Cuốn sách “Ảo Thanh Chết Chóc” của Trương Du Ca không chỉ là một cuốn sách kinh dị đơn thuần mà còn là một tác phẩm mang đậm yếu tố nhân văn và tâm lý. Dù được tài trợ bởi Bộ Văn Hóa Đài Loan, nhưng nó không phải là một cuốn sách kinh dị đầy rẫy những câu chuyện ghê rợn và u ám, mà thay vào đó, nó chứa đựng những cảm xúc bi thương và khổ đau tột cùng của con người.
Sách mở đầu bằng việc mô tả những số phận bi đát và bức bách của một gia đình đổ vỡ dưới áp lực của xã hội. Sự suy đồi của cuộc sống khiến họ phải đối mặt với nghịch cảnh, với người chồng phải làm công việc lái taxi, người vợ phải làm phục vụ, và đứa con gái duy nhất rời bỏ họ. Từ một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc, họ chìm đắm trong cảm giác cô đơn và khốn khó.
Những âm thanh bí ẩn, mơ hồ về một con ma tên Minako, dần dần làm mất đi sự ổn định tinh thần của họ, đẩy họ vào tình trạng phát điên và tự tử. Cuốn sách không chỉ là việc khám phá những khía cạnh tâm lý phức tạp của con người mà còn là một phản ánh sâu sắc về sự bất hạnh và sự đau khổ trong xã hội.
Đọc cuốn sách người đọc sẽ lần lượt trải qua 6 chương và 1 phần hậu ký với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bao gồm
- Chương 1 Âm thanh
- Chương 2 Khe hở
- Chương 3 Dồn dập
- Chương 4 Núi Tân Cao
- Chương 5 Minako
- Chương 6 Thoát ra
- Hậu ký
Dù không phải là một người yêu thích thể loại kinh dị ma quỷ, nhưng bạn cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những câu chuyện như “Ảo Thanh Chết Chóc”. Tác giả đã khai thác tâm lý nhân vật một cách tinh tế, với những cảm xúc như bối rối, tội lỗi, hối hận, và tổn thương. Dù có những yếu điểm trong cách kể chuyện, nhưng ý tưởng và ẩn dụ trong sách là điều đáng suy ngẫm và đem lại cho độc giả những trải nghiệm đáng nhớ. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Ảo Thanh Chết Chóc của tác giả Trương Du Ca
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Cuốn sách “Ảo Thanh Chết Chóc” sẽ mở ra một góc, nơi chứa đựng sự khổ đau tột cùng của số phận con người, những thù hận bi kịch khôn nguôi, có thể bạn sẽ thấy buồn cười, nhưng tớ muốn xếp nó vào hàng ngũ những cuốn sách có yếu tố nhân văn.
Ở đoạn đầu cuốn sách, Ảo Thanh Chết Chóc mở ra cho chúng ta thấy những số phận bi đát quá đỗi bức bách không thể nào vực dậy được. Kết quả của sự suy đồi tồn tại khi một gia đình đã từng hạnh phúc trở nên tan nát, người đàn ông đã từng có chỗ đứng trong xã hội thì thất nghiệp phải trở thành người lái taxi, người vợ trở nên già nua phải đi chạy bàn, đứa con gái duy nhất thì bỏ đi. Từng sống trong một căn nhà tiện nghi thì giờ hai vợ chồng phải chui rúc trong một cái nhà không khác gì ổ chuột, bẩn thỉu, bốc mùi, thối rữa. Tình cảm gia đình cũng từ lâu mà rạn nứt, giờ chỉ cần cãi nhau là anh chồng sẽ đánh người vợ mình. Ngày qua ngày cứ mãi cái sự đau khổ của xã hội đè nén lên cái nhà này, đã vậy giờ đây còn xuất hiện một bi kịch lớn hơn nữa..
Người chồng thì nghe thấy tiếng băng cassette ở một chiếc xe biển trắng trong một lần lái xe taxi về. Người vợ thì cũng thấy những âm thanh nhiễu bên tai. Đều có hàm ý một con ma nữ tên Minako sẽ tới giết mình. Và rồi âm thanh này dần khiến người vợ phát điên, nhảy từ ô nhỏ cửa sổ xuống.
Số phận đã khổ đau cùng cực vì xã hội rồi, giờ họ lại càng bị giày vò hơn nữa với những yếu tố ma quỷ kia..
