Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Về Phía Mặt Trời của tác giả Matthew Quick, cũng như link tải ebook Về Phía Mặt Trời miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Giới thiệu, Tóm tắt nội dung sách Về Phía Mặt Trời PDF
Về phía mặt trời là câu chuyện táo bạo về Pat Peoples, người từng là giáo viên trung học môn lịch sử, trở về nhà sau một thời gian dài điều trị trong bệnh viện tâm thần, và sống cùng cha mẹ. Pat tình cờ gặp Tiffany, cô em dâu góa chồng của cậu bạn thân Ronnie. Hai con người kỳ lạ, cùng có những vấn đề về tâm lý-tâm thần, dần phát triển một tình bạn kỳ lạ. Trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này, Matthew Quick dẫn chúng ta đi cùng Pat, cho chúng ta thấy thế giới từ quan điểm méo mó mà dễ thương của anh. Kết quả là một câu chuyện cảm động và hài hước giúp chúng ta có một cái nhìn tươi mới về sự thất vọng và tình yêu.
Giới thiệu về tác giả Matthew Quick
Matthew Quick, sinh năm 1973, là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm văn học đầy cảm xúc. Anh lớn lên tại Oaklyn, một thành phố giàu truyền thống lịch sử ở New Jersey, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học La Salle với hai bằng về văn học Anh và Sư phạm, Quick đã dành một phần đời mình để giảng dạy văn học tại trường trung học ở quê nhà. Tuy nhiên, niềm đam mê cháy bỏng với văn chương đã thôi thúc anh từ bỏ công việc giảng dạy vào năm 2004 để theo đuổi con đường sáng tác chuyên nghiệp.
Năm 2008, Matthew Quick cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “The Silver Linings Playbook” (tựa tiếng Việt: “Về phía mặt trời”). Tác phẩm nhanh chóng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả và giới phê bình, trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều tuần liền theo xếp hạng của tạp chí The New York Time. “The Silver Linings Playbook” là câu chuyện đầy cảm động về Pat Peoples, một người đàn ông mắc chứng rối loạn lưỡng cực, và hành trình tìm lại chính mình sau những biến cố cuộc đời.
Năm 2012, “The Silver Linings Playbook” được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn tài ba David O. Russell. Bộ phim đã gặt hái thành công vang dội, giành được bốn đề cử quan trọng nhất của giải Oscar, bao gồm Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Nữ diễn viên Jennifer Lawrence đã xuất sắc giành được tượng vàng Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn Tiffany trong phim.
Tính đến nay, Matthew Quick đã cho ra mắt 6 cuốn tiểu thuyết, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học đương đại. Ba tác phẩm của anh đã được dịch sang tiếng Việt và giới thiệu đến độc giả Việt Nam, bao gồm “The Silver Linings Playbook” (“Về phía mặt trời”), “Boy21” và “Chết đi cho rồi, Leonard Peacock”. Mỗi tác phẩm của Matthew Quick đều mang đến những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình yêu, và sự đồng cảm, chạm đến trái tim của độc giả bằng giọng văn chân thành và đầy cảm xúc.
Đọc thử sách Về Phía Mặt Trời PDF
CHUỖI NGÀY BẤT TẬN TRƯỚC CUỘC ĐOÀN TỤ TẤT YẾU CÙNG NIKKI
Chẳng cần ngước lên tôi cũng biết Mẹ lại đến thăm đột xuất. Vào mùa hè bao giờ bà chả sơn móng chân màu hồng; và tôi nhận ra hình vẽ hoa trên đôi dép da, đôi dép Mẹ mua lần trước khi bà ký giấy cho tôi ra khỏi nơi xấu xa này và đưa tôi đến khu mua sắm.
Lần này, Mẹ lại bắt gặp tôi mặc áo choàng tắm khi tôi đang tập một mình trong sân, và tôi mỉm cười vì biết bà sẽ quở trách bác sĩ Timbers, sẽ hỏi ông ta sao phải nhốt tôi nếu suốt ngày bỏ mặc tôi một mình.
“Con định chống đẩy đến bao giờ hả Pat?” Mẹ nói khi tôi bắt đầu lượt một trăm thứ hai, không nói chuyện với bà. “Nikki-thích-một-người-có-thân-trên-săn-chắc,” tôi nói, thổ ra từng từ sau mỗi cái chống đẩy, nếm vị mồ hôi mặn chảy vào mép.
