“Người Trong Lưới” của tác giả Chan Ho Kei là một cuốn sách trinh thám hấp dẫn và đầy suy ngẫm, đưa người đọc vào hành trình khám phá những góc khuất của xã hội hiện đại.
Câu chuyện bắt đầu với vụ tự tử bí ẩn của một cô bé. Hai cụ già chứng kiến vụ việc khẳng định không có ai khác ngoài cô bé trên bệ cửa sổ. Tuy nhiên, chị gái của cô bé không tin vào kết luận điều tra chính thức và quyết tâm tìm ra sự thật.
Cuộc điều tra của chị gái dần hé lộ những bí mật đen tối ẩn sau vụ tự tử. Nạn bạo lực mạng, sự vô tâm của cộng đồng, và những góc khuất trong tâm hồn con người dần được phơi bày.
“Người Trong Lưới” là một câu chuyện đầy ám ảnh về ranh giới mỏng manh giữa vô tâm và ác tâm. Cuốn sách khiến người đọc phải suy ngẫm về tác động tiêu cực của mạng xã hội và sự thờ ơ của con người trong xã hội hiện đại.
Tóm lại “Người Trong Lưới” là một cuốn sách dành cho những ai yêu thích thể loại trinh thám và muốn khám phá những góc khuất của xã hội hiện đại. Cuốn sách sẽ khiến bạn phải suy ngẫm về những giá trị đạo đức và trách nhiệm của con người trong thời đại công nghệ. Mời các bạn đón đọc Người Trong Lưới của tác giả Chan Ho Kei & Thu Hường (dịch).
Các cuốn sách khác có thể bạn sẽ thích
—
MỞ ĐẦU
8 giờ sáng sửa soạn đi làm, Di không hề biết hôm nay sẽ là ngày thay đổi cuộc đời cô.
Tưởng đâu chỉ cần cắn răng chịu đựng, bao khốn khổ dồn dập ập xuống suốt một năm qua sẽ chấm dứt, ắt có ngày mưa tạnh trời quang. Thế nhưng số phận biến động khôn lường, ông trời không chỉ thích đùa giỡn người trần, mà còn đùa toàn những trò thảm khốc.
Hơn 6 giờ chiều, Di lê tấm thân mệt mỏi từ bến xe buýt mini xanh* về khu nhà ở xã hội, vừa đi vừa nhẩm tính xem thức ăn trong tủ lạnh có đủ nấu một bữa cho hai người không.
Mấy năm nay giá cả đắt đỏ khủng khiếp. Ngày xưa một cân* thịt cùng lắm hơn 20 đô*, bây giờ ngần ấy tiền chỉ mua được nửa cân. Gọi là “ngày xưa” nhưng cũng mới bảy, tám năm trước thôi. Thịt thà rau dưa giờ tăng giá gấp đôi là ít, nhưng lương lậu của giai cấp vô sản thì vẫn còm cõi như cũ. Giá thực phẩm tăng vọt không đơn giản vì giá bán buôn tăng. Di từng nghe một hàng xóm lớn tuổi nói đùa, “Người Hồng Kông không ăn cơm mà ăn gạch*.” Sau khi chính phủ bán chợ và cửa hàng bách hóa ở khu nhà xã hội cho doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh phải đối mặt với áp lực tiền thuê tăng.
Để có thêm thu nhập đập vào tiền thuê đắt đỏ, đương nhiên họ sẽ đẩy gánh nặng lên người mua hàng.
Di nhớ trong tủ lạnh còn vài lạng thịt và cải bó xôi. Làm món thịt xào cải bó xôi với gừng, thêm đĩa trứng hấp là được bữa tối đơn giản giàu dinh dưỡng. Tiểu Văn, cô em nhỏ hơn Di tám tuổi, từ bé đã thích ăn trứng hấp. Mỗi khi nhà thiếu thức ăn, Di lại lấy hai quả trứng gà ra hấp, rắc ít hành lá, rưới chút nước tương, bưng lên bàn ăn trông vừa ngon vừa đẹp. Quan trọng là rất rẻ.
Bữa tối nay thế là đủ rồi, nhưng Di vẫn định đi chợ xem thế nào. Vốn tính lo xa, cô rất sợ cảnh tủ lạnh trống trơn. Hơn nữa, khá nhiều quầy thực phẩm giảm giá trước giờ đóng cửa, tranh thủ dạo một vòng có khi lại kiếm được đồ rẻ, mai khỏi phải đau đầu nhức óc chuyện ăn uống.
Úúúú…
Xe cảnh sát thình lình lao vụt qua cạnh Di, tiếng còi đinh tai nhức óc kéo suy nghĩ của cô từ hàng giảm giá về thực tại. Cô dõi mắt nhìn thì thấy một đám đông đang xúm xít trước tòa nhà Hoán Hoa mình ở.
