Review: Tôi nói gì khi nói về chạy bộ và chia sẻ của bản thân

Tác giả:
Nguồn: Đức Nhân
Review: Tôi nói gì khi nói về chạy bộ và chia sẻ của bản thân


“Ba mươi ba là tuổi hồi ấy. Vẫn còn khá trẻ, dù không còn là một chàng trai trẻ nữa. Cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fizgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia”. Murakami.

Thật tình cờ là tháng 4 năm ngoái ngoài (2019) cũng là thời điểm mình bắt đầu đi bộ và chạy mỗi ngày, cũng 30 tuổi và công việc mà mình có thể tự hào giới thiệu là một tiểu thuyết gia. Mình cho ra rằng để khoác lên người ba chữ “tiểu thuyết gia” thì nhất định phải đặt lên bàn 2-3 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, như Murakami chẳng hạn.(còn mình thì là 1 cuốn truyện ngắn đã chắc 10 nghìn người mua sách mới có 1 người chọn cuốn truyện ngắn của mình). Hiện tại sau 1 năm chạy, bắt đầu là đi bộ theo đúng nghĩa đen, rồi những bước chạy đầu tiên với những quãng ngắn 5-10 phút, cho tới khi có thể 1 giờ 10 phút liên tục. Hiện tại, ngày nào mình cũng chạy 7-10km và viết 1 cái gì đó trên dưới 1500 chữ.

Mình không khoe khoang gì cả, vì chẳng có gì để khoe khoang, điều mình muốn nói ở đây là có những gì muốn viết sẽ được số phận sắp đặt đúng vào thời điểm thích hợp. Và với riêng mình thì đó là lúc này, khi bản thân mình đã chạy bộ được hơn 1 năm, đang đọc và chỉnh sửa lại từng chữ của tiểu thuyết thứ 2, nhưng đã viết được 2 chương cho tiểu thuyết thứ 3. (Giả tưởng thì đúng hơn).

Quay lại với “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami,thật ra Murakami đã đồng thời giải thích và chỉ ra được những điều cốt lõi trong việc chạy bộ và viết tiểu thuyết là hoàn toàn giống nhau. Đó là bạn có thể bắt đầu bất cứ lúc nào cũng được. Bạn sẽ làm việc đó một mình và không phụ thuộc ai. Tài năng hay thể lực không phải là yếu tố cần có (Thật ra là cũng cần nhưng có thể bù đắp), nhưng sự kiên nhân và tập trung sẽ giúp bạn hoàn thành chặng chạy cũng như tác phẩm của mình.

“Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định”. Murakami lý giải về việc bắt đầu chạy hay viết đơn giản như thế nào, nhưng để cho điều đó là đơn giản thì phải trở thành một phần quá trình đó vì “Nếu bạn phải làm một phần của quá trình đó, tất cả những gì bạn có thể làm là thay đổi – Hay đúng hơn là làm biến dạng – chính bản thân mình trong sự lặp lại kiên trì ấy, và biến quá trình đó thành một phần tính cách của chính mình”. Và tôi hoàn toàn tán thành với nhận định này của Murakami.

Ở tuổi 30, mình nhận được nhiều câu hỏi rằng việc viết lách này sẽ dẫn đến đâu khi không có sự ổn định về thu nhập lẫn 1 tương lai sáng sủa. Thậm chí, việc viết 1 tiểu thuyết không hề đơn giản, nhưng chuyện có được nhà xuất bản đồng ý hơn thì lại là một chuyện không thể kiểm soát. Nhưng thật khó để từ bỏ 1 công việc có thể làm mỗi ngày không chán trong 30-40 năm nữa. Nếu cuộc đời là một chặng đường marathon dài 26,2 dặm, thì mình và nhiều bạn khác mới đi được chưa đến một nửa, đích đến vẫn còn đó và rất nhiều chuyện sẽ xảy ra.

Còn chuyện bảo thảo bị tối chối ư? giống như Murakami lý giải chuyện ông không hoàn thành được chặng thi marathon “Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ. Ngắn gọn thế thôi. Không đủ rèn luyện tổng quát và không đủ tập luyện”.

Vậy mình có thể nói gì ngoài việc mỗi sáng thức dậy sẽ viết tốt hơn ngày hôm qua, giống như bí quyết để có thể chạy nhiều dặm hay kilomet hơn không phải là tốc độ hay cự ly mà là chạy mỗi ngày, không ngừng nghỉ. Bên dưới mình sẽ trích những chia sẻ về chạy bộ của Haruki Murakami trong “Tôi nói gì khi nói về chạy bô”.

