Cuốn sách “Vượt lên những chuyện nhỏ trong cuộc sống gia đình” của Tiến Sĩ Richard Carlson cung cấp cho độc giả những phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả để xây dựng một cuộc sống gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Tác giả không chỉ tập trung vào việc nuôi dạy con trẻ và giải quyết xung đột với người bạn đời, mà còn đề cập đến việc giảm thiểu rắc rối từ những công việc lặt vặt trong gia đình một cách nhẹ nhàng và khéo léo.
Trong cuốn sách này, Richard Carlson chia sẻ những lời khuyên và phương pháp giúp bạn nhận biết và giải quyết các nguyên nhân thường gặp nhất của sự phiền muộn trong cuộc sống gia đình. Ông giúp bạn tìm lại niềm vui đã bị lãng quên giữa cuộc sống bận rộn, cũng như củng cố lòng kiên nhẫn và sự sáng suốt trong quá trình đối diện với các vấn đề.
Cuốn sách cũng nhấn mạnh về việc trân trọng cuộc sống gia đình và cư xử với những người thân yêu bằng một thái độ hoà nhã và tinh thần thoải mái. Richard Carlson hy vọng rằng những lời khuyên trong sách sẽ giúp mọi người tăng cường lòng kiên nhẫn và sự sáng suốt, đồng thời tạo ra một môi trường gia đình tích cực và hạnh phúc hơn.
Mời các bạn đón đọc Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc của tác giả Richard Carlson.
—
Lời giới thiệu
Nhiều người trong chúng ta dành phần lớn thời gian và năng lượng của bản thân cho công việc – tám tiếng, mười tiếng, thậm chí mười hai tiếng một ngày. Dù chúng ta làm việc cho tập đoàn danh tiếng hay một doanh nghiệp nhỏ; dù chúng ta thành lập công ty riêng, làm cho nhà nước hay hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, thì có một điểm chung mà không ai có thể chối cãi: công việc không chỉ có thể mà còn là yếu tố thường xuyên khiến ta căng thẳng!
Tuy nhiên, điều chúng ta bàn đến sau đây không liên quan đến việc làm thế nào để xóa bỏ căng thẳng trong công việc hay làm thế nào để bạn không gặp rắc rối – bởi vì đây là những điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đề tài mà chúng ta bàn dưới đây là: “Bạn sẽ đối phó như thế nào với căng thẳng?”. Tôi đã học được một điều rõ ràng rằng: nếu bạn có ý định tìm kiếm một phương pháp giúp giảm bớt căng thẳng trong công việc, bạn phải tìm nó trong chính bản thân mình. Bởi vì chẳng có công việc hay cuộc sống nào không chứa thách thức cả.
Nếu từng đọc qua những cuốn sách trước đây của tôi, hẳn bạn cũng nhận ra rằng tôi là người rất lạc quan. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ về thái độ và cách xử sự của bản thân. Dù chẳng có cách nào giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống nhưng tôi cam đoan rằng chúng ta không phải là nạn nhân của cuộc đời. Chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ không đến khi những khó khăn được giảm thiểu hay khi cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Sự thay đổi phải đến từ bên trong chúng ta. Và khi ta thay đổi, công việc cũng như cuộc sống của ta sẽ trở nên dễ dàng và ít căng thẳng hơn.
Sau khi xuất bản cuốn “Tất cả chỉ là chuyện nhỏ”, tôi đã nhận được hàng ngàn bức thư và điện thoại từ độc giả. Tất cả đều cảm ơn vì cuốn sách đã giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống. Nhiều người đã đề nghị tôi viết thêm những cuốn sách với cùng mục tiêu đó, nhưng chỉ tập trung vào một khía cạnh nhất định, chẳng hạn như công việc. Bản thân tôi đã từng vượt qua được nhiều chuyện nhỏ trong công việc và cũng đã tiếp xúc với nhiều người như vậy. Vậy nên tôi đã quyết định chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được với các bạn thông qua cuốn sách này.
