Dưới ngòi bút tài hoa của Erich Maria Remarque, “Đêm Lisbon” vẽ nên một bức tranh đầy ám ảnh về những con người tha hương lạc loài. Họ gặp nhau tại thành phố cảng Lisbon với một giấc mơ đơn giản được yên bình và tự do. Đó cũng là khát khao và cả nỗi đau của chính tác giả khi ông từng phải lưu lạc khắp châu Âu trong suốt giai đoạn Thế chiến II.
Cuốn sách là một bản giao hưởng đầy cảm xúc về thân phận con người. Qua những câu chuyện của các nhân vật, Remarque đã phơi bày những bi kịch của cuộc đời, những mất mát và chia cắt mà chiến tranh mang lại. Họ là những người tị nạn, những kẻ lưu vong, những nghệ sĩ thất bại, những con người bị xã hội ruồng bỏ. Họ đến Lisbon với hy vọng tìm kiếm một nơi trú ẩn, một bến đỗ bình yên cho tâm hồn.
“Đêm Lisbon” là một lời ca ngợi những giá trị nhân văn cao đẹp. Giữa những bi kịch và bất hạnh, những con người tha hương vẫn giữ gìn được lòng nhân ái, sự vị tha và niềm tin vào cuộc sống. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau những khó khăn và cùng nhau vượt qua những thử thách.
Cuốn sách là một trải nghiệm đọc đầy cảm xúc, khiến bạn suy ngẫm về cuộc sống, về tình yêu và về giá trị của tự do. Lời văn nhẹ nhàng, sâu lắng cùng những câu văn đầy chất thơ của Remarque đã vẽ nên một bức tranh chân thực về số phận những con người tha hương, khiến bạn đồng cảm và sẻ chia với những bi kịch của họ.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Đêm Lisbon của tác giả Erich Maria Remarque
—
CHƯƠNG 1
Tôi chăm chú nhìn con tàu buông neo trên sông Tagus, đèn thắp sáng rực rỡ. Mặc dầu tôi ở lại Lisbon đã được một tuần lễ, tôi vẫn chưa quen được với cái ánh sáng rực rỡ vô tư lự của nó. Ở những miền đất nước mà tôi đã ra đi, thành phố tối đen như hầm mỏ than, và ngọn đèn lồng trong bóng đêm còn kinh khiếp hơn bệnh dịch thời Trung Cổ. Và đó là châu Âu của thế kỷ hai mươi.
Đó là con tàu chở hành khách; nó đang được chất hàng. Tôi biết nó sẽ ra khơi vào chiều ngày hôm sau. Trong ánh sáng gay gắt của những bóng điện trần, những thùng thịt, cá, thực phẩm đóng hộp, bánh mì và rau tươi đang được đưa xuống hầm chứa hàng. Công nhân bốc dỡ đưa hành lý lên tàu, nâng những thùng, những kiện hàng lên tàu một cách lặng lẽ, tưởng như chúng nhẹ tênh. Con tàu đang được chuẩn bị để làm một cuộc hành trình – như con tàu cứu rỗi vào thời Hồng thủy. Nó đúng là một thuyền cứu rỗi. Bất kỳ chiếc tàu nào rời châu Âu vào những tháng đó của năm 1942 cũng là một tàu cứu rỗi. Đỉnh Ararat[*] xưa kia nay là nước Hoa Kỳ, và nước lũ dâng cao lên từng ngày. Đã lâu nó ào vào nước Đức và nước Áo, nay nó làm chìm ngập Ba Lan và Praha; rồi đến lượt Amsterdam, Brussels, Copenhagen, Oslo và Paris. Tiếp theo là các thành phố nước Ý đã nghe nó thấm rỉ vào, và cả Tây Ban Nha cũng không thoát được. Bờ biển Bồ Đào Nha trở thành niềm hy vọng cuối cùng của những người tị nạn mà công lý, tự do và lòng khoan dung đối với họ có giá trị hơn cả quê hương và cuộc sống. Nơi đây là cửa ngõ vào Hoa Kỳ. Nếu bạn không đến đó được, tức là bạn hết thời, bạn sẽ phải mòn mỏi tiêu hao trong đám rừng rậm của những tòa lãnh sự, đồn cảnh sát, và những cơ quan chính phủ, nơi đây hộ chiếu bị từ chối, công việc làm ăn và giấy phép cư trú không thể có, cả một rừng chằng chịt những trại tập trung, cả một hệ thống giấy tờ thủ tục hành chánh, nỗi cô đơn, nhớ nhà và sự lãnh đạm khô héo của mọi người. Như thường lệ trong thời chiến, sợ hãi và ưu phiền, cả đến sinh mạng cá thể của con người cũng không còn có nữa. Chỉ một điều duy nhất là đáng kể: một tờ giấy thông hành có giá trị.