  • “Hơn 20 năm chạy bộ, tôi tuân theo một trong những nguyên tắc chạy cơ bản của mình: tôi không bao giờ nghỉ hai ngày liền. Cơ bắp, cũng như lũ gia súc, vốn rất sáng dạ. Nếu ta thận trọng tăng công việc, từng bước một, chúng sẽ học được cách chịu đựng nó. Miễn là ta giải thích cho chúng biết những mong đợi của ta bằng cách thực sự cho chúng thấy các ví dụ về khối lượng công việc chúng ta phải chịu đựng thì các cơ của ta sẽ tuân phục và dần dà trở nên mạnh hơn.”
  •  “Bằng cách lặp đi lặp lại, ta đưa vào các cơn bắp của mình cái thông điệp cho biết đây là khối lượng công việc chúng phải hoàn thành. Các cơ của ta rất tận tụy. Chỉ cần ta tuân thủ một quy trình chính xác thì chúng sẽ không phàn nàn.
  • Điều này giúp tôi tăng cường sức khỏe tổng quát: tôi có sức chịu đựng dẻo dai hơn, hình thành các cơ, thúc đẩy mình cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiệm vụ quan trọng nhất ở đây là để cho cơ thể tôi biết một cách rõ ràng, dứt khoát rằng chạy nhiều đến như thế là chuyện bình thường. Khi nói để cho nó biết một cách rõ ràng và dứt khoát là tôi đang nói theo nghĩa bóng, dĩ nhiên. Dù ta có ra lệnh cho cơ thể ta thực hiện chừng nào chăng nữa thì cũng đừng có trông mong nó nghe lời ngay lập tức.

Cơ thể là một hệ thống cực kỳ thực tiễn. Ta phải để nó kinh qua cái đau ngắt quãng theo thời gian, rồi thì cơ thể sẽ hiểu được vấn đề. Kết quả là, nó sẽ vui vẻ chấp nhận (mà cũng có thể không) khối lượng tập luyện tăng lên mà nó buộc phải làm. Sau đó, ta hết sức từ từ nâng khối lượng tập luyện lên mức cao hơn. Làm việc đó từ từ là điều rất quan trọng, để ta không bị vắt kiệt.”

Tuy nhiên, nếu gánh nặng ngưng lại vài ngày, cơ bắp sẽ tự động cho là chúng không phải làm việc nặng nhọc đến như thế nũa, và chúng hạ các giới hạn của mình xuống. Cơ bắp quả thực rất giống gia súc, chúng chỉ muốn càng nhẹ nhàng càng tốt; nếu không dùng áp lực với chúng, chúng sẽ nghỉ ngơi và xóa sạch ký ức về tất cả công việc đó. Đưa cái ký ức đã bị xóa này vào lại lần nữa, thế là tôi phải đi lại từ đầu cuộc hành trình”

Khi viết đến đây, mình mới nhận ra hôm nay là Chủ Nhật. Việc lặp đi lặp lại công việc bạn làm mỗi ngày có thể nảy sinh 1 căn bệnh “Không ý thức được ngày tháng” dường như là có thật.

NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ TRỞ THÀNH 1 TIỂU THUYẾT GIA

“Không cần phải là người về nhất trong văn chương. Tôi tiếp tục viết những thứ tôi muốn viết, đúng như cách tôi muốn viết, và nếu điều đó cho phép tôi sống bình thường thì tôi không thể đòi hỏi gì hơn.”

Thực sự là việc viết lách rất giống tham gia một cuộc thi marathon. Bạn phải xây dựng các các chiến thuật cần thiết để có thể hoàn thành mục tiêu của mình. Và cách của Haruki Muramami là Mỗi ngày hãy viết và dừng lại khi bạn vẫn cảm thấy hứng thú.

“Đây cũng chính là kiểu chiến thuật tôi cho là cần thiết khi viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình có thể viết nữa. Cứ làm vậy, thì công việc ngày hôm sau sẽ diễn ra trôi chảy đến lạ lùng. Tôi cho là Ernest Hemingway cũng đã làm gần giống như thế. Để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu. Đây là điều quan trọng đối với những công trình lâu dài. Một khi ta đã dẫn tốc độ rồi thì mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Vấn đề là làm sao cho bánh đà quay ở một tốc độ đã định – và để đến được thời điểm đó ta cũng phải tập trung và nỗi lực hết sức mình.”