Việc phân tích cách thức con người dùng để đối phó với rắc rối trong công việc – chẳng hạn như quan sát thái độ của một người bị sa thải, bị đối thủ vượt qua, bị thuyên chuyển công tác; hay quan sát vấn nạn ăn cắp từ trong nội bộ – đã mang lại cho tôi nhiều thích thú. Tôi nhận thấy rằng hầu như trong những tình huống buộc phải đối phó với thách thức lớn, chúng ta đều tỏ ra can đảm, sáng tạo và kiên cường lạ thường. Nhưng, cũng giống như các khía cạnh khác trong cuộc sống, việc đối phó với những “chuyện nhỏ” trong công việc lại là chuyện khác hẳn. Khi nhìn lại, bạn sẽ nhận thấy rằng trong quá trình làm việc, dù thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề thật sự nghiêm trọng xảy đến, nhưng hầu hết những rắc rối khiến ta căng thẳng hàng ngày đều là những “chuyện nhỏ”. Có thể nói, với hầu hết chúng ta, những rắc rối hay vấn đề nghiêm trọng thường xảy ra không nhiều và cách quãng, trong khi điều làm ta căng thẳng và muốn nổi đóa lên lại chính là những chuyện nhỏ hằng ngày.
Bạn hãy dừng lại trong giây lát để hình dung xem chúng ta đã tốn biết bao nhiêu năng lượng cho những lúc căng thẳng, giận dữ hay nản lòng chỉ vì chuyện nhỏ nhặt? Còn những lúc ta bị xúc phạm, quấy rầy hay bị chỉ trích thì sao? Và hãy hình dung về những lúc bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc đau buồn. Hãy nghĩ xem những cảm xúc tiêu cực này sẽ tác động xấu như thế nào đến năng suất và niềm đam mê công việc của bạn. Thật lãng phí phải không? Bây giờ, hãy tưởng tượng mọi chuyện sẽ ra sao khi bạn dùng chừng đó năng lượng – thậm chí chỉ một phần năng lượng – nhưng làm việc trong trạng trái hưng phấn và sáng tạo?
Dù không thể kiểm soát những biến cố nghiêm trọng nhưng phải thừa nhận rằng rất nhiều lúc, ta đã thổi phồng những vấn đề nhỏ nhặt và làm rối tung mọi thứ. Chúng ta dễ mệt mỏi và nản lòng khi phải đối phó với các vấn đề nhỏ nhặt chồng chất. Theo đó, chúng ta xâu chuỗi các rắc rối lại với nhau và xử sự như thể chúng là những vấn đề nghiêm trọng vậy.
Bởi vì công việc thường chứa đựng rất nhiều “chuyện nhỏ” mà bạn phải đối phó, nên giữa cách bạn giải quyết chúng và những kinh nghiệm bạn thu được thường có một sự tương quan nhất định. Nếu bạn có thể học cách đối phó với những rắc rối hằng ngày bằng tầm nhìn sáng suốt, sự kiên nhẫn và lạc quan, nghĩa là bạn đã bắt đầu phát huy được khả năng tốt nhất của bản thân cũng như của đồng nghiệp. Bạn sẽ không còn cảm thấy căng thẳng, cáu kỉnh, thất vọng nữa mà ngược lại, bạn sẽ làm việc với cảm giác hưng phấn và sáng tạo hơn. Những giải pháp được tìm thấy khi ta ở tâm thái điềm tĩnh cũng nhiều bằng những rắc rối xảy đến nếu tâm trạng ta phiền muộn.
Một tác dụng tích cực khi bạn học cách vượt qua những chuyện nhỏ đó là cuối cùng, bạn sẽ nhìn những rắc rối xảy đến hằng ngày như những chuyện nhỏ thật sự. Nếu trước kia, bạn xử sự với hầu hết mọi chuyện như thể chúng rất nghiêm trọng thì bây giờ, bạn sẽ ứng phó với chúng sáng suốt hơn vì bạn biết phân biệt rạch ròi giữa vấn đề thật sự nghiêm trọng và những vấn đề nhỏ nhặt.
Nào, hãy cùng tôi khám phá bí quyết để vượt qua những chuyện nhỏ trong công việc!
