Tôi thấy có nhiều ý kiến trái chiều giữa vấn đề đọc sách giấy và sử dụng điện thoại để đọc sách. Đọc sách giấy là “làm màu”, đọc sách giấy là “cổ lỗ sĩ”, đọc sách giấy là “không tiếp cận được thời đại”. Bản thân tôi, tôi không “thần thánh hoá” việc đọc sách giấy. Tuy nhiên, tôi có 02 góc nhìn và đây là góc nhìn riêng bản thân tôi như thế này:
XÉT DƯỚI GÓC ĐỘ TRẺ EM
(theo như Luật Trẻ 2016 của Việt Nam thì trẻ em là người dưới 16 tuổi; theo Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc thì trẻ em được quy định là người dưới 18 tuổi)
Ai cũng đều biết độ tuổi trẻ em là độ tuổi chưa có đầy đủ nhận thức về tất cả mọi đều mà chúng làm, chúng chưa nhận rõ được điều gì đúng và điều gì sai. Do đó, việc dạy dỗ, chăm sóc, lo lắng, định hướng từ lúc chúng mới sinh ra đến độ tuổi trưởng thành là trọng trách thuộc về bậc phụ huynh.
Tôi công nhận điện thoại (thiết bị thông minh nói chung) nó là một kho tàng trí thức khổng lồ của nhân loại nằm trên đó. Nhưng phải có đủ nhận thức để sàng lọc thông tin trước khi dùng đã
Tôi thấy nhiều người bảo rằng, việc lựa chọn hình thức giữa đọc sách giấy và ebook (đọc thông qua điện thoại, máy tính bảng…) là khôn ngoan của mỗi người. Tôi không bác bỏ luận điểm này, nhưng với độ tuổi trẻ em thì chúng có đủ khôn ngoan để nhận biết được tác hại tiềm ẩn của các thiết bị thông minh hay không?
Cho trẻ em sử dụng thiết bị thông minh cũng rất tốt, nhưng tốt khi ở độ tuổi nào? Và hại ở độ tuổi nào?
Có một số bạn ý kiến rất hay và đồng quan điểm với tôi: “thà cho nó đọc sách giấy, thì mình biết nó đọc cái gì? Thể loại sách nó đọc có phù hợp với nó hay không? Còn hơn là cho nó đọc ebook, rồi không thể kiểm soát được thể loại sách nó đọc. Kiểm soát cái vật thể hiện hữu dễ hơn là kiểm soát cái phi vật thể không hiện hữu”.
Nếu nó đã muốn đọc, nó đọc ebook thông qua website, sau mỗi lần đọc, hoặc sau mỗi lần nó xem thông tin không phù hợp với độ tuổi, nó xoá toàn bộ lịch sử thì tôi nghĩ lúc đó cũng kêu trời. (Chắc lúc này lại có người bảo: dân IT chúng tôi kiểm soát được hoặc hệ điều hành Apple, Android, Window… giờ có nhiều chức năng quản lý trẻ lắm. Nếu bậc phụ huynh làm được điều đó thì tuyệt vời)
XÉT DƯỚI GÓC ĐỘ NGƯỜI LỚN
Người lớn “CÓ LẼ” đủ đủ trưởng thành để nhận thức được đâu là điều khôn ngoan, đâu là điều không khôn ngoan có hại đến chính bản thân mình. Chọn lọc đúng được cái cần.
Khi bạn là “dân” đọc sách nhìn thấy người khác cầm một quyển sách giấy đọc nơi công cộng. Thông qua thái độ, hành vi, ánh mắt… của người đó, tôi nghĩ bạn cũng có thể đoán được người đó có “làm màu” hay không? Hay cố tỏ vẻ trí thức hay không?
Vì tôi nghĩ mọi điều đều có luật hấp dẫn.
Khi sử dụng điện thoại, máy tính bảng… đọc sách điều đầu tiên là chúng có ánh sáng xanh có hại đến mắt (điều này chắc nhiều người nói: “có thời gian lướt mạng xã hội là không hại mắt chắc ), điều thứ 2 là đọc thời gian dài rất mỏi mắt, điều thứ 3 là rất dễ phân tâm tới những điều khác chẳng hạn như: thông báo từ tin nhắn, từ cuộc gọi, từ các trang mạng xã hội… (lúc này chắc có người sẽ nói rằng: “các thiết bị bây giờ có chế độ đọc sách, bật nó lên là không còn sợ bị làm phiền nữa )
Đối với người lớn, quyền quyết định là ở chính họ, những tác động khác khó có thể làm lung lay quyết định đó.
Cứ nhìn vào ví dụ cậu bé ngồi bệt đọc sách: vì sao cậu bé đọc sách miệt mài như thế? Vì chúng không có quyền lựa chọn: ba mẹ chúng bắt chúng phải ngồi đấy đọc sách và chờ; vì chúng sợ đám đông nên không thể tìm nơi yên tĩnh để đọc; vì chúng sợ bị lạc nên chúng không dám đi đâu VÀ ĐẶC BIỆT vì chúng không có điện thoại, máy tính bảng…chúng bị rơi vào trường hợp chỉ có duy nhất một quyền lựa chọn là đọc sách để giết thời gian. Từ đó thành thói quen, sau này tự khắc chúng sẽ thực hiện điều đó vì là sở thích của chúng.
Còn nếu một người lớn, đủ trưởng thành rơi vào trường hợp trên, thì người lớn có rất nhiều sự lựa chọn, tìm nơi yên tĩnh để đọc sách, tìm nơi êm ái để ngồi, có điện thoại, máy tính bảng…để đọc sách, nhưng vấn đề ở đây: vì có nhiều lựa chọn như trên, liệu người lớn có còn nhớ đến mục đích ban đầu của mình là đọc sách hay không?
TÓM LẠI
Với tôi, tôi không “thần thánh hoá” việc đọc sách giấy, cũng không bác bỏ sự tiện lợi, công dụng của việc dùng thiết bị thông minh để đọc sách.
RIÊNG TÔI: tôi dùng cả hai, khi ở nhà thì tôi đọc sách giấy, vì tôi thích cảm giác lật từng trang giấy. Khi ngồi lâu bị đau lưng, tôi sẽ đọc bằng con máy đọc sách Kindle yêu thích của tôi, thỉnh thoảng cũng đọc bằng điện thoại, ipad. Hoặc lúc đi làm, đi công tác xa thì tôi sẽ dùng máy đọc sách và điện thoại, vì không thể vác một vài quyển đến tận mấy nghìn trang đi xa được. NHƯNG liệu trẻ em có đủ nhận thức những mặt lợi và hại này không? (Trong bài viết này, tôi không bàn về vấn đề sách thật và sách lậu)
TÔI VẪN GIỮ QUAN ĐIỂM: TRẺ EM THÌ HẠN CHẾ HẾT MỨC CÓ THỂ VIỆC SỬ DỤNG THIẾT BỊ THÔNG MINH. (Quan điểm này có thể sai ở tương lai, nhưng với tôi nó đúng ở hiện tại)
- Review: Làm Ra Làm, Chơi Ra Chơi – Làm thế nào để làm việc sâu và nâng cao khả năng tập trung
- Review: Hòn đảo bí mật – Siêu phẩm của tác giả Jules Verne
- Review: Siêu trí tuệ – Superintelligence
- Review: Trăm Năm Cô Đơn – Sự ẩn dụ nó hay đến mức ám ảnh, suy nghĩ về nó mãi
- Review: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – Ocean Vuong