Cuốn sách “Trở về” là câu chuyện đầy ám ảnh về hành trình trở về quê hương của những người lính Đức sau Thế chiến I. Trái ngược với niềm vui đoàn tụ và khải hoàn thường thấy, “Trở về” là một hành trình đầy gian nan và cay đắng. Những người lính, sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đã trở nên xa lạ với chính quê hương và gia đình của mình. Họ mang trong mình những vết thương lòng, những ký ức kinh hoàng về chiến tranh, và không thể nào hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.
Cuốn sách là một lời tố cáo mạnh mẽ chiến tranh. Remarque đã phơi bày sự tàn khốc của chiến tranh, không chỉ trên chiến trường mà còn trên cả cuộc sống của những người lính sau khi chiến tranh kết thúc. Họ bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, mất đi niềm tin vào cuộc sống, và không biết phải làm gì với tương lai của mình.
“Trở về” cũng là một lời ca ngợi những giá trị nhân văn cao đẹp. Giữa những bi kịch và tuyệt vọng, những người lính vẫn giữ gìn được tình yêu thương, lòng nhân ái và niềm hy vọng vào cuộc sống. Họ cố gắng bám víu vào những gì còn lại để xây dựng lại cuộc sống của mình.
Mời các bạn đón đọc Đường Về của tác giả Erich Maria Remarque.
—
CHƯƠNG MỘT.
Những con đường chạy dài xuyên qua rừng và cánh đồng, làng mạc chìm trong ánh sáng xám nhờ, cây cối rì rào, lá cây rơi rơi.
Nhưng trên những con đường đó các đoàn quân xám xịt, trong những bộ quân phục bẩn thỉu, bạc phếch đang lê bưóc. Dưới những chiếc mũ sắt là những gương mặt râu ria tua tủa, gầy gò, hốc hác vì đói, khô héo phờ phạc, hằn đầy các đường nét ghi dấu sự khốc liệt, lòng quả cảm và cái chết. Đoàn quân lặng lẽ đi, giống như họ đã từng hành quân qua vô số con đường, từng ngồi trên vô số toa tàu chở hàng, từng ngồi gò lưng trong vô số chiến hào và nằm trong vô số hố đạn pháo mà không nhiều lời: giờ đây họ cũng đang đi như vậy trên con đường này để về với quê hương, với hòa bình. Không nhiều lời.
Tất cả họ – những người lính già râu ria và những chàng trai mảnh khảnh chưa đến tuổi đôi mươi – đều là đồng đội không hề phân biệt. Bên họ là các chàng trung úy, vẫn còn nửa trẻ con, nhưng đã là chỉ huy của họ trong biết bao nhiêu đêm pháo kích và tấn công. Và sau lưng họ là đội quân chết. Họ cứ thế tiến về phía trước, lê từng bước một, ốm yếu, đói rũ, không vũ khí đạn dược, hàng ngũ thưa thớt xộc xệch, ánh mắt vẫn cứ ngỡ ngàng không sao tin nổi: họ là những kẻ vừa thoát khỏi địa ngục – trên con đường trở lại với sự sống.
Đại đội di chuyển chậm, bởi chúng tôi đã mệt mỏi và còn đưa theo thương binh nữa. Nhóm chúng tôi dần dần tụt lại sau. Vùng này đồi núi nhấp nhô, và khi con đường chạy dốc lên, từ trên cao chúng tôi nhìn thấy phía bên này rải rác các tốp lính bên mình đang rút đi, còn phía kia là những dòng quân đông nghịt, dài vô tận bám theo sau chúng tôi. Đó là người Mỹ. Đoàn quân của họ như một dòng sông lớn tràn lên giữa những hàng cây, trên mặt sông lấp lánh ánh thép của vũ khí. Nhưng bao bọc xung quanh là những cánh đồng yên ả, và cây cối đang ngả sắc thu vẫn nghiêm trang và bình thản vươn ngọn khỏi cơn lũ đang tràn đến này.
Đêm đến chúng tôi nghỉ lại trong một ngôi làng nhỏ. Phía sau những căn nhà nơi chúng tôi nằm nghỉ có một dòng suối đôi bờ liễu rủ chảy qua.
Một con đường mòn nhỏ chạy men bờ suối. Chúng tôi nối đuôi nhau đi hàng một theo con đường mòn. Kosole đi đầu. Sói, con chó của đại đội, chạy bên cạnh, ngửi ngửi túi bánh mì của anh.
Bỗng nhiên ở giao lộ, nơi con đường mòn nhập với đường cái, Ferdinand bật lùi lại.
“Chú ý!”
Trong chớp mắt chúng tôi đều giương súng, tán nhanh ra các phía.
Kosole nằm rạp xuống rãnh bèn đường, sẵn sàng nhả đạn, Jupp và Troßke ẩn sau lùm cáy quan sát xung quanh, Willy Homeyer đặt tay lén thắt lưng cài đầy lựu đạn, ngay cả các thương binh cũng đã sẵn sàng tham chiến.
