Cuốn sách “Con Đường Tơ Lụa Mới” của Peter Frankopan là một tác phẩm mang đến góc nhìn mới mẻ về sự phát triển của các quốc gia và sự thay đổi của trật tự thế giới. Cuốn sách là tài liệu hoàn hảo cho những ai quan tâm đến kinh tế và chính trị thế giới hiện nay và tương lai.
Tác giả đưa ra những phân tích dễ hiểu và cụ thể về vai trò của Trung Quốc trong sự phát triển kinh tế của Châu Á và trên thế giới. Frankopan thảo luận về các khía cạnh như cạnh tranh về tài nguyên, địa chính trị, an ninh và sự thay đổi trong các mối quan hệ quốc tế.
Cuốn sách khẳng định rằng các quốc gia đang chuyển từ việc dựa vào các thị trường phương Tây sang các thị trường phương Đông. Trong thập kỷ qua, phương Đông đã trở thành nguồn cung cấp hàng hóa chính và nguồn vốn quan trọng cho nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Việc tăng cường hợp tác và kết nối giữa các quốc gia phương Đông sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế và tăng trưởng.
“Con Đường Tơ Lụa Mới” là một cuốn sách quan trọng dành cho bất kỳ ai muốn hiểu về thế giới đang thay đổi. Mời các bạn đón đọc Con Đường Tơ Lụa Mới: Hiện Tại Và Tương Lai Của Thế Giới của tác giả Peter Frankopan & Nguyễn Thế Phương (dịch).
Cuốn sách có thể bạn sẽ thích
—
NHỮNG CON ĐƯỜNG DẪN TỚI PHƯƠNG ĐÔNG
Hai mươi lăm năm trước, khi tôi đang chuẩn bị rời giảng đường đại học, thế giới là một nơi hoàn toàn khác. Chiến tranh Lạnh lúc đó đã kết thúc, theo sau là hy vọng về hòa bình và thịnh vượng. “Hành động anh hùng của Boris Yeltsin và nhân dân Nga” đã đưa nước Nga bước vào con đường cải cách và dân chủ, Tổng thống Bill Clinton đã nói như thế tại một cuộc gặp với Tổng thống Nga tại Vancouver năm 1993. Clinton cũng đã nói rằng, viễn cảnh về một “nước Nga mới phát triển và thịnh vượng” mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.[1]
Nam Phi cũng đã đứng trước một tương lai đầy hy vọng. Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc tiến triển nhanh tới mức ủy ban Nobel đã trao giải Nobel Hòa bình cho F. W. de Klerk và Nelson Mandela vào năm 1993 vì “nỗ lực của cả hai nhằm chấm dứt một cách hòa bình chế độ phân biệt chủng tộc và đặt nền móng cho một nước Nam Phi mới”.[2] Giải thưởng danh giá này khi đó đã mang lại hy vọng cho Nam Phi nói riêng, cho cả châu Phi và thế giới nói chung, dẫu cho sau này người ta tiết lộ rằng rất nhiều nhân vật thân tín của Mandela đã hối thúc ông từ chối nhận giải với lý do ông sẽ phải chia sẻ nó với người từng đàn áp ông. Tuy nhiên, Mandela nhất quyết tin rằng sự tha thứ là một phần tối quan trọng trong quá trình hòa giải và hòa hợp.[3]
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên cũng có những diễn biến tích cực. Sau các cuộc đàm phán diễn ra vào năm 2018, trước phản ứng tích cực trên toàn thế giới, cả Mỹ và Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên cũng như lộ trình phi hạt nhân hóa vốn được chào đón như là bước đi lớn hướng việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiếp theo đó là xây dựng một khu vực an toàn hơn, một thế giới an toàn hơn.[4]
Năm 1993, một thỏa thuận quan trọng đã được ký kết giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thiết lập các khuôn khổ để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vốn là nguồn cơn xung đột và căng thẳng suốt ba thập niên giữa hai bên, trong khi cả hai phía đều đồng ý cắt giảm số lượng quân đồn trú ở khu vực biên giới và hợp tác để hướng tới một giải pháp chung mà cả hai bên đều chấp nhận được.[5] Điều này là quan trọng đối với cả hai quốc gia, trong bối cảnh mở rộng nền kinh tế và tự do hóa mới là những ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo hai nước. Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã tới thăm các tỉnh phía Nam để thúc đẩy quá trình cải cách và để đối phó với những người bảo thủ luôn phản đối quá trình tự do hóa thị trường với điểm nhấn lúc đó là sự kiện sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải khai trương năm 1990.[6]
