Khải Hoàn Môn là một trong những thiên tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Đức hiện đại Eric Maria Remarque (1896-1970), mà các bạn đọc ở nước ta đã có dịp làm quen qua các bản dịch như phía Tây không có gì lạ, Một thời để yêu và một thời để chết, Chiến hữu (tức Ba người bạn), v.v…
Cũng như nhiều tác phẩm lớn khác của Remarque, Khải Hoàn Môn là một thiên tự sự hiện thực chủ nghĩa đầy cảm xúc và suy tư sâu sắc về thân phận của con người trong xã hội phương Tây hiện đại, với những cuộc chiến tranh đế quốc đẫm máu và những hậu quả có tính hủy hoại sâu xa đối với cơ cấu xã hội và đối với tâm hồn con người, với những tấm bi kịch và những cảnh sa đọa tiêu biểu của “Buổi hoàng hôn Chư Thần” (Gotterdam-merung), như tác giả thường gọi thời kỳ suy sụp của nền văn minh tư sản Tây Âu.
Khải Hoàn Môn chính là tác phẩm chứa đựng ở mức tập trung nhất những đặc trưng của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa trong văn nghiệp của Remarque.
Ở đây tác giả đã chọn một đối tượng miêu tả có thể coi là tối ưu đối với chủ đề của ông: thân phận của người trí thức Đức chống phát xít phải trốn ra nước ngoài sống vất vưởng trong tình trạng bất hợp pháp. Bác sĩ Ravic là một nhân cách được un đúc nên bằng những phẩm chất tiêu biểu của Tiền văn minh Tây phương hiện đại. Anh mang trong người những đức tính tốt đẹp và những nhược điểm tai hại mà người trí thức thừa hưởng của một Tiền văn hóa dựa trên tinh thần dân chủ tư sản. Anh là một người thầy thuốc có tài năng tìm thấy lẽ sống chính của mình trong lao động nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, anh phải làm thuê cho một giáo sư nổi tiếng về phẫu thuật nhưng bất tài và vô liêm sỉ, chịu nhận một số tiền thù lao rẻ mạt, miễn sao được làm cái nghề mà anh yêu thích.
Hoàn cảnh này càng làm tăng thêm cái thế cô độc, bơ vơ và cái tâm trạng cay đắng của con người tứ cố vô thân ấy giữa cái xã hội tư bản đang bước vào cuộc thế chiến thứ hai. Anh sống thầm lặng chờ ngày thất bại của phát xít Đức, cái ngày anh sẽ có thể trở về nước để làm một người công dân hữu ích như cũ, nhưng anh không biết mình phải làm gì để cho ngày ấy chóng đến hơn, mặc dầu anh coi chế độ Quốc xã như kẻ thù riêng của anh, một kẻ thù không đội trời chung mà anh căm thù sâu sắc. Tình cờ gặp lại tên Gestapo đã từng giết chết bạn bè anh và tra tấn anh dã man, Ravic quyết tâm tìm cách giết hắn. Nhưng khi đã thực hiện được ý đồ, anh không biết còn phải làm gì nữa: cuộc phục thù dừng phắt lại ở bình diện cá nhân. Trong cảnh lưu lạc, anh đã tìm thấy một tình bạn và một tình yêu – cũng là những con người cô đơn, lạc loài như anh. Và tâm hồn nhân hậu, giàu tình thương xót của anh cũng đã tìm thấy chút hạnh phúc trong khi anh đem mình hiến dâng một cách hào phóng và vô tư cho những tình cảm đó, cũng như trong khi anh tự hiến dâng cho những bệnh nhân nghèo hèn mà anh bao giờ cũng tận tình cứu chữa. Nhưng cuộc tình dang dở của anh chỉ đem lại cho anh một bến ghé tạm thời, và con dao mổ của anh có cứu sống được sinh mệnh của những con người nghèo khổ thì cũng chỉ để trả họ về với kiếp sống đọa đày mà anh không thấy có cách gì làm thay đổi. Bị giam cầm trong chủ nghĩa cá nhân, anh không thấy được cội nguồn sâu xa của những tệ nạn mà anh ghê tởm, của những nỗi khổ của dân nghèo mà anh chân thành thương xót: anh ngại ngần và tự thấy mình xa lạ đối với cái lý tưởng duy nhất có thể cứu vớt họ và đem lại cho anh một lẽ sống thực sự, có thể giải thoát anh ra khỏi cảnh cô đơn vô hy vọng: lý tưởng cách mạng vô sản. Lẽ ra, anh có đủ những phẩm cách để tìm thấy con đường đó: anh là một người lao động chân chính, là một người có tinh thần nhân đạo sâu sắc, lại là một con người bị khủng bố ở tổ quốc và bị bóc lột tàn tệ ở nơi đất khách quê người. Nhưng cũng như phần đông những người trí thức tiểu tư sản, anh không phân biệt được thực chất của những nền chuyên chính khác hẳn nhau về cơ bản. Những con người thuộc giới anh e sợ mọi sự chuyên chính có thể xung đột với sự tự do cá nhân vốn là nguyên nhân chính dựa đến tình trạng cô đơn đáng buồn của họ.
