Cuốn sách “Con đường tơ lụa: Lịch sử mới của thế giới” của Peter Frankopan là một trong 25 cuốn sách có ảnh hưởng nhất được dịch sang tiếng Trung trong vòng 40 năm qua. Cho đến nay, cuốn sách đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới, với hơn 1,5 triệu bản được bán ra.
Cuốn sách là một cuộc khảo sát toàn diện về Con đường tơ lụa, mạng lưới các tuyến đường thương mại trải dài từ châu Á sang châu Âu. Frankopan theo dõi lịch sử của Con đường tơ lụa từ thời cổ đại đến hiện đại, khám phá cách nó đã định hình thế giới theo những cách mà chúng ta thường không nhận ra.
Cuốn sách được ca ngợi vì cách tiếp cận toàn diện và dễ tiếp cận. Frankopan viết một cách rõ ràng và súc tích, khiến cho một chủ đề phức tạp trở nên dễ hiểu đối với người đọc bình thường.
Frankopan lập luận rằng Con đường tơ lụa mới là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông cũng thảo luận về tác động tiềm tàng của Con đường tơ lụa mới đối với nền kinh tế toàn cầu, địa chính trị và môi trường.
“NHỮNG CON ĐƯỜNG TƠ LỤA – Một lịch sử mới về thế giới” là một cuốn sách kịp thời và quan trọng. Nó cung cấp cho người đọc một cái nhìn hiểu biết về một trong những xu hướng quan trọng nhất đang định hình thế giới của chúng ta.
Mời bạn đón đọc Những Con Đường Tơ Lụa của tác giả Peter Frankopan
Các cuốn sách có thể bạn sẽ thích
—
Sự ra đời Của con đường tơ lụa
Từ khởi thủy của thời gian, vùng trung tâm châu Á đã là nơi tạo lập các đế quốc. Những vùng trũng bồi phù sa của Lưỡng Hà, được bồi đắp bởi sông Tigris và Euphrates, tạo nền tảng cho nền văn minh – bởi chính ở vùng này, những thị trấn và thành phố đầu tiên thành hình. Nông nghiệp có hệ thống phát triển ở vùng Lưỡng Hà và khắp “Lưỡi liềm Phì nhiêu”, một dải đất năng suất cao rất gần nguồn nước ngọt dồi dào, trải từ vịnh Ba Tư tới bờ Địa Trung Hải. Chính ở đây một số bộ luật thành văn đầu tiên đã được truyền bá gần 4.000 năm trước, dưới thời Vua Hammurabi của Babylon, trong bộ luật này ông đã nêu chi tiết nghĩa vụ dành cho các thần dân của ông và đề ra những hình phạt nghiêm khắc cho tội lỗi của họ*.
Dù đã có nhiều vương quốc và đế quốc mọc lên từ lò luyện này, nhưng đế quốc vĩ đại nhất vẫn là của người Ba Tư. Mở rộng nhanh chóng vào thế kỷ 6 trước Công nguyên từ một vùng đất ban đầu mà ngày nay nằm ở phía nam Iran, người Ba Tư đã áp chế các láng giềng, vươn ra đến bờ biển Aegea, chinh phục Ai Cập và mở rộng về phía đông tới tận dãy Himalaya. Theo đánh giá của sử gia Hy Lạp Herodotus, thành công của họ phần lớn là nhờ sự cởi mở. “Người Ba Tư có xu hướng áp dụng các phong tục nước ngoài rất mạnh mẽ”, ông viết: người Ba Tư sẵn sàng từ bỏ phong cách ăn mặc của riêng họ khi kết luận rằng thời trang của kẻ thù bị họ đánh bại là ưu việt hơn, vì thế họ đã mượn phong cách từ người Mede*, cũng như người Ai Cập*.
Con đường Tơ lụa thời cổ.
Việc sẵn sàng áp dụng những ý tưởng và cách làm mới là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện để người Ba Tư xây dựng một hệ thống hành chính cho phép họ điều hành suôn sẻ một đế quốc bao gồm rất nhiều dân tộc khác nhau. Một đội ngũ quan lại có học thức cai quản hiệu quả công việc hành chính trong đời sống hằng ngày của đế quốc, ghi chép mọi thứ từ những khoản chi trả cho người hầu của hoàng gia, tới phẩm chất và số lượng hàng hóa mua bán ở các khu chợ; họ cũng nhận trách nhiệm bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống đường sá dọc ngang đế quốc, một điều đáng ghen tị trong thế giới cổ đại*.