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Việc ngồi xuống và viết cần một lý do khác, đối với bản thân mình là đặt ra 1 tiêu chuẩn để lấy đó làm động lực khi viết. Người khác sẽ coi độc giả là tiêu chuẩn để viết, một ai đó sẽ là chinh phục các giải thưởng và những phần thưởng vật chất. Nhưng dù là động lực từ bên trong hay bên ngoài thì nhất định bạn cũng phải tìm và dựa vào nó để có thể viết được trong 1 thời gian dài.

“Điều quan trọng là việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra cho mình hay không. Không đạt được chuẩn mực ấy là điều ta không thể dễ dàng biện minh. Khi liên quan đến người khác, anh luôn có thể có một câu trả lời hợp lý, nhưng anh không thể tự dối mình. Trong nghĩa này, viết tiểu thuyết và chạy marathon toàn cự ly là rất giống nhau. Cơ bản thì một nhà văn có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài.” Murakami chia sẻ.

Trên hết, Murakami khẳng định rằng nếu bạn có sức để nâng một tách cà phê, họ bạn cũng cho là mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết. Nhưng một khi đã thử làm, bạn sẽ sớm nhận ra đó không phải là một công việc yên bình dù nó có vẻ thế.

“Cả quá trình – ngồi tại bàn,tập trung đầu óc và,như một tia laser, mường tượng ra cái gì đó từ một đường chân trời trống rỗng,sáng tạo ra một câu chuyện, chọn lọc từ ngữ thích hợp, từng chữ một, giữ cho toàn bộ mạch truyện đi đúng hướng – nó đòi hỏi sức lực, qua một thời gian dài, nhiều hơn là hầu hết mọi người vẫn tưởng.

Ai cũng đều dùng đầu óc của mình khi suy nghĩ. Nhưng một nhà văn thì còn thêm vào một chất liệu gọi là nghệ thuật tự sự và suy nghĩ bằng toàn bộ bản thể mình;và với tiểu thuyết gia thì quá trình đó đòi hỏi phải phát huy toàn bộ nguồn dự trữ thể chất của ta, thường là sự vượt quá giới hạn”

TÀI NĂNG CÓ THỰC SỰ QUAN TRỌNG KHI VIẾT?

Vậy còn tài năng thì sao? Liệu một công việc cần dựa vào rất nhiều sự nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú, thì những người chỉ đam mê viết nhưng thiếu hụt tài năng liệu có thể theo đuổi mục đích trở thành tiểu thuyết gia?

Murakami viết trong “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” rằng “Trong mọi cuộc phỏng vấn, tôi luôn được hỏi phẩm chất quan trọng một tiểu thuyết gia cần có là gì. Câu trả lời khá rõ: tài năng. Dù ta có dồn bao hăng say nỗ lực vào viết lách chăng nữa, nhưng nếu hoàn toàn không có văn tài thì ta có thể quên chuyện làm tiểu thuyết gia đi. Đây là một điều kiện tất yếu hơn là một phẩm chất cần thiết. Nếu không có chút nhiên liệu nào thì ngay cả chiếc xe hơi tốt nhất cũng không thể chạy”.

Thế nhưng, vấn đề của tài năng là ở chỗ trong hầu hết trường hợp, họ sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt sự sáng tạo của mình nếu hơn những người bình thường. Điều này Murakami không chỉ giải thích trong “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” mà còn trong 1 tiểu luận nói về tiểu thuyế gia ông viết vào năm 2015.

“Những người có tài năng thường không kiểm soát lượng hay chất của tài năng. Ta có thể thấy là lượng vẫn chưa đủ và ta muốn tăng thêm, hay ta có thể cố gắng tằn tiện để nó còn lâu hơn, nhưng trong cả hai trường hợp mọi chuyện không diễn ra dễ dàng như thế. Tài năng có suy nghĩ riêng của nó và tuôn trào khi nó muốn, và khi nó đã cạn rồi, thế là hết. Dĩ nhiên một số nhà thơ và ca sĩ nhạc rock có thiên tư tỏa rạng hào quang- Những người như Schubert và Mozart mà cái chết sớm gây xúc động của họ đã biến họ trở thành huyền thoại- có một sức hấp dẫn nào đó, nhưng với đại đa số chúng ta thì đây không phải là khuôn mẫu cho chúng ta theo”.

