Trong các tác phẩm của nhà văn Đặng Thanh, nổi bật nhất là tiểu thuyết “X 30 phá lưới”. Tác phẩm này được viết ở miền Bắc Việt Nam, nhưng cho đến năm 1975 mới được in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, sau đó được in thành sách. Vào thời điểm đó, nhà văn Đặng Thanh đang làm việc tại Tòa án nhân dân TP HCM.
Tác phẩm “X 30 phá lưới” được xuất bản trong bối cảnh mới giải phóng của đất nước, khi vẫn còn hai phe chính trên thế giới là Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, dẫn đầu là Liên Xô và Mỹ. Trong thời điểm đó, các tác phẩm văn học, đặc biệt là truyện tình báo, phản gián vẫn còn rất ít. Vì vậy, khi “X 30 phá lưới” được xuất bản trong nước, tác phẩm đã gây tiếng vang trên văn đàn.
Sau đó, tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xuất bản ở nhiều quốc gia như Nga, Bulgaria, Nhật Bản, Mỹ… Tuy nhiên, khi một nhà xuất bản ở Nhật Bản in tác phẩm này, một người quen của nhà văn Đặng Thanh đã kiện ông, đòi quyền tác giả và nhuận bút.
Tại tòa án, người thầy giáo này không thể trưng ra được bằng chứng nào để chứng minh mình là tác giả. Ngược lại, nhà văn Đặng Thanh đã trình làng nhiều bằng chứng để chứng minh mình là tác giả của “X 30 phá lưới”. Tòa án sau đó kết luận rằng Đặng Thanh là tác giả của tác phẩm này, vì chỉ có những người làm việc trong ngành tình báo hoặc có kiến thức về nó mới có thể viết được những câu chuyện về tình báo. Trong khi đó, người thầy giáo kia chỉ là một giáo viên dạy Văn, không có tư liệu, kiến thức và kinh nghiệm như Đặng Thanh. Tuy nhiên, tòa án cũng tuyên rằng Đặng Thanh phải viết lời cảm ơn cho người thầy giáo kia.
Mấy chục năm trôi qua, những tác phẩm của ông vẫn được tái bản, làm say mê hàng triệu độc giả. Đọc truyện của ông để hiểu thêm và tự hào về lịch sử, trí tuệ của dân tộc Việt Nam.
Những người sinh vào thập niên 70 trở về trước và sống ở miền Bắc, miền Trung hẳn không lạ gì với “X 30 phá lưới” của nhà văn Đặng Thanh. Trong trí nhớ của tôi, lúc đó còn là một đứa trẻ 9-10 tuổi sống ở miền quê nghèo Hà Tĩnh, những người trong xóm chuyền tay nhau đọc tác phẩm này đến quăn queo. Chúng tôi say mê theo nhân vật Phan Thúc Định với những tình tiết ly kỳ trong hành trình xâm nhập vào cơ quan đầu não của chính quyền họ Ngô. Ngưỡng mộ nhà văn và nhân vật của ông, không ngờ mấy chục năm sau, tôi lại có cơ duyên được “gặp lại” ông và nhân vật X 30.
Vì có nhiều nợ máu đối với Cách mạng trong thời kỳ là tri phủ Tuy An, quản đạo Ninh Thuận và tuần vũ Khánh Hoà, Uỷ ban khởi nghĩa địa phương chuẩn bị đưa hắn ra xét xử trước Tòa án Nhân dân.
Nhưng có lệnh giải hắn ra Bắc…
Chính quyền nhân dân lúc bấy giờ mới thành lập. Với chính sách đại lượng khoan hồng, Hồ Chủ Tịch không những đã ban ơn tha tội chết cho hắn, lại còn cho phép hắn được ở thủ đô, đãi ngộ hắn như khách, cho hắn được tự do đi lại, rồi sau đó, được vào ở hẳn trong một nhà thờ Thiên chúa giáo ở phố Hàng Bột theo sự thỉnh cầu của hắn.
Tuy biết hắn là một tên tráo trở, đã từng làm tay sai đắc lực cho Pháp, bị Phạm Quỳnh hất cẳng thì chạy theo liếm gót Nhật, đến khi Nhật đầu hàng đồng minh thì lại tìm cách quay về với chủ Pháp, Cách mạng vẫn mở rộng cửa với hắn, tạo điều kiện cho hắn trở về với con đường của dân tộc.
Thế nhưng, sau khi được vào ở trong nhà thờ, Diệm đã thông qua một cha cố Pháp để bắt liên lạc với tướng Lơ-cờ-léc (Leclerc) chỉ huy quân đội Pháp, đóng ở trong thành. Tướng Leclerc đã lệnh cho Phòng Nhì Pháp giải thoát Diệm. Phòng Nhì Pháp đã giao việc thực hiện cho một người giúp việc bí mật của chúng là Phan Thúc Định – con của tuần vũ Phan Thúc Ngân, bạn thân của Diệm – đưa hắn vào thành, rồi bằng phương tiện của quân đội, Pháp bí mật đưa Diệm sang Hồng Kông.
Từ đó, Diệm về Sài Gòn, sang Paris.
Tuy ra tay cứu Diệm nhưng không tin Diệm bằng những tên tay sai khác, nên hắn không có vai vế gì trong chính phủ bù nhìn do Pháp dựng nên.
“Sau bao năm từng lê gót nơi quê người”, như sau này hắn đã phô trương, Diệm tìm đường sang Tô-ky-ô (Tokyo), nói là đi thăm Kỳ – ngoại hầu Cường Để, nhưng thực ra, hắn chủ tâm đi tìm chủ mới.
Tháng 2 năm 1950, một người Mỹ tên là Phi-sin (1) đến gặp hắn tại khách sạn Đại Đông Á, đưa cho Diệm bức thử của Hồng Y Giáo chủ Spen-man (2), mời Diệm sang Mỹ. Kèm theo bức thư, Phi-sin đã đưa cho Diệm một ngân phiếu mười vạn đôla lãnh tại ngân hàng Tô-ky-ô.
Năm 1951, Diệm sang Mỹ được Hồng Y Giáo chủ Spen-man nhận làm con đỡ đầu và cho ở tại chủng viện Ma-ry Nôn (3).
Hai năm sau, CIA đưa vào học trường đại học Michigan (Mi-sit-găng). Lúc này hắn vừa tròn 53 tuổi. Tại đây, câu chuyện bắt đầu…
Mời các bạn đón đọc X.30 Phá Lưới của tác giả Đặng Thanh.