Dưới ngòi bút tài hoa của Erich Maria Remarque, “Ba người bạn” vẽ nên một bức tranh đầy ám ảnh về nước Đức hậu chiến. Khác với hình ảnh lạnh lùng và lý trí thường thấy, nơi đây hiện lên với những tòa nhà xám xịt, thành phố nhỏ mờ sương, những quán rượu nép mình trong làn mưa lất phất. Nổi bật giữa khung cảnh ảm đạm ấy là những con người nhỏ bé, dù bị trôi dạt đến bước đường cùng vẫn khao khát yêu thương và chan chứa tình cảm.
Ba người bạn là Robert, Gottfried và Otto. Họ từng là những thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết với cuộc đời nhưng chiến tranh đã cướp đi của họ tuổi trẻ, sức khỏe và cả niềm tin vào tương lai. Giờ đây, họ chỉ còn lại nhau, cùng nhau bươn chải kiếm sống và tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống.
Cuốn sách là một bản giao hưởng đầy cảm xúc về tình bạn, tình yêu và lòng nhân ái. Giữa đống tro tàn chiến tranh, tình bạn của ba người đàn ông như một ngọn lửa ấm áp, sưởi ấm tâm hồn họ và tiếp thêm cho họ sức mạnh để bước tiếp. Họ cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những hy vọng và thất vọng. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.
Bên cạnh tình bạn, “Ba người bạn” còn là câu chuyện về tình yêu và lòng nhân ái. Robert yêu thương Pat, một cô gái xinh đẹp nhưng mang trong mình vết thương lòng sâu sắc. Gottfried tìm thấy niềm an ủi trong tình yêu với Trudy, một cô gái trẻ đầy nghị lực. Otto, dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, vẫn luôn quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh.
“Ba người bạn” không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là lời tố cáo mạnh mẽ chiến tranh. Remarque đã phơi bày sự tàn khốc của chiến tranh, những mất mát và bi thương mà nó mang lại cho con người. Cuốn sách cũng là lời ca ngợi những giá trị nhân văn cao đẹp: tình bạn, tình yêu, lòng nhân ái và niềm hy vọng vào cuộc sống.
Với lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng cùng những câu văn đầy chất thơ, “Ba người bạn” đã chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả trên thế giới. Cuốn sách là một trải nghiệm đọc đầy cảm xúc, khiến bạn suy ngẫm về cuộc sống, về tình yêu và về giá trị của tình bạn.
Nếu bạn đang tìm kiếm một tác phẩm văn học vừa đẹp đẽ vừa bi thương, vừa sâu sắc vừa lay động tâm hồn, “Ba người bạn” là một lựa chọn hoàn hảo.
Mời các bạn đón đọc Ba Người Bạn của tác giả Erich Maria Remarque.
—
CHƯƠNG 1
Bầu trời vàng như đồng thau, vẫn chưa bị vẩn đục bởi khói nhà máy, hừng sáng phía sau dãy mái ngói xí nghiệp. Hẳn mặt trời sắp nhô lên đến nơi. Tôi nhìn đồng hồ. Vẫn chưa đến tám giờ. Sớm mười lăm phút. Tôi mở cổng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm xăng. Vào giờ này thường đã có một số muốn ăn sáng chạy qua đây. Bỗng tôi nghe sau lưng mình tiếng gì khàn khàn, khe khẽ, tuồng như một chiếc đinh ốc gỉ đang xoáy trồi lên khỏi mặt đất. Tôi dừng chân nghe ngóng, đoạn đi qua sân trở lại xưởng và thận trọng mở cửa. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng đang lắc lư dạo vòng một con ma. Con ma chít chiếc khăn đội đầu màu trắng bẩn thỉu, choàng tạp dề xanh, chân xỏ đôi guốc thô, tay huơ huơ một cái chổi, nó nặng chín chục ký và là mụ lao công Matilda Stoss.