Trời tháng Tám sương mù dày đặc, thật lý tưởng để đốt chất béo.
Mẹ đứng nhìn một đôi phút, rồi bà làm tôi bất ngờ. Bà nói, giọng run rẩy, “Hôm nay con muốn về nhà với mẹ không?”
Tôi thôi chống đẩy, quay mặt lên nhìn Mẹ, nheo mắt vì ánh ban trưa trắng xóa – và tôi có thể nói ngay rằng Mẹ rất nghiêm túc, vì trông bà lo lắng, chừng như đang phạm sai lầm, và Mẹ hay vậy khi bà thật lòng nói gì đó, còn bình thường khi không buồn phiền hay lo sợ thì bà cứ nói huyên thuyên cả giờ không ngớt.
“Nhưng con phải hứa không được đi tìm Nikki nữa,” bà nói thêm, “con có thể về nhà và sống với bố mẹ cho đến khi chúng ta tìm cho con một công việc và một chỗ sống ổn định.”
Tôi lại tiếp tục chống đẩy, mắt dán vào con kiến đen óng đang bò trên ngọn cỏ ngay dưới mũi, nhưng tầm nhìn tôi còn thấy cả những giọt mồ hôi từ trên mặt nhỏ xuống đất.
“Pat à, con chỉ cần nói là sẽ về ở với mẹ, mẹ sẽ nấu cho con ăn, và con có thể đi thăm các bạn cũ và bắt đầu quay về cuộc sống bình thường. Mẹ xin con. Mẹ cần con đồng ý. Chỉ vì mẹ thôi, Pat à. Mẹ xin con đấy.”
Tôi chống đẩy nhanh hơn, cơ ngực dồn dập, lớn lên – đau, nóng, mồ hôi, thay đổi.
Tôi không muốn ở chỗ xấu xa này, nơi không ai tin vào tia hy vọng, vào tình yêu, hay những kết thúc có hậu, nơi người ta cứ bảo tôi rằng Nikki sẽ không thích dáng vẻ mới của tôi, và rằng nàng cũng không muốn gặp tôi khi thời gian cách ly kết thúc. Nhưng tôi cũng sợ những người trong cuộc đời cũ của tôi sẽ không hào hứng như tôi đang cố gắng lúc này.
Cho dù có thể, nếu mà suy nghĩ cho rành rẽ ra, thì tôi cần thoát khỏi những tay bác sĩ ác ôn và những mụ y tá xấu xa kia – với cơ man nào là thuốc với cả cốc giấy – và vì qua mặt Mẹ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều qua mặt mấy y bác sĩ kia, nên tôi nhảy dựng lên, đứng trên hai chân mà nói, “Con sẽ về sống với mẹ cho đến khi hết thời gian cách ly.”
Trong khi Mẹ đang làm thủ tục, tôi về phòng để tắm lần cuối, rồi nhét quần áo và tấm hình đóng khung của Nikki vào chiếc túi xách ngang. Tôi nói lời từ biệt anh bạn Jackie cùng phòng, cậu ta cứ nằm trên giường mà nhìn chằm chằm vào tôi như mọi khi, nước dãi thò lò như mật ong trong vắt chảy xuống cằm. Jackie tội nghiệp với mớ tóc bù xù, cái đầu hình dạng kỳ quặc và cơ thể nhão nhoét. Gái nào mà thích cậu ta được nhỉ?
Cậu ta nheo mắt với tôi. Tôi xem đó như lời tạm biệt và chúc may mắn, nên tôi chớp lại cả hai mắt – nghĩa là chúc cậu may mắn gấp đôi, Jackie, tôi nghĩ cậu ta hiểu, vì cậu ta ậm ừ, vai nhếch lên tận mang tai mỗi khi cậu ta hiểu ý người khác.