Quá trình chuyên đổi ở Hàn Quốc khi đó cũng diễn ra nhanh chóng. Vào thập niên 1960, đất nước này là một trong những nước nghèo nhất thế giới, không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cũng như có vị trí địa lý không hề thuận lợi khi nằm ở cực đông đại lục châu Á. Quá trình chuyển đổi trở thành một siêu cường kinh tế của Hàn Quốc với những tập đoàn như Samsung, Huyndai Motor hay Hanwha – trong đó mỗi tập đoàn sở hữu lượng tài sản lên tới hơn 100 tỷ đô-la – đã khiến một số nhà phân tích bình luận rằng Hàn Quốc là “quốc gia thành công nhất trên thế giới”.[7]
Tại Ấn Độ cũng như nhiều nơi khác, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy vào đầu thập niên 1990. Tuy vậy, lúc đó không nhiều người đặt niềm tin vào một công ty phần mềm nhỏ đã phải chật vật phát hành cổ phiếu ở Mumbai vào tháng 2 năm 1993. Mặc cho diện tích và tiềm năng phát triển khổng lồ, Ấn Độ khi ấy là vẫn chỉ là một quốc gia thường thường bậc trung về kinh tế, với nền công nghệ nhỏ bé và non trẻ. Thế nhưng, những ai đủ dũng cảm để mua cổ phiếu của Infosys Technologies sẽ kiếm bộn nếu họ vẫn giữ chúng cho tới ngày nay. Công ty này đã báo cáo lợi nhuận kết thúc năm tài chính vào ngày 31 tháng 3 năm 2018 ở mức trên 2,6 tỷ đô-la – với doanh thu trên 10 tỷ đô-la.[8] Giá cổ phiếu của họ cũng đã tăng gấp 4.000 lần so với 25 năm trước.[9]
Triển vọng thành công của một hãng hàng không ở một quốc gia nhỏ tại Vùng Vịnh khi đó dường như cũng khá xa vời. Thành lập tháng 11 năm 1993, Qatar Airways bắt đầu hoạt động chính thức hai tháng sau đó với một kế hoạch kinh doanh khiêm tốn, một vài đường bay địa phương và nhu cầu ở mức tối thiểu. Ngày nay, hãng hàng không này sở hữu hơn 200 máy bay, hơn 4.000 nhân viên và hơn 150 điểm đến, nhận được hàng tá các giải thưởng mà hai thập niên rưỡi trước chẳng ai có thể nghĩ tới.[10] Qatar Airways hiện tại là cổ đông lớn nhất của Liên minh Hàng không Quốc tế (chủ sở hữu của British Airways, Iberia và Aer Lingus), đồng thời nắm giữ 10% vốn góp tại Cathay Pacific.[11] Vào tháng 4 năm 2018, hãng này đồng ý mua 25% cổ phần sân bay quốc tế Vnukovo ở Moscow – sân bay lớn thứ ba tại Nga.[12]
Dĩ nhiên, những tin tức tốt lành không xuất hiện ở mọi nơi mọi chốn trong năm 1993, khi một xe bom phát nổ tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và một loạt vụ đánh bom có phối hợp ở Mumbai làm thiệt mạng hơn 250 người. Thành phố vốn nổi tiếng với vụ ám sát Franz Ferdinand dẫn tới Thế chiến I là Sarajevo phải chịu sự công phá của các lực lượng người Serb tại Bosnia trong khoảng thời gian còn dài hơn cả trận Stalingrad trong Thế chiến II. Hình ảnh lính bắn tỉa bắn vào thường dân khi họ cố gắng băng qua đường đã lan truyền nhanh chóng, tương tự là hình ảnh tàn phá do đạn pháo được bắn vào trong thành phố từ những quả đồi lân cận gây ra. Sự tái xuất của các trại tập trung ở châu Âu, những vụ thảm sát tại Srebrenica và Goradze giữa thập niên 1990 gửi đến chúng ta lời nhắc nhở kinh hoàng rằng ngay cả các bài học khủng khiếp của quá khứ cũng có thể dễ dàng chìm vào quên lãng.