Trên đường cái, quân Mỹ đang đi tới, vừa cười vừa tán gẫu. Đó là đội tiền tiêu của họ đã đuổi kịp chúng tôi, Adolf Bethke là người duy nhất trong chúng tôi vẫn còn đứng. Anh bình thản rời chỗ nấp, bước vài bước ra đường. Kosole nhỏm dậy. Những người khác cũng trấn tĩnh lại, lúng tung, vụng về sửa sang dây thắt lưng và đai súng trường của mình — chẳng phải chiến tranh đã kết thúc vài ngày rồi hay sao.
Nhìn thấy chúng tôi, những người Mỹ ngạc nhiên. Họ ngừng trò chuyện và thong thả tiến lại gần. Chúng tôi đi giật lùi về phía một kho chứa cỏ khô, để phía sau được che chắn, và chờ đợi. Im lặng chừng một phút, rồi một anh chàng cao lêu đêu tách ra từ nhóm người Mỹ và vẫy tay với chúng tôi.
“Chào người anh em!”
Adolf Bethke cũng giơ tay. “Người anh em!”
Sự căng thẳng chùng xuống. Những người Mỹ tiến lại gần. Nháy mắt sau họ đã vây quanh chúng tôi. Cho tới giờ chúng tôi mới chỉ nhìn thấy người Mỹ ở gần như vậy khi họ bị bắt làm tù binh hay đã tử trận.
Một khoảnh khắc kỳ lạ. Chúng tôi lặng lẽ nhìn người Mỹ. Họ đứng thành hình bán nguyệt quây quanh chúng tôi, toàn những người cao lớn, lực lưỡng, nhìn là biết họ luôn được ăn no. Tất cả đều trẻ — chẳng ai trong số họ gần ngang tuổi với Adolf Bethke hay Ferdinand Kosole, chứ đừng nói dám so với đám lính già nhất của chúng tôi. Nhưng trong số họ cũng không ai trẻ như Albert Troßke hay Karl Bröger, mà hai cậu ấy lại cũng chưa phải là trẻ nhất trong chúng tôi.
Lính Mỹ đều mặc quân phục mới và áo choàng mới, giày của họ không thấm nước và vừa cỡ chân, vũ khí tốt, ba lô đầy đạn dược. Tất cả đều mới tinh và chưa dùng đến.
So với họ, chúng tôi là một băng cướp thực sự. Quân phục của chúng tôi đã bạc phếch bởi bùn đất của tháng năm, bởi những cơn mưa vùng Argonnen, bởi đá vôi vùng Champagne, bởi đầm lầy ở Flandern; áo choàng bị mảnh bom và trái phá cắt tả tơi, được vá víu bởi những mũi khâu vụng về, trở nên chai cứng bởi đất sét và không ít lần bởi cả máu đã khô; ủng bị bục rách, vũ khí cũ mèm, đạn dược gần cạn. Tất cả chúng tôi đều bẩn thỉu như nhau, hoang dã như nhau, kiệt sức như nhau. Chiến tranh đã đi qua chúng tôi như một chiếc xe lu.
Các tốp lính Mỹ kéo đến mỗi lúc càng đông. Lúc này nơi đây đầy những kẻ hiếu kỳ.
Chúng tôi vẫn đứng ở góc đường, tụ lại xung quanh những người bị thương, không phải vì sợ, mà vì chúng tôi là một khối. Người Mỹ xô đẩy nhau, chỉ trỏ đám đồ đạc cũ kỹ, tã nát của chúng tôi. Một người trong số họ mời Breyer một khúc bánh mì trắng, nhưng cậu ấy không cầm, mặc dù cái đói hiện rõ trong mắt.
Bỗng ai đó bật lên tiếng kêu cố nén, chỉ vào chỗ băng bó trên người các thương binh của chúng tôi. Băng làm từ giấy bản, chằng buộc bởi những sợi dây mảnh. Tất cả nhìn theo… rồi họ lùi lại và thì thầm với nhau.
Những gương mặt thân thiện của họ lộ vẻ thương cảm, vì họ thấy là đến cả gạc chúng tôi cũng chẳng còn.
Người lính Mỹ ban nãy đã chào chúng tôi bèn đặt tay lên vai Bethke.
“Người Đức… lính tốt, lính can đảm,” anh ta nói.
Các đồng đội của anh ta nhiệt tình gật gật.
Chúng tôi không trả lời, bởi lúc này chúng tôi không thể trả lời.
Những tuần vừa rồi đã lấy đi quá nhiều tâm sức của chúng tói. Chúng tôi liên tục phải xông vào lửa đạn và mất người vô ích, nhưng chúng tôi đã chẳng thắc mắc gì, mà cứ chiến đấu như đã chiến đấu trong suốt những năm tháng qua, để cuối cùng đại đội hai trăm người chỉ còn sót lại ba mươi hai. Chúng tôi ra khỏi cuộc chiến cũng vẫn chẳng suy nghĩ về bất cứ điều gì, chẳng cảm thấy gì ngoài việc mình đã làm đúng nhiêm vụ được giao.