Thân phận và tâm trạng của cả một tầng lớp trí thức Tây Âu trong những tháng ngày hòa bình cuối cùng trước cuộc thế chiến thứ hai đã được mô tả một cách hết sức chân xác và sinh động trong Khải Hoàn Môn. Thật ra, bản thân tác giả cũng bất lực trước việc tìm ra lối thoát cho mình và cho những nhân vật mà mình xây dựng để gửi gắm tâm sự của mình vào đấy. Nhưng tinh thần nhân đạo chân thành của ông, tình thương không bờ bến của ông đối với những con người hèn mọn bị xã hội tư bản chủ nghĩa đày đọa, và thái độ trung thực trong trẻo như pha lê của ông đã làm cho ông tạo nên được một áng văn hiện thực chủ nghĩa sâu xa có sức làm rung chuyển những cảm xúc sâu xa nhất của người đọc, mà đồng thời cũng cho phép ta hiểu đúng tâm trạng của những con người bị chủ nghĩa cá nhân đẩy vào tình trạng cô đơn không có lối thoát.
Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh
—
Chương 1
Người đàn bà bước chênh chếch về phía Ravic. Cô ta đi nhanh, nhưng lại như có phần do dự. Mãi đến khi cô đã đến gần sát Ravic mới nhìn thấy.
Anh trông thấy một gương mặt xanh xao, với đôi lưỡng quyền cao, hai mắt cách nhau hơi xa. Gương mặt ấy bất động như một cái mặt nạ, và dưới ánh đèn đường, đôi mắt trông lờ đờ đến nỗi anh phải chú ý ngay.
Cô ta đi sát qua Ravic, gần như chạm phải anh. Ravic đưa tay ra, nắm lấy cánh tay cô, cô lảo đảo ngừng bước, và giả sử Ravic không đỡ lấy, thì cô đã ngã khụy xuống rồi.
– Cô đi đâu? – Ravic hỏi.
Người đàn bà nhìn anh trừng trừng?
– Ông buông tôi ra! – Cô lẩm bẩm.
Ravic vẫn giữ chặt cánh tay:
– Buông ra! – Môi cô khẽ mấp máy.
Ravic có cảm giác là cô ta nhìn anh mà không trông thấy gì. Cái nhìn của cô ta đi xuyên qua người anh và mất hút trong khoảng không của đêm tối. Anh chỉ là một vật chướng ngại đang ngáng đường cô, buộc cô phải nói hai tiếng “buông ra”.
Ravic ngay từ đầu đã nhận ra rằng đây không phải là một cô gái điếm. Mà cũng chẳng phải là một người say rượu. Anh đã nới tay, thành thử đáng lẽ cô ta có thể lùi ra; nhưng cô không hề nhận thấy thế. Ravic đợi một lát, rồi vừa buông hẳn cánh tay ra vừa nói, giọng điềm tĩnh:
– Khuya thế này cô còn định đi đâu một mình giữa thành phố Paris?
Người đàn ba vẫn đứng im không đáp, cứ như thể một khi đã đứng lại rồi thì cô không còn bước đi một bước nào được nữa.
Ravic vịn vào thành cầu. Anh cảm thấy dưới lòng bàn tay chất đá ướt át và sần sùi.
– Cô định xuống đây chắc? – Anh hất hàm chỉ dòng nước xam xám nổi sóng lăn tăn của sông Seine đang chảy về phía cầu Alma hiện lên mờ mờ qua làn mưa bụi.
– Hơi sớm đấy! – Ravic nói – Còn quá sớm, mà vào tiết tháng Một này thì quá lạnh.