Một vài vấn đề khác xảy ra đầu thập niên 1990 lại gần gũi hơn nhiều. Ví dụ ở nước Anh, diễn đàn chính trị bị ảnh hưởng nặng nể bởi các cuộc tranh cãi độc hại liên quan đến quy chế thành viên Liên minh châu Âu và lời kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý. Những vấn đề này hầu như đã khiến chính phủ sụp đổ và thủ tướng khi đó là John Major đã chửi chính các thành viên nội các của ông là “đồ con hoang”.[13]
★
Tất cả những sự kiện kể trên đều xảy ra mới đây thôi. Nhưng chúng dường như mang lại một cảm giác xa vời, khiến chúng ta hồi tưởng tới một thời kỳ nào khác. Tôi đã nghe một album với nhan đề Pablo Honey của nhóm nhạc đầy tiềm năng Radiohead trong lúc chuẩn bị cho đống bài thi cuối kỳ của mình vào năm 1993. Nhưng tôi không biết rằng bài hát mang tính chất dự đoán đúng nhất khi đó không phải là Creep với hơn 250 triệu lượt nghe trên Spotify – mà là một bài khác vốn giành giải Oscar vào năm đó. “Một thế giới hoàn toàn mới” – Aladdin đã hứa với Jasmine như thế, “một góc nhìn mới đầy kỳ diệu”. Và Jasmine đã đồng ý. “Một thế giới hoàn toàn mới, một nơi chói sáng mà em hoàn toàn không biết”. Bài hát có lời dựa trên một câu chuyện cổ đặt bối cảnh và xảy ra tại Con đường Tơ lụa lại có khả năng tiên đoán tương lai của chính mình.
Không cách nào giúp chúng ta có thể nhìn thấy “thế giới mới” đó rõ ràng hơn bằng việc so sánh các trận bóng đá ở Anh năm 1993 và hiện tại. Một tuần trước khi kỳ thi bắt đầu ở Cambridge, tôi xem lại trận chung kết Cúp FA giữa Arsenal và Sheffield Wednesday vốn buồn tẻ không kém gì trận lượt đi có tỷ số hòa. Trong tất cả các cầu thủ trên sân (bao gồm cả những cầu thủ vào sân thay người), chỉ có ba người không phải là dân của quần đảo Anh. Hai mươi lăm năm sau, trận chung kết giữa Chelsea và Manchester United cũng có tầm ảnh hưởng tương tự, song thành phần cầu thủ của các đội bóng lại khác biệt hoàn toàn: chỉ có 6/27 cầu thủ ra sân tại Wembley sinh tại Anh hay Ireland. Những cầu thủ khác tới từ khắp mọi nơi trên thế giới, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Nigeria và Ecuador.
Nếu câu chuyện trên cho chúng ta thấy được tốc độ toàn cầu hóa xảy ra nhanh như thế nào chỉ trong vòng một thế hệ, câu chuyện về quyền sở hữu các câu lạc bộ bóng đá Anh trong cùng một khoảng thời gian còn ấn tượng hơn nhiều. Không lâu trước đây, việc một câu lạc bộ thuộc nhóm đầu có chủ sở hữu là người nước ngoài bị xem là chuyện viễn tưởng. Trong giai đoạn đó, chỉ cần nghe một giọng nói nước ngoài trong phòng họp không thôi đã khiến các giám đốc câu lạc bộ bị sặc nước trà hoặc thậm chí mắc nghẹn trong giờ giải lao. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều trong số những đội bóng nổi tiếng nhất bóng đá Anh và châu Âu có các ông chủ là người nước ngoài. Và không ít người trong số họ tới từ các vùng đất nằm dọc theo Con đường Tơ lụa.