Một mạng lưới đường sá kết nối bờ biển Tiểu Á với Babylon, Susa với Persepolis, giúp người ta có thể đi được quãng đường hơn 1.600 dặm* chỉ trong một tuần lễ, một thành tựu được Herodotus coi là kỳ diệu; ông cũng ghi nhận rằng cả mưa, tuyết, cái nóng lẫn bóng đêm đều không thể làm chậm tốc độ truyền tin*. Đầu tư vào nông nghiệp và phát triển các kỹ thuật thủy lợi tiên phong để cải thiện năng suất mùa màng giúp nuôi dưỡng sự tăng trưởng ở các thành phố, cho phép nuôi sống những khối dân số ngày càng lớn bằng những cánh đồng xung quanh – không chỉ ở những vùng đất nông nghiệp màu mỡ hai bên bờ sông Tigris và Euphrates, mà cả ở các thung lũng do những con sông mạnh mẽ Oxus và Iaxartes tạo ra (giờ được gọi là Amy Darya và Syr Darya), cũng như ở đồng bằng sông Nile, sau khi quân đội Ba Tư chiếm được vùng này vào năm 525 trước Công nguyên. Đế chế Ba Tư là một vùng đất phồn thịnh kết nối Địa Trung Hải với quả tim châu Á.
Ba Tư tự coi mình là ngọn hải đăng của sự ổn định và công bằng, như văn bia bằng ba thứ tiếng khắc trên vách đá ở núi Behistun đã cho thấy. Văn bia được viết bằng tiếng Ba Tư, tiếng Elamite và tiếng Akkadian, ghi lại việc Darius Đại đế, một trong những nhà cai trị nổi tiếng nhất của Ba Tư, đã dẹp yên các cuộc nổi dậy và bạo loạn, đẩy lùi các cuộc xâm lăng từ nước ngoài và làm vừa lòng cả người nghèo lẫn người có thế lực như thế nào. Văn bia ra lệnh, hãy giữ cho đất nước được vững chãi và hãy chăm sóc cho người dân một cách công chính, vì công lý là nền tảng của vương quốc*. Sự khoan dung với những nhóm thiểu số đã trở thành huyền thoại, một nhà cai trị Ba Tư được gọi là “Đấng Cứu thế”, và người được “Thiên Chúa” ban phước, bởi những chính sách của ông đã giúp giải thoát người Do Thái khỏi cảnh lưu đày ở Babylon*.
Thương mại phát đạt ở Ba Tư cổ đại mang tới nguồn thu nhập cho phép các nhà cai trị chi trả cho các chiến dịch quân sự nhắm vào những nơi mang lại thêm nhiều nguồn tài nguyên cho đế quốc. Nó cũng cho phép họ chiều chuộng những sở thích xa hoa khét tiếng. Những công trình ngoạn mục được dựng lên ở các thành phố lớn như Babylon, Persepolis, Pasargadae và Susa, nơi vua Darius xây dựng một cung điện huy hoàng, sử dụng thứ gỗ mun chất lượng cao nhất và bạc từ Ai Cập, gỗ tuyết tùng từ Lebanon, vàng ròng từ Bactria, đá xanh và đá màu son từ Sogdiana, lam ngọc từ Khwarezm và ngà voi từ Ấn Độ*. Người Ba Tư nổi tiếng vì yêu thích những điều hoan lạc, và theo Herodotus, họ mà nghe thấy có thứ gì xa xỉ mới mẻ thì phải tìm cách hưởng cho bằng được*.
Làm cơ sở cho sự thịnh vượng chung về thương mại là một quân đội thiện chiến giúp mở mang các đường biên giới, nhưng đồng thời cũng cần để bảo vệ những đường biên giới đó. Ba Tư đối mặt với nhiều vấn đề dai dẳng từ phương Bắc, một thế giới do dân du mục thống trị, những kẻ sống với bầy gia súc trên những bình nguyên bán hoang mạc, tức các thảo nguyên, trải dài từ Hắc Hải qua Trung Á tới tận Mông Cổ. Những kẻ du mục đó nổi tiếng dữ tợn – người ta nói họ uống máu kẻ thù, may quần áo từ da đầu kẻ thù và đôi khi ăn thịt cả cha mẹ. Tuy nhiên, tương tác với dân du mục là một vấn đề phức tạp, vì cho dù nhiều người mô tả rằng họ lộn xộn và khó đoán, nhưng họ vẫn là những đối tác quan trọng cung ứng các loại động vật, nhất là những con ngựa tốt. Nhưng dân du mục có thể là nguyên do gây ra thảm họa, chẳng hạn Cyrus Đại đế, kiến trúc sư tạo lập Đế quốc Ba Tư vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, đã bỏ mạng khi đang tìm cách đàn áp người Scythia; một tác giả kể rằng thủ cấp của ông sau đó bị mang đi khắp nơi trong một mảnh da đẫm máu, để dập tắt cơn khát quyền lực đã khiến ông gây chuyện*.