Anh rút gói thuốc lá, lục túi tìm bao diêm. Trong bao chỉ còn có hai que, cho nên anh thận trọng khom người xuống dùng hai bàn tay che cho ngọn lửa khỏi bị làn gió từ mặt sông đưa lên thổi tắt mất.
– Cho tôi xin một điếu. – Người đàn bà nói bằng một giọng không có âm sắc.
Ravic đứng thẳng lên đưa bao thuốc lá cho cô ta.
– Thuốc Algériennes. Thuốc sợi đen của lính lê dương đấy. Cô hút có lẽ hơi nặng… Nhưng tôi không có thứ nào khác.
Người đàn bà lắc đầu, rồi rút lấy một điếu. Ravic châm lửa cho cô. Cô bắt đầu rít nhanh mấy hơi liền, hít khói vào thật sâu. Ravic ném que diêm qua thành cầu: nó rơi vào bóng đêm như một ngôi sao băng tí hon, rồi mãi đến khi chạm mặt nước mới tắt.
Một chiếc taxi đi qua cầu chầm chậm. Người lái xe hãm lại. Anh ta nhìn hai người, đợi một lát, rồi dận ga cho xe chạy về phía đại lộ Georges V, trên mặt đường nhựa lấp loáng nước mưa.
Ravic bỗng thấy mệt rã rời. Anh đã làm việc suốt ngày, và tối đến, anh không sao ngủ được. Anh đã mặc áo đi ra phố uống chút gì. Thế rồi giờ đây, trong đêm lạnh và ẩm, cái mệt đã buông hết sức nặng đè lên người anh.
Anh quan sát người đàn bà. Tại sao anh ngăn cô ta lại? Cô ta đang có chuyện gì bối rối lắm: điều đó đã rõ ràng. Nhưng dù sao cũng chẳng việc gì đến anh. Anh đã gặp khối những người đàn bà lâm nạn. Nhất là vào buổi tối. Nhất là ở Paris! Bây giờ anh không còn thấy chút gì đáng quan tâm trong cuộc gặp gỡ quá nhàm này. Anh chỉ còn có một ý nghĩ: về nhà cố ngủ lấy vài giờ.
– Cô về nhà đi! – Ravic nói – Sao giờ này cô còn ở ngoài đường? Cô sẽ gặp những chuyện không hay đấy.
Anh xốc cao cổ áo khoác, định bỏ đi. Người đàn bà nhìn anh như thể không hiểu anh vừa nói gì.
– Về nhà ư? – Cô nhắc lại.
Ravic so vai.
– Vâng, về nhà cô ấy, hay về phòng cô ở khách sạn, tôi đâu có biết, về đâu thì về. Chẳng lẽ cô lại muốn cảnh sát bắt cô đưa về đồn?
– Trời ơi! Về khách sạn ư? – Người đàn bà thảng thốt kêu lên.
Ravic nghĩ bụng: lại một cô chẳng biết về đâu. Lẽ ra anh phải nhìn thấy trước điều này. Bao giờ mà chả thế? Buổi tối thì họ chẳng biết về đâu, rồi đến sáng hôm sau họ mất biến trước khi mình thức dậy. Phải, buổi sáng thì họ biết rõ phải đi đâu, dường như đã quên nỗi tuyệt vọng mà đêm tối mang lại và được buổi sáng xua tan.
Anh ném điếu thuốc lá đi. Anh đã biết rõ cái vị của nỗi tuyệt vọng ấy, biết rõ đến mức buồn nôn lên!
– Thôi cô đi uống với tôi một ly vậy? – Ravic nói.
Chỉ còn có mỗi một cách ấy. Trả tiền rượu xong, anh sẽ ra về, để mặc cho cô ta tự xoay xở lấy.
Người đàn bà bước tới một bước rồi lảo đảo dừng lại. Ravic nắm lấy cánh tay cô.
– Mệt lắm sao? – Anh hỏi.
– Tôi không biết… hình như thế.
– Mệt quá không ngủ được à?
Cô gật đầu.
– Cũng có nhiều khi như thế. Nào, đi, tôi sẽ dìu cô.
Hai người đi ngược đại lộ Marceau. Ravic cảm thấy sức nặng của người đàn bà đang vịn tay anh, trĩu xuống như người sắp ngã cố bám chặt lấy chỗ tựa.
Họ đi qua đại lộ Pierre đệ Nhất vua Serbie. Đến chỗ cắt ngang phố Chaillot, đại lộ tỏa rộng ra quảng trường. Trước mặt họ, Khải Hoàn Môn từ trong bóng tối lộ rõ ra, nổi bật trên nền trời giăng mưa bụi.
