Ám ảnh sau lần ngăn chặn bất thành một vụ đánh bom liều chết ở London, Gabriel Allon – điệp viên của Israel – được mời đến Washington, D.C. và bị kéo vào cuộc đối đầu với bộ mặt của tổ chức khủng bố toàn cầu mới. Trung tâm của mối đe dọa này là một giáo sĩ gốc Mỹ ở Yemen có thời làm tay trong cho CIA, một kẻ lừa dối thiên bẩm được Thượng Đế ban cho miệng lưỡi sắc bén, quyến rũ đang âm mưu một cuộc tấn công điên loạn. Gabriel cùng cộng sự của mình đã vạch ra một kế hoạch táo bạo nhằm phá hủy mạng lưới tử thần – từ bên trong, một nước bài đầy mạo hiểm.
Để nắm chắc thành công, Gabriel phải khơi lại tro tàn quá khứ dữ dội của mình. Và một người phụ nữ đã chờ sẵn ở đó – là một người thừa kế sống ẩn dật và là tay sưu tầm nghệ thuật, có khả năng đi lại qua ranh giới u ám giữa Hồi giáo và phương Tây. Người phụ nữ ấy là con gái một kẻ thù cũ của Gabriel, và cùng nhau, họ đã làm nên một điệp vụ bất thường và ngoạn mục.
*********
Đọc Chân dung một gián điệp ngay sau Kẻ bị truy nã của #JohnLeCarre khiến não mình…bùng nhùng vô kể. May thay, Chân dung một gián điệp có vẻ dễ hiểu hơn, bớt từ lóng và có mốc thời gian dễ theo dõi hơn. Kể đọc liền tù tì chắc sẽ thấy truyện hay hơn nữa.
Gặp Gabriel Allon, một gián điệp kì cựu của “Văn phòng” Israel, và các huynh đệ của ông trong chiến dịch phá tan khuynh hướng khủng bố mới, khuynh hướng khủng bố của kẻ được chính CIA đào tạo và mang cho hắn cơ hội tạo mạng lưới toàn cầu những tín đồ sẵn sàng tử vì đạo. Gặp những người đầu não của tình báo các nước: CIA, MI5, Nga, Anh, Mỹ, Dubai…và xem ảnh hưởng của chính trị, của 11/9 dù đã qua 10 năm đến các nước, đến quan hệ giữa gia tộc Saud và Mỹ. Khi nghệ thuật cũng được mang ra để phục vụ cho âm mưu chính trị, khi kẻ thù ngay trước mặt nhưng bắn hay không lại không nằm ở quyết định của mình, và khi việc hạ một ai đó lại gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Tất cả gộp lại tạo nên bức tranh về tình báo, về gián điệp, chính trị và nghệ thuật đan xen nhau trong hơn 500 trang sách. Một cái kết không thể trọn vẹn cho người đọc bởi trong chính trường, làm gì có đúng sai, hợp thì tụ không hợp thì tan. “Tôi là một sĩ quan tình báo, Nadia, điều đó có nghĩa là tôi nói láo để sống” và phải lựa chọn nói dối là cách cuối cùng nếu còn có thể nói thật được, đâu phải điều dễ dàng.
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Chân dung một gián điệp là hành trình của Gabriel nhưng cũng là câu chuyện của Nadia, một người là hình tượng để một người hoạ nên bức tranh đó. Là câu chuyện về số phận những người phụ nữ đặt niềm tin vào đấng Allah, nhưng luôn mong những quy tắc của đấng Allah do cánh nam nhi dựng nên có thể phá bỏ. Ẩn sau câu chuyện về khủng bố là sự trỗi dậy, hay mong muốn trỗi dậy của tấm mạng che mặt, của bộ quần áo đen che kín từ đầu đến chân. Câu chuyện của tình huynh đệ giữa tình báo các nước, của tình bạn chân chính giữa những con người bị ràng buộc bởi anh em và lợi ích quốc gia, của những đam mê phải gác lại để hy sinh cho tổ quốc, dù có ở bất kỳ đâu.