Và đây là cách Murakami nói về việc bạn có thể trở thành tiểu thuyết gia nếu không có tài năng bằng cách: “Nếu tôi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất kế tiếp với một tiểu thuyết gia là gì, điều đó cũng dễ nữa:tập trung-khả năng tập trung tất cả tài năng có hạn của ta vào bất cứ gì quan trọng tại thời điểm đó, nếu có thể tập trung một cách hiệu quả, ta sẽ có thể bù trừ vào việc thiếu hụt tài năng.

Sau sự tập trung, thứ quan trọng kế tiếp đối với một tiểu thuyết gia là, thật hiển nhiên, sự bền bỉ. Nếu ta tập trung vào viết ba hay bốn giờ mỗi ngày và cảm thấy mệt mỏi sau một tuần như vậy, ta sẽ không thể viết một tác phẩm dài hơi. Điều cần thiết đối với một nhà văn viết truyện – hay ít nhất cũng là một người mong viết một cuốn tiểu thuyết- là sức lực để tập trung hàng ngày trong nửa năm, hay một năm , hay hai năm.

Ta có thể sánh điều đó với hít thở. Nếu tập trung là quá trình chỉ nín thở thôi, thì bền bỉ là nghệ thuật thở chậm, êm đồng thời với việc trữ không khí trong phổi. Trừ phi ta tìm thấy được một sự cân bằng giữa hai điều này, bằng không thì sẽ rất khó viết tiểu thuyết một cách chuyên nghiệp trong một thời gian dài. Tiếp tục thở trong khi nín thở.

May mắn là, hai kỷ luật này- tập trung và bền bỉ- khác với tài năng, vì ta có thể có được và mài giũa qua rèn luyện”.

Murakami cũng thành thật là mình không phải là mẫu tiểu thuyết gia có tài năng, trái lại là người có xuất phát điểm kém khi viết lại khá chi tiết về năng lực của mình.

“Tôi là típ người thiên về thể lực, không phải trí tuệ. Dĩ nhiên tôi cũng có chút trí tuệ nào đó – ít nhất thì tôi nghĩ mình có. Nếu tôi không có chút trí tuệ nào thì không cách gì tôi có thể viết tiểu thuyết. Nhưng tôi không phải là kiểu người hoạt động bằng lý thuyết hay logic thuần túy, không phải là kiểu người lấy suy luận trí tuệ làm nguồn năng lượng. Chỉ khi tôi được trao một gánh nặng vật chất thực sự và cơ bắp của tôi bắt đầu rên rỉ (đôi khi còn kêu gào) thì cái thiết bị đo nhận thức của tôi mới vọt tới trước và cuối cùng tôi mới có thể thấu hiểu cái gì ấy. Khỏi phải nói, cần rất nhiều thời gian, cộng với nỗ lực, để đi qua từng giai đoạn, từng bước một, và đi đến một kết luận. Đôi khi việc ấy mất nhiều”

“Tôi không phát hiện được một con suối nào gần kề cả. Tôi phải dùng đục mà đập đá và đào một cái hố sâu rồi mới định vị được nguồn sáng tạo. Để viết một cuốn tiểu thuyết tôi phải ép mình làm việc quá sức về mặt thể chất và bỏ ra rất nhiều thời gian công sức. Mỗi khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết mới, tôi phải khơi một cái hố sâu khác. Nhưng nhờ duy trì kiểu sống này qua nhiều năm, tôi đã trở nên rất có năng lực, cả về kỹ thuật lẫn về thể chất, trong việc đào một cái hố trong đá cứng và định vị một mạch nước mới. Vậy nên ngay khi tôi nhận ra là một nguồn nước đang khô cạn, tôi có thể chuyển ngay sang một nguồn nước khác. Nếu những người dựa trên suối nguồn tài năng thiên nhiên bỗng thấy là mình đã cạn kiệt cái nguồn duy nhất của mình rồi, họ sẽ gặp rắc rối.”

Một lần nữa, Murakami nhắc lại việc kiên nhẫn và tập trung sẽ giúp ích cho việc trở thành tiểu thuyết gia chuyên nghiệp, và nhờ hai khả năng này cũng sẽ nảy sinh cả sáng tạo trong khi viết.