Tôi đứng yên một lát nhìn mụ. Mụ có cái vẻ yêu kiều của một con hà mã khi mụ chuệch choạng đi đi lại lại giữa những bộ tản nhiệt xe hơi và cất giọng trầm trầm hát bài ca về anh lính khinh kỵ trung thành. Trên mặt bàn kế cạnh cửa sổ có hai chai cognac. Một chai hầu như đã cạn. Tối qua cái chai còn đầy nguyên. Tôi đã quên không cất nó vào tủ khóa lại. “Kìa bà Stoss!” tôi lên tiếng. Lời ca ngừng bặt. Cái chổi rơi xuống đất. Nụ cười ngà say tắt lịm. Bây giờ tôi mới là con ma. “Jesusma, lạy Chúa tôi”, Matilda ấp úng và giương cặp mắt đỏ ngầu ngó tôi trân trân. “Tôi đâu ngờ cậu đến sớm thế…”
“Biết rồi. Rượu ngon chứ?”
“Đã hẳn… nhưng nhục cho tôi quá”. – Mụ quệt miệng. “Tôi rõ tồi tệ…”
“Chà, bà cứ phóng đại thế. Bà chỉ say thôi. Say khướt như một gã nghiện”.
Mụ gắng đứng thẳng người. Ria mép mụ động đậy và mi mắt mụ chớp chớp như mắt một con cú già. Nhưng dần dần mụ cũng tỉnh táo hơn. Mụ quả quyết tiến lên một bước. “Cậu Lohkamp… người ta ai cũng là người thôi… đầu tiên tôi chỉ ngửi… và rồi làm một ngụm… vì rằng tiếng thế chứ dạ dày tôi bao giờ cũng yếu… vâng, thế rồi, thế rồi hẳn quỷ Satăng đã ám tôi. Các cậu cũng không nên thử thách một người đàn bà tội nghiệp, không nên để mặc cái chai đấy”.
Đây chẳng phải lần đầu tiên tôi bắt gặp mụ như thế. Sáng nào mụ cũng đến dọn dẹp trong xưởng độ hai tiếng: cứ việc quăng tiền vương vãi đâu tùy thích, mụ không tơ hào đến… thế nhưng rượu đặt trước mắt mụ thì chẳng khác gì mỡ để miệng mèo.
Tôi giơ cái chai lên. “Đương nhiên rồi, bà không động đến rượu cognac dành cho khách hàng… Thế nhưng thứ rượu ngon của ông Koster thì bà nốc sạch”.
Một thoáng cười đắc ý lướt qua nét mặt già nua của Matilda. “Tất tật những gì ngon lành… tôi là kẻ sành sỏi mà lại. Nhưng cậu sẽ không tố giác gì tôi chứ, cậu Lohkamp? Tố giác một mụ góa yếu đuối bất lực như tôi?”
Tôi lắc đầu. “Hôm nay thì không đâu”.
Mụ buông những nếp váy xuống. “Thế thì tôi chuồn đây. Cậu Koster mà đến bây giờ thì… trời đất quỷ thần ơi!”
Tôi lại bên tủ và mở tủ ra. “Bà Matilda…”
Mụ vội vã lạch bạch chạy đến. Tôi giơ cao một cái chai nâu hình vuông.
Mụ huơ tay chối. “Không phải tôi! Thề danh dự đây! Tôi không hề động tới nó!”
“Tôi biết”, tôi nói và rót đầy một ly. “Bà biết loại rượu này chứ?”
“Sao không!” Mụ liếm môi. “Rum! Rượu rum Jamaica lâu đời!”
“Khá. Vậy xin bà hãy cạn ly!”
“Tôi ấy?” Mụ nhảy lùi lại. “Như thế nhiều quá, cậu Lohkamp! Đầu tôi đang nóng phừng phừng như than hồng đây này! Mụ Stoss già nua đã ngầm nốc sạch rượu cognac của cậu, thế mà cậu lại còn thết mụ một ly rum để thưởng công nữa. Cậu là một bậc thánh, chính thế! Thà chết còn hơn chấp nhận một chuyện như vậy”.
“Thế hở?” tôi nói và làm ra vẻ chực thu ly rượu về.
“Nào thì uống!” Mụ vội vã nắm lấy cái ly. “Đành phải tiếp nhận điều tốt đẹp như nó đã đến thôi. Cho dù không hiểu nó. Chúc sức khỏe cậu! Dễ thường hôm nay là sinh nhật cậu”.
“Đúng vậy, bà Matilda. Bà đoán giỏi đấy”.