Ravic giơ tay chỉ cửa ra vào của một cái quán dọn ở tầng hầm.
– Đây, quán này được đây.
Đó là một quán nhậu giới lái xe ta-xi thường lui tới, trong quán có mấy người đàn ông và hai cô gái ngồi quanh một cái bàn. Hai cô uống rượu ngải. Họ đưa mắt rất nhanh nhìn qua người thiếu phụ mới đến, rồi dửng dưng ngoảnh mặt đi. Cô lớn tuổi hơn buông một tiếng ngáp rõ to. Cô kia uể oải tô lại phấn sáp. Cuối phòng, một anh bồi bàn mặt láu cá rắc xuống sàn mấy nắm mạt cưa trước khi quét. Ravic và người thiếu phụ ngồi vào một cái bàn đặt cạnh cửa ra vào. Ngồi đây, đến khi cần chuồn tiện hơn. Ravic cũng không cởi áo khoác ra nữa.
– Cô dùng gì? – Anh hỏi.
– Tôi không biết… Cái gì cũng được.
– Hai Calvados! – Ravic nói với anh hầu bàn mặc gi-lê, hai tay áo sơ-mi xắn cao. – Với lại một bao Gauloises xanh.
– Chúng tôi chỉ còn Gauloises tím thôi ạ.
Mắt Raxic bất giác nhìn vào bắp tay anh bồi xăm hình một người đàn bà khỏa thân đứng trên đám mây. Anh bồi thấy thế, liền nắm bàn tay lại cho cơ thịt trên tay cuộn lên cuộn xuống. Cái hình đàn bà khỏa thân bắt đầu uốn éo trên đám mây, mông đưa qua đưa lại một cách dâm đãng.
– Tím cũng được.
Người bồi mỉm cười.
– Có lẽ đang còn một bao xanh. – Hắn vừa nói vừa lê bước vào phía trong quán.
– Đi giày vải đỏ, tay lại xăm thứ hình kia! Chắc ngày trước hắn làm thủy thủ trong hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đàn bà đặt hai tay lên bàn, với một cử chỉ dứt khoát đến nỗi có thể tưởng chừng cô sẽ không bao giờ nhắc tay lên khỏi bàn nữa. Hai bàn tay khá trau chuốt, nhưng điều đó chẳng chứng minh được điều gì cả. Vả chăng nó cũng chẳng được trau chuốt mấy: một cái móng trên bàn tay phải bị gãy, thế mà cô ta cũng chẳng buồn dũa lại. Lác đác có những chỗ lớp sơn móng tay đã bắt đầu tróc.
Người bồi đã đem hai ly rượu và bao thuốc lá ra.
– Gauloises xanh đây ạ. May vẫn còn được một bao.
– Khá nhỉ! Anh trước kia là lính thủy à?
– Không ạ… Trước kia tôi làm xiếc.
– Thế thì còn hay hơn nữa!
Ravic đưa một ly cho người thiếu phụ:
– Đây mời cô uống chút Calvados. Vào giờ này thì uống Calvados là hơn cả. Hay cô thích uống cà phê hơn?
– Không đâu.
– Cô uống cạn đi.
Cô ta vâng lời uống một hơi cạn cốc. Ravic quan sát cô. Cô có một gương mặt không màu sắc, gần như không biểu hiện một chút gì, đôi môi đầy đặn nhưng nhợt nhạt, đường viền không rõ nét. Chỉ có mái tóc là đẹp, một màu vàng óng tự nhiên. Cô đội chiếc mũ bê-rê kiểu xứ Basque, và dưới lần áo mưa là một bộ tailleur [1] màu xanh thẫm, hình như may ở một hiệu có hạng. Nhưng cái mặt ngọc màu biếc trên chiếc nhẫn cô đeo hơi quá to, cho nên khó lòng có thể là ngọc thật.
– Một ly nữa nhé? – Ravic hỏi.
Cô gật đầu.
Ravic gọi người hầu ban.
– Hai Calvados nữa. Ly lớn.
– Ly lớn ạ? Calvados cũng rót nhiều hơn ạ?
– Dĩ nhiên.
– Vậy là hai doubles Calvados ạ?
– Đúng quá.