Theo một góc độ nào đó, điều này không quá ngạc nhiên. Sau tất cả, dù người ta đã hệ thống hóa và tiêu chuẩn hóa luật lệ của bóng đá tại London vào năm 1863, môn thể thao này đâu phải được sáng tạo ra ở Anh. Theo FIFA, tổ chức quốc tế quản lý mọi mặt đời sống bóng đá, bóng đá được đem ra thi thố lần đầu tiên ở Trung Quốc dưới triều Hán (206 TCN – 220), khi đó bao gồm nhiều người chơi cố gắng đá một trái bóng da có gắn lông vũ vào cầu môn đối phương, vốn được dựng lên bởi hai cột tre cùng một tấm lưới và người ta gọi môn bóng đá sơ khai này là thúc cúc.[14]
Tuy vậy, phải qua một quãng thời gian rất dài kể từ thời điểm xuất hiện môn bóng đá cho tới khi người ta nhận ra rằng tất cả các đội bóng ở thành phố Birmingham và vùng lân cận – bao gồm Aston Villa, West Bromwich Albion, Birmingham City và Wolverhampton Wanderers – đã được các chủ sở hữu người Trung Quốc mua lại kể từ khi cuốn sách Con đường Tơ lụa được xuất bản vào năm 2015. Trong khi đó, vào năm 2017, hai gã khổng lồ của bóng đá Ý vốn dùng chung sân vận động San Siro – AC Milan và Inter Milan – cũng được bán lại cho người Trung Quốc.
Tiếp theo phải kể đến những ông chủ Vùng Vịnh của các câu lạc bộ hàng đầu nước Anh và cả châu Âu. Manchester City, câu lạc bộ thống trị tất cả các giải quốc nội ở Anh và lên ngôi vô địch Premier League năm 2018 với khoảng cách điểm kỷ lục so với các đội đứng sau, thuộc sở hữu của Mansour bin Zayed al Nayhan, người đồng thời giữ chức phó thủ tướng Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Câu lạc bộ Manchester City có một người “anh em” là Paris Saint-Germain, đội bóng thống trị giải Ligue 1 của Pháp với sức mạnh vượt trội tương tự, khi các ông chủ người Qatar đã bổ sung hai cầu thủ mới là Neymar và Kylian Mbappé với tổng giá trị chuyển nhượng của cả hai cầu thủ vào mùa hè năm đó vượt quá con số 350 triệu euro (chưa tính lương và thưởng).
Chủ sở hữu lớn nhất của câu lạc bộ Everton là Farhad Moshiri, sinh ra ở Iran nhưng hiện tại sống ở Monaco. Farhad Moshiri gây dựng tài sản của mình cùng với Alisher Usmanov, một thương gia Uzbekistan từng tiến hành nhiều thương vụ đầu tư ở Nga, Trung Á và một số nơi khác với tổng tài sản hơn 15 tỷ đô-la – giúp ông ta nắm giữ phần lớn cổ phần ở Arsenal. Có thời điểm, Usmanov muốn nắm quyển kiểm soát câu lạc bộ, nhưng thất bại vì cơ cấu cổ đông phức tạp. Cổ động viên Arsenal từng cầu xin Usmanov không bán cổ phần câu lạc bộ trước khi ông ta chuyển nhượng tất cả vào mùa hè 2018. Thế nhưng, trong nhiều năm, có thể nói số phận của một câu lạc bộ danh tiếng và đầy kiêu hãnh đã nằm trong tay một tài phiệt người Uzbek.[15]
Số phận đại kình địch của các Pháo thủ thành London là Chelsea lại nằm trong tay Roman Abramovich, người đã mua lại đội bóng có biệt danh The Blues vào năm 2003 và sau đó mạnh tay chi hơn 1 tỷ đô-la để biến câu lạc bộ trở thành một trong những đội bóng hàng đầu thế giới – với 17 danh hiệu lớn nhỏ trong và ngoài nước chỉ trong vòng 15 năm. Chúng ta có thể kể thêm một số tên tuổi trong làng bóng đá Anh đang thuộc quyền sở hữu của những cá nhân có gốc gác phương Đông. Sheffield Wednesday – với niềm vinh quang cuối cùng là trận chung kết Cúp FA thất bại năm 1993 – có chủ sở hữu tới từ Thái Lan. Trong khi đó, đối thủ trăm năm cùng thành phố với họ là Sheffield United có một nửa quyền sở hữu nằm trong tay một thành viên gia đình hoàng gia Ả-rập Xê-út. Queens Park Rangers thuộc quyền sở hữu của Tony Fernandes, doanh nhân người Malaysia và nhà tài phiệt ngành thép Ấn Độ Lakshmi Mittal. Bản danh sách chắc chắn chưa dừng lại ở đây.
