Với hàng loạt tiểu thuyết có giá trị, phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc miền núi như “Đồng bạc trắng hoa xoè”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La pán tẩn”…
Ma Văn Kháng được mệnh danh là “nhà văn của núi rừng”. Ngoài ra, ông cũng rất thành công với đề tài gia đình như các tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”…
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông tham gia quân đội từ tuổi thiếu niên. Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm năm 1963 và lên dạy học ở tỉnh Lao Cai. Ông viết văn từ năm 1961, từng được nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn Học Nghệ thuật 2001. Hơn 30 năm, ông đã ghi dấu vào dòng chảy văn học VN những tác phẩm đặc sắc.
Mới đây NXB Công an Nhân dân phối hợp với công ty Văn hoá Phương Nam xuất bản tuyển tập sách Ma Văn Kháng gồm 10 tập. Xin giới thiệu tiểu thuyết Vùng biên ải của ông. Truyện viết về cuộc đấu tranh tiễu phỉ của quân và dân ta ở vùng biên giới Việt- Trung từ năm 1951 đến năm 1953. Sát cánh cùng đồng bào các dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đã đập tan được ổ phỉ do tên Châu Quán Lồ cầm đầu và được thực dân Pháp nuôi dưỡng. Những kẻ mù quáng theo phỉ được kêu gọi trở về làm ăn lương thiện, những tên ngoan cố, gian ác bị trừng trị thích đáng.
Khi đọc những sáng tác của Ma Văn Kháng, chúng ta thấy nó có một hình hài, diện mạo rất riêng, vì ngay từ những sáng tác đầu tay, người cầm bút đã đến với người đọc trong tư cách một nhà văn có ý thức về chỗ đứng trong vương quốc văn chương nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu thường nhận xét rằng cho đến nay, tiểu thuyết và truyện ngắn của Ma Văn Kháng vẫn tập trung vào hai đề tài chính là cuộc sống của đồng bào vùng núi cao phía Bắc Tổ Quốc và đời sống thành thị đầy phức tạp trong cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đất nước sau chiến thắng một nghìn chín trăm bảy nhăm. Đọc Ma Văn Kháng, thấy xuyên suốt những trang văn một triết luận đời sống hết sức nhất quán. Triết luận ấy là tình người, tính người và sự hồn nhiên làm mẫu số để nhà văn trò chuyện về con người và cuộc đời. Các nhà văn thường miêu tả ngoại hình để nói chuyện tính cách. Ma Văn Kháng thường miêu tả tướng hình để thể hiện tính người, tình người. Bởi vì cái tính thường lộ ra ở cái tướng, nhất là ở những kẻ ác tính, ác tâm. Những truyện ngắn, tiểu thuyết hay nhất của Ma Văn Kháng là những truyện nói về dòng đời, mạch sống. Trong truyện ngắn, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng còn có khuynh hướng mở rộng các thành phần mạch trần thuật, hòa văn nói vào văn viết.
Mời các bạn đón đọc Vùng Biên Ải của tác giả Ma Văn Kháng.