Ravic đã quyết định uống hết rượu thật nhanh và đứng dậy ra về. Anh thấy mệt lắm rồi, và bây giờ, lại thêm cả cảm giác buồn chán nữa. Mọi khi vào những hoàn cảnh tương tự, anh vốn kiên nhẫn hơn. Dĩ vãng của anh đã có hơn bốn mươi năm giang hồ phong phú. Anh ở Paris đã mấy năm nay, và đã nhiều lần mất ngủ. Anh đã có dịp trông thấy khá nhiều sự việc!
Người hầu bàn đã đưa hai cốc rượu ra. Ravic cầm cốc rượu tỏa một mùi hương thấm thía, đặt trước mặt người đàn bà.
– Cô uống đi. Có thể hiệu quả chẳng được bao lăm, nhưng cũng ấm lòng. Dù tình cảnh của cô ra sao, cũng không nên để tâm nhiều quá. Không có gì đáng cho ta xem trọng đến thế đâu.
Người thiếu phụ chăm chú nhìn anh. Cô ta không uống ngay.
– Đúng thế đấy. – Ravic nhấn thêm – Ta cứ hay phóng đại mọi sự. Nhất là vào ban đêm.
– Ông không cần khích lệ tôi đâu. – Cô nói.
– Thế thì càng tốt.
Ravic đưa mắt tìm người hầu bàn. Anh thấy đủ quá rồi. Anh biết rõ loại người này. Cô ta chắc là người Nga, anh nghĩ thế. Chỉ cần ngồi xuống ghế, áo chưa kịp khô, là họ đã trở thành hách dịch.
– Cô là người Nga phải không?
– Không.
Ravic trả tiền và đứng dậy. Cô kia cũng đứng lên cùng một lúc. Một cách hoàn toàn tự nhiên. Ravic phân vân một lát, rồi nghĩ: thôi được, ra ngoài hẵng chia tay.
Trời lại mưa. Ra đến vỉa hè, Ravic dừng lại.
– Cô đi phía nào?
Anh quyết định sẽ đi về phía ngược lại.
– Tôi không biết. Phía nào cũng được.
– Nhưng cô ở đâu?
Người thiếu phụ hơi giật mình lùi lại. Rồi cô nói, giọng luống cuống:
– Tôi không thể quay về đấy được… Không, tôi không thể…
Hai mắt cô bỗng tràn đầy kinh hãi.
Chắc có chuyện xích mích gì, Ravic nghĩ bụng. Cãi cọ, rồi bỏ đi. Từ giờ đến mai, cô ta sẽ nghĩ lại. Sẽ quay về thôi.
– Cô không có ai có thể đến nghỉ nhờ sao?… Chỗ nào quen biết? Có thể gọi điện cho họ từ đây.
– Không… không có ai cả.
– Nhưng cô cũng phải về đâu đó chứ? Cô có tiền trong người không? Cô có thể thuê một căn buồng ở khách sạn chứ?
– Vâng.
– Vậy cô hãy tìm một khách sạn nào đi, khu này chẳng thiếu.
Cô không đáp.
– Cô phải về một nơi nào đi. – Ravic sốt ruột giục – Chẳng lẽ cô cứ đi mãi giữa mưa thế này sao?
Cô quấn chặt áo mưa quanh người.
– Ông nói đúng – Cô nói, như thể vừa chợt quyết định – Ông nói đúng. Cám ơn ông. Ông đừng lo lắng gì cho tôi nữa. Cám ơn.
Cô đưa tay xốc cổ áo khoác lên.
– Cám ơn ông về tất cả những gì ông đã làm.
Cô ngước nhìn Ravic với đôi mắt tràn đầy tuyệt vọng. Cô cố mỉm cười mà không sao cười được. Rồi không chút do dự, cô lặng lẽ đi vào làn mưa bụi, bước đi không một tiếng động.
Ravic đứng yên một lát.
– M…! – Anh tự mắng mình, vừa ngạc nhiên vừa phân vân. Anh không hiểu nổi những gì đang diễn ra trong lòng. Có phải là nụ cười buồn bã ấy, là đôi mắt tràn đầy tuyệt vọng ấy, là dãy phố vắng vẻ, hay là đêm khuya? Anh cảm thấy không thể để cho người đàn bà ấy đi một mình dưới làn mưa bụi. Bỗng dưng anh thấy cô ta giống một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Ravic đuổi theo kịp người thiếu phụ.