“Sao, thật thế ư?” Mụ chộp lấy bàn tay tôi lắc lấy lắc để. “Rất chi thành thật chúc cậu hạnh phúc! Dồi dào tiền của! Cậu Lohkamp này”, mụ quệt miệng “tôi cảm động quá thể… nhất định tôi phải làm một ly nữa mừng cậu. Là vì chẳng gì tôi cũng quý cậu như con”.
“Tốt thôi”.
Tôi rót thêm cho mụ ly nữa. Mụ dốc cạn một hơi, rồi rời xưởng, mồm xuýt xoa khen ngợi.
Tôi dọn cái chai đi, ngồi vào bàn. Mặt trời nhợt nhạt xuyên qua cửa sổ chiếu xuống đôi tay tôi. cảm giác lạ kỳ trong một ngày sinh như thế này, dẫu rằng ta chẳng xem nó ra gì. Ba mươi tuổi… đã từng có thời tôi ngờ đâu không bao giờ mình có thể lên đến tuổi hai mươi, tôi cảm thấy cái ngày ấy sao mà xa vời. Và rồi…
Tôi mở ngăn kéo lấy một tờ giấy viết thư và bắt đầu tính. Thời ấu thơ, trường học… đó là một tổng thể, xa xôi, ở đâu đó, không còn thật nữa. Mãi năm 1916 cuộc đời thật sự mới bắt đầu. Khi ấy tôi vừa trở thành chú lính mới, gầy, cao ngồng, mười tám tuổi, tập nằm xuống, đứng lên trên những thửa ruộng mới cày phía sau doanh trại theo lệnh của một tay hạ sĩ quan ria mép rậm rì. Vào một trong những tối đầu tiên, mẹ tôi đến doanh trại thăm tôi, nhưng bà phải đợi tôi mất hơn một giờ đồng hồ. Tôi đã đóng ba lô của mình không đúng quy cách và phải chịu hình phạt quét dọn nhà vệ sinh vào giờ nghỉ. Mẹ tôi muốn giúp tôi, nhưng bà không được phép. Bà khóc, còn tôi thì mệt tới mức ngủ thiếp đi khi mẹ vẫn còn ngồi bên.
1917. Flanders[1]. Mittendorf và tôi mua ở căng tin một chai vang đỏ. Chúng tôi định uống một chầu. Thế nhưng cả bọn tôi đã không thực hiện được. Sáng tinh mơ, quân Anh bắt đầu một trận pháo kích lớn. Koster bị thương lúc giữa trưa, Meyer và Deters ngã xuống buổi chiều. Và tối đến, khi cả bọn đã tưởng được bình yên và mở chai rượu ra, thì hơi độc tràn vào, ùa xuống các công sự. Tuy rằng cả bọn kịp thời đeo mặt nạ nhưng mặt nạ của Mittendorf lại hỏng. Khi cậu ấy phát hiện ra thì đã muộn. Cho đến lúc chiếc mặt nạ này bị giật đi và tìm thấy một cái mới thay vào thì Mittendorf đã hít phải quá nhiều hơi độc và nôn ra máu. Cậu ấy chết vào sáng hôm sau, trên mặt có nhiều vết bầm tím. Cổ Mittendorf rách bươm… cậu ấy đã cố dùng móng tay hòng phanh nó ra để hớp lấy không khí.
1918. Nằm quân y viện. Mấy hôm trước, một đợt thương binh mới được chả đến. Bông băng bằng giấy bản. Những ca bị thương nặng. Suốt ngày, những chiếc xe phẳng lỳ của phòng mổ cứ chạy ra chạy vào. Thỉnh thoảng có những chiếc ra không. Joseph Stoll nằm cạnh mình. Anh đã mất cả hai đùi, nhưng còn chưa biết điều đó. Không thể nhìn thấy được, vì người ta chụp lên phần dưới anh một cái lồng bằng dây thép phủ chăn. Mà giá có thấy anh cũng chẳng tin nó, vì anh vẫn cảm thấy đau đớn dưới hai bàn chân. Đêm hai người chết trong buồng bọn mình. Một người chết rất ngắc ngoải và đau đớn.
1919. Lại ở nhà. Cách mạng[2]. Đói. Bên ngoài vẫn tiếp tục nghe tiếng súng máy. Lính đánh nhau với lính. Đồng đội gây lộn với đồng đội.