Các bạn khác của tôi đang ở lớp nhạc thư giãn, tôi không tham gia lớp này, vì nhạc jazz nhẹ nhàng đôi khi làm tôi bực bội. Nghĩ có lẽ nên nói lời biệt những người đã bảo vệ tôi khi tôi bị nhốt, tôi nhìn vào cửa sổ phòng nhạc và thấy các bạn mình đang ngồi trên thảm hồng tập một tư thế yoga, cùi chỏ họ chống lên gối, lòng bàn tay áp vào mặt, mắt nhắm lại. Thật may quá, tấm kính chắn cửa ngăn tiếng nhạc jazz mềm mại khỏi vào tai tôi. Trông các bạn tôi thật sự thư thái – thanh thản – nên tôi quyết định không quấy rầy buổi học của họ. Tôi ghét những cuộc chia tay.
Bác sĩ Timbers đang đợi tôi trong chiếc áo choàng trắng khi tôi gặp Mẹ trong hành lang, ở đây có ba cây cọ đặt xen giữa những chiếc ghế tràng kỷ và ghế thư giãn, như thể nơi xấu xa này là Orlando chứ không phải Baltimore. “Hãy vui hưởng cuộc sống nhé,” ông ta bảo – vẫn với cái vẻ mặt nghiêm nghị ấy – và bắt tay tôi.
“Ngay khi hết thời gian cách ly,” tôi nói, và khuôn mặt ông ta rũ xuống cứ như tôi vừa bảo sẽ giết bà vợ Natalie của ông ta, cùng cả ba cô con gái tóc vàng của họ – là Kristen, Jenny, và Becky – vì ông ta không tin vào tia hy vọng nên công việc của ông ta rặt là rao giảng sự thờ ơ, tiêu cực và bi quan.
Nhưng tôi dám chắc ông ta hiểu đã không tiêm nhiễm được vào tôi mớ triết lý chán đời kia – và rằng tôi sẽ mong chờ kết thúc thời gian cách ly. Tôi nói, “Tôi sẽ cho ông hít khói”, đấy chính là điều Danny – cậu bạn da đen duy nhất của tôi ở chỗ xấu xa – bảo cậu ta sẽ nói với bác sĩ Timbers khi được ra. Tôi thấy cũng hơi buồn vì đã ăn cắp lời chia tay của cậu, nhưng nó có tác dụng thật; tôi biết là bởi bác sĩ Timbers nhíu mày như thể tôi vừa đấm vào bụng ông ta.
Khi mẹ tôi lái xe ra khỏi Maryland và qua sông Delaware, qua những cửa hàng đồ ăn nhanh và khu mua sắm, bà giải thích rằng bác sĩ Timbers không muốn cho tôi ra khỏi nơi xấu xa kia, nhưng nhờ giúp đỡ của vài luật sư và bác sĩ trị liệu của bạn bà – người sẽ là bác sĩ điều trị mới của tôi – bà đã phát động một cuộc chiến pháp lý và thuyết phục được quan tòa rằng bà có thể chăm sóc tôi tại nhà, nên tôi cảm ơn bà.
Ở cầu Tưởng niệm trên sông Delaware, bà nhìn tôi và hỏi tôi có muốn sống tốt hơn không, rằng, “Con muốn sống tốt hơn chứ Pat. Đúng không?”
Tôi gật đầu. Tôi bảo, “Có chứ.”
Rồi chúng tôi thẳng tiến lên đường 295 về New Jersey.
Khi đến đại lộ Haddon để vào trung tâm của Collingswood – quê nhà tôi – tôi thấy quang cảnh phố xá thật khác xưa. Có quá nhiều cửa hiệu mới, những nhà hàng xa xỉ mới, và những người lạ ăn mặc đẹp đẽ dạo bước trên vỉa hè, làm tôi băn khoăn đây có phải là quê nhà tôi không. Tôi bắt đầu thấy lo lắng và thở khó nhọc như thỉnh thoảng vẫn thế.
Mẹ hỏi có chuyện gì, và khi tôi kể bà nghe, bà lại hứa rằng bác sĩ mới, ông Patel, sẽ mau chóng giúp tôi cảm thấy bình thường.
Về đến nhà, tôi đi ngay xuống tầng hầm, cứ như đang có Giáng sinh vậy. Tôi thấy ghế tập tạ Mẹ đã nhiều lần hứa mua, đôi tạ tay, xe đạp tại chỗ, cùng ghế tập bụng Stomach Master 6000 mà tôi thấy trên truyền hình đêm khuya và đã vô cùng khao khát trong suốt thời gian bị nhốt ở chỗ xấu xa kia.