Nhưng giờ đây, dưới những ánh mắt thương hại của người Mỹ, chúng tối hiểu, tất cả những gì đã diễn ra vào những tuần chót của cuộc chiến mới vô nghĩa làm sao. Cảnh những đoàn quân dài vô tận, được vũ trang đến tận răng, chỉ cho chúng tôi thấy chúng tôi đã chống chọi với một sức mạnh vượt trội đến vô vọng về sức người và sức của như thế nào.
Chúng tôi cắn môi nhìn nhau. Bethke né vai khỏi tay người lính Mỹ, Kosole đăm đăm nhìn ra phía trước, Ludwig Breyer ưỡn thẳng người…
chúng tôi nắm chặt súng hơn, các bắp thịt gồng lên, ánh nhìn đanh lại và không hề cụp mắt, chúng tôi lại trông thấy khung cảnh nơi chúng tôi vừa từ đó ra đi, nét mặt của chúng tôi khép kín trước cảm xúc, và một lần nữa toàn thân chúng tôi lại bị thiêu đốt bởi tất cả những gì chúng tôi đã làm, tất cả những gì chúng tôi đã chịu đựng, tất cả những gì chúng tôi đã bỏ lại phía sau.
Chúng tôi không biết điều gì đang xảy ra với mình; nhưng nếu bây giờ chỉ một lời nói độc địa được thốt ra thôi hẳn nó sẽ khiến chúng tôi bùng nổ, và dù muốn hay không, chúng tôi sẽ bứt lên nhào tái, hoang dại và không ngừng nghỉ, điên cuồng và tuyệt vọng, sẽ chiến đấu, bất chấp tất cả lại chiến đấu…
Một viên trung sĩ dáng người vạm vỡ với khuôn mặt rám nắng lách đến chỗ chúng tôi. Anh ta xổ ra với Kosole – vốn đứng gần anh ta nhất –
một tràng tiếng Đức. Ferdinand giật mình, anh quá ngạc nhiên.
“Ơ thằng này nói y hệt tụi mình,” anh sửng sốt quay sang Bethke, “cậu bảo sao hả?”
Anh chàng người Mỹ nói còn tốt hơn và lưu loát hơn cả Kosole. Anh ta kể rằng trước chiến tranh đã từng sống ở Dresden và anh ta có rất nhiều bạn bè ở đó.
“Ở Dresden?” Kosole hỏi lại, mỗi lúc càng thêm sửng sốt, “Tôi cũng đã sống ở đó hai năm…
Viên trung sĩ mỉm cười, dường như điều đó làm anh ta thích thú.
Anh ta nói tên phố mình đã từng sống.
“Cách chỗ tôi chưa đầy năm phút đi bộ,” Ferdinand xúc động tuyên bố. “Vậy mà mình chưa từng gặp nhau lần nào! Anh có biết bà góa Pohl ở trong góc ngõ Johannis không? Cái bà to béo tóc đen ấy? Chủ nhà của tôi đấy.”
Viên trung sĩ không biết bà góa, nhưng bù lại anh ta lại biết ông cố vấn kế toán Zander, người mà đến lượt Kosole không thể nhớ ra. Nhưng cả hai cùng nhau hồi tưởng về dòng sông Elbe, về tòa lâu đài, và họ nhìn nhau với ánh mắt sáng rỡ, như thể bạn bè cũ lâu ngày gặp lại. Ferdinand vỗ vai viên trung sĩ: “Chà, chàng trai, tán gẫu bằng tiếng Đức như một người Đức chính cống, lại còn sống ở Dresden nữa! Mà này, vì cái quái gì mà chúng mình lại đánh nhau thế?”
Trung sĩ cười và cũng chẳng biết vì sao. Anh ta lôi ra một bao thuốc lá và chìa cho Kosole. Kosole vội vồ lấy, bởi tất cả chúng tôi đều sẵn sàng bán một mẩu linh hồn lấy một điếu thuốc. Thuốc lá của chúng tôi chỉ làm từ lá dẻ gai và cỏ khô, mà đó đã là loại ngon hơn rồi đấy. Valentin Laher khẳng định loại thuốc lá quen thuộc nhất của chúng tôi toàn làm từ rong tảo trộn phân ngựa sấy khô – trong chuyện này Valentin là chuyên gia.
Kosole nhả khói với vẻ đầy hưởng thụ. Chúng tôi hít hà thèm thuồng. Laher mặt dại đi. Cánh mũi anh ta phập phồng. “Cho xin một hơi thôi!” anh ta năn nỉ Ferdinand. Nhưng anh ta còn chưa kịp cầm điếu thuốc từ tay Kosole, thì một người Mỹ khác đã chìa cho anh ta một hộp thuốc tẩu hiệu Virginia. Valentin nghi ngờ nhìn người lính. Rồi anh ta cầm lấy hộp thuốc và ngửi. Mặt anh ta sáng lên. Anh ta miễn cưỡng đưa trả hộp thuốc.