Đã có thời điểm, giới nhà giàu Anh hướng đến châu Âu như một phần của cuộc Đại Kinh lý, nô đùa tại các thành phố như Venice, Naples, Florence và Rome. Với niềm ngưỡng mộ cũng như nguồn cảm hứng từ nghệ thuật và kiến trúc ở những nơi này, nhiều người trong số họ đã bỏ tiền mua lại các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc, bản thảo viết tay hay thậm chí toàn bộ nội thất nhà cửa mang về quê hương.[16] Đây được xem như những chiến lợi phẩm minh chứng cho sự giàu có ngày càng tăng, cũng như sức mạnh kinh tế và quân sự đã biến đảo quốc nhỏ ở Bắc Đại Tây Dương trở thành một siêu cường toàn cầu. Ngày nay, những thứ được xem như chiến lợi phẩm để mang ra khoe khoang có thể kể đến như các vòng chung kết bóng đá thế giới, với nỗ lực đăng cai thành công của Nga và Qatar, các sự kiện Olympic Mùa đông (giải đấu tổ chức tại Sochi năm 2014 là một ví dụ) và các trung tâm triển lãm nghệ thuật tráng lệ – ví dụ như Louvre mới đặt ở Abu Dhabi chứ không phải ở Paris, Bảo tàng Victoria &Albert mới đặt tại Thâm Quyến chứ không phải tại Albertopolis ở London. Đó là chưa kể thiết kế đáng kinh ngạc của Rem Koolhaas – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Garage ở Moscow, hay Tổ hợp Thể thao Mùa đông tại Ashgabat, Turkmenistan, một công trình được đánh giá là lớn hơn cả tổ hợp thể thao trong nhà Madison Square Garden ở New York.
Vào thế kỷ XVIII, một nhà du hành người Anh bắt đầu chuyến đi của mình tới Ý và đã “không thể kiềm chế sự tò mò và mong muốn chiêm ngưỡng một quốc gia quá nổi tiếng trong lịch sử, một quốc gia từng thiết lập luật lệ cho thế giới”.[17] Ngày nay, điều đó đã thay đổi, bây giờ người ta quay ra ngưỡng mộ lịch sử Anh, luật pháp Anh và các tòa án Anh vốn từng giúp dàn xếp tranh chấp hay thông qua các bản thỏa thuận phân tranh. Người ta cũng ngưỡng mộ những chiến lợi phẩm đang được giới nhà giàu và quyền thế mới nổi săn lùng – ví dụ như các câu lạc bộ bóng đá, hoặc những tài sản lớn như các cửa hàng thượng hạng nổi tiếng thế giới như Harrods và Hamleys, khu vực cầu tàu Canary, tòa nhà “The Walkie-Talkie” số 20 đường Fenchurch ở London, hay các tờ báo như Independent và Evening Standard – tất cả đều có chủ sở hữu gốc Trung Quốc, Nga hay UAE.
Ở Mỹ, câu chuyện tương tự cũng xảy ra với đội bóng rổ Brooklyn Nets, báo The New York Post, khách sạn Waldorf Astoria, Plaza Hotel Ở New York và hãng Warner Music – những cái tên nằm trong số các thương hiệu và đế chế kinh doanh hàng đầu đã trở thành đối tác mật thiết của những nhà đầu tư có quan hệ chặt chẽ với Nga, Trung Đông và Trung Quốc hoặc bị chính những người này mua lại.