1920. Đảo chính. Karl Broger bị bắn chết. Koster và Lenz bị bắt. Mẹ tôi nằm nhà thương. Bệnh ung thư của bà đang vào giai đoạn cuối.
1921…
Tôi ngẫm nghĩ. Tôi chẳng còn nhớ nữa rồi. Đơn giản là thiếu mất năm đó. 1922 tôi làm công nhân đường sắt ở Thuringia, 1923 lãnh đạo việc quảng cáo cho một xí nghiệp cao su. Đang thời kỳ lạm phát. Lương tháng của tôi là hai trăm tỉ mác. Mỗi ngày hai lần lĩnh tiền và mỗi lần lĩnh tiền lại được nghỉ nửa giờ để đảo nhanh qua các cửa hiệu mua sắm chút ít trước khi hối đoái đô-la mới lại được công bố… đồng tiền lại mất giá một nửa.
Còn sau đó? Những năm tiếp theo? Tôi đặt bút chì xuống. Nhẩm lại tất cả những cái ấy mà làm gì. Vả lại tôi cũng chẳng còn nhớ chính xác. Tôi đã lẫn lộn quá lắm. Năm ngoái tôi uống mừng sinh nhật của mình tại tiệm cà phê Quốc Tế, nơi tôi đánh dương cầm thuê được một năm. Thế rồi tôi gặp lại Koster và Lenz. Còn lúc này tôi đang ngồi trong xương sửa chữa ô-tô Koster và Co… Co, đây tức là Lenz và tôi, nhưng sự thực thì xưởng này chỉ thuộc về mỗi mình Koster. Trước kia Koster là bạn học, rồi chỉ huy đại đội của chúng tôi, sau đó làm phi công, có thời gian dài là sinh viên, rồi lái xe đua… cuối cùng cậu ta đã tậu được cái văn phòng khổ này. Đến làm với Koster trước tiên là Lenz, kẻ từng lang bạt vài năm bên Nam Mỹ… rồi thêm tôi.
Tôi rút từ túi áo một điếu thuốc lá. Thật ra tôi có thể hoàn toàn hài lòng. Hoàn cảnh của tôi chẳng đến nỗi nào, tôi có việc làm, lại cường tráng, tôi không dễ gì trở nên mệt mỏi, tôi lành lặn – như người ta thường nói… nhưng dẫu sao đừng nghĩ ngọi thái quá về điều đó vẫn hơn. Đặc biệt đừng nghĩ ngợi vào lúc chỉ có một mình. Và buổi tối cũng đừng. Một cái gì đó của quá khứ đôi khi lại hiện lên và nhìn ta trân trối bằng cặp mắt của người chết. Nhưng ta đã có rượu mạnh.
Ngoài kia có tiếng kẹt cổng. Tôi xé tờ giấy có ghi những năm tháng đời mình, ném vào sọt giấy lộn. Cánh cửa bật mở. Gottfried Lenz đứng trong khung cửa, cao, gầy, với cái bờm tóc màu vàng rơm và một cái mũi lẽ ra thích hợp với một người đàn ông hoàn toàn khác. “Robby”, cậu ta gầm lên, “quân săn mồi già đời, đứng dậy và hãy lên gân lên cốt đi! Cấp trên của cậu muốn nói chuyện với cậu!”
“Chúa ơi!” Tôi đứng dậy. “Mình đã hy vọng rằng các cậu không nhớ tới kia đây. Hãy nương nhẹ thôi, các chú bé!”
“Điều đó xem ra hợp ý cậu!” Gottfried đặt lên bàn một cái gói, từ đó tiếng lanh canh phát ra rõ mồn một. Koster bước vào sau Lenz. Lenz đứng chắn trước mặt tôi. “Robby, sáng nay cậu gặp cái gì trước tiên?”
Tôi ngẫm nghĩ. “Một mụ già nghiêng ngả”.