Có chuyện gì sao? Di nghĩ thầm, nhưng vốn không phải dạng ưa hóng chuyện nên chân vẫn bước rất thong thả.
“Á, Di! Di ơi…” Trong đám đông, một bác gái tầm 50 tuổi, tóc xoăn, người đậm, đang cuống cuồng vẫy gọi. Di biết người này, đây là bác gái họ Trần thuê nhà cùng tầng 22 với cô, bình thường chạm mặt ngoài hành lang vẫn gật đầu chào hỏi. Song trừ biết tên và thi thoảng xã giao dăm ba câu thì đôi bên chẳng qua lại mấy.
Chỉ còn cách nhau một quãng ngắn thôi, nhưng bác Trần vẫn sốt ruột chạy lại túm tay lôi tuột Di về phía tòa nhà. Di không nghe rõ bác nói gì. Ngoại trừ tên mình, cô thấy những lời tuôn ra từ miệng bác chẳng khác nào tiếng nước ngoài. Mất mấy giây định thần, cô mới vỡ lẽ bác Trần hoảng quá nói chẳng nên lời. Vỡ lẽ xong, cô nghe thêm được hai chữ “em gái”.
Di bước tới gần đám đông. Cảnh tượng quái dị hiện ra trước mắt cô, dưới trời chiều còn chưa tắt nắng.
Dân tình đang túm tụm quanh khoảnh sân xi măng trước cửa chính cư xá Hoán Hoa. Thường ngày sân trống trơn, nhưng hôm nay lại có cô bé mười mấy tuổi mặc đồng phục trắng nằm ngửa ở đó, tóc rối tung phủ lên mặt, chất lỏng đỏ sậm rỉ ra từ cổ đọng thành vũng nhỏ.
Suy nghĩ đầu tiên vụt qua óc Di là, đó chẳng phải đồng phục trường Tiểu Văn sao?
Hai giây sau Di nhận ra, cô bé nắm bất động trên sân kia, chẳng phải chính là Tiểu Văn sao?
Người thân của cô.
Người thân duy nhất.
Khoảnh khắc ấy, Di cảm thấy mọi thứ quanh mình thật lạ lẫm. Mình đang nằm mơ ư? Chắc là mơ rồi. Di quay sang nhìn bên cạnh, toàn những gương mặt quen thuộc, nhưng giờ phút này lại xa lạ vô cùng.
“Di! Di ơi!” Bác Trần tóm bả vai Di lắc mạnh.
“Tiểu… Tiểu Văn?” Di lắp bắp gọi tên, không tài nào liên hệ nổi vật thể hình người dưới đất với em gái mình.
Đáng lẽ giờ này Tiểu Văn phải ở nhà, chờ Di về nấu cơm cho nó ăn chứ. Đấy mới là “hiện thực bình thường” đối với Di.
“Lùi lại nào, lùi lại.” Một cảnh sát ăn mặc chỉnh tề chen vào giữa đám đông, ra hiệu bảo mọi người đứng giãn ra. Cùng lúc, hai nhân viên y tế đẩy xe cáng từ phía sau vượt lên trên Di rồi ngồi xổm xuống cạnh Tiểu Văn. Nhân viên y tế lớn tuổi hơn kiểm tra hơi thở của cô bé, ấn ngón tay lên cổ tay trái cô, sau đó lần túi lấy đèn pin khám, tay trái vạch mắt tay phải rọi đèn soi đồng tử. Chuỗi hành động diễn ra chỉ vỏn vẹn vài giây, nhưng trong mắt Di từng động tác của nhân viên y tế lại ì trệ như những khung hình tĩnh.
Di không còn nhận thức về thời gian nữa. Hay nói cách khác, tiềm thức Di muốn ngăn cô đối mặt với hiện thực.
Nhân viên y tế đứng lên, lắc đầu với đồng nghiệp đẩy xe cáng và mấy cảnh sát đang chắn đám đông.
“Mọi người lùi lại, đừng cản trở quá trình điều tra…” Lúc cảnh sát nói câu này, hai nhân viên y tế nghiêm mặt lại, từ từ rời khỏi chỗ Tiểu Văn.
“Tiểu… Tiểu Văn? Tiểu Văn! Tiểu Văn!” Di hất tay bác Trần đang giữ vai mình, chạy tới chỗ Tiểu Văn.
“Cô gái!” Một cảnh sát cao to nhanh nhẹn giơ tay ngang hông chặn Di lại.
“Tiểu Văn!” Di vừa giãy giụa vừa ngoảnh nhìn cảnh sát, nôn nóng nói, “Đó, đó là em tôi, cứu con bé với!”