Nhưng người lính Mỹ khoát tay từ chối và chỉ chỉ vào cái phù hiệu gắn trên chiếc mũ lưỡi trai của Laher đang thò ra từ túi bánh mì.
Valentin không hiểu.
“Cậu ấy muốn đổi hộp thuốc lấy cái phù hiệu,” viên trung sĩ từ Dresden giải thích.
Laher càng chẳng hiểu gì. Đổi hộp thuốc tẩu hạng nhất này lấy một cái phù hiệu bằng thiếc sao? Gã này điên rồi, điên sẽ chẳng đời nào chịu bỏ hộp thuốc này ra cho dù để được thăng ngay lên hàm hạ sĩ hay trung úy.
Anh ta lập tức chìa cho anh chàng lính Mỹ không phải chỉ cái phù hiệu mà luôn cả cái mũ, và hai tay run run thèm thuồng nhồi tẩu thuốc đầu tiên.
Giờ chúng tôi đã hiểu chuyện gì đang diễn ra: người Mỹ muốn đổi chác. Có thể thấy họ tham chiến chưa được bao lâu, họ còn đang sưu tầm mọi thứ lưu niệm: quân hàm, phù hiệu, khóa nịt, huy chương, cúc quân phục. Đổi lại, chúng tôi lo dự phòng cho mình xà phòng, thuốc lá, sô cô la và đồ hộp. Để có được con chó của chúng tôi, họ thậm chí còn muốn đưa cho chúng tôi cả nắm tiền… nhưng họ muốn trả bao nhiêu kệ họ, Sói phải ở lại bên chúng tôi.
Chúng tôi cũng gặp may với đám thương binh của mình. Một anh chàng Mỹ nhiều răng vàng đến nỗi mồm anh ta sáng lóa như cả một xưởng đúc đồng, lại rất muốn có được đám băng đẫm máu để về nhà có thể chứng minh rằng băng của quân Đức đúng là làm bằng giấy. Đổi lại, anh ta đưa ra một thứ bánh quy hảo hạng và trên hết là một ôm đầy bông băng.
Vô cùng hài lòng, anh ta cẩn thận xếp những mảnh giấy bẩn vào ví, đặc biệt là những mẩu băng của Ludwig Breyer, đó là máu của trung úy cơ mà!
Ludwig phải ghi bằng bút chì địa danh, tên và số hiệu đơn vị của mình lên đó, để cho mọi người ở Mỹ đều thấy ngay đây không phải là chuyện bịa.
Thoạt tiên Ludwig không chịu, nhưng rồi Weil đã thuyết phục cậu ấy, vì chúng tôi đang thiếu bông băng trầm trọng. Hơn nữa, đối với bệnh kiết lị của Breyer thì bánh quy đúng là liều thuốc quý.
Tuy nhiên Arthur Ledderhose mới làm vụ đổi chác trúng mánh nhất.
Anh ta lôi ra cái hòm huân chương nhặt được trong một văn phòng tiền phương đã rút chạy nào đó. Một lính Mỷ, trông nhàu nhĩ y như Ledderhose, cũng có khuôn mặt chanh héo giống anh ta, muốn đổi luôn cả cái hòm một lần. Nhưng Ledderhose chỉ nheo mắt ngó tay lính rất lâu bằng cái nhìn kẻ cả. Anh chàng lính Mỹ ngồi im chịu đựng cái nhìn, ra dáng khờ khạo. Sao lúc này bọn họ bỗng giống nhau như anh em ruột. Qua chiến tranh và chết chóc, nơi đây bỗng chạm trán nhau một thứ vẫn trụ lại sau tất cả: ấy là cái máu con buôn.
Đối thủ của Ledderhose nhanh chóng nhận ra mình chẳng hòng xơ múi gì, vì Arthur không để bị xỏ mũi: bán lẻ lời hơn đứt bán buôn chứ. Thế là anh ta ra giá đổi từng chiếc huân chương một, cho tới khi cái hòm rỗng không. Bên cạnh Arthur từ từ tấp lên một núi đồ, thậm chí có cả bơ, vải lụa, trứng gà và đồ lót, đến nỗi khi cuộc đổi chác kết thúc, trông anh ta chẳng khác gì một quầy tạp hóa dã chiến trên đôi chân vòng kiềng.
Chúng tôi lên đường. Những người Mỹ vừa í ới chào vừa vẫy theo chúng tôi. Nhất là viên trung sĩ, cứ vẫy không biết mệt. Ngay Kosole cũng cảm động, trong chừng mực một người lính kỳ cựu như anh còn có thể cảm động. Anh lầm bầm mấy câu từ biệt và vẫy lại, tuy nhiên cử chỉ của anh trông lại như thể đang đe dọa. Đoạn anh quay sang Bethke: “Những anh chàng thật tử tế, hả?”