Tối hôm ấy tôi đến sòng bạc Casino Estoril để đánh bạc. Tôi còn giữ được một bộ quần áo tươm tất nên họ để tôi vào. Đây là cố gắng cuối cùng và tuyệt vọng của tôi để thách đố số phận. Giấy phép cư trú tại Bồ Đào Nha của chúng tôi trong vài ngày nữa là hết hạn, mà tôi và Ruth chẳng có giấy hộ chiếu nào khác. Khi ở Pháp, chúng tôi đã vạch kế hoạch và liệt kê danh sách các chuyến tàu có thể đi New York. Con tàu bỏ neo tại sông Tagus này là chiếc sau cùng có ghi trên danh sách của chúng tôi. Vé tàu thì đã bán ra từ nhiều tháng nay; mà chúng tôi lại không có dấu nhập cảnh Hoa Kỳ, và còn thiếu hơn ba trăm đô la để mua vé. Ít ra tôi cũng cố gắng nâng số tiền này lên bằng cách còn có thể được đối với một người nước ngoài tại Lisbon, đó là đánh bạc. Thật là một ý nghĩ điên rồ vì nếu tôi đánh bạc có ăn đi nữa thì cũng phải có thêm một phép lạ chúng tôi mới lên tàu được. Nhưng trong lúc hiểm nguy và tuyệt vọng, bạn thường tin tưởng vào phép màu, nếu không bạn sẽ chìm luôn.
Tôi đã thua mất năm mươi sáu đô la trong số sáu mươi hai đô la chúng tôi còn lại.
Đêm đã về khuya và bến tàu thì gần như hoang vắng. Nhưng một lát sau tôi nhận ra có một người đàn ông cách tôi không xa. Lúc đầu thì hắn thả bộ phất phơ, sau đó hắn dừng lại và cũng bắt đầu chăm chú nhìn ra con tàu. Lại một kẻ tị nạn bị bỏ rơi, tôi chợt nghĩ, và không chú ý đến hắn nữa, cho đến lúc tôi có cảm giác là hắn đang nhìn tôi. Dân tị nạn không bao giờ đánh mất nỗi lo sợ đối với cảnh sát, dù là trong giấc ngủ hoặc trong lúc chẳng có gì phải sợ hãi cả. Bởi thế nên tôi quay đi, giả vờ như dửng dưng chán chường và bắt đầu chậm rãi rời khỏi cầu tàu, như một người chẳng có gì phải lo sợ cả.
Một lúc sau, tôi lại nghe tiếng bước chân đằng sau. Tôi vẫn tiếp tục đi mà không vội vã, vừa tự hỏi làm sao tôi có thể báo cho Ruth biết tin nếu tôi rủi bị bắt. Những ngôi nhà màu tùng lam ở cuối cầu tàu ngái ngủ như những con bướm đêm, đối với tôi thật vẫn còn quá xa để tôi có thể chạy đến đó và biến mất trong mấy đường phố quanh co chằng chịt.
Giờ đây thì hắn đã đứng ngay bên cạnh tôi.
— Ông là người Đức? – Hắn hỏi tôi bằng tiếng Đức.
Tôi lắc đầu và tiếp tục bước đi.
— Người Áo?
Tôi cũng không trả lời. Tôi nhìn những ngôi nhà màu tùng lam đang tiến lại gần một cách quá chậm chạp. Tôi thừa biết có những cảnh sát viên người Bồ Đào Nha nói tiếng Đức rất thạo.
— Tôi không phải là cảnh sát. – Gã đàn ông nói.
Tôi không tin lời hắn. Hắn mặc thường phục, nhưng đã có năm bảy lần những người mặc thường phục bắt tôi ở châu Âu. Tôi có giấy tờ tùy thân, vốn là một tác phẩm không đến nỗi tệ lắm do một giáo sư dạy toán người gốc thành phố Praha ở Paris thực hiện, nhưng nếu bị kiểm tra kỹ thì chắc sẽ không chút giá trị gì.