“Thưa cô, cô bình tĩnh đã…” Cảnh sát cố trấn an Di, nhưng anh ta biết lời mình nói không mấy tác dụng.
“Xin, xin anh cứu con bé! Bác sĩ ơi!” Mặt mày tái nhợt, Di bỗng xoay phắt lại, hét lên với hai nhân viên y tế đang chăm chú nhìn mình. “Sao không đỡ Tiểu Văn lên xe? Nhanh lên! Mau cứu Tiểu Văn đi!”
Hai nhân viên y tế đứng lặng cạnh xe cứu thương lộ vẻ khó xử. Người lớn tuổi hơn rất muốn nói thẳng sự thật với cô, nhưng dù gặp cảnh sinh ly tử biệt mỗi ngày, anh vẫn không đành lòng làm cô gái mới đôi mươi này đau đớn.
“Cô là chị của em này sao? Cô bình tĩnh lại đã…” Anh cảnh sát chặn Di thử nhẹ nhàng khuyên bảo.
“Tiểu Văn…” Di ngoảnh nhìn em gái nằm trơ như tượng dưới đất, thì thấy hai cảnh sát khác cầm khung kim loại và vải bạt chống thấm màu xanh sẫm đến dựng lều nhỏ xung quanh che Tiểu Văn lại. “Các… các người làm gì thế? Dừng tay! Dừng tay đi!”
“Cô gái! Cô gái à!”
“Đừng che người nó! Nó còn thở! Nhất định tim nó còn đập!” Di yếu ớt nhoài người tới trước. Anh cảnh sát vốn có nhiệm vụ ngăn cản đề phòng cô phá hỏng hiện trường, giờ trở thành điểm tựa duy nhất đỡ lấy cô. “Cứu em gái tôi với! Xin các anh cứu em tôi… Tôi xin các anh đấy… Nó, nó là em gái tôi, là em gái duy nhất của tôi…”
Xế chiều một ngày thứ Ba bình thường, tại khoảnh sân trống trước tòa nhà Hoán Hoa thuộc cư xá Lạc Hoa* quận Quan Đường, những cư dân thường ngày ưa ngồi lê đôi mách giờ đều nín lặng. Giữa những tòa nhà lạnh lẽo, chỉ còn vang vọng tiếng khóc thống thiết cùa một người chị, tựa tiếng gió len vào tai mỗi người, để lại từng giọt buồn không thể xua đi.
“Em gái cô tự sát.”
Tại nhà xác công cộng Phú Sơn quận Sa Điền, nghe cảnh sát nói vậy, Di nổi nóng cãi ngay, “Không thể nào”, “Các anh chưa điều tra kĩ”, “Tiểu Văn việc gì phải tự sát”…
Cảnh viên Trình phụ trách vụ án là một ông chú gầy còm khoảng 50 tuổi, tóc lấm tấm bạc, bề ngoài ngang tàng nhưng ánh mắt hồn hậu. Trước phản ứng dữ dội của Di, ông vẫn bình tĩnh an ủi bằng giọng trầm đều đều, còn hỏi một câu khiến Di cứng họng, “Cô Âu Nhã Di, cô thực sự cho rằng em cô không thể tự sát ư?”
Dù không muốn, Di vẫn phải thừa nhận Tiểu Văn có lý do tìm đến cái chết. Áp lực đè trĩu suốt nửa năm qua đã vượt quá sức chịu đựng của một cô bé 15 tuổi.
Mà mọi chuyện, phải kể lại từ nỗi bất hạnh đeo bám nhà họ Âu bao năm ròng.
Sinh ra trong thập niên 1960, bố mẹ Di là thế hệ thứ hai của làn sóng di cư. Năm 1946, nội chiến Quốc-Cộng* nổ ra, tháng nào cũng có dân đại lục tràn sang Hồng Kông. Sau khi Đảng Cộng sản giành chính quyền và thực hiện cải cách chế độ, phát động vận động chính trị, số người chạy sang đây chỉ tăng chứ không giảm. Ông bà Di là dân Quảng Châu trốn sang, thời đó xã hội Hồng Kông cần lao động giá rẻ số lượng lớn nên hầu như không chối bỏ dân di cư trái phép, bởi vậy ông bà mới có cơ hội bám rễ xứ Cảng, giành quyền tạm trú trở thành người Hồng Kông. Mang tiếng đủ tư cách ở lại, song cuộc sống của “người Hồng Kông mới” thường rất vất vả. Họ phải làm các công việc chân tay nặng nhọc với giờ lao động dài, tiền lương thấp và điều kiện sinh hoạt tệ hại. Tuy nhiên nền kinh tế Hồng Kông giai đoạn ấy đang trên đà phát triển, chỉ cần chịu thương chịu khó ắt có cơ hội cải thiện cuộc sống. Thậm chí một số người còn nhân lúc này lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, đặt chân vào hàng ngũ những người thành đạt.
