Vụ án mạng thứ sáu là tác phẩm tiếp theo trong Series truyện Thám tử Kỳ Phát, đánh dấu sự trở lại của Kỳ Phát sau một thời gian ở ẩn. Chờ đợi chàng thám tử tài ba của chúng ta đối mặt với một vụ án khá gây cấn.
Hai cụ già, không có bất kỳ mối quan hệ nào và không cùng hoàn cảnh, đều bị giết bởi một sợi dây thừng siết chặt quanh cổ. Thủ phạm đã để lại những lời cảnh báo tự phụ, xem chính mình như “sứ giả” được Trời sai xuống để “hóa kiếp” cho các cụ già.
Bí mật ẩn sau những vụ án mạng này là gì? Thân phận thực sự của kẻ giết người là ai? Liệu Kỳ Phát có thể phá giải bí ẩn và tìm ra thủ phạm trước khi có thêm những nạn nhân mới?
—
Thám tử Kỳ Phát là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của “Vua trinh thám Việt” – nhà văn Phạm Cao Củng. Giống như Sherlock Holmes, Kỳ Phát luôn tôn trọng trí tuệ và ứng dụng suy luận như một phương cách hàng đầu để phá án.
Series Thám tử Kỳ Phát gồm 5 cuốn:
- Đám cưới Kỳ Phát;
- Nhà sư thọt;
- Chiếc tất nhuộm bùn;
- Vết tay trên trần;
- Kỳ Phát giết người.
- Vụ Án Mạng Thứ Sáu
Mặc dù học tập và ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.
Kỳ Phát giết người: Một hôm, nhận được thư của Cúc, Kỳ Phát vội vàng tới gặp tình cũ. Chồng Cúc mới qua đời, đứa con trai tên Hoàn lại bị bắt cóc, khiến cho nàng vô cùng hoang mang, đau đớn. Cùng lúc đó, một cậu bé tên Hoàn khác cũng mất tích. Kỳ lạ là trong cả hai vụ, hai gia đình đều bị trộm đột nhập nhưng chỉ mất mấy đôi đũa.
Ai là kẻ chủ mưu đứng sau tất cả mọi chuyện? Kỳ Phát phải làm gì để tìm được con trai Cúc? Bí mật nào ẩn giấu đằng sau hai vụ bắt cóc và những đôi đũa bị đánh cắp?
—
Qua con đường Sông Máng ngoằn ngoèo khúc khuỷu, tới gốc đa cụt, rẽ theo con đường điện thoại lối hai trăm thước thì đến đầu làng Văn Bối. Người ta có cảm tưởng như vừa bước vào một ngôi đền rộng lớn, vì ở đây, cổng làng dựng theo kiểu tam quan, và từ đó trở đi, đường lát toàn bằng đá phiến màu xanh biếc, bên lề lại có hàng thông, tiếng reo theo gió vi vu…
Ngay cổng làng có hai dãy hàng quán: mấy lều bán nước, một hiệu thợ giày, một nhà chữa xe đạp, còn thì toàn hàng thịt chó. Ở đây, hình như có mấy tay chuyên môn làm thịt chó đã nổi tiếng từ xưa ở Hà Nội, vẫn thường được triệu đến khi các nhà quyền quý muốn thiết khách phương xa một bữa tiệc thịt chó cầu kỳ.
Tới đây, chàng thiếu niên chợt dừng bước, ngơ ngác nhìn quanh, vì như thoáng nghe tiếng gọi:
– Ông Kỳ! Ông Kỳ!
Không thấy ai là người quen thuộc, chàng lại toan cất bước, ngờ rằng cặp tai mình bị huyễn hoặc theo dư âm của tư tưởng vừa thoáng qua. Nhưng không, quả có tiếng người gọi:
– Ông Kỳ!
Tiếp đó là tiếng người vừa hỏi, vừa cười ha hả:
– Ông Kỳ Phát, ông đã chóng quên anh em thế?