“Đấng Moses thiêng liêng! Một điềm gở! Nhưng lại đúng với lá số tử vi của cậu. Mình vừa lập nó hôm qua. Cậu là một đứa trẻ cần được che chở, không vững vàng, dao động, một ngọn lau trước gió, với chòm Thổ tinh đáng ngờ và một Mộc tinh thương tật trong năm nay. Vì Otto và mình thay mặt cho cha mẹ cậu, vật đầu tiên mình trao cho cậu là một thứ để phòng thân. Hãy nhận lấy tấm bùa hộ mệnh này. Một kẻ hậu sinh của những người Inka[3] đã để lại nó cho mình. Mụ ta có dòng máu xanh, đôi bàn chân phẳng, chấy rận và biệt tài nhìn vào tương lai. ‘Hỡi người lạ da trắng, mụ ta bảo mình, các đức vua đã đeo nó, nó chứa sức mạnh của vầng dương, mặt trăng và trái đất, hoàn toàn chưa nói đến các hành tinh nhỏ hơn… hãy đưa ta một đồng đô-la bạc để ta mua rượu mạnh, và anh sẽ được nó’. Để sợi dây chuyền hạnh phúc này tiếp tục luân chuyển, mình trao nó cho cậu. Nó sẽ bảo vệ cậu, sẽ xua đuổi lão Mộc tinh lạnh lùng của cậu”.
Cậu ta đeo vào cổ tôi một bức tượng nhỏ xíu màu đen treo trên sợi dây chuyền mỏng mảnh.
“Thế! Để chống lại điều rủi giáng xuống từ trời… còn chống lại những bất hạnh hàng ngày thì đây: sáu chai rượu rum của Otto! Lâu năm gấp đôi số tuổi của cậu!”
Lenz mở cái gói và đặt từng chai một dưới ánh mặt trời buổi sớm. Chúng lóng lánh như hổ phách. “Trông tuyệt đẹp”, tôi nói, “cậu moi ở đâu ra thế, Otto?”
Koster cười. “Một câu chuyện rắc rối. Kể ra thì dài dòng lắm. Nhưng hãy nói thử cậu cảm thấy trong người ra sao? Như một kẻ tam tuần?”
Tôi phẩy tay. “Như mười sáu và đồng thời như ngũ tuần. Chẳng có gì đặc biệt cả”.
“Cậu bảo chẳng có gì đặc biệt sao?” Lenz đáp lại. “Tuổi tác không phải là thứ cao nhất có trên đời hay sao? Cậu đã chiến thắng thời gian một cách tự chủ và sẽ sống gấp đôi”.
Koster nhìn tôi, đoạn bảo: “Thôi mặc cậu ấy, Gottfried, những ngày sinh nhật thường đè nặng lên lòng tự tôn. Đặc biệt vào lúc sáng sớm. Cậu ấy sẽ tỉnh tâm lại ngay ấy mà”.
Lenz nheo mắt lại. “Lòng tự tôn của một con người càng ít đi bao nhiêu, giá trị của anh ta càng nhiều lên bấy nhiêu, Robby ạ. Điều đó ít nhiều an ủi cậu chăng?”
“Không”, tôi đáp, “không một mảy may. Khi con người trở nên có giá trị một chút, anh ta chỉ còn là tượng đài của riêng anh ta mà thôi. Đối với mình, như thế thật mệt mỏi và buồn tẻ”.
“Cậu ấy triết lý, Otto ơi”. Lenz reo. “Cậu ấy đã thoát nạn. Cậu ấy đã vượt qua khoảnh khắc im lặng! Cái khoảnh khắc im lặng trong ngày sinh nhật, khi con người ta tự soi vào đồng tử của con ngươi mình và phát hiện ra mình chỉ là một chú gà nhép nghèo hèn biết mấy. Bây giờ tụi mình có thể thanh thản bắt tay vào công việc hàng ngày và tra dầu cho động cơ chiếc Cadillac cổ được rồi đấy”…
Cả bọn chúng tôi làm việc cho tới lúc chạng vạng tôi, rồi rửa ráy và thay quần áo. Lenz thèm thuồng liếc nhìn dãy chai. “Ta bẻ cổ một chai chứ?”. “Cái đó phải do Robby quyết định”. Koster nói. “Đi gạ gẫm kẻ được tặng quà một cách vụng về đến thế thật không đẹp chút nào. Gottfried ạ”. “Nhưng để những kẻ tặng quà chết khát còn không đẹp hơn nữa kia”. Lenz đáp và mở một chai.
Mùi thơm lập tức lan khắp xưởng.