Ngặt nỗi, ông bà Di không có duyên với cơ hội đó.
Tháng Hai năm 1976, cháy lớn bùng phát tại khu nhà gỗ vịnh Tiêu Cơ* và vịnh Aldrich, thiêu rụi hơn nghìn căn nhà, đẩy hơn ba nghìn người vào cảnh vô gia cư. Ông bà Di đều mất mạng trong vụ hỏa hoạn, để lại cậu con trai mới 12 tuổi là Âu Huy. Huy không còn người thân nào khác ở Hồng Kông, đành nương nhờ một người hàng xóm mất vợ trong hỏa hoạn. Người này có con gái 7 tuổi tên Châu Khởi Trăn.
Do gia cảnh nghèo khó, Huy và Trăn đều không có điều kiện học lên cao mà phải lăn lộn ra đời từ sớm. Huy làm công nhân kho bãi tại một kho hàng, còn Trăn làm nhân viên tạp vụ ở quán trà*. Hai người mến nhau rồi tiến tới cưới gả vào năm 1989, trước khi cha Trăn qua đời vì bạo bệnh.
Ba năm sau, Trăn sinh hạ một bé gái, đặt tên là “Nhã Di”*. Gia đình ba người thuê một căn hộ đơn tại tòa nhà cũ ở vịnh Thổ Qua. Trăn tảo tần, Di ngoan ngoãn, Huy cần cù dốc lòng kiếm tiền để sau này con gái được học đại học, không phải bỏ ngang đi làm như vợ chồng anh. Chưa kể mỗi thời mỗi khác, giờ không phải cứ bán sức là có việc làm nữa, xã hội Hồng Kông ngày càng coi trọng bằng cấp rồi.
Khi Di 6 tuổi, vận may lần đầu đến với gia đình họ: đơn đăng kí nhà ở xã hội Huy gửi đi bao nhiêu năm cuối cùng cũng có hồi đáp.
Ở nơi đất chật người đông như Hồng Kông, nhà ở luôn là vấn đề nan giải. Các gia đình thu nhập thấp được thuê nhà ở xã hội với giá rẻ, nhưng do cung không đủ cầu, nộp đơn xong thường phải chờ rất nhiều năm mới được duyệt. Năm 1998, Sở Nhà đất phân cho gia đình Huy một căn hộ tại tòa nhà Hoán Hoa thuộc cư xá Lạc Hoa, quận Quan Đường. Đây coi như may mắn trời ban giữa khi châu Á nói chung và gia đình Huy nói riêng đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế. Tiền thuê nhà ở xã hội chỉ bằng nửa tiền thuê nhà tư nhân, miễn là ăn tiêu dè sẻn, họ vẫn có thể tiết kiệm một khoản nho nhỏ phòng khi cần đến.
Chuyển vào cư xá Lạc Hoa được hai năm, gia đình chào đón thêm thành viên mới: Âu Nhã Văn*. Căn hộ vốn thiết kế cho gia đình hạt nhân hai đến ba người, giờ bỗng thành chật chội. Huy xin đổi sang căn lớn hơn, Sở Nhà đất hồi đáp rằng nguồn cung nhà ở eo hẹp, trong cư xá này, thậm chí là trong cả quận này, không kiếm đâu ra căn hộ phù hợp để phân cho họ nữa. Nếu vẫn muốn đổi nhà, chỉ còn cách đi xa hơn, đến quận Đại Bộ* hoặc Nguyên Lãng*. Huy bàn với vợ, Trăn vốn an phận, liền bảo, “Chúng ta ở đây quen rồi, giờ chuyển nhà, anh đi làm bất tiện mà con lại phải chuyển trường, tội gì. Ở đây chật mấy cũng còn hơn năm xưa chen chúc trong khu nhà gỗ, phải không nào?”
Huy vẫn cho rằng khi các con lên trung học thì cần có phòng riêng, tiện lợi mà cũng tự lập hơn. Nhưng anh không biết phản bác vợ thế nào, và cũng không ngờ là mình chẳng có cơ hội nhìn hai con lên trung học.