— Tôi thấy ông nhìn con tàu, – Người đàn ông nói, – Điều đó khiến tôi nghĩ rằng…
Tôi dửng dưng nhìn hắn ta. Thật tình thì hắn chẳng có vẻ gì là cảnh sát cả, nhưng người đàn ông mặc thường phục mới đây đã tóm cổ tôi ở Bordeaux lần vừa rồi cũng có vẻ thảm hại như Lazarus[*] khi ra khỏi mồ sau ba ngày, ấy thế mà hắn lại là kẻ tàn bạo nhất trong đám. Hắn đã bắt tôi, dẫu hắn biết qua hôm sau quân Đức sẽ có mặt tại đó, và đời tôi kể như chấm dứt nếu không có tên cai ngục tốt bụng thả tôi ra vài giờ sau đó.
— Ông muốn đi New York không? – Người đàn ông hỏi.
Tôi không trả lời; chỉ cần hai mươi thước nữa thôi, và nếu cần, tôi có thể đánh gục hắn rồi tẩu thoát.
— Đây là hai vé để đáp thuyền tàu đó. – Người đàn ông nói và cho tay vào túi.
Tôi trông thấy hai tấm vé. Dưới ánh đèn yếu ớt, tôi không thể đọc trong ấy viết những gì. Nhưng chúng tôi đã ở vào một khoảng cách khá đủ và bây giờ nếu dừng lại thì cũng chẳng sao.
— Tất cả những điều này có nghĩa gì thế? – Tôi hỏi hắn bằng tiếng Bồ Đào Nha; tôi đã học được ít câu ngôn ngữ đó.
— Ông có thể dùng hai tấm vé đó. – Người đàn ông bảo. – Tôi không cần đến nữa.
— Ông không cần đến chúng sao? Ông muốn nói gì vậy?
— Tôi không cần đến vé tàu nữa.
Tôi nhìn chòng chọc vào người đàn ông. Tôi không thể hiểu nổi. Quả thật hắn chẳng có vẻ gì là cảnh sát cả. Nếu muốn bắt tôi thì hắn có thể làm việc đó mà không cần đến những ngón nghề hoa hòe hoa sói như vậy. Nếu mấy tấm vé kia có giá trị, tại sao hắn không thể sử dụng được? Và tại sao hắn lại biếu tôi? Có một cái gì đó bắt đầu run rẩy trong tôi.
Sau cùng tôi đáp bằng tiếng Đức:
— Tôi không thể mua những tấm vé ấy được. Chúng rất đắt, bằng cả một gia sản. Tại Lisbon này, có những kẻ dư của nhiều tiền; họ có thể trả bất cứ giá nào ông muốn. Ông đã gặp không đúng người rồi. Tôi chẳng có tiền.
— Tôi không muốn bán. – Người đàn ông đáp.
Tôi nhìn lại những tấm vé.
— Mấy vé ấy thật hay giả?
Hắn chìa cho tôi những tấm vé, chẳng nói một lời. Chúng kêu sột soạt giữa mấy ngón tay tôi. Quả thật chúng là những tấm vé thật. Có những tấm vé này, đó là sự khác nhau giữa sự hủy diệt và cứu rỗi. Cho dầu tôi không sử dụng được vì không có dấu nhập cảnh Hoa Kỳ, thì sáng hôm sau, chúng tôi vẫn có thể cố gắng xin dấu nhập cảnh, hay ít ra cũng có thể bán vé lại. Như thế có nghĩa là tôi có thể kéo dài cuộc sống thêm sáu tháng nữa.
— Quả thật tôi không hiểu? – Tôi nói.
— Ông có thể dùng những tấm vé đó, – Hắn đáp lại, – Mà chẳng phải trả bất cứ một thứ gì. Sáng mai đây tôi sẽ rời Lisbon. Chỉ có một điều kiện.
Đôi tay tôi chùng xuống. Tôi hiểu rằng đây là một câu chuyện quá đẹp nên khó trở thành sự thật.
— Điều kiện gì? – Tôi hỏi.
— Đêm nay tôi không muốn phải cô đơn.
— Ông muốn tôi ở lại với ông?
— Vâng. Cho đến sáng ngày mai.
— Có thế thôi sao?
— Vâng, chỉ có thế.
