Cảnh đầu tiên trong vở opera Don Giovanni của Mozart có cảnh giết chỉ huy đội kỵ sĩ, ông ta không có tên chỉ được viết là chỉ huy đội kỵ sĩ và là vai chính bị đâm đâm chết ngay từ cảnh mở màn. Cuối cùng ông ta biến thành một pho tượng báo điềm gở, xuất hiện trước mặt Don Giovanni và lôi gã xuống địa ngục. Người thanh niên đẹp trai trong bức tranh chính là kẻ ăn chơi trác táng Don Giovanni, viết theo tiếng Tây Ban Nha là Don Juan, còn người đàn ông lớn tuổi bị giết là chỉ huy đội kỵ sĩ danh tiếng. Cô gái trẻ là ái nữ của ngài chỉ huy tên là Donna Anna, tên đầy tớ là Leporello – người hầu của Don Giovanni. Tên đày tớ đang cầm trên tay bản danh sách dài ghi lại tên tất cả những phụ nữ mà chủ nhân của hắn đã chinh phục được. Don Giovanni ra sức quyến rũ nàng Donna nhưng bị bố nàng- chỉ huy đội kỵ sĩ ngăn cản nên đã xảy ra trận đấu kiếm, kết cục là gã giết luôn ngài chỉ huy. Cảnh rất nổi tiếng này trong vở opera Don Giovanni của Mozart chính là nguồn cơn cho cái tựa cuốn sách này, và cũng là tên một bức tranh của một họa sĩ Nhật Bản nổi tiếng, mà nhân vật chính của chúng ta phát hiện ra trên tầng áp mái khi đến trọ trong ngôi nhà trên núi.
Cuốn sách dày 2 tập “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” này mình cầm đặt xuống nhiều lần vì quá bận rộn, nay vãn việc đọc được vài chương, lại phải dừng lại để viết vài dòng ngay vì quá yêu thích cái không gian mà Haruki Muarakami mở ra. Chính xác là đến trang 110, khi bắt gặp 1 gã râu ria nhô lên từ nắp cống trong một bức tranh vẽ về Nhật Bản thời cổ đại, thời mà Nhật Bản chưa có cống thoát nước, mình đã nhận ra, thế giới song song quen thuộc của Haruki Murakami đây rồi. Không biết dự đoán của mình có đúng không đây nữa, nhưng cái bầu không khí thần bí và mơ hồ này, mình đã quá quen và quá yêu từ khi đọc Kafka bên bờ biển, Cuộc săn cừu hoang hay 1Q84… Để xem nào…
Người họa sĩ vẽ chân dung đang có cuộc sống êm ả với cuộc hôn nhân 6 năm, bỗng dưng anh chới với vì người vợ xinh đẹp quyết định ly hôn trong lúc 2 vợ chồng không có khúc mắc gì. Anh để lại nhà cửa đồ đạc cho vợ, bắt đầu hành trình mấy tháng trời trên chiếc xe cũ kỹ, rong ruổi qua những vùng đất xa lạ…điểm cuối của cuộc hành trình là ngôi nhà trên núi cao, nơi mà anh được bạn cho ở để giữ hộ, người cha là một họa sĩ nổi tiếng vì tuổi cao đã vào viện dưỡng lão.
Tại nơi này, anh khám phá ra bức tranh “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” được tác giả bó chặt cất trên gác xếp và chưa 1 lần công bố. Bức tranh dẫn dắt anh bước vào mê cung của quá khứ và hiện tại đan xen nhau, đưa anh đến với 2 người bạn Ý Tưởng và Ẩn Dụ, chúng giúp cho anh nhận ra chân giá trị của cuộc đời anh. Ý Tưởng cho anh những lời khuyên, Ẩn Dụ đưa anh vượt qua những khó khăn trong mê cung tăm tối…Để rồi đến điểm cuối cùng của cuộc phiêu lưu kỳ lạ mà anh đã vượt qua, anh trở về với ngôi nhà thân yêu.
Đây là cuốn sách có nội dung khá đơn giản so với những cuốn cùng motif của nhà văn Haruki Murakami, tuy vậy, bố cục vẫn rất chặt chẽ (đặc biệt khắc phục được sự dài dòng của 1q84)..Và vẫn một “không khí Haruki Murakami” tràn ngập từ ý tưởng câu chuyện cho đến sự lồng ghép âm nhạc, văn chương, tình dục…Ta có thể bắt gặp Mozart và Beethoven qua bộ sưu tập đĩa than của người họa sĩ già, ta có thể nhận ra Frank Kafka, Proust, Mori Ogai…qua những câu chuyện của nhân vật chính. Một số ý tưởng đã được tác giả sử dụng ở những tác phẩm trước được lặp lại ở cuốn sách này, tuy vậy, sự lặp lại rất phù hợp chứ không hề gượng gạo. Một cuốn sách rất lãng mạn của Haruki Murakami, tuy vậy có 1 số chi tiết về tình dục khá táo bạo khiến cho nó gặp phải những tranh cãi trái chiều. Dù sao, với fan của Haruki Murakami, thì đây là cuốn sách tuyệt vời, giúp độc giả nhận ra được nhiều điều mà khó có thể viết ra được.
Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:
-
eBook Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ | Haruki Murakami
Tác giả: Haruki Murakami“Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” của Haruki Murakami không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn độc giả bằng sự sáng tạo và phong cách văn hóa độc đáo của tác giả. Cuốn sách này không ngừng đưa người đọc vào những bức tranh …