Năm 2004, Âu Huy qua đời vì tai nạn lao động, hưởng dương 40 tuổi.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và đại dịch SARS bùng phát năm 2003, kinh tế Hồng Kông chịu ảnh hưởng nặng nề, rất nhiều chủ doanh nghiệp phải chuyển sang thuê ngoài hoặc thuê nhân công hợp đồng, trốn tránh trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm giảm thiểu chi phí. Công ty lớn thuê công ty nhỏ phụ trách một vài khâu với chi phí thấp, công ty nhỏ lại chia tiếp việc cho công ty khác nhỏ hơn để ăn tiền trung gian. Mối quan hệ thuê mướn nhiều tầng khiến lương công nhân bị cắt giảm mạnh, nhưng vì kinh tế trì trệ, công nhân sợ mất cần câu cơm nên chỉ còn cách im lặng chịu bóc lột.
Huy đã qua tay một số “công ty nhỏ” như vậy, phải gắt gao tranh suất công việc có hạn với nhiều công nhân khác. Cũng may trong những năm làm ở kho hàng, Huy thi được giấy phép điều khiển xe nâng hàng nặng nên có lợi thế hơn khi tìm việc. Không chỉ ngành kho vận mà cả các cảng container cũng có nhu cầu thuê người biết lái và sử dụng xe nâng. Để tăng thu nhập, Huy kiêm luôn hai việc, vừa bốc vác cho kho ở vịnh Cửu Long, vừa lái xe nâng tại cảng container Quỳ Dũng, một lòng một dạ muốn tranh thủ kiếm tiền khi còn sức lực.
Một tối lất phất mưa phùn tháng Bảy năm 2004, quản lý kho hàng số 4 cảng container Quỳ Dũng phát hiện mất một xe nâng. Sau khi tra hỏi công nhân, ông ta mới biết không chỉ xe mà cả lái xe cũng mất tích. Có ông lái cần cẩu bảo thấy Huy lái xe nâng tới khu Q31 rồi không về nữa. Quản lý kho bèn dẫn người đến xem xét. Họ phát hiện dấu vết khác thường tại một trụ neo tàu ven bờ: bên trái trụ neo có vết xước sâu, trên mặt đất gần đó vương vãi nhiều mảnh nhựa màu vàng. Thoáng trông đã biết là các mảnh vỡ của xe nâng.
Quản lý cuống quýt báo cảnh sát. Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ lặn xuống tìm kiếm. Nửa giờ sau, suy đoán không may của các công nhân được chứng thực. Huy gặp tai nạn, cả người và xe rơi xuống biển, xe lún phân nửa vào đáy cát, người thì mắc kẹt giữa giá nâng và càng nâng. Khi người ta cẩu được chiếc xe nặng trĩu bùn đất lên khỏi mặt nước, Huy đã vô phương cứu chữa.
Di mất cha khi mới 12 tuổi, còn Tiểu Văn chỉ có 4 tuổi.
Trăn đứt từng khúc ruột trước cái chết của chồng, nhưng không để bản thân suy sụp, vì chị biết từ giờ hai con gái chỉ có mẹ là chỗ dựa duy nhất.
Theo lý mà nói, vì Huy chết khi làm nhiệm vụ nên gia quyến sẽ được đền bù 60 tháng lương theo đúng Luật Lao động, ba mẹ con Trăn có thể cầm cự vài năm nhờ khoản bồi thường này. Nhưng xui xẻo lại đến với nhà họ Âu lần nữa.
“Chị ơi, không phải tôi không muốn giúp chị, nhưng công ty chỉ chi trả được ngần này thôi.”
“Anh Ngưu à! Anh Huy làm việc bạt mạng cho công ty Vũ Hải các anh, ngày đi làm từ tờ mờ sáng, tối về bọn trẻ đã ngủ say, hai con gái chẳng có cơ hội thấy mặt bố. Giờ anh ấy gặp nạn, mẹ góa con côi chúng tôi không nơi nương tựa, công ty lại chỉ đưa vài đồng bạc thôi sao?”
“Hầy, tình hình công ty khó khăn, chưa biết chừng sang năm phá sản ấy chứ, đến lúc đó khéo vài đồng còn chẳng có.”
“Vì sao Vũ Hải phải trả tiền? Anh Huy cố báo hiềm lao động cơ mà? Tiền phải do hãng bảo hiểm trả chứ?”
“Bảo hiểm của anh Huy… hình như không qua được cửa phòng giám định.”
Ngưu là đàn anh của Huy trong Công ty Vận tải và xếp dỡ Vũ Hải, từng gặp Trăn vài lần, bởi vậy ông chủ Hải mới phân công anh ta làm người trung gian đến “đàm phán” với Trăn. Theo như anh ta nói, công ty có mua bảo hiểm lao động cho Huy, nhưng sau khi ủy thác cho văn phòng giám định tai nạn, hãng bảo hiểm cho rằng trường hợp này không được áp dụng bảo hiểm. Bởi vì Huy gặp tai nạn khi đã hết ca làm, không thể chứng minh lúc anh điều khiển xe nâng là đang làm việc. Ngoài ra, sau khi kiểm tra, người ta xác nhận xe nâng không hề trục trặc, nên không thể loại trừ khả năng Huy mất ý thức trong lúc điều khiển xe do “vấn đề sức khỏe cá nhân”, dẫn đến tai nạn.
