một trăm năm; điều đó là đảm bảo. Bệ hạ đã quạt thế nào?”
Nhà vua nói, “Trời đất. Bây giờ ta phải học cả cách quạt nữa sao!”
“Xin bệ hạ bớt giận. Làm sao cái quạt này lại tới nông nỗi này chỉ trong có bẩy ngày? Bệ hạ đã quạt như thế nào?”
Nhà vua nhấc quạt lên, chỉ ra cách thức mình dùng quạt. Người này nói, “Bây giờ thần hiểu rồi. Bệ hạ không nên quạt như thế.”
“Còn cách nào khác nữa?” nhà vua hỏi.
Người này giải thích, “Bệ hạ hãy giữ chiếc quạt đứng yên. Để nó đứng yên ngay trước bệ hạ và thế rồi bệ hạ lắc lư đầu mình. Chiếc quạt sẽ thọ được một trăm năm. Bệ hạ sẽ qua đời nhưng chiếc quạt vẫn còn nguyên không suy suyển. Chẳng có gì sai với quạt cả; cách bệ hạ quạt là sai. Bệ hạ giữ chiếc quạt cho chắc rồi chuyển động đầu mình. Quạt của thần nào có lỗi gì đâu? Lỗi là ở bệ hạ, không phải là ở chiếc quạt của thần.”
Nhân loại bị buộc tội mắc lỗi tương tự. Nhìn nhân loại đi. Con người ốm yếu thế, ốm yếu từ những bệnh tật tích luỹ trong năm, sáu, mười nghìn năm. Người ta cứ lặp đi lặp lại mãi rằng chính con người sai, không phải là nền văn hoá.
Con người đang mục ruỗng, vậy mà nền văn hoá lại được ca tụng. Nền văn hoá vĩ đại của chúng ta! Tôn giáo vĩ đại của chúng ta! Mọi thứ đều vĩ đại! Và nhìn quả của nó!
—
Tác giả Osho, tên thật là Chandra Mohan Jain, là một nhà thần học, giáo sư và nhà triết học Ấn Độ nổi tiếng. Ông sinh ngày 11 tháng 12 năm 1931 ở Kuchwada, một làng nhỏ ở miền trung Ấn Độ. Osho được biết đến với tư tưởng và triết lý về sự tự giác, tình yêu, và đặc biệt là với phong cách sống thiền định độc đáo mà ông giáo dục.
Cuộc đời của Osho được đánh dấu bởi sự đổi mới và gây tranh cãi. Ông là một người lãnh đạo tinh thần, nhưng cũng gặp nhiều tranh cãi vì những ý kiến và hành động gây sốc. Osho đã thành lập cộng đồng Thiền định Rajneeshpuram ở Oregon, Hoa Kỳ, nhưng sau đó bị buộc tội về các hành vi phạm tội và bị trục xuất khỏi nước này vào những năm 1980.
Sự nghiệp của Osho bao gồm việc viết nhiều sách với chủ đề rộng lớn, từ thiền định, tình yêu, đến vấn đề xã hội và văn hóa. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm “Bhagavad Gita: Talks on the Songs of Kabir” và “The Book of Secrets.” Phong cách viết của Osho thường gây ấn tượng mạnh mẽ và thách thức đối với người đọc.
Osho qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 1990 tại Pune, Ấn Độ. Tuy ông không còn sống nhưng tác phẩm và tư tưởng của Osho vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người trên khắp thế giới. Cộng đồng và trung tâm thiền định mang tên Osho vẫn tồn tại và thu hút người học và người tìm kiếm sự tự giác.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Vấn Đề Dục Tính: Từ Tình Dục đến Siêu Tâm Thức của tác giả Osho