Adolf gật. Chúng tôi im lặng bước tiếp. Ferdinand cúi đầu. Anh đang suy nghĩ. Anh không hay nghĩ ngợi, nhưng một khi đã nghĩ, thì anh lì lợm và nghiền ngẫm rất lâu. Viên trung sĩ từ Dresden cứ không chịu rời khỏi tâm trí anh.
Đi qua làng nào dân tình cũng tròn mắt ngó theo chúng tôi. Trên cửa sổ một trạm gác chắn tàu là những bồn hoa. Một thiếu phụ hai bầu vú căng đầy đang cho con bú. Cô mặc chiếc váy màu xanh da trời. Lũ chó sủa inh ỏi nghênh đón chúng tôi, con Sói hăng hái đáp trả. Bên đường, gã gà trống đang đạp ả gà mái. Chúng tôi vô tư lự rít thuốc lá.
Chúng tôi hành quân. Khu vực các bệnh viện dã chiến. Khu văn phòng quân nhu. Một công viên rộng lớn toàn cây tiêu huyền. Dưới những tán cây la liệt cáng thương và thương binh. Lá cây rơi xuống, phủ lên họ màu đỏ và vàng rực.
Một trạm quân y dành cho người bị trúng hơi ngạt. Những ca nặng không thể đưa đi tiếp đành bỏ lại đây. Những gương mặt tím tái, vàng vọt, xanh lét, những cặp mắt vô hồn, bị axit ăn mòn, những kẻ hấp hối đang khò khè, thở dốc. Tất cả đều muốn thoát khỏi đây, vì sợ bị bắt làm tù binh.
Dường như họ không hiểu chết chỗ nào chả thế.
Chúng tôi tìm cách an ủi họ, bằng cách nói rằng người Mỹ sẽ chăm sóc họ tốt hơn. Nhưng họ không nghe. Họ cứ liên tục réo gọi chúng tôi, xin chúng tôi mang họ theo.
Những lời cầu khẩn của họ thật khủng khiếp. Những gương mặt tái nhợt trông mới ma mị làm sao giữa không gian trong trẻo ngoài trời này.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những bộ râu. Chúng mọc lộn xộn đến kỳ quặc, cứng, ngoan cố, tua tủa và rậm rì trên má quanh xương hàm, một đám rêu đen càng hút dưỡng chất càng làm má hóp lại.
Giống như trẻ con, vài người trong số thương binh nặng giơ những cánh tay gầy guộc, xám ngoét về phía chúng tôi.
“Mang tôi theo với, các anh em,” họ cầu xin, “các anh em, làm ơn mang tôi theo!”
Trong hai hốc mắt của họ đã chực sẵn những bóng đen xa lạ, sâu hút, trong đó hai con ngươi chỉ còn ngoi ngóp như kẻ sắp chết đuối. Những người khác thì im lặng; họ chỉ ngó theo chúng tôi, cho đến khi chúng tôi khuất khỏi tầm nhìn.
Tiếng kêu khẩn nài yếu dần. Những con đường chầm chậm đi qua.
Chúng tôi tha lôi theo cả đống đồ, vì cũng phải mang được chút gì về nhà chứ. Mây giăng kín bầu trời. Tới chiều, mặt trời chiếu xuyên mây, và những cây bạch dương gần như trụi hết lá soi bóng trong các vũng nước mưa bên đường. Một làn hương xanh lơ, nhè nhẹ lơ lửng giữa các cành cây.
Trong khi bước đi, ba lô trên vai, đầu cúi xuống, tôi trông thấy những bóng cây trắng sáng, óng ả phản chiếu trong các vũng nước mưa trong vắt bên đường. Hình ảnh soi qua tấm gương tình cờ này sắc nét hơn là trong thực tế. Trên nền đất nâu thẫm bỗng hiện ra một mảnh trời kỳ lạ khiến tôi bất giác rùng mình. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi lại cảm nhận được một cái gì đó đẹp đẽ, rằng đơn giản cái hình ảnh trong vũng nước trước mắt tôi kia sao mà đẹp, đẹp và tinh khiết, và trong thoáng rùng mình đó trái tim tôi đập rộn lên, trong chớp mắt tôi được giải thoát khỏi mọi thứ, và giờ đây lần đầu tiên tôi cảm giác được: hòa bình… tôi nhìn thấy: hòa bình… tôi cảm nhận được hoàn toàn: hòa bình. Áp lực – cho tới nay không chịu buông tha tôi – dịu đi; một thứ gì chưa từng biết đến, mới mẻ vút lên cao, chim hải âu, chim hải âu trắng, hòa bình, chân trời run rẩy, sự mong chờ run rẩy, cái nhìn đầu tiên, linh cảm, hy vọng, thứ gì đó đang lớn dần, đang đến: hòa bình.