Hay chúng ta cũng có thể nhắc đến trường hợp của Legendary Entertainment, hãng phim Hollywood đứng sau bom tấn phòng vé mùa hè năm 1993 Jurassic Park – một trong những phần thưởng tôi tự thưởng cho mình sau khi kết thúc mùa thi cử năm đó. Hãng phim này hiện tại là một bộ phận của Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Wanda Group) của Vương Kiện Lâm – tập đoàn sở hữu các chuỗi rạp chiếu phim Odeon, UCI, Carmike và Hoyts tại châu Âu, Mỹ và Úc (tổng cộng hơn 14.000 phòng chiếu), nắm trong tay nhiều du thuyền do Sunseekers chế tạo và công ty tiếp thị thể thao nổi tiếng Infront Sports and Media, doanh nghiệp hiện tại đang giữ độc quyền phát sóng các sự kiện thể thao lớn như vòng chung kết World Cup 2018 và 2022.
Dĩ nhiên, trong khi một số thương vụ ở đây có thể chỉ nhằm thỏa mãn sở thích và thú vui, đa phần thể hiện sự nghiêm túc cũng như mức độ đầu tư lớn. Các thương vụ này dựa trên quá trình đại dịch chuyển GDP toàn cầu tiếp diễn trong vòng 25 năm qua, với trên 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói chỉ tính riêng tại Trung Quốc kể từ những năm 1980.[18] Trong khi định nghĩa thế nào là “đói nghèo” vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học phát triển và nhiều học giả khác, tốc độ và quy mô tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc là điều không còn gì để bàn cãi. Năm 2001, GDP Trung Quốc chỉ bằng 39% của Mỹ (theo sức mua tương đương), nhưng tăng lên 62% vào năm 2008. Cho tới năm 2016, GDP của Trung Quốc đã bằng 114% GDP của Mỹ theo cùng cách tính và có khả năng sẽ gia tăng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn trong vòng 5 năm tới.[19]
Sự thay đổi này không chỉ tác động mạnh mẽ tới Trung Quốc, nó còn tác động tới toàn thế giới. Ví dụ, với niềm tin vào sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, một doanh nhân ở Bắc Kinh đã mua 3.000ha đất tại miền Trung nước Pháp nhằm cung cấp bột cho hàng nghìn cửa hàng bánh Pháp mà vị doanh nhân này muốn mở ở Trung Quốc. Ông kỳ vọng người Trung Quốc sẽ thay đổi thói quen sử dụng các loại thức ăn có liên quan tới gạo và khi họ thay đổi, theo Hồ Khắc Cần, vị doanh nhân được đề cập ở trên, “tiềm năng sẽ là cực kỳ lớn”.[20]
Nếu việc này có thể khiến người Pháp lo sợ, với lý do giá bánh mì sẽ tăng – bởi vì bột sẽ được xuất khẩu thay vì được sử dụng bởi các lò bánh mì trong nước, nỗi lo lắng tương tự có thể xảy ra với ngành công nghiệp sản xuất rượu – khi xuất khẩu của ngành này sang Trung Quốc đã tăng trưởng 14% chỉ trong năm 2017, lên tới 220 triệu lít. Xuất khẩu rượu Pháp sang Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt hơn 20 tỷ đô-la trong vòng 5 năm tới, một tin vui cho những nhà sản xuất rượu nhưng giới thưởng thức rượu tại Pháp chưa hẳn có cảm xúc tương tự.[21]