— Chẳng có gì khác nữa sao?
— Không, chẳng có gì khác nữa.
Tôi nhìn hắn, bán tính bán nghi. Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu người ta trong hoàn cảnh chúng tôi có thể rã rời, chán nản; đôi khi nỗi cô đơn là điều không thể chịu đựng được. Tôi hiểu rõ nỗi sợ hãi, sự trống vắng tấn công những kẻ mà đối với họ thế giới đã biến thành một khoảng cô quạnh, và tôi cũng biết sự có mặt của một người, dù là hoàn toàn xa lạ, còn có thể cứu được người ta khỏi tự vẫn. Nhưng trong những tình cảnh như thế người ta giúp lẫn nhau là chuyện thường tình, chẳng cần đưa ra một đền đáp nào cả. Mà lại là một sự đền đáp như thế.
— Ông ở đâu? – Tôi hỏi.
Hắn khoát tay ra dấu không có:
— Chẳng có nơi nào cho dân tị nạn tìm chút khuây khỏa sao? Một nơi giống quán Café de la Rose ở Paris chẳng hạn?
— Tôi không muốn đến đó. Chẳng có một quán rượu nào còn mở cửa nữa sao?
— Chắc phải có chứ?
Tôi biết quán Café de la Rose. Ruth và tôi đã ngủ tại đó trong suốt hai tuần lễ. Chủ nhân để cho bạn ở đấy bao lâu cũng được với giá tiền một tách cà phê thôi. Bạn cứ trải vài tờ báo ra và nằm ngủ ngay nơi sàn nhà. Tôi chưa bao giờ ngủ trên bàn; ngủ dưới sàn nhà thì không còn rơi xuống đâu nữa.
— Tôi chẳng biết quán nào cả. – Tôi đáp.
Điều này không đúng, nhưng ta không thể đưa người có hai vé tàu đến một nơi mà nhiều người dám bỏ mất linh hồn để có được chúng.
— Tôi chỉ biết có một chỗ. – Người đàn ông nói, – Ta có thể đến đó thử. May ra nó còn mở cửa.
Hắn tiến gần một chiếc taxi đơn độc và nhìn tôi.
— Cũng được vậy. – Tôi nói.
Chúng tôi bước lên xe và hắn cho người lái xe một địa chỉ. Tôi muốn cho Ruth biết đêm hôm đó tôi không về, nhưng khi bước lên chiếc taxi tối om và hôi hám, tôi bị vây bủa bởi một niềm hy vọng quá mãnh liệt và khủng khiếp đến nỗi đầu óc tôi tưởng như quay cuồng. Có thể tất cả chuyện này là thật; có thể là mạng sống của chúng tôi chưa đến lúc tận cùng và điều không thể lại có thể xảy đến; có lẽ chúng tôi sắp được cứu thoát. Một khi ý tưởng này đi sâu vào tâm não, tôi lại đâm ra lo sợ người khách lạ biến mất khỏi tầm mắt mình, dẫu chỉ trong giây phút.
Chúng tôi đi lòng vòng quanh quảng trường Praca do Comércio, một nơi trông có vẻ là hí trường, và một lát sau, chúng tôi đến khu gồm những ngõ hẻm chằng chịt và nhiều bậc thang. Tôi không biết khu này của thành phố Lisbon. Lâu nay tôi chỉ quen thuộc với những giáo đường và viện bảo tàng; chẳng phải vì tôi quá yêu Thượng đế hay nghệ thuật, mà vì trong giáo đường hay viện bảo tàng chẳng ai hỏi đến giấy tờ bạn cả. Trước mặt đấng Ki-tô đóng đinh trên thập giá và trước các bức danh họa, bạn vẫn còn là con người chứ không phải là một kẻ nào đó với mớ giấy tờ khả nghi.
Chúng tôi xuống taxi và tiếp tục lần lên những đường bậc thang và những con phố quanh co. Đây đây phảng phất mùi cá, mùi tỏi, mùi hoa đêm, mùi nắng đã tắt lịm và mùi của giấc ngủ. Dưới vầng trăng đang nhô lên, lâu đài thánh George vươn lên cao khỏi bóng đêm từ một phía, và ánh trăng tuôn tràn trên mấy lối nấc thang. Tôi đi quanh quất và nhìn xuống cảng. Dưới kia là con sông, mà con sông là tự do và cuộc sống; nó chảy ra đại dương, mà đại dương có nghĩa là Hoa Kỳ.
