Tóm tắt & Review (Đánh Giá) cuốn sách Vượt Lên Trật Tự của tác giả Jordan B Peterson
“Vượt Lên Trật Tự” (tựa gốc: “Beyond Order”) của tác giả Jordan B. Peterson là phần tiếp theo của cuốn sách nổi tiếng “12 Quy Luật Cuộc Đời“. Trong tác phẩm này, Peterson trình bày 12 quy tắc mới nhằm giúp người đọc tìm kiếm sự hài hòa và thành công trong cuộc sống đầy biến động hiện tại. Mỗi quy tắc không chỉ là một nguyên tắc sống mà còn được minh họa bằng những câu chuyện thực tế từ kinh nghiệm cá nhân và công việc tư vấn của tác giả.
Cuốn sách được chia thành 12 chương, mỗi chương khám phá một quy tắc cụ thể, từ việc nhận diện và đối mặt với những hỗn loạn trong cuộc sống cho đến việc xây dựng trách nhiệm cá nhân. Peterson nhấn mạnh rằng cả trật tự và hỗn loạn đều cần thiết cho sự phát triển của con người, và việc tìm kiếm sự cân bằng giữa hai yếu tố này là điều quan trọng để đạt được hạnh phúc và thành công.
******
Mục đích sống của con người trên hành tinh này không chỉ là sống sót mà là sống với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ. Sẽ ra sao nếu chúng ta không có một tinh thần bất khuất để đối mặt với biến đổi và thất vọng? Và phải chăng bị động trước cuộc đời là một sai lầm lớn? Tôi đã tự đặt nhiều câu hỏi cho chính mình sau khi đọc Vượt lên trật tự – 12 Quy tắc cho cuộc sống của Giáo sư Jordan B. Peterson.
Là một người theo đuổi sự nghiệp giáo dục đã mười mấy năm, cũng đã trải qua nhiều thử thách cùng những quyết định trước những ngã rẽ quan trọng, nhưng khi nhìn về quá khứ, tôi chưa bao giờ hối tiếc. Dẫu biết bất kỳ sự thử thách nào cũng luôn tiềm ẩn rủi ro, nhưng tận sâu trong tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng, nếu chúng ta không dám khai phá giới hạn của bản thân, làm sao biết được cơ hội mới mẻ luôn ẩn náu ở những nơi tưởng chừng đầy mạo hiểm? Với hệ niềm tin này, tôi luôn tâm niệm làm sao để truyền dạy và tạo điều kiện cho các bạn sinh viên khai phóng năng lực khám phá bản chất vấn đề, làm chủ bản thân, biết cách rút ra bài học từ những va vấp ngay khi còn trên ghế nhà trường; để các bạn luôn ghi nhớ rằng những điều không dự đoán trước và cả những thất bại sẽ là “tấm bằng” đắt giá để giúp các bạn đứng lên được và trưởng thành hơn khi bước vào “trường đời”. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng của tinh thần giáo dục khai phóng mà các trường học muốn hướng đến.
Trong cuốn sách trước, 12 Quy luật cuộc đời, Giáo sư Jordan B. Peterson đã đưa ra các quy luật để xác định vị trí của mọi người trong xã hội, thừa nhận các hệ thống và cấu trúc đã tồn tại từ lâu; và thay vì tìm cách phá bỏ chúng, ông đã khuyến khích người đọc tìm thấy vị trí thiết thực nhất của mình trong đó. Tôi hoàn toàn đồng ý cách Giáo sư Jordan B. Peterson đề cập về “Sự thật là thế giới luôn tồn tại những điều ta không biết và không thể dự đoán trước”. Nhưng con người chúng ta thường có khuynh hướng bẩm sinh thích những thứ “mang tính xác định”, chúng ta luôn cố áp đặt trật tự lên thế giới mặc dù những hiểu biết của con người về cách thế giới vận hành chưa bao giờ là đủ. Điều này vô hình trung khiến ta chìm trong hốt hoảng, thậm chí có thể là bất lực mỗi khi rơi vào hỗn loạn trong một thế giới luôn biến đổi không ngừng. Cuốn sách này giúp tôi nhận ra, để có khả năng chống lại những đả kích của biến đổi, chỉ có một cách duy nhất đó là: vượt ra khỏi trật tự để đối diện với hỗn độn.