Dẫu vậy, bước thụt lùi hiếm hoi đó không thể ngăn được sự mở rộng của Ba Tư. Những viên tư lệnh Hy Lạp nhìn về phương Đông vừa sợ hãi vừa kính nể, tìm cách học hỏi những chiến thuật của người Ba Tư trên chiến trường và áp dụng công nghệ của họ. Trong các vở kịch và áng văn mang chất sử thi tưởng niệm cuộc kháng chiến anh hùng trước những nỗ lực xâm lăng Hy Lạp, những tác giả như Aeschylus coi chiến thắng trước người Ba Tư là điều tôn vinh tài năng quân sự và minh chứng cho ân huệ của các vị thần*.
“Ta đã tới Hy Lạp”, Dionysus nói trong những lời mở đầu vở Bacchae (Những nữ tu của thần rượu vang), từ “phương Đông giàu có phi thường”, nơi mà những đồng bằng của Ba Tư tắm trong ánh nắng Mặt trời, nơi mà các thị trấn của Bactria được những bức tường bảo vệ, và nơi những tòa tháp tuyệt đẹp nhìn xuống bờ biển. Châu Á và phương Đông là những vùng đất mà Dionysus “khiêu vũ” với những điều huyền bí thiêng liêng rất lâu trước khi những điều đó xuất hiện ở Hy Lạp*.
Không ai háo hức học hỏi những công trình đó như Alexander xứ Macedon. Khi ông lên ngôi vào năm 336 trước Công nguyên sau khi phụ hoàng của ông, Vua Philip khôn ngoan, bị ám sát, vị thống lĩnh trẻ tuổi biết chắc ông sẽ hướng tới đâu để tìm kiếm vinh quang. Ông không phút nào để mắt tới châu Âu, nơi chẳng có gì cả: không thành phố, không văn hóa, không uy tín, không phần thưởng. Với Alexander, cũng như với mọi người Hy Lạp cổ đại, văn hóa, các ý tưởng và cơ hội – cũng như những mối đe dọa – tới từ phương Đông. Không có gì ngạc nhiên khi ánh mắt ông hướng tới cường quốc lớn nhất thời cổ đại: Ba Tư.
Sau khi đuổi các tổng đốc Ba Tư ra khỏi Ai Cập trong một cuộc tấn công chớp nhoáng vào năm 331 trước Công nguyên, Alexander bắt đầu một cuộc tấn công tổng lực vào trung tâm của đế chế này. Cuộc đối đầu quyết định diễn ra sau đó trong cùng năm trên những bình nguyên mù bụi vùng Gaugamela, gần thành phố Erbil tại Kurdistan thuộc Iraq ngày nay, nơi ông đã chiến thắng ngoạn mục trước đội quân Ba Tư hùng mạnh hơn nhiều dưới sự chỉ huy của Darius III – có lẽ đó là nhờ ông tràn đầy sinh lực sau một đêm ngon giấc: Theo Plutarch, Alexander khăng khăng phải nghỉ ngơi trước khi đối mặt kẻ thù, ông ngủ say tới mức những viên sĩ quan thuộc cấp đầy lo lắng phải lay ông dậy. Mặc bộ áo giáp ưa thích nhất, đội chiếc mũ bảo hộ thật đẹp, được đánh bóng tới mức “sáng như thứ bạc tinh khiết nhất”, tay phải chộp lấy thanh gươm tin cẩn, Alexander dẫn dắt đạo quân của ông tới một chiến thắng vang dội mở ra những cánh cửa dẫn vào một đế quốc*.
Là học trò của Aristotle, Alexander lớn lên với những kỳ vọng cao xa gánh trên vai. Ông đã không làm mọi người thất vọng. Sau khi các đạo quân Ba Tư bị đánh tan tác ở Gaugamela, Alexander tiến về phía đông. Hết thành phố này tới thành phố khác đầu hàng khi ông chiếm lấy những vùng lãnh thổ do đối thủ của ông kiểm soát trước đó. Những vùng đất to lớn, giàu có và tươi đẹp trong huyền thoại gục ngã trước người anh hùng trẻ tuổi. Babylon đầu hàng, những cư dân ở đó tung hoa phủ kín con đường dẫn tới thành phố vĩ đại, những án thờ bằng bạc chất đầy nhũ hương và nước hoa đặt bên vệ đường. Những chiếc lồng nhốt sư tử và báo được mang tới làm quà tặng*. Không lâu sau đó, tất cả những điểm dọc theo con đường hoàng gia kết nối những thành phố lớn của Ba Tư và mạng lưới thông tin liên lạc liên kết bờ biển của Tiểu Á với Trung Á đã thuộc về Alexander và người của ông.