– Richard Carlson
—-
Đừng ngần ngại thể hiện mình là nhân viên hạnh phúc
Nhiều người không cho phép bản thân được thể hiện niềm say mê, cảm giác thoải mái hay niềm hạnh phúc tại công sở. Tôi cho rằng đó là một hình thức coi nhẹ bản thân. Dường như họ cảm thấy lo ngại rằng mọi người xung quanh, từ khách hàng, đồng nghiệp cho đến sếp, sẽ nghĩ gì khi thấy vẻ bề ngoài hạnh phúc của mình. Họ kết luận rằng: “Một người thư thái không thể là một nhân viên chăm chỉ”. Lý lẽ mà họ đưa ra ở đây là: Nếu tỏ ra hạnh phúc, mọi người xung quanh sẽ cho rằng họ đang hài lòng với tình trạng hiện tại nên không còn động lực để phấn đấu hay tiến xa hơn trong công việc.
Thực tế, bạn nên suy nghĩ ngược lại. Thật vô lý khi cho rằng một người hạnh phúc sẽ thiếu đi những động lực cần thiết trong công việc. Những người hạnh phúc luôn yêu thích việc họ đang làm. Và họ sẽ không ngừng thể hiện sự nhiệt tình để cải thiện hình ảnh bản thân cũng như tác phong làm việc của mình. Họ trở thành những người biết lắng nghe và tiếp thu nhanh. Thêm nữa, những nhân viên hạnh phúc còn rất sáng tạo, thân thiện cũng như làm việc nhóm rất hiệu quả.
Còn những nhân viên luôn tỏ ra phiền muộn? Họ thường căng thẳng và gây trở ngại trong công việc. Họ thiếu động lực làm việc bởi bản thân họ đang héo mòn vì những rắc rối hay căng thẳng của riêng mình. Những người phiền muộn thường cảm thấy mình bị đồng nghiệp bắt nạt và môi trường làm việc thật bất công. Họ hiếm khi tự giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc mà luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Thêm vào đó, do chỉ bận tâm về công việc của bản thân nên làm việc nhóm kém hiệu quả. Họ thường tỏ thái độ chống đối và hiếm khi lắng nghe ý kiến của người khác.
Vì vậy, bạn đừng ngần ngại thể hiện mình là nhân viên hạnh phúc. Bí quyết này rất thích hợp để mở đầu cuốn sách này, bởi một trong những điều mà tôi muốn gửi gắm đến các bạn là chẳng có vấn đề gì khi bạn tỏ ra hạnh phúc và thư thái. Việc tỏ ra hạnh phúc sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích, cả trong cuộc sống cá nhân lẫn trong công việc. Chẳng có lý nào hạnh phúc lại khiến bạn đánh mất động cơ làm việc hay trở thành một nhân viên tầm thường, lười biếng và lơ đễnh cả. Ngược lại, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng khi bạn sống hạnh phúc, bạn sẽ cảm thấy hứng thú, sáng tạo và hăng hái hơn; nhờ đó có thể đóng góp cho công ty nhiều hơn. Bạn sẽ tìm ra được các giải pháp và cơ hội trong khi người khác chỉ nhìn thấy rắc rối. Thay vì nản lòng khi bị thua kém hay thất bại, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua những điều đó.
Với nguồn năng lượng dồi dào của tinh thần lạc quan hạnh phúc, bạn có thể làm việc trong môi trường khốc liệt nhất. Và bạn sẽ được tin cậy để trở thành người ra quyết định trong những tình huống khó khăn. Nói cách khác, bạn sẽ trở thành người dẫn đầu. Cuộc sống và công việc của bạn sẽ bước sang một trang mới tươi sáng hơn.
—
Đừng kiểm soát người khác
Khi dùng chữ “kiểm soát”, nghĩa là tôi đang nói đến những nỗ lực không đáng của nhiều người trong việc điều chỉnh hành vi của người khác, áp đặt “cái tôi” của mình lên môi trường làm việc, hoặc khăng khăng buộc mọi thứ phải theo một trật tự nhất định. Từ đó, họ tỏ ra cố chấp, phòng thủ và bực tức khi người khác không cư xử theo chỉ định của họ hoặc theo cách họ muốn. Những người thích kiểm soát luôn bận tâm về hành động của những người xung quanh. Họ luôn xét nét thái độ của người khác khi thái độ đó không phù hợp với mong muốn của họ.