“Ý của họ là, có thể Huy mắc bệnh nhưng giấu, hôm đó hết ca tiện lái luôn xe nâng cho đỡ phải cuốc bộ, đi ngang qua khu Q31 thì lên cơn bệnh, làm xe nâng rơi xuống biển… Thậm chí có người còn nói phải truy cứu trách nhiệm phá hoại xe nâng nữa. Nhưng ông chủ bảo làm người không thể giậu đổ bìm leo, Huy làm việc ở công ty không có công cũng có cán, bên bảo hiểm không bồi thường thì công ty cũng phải làm gì đó. Khoản tiền tuất nghĩa tình này là tấm lòng của công ty, chẳng thấm tháp gì, nhưng mong chị nhận tạm.”
Lúc anh Ngưu đưa chi phiếu, tay Trăn run lẩy bẩy. Câu nói “truy cứu trách nhiệm phá hoại xe nâng” làm chị ức phát khóc. Nhưng chị biết tính tình anh Ngưu chính trực, chỉ thuật lại đúng những gì được bảo, nổi cáu với anh ta cũng vô ích. Khoản tiền tuất nghĩa tình bằng đúng ba tháng lương của Huy, chỉ như muối bỏ bể so với khó khăn kinh tế mà nhà họ Âu đang phải đối mặt.
Trăn mơ hồ cảm thấy bên Vũ Hải vẫn còn điều giấu giếm. Nhưng chị không biết làm cách nào đòi quyền lợi cho mình và con gái, cuối cùng đành nhận chi phiếu.
Trực giác của Trăn đã đúng.
Để đảm bảo quyền lợi công nhân và đề phòng công ty sụp đổ vì những khoản đền bù khổng lồ, Luật Lao động quy định mọi công ty phải mua bảo hiểm cho công nhân, như thế hãng bảo hiểm sẽ gánh lấy các rủi ro liên quan, công nhân bị thương hay qua đời trong lúc làm việc đều không ảnh hưởng tới tình trạng tài chính của công ty. Vấn đề là, ông chủ Vũ Hải không phải bỏ tiền đền bù, mà cũng không muốn hãng bảo hiểm phải đền bù quá nhiều. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến “lịch sử tín dụng” của công ty, hễ hãng bảo hiểm phải chi trả một khoản lớn, sau này họ sẽ yêu cầu công ty đóng phí rất cao.
Trăn thì tưởng công ty sẽ đòi bên bảo hiểm mức bồi thường tối đa cho công nhân, nào ngờ hai bên lại cá mè một lứa. Hồng Kông ngoài mặt phồn hoa, bên trong chà đạp xương máu những kẻ yếu thế. Xí nghiệp lớn bóc lột xí nghiệp nhỏ, xí nghiệp nhỏ bóc lột công nhân. Đối với các ông chủ, lợi ích kinh doanh quan trọng hơn tương lai của gia đình lao động.
Nhà mất đi trụ cột kinh tế, tiền bồi thường lại không đủ chi trả sinh hoạt phí, Trăn buộc phải quay lại quán trà làm việc. Mười năm đã qua, giá cả tăng vọt, không ngờ tiền lương vẫn như cũ. Lương quán trà không đủ nuôi thân và các con, Trăn đành xin trực ca đêm ở cửa hàng tiện lợi ba ngày một tuần. Hết ca lúc 6 giờ sáng, ngả lưng chưa đầy năm tiếng đã phải đến quán trà làm việc.
Rất nhiều hàng xóm khuyên Trăn nghỉ việc, nộp đơn xin trợ cấp an sinh*, song Trăn một mực từ chối, “Đúng là thu nhập của tôi hiện giờ chỉ nhỉnh hơn tiền trợ cấp một chút. Nghỉ việc xin trợ cấp thì có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc Di và Văn. Nhưng các bác bảo tôi sau này phải dạy hai đứa trở thành người có trách nhiệm như thế nào đây?”
Cứ thế, mẹ bận bịu tối ngày nên mọi công việc nội trợ từ quét tước dọn dẹp, đi chợ nấu cơm đến chăm lo cho em gái 4 tuổi đều do Di quán xuyến. Chưa đầy 13 tuổi, Di đã biết cách săn sóc gia đình, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo nhu cầu cuộc sống với mức sinh hoạt phí có hạn. Ngoài giờ học, Di từ chối mọi lời rủ đi chơi, cũng hoàn toàn vắng mặt khỏi các hoạt động ngoại khóa, dần dà xa cách với bạn học, thậm chí bị coi là cô độc lập dị, nhưng em không hề bận tâm, tự lực trưởng thành với tâm hồn chín chắn, có trách nhiệm hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa.