11/9 vẫn là ám ảnh kinh hoàng cho tội ác của khủng bố, là vết thương không thể lành cho những người đã không ngăn chặn nổi cho cái ranh giới u ám của đạo Hồi và phương Tây. Chân dung một gián điệp đã thành công trong việc khơi lại những đớn đau của quá khứ, phơi bày lại trong hình thái của hiện tại và đặt nên viễn cảnh cho sự biến động của đạo Hồi, Ai Cập, Dubai…ở tương lai. Và bài học của Shamron dành cho Gabriel chưa bao giờ phù hợp hơn khi đọc những chương cuối của truyện: “Hy vọng không phải là một chiến lược có thể chấp nhận khi mạng sống con người bị đe doạ”
*********
Cuốn Chân Dung Một Gián Điệp của Daniel Silva tuy viết về đề tài chính trị gián điệp nhưng rất dễ đọc chứ không khô khan khó nuốt như cuốn Điệp Viên Đến Từ Vùng Đất Lạnh. Tuy viết về gián điệp âm mưu nọ kia nhưng cách kể chuyện của tác giả rất mạch lạc, rõ ràng, tuần tự các bước nên đọc tới đâu hiểu tới đó luôn cũng không có bí mật ẩn ý gì để suy luận hay xoắn não.
Nội dung trong Chân Dung Một Gián Điệp khá đơn giản: Một tay cựu gián điệp đang đi dạo cùng vợ thì phát hiện thằng khủng bố đánh bom liều chết. Ông bám theo nó để ngăn chặn hành động đánh bom. Đến quãng trường, sau khi xác nhận nó đúng là khủng bố thì ông định bắn chết nó trước khi nó cho bom nổ. Mọi chuyện cứ tưởng êm xuôi thì ở đâu nhào ra đám cảnh sát, đám này tuy được vợ ông gọi điện báo có khủng bố nhưng không hỗ trợ ông mà là đến ngăn cản ông. Khi tay cảnh sát ngăn ông giết tên khủng bố thì cũng là lúc tên khủng bố cho bom nổ giết chết mười mấy người ở quãng trường.
Ông được mời về đồn, xác nhận thân phận, nói dăm điều bốn chuyện thì sếp cũ của ông xuất hiện khái quát tình hình Phương Tây phải đối mặt với khủng bố thế nào và họ có cách ngăn chặn ra sao. Nói chung phương pháp ngăn chặn cũng như các nhân viên được huấn luyện để nhận biết khủng bố là một lũ ăn hại, kiểu thành công thì ít mà thất bại có thừa.
Sau vụ ông bị lộ ở Châu Âu thì Mỹ liên hệ với ông, yêu cầu tham gia kế hoạch tìm giết tay trùm khủng bố đã lên kế hoạch đánh bom cảm tử gần đây. Ông đồng ý, thế là ekip cũ của ông được triệu tập tụ hợp. Để biết được trùm khủng bố là ai, đám người các ông đọc, nghe và phân tích hàng ngàn hồ sơ. Sau khi chọn lọc và xác định được kẻ cần tìm thì đám người bọn ông phải lên kế hoạch làm sao để tiếp cận chúng. Có tiếp cận mới có cơ hội ra tay ám sát.
Kế hoạch của ông là thuyết phục con gái của một tỷ phú người Ả Rập đã chết vào tay ông ngày xưa, giúp ông tiếp cận tay trùm khủng bố. Thật ra công việc của cô rất đơn giản. Cô sẽ tỏ ra là con gái của ZiZi, sống theo luật của ZiZi và muốn báo thù cho ZiZi. Để báo thù cho cha, cô sẽ tiếp tế tiền cho bọn khủng bố. Số tiền được đưa cho chúng sẽ được thông qua việc mua bán đấu giá tranh. Khi tôi xem truyện tới đây, tôi cứ nghĩ Nadia sẽ thành công và giúp được ông giết chết tay trùm khủng bố nhưng không ngờ tác giả lái lụa dễ sợ. Đầu tiên tác giả cho tôi thót tim khi để Nadia bị bọn khủng bố lật mặt và bắt giữ. Chúng áp giải cô đi sâu vào sào huyệt của chúng, nơi mà máy bay không người lái của Mỹ cũng không bắn được. Chúng cho biết sẽ ném đá cô tới chết. Đọc tới đây, tôi cũng chưa mấy sợ cho mạng sống của Nadia lắm vì tôi thấy ông và Mikhail đã bám theo cô và ra sức cứu cô. Tới giây phút cuối cùng, tôi thấy ông thét lên bắn, tôi nghĩ Nadia sẽ thoát, cô sẽ không chết nhưng ai ngờ cô chết thẳng cẳng. Cô chết trùm chung với cả bọn khủng bố, và 2 người duy nhất sống sót là ông và cái kẻ ra tay xả đạn bọn khủng bố. Đọc xong chương này tôi như con nai vàng ngơ ngác. Ủa, vậy là chết đó hả???? Tuy Nadia đã chết nhưng truyện vẫn chưa hết , khúc sau thì tác giả giải quyết mấy con cá lọt lưới cũng như kẻ đã để lộ thông tin Nadia làm gián điệp cho ông. Truyện kết thúc có hậu 1 cách tương đối, tạm thoã mãn người đọc, vậy thôi.