“Con cám ơn, cám ơn, cám ơn mẹ!” tôi bảo Mẹ, và ôm bà thật chặt, nhấc bổng bà lên rồi xoay đúng một vòng.
Khi tôi đặt bà xuống, bà mỉm cười và nói, “Mừng con về nhà, Pat.”
Tôi hăm hở tập luôn, hết nằm đẩy tạ đến nâng tạ tay, lại chuyển sang gập người trên máy Stomach Master 6000, nâng chân, ngồi đẩy tạ, hàng giờ liền đạp xe, rồi uống nước (tôi cố uống mười lăm lít nước mỗi ngày, nốc không biết bao nhiêu là cốc để bù nước), và còn đó chuyện viết lách, tôi viết nhật ký hàng ngày để Nikki có thể đọc về cuộc sống của tôi và biết chính xác những gì xảy ra với tôi từ khi cách ly. (Khi ở chỗ xấu xa kia, do dùng thuốc, trí nhớ của tôi bắt đầu kém hẳn đi, nên tôi bắt đầu viết lại những gì xảy ra với mình, lưu lại những gì tôi cần kể cho Nikki khi thời gian cách ly chấm dứt, để nàng biết về cuộc sống của tôi. Nhưng trước khi tôi về nhà, mấy ông bác sĩ ở chỗ xấu xa đã thu hết cả những gì tôi viết, vậy là tôi phải viết lại từ đầu).
Khi ra khỏi tầng hầm, tôi nhận thấy tất cả những tấm ảnh chụp Nikki và tôi đều bị gỡ khỏi tường và mặt trên lò sưởi.
Tôi hỏi Mẹ những bức ảnh kia đâu. Bà bảo vài tuần trước nhà tôi bị trộm và mấy tấm ảnh đó bị lấy rồi. Tôi hỏi sao kẻ trộm lại lấy ảnh của Nikki và tôi thì Mẹ bảo rằng vì ảnh đó được đóng trong khung rất đắt tiền. “Sao kẻ trộm không ăn cắp những bức ảnh gia đình?” tôi hỏi. Mẹ bảo kẻ trộm lấy hết cả những cái khung ảnh đắt tiền, nhưng bà còn giữ được phim âm bản những tấm ảnh chụp gia đình nên bà đi thay mới. “Sao mẹ không thay luôn những tấm ảnh con và Nikki?” tôi hỏi. Mẹ bảo bà không có phim những tấm ảnh đó vì bố mẹ Nikki trả tiền chụp ảnh cưới và chỉ đưa cho bà những tấm bà thích. Nikki đã đưa cho mẹ tôi những tấm ảnh khác chụp hai chúng tôi, và hiện tại chúng tôi không liên lạc với Nikki hay gia đình nàng vì lúc này là thời gian cách ly.
Tôi bảo Mẹ nếu kẻ trộm mà quay lại, tôi sẽ cho hắn gãy xương bánh chè rồi đánh hắn thừa sống thiếu chết, và bà bảo, “Mẹ tin là con sẽ làm vậy mà.”
Trong tuần đầu tôi về nhà Bố chẳng thèm nói với tôi lấy một lời, mà chuyện cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên cả vì ông luôn phải làm việc – ông là quản lý cấp quận của các cửa hàng Big Food ở South Jersey. Khi không làm việc, ông ở trong thư phòng, đóng kín cửa đọc truyện dã sử, hầu hết là tiểu thuyết về cuộc Nội Chiến. Mẹ bảo ông ấy cần thời gian làm quen với việc tôi sống ở nhà, mà tôi thì sẵn lòng cho ông thời gian, đặc biệt là tôi cũng sợ nói chuyện với Bố nữa. Lần duy nhất ông đến thăm tôi ở chỗ xấu xa, ông đã chửi bới tôi, nói những điều rất tệ về Nikki và những tia hy vọng chung chung. Lẽ dĩ nhiên tôi có thấy Bố trong hành lang, nhưng ông chẳng thèm nhìn tôi khi cả hai lướt qua nhau.