Hãy đọc và ngẫm sách bằng tâm thế cởi mở với những lập luận sâu sắc của tác giả, biết đâu các quy tắc của ông sẽ là kim chỉ nam giúp mỗi người chúng ta tìm thấy mấu chốt cho câu hỏi: “Ta phải làm gì khi rơi vào nghịch cảnh?”. Vì suy cho cùng, có bao nhiêu người dễ dàng đi qua những đau khổ, tai ương, gian truân mà vẫn học được cách vượt lên và đối diện với nó? Cách duy nhất đó là hãy chuẩn bị trước cho những hỗn độn sẽ có thể xuất hiện vào lúc chúng ta mất cảnh giác nhất, để từ đó, bạn biết cách “giữ được lòng biết ơn giữa nghịch cảnh”.
– PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy
Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen (HSU)
Không có gì bùng nổ cho bằng việc nhận ra những gì bản thân đang nhận thức, tin tưởng, theo đuổi, thực hành lại được xác nhận bằng những lý thuyết và minh chứng có hệ thống, có nghiên cứu, đáng tin cậy bởi một chuyên gia quốc tế. Đó là cảm giác của tôi sau khi đọc cuốn Vượt lên trật tự – 12 Quy tắc cho cuộc sống.
Tôi đã mất rất nhiều năm, rong ruổi mọi ngả đường thế giới, suy nghĩ và phản tư về cuộc đời, chỉ để rút ra cho bản thân vài bài học đơn giản đến kinh ngạc của cuộc sống, ví dụ như người duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình chính là bản thân mình, không ai khác. Con người, ai cũng thích tìm chiêu nào dễ nhất để né, đường nào ngắn nhất để đi, cách nào nhanh nhất để về đích,… Và đó là bản chất của loài người. Vì vậy, nếu có thể đổ thừa cho ai đó về sự thất bại của mình, quy trách nhiệm cho ai khác về sự yếu kém của mình, chỉ ra lỗi lầm của ai khác khiến cho cuộc đời mình không hạnh phúc, “chuyên môn” này con người không học ngày nào cũng trở nên cực giỏi. Nhưng cuối cùng, cho dù loài người có tìm đủ mọi lý do lý lẽ để biện minh cho sự không hạnh phúc, không thành công, không hài lòng hay không ra gì của cuộc đời mình thì kết quả vẫn không hề thay đổi. Bạn sẽ vẫn cứ không hạnh phúc, không thành công, không hài lòng và không ra gì. Vậy thì mất công bày trò và diễn như đúng rồi cả đời để làm gì? Thật là mất thời gian vô ích. Thay vào đó, sao không trở về tập trung phát triển tư duy, khả năng, bản lĩnh của chính mình để chủ động kiến tạo một hành trình đầy nắng gió?
Có thể, bằng trải nghiệm cuộc sống, tôi đã dần lột bỏ những chiếc mặt nạ, lột bỏ những hệ niềm tin, định kiến sai lầm đã từng khiến cho bản thân loay hoay, không biết mình là ai và sinh ra để làm gì trong cuộc đời này. Tôi cũng đã từng không hiểu tại sao cuộc đời lại bất công, tại sao mọi trật tự xã hội lại vô lý, tại sao thế giới này lại hỗn loạn đến như thế. Có phải tôi sinh ra lầm thế kỷ, hay nói như nhiều người là cái nghiệp của bản thân nặng quá, nên đời này gặp toàn chuyện không may? Nhưng rồi, trên hành trình rong ruổi bốn bể năm châu, tôi ngộ ra, loài người dù ở đâu thật ra cũng giống hệt như nhau, cũng hạnh phúc và đau khổ giống nhau, cũng chơi trò đổ thừa cho mọi thứ có thể bấu víu được từ thế giới bên ngoài như nhau, và thường hay để cho cái tôi kiêu ngạo, dối trá, thiếu trách nhiệm, cố chấp đó đứng ra làm quan tòa phán xét cả thế giới. Rồi sao nữa? Cuối cùng thì sau bao ngàn năm tiến hóa vẫn cứ loay hoay than khổ đấy thôi. Mà sao phải thế? Làm mãi cách đó cũng đâu có kết quả gì?