Tôi dừng bước, lặng lẽ.
— Tôi mong ông không đùa với tôi đấy chứ? – Tôi nói.
— Không. – Người đàn ông trả lời.
— À, tôi muốn nói là đùa cợt với những tấm vé đó.
Hắn đã bỏ những tấm vé tàu vào túi khi đến cầu tàu.
— Không. – Hắn trả lời. – Tôi không đùa đâu.
Hắn chỉ về hướng một khu nhà nhỏ nhắn đóng khung trong vòm cây.
— Đó là nơi tôi muốn nói đến. Quán này vẫn còn mở cửa. Không ai chú ý đến chúng ta đâu. Hầu hết khách ăn uống đều là người nước ngoài. Họ sẽ nghĩ chúng ta ra đi ngày mai và chúng ta uống mừng đêm cuối cùng ở Bồ Đào Nha trước khi đáp tàu thủy.
Nhà hàng thuộc loại tiệm ăn đêm với một sàn nhảy bé tí xíu và một hàng hiên để phục vụ du khách đến và đi. Có ai đó đang chơi đàn ghi ta và ở cuối phòng một cô gái đang hát một bài dân ca ai oán Bồ Đào Nha. Ngoài hàng hiên, phần lớn những dãy bàn đã có người ngoại quốc ngồi rồi. Có một thiếu phụ mặc dạ phục và một người đàn ông mặc smoking. Chúng tôi tìm được một cái bàn ở phía cuối hàng hiên. Từ đây ta có thể trông xuống thành phố Lisbon, những nhà thờ trong ánh sáng mờ nhạt, những đường phố, hải cảng, những cầu tàu và chiếc tàu “cứu rỗi”.
— Ông có tin vào sự sống lại sau khi chết không? – Người đàn ông có những tấm vé hỏi.
Tôi ngước nhìn lên. Tôi chờ đợi bất cứ mọi chuyện trừ câu hỏi này. Sau cùng, tôi nói:
— Tôi cũng không biết nữa. Trong những năm gần đây, tôi mải lo lắng về việc làm sao sống còn được trước khi chết. Tôi sẽ nghĩ đến vấn đề kia một khi đến được Hoa Kỳ. – Tôi nói thêm, có ý nhắc hắn mấy tấm vé tàu hắn hứa cho tôi.
— Còn tôi thì không. – Hắn bảo.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi sẵn sàng nghe bất cứ chuyện gì nhưng không tài nào chịu nổi một cuộc tranh luận. Tôi quá mệt mỏi. Bên dưới kia, con tàu nằm chờ đợi.
Người đàn ông ngồi đó hồi lâu, như thể ngủ mà mắt vẫn mở. Đến lúc người chơi ghi ta bước ra hàng hiên thì hắn vội thức dậy.
— Tôi tên là Schwarz. – Hắn nói, – Đó không phải là tên thật của tôi đâu, chỉ là cái tên trên thẻ thông hành của tôi thôi. Nhưng tôi đã quen với nó rồi. Với cái tên ấy đêm nay thì cũng ổn thôi. Ông ở Pháp có lâu không?
— Mãi đến lúc họ không cho phép tôi lưu lại đó nữa.
— Bị giam ư?
— Vâng, khi chiến tranh bùng nổ, như mọi người.
Người đàn ông gật gù.
— Chúng tôi cũng thế. Tôi đã hạnh phúc. – Giọng hắn chùng xuống và mặt ngoảnh đi. – Tôi rất hạnh phúc, tưởng như tôi chưa bao giờ nghĩ có thể được hạnh phúc đến như vậy.
Tôi ngạc nhiên quay người lại. Thật tình hắn chẳng có vẻ gì là người muốn nói chuyện bằng giọng điệu như thế. Trông hắn có vẻ khó tả và kín đáo.
— Lúc nào thế? Trong trại tập trung hả? – Tôi hỏi.
— Không phải đâu. Trước kia nữa.
— Vào năm 1939? Tại Pháp?