“Đấng Moses thiêng liêng”. Gottfried xuýt xoa.
Cả ba thằng hít lấy hít để. “Tuyệt vời Otto ạ. Cần phải vươn tới nền thi ca cao siêu mới hòng tìm được những so sánh xứng đáng”.
“Quá uổng nếu cậu đem uống trong cái căn xép tối tăm này!” Lenz quyết định. “Các cậu biết không, tụi mình sẽ ra khỏi đây, sẽ ăn tối ở đâu đó và cắp chai rượu theo. Phải nốc cạn nó giữa thiên nhiên tự do của Chúa” – “Hết tầm!”
Ba thằng đẩy chiếc Cadillac vừa sửa sang ban chiều sang một bên. Phía sau nó là một vật kỳ dị đặt trên bốn bánh. Đó là chiếc xe đua của Otto Koster, niềm tự hào của xưởng.
Koster đã đổi chiếc xe, một cái thùng cũ cao thành, trong một cuộc bán đấu giá bằng một chiếc bánh mì bơ. Thời đó nhìn chiếc xe, các chuyên gia đều không chút do dự mệnh danh cho nó là một hiện vật thú vị cho bảo tàng giao thông. Nhà thời trang Bonvis, chủ một hãng may măng tô phụ nữ và là kẻ ham thích đua xe, đã khuyên Otto biến nó thành một chiếc máy khâu. Nhưng Koster chẳng bận tâm đến điều đó. Cậu ta tháo rời chiếc xe như tháo một chiếc đồng hồ bỏ túi và hì hụi thâu đêm với nó hàng tháng trời. Một tối nọ, cậu ta xuất hiện cùng với chiếc xe trước tiệm rượu mà chúng tôi thường đến uống. Khi lại nhìn thấy chiếc xe, Bonvis suýt ngã lăn ra vì cười, nom nó vẫn tức cười như cũ. Để gây chuyện khôi hài, gã mời Otto một cuộc thách đấu. Gã muốn đưa ra hai trăm mác cược lấy hai mươi thôi, nếu Koster nhận đua với chiếc xe thể thao mới của gã… chặng đường dài mười kilômét, chấp xe của Otto một kilômét. Koster nhận lời thách đấu. Ai nấy đều cười và trông đợi một điều thú vị khổng lồ. Nhưng Otto còn làm tợn hơn nữa: cậu ta khước từ sự ưu tiên, và với nét mặt thanh thản, nâng giá đánh cược lên một ngàn mác chọi một ngàn mác. Bonvis luống cuống hỏi Otto liệu gã có cần phải đưa cậu ta tới trại điên hay không. Koster chỉ trả lời bằng cách cho xe mình khởi động. Cả hai lập tức phóng đi thực hiện cuộc đấu. Sau nửa giờ, Bonvis trở lại với vẻ mặt hoảng loạn như thể vừa trông thấy rắn biển. Gã lặng lẽ viết một tấm séc và thêm một tấm séc nữa. Giờ đây gã muốn mua lại chỗ chiếc xe. Nhưng Koster đã cười nhạo gã. Cậu ta sẽ không bao giờ đổi chiếc xe lấy đồng tiền trần gian nữa. Dầu cỗ máy bên trong của chiếc xe không chê vào đâu được… bề ngoài của nó trông vẫn xấu xí. Để sử dụng hàng ngày, chúng tôi thay cho nó một chiếc vỏ xe đặc biệt lỗi thời, vừa khớp với lớp sơn đã khá xỉn, chân bùn có những chỗ rách, và cái mui đã dùng đến cả chục năm. Lẽ ra chúng tôi có thể mông má tất cả… Nhưng chúng tôi có một lý do để không làm.
Chiếc xe tên là Karl, bóng ma trên đường nhựa.
Karl thở phì phò dọc theo đường nhựa.
“Otto”, tôi nói, “một nạn nhân đang dẫn xác đến kìa”.
Sau lưng chúng tôi, một chiếc Buick nặng nề nôn nóng bóp còi. Nó đang nhanh chóng đuổi kịp. Những bộ tản nhiệt sắp sửa xích lại gần nhau. Gã đàn ông bên tay lái hờ hững trông sang. Ánh mắt gã lướt từ trên xuống chiếc Karl thô thiển. Rồi gã quay mặt đi và quên phắt chúng tôi.