– Cô đi với tôi – Anh xẵng giọng nói – Ta sẽ tìm cách nào…
Hai người ra đến quảng trường Ngôi Sao. Trong làn mưa xám ẩm, quảng trường như rộng mênh mông, không bờ bến. Làn mưa đã dày đặc hơn, không còn trông thấy các đại lộ từ bốn phía quy tụ về quảng trường. Chỉ còn thấy không gian mênh mông, lác đác có những lỗ thủng nhỏ do mấy ngọn đèn đường leo lét khoét trong đêm, và cái khối đá đồ sộ của Khải Hoàn Môn hiện lên mờ mờ trong mưa bụi. Nó như đang giơ vai đỡ bầu trời buồn rười rượi và che chở cho ngọn lửa nhợt nhạt và đơn côi đang bập bùng trên phiến đá mộ người Lính Vô Danh: trong đêm thanh vắng, đó dường như là phần mộ cuối cùng của nhân loại.
Họ bước qua sân đá của Khải Hoàn Môn. Ravic đi nhanh, quá mệt mỏi để suy nghĩ. Anh nghe tiếng bước mềm và đều đặn của người đàn bà đang cúi đầu đi theo anh, hai tay thọc sâu vào túi áo mưa. Bỗng nhiên, trong cảnh tĩnh mịch khuya khoắt của quảng trường, Ravic tự dưng có cảm giác người đàn bà ấy đã là sở hữu của mình từ ban nãy, mặc dầu anh chẳng biết gì về cô ta, hoặc có lẽ chính vì anh chẳng biết gì về cô ta. Anh cảm thấy cô ta cũng hệt như mình, cũng xa lạ với tất cả những cảnh vật ở xung quạnh, và cái cảm giác này làm cho họ gần gũi với nhau hơn là ngôn ngữ hay thời gian có thể làm.
Ravic trọ ở một khách sạn nhỏ gần đại lộ Wagram, phía sau quảng trường Temes. Đó là một ngôi nhà cũ nát, chỉ có cái biển đề “Khách sạn International” treo ở cửa ra vào, là còn mới.
Anh bấm chuông.
– Còn phòng nào bỏ không không? – Anh hỏi người gác gian ngái ngủ vừa ra mở cửa.
– Người nhận khách không có ở đây.
– Thì đã sao? Tôi chỉ hỏi còn buồng nào chưa có khách không.
Người kia nhún vai. Hắn thấy rõ Ravic có người về theo, va không hiểu tại sao anh lại cần thêm một buồng. Theo kinh nghiệm của hắn thì chẳng ai đưa một người đàn bà về khách sạn mà lại không có mục đích gì.
– Bà chủ ngủ rồi. Tôi mà đánh thức bà ấy dậy thì bà sẽ tống cổ tôi đi liền. – Hắn vừa, lầu bầu vừa gãi sồn sột.
– Được, nếu vậy ta sẽ thương lượng với nhau ổn thỏa.
Ravic cho hắn một món tiền uống rượu, cầm lấy chìa khóa rồi đi lên thang gác với người thiếu phụ. Trước khi mở cửa, anh nhìn kỹ cửa phòng bên, không thấy có giày dép gì trước cửa. Anh gõ cửa hai lần, rồi không thấy động tĩnh gì, anh thận trọng xoay quả nắm cửa. Cánh cửa đã được khóa lại.
– Hôm qua buồng này còn bỏ trống – Anh lẩm bẩm – Để thử mở từ phía bên kia xem. Chắc bà chủ sợ rệp bò đi mất mới khóa lại.
Anh vào buồng mình, rồi chỉ cho người đàn bà một chiếc đi-văng đệm đỏ.
– Cô ngồi đây một lát, tôi quay lại ngay.
Anh mở cánh cửa sổ cao trông ra cái bao lơn hẹp có lan can bằng sắt uốn, bước qua tấm lưới sắt, sang cái bao lơn buồng bên. Anh thử mở cánh cửa vào buồng nhưng không được, đành phải trở về buồng mình.
– Chẳng còn cách gì. Không sao có được một buồng khác.
Người đàn bà đã ngồi xuống góc đi-văng. Cô hỏi:
– Tôi có thể ngồi lại một lát được không?
Ravic nhìn gương mặt phờ phạc của cô. Cô mệt đến nỗi có vẻ như không còn sức đứng dậy nữa.
– Cô có thể ngủ lại đây. Thế là đơn giản hơn cả.
Người thiếu phụ dường như không nghe thấy. Cô khẽ lắc đầu, như một thằng người máy.