So với Di, Tiểu Văn hầu như không bị ảnh hưởng vì cái chết của bố, lớn lên vô tư lự giữa vòng tay chở che của mẹ và chị.
Với Di mà nói, năm năm trung học không hề dễ dàng, nhưng cô không những vượt qua mà còn đứng đầu lớp, điểm thi đủ để lên thẳng dự bị đại học*, giáo viên chủ nhiệm còn đánh giá là cô có khả năng thi đỗ đại học hàng đầu. Nhưng mặc các thầy cô hết lòng khuyên nhủ, Di vẫn bỏ ngoài tai, quyết định học xong cấp ba thì đi làm. Khi bố qua đời, cô đã nhủ với lòng, bất kể thành tích ra sao cũng không học đại học, tập trung san sẻ gánh nặng kiếm tiền nuôi gia đình với mẹ.
“Mẹ ơi, con đi làm thì nhà mình sẽ có thêm thu nhập, mẹ cũng được thoải mái hơn.”
“Chỉ thêm mấy năm thôi mà. Mẹ nghe nói đại học có các chương trình hỗ trợ, chắc học phí không đáng lo quá đâu.”
“Không phải, đại học tuy có cho vay học phí nhưng đến khi tốt nghiệp đi làm vẫn phải trả lại tiền. Hiện nay mức lương khởi điểm của cử nhân không cao, chưa kể con học khoa học xã hội nên rất ít lựa chọn công việc. Đi làm với thu nhập thấp, hằng tháng lại phải trả nợ, số tiền dư ra chẳng còn mấy đồng. Hơn nữa, con mà học đại học, năm năm tới nhà mình chỉ trông cậy vào mỗi thu nhập của mẹ, đến lúc con tốt nghiệp, trừ tiền trả nợ xong không còn bao nhiêu để đưa mẹ, chưa biết chừng mẹ lại phải cầm cự thêm năm sáu năm nữa. Mẹ, năm nay mẹ đã 40 rồi, chẳng lẽ mẹ muốn tiếp tục đầu tắt mặt tối đến tận 50 tuổi sao?”
Trăn không nói lại được câu nào.
“Nhưng nếu bây giờ con đi làm, mọi chuyện sẽ khác.” Di tiếp tục. “Một là con không cần chờ tận năm năm mới có tháng lương đầu tiên đưa mẹ chi tiêu hằng ngày, hai là con khỏi phải nợ chính phủ học phí, ba là con có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc từ lúc còn trẻ. Quan trọng hơn cả, chỉ cần mẹ con mình cần cù làm việc, đến lúc Tiểu Văn tốt nghiệp trung học thì chúng ta cũng có tiền tiết kiệm, Tiểu Văn sẽ không gặp phải buồn phiền giống con hôm nay, có thể toàn tâm toàn ý học tập, biết đâu còn đi du học nước ngoài ấy chứ.” Di xưa nay không giỏi ăn nói, lần này lại trình bày rất lưu loát.
Rốt cuộc Trăn cũng đồng ý, dù lòng đầy bứt rứt, cảm thấy tại mình vô dụng nên con gái cả mới phải hi sinh tương lai vì con gái út.
“Mẹ hãy tin con, tất cả đều đáng.” Năm năm trung học kết thúc, Di cũng đã tính toán xong xuôi đầu ra. Vì phải trông nhà và chăm em, thú tiêu khiển duy nhất của Di là đọc sách. Mà vì nhà nghèo, phần lớn sách cô đọc đều mượn ở thư viện, thế nên cô rất mong được làm việc ở đây. Di ứng tuyển và được LSCD* nhận vào làm thủ thư hợp đồng tại Thư viện Trung ương Hồng Kông, phía Đông Vịnh Causeway.