Vài giây sau, hẳn gã đã xác định là Karl vẫn ở cùng một tốc độ với gã. Gã chỉnh lại tư thế ngồi chút ít cho thoải máỉ, nhìn chúng tôi một cách khoái trá và tăng ga. Nhưng Karl không nao núng. Như một con chó teriê bên cạnh một con chó dô, nó vẫn tiếp tục chạy, nhỏ bé, linh lợi, kèm sát cái đầu máy mạ kền và sơn sáng nhoáng. Gã đàn ông nắm chắc tay lái hơn. Gã hoàn toàn chẳng nghi ngờ gì và khinh bỉ bĩu môi. Có thể đoán giờ đây gã định bụng cho chúng tôi thấy hiệu suất cỗ xe trượt của gã. Gã nhấn chân ga mạnh tới mức ống xả ríu rít lên như một cánh đồng đầy chim sơn ca trong mùa hạ. Thế nhưng chẳng ích gì; gã không vượt lên nổi. Như có phép phù thủy. Karl cứ dính chặt lấy gã, xấu xí và khiêm tốn. Gã đàn ông ngạc nhiên nhìn chòng chọc xuống chúng tôi. Gã không hiểu nổi làm sao với tốc độ trên trăm cây số giờ mà cái hòm cổ lỗ bên cạnh gã đây lại không long hết ra. Gã kinh ngạc nhìn vào đồng hồ tốc độ xe gã, làm như nó có thể chỉ sai. Rồi gã thả xe chạy hết tốc lực.
Giờ đây hai chiếc xe sánh vai nhau lao trên con đường nhựa thẳng, dài hun hút. Được vài trăm mét, xuất hiện một chiếc xe tải đi ngược chiều. Chiếc Buick đành lùi lại sau chúng tôi để tránh. Nó chưa kịp lên ngang với Karl thì một chiếc xe tang lướt đến với những tua kết vòng hoa bay bay, chiếc Buick buộc lòng lùi lại lần nữa. Sau đó là khoảng trống trước mặt.
Tới lúc này gã đàn ông bên tay lái đã mất hết vẻ ngạo nghễ; tức giận, môi mím chặt, gã khom mình về phía trước… máu đua xe đã bốc lên trong gã, và đột nhiên danh dự đòi gã buộc gã bằng bất cứ giá nào không được phép tỏ ra hèn kém trước con chó hay sủa nhặng lên đang kè kè bên gã đây. Ngược lại, chúng tôi tỏ vẻ dửng dưng ngồi yên chỗ của mình. Đối với chúng tôi, chiếc Buick như không hề tồn tại. Koester bình thản nhìn con đường, tôi uể oải dõi mắt vào không trung; còn Lenz, mặc dù hết sức căng thẳng, lôi một tờ báo ra và làm ra vẻ như đối với cậu ta ngay lúc này không có gì quan trọng hơn là đọc báo.
Ít phút sau Koster nháy mắt cho chúng tôi. Karl ngầm giảm tốc độ, và chiếc Buick từ từ vượt lên. Những chiếc chắn bùn rộng, bóng loáng của nó sạt qua xe chúng tôi. Ống xả ầm ầm nhả khói xanh vào mặt chúng tôi. Dần dần nó đã bỏ xa chúng tôi quãng hai chục mét… và ở cửa sổ xe đã ló ra bộ mặt của kẻ sở hữu, gã nhe răng cười đắc thắng. Gã chắc mẩm đã được cuộc.
Nhưng gã còn có một hành vi nữa. Gã không thể nén một sự trả thù. Gã vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi cứ việc đuổi theo. Thậm chí gã vẫy một cách đặc biệt hờ hững nắm chắc phần thắng. “Kìa Otto” Lenz nói giọng nhắc nhở.