Sau khi có dịp quan sát một số người có thói quen kiểm soát người khác, tôi rút ra được hai điều sau. Thứ nhất, có quá nhiều người như vậy. Thứ hai, thái độ kiểm soát đó gây nên căng thẳng cao độ cho cả người kiểm soát và người bị kiểm soát. Chính vì vậy, nếu muốn có được một cuộc sống nhẹ nhàng, bạn hãy điều chỉnh lại khuynh hướng này của mình.
Một trong những ví dụ điển hình về thái độ kiểm soát người khác mà tôi được nghe kể liên quan đến những chiếc kẹp giấy! Một luật sư của công ty luật hàng đầu nọ có thói quen thực hiện mọi việc theo một cách nhất định. Ông ta chỉ thích sử dụng kẹp giấy đồng thay vì loại kẹp bạc mà công ty cấp cho (với ông thì đây là chuyện quan trọng). Vậy là ông ta yêu cầu thư ký phải mua kẹp đồng bên ngoài cho mình (nhưng lại không đưa tiền cho cô). Nếu ai đó mang tài liệu đến cho ông ta mà không dùng loại kẹp giấy đồng, thể nào ông ta cũng nổi giận với họ. Cả công ty đặt cho ông biệt danh là “ông vua kẹp giấy”.
Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi vị luật sư này luôn chậm trễ về giấy tờ và gây phiền toái cho khách hàng. Hầu như toàn bộ thời gian ông đều dùng vào việc giận dữ trước những điều nhỏ nhặt. Câu chuyện về chiếc kẹp giấy chỉ là một trong những biểu hiện của thái độ muốn kiểm soát người khác của vị luật sư. Ông ta đặt ra nhiều quy định và nguyên tắc khác, từ cung cách phục vụ cà phê cho ông ta (phải dùng tách và đĩa lót kiểu dáng Trung Hoa) cho tới việc ông phải được giới thiệu như thế nào trong các cuộc họp. Thái độ kiểm soát đó đã khiến ông ta đánh mất rất nhiều khách hàng và cuối cùng thì ông bị cho thôi việc.
Nếu bạn chịu khó phân tích thái độ của bản thân, có thể bạn sẽ nhận ra một vài biểu hiện kiểm soát của mình; và thấy chúng không chỉ vô nghĩa mà thậm chí còn lố bịch nữa. Bạn hãy thử suy xét mà xem.
Người thích kiểm soát thường bị căng thẳng bởi họ không chỉ bận tâm đến quyết định và thái độ cư xử của bản thân mà còn đòi hỏi mọi người xung quanh cũng phải suy nghĩ và hành động theo một số cách nhất định. Điều tồi tệ là dường như mong muốn kiểm soát đã ngăn họ nhận ra thực tế rằng mỗi cá nhân đều có những suy nghĩ khác nhau. Và càng tồi tệ hơn khi người thích kiểm soát muốn điều khiển người khác như những con rối. Mặc dù thỉnh thoảng họ có thể gây ảnh hưởng lên người khác nhưng chắc chắn rằng không ai có thể buộc mọi người phải hành động theo mình mãi được. Chính vì không làm được điều đó nên những người thích kiểm soát phải gánh lấy nhiều nỗi thất vọng nặng nề.
Cách duy nhất để chế ngự nhu cầu kiểm soát là bạn phải thấy được lợi ích khi kiềm chế thói quen xấu này. Bạn phải hiểu rằng bạn vẫn có thể làm theo cách của mình trong những tình huống cần thiết, nhưng không áp đặt quan điểm cá nhân quá nhiều. Nói cách khác, bạn cần phải hạn chế việc kiểm soát suy nghĩ, thái độ và hành động của người khác. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu căng thẳng và thất vọng.
Sự kiểm soát chỉ tạo ra sự giận dữ và những mối quan hệ đối nghịch. Khi bạn có thể dập tắt nhu cầu kiểm soát người khác, mọi người sẽ sẵn sàng hợp tác với bạn. Khi cảm thấy bản thân mình được chấp nhận, mọi người sẽ ngưỡng mộ và quý trọng bạn hơn rất nhiều.
—
Loại bỏ tâm lý tranh đua
Tôi thường nghe mọi người bàn luận về đề tài “tranh đua trong công sở” với thái độ như thể họ đang nói chuyện thời tiết – nghĩa là quá tự nhiên và hờ hững! Nó khiến tôi đi đến kết luận: “Việc tranh đua trong công sở là chuyện không thể tránh khỏi và là thực tế cuộc sống của tất cả mọi người”.