Mặc dù tớ không đánh giá cao sự khai thác kinh dị ma quỷ, và cả khai thác bi kịch thống khổ nữa, nhưng vẫn phải thừa nhận nửa đầu cuốn sách khiến tớ trăn trở kha khá. Điển hình như đoạn người chồng trên phải trả viện phí cho người vợ, nhưng vì bần cùng quá nên bèn cắn răng đi vay em trai mình. Người em trai bảo về ăn một bữa cơm với bố, rồi vì trong bữa đó nói ra nói vào, mặc dù không ai lớn tiếng với anh ta, anh ta vẫn cầm cốc bia ném về bố. Tớ thấy đoạn này Trương Du Ca khai thác tâm lý rất ổn, rõ ràng trong suy nghĩ của nhân vật, họ luôn nhìn rõ nội tâm mình: bối rối, luôn tội lỗi, luôn hối hận muốn thay đổi. Nhưng hành động của họ vẫn tệ, ví dụ ở đây là hỗn, cáu giận che lấp bản tính con người. Một ẩn dụ cho việc chính họ mới là ma quỷ. Họ tự vệ để trốn tránh xã hội, trốn tránh cái tôi, bản ngã, trốn tránh ma quỷ hay cả sự yếu hèn nhu nhược ngu ngục của bản thân mình một cách hối hả, nhưng thứ đem lại cho họ chỉ là đau khổ chồng chất lên đau khổ. Hay bi kịch đỉnh điểm lần hai để thấy rõ ý đồ rằng chính con người mới là ma quỷ của tác giả ấy là đoạn chị gái của người vợ. Cô là một người phụ nữ có cuộc sống ổn hơn em mình, cưới được người chồng giàu có, nhưng phát hiện chồng cặp bồ mà ghen tuông, muốn giết cả tình nhân cả chồng. Để rồi về sau đi tìm gặp đạo cô nhờ cách nuôi ma con để hành xác ả tình nhân. Rồi chính bị ảo ảnh làm cho mờ mắt nên đã tự cầm dao giết chồng mình.
Mùi thối rữa của hai đoạn đỉnh điểm này khiến tớ thấy vừa chua xót vừa trào phúng. Mặc dù cách kể chuyện của tác giả chưa thực sự giỏi, vì ông là từ ngành y sang viết văn (sao bên Trung Quốc Hồng Kong Đài Loan hay có mấy ông từ Y sang Văn kinh dị thế nhỉ?) nhưng ý tưởng khá ổn, ẩn dụ gợi mở khiến cho ta buộc phải suy nghĩ.
Trong cuốn sách này Trương Du Ca cũng có nhắc tới một cuốn sách của Tadao Kano mà bạn Min biết đó là “Núi, Mây và Thổ Dân – Đi tới vùng núi cao Đài Loan” (山と雲と蕃人と―台湾高山紀行). Tadao Kano thì là một người bị hấp dẫn bởi côn trùng và nhất là những mẫu côn trùng ở Đài Loan, ông lên vùng núi Shin Takayama rồi khám phá được các loài côn trùng mới. Khoảng thời gian đó ông cũng quen được những người thổ dân vùng núi Đài Loan. Năm 1945, ông mất tích vào khoảng cuối chiến tranh, sau đó có giả thuyết ông vẫn còn sống, nhưng sự thật thì vẫn nằm trong bóng tối. Cái Min thấy cũng thú vị trong cuốn Ảo Thanh này là cách tác giả lấy ý tưởng từ đó mà tạo nên một câu chuyện ma quái với những từ ngữ và con người bản địa vùng núi. Bởi trước giờ ta đều cảm thấy những vụ li kỳ trong vùng núi thì khá lạnh lẽo bí ẩn vô vọng và xa xăm. Từ đó khiến cuốn sách càng trở nên vô thực, đau đớn hơn.
Mặc dù có những điểm khá ổn như vậy, nhưng đoạn sau cuốn sách có nhiều lỗ hổng, kết thúc cũng không sâu như mong đợi của tớ, cho nên đâm ra tớ bị thất vọng tẹo. Tớ thích việc điểm nhìn nhân vật chính biến chuyển và thay đổi, nghĩa là có thể đoạn sau những nhân vật chính là người khác đoạn đầu. Tạo cảm giác giống cuốn Bogiwan, một câu chuyện kinh dị nhưng cái ghê rợn nhất là lòng dạ con người. Nhưng tới cuối khi cho các nhân vật liên kết với nhau, tớ thấy quá gượng ép. Rồi khi đọc tới phần sau đó, bỗng dưng tớ quên bớt những điểm tốt của đoạn đầu, sinh ra tớ chỉ muốn hoàn thành cho xong chứ không đắm mình trong cái thế giới này chút nào nữa. À lời kết tác giả có bảo mục đích viết cuốn này như để cho một cô bạn có câu chuyện na ná, và lời giải thích anh đưa ra khiến cho cô bạn ấy thoả mãn. Nhưng tớ thì không. Dù sao tác giả cũng trẻ, sinh năm 1989 là thời điểm viết cuốn này tầm 28 tuổi, và lại còn là tay ngang nên cũng tạm được.