Nhưng cậu ta chẳng cần phải nhắc. Trong cùng khoảnh khắc, Karl đã vọt lên. Chiếc máy nén khí huýt như tiếng sáo. Và đột nhiên cánh tay vẫy vẫy thò ở cửa xe biến mất… bởi vì Karl đã hưởng ứng sự mời mọc, nó tới. Nó tới thậm chí không gì kìm hãm nổi, lấy lại mọi khoảng cách… và bây giờ, lần đầu tiên chúng tôi để tâm đến chiếc xe lạ. Chúng tôi ngước nhìn gã đàn ông bên tay lái với vẻ dò hỏi trong trắng, như thể chúng tôi rất muốn biết vì cớ gì gã lại vẫy chúng tôi. Thế nhưng gã một mực ngoảnh mặt đi. Bây giờ Karl mới thả hết tốc lực vọt lên, một kẻ lôi thôi lếch thếch thắng trận với toàn thân lấm lem và những chiếc chắn bùn bay rập rờn.
“Cừ đấy, Otto”, Lenz bảo Koester, “tối nay thằng cha sẽ ăn mất ngon”. Những cuộc săn đuổi như thế chính là lý do khiến chúng tôi không thay đổi vỏ ngoài của Karl. Chỉ cần Kart xuất hiện trên đường phố, lập tức có kẻ tìm cách bỏ xa nó. Đối với những chiếc xe khác, nó như một con chim gáy rã cánh trước một lũ mèo đói. Nó cám dỗ những cỗ xe nhà hiền hòa nhất muốn vượt và ngay cả những kẻ rậm râu béo bệu nhất cũng không sao tránh khỏi bốc máu đua xe, một khi thấy cái gầm xe kêu rầm rầm của nó cứ nhảy loi choi trước mặt. Có ai ngờ nổi bên trong cái hình thù nực cười đó đang đập trái tim vĩ đại của một động cơ xe đua!
Lenz khẳng định rằng Karl có tác dụng giáo dục. Nó dạy thiên hạ biết kính trọng sự sáng tạo luôn ẩn mình trong một cái vỏ khiêm nhường. Đó là lời của Lenz, kẻ đã vỗ ngực khẳng định mình là con người lãng mạn cuối cùng.
Chúng tôi dừng bánh trước một quán ăn nhỏ và xuống xe. Chiều đẹp, yên tĩnh. Những luống cày trên các cánh đồng mới xới ánh lên màu tim tím. Còn những bờ ruộng phát sáng sắc nâu và óng vàng. Những đám mây tựa đàn cò lửa khổng lồ sải cánh trên bầu trời xanh màu trái táo, lấp ló sau chúng là lưỡi liềm mỏng manh của vầng trăng đang dần đầy. Một bụi hồ đào dại ôm hoàng hôn và nỗi ngờ vực trong những cánh tay của mình, trơ trụi một cách cảm động, nhưng đã ngập tràn hy vọng chồi non. Từ quán ăn nhỏ bay ra mùi gan rán thơm phức, cả mùi hành phi nữa. Chúng tôi hít căng lồng ngực.
Mùi thơm kéo Lenz đâm bổ vào quán. Cậu ta quay ra, nét mặt rạng rỡ “Các cậu phải tận mắt nhìn những lát khoai tây rán nhé! Nhanh lên, không họ hốc sạch món ngon nhất bây giờ!”
Đúng lúc đó có tiếng một chiếc xe nữa rì rì tiến lại. Cả bọn đứng như trời trồng. Đó là chiếc Buick. Nó đỗ xịch ngay cạnh Karl. “Ái chà!” Lenz nói. Chúng tôi luôn ẩu đả vì những vụ tương tự.
Gã đàn ông xuống xe. Gã cao lớn, nặng nề, khoác một chiếc áo Raglan rộng bằng lông lạc đà nâu. Gã bực tức liếc nhìn Karl, tháo đôi găng tay to sụ màu vàng ra, và bước lại gần.
“Cũng là một mẫu xe hả? Xe của anh ấy?” Gã hỏi Koster lúc ấy đứng gần gã nhất, mặt nhăn nhó chẳng khác gì dưa chuột ngâm dấm.
Cả ba thằng lặng lẽ nhìn gã một lúc. Chắc gã cho chúng tôi là bọn thợ máy diện bộ đồ Chủ nhật đi chơi lậu một chuyến. “Ngài vừa nói gì đó phải không ạ?”, cuối cùng Otto ngờ vực hỏi, cốt dạy cho gã biết lẽ ra gã có thể lịch sự hơn.
Gã đàn ông đỏ mặt. “Tôi hỏi về cái xe này”. Gã không đổi giọng, càu nhàu giải thích.