Nhưng mặt trái của tâm lý tranh đua là mọi người sẽ hình thành suy nghĩ rằng: “Tránh đường nào, tôi đang vội chết đi được. Tôi đâu còn bao nhiêu thời gian để thăng tiến. Đây là thế giới của những người đạp lên nhau mà sống!”. Suy nghĩ này sẽ khiến bạn rơi vào cái bẫy của sự sợ hãi, mất kiên nhẫn, muộn phiền, bởi nó liên tục lên tiếng rằng bạn là kẻ thua cuộc. Bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết những người tự nhận mình có tâm lý tranh đua trong công việc đều rất dễ bị kích động và cáu bẳn. Tuy nhiên, cũng có không ít người với cùng tính chất công việc, áp lực, trách nhiệm và lịch làm việc nhưng họ lại trải qua một cách nhẹ nhàng và thú vị. Hiệu quả và năng suất lao động của họ chẳng kém gì những đồng nghiệp hay lo lắng và kích động vì tâm lý tranh đua kia.
Tôi luôn cảm thấy thoải mái khi gặp những người dù phải lăn lộn kiếm sống trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh nhưng không để mình bị cuốn vào cuộc tranh đua điên cuồng và đầy phá hoại kia. Họ né tránh nó bằng cách chú tâm vào công việc của mình.
Những gì xảy ra nơi công sở chiếm lĩnh phần lớn tâm trí bạn, và bạn cảm thấy cuộc sống của mình như thế nào là tùy thuộc vào khía cạnh mà bạn đã tập trung sự chú ý. Nói cách khác, khi kể về một ngày làm việc, bạn hoàn toàn có thể lâm vào tâm trạng phổ biến: “Ôi, ngày hôm nay của tôi mới tồi tệ làm sao! Đi làm thì bị kẹt xe khủng khiếp. Đến công ty thì vướng vào những cuộc họp triền miên và chán ngắt. Mở miệng ra là cãi cọ và xung đột. Thế có chán không cơ chứ! . Cùng một ngày như vậy, nhưng nếu nghĩ khác đi, bạn có thể kể lại nó như sau: “Tôi lái xe đến công ty và gần như họp hành cả ngày. Các cuộc họp thật sự không dễ chịu với nhiều sự tranh cãi, nhưng tôi đã cố hết sức để kéo mọi người gần lại với nhau. Thật tốt khi tôi đã làm được điều đó”.
Bạn có cảm nhận được sự khác biệt không? Đừng cho rằng tôi đang đề cập đến hai kiểu người khác nhau, người đầu tiên thì “thực tế” còn người thứ hai thì “đang ở trên mây”. Sự thật thì cả hai người này đều không sai khi kể lại ngày làm việc của mình. Sự khác nhau ở đây liên quan đến thái độ nhìn nhận, bởi một người lạc quan còn người kia thì không. Ví dụ kể trên có thể được áp dụng cho những dự định của bạn cũng như cách bạn sử dụng thời gian của mình. Bạn luôn được quyền lựa chọn giữa việc để “mình vướng vào cuộc tranh đua khốc liệt” hoặc nghĩ về nó khác đi.
Bạn có thể bắt đầu loại bỏ tâm lý tranh đua để trở thành người điềm đạm bằng cách quyết định không tranh luận với đồng nghiệp nữa – hoặc mô tả lại ngày làm việc và trách nhiệm của mình theo hướng lạc quan hơn. Khi tâm trí hướng đến những nhìn nhận tích cực và không ngừng tìm kiếm những món quà của cuộc sống, bạn sẽ có một cảm nhận hoàn toàn khác về môi trường công sở. Mọi thứ trong mắt bạn sẽ khác đi, bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều cơ hội tốt cho bản thân và cho mọi người. Bạn sẽ tìm ra nhiều giải pháp hơn, thấy ít rắc rối hơn và ngày càng yêu thích hơn với công việc mình đang làm.