— Đúng vậy. Mùa hè trước khi chiến tranh bùng nổ. Đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao cớ sự lại xảy ra như thế. Chính vì vậy mà giờ đây tôi cần phải nói chuyện với một ai đó. Ở đây, tôi chẳng quen biết ai cả. Nhưng nếu tôi được kể với ai về chuyện đó, tôi có thể hồi tưởng lại một cách dễ dàng. Trong trí tôi nó sẽ rõ nét hơn. Và nó sẽ còn lại đó. Thật ra, tôi chỉ cần…
Bỗng nhiên, hắn ngừng lại. Một lát sau, hắn lại hỏi:
— Ông hiểu chứ?
— Vâng, chẳng có gì khó hiểu cả ông Schwarz ạ.
— Không tài nào hiểu nổi đâu, ông ơi. – Đột nhiên hắn trả lời một cách giận dữ. – Nàng nằm đó, trong phòng đóng kín cửa sổ, trong một cỗ quan tài gớm ghiếc; nàng đã chết, nàng không còn sống nữa! Ai hiểu được điều đó chăng? Chẳng ai cả. Cả ông lẫn tôi đều không thể hiểu. Chẳng ai cả, và kẻ nào đó bảo rằng y hiểu được, kẻ đó là một tên khoác lác.
Tôi chẳng nói gì và chờ đợi. Tôi đã từng ngồi tiếp chuyện với một người trong hoàn cảnh tương tự. Những mất mát, thua thiệt thật khó mà chịu đựng nổi khi bạn không có lấy một quê hương riêng cho bạn. Chẳng có gì để nâng đỡ bạn, và cái đất nước xa lạ kia lại càng trở nên xa lạ một cách khủng khiếp hơn. Bản thân tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này ở Thụy Sĩ, khi hay tin bố mẹ tôi đã bị giết và hỏa thiêu trong một trại tập trung. Cái ý nghĩ về đôi mắt mẹ tôi trong ngọn lửa lò hỏa thiêu vẫn ám ảnh tôi mãi.
— Tôi chắc rằng, – Schwarz nói một cách điềm tĩnh hơn, – Ông cũng đã nếm qua những nỗi phập phồng, kinh hãi của người dân tị nạn là như thế nào rồi.
Tôi gật đầu. Người hầu bàn mang ra cho chúng tôi một bát đầy tôm. Đột nhiên tôi mới nhớ tôi chưa ăn gì kể từ bữa cơm trưa. Tôi ngập ngừng nhìn về phía Schwarz.
— Mời ông cứ tự nhiên dùng bữa đi. – Hắn nói, – Còn tôi, tôi chờ.
Hắn kêu rượu chát và thuốc lá. Tôi ăn thật nhanh. Tôm tươi được ướp gia vị thật tuyệt.
— Bỏ lỗi cho tôi nhé. – Tôi nói, – Quả thật là tôi rất đói.
Tôi vừa ăn vừa quan sát Schwarz. Hắn ngồi đó, thản nhiên nhìn xuống cái sân khấu bao la mang tên Lisbon mà không nôn nóng hoặc giận dữ gì. Chính điều này khiến tôi bỗng nhiên có đôi chút cảm tình đối với hắn. Dường như hắn nhận ra, dẫu sách dạy lịch sự có nói gì về vấn đề này, người ta vẫn có thể thấy đói ngay cả trong sự hiện diện của nỗi bất hạnh mà chẳng thấy cảm xúc gì cả. Nếu bạn chẳng làm được điều gì có ích hơn, ít ra bạn cũng có thể dùng nốt bữa ăn của bạn trước khi người ta dẹp nó đi. Bởi điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tôi đẩy đĩa thức ăn qua một bên và đốt một điếu thuốc. Đã lâu lắm tôi chưa được hút thuốc. Tôi đã phải nhịn thuốc hầu có thêm chút ít tiền để đánh bạc.
— Nỗi lo sợ hốt hoảng đã nhập vào tôi mùa xuân năm 1939. – Schwarz nói, – Hơn năm năm nay tôi là dân tị nạn. Mùa thu năm 1938 ông ở đâu?
— Ở Paris.
— Tôi cũng thế. Nhưng rồi thì tôi bỏ cuộc. Dạo ấy là ngay trước lúc ký thỏa ước Munich[*]. Nỗi khiếp sợ của tôi rồi tự nhiên cũng qua đi. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục lẩn trốn và cảnh giác vì thói quen, nhưng nay tôi đã bỏ cuộc rồi. Chiến tranh sẽ nổ ra và người Đức sẽ đến đây bắt tôi. Âu đó cũng là số phận của tôi. Tôi đành chịu vậy.