Chốt lại, mặc dù tớ chưa ưng nhiều thứ, nhưng tớ sẽ đi giới thiệu cho một số người tớ quen biết đọc cuốn này, để thấy kinh dị không phải chỉ để doạ nạt, và không phải nó không có yếu tố nhân sinh.
*****
Cuốn sách Ảo Thanh Chết Chóc bắt đầu với những âm thanh kì lạ như tiếng loẹt xoẹt của đài phát thanh hay tiếng nói và tiếng gọi của ai đó được thu âm rồi phát đi lại có thể lấy mạng người hay sao? Những âm thanh ấy thậm chí còn tạo ra những ảo giác khủng khiếp mà cả người trong cuộc lẫn bên ngoài đều cảm thấy hoang mang, nó theo đối tượng đến tận cả bệnh viện tâm thần và khiến người ta phải chết. Đó chính là trường hợp của Quách Tương Oánh – cô gái không may mắn có được hạnh phúc từ gia đình khi con gái thì bỏ đi, chồng thì nghiện rượu và hay bạo hành.
Chỉ sau khi Tương Oánh chết, người chồng Ngô Sĩ Thịnh mới bừng tỉnh và lao vào tìm hiểu bí mật sau những thanh âm đó, khởi đầu từ chiếc máy thu âm cũ trong một chiếc taxi bị vứt bỏ trên đường. Song song đó, nhân viên điều dưỡng của khoa tâm thần là Hồ Duệ Diệc cũng tự mình tìm hiểu nguyên nhân gây ra những sự việc lạ lùng kì lạ như vậy, và cũng để ngăn chặn những cái chết tiếp theo. Hàng loạt thông tin về những điều có vẻ liên quan được hai nhân vật ấy kết nối trên hành trình vén màn bí ẩn của chính họ. Họ biết được những câu chuyện về Đài Loan lúc trước, về hiện tượng “ma giấu” từ thời Nhật chiếm đóng, bí mật của cô bé mặc kimono Nhật có tên là Minako mà nhiều người nhắc đến trước khi chết. Còn phải kể đến tín ngưỡng linh hồn của tộc Bố Nông với thiện linh và ác linh. Đường cổ Bát Thông Quan, núi Tân Cao, suối nước nóng Lạc Lạc, khe gió Ngọc Sơn hay Hồng Lô Địa đều là những địa danh chính và xuyên suốt giải mã cho câu chuyện này.
Cuốn sách Ảo Thanh Chết Chóc có yếu tố ma mị và kinh dị. Mặc dù mức độ hù dọa ở mức trung bình có nghĩa là khiến người ta tò mò mà đọc tiếp nhưng có vẻ như việc kết nối các sự kiện từ quá khứ đến hiện tại chưa được nhuần nhuyễn và hợp lý cho lắm. Dù là đạo cô trừ ma ở Hồng Lô Địa hay mọi ảo giác kinh dị từ Minako được miêu tả kì bí thế nào chăng nữa, ta vẫn thấy cách viết còn khá non tay , có ý tưởng, dẫn dắt tốt nhưng triển khai hơi lủng củng. Nhân vật Quách Thần San – chị gái Quách Tương Oánh với cuộc hôn nhân rạn nứt và thói ghen tuông vô lối được chèn vào các chương chuyện thực ra chẳng có bất cứ liên hệ nào, cũng chẳng góp phần giải đáp cho bất cứ bí ẩn nào. Có chăng tác giả chỉ dùng nó để nhắm vào thói mê tín và việc nuôi ma con đi trả thù theo lệnh của chủ.
Truyện Ảo Thanh Chết Chóc kết thúc khá bất ngờ nhưng cảm thấy hụt và thiếu điều gì đó. Quá nhiều thứ được khai thác và mở ra nhưng cứ bị mắc kẹt lại, không thể giải quyết một cách thỏa đáng. Có chăng là Ngô Sĩ Thịnh đã thay đổi lối sống, hiểu và phát huy bản thân hơn. Nói gì thì nói, cuốn sách Ảo Thanh Chết Chóc là một câu chuyện ma nhưng thông điệp của nó có phần mờ nhạt. Dựa trên những lời kể và hiện tượng ảo giác, ảo thính giác của người quen mà Trương Du Ca viết nên câu chuyện này. Chất liệu “ảo thanh chết chóc “ dù sao cũng rất sáng tạo và gây tò mò nhưng giá như nó được khai thác chuyên nghiệp hơn thì câu chuyện mới có thể gây ám ảnh nhiều hơn.