Tôi giật mình, ngoái đầu nhìn lại; phía sau kia các đồng đội của tôi đang nằm trên cáng và vẫn còn cố gọi. Hòa bình đã đến, mà họ vẫn phải chết. Nhưng tôi lại run lên vì vui mừng và không xấu hổ. Thật kỳ lạ…
Có lẽ chiến tranh cứ nối tiếp chiến tranh, chỉ bởi lẽ người này không bao giờ cảm nhận được nỗi đau của kẻ khác.
Buổi chiều, chúng tôi ngồi trong sân một nhà máy bia. Đại đội trưởng, thượng úy Heel, bước ra từ văn phòng nhà máy và tập hợp chúng tôi lại. Có lệnh phải bầu ban đại diện của lính. Chúng tôi kinh ngạc.
Chuyện như thế này chưa từng xảy ra.
Rồi Max Weil chạy vào sân. Anh ta huơ huơ một tờ báo, la lớn: “Có cách mạng ở Berlin rồi!”
Heel ngoảnh lại. “Vớ vẩn,” ông xẵng giọng, “chỉ là mấy vụ lộn xộn ở Berlin.”
Nhưng hóa ra Weil còn chưa nói hết. “Hoàng đế đã bỏ trốn sang Hà Lan.”
Chúng tôi choàng tỉnh. Hẳn Weil điên mất rồi. Heel đỏ mặt phừng phừng thét: “Đồ nói dối khốn kiếp!”
Weil đưa tờ báo cho ông ta. Heel vò nát tờ báo và giận dữ trừng mắt nhìn Weil. Ông ta không chịu được Weil vì anh ta là người Do Thái, một con người điềm đạm, lúc nào cũng thấy ngồi chúi đầu đọc sách. Trong khi Heel là một kẻ bạt mạng.
“Nhảm nhí tất,” ông ta rít lên, hằm hằm nhìn Weil như muốn ăn tươi nuốt sống.
Max mở cúc áo khoác của mình và lôi ra tờ báo thứ hai – số báo đặc biệt. Heel ngó nhìn tờ báo, rồi xé nó tan thành từng mảnh và đi vào nhà.
Weil nhặt các mảnh vụn, ghép lại và đọc cho chúng tôi nghe những tin tức mới nhất. Chúng tôi ngồi đực mặt như một đàn gà bị trúng gió. Chẳng ai còn hiểu gì.
“Ý là ông ta muốn tránh một cuộc nội chiến,” Weil nói.
“Vớ vẩn!” Kosole kêu lên. “Sao không nói như vậy từ trước kia đi. Ôi, chết tiệt! Vậy mà anh em ta đã vào sinh ra tử nơi đây!”
“Jupp, véo tớ một phát, xem tớ tỉnh hay mơ,” Bethke lấc đầu nói. Jupp xác định rằng Bethke vẫn đang tỉnh. “Thế có nghĩa là đúng rồi,” Bethke tiếp tục, “nhưng tớ vẫn chẳng hiểu quái gì cả. Nếu ai đó trong bọn mình làm vậy, thằng đó sẽ bị dựa cột ngay lập tức.”
“Lúc này tớ không dám nghĩ đến Weßling và Schröder,” Kosole nói, siết chặt nắm đấm, “không thì tớ sẽ nổ tung vì căm uất. Cứ nhớ đến Schörder – chú gà con non nớt, một đứa trẻ – nằm lại nơi chiến trường, bị cán bẹp như tờ giấy, còn cái kẻ khiến cậu ấy hy sinh thì bỏ chạy! Khốn nạn đến thế là cùng!” Anh đá mạnh vào một thùng bia.
Willy Homeyer xua tay vẻ khinh miệt. “Ta nói chuyện gì đó khác đi,”
cậu ta đề nghị, “đối với tôi, con người đó vĩnh viễn không còn tồn tại.”
Weil giải thích rằng trong nhiều trung đoàn đã thành lập Hội đồng quân nhân. Các sĩ quan giờ không còn là chỉ huy nữa. Nhiều người trong số họ đã bị lột quân hàm trên vai.
Anh ta muốn chúng tôi cũng thành lập một Hội đồng quân nhân.
Nhưng anh ta nhận được rất ít sự ủng hộ. Chúng tôi chẳng muốn thành lập cái gì nữa hết. Chúng tôi muốn về nhà. Cứ thế này mà về cũng có sao.
Cuối cùng chúng tôi vẫn bầu ra ba đại diện: Adolf Bethke, Max Weil và Ludwig Breyer.
Weil đòi Ludwig tháo quân hàm trên vai.
“Điên à,” Ludwig mệt mỏi nói và gõ gõ ngón tay lên thái dương.
Bethke đẩy Weil ra sau. “Ludwig cùng hội bọn mình!” anh nói ngắn gọn.
Ludwig là lính tình nguyện đến với đơn vị chúng tôi và được thăng hàm trung úy. Cậu ây xưng hô thân mật không chỉ với đám Troßke, Homeyer, Bröger và tôi – chuyện này đương nhiên, vì chúng tôi là bạn học cũ — mà cả với những người lính lớn tuổi hơn, khi không có mặt các sĩ quan khác. Và việc đó khiến cậu ấy chiếm được cảm tình lớn từ anh em.