– Lẽ ra ông nên để mặc tôi từ lúc ở ngoài đường. Bây giờ thì… tôi không còn biết…
– Có lẽ đúng thế thật. Cô cứ ở lại đây mà ngủ. Như thế là tốt nhất. Đến mai ta hẵng hay…
– Tôi không muốn làm phiền ông…
– Thật tình cô chẳng làm phiền tôi chút nào đâu. Đây không phải là lần đầu có người phải ngủ lại phòng tôi vì chẳng còn biết đi đâu nữa. Đây là một nhà trọ của dân tị nạn, những chuyện như thế diễn ra hàng ngày. Cô cứ vào giường mà ngủ, tôi sẽ nằm trên đi-văng. Tôi quen rồi.
– Không, không… tôi ngồi đây thì hơn. Ông cứ để tôi ngồi một lát. Tôi chỉ xin có thế thôi.
– Tùy cô vậy.
Ravic cởi áo khoác mắc lên tường. Rồi lấy một tấm chăn và một chiếc gối trên giường, đặt một cái ghế tựa sát vào cái đi-văng. Anh vào buồng tắm lấy ra một cái áo choàng lông đặt lên ghế.
– Đây, tôi chỉ có ngần này thứ để cô dùng. Có cả pyjama trong ngăn kéo này. Cô cứ dùng buồng tắm tự nhiên. Tôi còn có việc phải làm.
Người thiếu phụ lắc đầu.
Ravic đến đúng trước mặt cô ta.
– Cô phải cởi áo mưa ra. Ướt hết rồi. Cô đưa cả cái mũ cho tôi.
Cô đưa mũ cho Ravic. Anh đặt cái gối vào góc đi-văng..
– Để cô gối đầu. Cái ghế này là để cô khỏi ngã nếu có ngủ quên. Bây giờ đến đôi giày. Dĩ nhiên là ướt mềm rồi. Cách hiệu nghiệm nhất để bị cảm đây!
Ravic cởi giày cho cô, rồi lấy trong ngăn kéo ra một đôi bít tất len đi vào chân cho cô.
– Thế, bây giờ thì ổn rồi. Không có gì bằng được tiện nghi một chút trong những lúc khó khăn. Đó là một câu ngạn ngữ cũ của con nhà lính.
– Cám ơn ông – Cô nói – Cám ơn.
Ravic đi vào buồng tắm, mở vòi nước. Nước tuôn vào bồn tắm. Anh tháo ca-vát, bất giác nhìn bóng mình trong gương. Một đôi mắt rực lửa lõm sâu trong hốc mắt; một khuôn mặt gầy gò, hốc hác vì mỏi mệt, chỉ nhờ đôi mắt mà còn chút sinh khí. Một đôi môi quá mềm nếu so với đường hằn sâu của nhân trung. Bên trên mắt phải một vết sẹo mảnh chạy dài lên phía trên và mất hút trong mái tóc.
Có tiếng chuông điện thoại. Chà! Trong khoảng mấy phút qua, anh đã quên hết. Anh biết rõ những giây phút thoát ly hoàn toàn như vậy. Anh sực nhớ đến người đàn bà đang ngồi trong phòng anh.
– Tôi ra ngay đây – Anh nói vọng ra – Tiếng chuông có làm cho cô giật mình không?
Anh cầm ống máy lên.
– Alô! Vâng… Sao? Có… Vâng… Dĩ nhiên… ở đâu? Được rồi, tôi đến ngay… phải đấy, cà phê thật đậm, thật nóng nhé… Rất tốt, tôi đi ngay đây.
Anh thong thả đặt ống máy xuống và ngồi lại trên tay ghế đi-văng thêm một lát nữa.
– Tôi phải đi đây – Anh nói – Việc rất gấp.
Người thiếu phụ lập tức đứng dậy, chao đảo, phải vịn vào lưng ghế tựa. Ravic cảm động vì thái độ sốt sắng của cô.
– Cô cứ ở lại đây. Ngủ đi nhé. Tôi phải vắng nhà một hai tiếng đồng hồ gì đó, tôi cũng chưa biết nữa. Nhưng cô cứ ở đây.
Anh khoác áo ngoài. Một ý nghĩ thoáng hiện trong trí, nhưng rồi lại tan biến ngay. Người này không lấy trộm đâu. Không phải loại đó, anh biết chắc như vậy. Vả lại anh cũng có gì đâu mà lấy trộm? Anh ra đến cửa thì người thiếu phụ hỏi:
– Tôi cùng đi với ông có được không ạ?