Kỳ Phát nhận ra người gọi mình là một người vào trạc tứ tuần, nhỏ bé, vận một bộ com-lê màu rêu rộng thùng thình, dáng chừng mua lại của một hàng quần áo cũ nào đó, đầu đội một chiếc mũ cát-két bằng da báo. Người ấy rướn cổ nhòm ra, trước một cửa hàng thịt chó, những toan chạy theo ra hẳn nếu Kỳ Phát không dừng bước.
Sự thực, tuy ngờ ngợ quen quen, Kỳ Phát cũng chưa nhận ra là ai cả.
– Ông Kỳ, thì ông hãy vào đây đã nào, ông hàng đây không lấy tiền chỗ ngồi của ông đâu mà sợ.
Ông hàng thịt chó cũng đon đả tiếp:
– Nhà cháu vừa pha ấm nước ngon lắm!
Người đội mũ cát-két vênh mặt lên bảo ông chủ hàng:
– Uống nước là thế nào? Hôm nay thì ông Kỳ phải ở lại đây xơi rượu đã!
Và thấy Kỳ Phát có vẻ lúng túng, chưa biết trả lời ra sao thì người ấy lại phá lên cười:
– Lòng người chóng thay đổi thực, ông quên tôi chứ tôi quên ông thế nào được? Vậy ông không phải họ Kỳ tên Phát, là chàng trinh thám muôn đời vẫn còn trẻ mãi trong lòng người ư? Ông quên thiên hạ, đã bao năm nay kín tiếng bặt hơi, nhưng thiên hạ quên ông sao được, người ta vẫn nhớ ông mãi, nhớ ông là người anh hùng trong bao vụ án rắc rối ly kỳ như vụ “Nhà sư thọt”, “Ba viên ngọc bích”…
Người ấy nói nhiều quá, làm cho Kỳ Phát ngượng và không còn cách nào hơn là bước vào hàng:
– Tôi gần đây không được khỏe lắm nên trí nhớ kém đi nhiều…
Người ấy vỗ vào vai chàng, gật gù đỡ lời:
– Nào tôi có dám trách gì ông đâu! Năm, sáu năm rồi còn gì nữa! Nhưng để tôi nói ông nghe… Thế này thì ông sẽ nhớ ra ngay tức khắc: tôi chính là bác Ba “thợ cạo” vẫn ngồi làm ở cửa nhà ông… gì này này, bạn ông ấy mà…
Kỳ Phát reo lên mừng rỡ:
– Bác Ba Hùy!
Người đội mũ cát-két cũng reo lên nhắc lại:
– Ba Hùy, đúng rồi, chắc ông không bao giờ lại ngờ “tha hương ngộ cố nhân” đấy nhỉ?
Kỳ Phát không ngờ, vì chàng không bao giờ tưởng tới lại có thể gặp ở chỗ hẻo lánh này người thợ cạo mà chàng vẫn gọi đùa là Ba Hùy, người mà bạn chàng, hoặc chàng, mỗi khi đi vắng lại khóa cửa dặn:
– Này, bác Ba Hùy, hễ có ai gọi hỏi gì thì bác nói giùm rằng chúng tôi đi hai hôm nữa mới về nhé!
Bác Ba Hùy, vì hàng ngày vẫn bắc chiếc ghế vải ngồi cắt tóc cho khách ngay ngoài cửa nhà này, nên đã thành một “nhân viên thường trực” không lương cho hai chàng thanh niên ưa hoạt động.
Kỳ Phát ngắm nghía Ba Hùy lại một lần nữa, rồi cười bảo:
– Trông bác sang thế này, khác hẳn trước, thì tôi nhận ra sao được!
Ba Hùy vỗ vào túi áo rồi đặt chiếc mũ cát-két xuống, trả lời:
– Nghĩa là cũng “hình thức” cả thôi, ông ạ. Được cái tản cư thế này com-lê com liếc hay quần nâu áo vải, ăn vận thế nào cũng được, láo nháo chẳng ai để ý đến ai cả.