“Nhưng còn Heel,” Weil vẫn ngoan cố.
Nghe dễ hiểu hơn rồi đây. Weil hay bị Heel hoạnh họe, và chẳng có gì lạ khi giờ đây Weil muốn nhấm nháp thắng lợi của mình. Chúng tôi thì chẳng thèm quan tâm. Heel khá là thô bạo thật, nhưng ông ta liều mình như chẳng có và luôn xông lên phía trước. Lính ăn nhau ở điểm này.
“Thì cậu thử nói chuyện với ông ấy xem,” Bethke nói.
“Nhưng đừng quên mang theo bông băng nhé!” Tjaden hét với theo.
Nhưng mọi việc hóa ra lại khác. Heel bước ra khỏi văn phòng đúng lúc Weil định đi vào. Tay ông ta cầm vài tờ giấy in sẵn và chỉ chỉ vào đó.
“Đúng thế thật,” ông ta bảo Max.
Weil bắt đầu nói. Khi anh ta nhắc đến ngù vai, Heel phác một cử chỉ bất ngờ. Chúng tôi tưởng rằng ngay lúc này sẽ xảy ra chuyện ầm ĩ, nhưng trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, đại đội trưởng bỗng chỉ nói: “Cậu nói đúng.” Ông ta quay sang Ludwig và đặt tay lên vai cậu ta. “Breyer, có lẽ cậu sẽ không hiểu được điều này, hả? Chỉ còn lại cái áo lính. Mọi thứ khác đều đã thành dĩ vãng.”
Không ai trong chúng tôi thốt nổi lời nào. Đó không còn là Heel mà chúng tôi vẫn biết, người hằng đêm vẫn cầm cây ba toong đi tuần tra và được xem như xương đồng da sắt chẳng đạn nào xuyên thủng: người đàn ông trước mặt chúng tôi lúc này là một người nói năng khó nhọc và hầu như không còn đứng vững trên đôi chân của mình.
Buổi tối, khi đã ngủ thiếp đi, tôi bị tiếng thì thào đánh thức.
44
“Cậu bịa,” tôi nghe tiếng Kosole.
“Thật mà,” Willy cãi, “thì anh tự đi nhìn xem.”
Họ lồm cồm bò dậy và đi ra sân. Tôi theo sau họ. Trong văn phòng đỏ đèn, có thể nhìn rõ từ bên ngoài. Heel đang ngồi ở bàn. Áo khoác sĩ quan đặt trước mặt. Không còn ngù vai.ông ta mặc một chiếc áo lính. Hai tay Heel ôm đầu, và – nhưng không thể có chuyện này được – tôi bước lại gần hom – Heel, Heel đang khóc.
“Thế đấy,” Tjaden thì thầm.
“Xéo!” Bethke nói và đá Tjaden một cú. Chúng tôi bối rối nhón chân quay về.
Sáng hôm sau, chúng tôi nghe nói một viên thiếu tá ở trung đoàn bên cạnh đã tự sát bằng súng khi hay tin hoàng đế tháo chạy.
Heel xuất hiện. Gương mặt ông xám xịt, phờ phạc vì mất ngủ. Ông ta nhỏ nhẹ căn dặn những việc cần thiết. Rồi ông ta lại bỏ đi. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy kinh khủng. Người ta đã lấy đi thứ cuối cùng mà chúng tôi còn. Giờ đây chúng tôi đã mất luôn mặt đất dưới chân mình.
“Cảm giác mình thực sự bị phản bội,” Kosole cau có nói.
Đội quân lúc này vào hàng ngũ và ủ rũ lên đường hoàn toàn không còn là đội quân của ngày hôm qua. Một đoàn quân thất trận, bị bỏ rơi.
Tiếng xẻng va leng keng theo mỗi bước đi… một giai điệu buồn tẻ… vô ích… vô ích…
Chỉ có Ledderhose là vui như sáo. Anh ta bán đồ hộp và đường từ trong kho đồ Mỹ của mình.
Tối hôm sau chúng tôi đặt chân lên đất Đức. Phải đến tận bây giờ, khi không còn nghe tiếng Pháp xung quanh nữa, chúng tôi mới dần thật sự tin vào hòa bình. Sâu thẳm bên trong, chúng tôi vẫn luôn lường trước sẽ có lệnh bắt quay gót vù trở lại chiến hào, vì lính tráng luôn ngờ vực điều tốt đẹp, nên tốt hơn là ngay từ đầu hãy cứ tính đến điều tồi tệ. Nhưng giờ đây một cảm giác ấm áp dịu dàng từ từ xâm chiếm chúng tôi.