– Không, không được đâu. Cô cứ ở đây. Cứ tự nhiên như ở nhà, nếu thích cứ nằm vào giường mà ngủ. Có một chai Cognac trên giá ấy. Ngủ đi nhé!
Anh mở cửa.
– Xin ông đừng tắt đèn. – Cô nói vội, giọng khẩn khoản.
Tay còn đặt trên nắm cửa, Ravic ngoảnh lại.
– Cô sợ à?
Cô gật đầu. Ravic chỉ cái chìa khóa.
– Tôi đi rồi, cô nhớ khóa trái cửa lại, nhưng phải rút chìa ra. Ở dưới nhà còn có một chìa nữa, khi về tôi sẽ mở bằng cái chìa đó.
Cô lắc đầu.
– Không phải vì chuyện ấy đâu. Xin ông cứ để đèn cho.
– Tôi hiểu. Vả lại tôi có định tắt đèn đâu. Cô cứ để đèn sáng. Tôi biết rõ rồi. Tôi cũng qua những thời kỳ tương tự.
Ở góc đường Acacias Ravic gặp được một chiếc taxi.
– Đưa tôi đến phố Lauriston. Nhanh vào!
Người lái xe đi vào đại lộ Camot, rồi đại lộ De la Forge. Khi xe đi ngang đại lộ Grande – Armée, một chiếc xe con từ bên phải lao vào họ. Trên lớp đá lát đường trơn tru, khó lòng tránh khỏi đụng độ. Sau một cú thắng xe thô bạo, chiếc xe con trượt bánh đến tận giữa đại lộ, xoẹt qua mũi chiếc taxi rồi quay ngang mấy vòng. Đó là một chiếc Renaul nhỏ, sau tay lái là một người đàn ông đeo kính râm, đội mũ dạ tròn. Cứ mỗi vòng quay lại thoáng thấy bộ mặt tái nhợt, cáu kỉnh của hắn. Cuối cùng chiếc Renaul dừng lại ở cuối đại lộ, trước mặt Khải Hoàn Môn… Trông như một thứ côn trùng kỳ quặc màu xanh, từ bên hông thò ra một quả đấm giận dữ giơ lên trời.
Người lái taxi quay sang phía Ravic.
– Ông thấy có đời thuở nào lại như thế không?
– Có chứ! – Ravic nói.
– Đội một cái mũ như thế mà phóng như thế giữa ban đêm!
– Hắn ta đúng lệ. Hắn ta có ưu tiên. Sao anh còn càu nhàu?
– Vì hắn ta đúng lệ.
– Thế nếu hắn sai thì anh sẽ làm gì?
– Cũng sẽ càu nhàu.
– Anh giản dị lắm nhỉ?
– Tôi sẽ càu nhàu kiểu khác, còn tệ hơn nhiều. – Người lái xe giảng giải trong khi cho xe rẽ ra đại lộ Foch – Ông có hiểu không?
– Không. Nhưng ở các ngã tư anh giảm tốc độ thì hơn.
– Tôi cũng nghĩ thế. Mặt đường đầy vết nhớt. Nhưng tại sao ông cứ hỏi tôi, một khi ông không muốn nghe tôi phân trần?
– Vì tôi mệt – Ravic sốt ruột đáp – Vì quá nửa đêm rồi. Có lẽ cũng vì chúng ta là hai tia lủa bị cuốn theo một ngọn gió xa lạ…
– À, thế thì khác.
Người lái xe chạm tay lên lưỡi trai, vẻ có phần kính nể.
– Tôi hiểu cái đó!
– Này, anh là người Nga phải không? – Ravic hỏi, giọng ngờ vực.
– Không, nhưng trong khi chờ khách tôi đọc khá nhiều sách.
“Rõ là hôm nay mình không có hên đối với người Nga” – Ravic tự nhủ.
Anh ngả đầu về phía sau. Có cà phê nhỉ – Anh nghĩ bụng – Cà phê đen sôi sùng sục ấy. Mong sao họ có đủ cho mình uống. Phải làm sao để tay mình đừng run, nếu không, Veber phải tiêm cho mình một mũi. Nhưng chắc sẽ ổn cả thôi.
Ravic hạ kính xe xuống và hít sâu làn không khí ẩm ướt vào ngực.
Chú thích:
[1] Bộ trang phục gồm một áo vét và một chiếc váy chật, thường may bằng cùng một thứ hàng.