Tôi gật đầu.
— Đó là vào hồi có làn sóng tự sát. Quả thật là lạ. Một năm rưỡi sau khi quân Đức đến thật sự thì những vụ tự tử lại ít hơn. Tiếp đó là thỏa ước Munich. – Schwarz tiếp, – Mùa thu năm ấy, chúng tôi lại được sống thoải mái hơn. Cuộc sống thật là ngọt ngào, nhẹ nhàng, thanh thản, nên chúng tôi đâm ra thiếu cảnh giác. Năm ấy, quả thật hàng cây dẻ lại trổ hoa một lần nữa ở Paris, ông còn nhớ chứ? Việc này đã khắc sâu vào tâm trí tôi rồi. Một lần nữa tôi lại cảm thấy tôi là con người, và điều tệ hơn nữa là tôi lại hành động như một con người cho nên cảnh sát bắt tôi và giam tôi trong bốn tuần lễ về tội nhập cảnh bất hợp pháp. Ở đâu thì cũng diễn ra cái màn cũ đó. Chúng tống tôi qua biên giới tại Basel, rồi người Thụy Sĩ đẩy tôi trở lại, người Pháp lại tống tôi trở ra tại một địa điểm khác. Tôi bị bắt nhốt lần nữa, chắc ông cũng biết cái thủ tục luẩn quẩn đó, cái trò đánh cờ bằng con người.
— Vâng, tôi biết. Nếu là mùa đông thì chẳng vui thú gì. Chỉ có nhà lao Thụy Sĩ là đàng hoàng nhất. Được sưởi ấm như khách sạn.
Tôi lại tiếp tục ăn. Với những kỷ niệm khó chịu, vẫn có một khía cạnh tốt: chúng khiến ta nghĩ ta được hạnh phúc trong khi chỉ một lúc trước đó ta lại tin vào điều trái ngược hẳn. Hạnh phúc chỉ là vấn đề mức độ. Khi nhận thức được như vậy, ít khi bạn hoàn toàn khổ sở.
Tôi đã được sung sướng trong nhà tù Thụy Sĩ chỉ vì không phải là nhà tù Đức. Nhưng giờ đây, trước mặt tôi là một người đàn ông đang ngồi nói chuyện với tôi, tưởng như hắn được hạnh phúc mặc dầu đâu đây, tại Lisbon này, có một cỗ quan tài đã được dựng lên trong một căn phòng thiếu không khí.
— Lần vừa rồi, lúc thả tôi ra, họ bảo sẽ tống tôi về Đức lại nếu bắt được tôi mà không có giấy tờ. – Schwarz nói, – đó chỉ là một lời hăm dọa, nhưng nó vẫn làm cho tôi lo sợ. Tôi bắt đầu tự hỏi sẽ phải làm gì nếu chuyện đó xảy ra thực sự. Ban đêm tôi bắt đầu mơ thấy tôi ở Đức với bọn lính SS[*] đang săn đuổi tôi. Giấc mơ ấy thường đến với tôi đến mức tôi đâm ra sợ những lúc phải ngủ thiếp. Có bao giờ sự thể này xảy đến với ông không?
— Tôi có thể viết cả một luận án về vấn đề này. – Tôi đáp.
— Có một đêm tôi mơ thấy đang ở Osnabruck[*], một thành phố nơi tôi đã từng sống và vợ tôi thì đang sống. Tôi đứng trong phòng nàng và nhận ra nàng ốm. Nàng gầy như sậy và khóc sướt mướt. Tôi bừng tỉnh dậy, toát mồ hôi lạnh. Trong năm năm, tôi không gặp nàng và cũng không nhận được tin tức gì của nàng. Tôi cũng chẳng viết thư cho nàng nữa. Vì tôi không biết thư từ của nàng có bị mở ra kiểm duyệt không. Trước khi tôi ra đi, nàng có hứa sẽ làm đơn xin ly dị. Tôi nghĩ như thế nàng sẽ được dễ dãi hơn. Và trong nhiều năm nay, tôi tưởng nàng đã làm việc này rồi.