Mang tiếng làm việc cho chính phủ, nhưng Di không phải công chức nên không được hưởng phụ cấp riêng. Để tiết kiệm chi phí, chính phủ Hồng Kông cũng không tuyển dụng nhân viên dài hạn mà chỉ thuê theo hình thức hợp đồng giống các công ty tư nhân. Hợp đồng thường có kì hạn hai năm, hết hợp đồng nhân viên tự động bị sa thải, bên thuê không cần lo ngại những rắc rối và tổn thất do việc cắt giảm nhân sự mang lại. Họ nắm trong tay toàn quyền kiểm soát, làm ăn sa sút sẽ để nhân viên “ra đi tự nhiên”, còn không lại kí hợp đồng tiếp. Trên thực tế, chính phủ cũng thuê công ty tư nhân làm một số công đoạn, nên nhân viên thư viện công cộng cũng có thể chỉ là nhân viên bán thời gian của công ty nào đó, đãi ngộ họ nhận được còn kém cả nhân viên hợp đồng. Di đi làm rồi mới biết chuyện, không khỏi nhớ đến vụ tai nạn bất hạnh của bố, cô như nhìn thấy bóng dáng bố mình năm xưa từ mấy bác bảo vệ già của thư viện.
Nhưng Di không bất mãn. Dù vị trí thấp, lương tháng của cô vẫn xấp xỉ 10 nghìn đô*, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống gia đình. Trăn không phải đi làm thêm, gánh nặng trên vai nhẹ đi rất nhiều. Tuy vẫn đến quán trà, nhưng thời gian Trăn ở nhà nhiều hơn. Trách nhiệm chăm sóc Tiểu Văn giờ đang học lớp Bốn dần chuyển từ Di sang mẹ. Di làm theo ca nên thời gian ở nhà không cố định, ít được chơi cùng em gái. Cô đi làm về mệt mỏi, em gái vẫn hay bám lấy nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, nhưng chỉ được thời gian đầu. Về sau có vẻ cô bé đã chấp nhận sự thật là chị gái bận rộn công việc nên không dính chị như keo nữa. Cuộc sống của ba mẹ con dần dần yên ổn.
Năm năm sau khi Di đi làm, sự yên ổn ấy chấm dứt.
Tháng Ba năm ngoái, Trăn ngã cầu thang ở quán trà, gãy xương đùi phải. Nhận được tin, Di cuống cuồng xin nghỉ, chạy vội đến bệnh viện. Chờ đợi cô ở bệnh viện lại là một tin còn đáng sợ hơn.
“Bà Trăn không phải gãy xương vì bị ngã, mà là ngã vì gãy xương.” Bác sĩ khám chính nói với Di. “Tôi ngờ là bà ấy mắc bệnh đa u tủy xương, phải kiểm tra chi tiết hơn.”
“Đa gì cơ?” Di ngớ ra trước cụm từ lạ.
“Đa u tủy xương… một dạng ung thư máu.”
Sau hai ngày nơm nớp chờ đợi, Di nhận được kết quả chẩn đoán. Trăn bị ung thư, hơn nữa còn là giai đoạn cuối, hóa trị hay cấy ghép tế bào gốc tạo máu đều vô ích. Bác sĩ dự đoán chỉ sống được nửa năm nữa là nhiều.
Thật ra Trăn đã thấy không khỏe từ lâu nhưng phớt lờ. Các triệu chứng của đa u tủy như thiếu máu, nhức xương, cơ thể mệt mỏi, Trăn lại nghĩ là viêm khớp và suy nhược do làm việc quá sức. Chị từng đi khám vì đau khớp, bác sĩ cũng chỉ chữa như các bệnh viêm và thoái hóa sụn thông thường, dù sao đa u tủy xương chủ yếu gặp ở đàn ông cao tuổi, chứ phụ nữ mới ngoài tứ tuần mắc bệnh này khá hiếm.
Di không ngờ mẹ lại mắc bệnh nan y. Trong mắt cô, Trăn mạnh mẽ hệt như bà Ursula vợ Jose Arcadio Buendia trong Trăm năm cô đơn, cho dù không sống được 100 tuổi thì cũng phải già đi thành cụ bà khỏe mạnh, chứng kiến con cháu trưởng thành và tự lập. Ngắm nhìn người mẹ đang nằm trên giường bệnh, cô giật mình nhận ra mẹ đã suýt soát 50 tuổi, không còn trẻ nữa, những vất vả bao năm qua đã ăn mòn cơ thể mẹ, vết chân chim hằn sâu như vết nứt trên vỏ cây khô héo. Cô nắm tay mẹ lặng lẽ ứa nước mắt, nhưng Trăn lại bình thản như không.
“Di, đừng khóc. May mà con khăng khăng đi làm luôn sau khi tốt nghiệp trung học, mẹ có ra đi cũng không lo hai chị em ăn không đủ no, mặc không đủ ấm…”
“Không, không, như vậy không được đâu…”
“Di, hứa với mẹ, con phải mạnh mẽ lên. Tiểu Văn là đứa mềm yếu, từ giờ việc chăm sóc em giao cả cho con.” Trăn không sợ chết, chị biết chồng chị đang đợi ở bờ bên kia. Điều duy nhất khiến chị nặng lòng là hai cô con gái.