Quay lại ngắm nghía Kỳ Phát, giây lâu, Ba Hùy tiếp:
– Trông ông thì vẫn thế, chẳng thay đổi chút nào cả. Vẫn cặp mắt sáng nhanh, vẫn cái cười nửa miệng, còn cách ăn vận đối với ông thì chẳng kể được, ngay thời bình cũng vậy, ông luôn luôn thay hình đổi dạng đố ai nhận ra được nữa là…
Ngừng lại một phút để suy nghĩ bác lại tiếp:
– Đã hai lần tôi gặp ông đi qua đây, song không dám gọi vì thấy ông đi vội, và lại tôi cũng ngại sợ ông bận việc gì.
Kỳ Phát mỉm cười, lắc đầu bảo:
– Tôi có bận gì đâu, ít lâu nay chẳng làm gì, chỉ nằm một chỗ xem sách nên sinh ra lười, không giống như ngày xưa luôn luôn ưa hoạt động…
Ba Hùy nhìn Kỳ Phát chăm chú giây lát, bỗng thở dài nói:
– Nếu thế thì tiếc lắm nhỉ, tôi cứ tưởng rằng óc trinh thám của ông vẫn còn ưa tìm tòi hoạt động nên muốn hiến ông một vụ…
Bỗng Ba Hùy dừng bặt, bước sấn lại bên Kỳ Phát, nắm chặt lấy hai vai chàng, nhìn sát lại gần thật kỹ, rồi ha hả cười lớn:
– Có thể chứ, Kỳ Phát bao giờ cũng là Kỳ Phát của thời xưa. Tôi thấy mắt ông sáng quắc hẳn lên khi thoáng nghe có chuyện ly kỳ bí mật, tôi biết chắc rằng ngọn lửa thiêng trong lòng chàng thanh niên trinh thám số một của nước Việt Nam vẫn cháy bất diệt suốt ngàn đời…
Kỳ Phát mỉm cười, kéo Ba Hùy ngồi xuống rồi bảo:
– Điều này tôi nhận xét thì chắc không sai được, đó là ông Ba Hùy của tôi dạo này nói nhiều lắm, thao thao bất tuyệt, tôi không tài nào theo kịp được.
Quay lại phía ông hàng thịt chó, Kỳ Phát vui vẻ tiếp:
– Mà rượu của ông hàng chắc hẳn phải ngon lắm, nên ông bạn tôi đây càng uống càng ngọt giọng nói nhiều…
Ba Hùy gật gù cười khi, ngắt lời Kỳ Phát:
– Chết chửa, mải chuyện lôi thôi quên ngay mất điều cốt tử. Rượu hàng đây là của lò ngon nhất Đồng Văn, uống ngọt giọng mà say phải biết. Ông hàng cho thêm đũa chén ra đây, ông Kỳ phải uống với tôi một bữa thực là say túy lúy!
Kỳ Phát lắc đầu từ chối:
– Thôi, ông để cho khi khác. Ông cũng chẳng còn lạ gì, tôi có uống được rượu đâu, góc chén hạt mít thì đã gọi là say túy lúy, mặt bấy giờ sẽ hệt như Quan Công hiển thánh…
Ba Hùy vẫn không lưu ý đến lời Kỳ Phát, vẫn ung dung lấy giấy bản lau đũa chén cho chàng rồi rót rượu:
– Điều ấy không can hệ gì mấy, ông Kỳ ạ! Tôi chỉ muốn biết: ông thích tôi kể cho ông nghe vụ án ly kỳ hiện đương làm cho nhà chuyên trách vùng này rối như tơ vò không?
Kỳ Phát gật đầu:
– Điều ấy thì đã hẳn rồi, ông còn hỏi tôi thì khí thừa một chút!