“Điều này rất giống việc rèn luyện cơ bắp mà tôi đã viết ban nãy. Ta phải tiếp tục truyền đối tượng tập trung của ta vào toàn thân ta, và đảm bảo là thân ta tiêu hóa được hoàn toàn thông tin cần thiết để ta viết từng ngày và tập trung vào công việc trước mặt. Và dần dà ta sẽ nới rộng các giới hạn có thể. Gần như không nhận ra, ta sẽ nâng dần tiêu chuẩn lên. Điều này bao gồm quá trình giống như chạy bộ mỗi ngày để làm mạnh các cơ và phát triển thể lực người chạy. Hãy thêm vào sự khuyến khích và duy trì nó. Và lặp lại. Kiên nhẫn là một thứ bắt buộc trong quá trình này, nhưng tôi bảo đảm kết quả sẽ đến”.

“Những nhà văn không được phú cho tài năng nhiều như thế – những người chỉ vừa đủ điểm – cần phải tự bồi đắp sức mạnh của mình. Họ phải tự rèn luyện bản thân để hoàn thiện khả năng tập trung,để tăng sức bền của mình. Trong chừng mực nào đó họ buộc phải lấy những phẩm chất này thế chỗ tài năng. Và trong khi xoay xở làm điều này, họ có thể sẽ phát hiện ra tài năng thực sự, ẩn kín trong mình. Họ đang toát mồ hôi hột dùng xẻng đào một cái hố dưới chân mình thì gặp phải một mạch nước kín, sâu. Đó là một điều may mắn, nhưng vận may này có được là nhờ bao nhiêu khổ công rèn luyện đã cho họ sức mạnh tiếp tục đào. Tôi cho rằng những nhà văn thành công muộn màng này tất cả đều đã trải qua một quá trình tương tự.”

Còn quá trình khi viết tiểu thuyết của mình cũng không có gì phức tạp cả. Bắt đầu 1 suy nghĩ, 1 ý tưởng không hoàn thiện và nhờ việc suy nghĩ và viết nó mỗi ngày, và liên tục sắp xếp, chỉnh sửa lại thì mọi thứ dần dần hiện rõ ra. Nếu nói rằng mình không có tài năng khi viết cũng không đúng. Chỉ là mình may mắn luôn tìm được cách thể hiện nó khác đi so với những người viết khác. Điều này liệu có tốt không? Mình không biết vì đa số người viết khác đặt độc giả lên hàng đầu, còn mình thì lại muốn thể hiện ý tưởng viết đúng theo ý mình qua tác phẩm hết sức có thể.

Mình cũng đồng ý với Murakami rằng viết tiểu thuyết là một loại công việc “không lành mạnh”. Khi bạn bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, khi ta dùng cách viết để kể một câu chuyện, dù muốn dù không thì một kiểu độc chất nằm sâu bên trong mỗi con người cũng bộc lộ ra.Thứ độc dược này rất đáng sợ, có thể đẩy bạn vào cảnh sống rất bấp bênh và nhiều lúc tự hỏi “Mình liệu có sai lầm khi trở thành tiểu thuyết gia?”. Có thể đấy, hãy thận trọng nhưng mình vẫn muốn nhắc nhở các bạn độc chất đó rất gây nghiện.

CÓ NÊN TRỞ THÀNH MỘT TIỂU THUYẾT GIA KIÊM VẬN ĐỘNG VIÊN CHẠY BỘ NGHIỆP DƯ?

Vậy điều cuối cùng, khi đọc đến đây bạn sẽ tự hỏi còn lý do gì để cho là viết tiểu thuyết và chạy bộ thì có liên quan gì đến nhau? Điều này mình sẽ để Murakami phân tích qua những trích dẫn trong “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”