Điều gây khó chịu không chỉ là việc rất nhiều trang trại nho nổi tiếng ở Bordeaux đã đổi chủ sở hữu trong những năm gần đây và được những người nổi tiếng như diễn viên Triệu Vy hay tỷ phú Mã Vân (người hiện sở hữu tổng cộng bốn trang trại – bao gồm cả trang trại Château de Sours nổi tiếng) mua lại, mà còn vì nhiều trang trại trong số đó đã phải đổi tên để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Château Senilhac ở Médoc được đổi tên thành Château Antilope Tibetaine (Tibetan Antelope – Linh dương Tây Tạng), Château La Tour Saint-Pierre đổi thành Château Lapin d’Or (Golden Rabbit – Hoàng Thố), trong khi Château Clos Bel-Air bây giờ có tên gọi Château Grande Antilope (Big Antelope – Đại Linh Dương).[22]
Rất nhiều nhà thưởng thức rượu theo chủ nghĩa thuần tuý cho rằng việc đổi tên thật sự là nỗi bực dọc, khi họ thấy những tên gọi truyền thống được tôn trọng qua hàng thế kỷ bị thay đổi, tuy nhiên sự trỗi dậy của phương Đông đã biến đổi hầu như mọi thứ trần tục ở thế giới xung quanh chúng ta. Qatar Airways chỉ là một trong nhiều hãng hàng không đã thông qua hoạt động của họ góp phần thúc đẩy nhu cầu bay thương mại – một nhu cầu mà trong tương lai sẽ chỉ tiếp tục gia tăng. Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán số lượng hành khách đi lại bằng máy bay sẽ tăng gấp đôi lên con số 7,8 tỷ hằng năm vào năm 2036, với lượng dân số có khả năng chi trả ngày càng gia tăng ở châu Á sẽ dẫn đầu xu hướng này, ví dụ như tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Thái Lan.[23]
Theo một báo cáo riêng của Boeing, điều đó có nghĩa là thế giới cần thêm 500.000 phi công mới trong vòng 20 năm tới.[24] Thế nhưng hệ quả đã có thể cảm nhận được ngay trong hiện tại: chúng ta không có đủ phi công. Và điều này khiến mức lương phi công gia tăng chóng mặt. Mức lương mà hãng Xiamen Air chịu chi trả cho các phi công lái Boeing 737 là 400.000 đô-la/năm – thậm chí một số nơi phi công còn được trả mức lương lên tới 750.000 đô-la/năm.[25]
Tốc độ gia tăng quỹ lương như vậy chắc chắn có tác động đến chi phí đi lại. Thế nhưng, những áp lực tạo ra do sự thiếu hụt phi công trên toàn cầu gây ra đã khiến nhiều hãng hàng không có vị thế và nguồn lực phải hủy bỏ các chuyến bay, với lý do là thiếu nhân sự.[26] Nghe có vẻ khó tin, thế nhưng khi một chuyến công tác đến miền Trung Tây, hành trình trở về nhà sau khi trượt tuyết ở dãy Alp, hay kỳ nghỉ mơ ước ở phía bên kia Trái Đất phải hoãn lại với lý do chuyến bay bị hủy, sự trỗi dậy của Con đường Tơ lụa chắc chắn có liên quan.