—
Đừng cau có trước những thời hạn
Nhiều người trong chúng ta phải làm việc dưới áp lực nặng nề của những thời hạn khít khao và liên miên. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng đã bao giờ bạn ngừng lại để suy ngẫm về tâm lý và cảm xúc tiêu cực của bản thân trước những thời hạn? Và bạn đã bao giờ tự hỏi về hậu quả tồi tệ sẽ xảy đến khi chúng ta thường xuyên có tâm trạng như thế? Nếu chưa, tôi khuyên bạn hãy để tâm đến những câu hỏi này.
Không có gì sai khi ta nói rằng thời hạn chính là thực tế công việc. Thế nhưng, điều đáng nói là phần lớn căng thẳng của ta không phải xuất phát từ những thời hạn mà chính là từ thái độ của ta khi nghĩ về chúng, từ việc ta cuống cuồng lo lắng liệu mình có thực hiện kịp tiến độ hay không, việc ta cảm thấy tội nghiệp bản thân mình, không ngừng than phiền và bày tỏ sự than phiền đó với mọi người xung quanh.
Một lần nọ, tôi hẹn một đối tác ở văn phòng của anh ấy. Vì anh đến trễ do kẹt xe nên trong lúc chờ đợi, tôi cố đọc lại một vài tài liệu. Thế rồi tôi bị cuốn vào cuộc đối thoại của hai nhân viên đang đứng gần mình. Họ đang than phiền với nhau về thời hạn khít khao và bất công mà họ phải nhận. Theo lời họ kể, tôi biết rằng họ chỉ có hai giờ để hoàn thành một vài báo cáo.
Tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi nghe họ nói chuyện với nhau: cả hai bỏ ra cả tiếng đồng hồ để than phiền về thời hạn được giao trong khi lại không bắt tay vào thực hiện chúng! Cuối cùng, một trong hai người họ kêu lên thất thanh: “Ôi trời ơi, chúng ta phải làm việc ngay thôi. Chỉ còn có một giờ nữa!”.
Theo tôi, đây là một ví dụ rất điển hình về việc phí phạm thời gian cho việc ca cẩm về thời hạn. Rõ ràng, bản thân thời hạn không phải là nhân tố chính gây nên sự căng thẳng. Hôm đó, hai nhân viên trên dường như cũng nhận ra rằng họ có thể hoàn thành công việc trong thời hạn quy định – thậm chí chỉ trong vòng một giờ. Hãy thử suy nghĩ xem, nếu hai người này bình tĩnh cùng nhau thực hiện công việc thì kết quả sẽ khác biệt ra sao.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng nếu cứ than phiền về thời hạn – ngay cả khi lời than phiền là hợp lý – thì ta chỉ càng thêm hao tổn năng lượng và thời gian mà thôi! Việc bạn than phiền với người khác hoặc tự than thở thường chẳng mang lại tác dụng gì. Ám ảnh không ngừng về thời hạn chỉ tạo nên những lo lắng bên trong ta mà thôi.
Tôi hiểu rằng đôi lúc, thời hạn được đưa ra một cách bất công và khiến ta cảm thấy hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, nếu chú tâm vào mục tiêu và đừng để những suy nghĩ tiêu cực chi phối mình, ta có thể hoàn thành mọi công việc được giao. Hãy để ý xem liệu bạn có thường xuyên rơi vào tâm lý lo lắng, bực bội hay than phiền về thời hạn không. Sau đó, hãy cố gắng kiểm soát những tâm lý này. Hãy nhắc nhở bản thân dành năng lượng cho những việc thật sự có ích.
—
Thỉnh thoảng, hãy lờ đi chiếc điện thoại
Tôi cho rằng điện thoại là một vật dụng mang nhiều tính năng trái ngược. Một mặt, nó là phương tiện tối cần với hầu hết mọi người. Có vẻ nếu không có điện thoại, ta chẳng thể làm việc được. Nhưng mặt khác, điện thoại là vật dụng khiến ta phân tâm và căng thẳng. Có nhiều lúc, ta không làm sao rời được nó. Tuy nhiên, nếu cứ phải nghe điện thoại liên tục thì ta chẳng còn tâm trí để hoàn thành các công việc khác. Kết quả là ta sẽ cảm thấy bực bội và giận dữ với người gọi điện cho ta.
