“Vì nghĩa vì tình” như chính tên gọi của nó cho chúng ta thấy được nhân nghĩa và tình cảm ở đời. Vì một chữ tình nên sanh ghen rồi vô tình khiến mẹ phải lìa con, chồng lìa vợ, gia đình ly tán. Mẹ khóc hết nước mắt vì mất con nên lúc tỉnh lúc dại. Chồng vì nỗi vợ không tha thứ nên u uất, thối chí. Con vì cha nên sống cảnh cơ hàn, sống đời lang bạt, đói cơm rách áo… Và vì một chữ nghĩa để rồi cuối cùng mẹ lại được gặp con, chồng lại được gần vợ, trẻ con hết sống cảnh côi cút, bơ vơ, nhà cửa coi hực hỡ mà mặt ai nấy đều vui vẻ, hớn hở lắm.
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam Bộ, người có công mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người đương thời và nhiều thế hệ về sau đã đón nhận tác phẩm Hồ Biểu Chánh với tất cả sự nồng nhiệt, trân trọng. Lịch sử văn học Việt Nam không thể phủ nhận đóng góp to lớn của Hồ Biểu Chánh. Một trong những yếu tố làm nên sự thành công ấy chính là tác phẩm của ông có được một hình thức ngôn ngữ đầy ấn tượng, thể hiện phong cách ngôn ngữ văn xuôi Nam bộ những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Hồ Biểu Chánh sinh năm 1884 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi.
Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.
Tác phẩm:
Nợ ĐờiBỏ ChồngBỏ VợDây OanĐóa Hoa TànĐoạn TìnhNặng Gánh Cang ThườngCay Đắng Mùi ĐờiCon Nhà Giàu…Mất con lìa vợ gần sáu năm trường rồi, thình lình trong một buổi mà cha con tương phùng, vợ chồng hội hiệp; làm người ai gặp cái cảnh như vậy, dầu tánh tình trầm tịnh đến thế nào đi nữa cũng khó mà giấu cái mừng, cái vui trong lòng được. Chánh Tâm được sum hiệp với vợ con, tuy chàng không lộ cái vẻ vui mừng của chàng cho ai thấy, nhưng mà chàng ngồi cứ ngó vợ rồi ngó con mà cười hoài. Lâu lâu chàng ngoắc con lại gần rồi ôm mặt nó mà hun, hoặc chàng lại đứng một bên vợ mà coi vợ may áo cho con bận. Chàng hưởng thú hòa hiệp một cách êm ái như vậy đó, người ngoài dòm vô ai cũng tưởng chàng không vui mừng cho lắm duy Cẩm Vân biết tánh ý chồng, nên nàng hiểu cái cử chỉ ấy là cử chỉ khoái lạc của chồng thuở nay.Trọn buổi sớm mơi, Chánh Tâm xẩn bẩn ở nhà mà chơi với vợ con. Buổi chiều, chàng đi ra Sài Gòn, mướn Trưởng tòa ra giấy ký cho người mướn nhà lầu của chàng trong vòng 15 ngày phải dọn đồ đi và trả lại cho chàng ở. Việc đó xong rồi chàng mới lại hãng xe hơi chồng bạc mà lấy xe.Đến 5 giờ chiều, chàng đem xe về. Chánh Hội nghe thấy xe thì mừng quýnh, chạy vô trong nó kéo má nó ra coi.Chánh Tâm mời Cẩm Vân với cô Ba Hài đi thử. Cẩm Vân từ rằng:- Để tôi may đồ sắp nhỏ riết cho rồi đặng mai có đi, chớ đi chơi rồi mai đi sao được. Chánh Tâm nghe nói như vậy thì không dám ép nên đi một vòng với cô Ba Hài và hai đứa nhỏ, còn để vợ ở nhà may đồ.Áo quần của sắp nhỏ may xong rồi, Chánh Tâm bèn thưa với cô Ba Hài đặng rước vợ về Láng Thê thăm nhà ít bữa.Cô Ba Hài nói rằng :- Nó phải đi chớ. Nó có nói với tao rằng, hồi chị Tổng mất, nó có bịnh nó không hay. Mấy năm nay nó phiền mầy nên nó không tới nhà được mà lạy chị Tổng. Bây giờ vợ chồng con cái hiệp với nhau rồi, thì nó đi mới phải chớ.Cẩm Vân lo thâu xếp áo quần bỏ vào hoa ly. Chánh Tâm lấy đồ tây mà bận cho Chánh Hội với thằng Qui, sửa soạn xong rồi mới từ cô Ba Hài mà lên xe. Hai đứa nhỏ rủ nhau ngồi phía trước với sốp phơ, bỏ Chánh Tâm với Cẩm Vân ngồi sau chen ngoẻn.Xe mới, máy còn êm nên chạy nghe tiếng vù vù xuống tới nhà ga An Lạc, Chánh Hội ngoái đầu lại mà nói rằng:- Tôi với thằng Quì có ngủ lại đây một đêm má a.Chánh Tâm ngó vợ mà cười.Xuống tới chợ Đệm, Chánh Hội lại chỉ quán bà già cho ăn cơm hồi trước, rồi xuống tới Gò Đen nó chỉ luôn trường học nó học ngày xưa nữa. Hai đứa ngồi trước, nói chuyện cãi lẽ om sòm. Vợ chồng Chánh Tâm ngồi sau cứ ngó rồi cười cùng nhau.Có một lúc xe đương chạy mau, Chánh Tâm nắm tay vợ mà nói rằng:- Em ốm lung quá ! Để dọn nhà ở yên rồi qua đem em cho quan thầy thuốc coi, để cho thuốc em mập lại như xưa mới được.Cẩm Vân lắc đầu đáp rằng :- Em có đau đâu mà uống thuốc. Bây giờ em gặp con rồi, em hết buồn rầu nữa, thì trong ít ngày đây em mập lại chớ gì.
Mời các bạn đón đọc Vì Nghĩa, Vì Tình của tác giả Hồ Biểu Chánh.