Cả cuốn truyện này, cái tôi thích là tác giả viết rất chi tiết rõ ràng về việc hình thành nên khủng bố ở Trung Đông. Khái quát tình hình lịch sử của gia tộc Al-Saud và tộc Nejd hay còn gọi là bọn có râu, nó là tiền thân của Al – Qaeda sau này. Theo như tác giả cung cấp thông tin khi hết truyện thì ở mấy thế kỷ trước đây gia tộc Al-Saud đã hợp tác với bọn có râu. Dùng bọn có râu cực đoan hiếu chiến để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong dài dòng lịch sử tụi Nejd này đã thảm sát mấy dòng họ gì đó để củng cố cho gia tộc Al-Saud. Nói chung, tác giả viết sao coi vậy, phụ lục giải thích cái nào là thật cái nào là hư cấu thì biết vậy thôi, tôi cũng chưa tìm hiểu xác minh lại, nhưng bữa seach thử về Nejd trên gg thì thấy có thật, và cũng tựa tựa tác giả nói.
Tóm lại, truyện Chân Dung Một Gián Điệp ở mức khá, đọc ok. Đặc biệt khiến tôi bất ngờ là Trẻ đã thay đổi loại giấy. Giấy in truyện này vừa dày vừa bóng mượt như lụa, nhìn mới thích làm sao!!!
*********
Đánh giá sách “Chân Dung Một Gián Điệp” của tác giả Daniel Silva
Điểm nổi bật:
- Cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn: Cuốn sách xoay quanh Gabriel Allon, một điệp viên tài ba của Israel, trong cuộc truy lùng kẻ thù nguy hiểm. Cốt truyện được xây dựng chặt chẽ, với nhiều tình tiết bất ngờ, gay cấn, khiến người đọc không thể rời mắt.
- Nhân vật được xây dựng độc đáo: Gabriel Allon là một nhân vật chính ấn tượng với nhiều góc khuất bí ẩn. Các nhân vật phụ cũng được xây dựng tỉ mỉ, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện.
- Bối cảnh lịch sử chân thực: Cuốn sách lấy bối cảnh Trung Đông, với nhiều chi tiết lịch sử được mô tả sinh động, giúp người đọc hiểu thêm về khu vực phức tạp này.
Ưu điểm:
- Kỹ thuật viết điêu luyện: Daniel Silva sử dụng lối viết mượt mà, lôi cuốn, dẫn dắt người đọc vào từng trang sách.
- Mô tả tâm lý nhân vật tinh tế: Tác giả đi sâu vào nội tâm của các nhân vật, giúp người đọc hiểu được suy nghĩ và hành động của họ.
- Cái kết bất ngờ: Cuốn sách có một cái kết mở, tạo sự tò mò và suy ngẫm cho người đọc.
Nhược điểm:
- Cốt truyện bạo lực: Cuốn sách có một số cảnh bạo lực và máu me, có thể không phù hợp với một số người đọc.
- Nhân vật chính có phần “hoàn hảo”: Gabriel Allon có vẻ như quá tài năng và may mắn, khiến một số người đọc cảm thấy khó tin.
Kết luận: “Chân Dung Một Gián Điệp” là một cuốn tiểu thuyết trinh thám ly kỳ, hấp dẫn, phù hợp với những ai yêu thích thể loại này. Cuốn sách có nội dung lôi cuốn, nhân vật được xây dựng độc đáo và bối cảnh lịch sử chân thực.
Đánh giá tổng thể: 4/5