  • “Phần lớn những gì tôi biết được về viết lách là tôi học được từ việc chạy bộ mỗi ngày. Đó là những bài học thực tiễn, cụ thể. Tôi có thể thúc ép mình đến đâu? Nghỉ ngơi chừng nào là thích hợp – và chừng nào thì quá nhiều? Tôi có thể đưa được một cái gì tới đâu mà vẫn giữ được nó đúng độ và nhất quán? Khi nào thì nó trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi phải ý thức được thế giới bên ngoài đến mức nào, và tôi phải tập trung vào thế giới nội tâm mình chừng nào? Tôi phải tự tin ở những khả năng của mình đến chừng mực nào, và khi nào thì tôi nên bắt đầu tự hoài nghi chính mình? Tôi biết rằng nếu tôi không trở thành một người chạy đường trường cùng lúc với trở thành tiểu thuyết gia thì tác phẩm của tôi có lẽ đã khác rất nhiều”.
  • “Đối với tôi, viết một cuốn tiểu thuyết cũng giống như trèo lên một ngọn núi dốc đứng, vật vã leo lên vách đá, lên đến đỉnh sau một thử thách dài và cam go. Ta vượt qua được những hạn chế của mình, hay ta không vượt được, cách này hay cách khác. Tôi luôn giữ cái hình ảnh tinh thần đó bên mình khi viết.”
  • “Đối với một người chạy như tôi, điều thực sự quan trọng là đạt được mục đích chính mình đặt ra, trong khả năng của mình. Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể”
  • “Tôi cho là đối với nhiều người khác viết để kiếm sống thì cũng thế, khi tôi viết để kiếm sống thì cũng thế, khi viết tôi nghĩ về đủ mọi thứ. Tôi không nhất thiết ghi lại cái mình đang nghĩ; chỉ là trong khi viết tôi nghĩ về các thứ. Trong khi viết, tôi sắp xếp những ý nghĩ của mình. Rồi thì việc viết lại và xem lại đưa suy nghĩ của tôi vào những nẻo đường còn sâu xa hơn. Thế nhưng, dù tôi có viết nhiều thế nào thì tôi cũng chưa hề đi đến kết luận. Và dù tôi có viết lại bao nhiêu đi nữa, tôi cũng chưa từng đến đích. Dù sau hàng chục năm viết lách, điều đó vẫn đúng. Tất cả những gì tôi là là trình bày và giả thuyết hay giữa cấu trúc của vấn đề. Hay tìm ra một phép loại suy giữa cấu trúc của vấn đề và cái gì khác nữa”

Với tư cách của một người viết tiểu thuyết và chạy bộ, mình lại đồng ý với nhận định của Murakami và nói ngắn gọn rằng “Chạy bộ là một hình thức tư duy để viết tiểu thuyết theo một cách khác hết sức thú vị”. Bạn hãy thử xem.

Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:

  • Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ
    eBook Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ
    Tác giả:

    Haruki Murakami, một trong những nhà văn nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của Nhật Bản, không chỉ là một tác giả tài năng mà còn là một người yêu thích chạy bộ, hóa thân cho sự kết hợp độc đáo giữa viết văn và hoạt động thể chất. Sinh năm 1949 …

  • Câu Chuyện Cơ Thể Con Người
    eBook Câu Chuyện Cơ Thể Con Người

    “Câu Chuyện về Cơ Thể Con Người: Tiến Hóa, Sức Khỏe và Bệnh Tật” là một tác phẩm khoa học đặc sắc của Daniel E. Lieberman, giáo sư ngành Sinh học Tiến hóa của con người và Khoa học Sinh học tại Đại học Harvard. Cuốn sách không chỉ là một nguồn kiến thức vô …

  • Chạy Theo Thuyền Giặc | Cư Tiểu Diệc
    eBook Chạy Theo Thuyền Giặc | Cư Tiểu Diệc
    Tác giả:

    Lâm Đại Đại, một phụ nữ với tâm hồn mạnh mẽ và quyết đoán, trải qua những thách thức của cuộc sống một cách kiên cường. Với vẻ ngoại hình không nổi bật và trí tuệ bình thường, cô đối mặt với áp lực từ xã hội và gia đình về vấn đề hẹn hò …

  • Chạy Án | Lê Vũ Trọng Nghĩa
    eBook Chạy Án | Lê Vũ Trọng Nghĩa

    Câu chuyện “Chạy Án” của tác giả Lê Vũ Trọng Nghĩa là một tác phẩm trinh thám hấp dẫn, đan xen giữa những tình tiết kịch tính và những diễn biến bất ngờ. Tác phẩm này mang đến cho độc giả không chỉ những cảm xúc mạnh mẽ từ những tình huống nguy hiểm mà …

  • Chạy Tình - Ức Cẩm
    eBook Chạy Tình – Ức Cẩm
    Tác giả:

    Trong thời đại hiện đại, đối mặt với những thách thức của cuộc sống, Tống Dao là một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và đầy nghị lực. Không chỉ đối mặt với những khía cạnh khó khăn về tài chính, mà cô còn phải đối mặt với nhóm người tùy hứng và đầy …