Một lần, tôi đang ở trong văn phòng của một người quản lý thì điện thoại của anh ấy reo. Anh càu nhàu: “Cái điện thoại chết tiệt này chẳng bao giờ ngừng reo cả”. Sau đó, anh bắt điện thoại và nói chuyện suốt 15 phút trong khi tôi chờ đợi. Khi gác máy, trông anh vừa mệt mỏi vừa bực bội. Điện thoại lại reo lên lần nữa, và anh lại xin lỗi để bắt máy. Sau đó, trong lúc trò chuyện với nhau, người quản lý thú nhận anh khó có thể hoàn thành được công việc khi cứ phải liên tục trả lời điện thoại. Lúc đó, tôi mới hỏi anh rằng: “Có bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ lờ đi chiếc điện thoại trong một khoảng thời gian nào đó?”. Anh ấy nhìn tôi và thốt lên: “Ồ, sao tôi chưa bao giờ nghĩ đến nhỉ?”. Lời gợi ý đơn giản này không chỉ giúp anh ấy cảm thấy thoải mái hơn mà còn giúp anh hoàn thành công việc được tốt hơn. Giống như nhiều người, người quản lý này không cần quá nhiều thì giờ tập trung, nhưng anh cần một khoảng thời gian nhất định không bị phân tâm để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, vì anh là người làm chủ các cuộc điện thoại chứ không phải phụ thuộc vào yêu cầu của người gọi đến, nên trong một vài trường hợp, anh hoàn toàn có thể rút ngắn các cuộc gọi. Anh có thể nói với người gọi đến rằng: “Chào Joan. Lúc này tôi không thể nghe điện thoại lâu được, nhưng tôi sẽ gọi lại cho cô”.
Rõ ràng, công việc của chúng ta phụ thuộc nhiều vào điện thoại và ta phải sử dụng nó ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, nếu bạn là nhân viên lễ tân, tổng đài viên hay nhân viên bán hàng thì bí quyết này có thể không hợp với bạn. Tuy nhiên, với nhiều người khác, bí quyết này có thể xem như phao cứu sinh của họ. Chẳng hạn, ở văn phòng của tôi, nếu tôi không lờ đi, gần như cả ngày tôi sẽ dính chặt với cái điện thoại. Khi đó, tôi sẽ có rất ít thời gian để viết sách hoặc làm những công việc khác.
Bạn có thể áp dụng bí quyết này bằng nhiều cách. Về phía mình, tôi định ra một khoảng thời gian trong ngày để đặt điện thoại ở chế độ rung và chỉ nhận những cuộc gọi đã được lên lịch trước hoặc trường hợp khẩn cấp (thường là rất hiếm). Nhờ vậy mà tôi mới có thời gian tập trung vào những việc cần hoàn thành.
Trong trường hợp bạn không thể từ chối các cuộc gọi vì đó là quy định của công ty hoặc là một phần công việc của bạn, thì bạn cần sáng tạo hơn để có thể áp dụng bí quyết này. Chẳng hạn, tôi có quen với một nhân viên nữ thường ăn trưa bằng thức ăn chuẩn bị từ nhà. Cô tranh thủ làm việc ngay tại văn phòng vào giờ ăn trưa nên khi đó, cô có quyền tắt điện thoại và cài chế độ thư thoại phòng khi có người gọi đến. Vì đã làm việc vào giờ ăn trưa nên buổi chiều, cô được phép về sớm hơn. Cô cũng tắt điện thoại vào khoảng thời gian này để tập trung giải quyết những việc cần làm.
Nếu bạn làm việc tại nhà, bí quyết này sẽ dễ áp dụng hơn. Bạn chỉ cần quyết định khoảng thời gian nhất định không trả lời điện thoại, vậy là bạn có thể hoàn thành những việc cần làm. Đây không phải là bí quyết dễ sử dụng, bởi sẽ có những việc không lường trước xảy đến. Chẳng hạn, làm sao bạn có thể từ chối những cuộc gọi khẩn cấp hay các cuộc gọi riêng tư quan trọng? Tôi đã thiết lập một vài đường dây riêng dành cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp thân cận. Hầu hết mọi người sẽ thông cảm cho quyết định “chỉ trả lời những trường hợp gọi khẩn cấp” của bạn. Một cách khác là bạn có thể kiểm tra tin nhắn hoặc kiểm tra máy sau một khoảng thời gian nhất định. Nhờ vậy, bạn vừa lờ đi những cuộc gọi không quan trọng, vừa không bị nhỡ những cuộc gọi khẩn cấp.