Từ khi dám thử nghiệm điều ngược lại, quy mọi trách nhiệm về bản thân mình, tập trung sửa đổi và phát triển bản thân mình, bắt đầu mọi hoài bão thay đổi thế giới bằng cách thay đổi bản thân, tôi ngộ ra, à thì ra cái thứ ít ai làm vì nó không đủ “cool”, không đủ ngạo nghễ và vĩ mô kia mới thật là lợi hại. Chỉ cần mỗi cá nhân tập trung làm bớt đi một đứa tào lao cho thế giới, là đứa chính mình, thì thế giới đương nhiên sẽ tốt đẹp hơn thôi. Một sự thật quá khủng khiếp, quá sức mạnh nhưng cũng cực kỳ khó nuốt. Loài người thích bề ngoài, mà chuyện tu thân nó không có drama cao trào, không có những lời đồn thổi nghiệt ngã hay quan hệ trái ngang như phim bộ cho người đời thêu dệt. Bởi vậy tu thân nó không có “cool”. Bởi vậy bao ngàn năm rồi loài người vẫn cứ ôm nỗi khổ chạy ra chứ không học được cách quay về, đối diện với quá khứ, hiện tại và tương lai của chính mình, giải quyết tận gốc mọi vấn đề từ bản thân trước đã.
Quyển sách này, Vượt lên trật tự – 12 Quy tắc cuộc đời, đối với tôi nó như là một bản tuyên ngôn độc lập tự do hạnh phúc, được viết lại một cách bài bản, chuyên nghiệp, có minh chứng dẫn chứng nhiều nguồn từ kiến thức uyên thâm của tác giả. Nó tiếp thêm cho tôi sức mạnh và niềm tin rằng lựa chọn quay về, tập trung thay đổi chính bản thân mình mới là con đường chính đạo. Những câu hỏi rất cơ bản về nhân sinh như “Bạn là ai, và bạn có thể trở thành con người như thế nào?” hay “Liệu tôi có đủ niềm tin để vượt thoát con người cũ kỹ của mình và đạt đến sự nhận biết mới mẻ, khôn ngoan hơn?” là những câu hỏi rất đương đại, rất thực tế mà tất cả chúng ta đang phải đối diện, đặc biệt là sau trận đại dịch vừa qua. Bên cạnh đó, quyển sách chứa đầy những lời khuyên rất hữu dụng, không đao to búa lớn, cực kỳ đời thường và dễ ứng dụng. Ví dụ như, “Bạn cần phải hiểu rõ quá khứ để không lặp lại những sai lầm cũ. Bạn cần phải hiểu rõ hiện tại để biết mình cách xa mục tiêu đến đâu. Và bạn cần phải hiểu rõ tương lai để không bị chết đuối trong sự bất định, hỗn độn và để nuôi dưỡng hi vọng cũng như nguồn cảm hứng của mình”. 12 quy tắc và sự diễn giải thuyết phục, đa tầng, dễ tiếp cận của tác giả chắc chắn sẽ trở thành ngọn hải đăng cho tất cả những ai đang lạc lối, đang loay hoay tìm cho mình đích đến để quay về.
Hãy đọc thật chậm, đừng vội vã. Hãy tận hưởng những điển cú, những câu chuyện đơn giản nhưng sâu sắc. Hãy để cho sự thật tự thân nó ngấm vào linh hồn một cách trong trẻo, hồn nhiên. Dừng lại, đón nhận, và mở lòng với chính bản thân, rồi bạn sẽ tận hưởng lợi ích sâu rộng nhất từ những bài học mà tác giả trải lòng chia sẻ, vượt lên trên mọi trật tự.
– Nguyễn Phi Vân
Sài Gòn, năm 2022
Mời các bạn tải đọc sách Vượt Lên Trật Tự của tác giả Jordan B Peterson