Nội thất bài trí trong khách sạn, các bản nhạc phát ở quầy tiếp tân hay những loại thức uống người ta phục vụ ở quán bar – tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tương tự. Năm 1990, số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài ở mức tối thiểu, chủ yếu giới hạn trong các hoạt động công vụ liên quan tới nhà nước và chi tiêu tổng cộng của họ chỉ khoảng 500 triệu đô-la.[27] Năm 2017, con số đó đã tăng lên gấp 500 lần, lên tới hơn 250 tỷ đô-la mỗi năm – gần gấp đôi số tiền mà khách du lịch Mỹ chi ra hằng năm.[28] Những con số này sẽ gia tăng với tốc độ tên lửa trong tương lai, khi hiện tại chỉ mới có 5% công dân Trung Quốc sở hữu hộ chiếu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều cơ hội kiếm tiền lớn sẽ mở ra trước mắt những ngành như đánh bạc hay mỹ phẩm, cũng như cho các hãng hàng không với điểm đến phù hợp, các khách sạn biết cách chiều lòng khách Trung Quốc hay những công ty đặt phòng trực tuyến với các sản phẩm du lịch nước ngoài – ví dụ như Skyscanner, công ty mà người ta đã bán lại cho hãng du lịch Trung Quốc Ctrip vào cuối năm 2016 với số tiền 1,7 tỷ đô-la.[29]
Thế giới thay đổi cũng mang lại không ít thách thức – thường ở những nơi ít người ngờ tới với những cách thức cũng ít ai nghĩ tới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra vấn đề chưa từng có đối với loài lừa và với những người chăn nuôi lừa từ Trung Á cho tới Tây Phi. Da lừa là một thành phần của a giao, một vị thuốc bổ phổ biến ở Trung Quốc và là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của một nửa đàn lừa ở Trung Quốc trong vòng 25 năm qua.[30] Nhu cầu ngày càng gia tăng khiến người ta phải tìm kiếm nguồn cung mới ở những nơi khác. Giá lừa đã tăng gấp bốn lần ở Tajikistan và cũng gia tăng chóng mặt ở châu Phi. Điều này không hẳn là một tin tốt. Vì lừa là động vật sống theo bầy và có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như chuyên chở thức ăn, nên sự sụt giảm đột ngột và nhanh chóng của số lượng lừa (cùng với sự gia tăng về giá cả) đã đe dọa làm mất cân bằng nền kinh tế nông nghiệp ở nhiều quốc gia vốn đang trong tình trạng bấp bênh. Với lý do này, một số nước như Niger, Burkina Faso và ở một số nơi khác của châu Phi, việc xuất khẩu lừa sang Trung Quốc đã bị cấm.[31] Một tác động liên quan đến sự trỗi dậy của Con đường Tơ lụa chính là sự xuất hiện của một thị trường chợ đen chuyên buôn bán da lừa.[32]
Chuyện buôn bán lừa và khó khăn của những người lần đầu tiên mua nhà ở London dường như là hai việc không mấy liên quan. Tuy nhiên lượng tiền đổ vào các bất động sản ở trung tâm London là một yếu tố đẩy giá nhà lên cao tới mức không thể mua nổi. Nguồn vốn nước ngoài gia tăng trong giai đoạn 1999-2014 đã góp phần thổi giá những căn nhà vốn đã đắt đỏ, cũng như tạo hiệu ứng nhỏ giọt xuống các loại tài sản rẻ hơn. Theo nghiên cứu của một học giả, giá nhà có thể đã rẻ hơn 19% nếu không có những nguồn vốn nước ngoài đổ vào thành phố trong giai đoạn đó.[33]
Một lượng lớn số vốn kể trên tới từ Nga. Từ 2007 cho tới 2014, gần 10% tổng số tiền đổ vào bất động sản ở London là của người Nga – và con số sẽ lên đến hơn 20% nếu xét tới những bất động sản có giá trị hơn 10 triệu bảng.[34] Dòng vốn Trung Quốc đổ vào các bất động sản nhà ở tại nước ngoài cũng gia tăng đáng kể, khi người Trung Quốc đã bỏ ra 50 tỷ đô-la mua nhà tại nước ngoài trong năm 2016 và 40 tỷ đô-la trong năm sau đó.[35] Đó là chưa kể tới một phần ba tổng số vốn đầu tư vào bất động sản thương mại London năm 2017.[36]
Câu chuyện tương tự xảy ra ở những nơi khác. Người Trung Quốc mua nhiều bất động sản ở Vancouver vào năm 2016 tới nỗi giá cả ở đây leo thang tới 30% mỗi tháng so với năm trước đó, khiến chính quyền thành phố phải đưa ra mức thuế bất động sản 15% đối với người nước ngoài để hạ nhiệt thị trường. Những áp lực tương tự có thể thấy ở nhiều nơi khác trên khắp Canada – cũng như ở San Francisco, Úc, New Zealand và hiện nay còn xuất hiện ở Đông Nam Á.[37] Nguồn gốc của việc không có khả năng mua nhà có thể không xuất phát từ Con đường Tơ lụa, nhưng đó là một phần của câu chuyện về một thế giới mà ở đó trung tâm sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển dần ra khỏi phương Tây.