Chắc chắn rằng khi mới áp dụng bí quyết này, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, hãy thử xem! Tôi tin rằng kết quả mà nó mang lại hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của bạn. Nhờ bí quyết này, bản thân tôi đã làm việc hiệu quả gấp hai, ba lần so với trước.
—
Tránh khoe khoang sự bận rộn
Một công việc thường xuyên của tôi là đi nhiều nơi diễn thuyết về phương pháp giảm nhẹ căng thẳng, gia tăng hạnh phúc và vượt qua được những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Trong những chuyến đi như vậy, tôi thường được mời tham dự các buổi họp mặt, chiêu đãi cả trước và sau buổi diễn thuyết. Những buổi tiệc đó có rất nhiều người tốt bụng, ân cần và tài giỏi. Tuy nhiên, sau nhiều lần quan sát, tôi nhận thấy một khuynh hướng không mấy tốt đẹp đang gia tăng ở nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Và tôi gọi khuynh hướng đó là “khoe khoang sự bận rộn”.
“Khoe khoang sự bận rộn” nghĩa là bạn cố ý bày tỏ cho mọi người biết rằng mình bận rộn đến mức độ nào và làm việc cật lực ra sao. Bạn lấy nó làm chủ đề chính của câu chuyện, như thể mình sẽ được phong cho một danh hiệu cao quý nếu làm việc quá sức, thiếu ngủ, có rất ít thời gian (nếu không muốn nói không có thời gian) cho cuộc sống cá nhân. Tôi đã nghe hàng trăm người kể lể về thời gian biểu làm việc dày đặc và những đêm thức trắng vì công việc, về khoảng thời gian ít ỏi dành cho vợ/chồng, con cái hay những kỳ nghỉ ngày càng ngắn của họ.
Ngày nay, “khoe khoang sự bận rộn” không chỉ giới hạn ở những nhân viên làm việc trong các công ty hay tổ chức mà đã trở thành một thói quen xấu phổ biến khắp nơi.
Tất nhiên, tôi không cố ý phủ nhận mức độ bận rộn, khó khăn đã chi phối công việc của bạn – vì bản thân tôi cũng có những lúc như vậy. Nhưng việc bạn luôn kể lể về sự bận rộn chỉ làm gia tăng cảm giác căng thẳng của bạn mà thôi. Nó khiến bạn càng để ý đến các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống và tiếp tục vướng vào trăm ngàn mối bận tâm khác.
Nếu dừng lại suy ngẫm, hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng “khoe khoang sự bận rộn” là chủ đề trò chuyện nhàm chán và thiếu tính xây dựng. Tôi đã quan sát nhiều người trò chuyện với nhau về đề tài này nhưng chưa từng thấy ai tỏ vẻ hài lòng sau đó. Thông thường, mọi người lắng nghe bạn (nếu bạn cho rằng họ đang lắng nghe) chỉ để đợi đến lượt họ kể chuyện của mình. Sự thật, “bận rộn” là đề tài quá cũ kỹ và nhàm chán.
Hãy nghĩ về vấn đề này ở vị trí người lắng nghe. Dù bạn là ai hay bạn làm công việc gì chăng nữa thì tôi tin rằng chẳng mấy ai cảm thấy thích thú khi nghe bạn kể về sự bận rộn và quá tải của bạn cả. Hãy nghĩ xem, bạn có thích thú khi phải nghe tôi kể lể về sự bận rộn của tôi hay không? Tôi nghĩ là không. Bản thân tôi thích nói chuyện với mọi người về nhiều khía cạnh khác thú vị hơn trong cuộc sống – và tôi tin bạn cũng vậy.
Vậy nên, có thể bạn có quan điểm riêng nhưng chắc chắn “khoe khoang sự bận rộn” chẳng phải là điều hay ho. Nếu bạn quá bận rộn, hãy bớt việc lại hoặc đẩy nhanh tiến độ công việc lên. Kể lể về nó chỉ càng khiến sự căng thẳng của bạn trở nên tệ hại hơn và bạn sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt mọi người.