Nikki thích đọc, và vì nàng luôn muốn tôi đọc sách văn học, nên tôi bắt đầu đọc, chủ yếu là vì như thế tôi sẽ có thể tham gia vào những cuộc chuyện trò trong các bữa ăn tối mà trước giờ tôi cứ câm như hến – những cuộc đàm đạo với các bạn bè văn chương của Nikki, mấy tay giáo viên ngữ văn cứ nghĩ tôi là thằng hề mù chữ, mà đấy thực ra là biệt danh một người bạn của Nikki đặt cho tôi mỗi khi tôi trêu hắn là nhỏ như cóc. “Ít nhất tôi cũng không phải thằng hề mù chữ,” Phillip đáp trả, và Nikki cười ngặt nghẽo.
Mẹ tôi có thẻ thư viện, bà mượn sách giúp tôi, và vì giờ đã ở nhà tôi được đọc bất cứ thứ gì mình muốn mà không phải lo giấu giấu giếm giếm ông bác sĩ Timbers, người hóa ra lại là một kẻ phát xít trong chuyện cấm đoán sách vở. Tôi bắt đầu bằng Gatsby vĩ đại, đọc ba đêm là xong.
Phần hay nhất trong sách là bài giới thiệu, bảo rằng cuốn tiểu thuyết này chủ yếu nói về thời gian mà bạn không bao giờ lấy lại được, đó chính xác là điều tôi cảm thấy về cơ thể mình và việc tập luyện – nhưng tôi cũng cảm thấy như thể mình chịu một chuỗi ngày dài bất tận trước cuộc đoàn tụ tất yếu cùng Nikki.
Khi tôi đọc câu chuyện ấy – Gatsby yêu Daisy biết nhường nào nhưng không bao giờ có thể đến được với cô dù cố gắng ra sao – tôi tưởng như muốn xé đôi cuốn sách và gọi cho Fitzgerald để bảo ông ta rằng cuốn sách đó hoàn toàn sai, dù tôi biết Fitzgerald có lẽ đã chết. Đặc biệt là khi Gatsby bị bắn chết trong bể ở lần đi bơi đầu tiên vào mùa hè, Daisy không dự đám tang, Nick và Jordan chia tay, và Daisy rốt cuộc lại dính vào gã Tom phát xít mà nhu cầu xác thịt của gã chắc hẳn đã giết chết một phụ nữ ngây thơ, cho các bạn biết nhé, chắc hẳn Fitzgerald không bao giờ dành thời gian để nhìn lên những đám mây lúc hoàng hôn, vì không có tia hy vọng nào lóe lên ở cuối cuốn sách cả.
Tôi hiểu rõ tại sao Nikki thích tiểu thuyết này, nó quá hay. Nhưng nàng thích nó lại khiến tôi đâm lo vì có thể từ đó Nikki thực sự không tin vào tia hy vọng, vì nàng bảo Gatsby vĩ đại là tiểu thuyết vĩ đại nhất do một người Mỹ từng viết ra, vậy mà kết cục câu chuyện lại buồn thế. Có điều chắc chắn, Nikki sẽ rất tự hào về tôi khi tôi bảo nàng rằng cuối cùng tôi đã đọc cuốn sách nàng yêu thích.
Một ngạc nhiên nữa: Tôi sẽ đọc hết các tiểu thuyết trong danh mục tác phẩm văn chương Mỹ kinh điển của nàng, chỉ để làm nàng tự hào, để nàng biết tôi thực sự quan tâm đến những gì nàng yêu thích và tôi đang ra sức cứu vãn cuộc hôn nhân, đặc biệt là giờ đây tôi có thể đàm đạo với mấy người bạn sành văn chương của nàng, nói những điều như, “Tôi đã ba mươi. Đã quá năm năm cái tuổi dối lòng mình và gọi đó là danh dự,” mà Nick nói ở cuối cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Fitzgerald, những lời đó cũng đúng với bản thân, vì tôi cũng đã ba mươi, và khi nói câu đó ra, tôi cảm thấy mình rất chững chạc. Chúng tôi sẽ tán chuyện trong bữa ăn, và lời trích dẫn đó sẽ khiến Nikki bật cười, nàng sẽ ngạc nhiên vì tôi thực sự đã đọc Gatsby vĩ đại. Một phần kế hoạch của tôi là nói lời đó ra một cách thật là đỉnh, vào thời điểm nàng không ngờ tôi sẽ “nhả tri thức,” lại một câu từ anh bạn da đen Danny của tôi.
Trời ạ, tôi không thể chờ được.