Chúng tôi tiến vào một ngôi làng lớn. Vài vòng hoa héo lủng lẳng treo ngang đường. Rõ ràng là đã có quá nhiều đoàn quân đi qua đây, đến nỗi người ta chẳng còn thiết làm một cái gì đó đặc biệt cho đám quân cuối cùng. Vì thế chúng tôi đành hài lòng với dòng chữ “Chào mừng!” bạc phếch trên vài ba tám áp phích nhàu nhĩ vì nước mưa được viền khung vụng về bởi những vòng lá sồi làm bằng giấy màu xanh lục. Dân chúng gần như chẳng còn ngó ngàng gì đến chúng tôi khi chúng tôi đi ngang qua, họ đã quá quen rồi. Nhưng với chúng tôi việc đặt chân lên đất quê hương là mới mẻ, và chúng tôi thèm khát những lời nói ân cần, những ánh mắt thân thiện, cho dù vẫn nói ra mồm rằng mình thì nhổ toẹt vào những thứ ủy mị đó. Lẽ ra ít nhất các cô gái cũng có thể chạy ra đứng vẫy chào chúng tôi chứ. Tjaden và Jupp cứ chốc chốc lại tìm cách ơi ới bắt chuyện với một hai cô, nhưng chẳng được gì. Chắc vì trông chúng tôi quá nhếch nhác bẩn thỉu. Cuối cùng cả hai đành bỏ cuộc.
Chỉ có bọn trẻ con là theo chúng tôi. Chúng tôi dắt tay chúng và chúng tung tăng chạy bên cạnh. Chúng tôi chia kẹo sô cô la cho bọn trẻ sau khi giữ bớt lại một phần, vì cố nhiên chúng tôi cũng muốn mang chút quà về nhà.
Adolf Bethke bế một bé gái lên. Cô bé kéo ria anh như thể người ta kéo cương ngựa và cười như nắc nẻ vì Adolf làm mặt nhăn nhó. Hai bàn tay bé xíu vỗ vỗ lên mặt anh. Adolf nắm lấy một bàn tay cô bé và chìa cho tôi xem nó mới nhỏ xinh làm sao.
Khi Adolf không còn làm mặt nhăn nhó nữa, cô bé òa lên khóc. Adolf cố gắng dỗ dành, nhưng cô bé càng khóc to hơn, nên anh đành thả nó xuống đất.
“Có vẻ như bọn mình đã trở thành những gã ngoáo ộp thực thụ,” ‘Kosole càu nhàu.
“Chúng sợ quá đi chứ, mang cái bộ mặt kinh dị từ chiến hào về thì ai mà chả sợ,” Willy tuyên bố.
“Bọn mình bốc mùi máu, vấn đề là ở đó,” Ludwig Breyer thủng thẳng.
“Vậy chắc bọn mình phải tắm thôi,” Jupp suy tính, “tắm rửa rồi có lẽ bọn con gái cũng sẽ để mắt đến hơn.”
“Chà, giá như chỉ cần tắm rửa sạch sẽ là đủ,” Ludwig trầm ngâm bảo.
Chúng tôi tiếp tục đi trong tâm trạng buồn bực. Sau bấy nhiêu năm ngoài mặt trận, chúng tôi đã hình dung chuyến trở về quê hương khác hẳn.
Cứ tưởng mình được chờ mong lắm, giờ mới thấy ai ở nhà cũng đã quay lại bận bịu với công việc của họ. Mọi sự đã tiếp tục trôi và đang tiếp tục trôi, gần như chúng tôi đã là những người thừa. Ngôi làng này hiển nhiên không phải là cả nước Đức, nhưng cơn giận vẫn cứ ứ nghẹn nơi cổ họng, và một bóng đen quét qua chúng tôi, một dự cảm lạ kỳ.
Xe cộ rầm rầm chạy ngang qua, những người đánh xe la hét, mọi người lén ngước nhìn rồi vội vã chạy theo những suy nghĩ và lo toan của họ. Đồng hồ ở tháp nhà thờ điểm chuông, và làn gió ẩm ướt thổi trên đầu chúng tôi. Duy có một bà cụ đội chiếc mũ gắn những dải ruy băng dài cứ chạy không biết mệt dọc hàng quân của chúng tôi và rụt rè hỏi tin tức về một anh lính tên là Erhard Schmidt.
Chúng tôi được xếp vào ở trong nhà kho lớn. Nhưng mặc dù đã hành quân một chặng đường dài, chẳng ai trong chúng tôi nghỉ ngơi. Chúng tôi kéo nhau đến quán rượu.
Nơi đây thật sôi động. Có loại rượu vang ngọt của năm nay, ngon tuyệt, uống vào thấm xuống tận chân. Thế nên chúng tôi càng thích ngồi đó. Khói thuốc lững lờ trôi dưới trần nhà thấp lè tè, còn rượu vang tỏa hương của đất và mặt trời mùa hạ. Chúng tôi lôi đồ hộp của mình ra, phết thịt lên trên những lát bánh mì bơ dày, cắm dao lên mặt bàn gỗ rộng ngay bên cạnh mình và bắt đầu đánh chén. Ngọn đèn dầu tỏa sáng xuống chúng tôi như một người mẹ hiền.