Schwarz im lặng một hồi. Tôi không hỏi hắn vì sao bỏ nước Đức ra đi. Có vô số lý do nhưng chẳng có lý do nào vững cả, vì tất cả đều trái với lẽ thường. Làm nạn nhân, thật chẳng có vui thú gì. Hoặc hẳn là dân Do Thái, hay thuộc một đảng chính trị chống lại chế độ, hoặc có những kẻ thù nay đã bước lên địa vị có thế lực. Ở Đức, có hàng tá lý do để bị ném vào trại tập trung hoặc bị hành quyết.
— Tôi đã tìm được cách trở lại Paris. – Schwarz nói, – Nhưng mộng ấy vẫn không để tôi yên. Nó cứ trở về với tôi mãi. Trong lúc ấy, ảo tưởng do thỏa ước Munich tạo nên đã tan vỡ. Vào đầu xuân, ai ai cũng biết sẽ có chiến tranh. Bạn có thể đánh hơi thấy nó, y như bạn đánh hơi có lửa trước khi bạn trông thấy nó. Chỉ có những nhà ngoại giao mới nhắm mắt lại và mơ những giấc mơ khao khát là sẽ có một thỏa ước Munich thứ hai hoặc thứ ba hoặc bất cứ là gì nhưng không phải chiến tranh. Chưa lúc nào lại có nhiều người tin vào phép màu như ở thời đại chúng ta đến thế, trong khi thật ra chẳng có phép màu nào cả.
— Có chứ. – Tôi nói, – Nếu không, chúng ta đâu còn sống đến ngày nay.
— Đúng vậy. Đó là những phép màu riêng tư. Bản thân tôi cũng có được một phép màu như thế. Câu chuyện bắt đầu từ Paris. Dạo ấy, bỗng đâu tôi lại thừa hưởng được một giấy thông hành có giá trị. Đó là tấm thông hành mang tên Schwarz. Nó là của một người Áo tôi gặp tại quán Café de la Rose. Anh ta chết đi và để lại cho tôi tấm thông hành đó cùng tiền bạc của anh ấy. Anh mới đến chỉ ba tuần lễ trước đó.
Tôi gặp tại viện bảo tàng Louvres[*], đang ngắm những tác phẩm của các họa sĩ phái ấn tượng. Đôi khi tôi cũng đến đó để cho những dây thần kinh tôi được lắng xuống. Khi bạn ngắm những phong cảnh bình yên ngập nắng, bạn không thể ngờ một giống người có khả năng sáng tạo những bức tranh như thể lại sắp sửa gây ra cuộc chiến tranh tàn hại – một ảo tưởng xoa dịu đưa huyết áp ta xuống trong vài tiếng đồng hồ. Người đàn ông với tấm thông hành mang tên Schwarz thường đứng ngắm những bức tranh hoa sen và giáo đường của Monet[*].
Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau và anh ta cho biết sau vụ Anschluss[*], anh đã tìm đường trốn khỏi nước Áo bằng cách bỏ lại tài sản của mình, gồm bộ sưu tập các bức danh họa của phái ấn tượng. Bộ sưu tập này đã bị Nhà nước tịch thu. Anh ta chẳng luyến tiếc gì. Chừng nào những bức tranh ấy được trưng bày ở viện bảo tàng, thì anh ta còn có thể chiêm ngưỡng chúng như của riêng mình mà không phải lo lắng hỏa hoạn hay trộm cắp. Vả lại, trong những viện bảo tàng của Pháp có những bức tranh còn đẹp hơn những bức tranh anh có thể có. Thay vì bị ràng buộc vào bộ sưu tập tầm thường của riêng mình như người cha bị gắn bó vào gia đình, với bổn phận phải thích cái của mình hơn, nay anh ta có tất cả những bức tranh trong các viện bảo tàng công cộng mà khỏi phải cố gắng hay trách nhiệm gì cả.
Anh ta là một người đàn ông kỳ quặc, trầm tĩnh, dễ thương, vui tính, mặc dù đã phải gánh chịu tất cả mọi tai ương. Anh ta mang theo mình rất ít tiền, nhưng có giấu được một số tem cũ. Tem là vật nhỏ nhất có thể giấu được dễ dàng hơn kim cương. Thật khó mà bước đi trên kim cương nếu bạn giấu nó trong giày và bạn bị gọi ra khỏi tàu để kiểm tra. Bạn không thể bán được trừ khi bạn chấp nhận bán lỗ nhiều, và người ta sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi. Còn tem thì dành cho người sưu tầm. Mà những nhà sưu tầm thì không đến nỗi tò mò lắm.