Ba Hùy gật gù đắc ý:
– Vậy thì ông Kỳ ạ, ông không nên từ chối gì hết, hãy uống rượu và nhắm món rựa mận đi đã, ông sẽ thấy rằng ông hàng đây quả đã xứng danh là vô địch trong khoa nấu nướng thịt cầy…
Kỳ Phát lắc đầu:
– Ngồi chơi với ông thôi, chứ uống rượu thì chịu, tôi có uống được đâu…
Ba Hùy ngắt lời:
– Không nói lôi thôi gì hết, tôi chỉ biết có một điều kiện: ông có thích nghe chuyện thì đánh chén thịt chó với tôi, bằng không thì tôi nhất định nửa lời cũng không nói nữa…
Kỳ Phát biết rằng Ba Hùy đã nắm được nhược điểm của mình, đành đấu dịu:
– Vâng, thì tôi xin uống rượu thôi, chứ còn thịt chó thì chịu…
– Sao lại chịu? “Sống ở trên đời chén miếng dồi chó” mà lại!
– Không, tôi không biết ăn thịt chó thực!
– Lại không biết! Cái gì mà đầu tiên người ta chẳng không biết, vậy rồi mà cũng biết tất. Ông Kỳ Phát ạ, ông không nên thoái thác, ông xơi một hớp rượu, rồi nhắm một miếng chả chó xem nó có “thú lý tình” không?
– Tôi không biết ăn thực!
– Tôi đã bảo không sao mà lại, rồi biết tất. Vả lại, ông chớ có quên, tôi chỉ có một điều kiện, ông phải đánh chén thịt chó với tôi, nếu không…
Ngừng lại một phút, Ba Hùy nheo cặp mắt tinh nghịch nhìn Kỳ Phát:
– Mà vụ án ly kỳ đặc biệt ông ạ, một án mạng, hai ba án mạng, rồi không chừng năm sáu án mạng nữa tiếp theo…
Kỳ Phát gợi chuyện:
– Ông nói đúng đấy, đã có hai ba thì sẽ tiếp theo năm sáu là thường, nhưng phải biết rõ người bị giết đầu tiên đã. Ông có thấy gì đáng để ý…
Ba Hùy cười ha hả, gắp một miếng chả chó đặt vào bát Kỳ Phát rồi tủm tỉm cười:
– Tôi tuy vô phép ông mà uống trước mất non một cút rượu rồi, nhưng tôi vẫn chưa đến nỗi say đâu, ông ạ, và không say, lẽ tất nhiên tôi không dại gì mà ông chưa đánh chén với tôi, tôi đã khờ khạo đi nói chuyện cho ông nghe về vụ án, dù là một đoạn mở đầu! Nào, xin rước ông, ta hãy đưa cay đi đã, rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Kỳ Phát biết Ba Hùy đã nhất định đưa mình vào con đường cụt, khó thoát lối nào được nữa. Chàng gắp miếng chả chó lên rồi lại ngần ngại đặt xuống bát. Ba Hùy khuyến khích:
– Ông cứ xơi thử mà xem, ngọt hơn thịt bò mà đậm hơn thịt gà, ông ạ, ăn một miếng thịt chó làm đúng cách thì dư vị còn ngon đến ba ngày sau không ít…
Người ta vẫn nói, sức mạnh của tuyên truyền lợi hại thực, có nói thành không, không thành có là thường. Kể ra thì Ba Hùy tuyên truyền cho cái sự ngon lành của món ăn hoàn toàn Việt Nam ấy cũng đã mạnh, nhưng Kỳ Phát lúc nhắm miếng thịt chó đầu tiên trong đời vẫn thấy rùng mình ghê rợn, và chàng vội vàng tợp ngay một hớp rượu đưa cay…
Ba Hùy ha hả cười lớn:
– Khá lắm, có thể chứ, biết mùi rồi, chỉ sợ từ nay ông lại chẳng ngày nào cũng lại đây đánh chén thịt chó tì tì!
Mời các bạn đón đọc Vụ Án Mạng Thứ Sáu của tác giả Phạm Cao Củng.