Dù một số học giả hiện đại khinh thường, coi ông là “một gã thanh niên rượu chè be bét chuyên đi cướp bóc”, nhưng Alexander có vẻ tinh tế một cách đáng kinh ngạc khi giao tiếp với những vùng lãnh thổ và những dân tộc ông mới chinh phục*. Ông thường mềm mỏng khi xử lý các đức tin và tập tục tôn giáo bản địa, khoan dung và tôn trọng: Lấy ví dụ, người ta kể rằng ông đã nổi giận khi lăng mộ của Cyrus Đại đế bị mạo phạm, và ông không chỉ phục hồi nguyên trạng lăng mộ mà còn trừng phạt những kẻ đã làm nhơ bẩn thánh địa*. Alexander sắp xếp để Darius III có một tang lễ xứng đáng với địa vị và được chôn cất cạnh những nhà cai trị người Ba Tư sau khi thi thể vị vua này được tìm thấy trong một chiếc xe, bị sát hại bởi chính một bầy tôi của ông*.
Alexander có thể mở rộng lãnh thổ vì ông sẵn sàng dựa vào giới tinh hoa bản địa. Ông được cho là đã nói rằng: “Nếu chúng ta muốn không chỉ đi ngang qua châu Á mà giữ được châu Á, chúng ta phải cho người châu Á thấy sự nhân từ; chính sự trung thành của họ sẽ làm cho đế chế được ổn định và lâu bền”*. Những chức sắc và giới bô lão bản địa được tại vị để cai quản những thị trấn và những vùng lãnh thổ chinh phục được. Bản thân Alexander còn nhận các tước hiệu truyền thống và mặc y phục Ba Tư để nhấn mạnh sự chấp thuận của ông với phong tục địa phương. Ông háo hức thể hiện mình không phải là một kẻ chinh phục xâm lăng, mà là người thừa kế mới nhất của một đế chế cổ đại – bất chấp những lời chế nhạo mà những kẻ sẽ nói với bất kỳ ai muốn nghe rằng ông đã mang tới nỗi khốn khổ và nhấn chìm vùng đất trong máu*.
Điều quan trọng là hãy nhớ rằng phần lớn dữ liệu chúng ta có về những chiến dịch, thành công và chính sách của Alexander là từ các sử gia sau này, mà ghi chép của họ thường được lý tưởng hóa cao độ và đầy hồi hộp với sự nhiệt tình khi mô tả những kỳ công của vị thủ lĩnh trẻ*. Dẫu vậy, ngay cả khi chúng ta cần thận trọng với cách những nguồn tư liệu này nói về sự sụp đổ của Ba Tư, thì tốc độ Alexander mở rộng các đường biên giới liên tục về phía đông đã tự kể lên câu chuyện của riêng nó. Ông là người sáng lập đầy nhiệt huyết của những thành phố mới -những thành phố thường đặt theo tên ông, và giờ đây đã có những tên khác, như Herat (Alexandria ở Aria), Kandahar (Alexandria ở Arachosia) và Bagram (Alexandria ở Caucasum). Việc xây dựng những tiền đồn này – và sự tăng cường cho các tiền đồn khác xa hơn về phía nam, kéo dài tới thung lũng Fergana – đã tạo ra những cứ điểm mới dọc theo xương sống của châu Á.
Những thành phố mới với khả năng phòng ngự mạnh mẽ, cũng như những thành lũy và pháo đài đơn độc, chủ yếu được xây lên để đề phòng mối đe dọa từ các bộ lạc thảo nguyên vốn rất giỏi tổ chức những cuộc tấn công tàn phá các cộng đồng nông nghiệp. Alexander thiết kế chương trình pháo đài hóa này để bảo vệ những vùng đất mới vừa chinh phục được. Cũng chính trong thời gian này, những mối lo lắng tương tự đã dẫn tới những phản ứng giống hệt nhưng xa hơn về phía đông. Người Trung Quốc đã phát triển khái niệm Hoa Hạ, chỉ thế giới văn minh, chống lại thách thức từ những dân tộc vùng thảo nguyên. Một chương trình xây dựng quyết liệt đã mở rộng mạng lưới các pháo đài Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Chương trình này được thúc đẩy vì một nguyên tắc giống như của Alexander: mở rộng mà không phòng thủ là vô ích*.
Trở lại thế kỷ 4 trước Công nguyên, chính Alexander tiếp tục mở các chiến dịch không ngừng nghỉ, vu hồi qua rặng Hindu Kush và hành quân xuống thung lũng sông Ấn, lại dựng lên những thành trì có quân đóng giữ – dù giờ đây phải đối mặt với lời than vãn và phản đối thường xuyên của các binh lính đã kiệt sức và nhớ nhà. Từ quan điểm quân sự, những thành tựu của ông đến khi qua đời ở tuổi 32 tại Babylon vào năm 323 trước Công nguyên trong một tình huống vẫn đang bị che phủ trong bức màn bí ẩn là hết sức ngoạn mục*. Tốc độ và mức độ những cuộc chinh phục của ông thật đáng kinh ngạc. Cũng ấn tượng không kém – dù thường bị bỏ qua – là quy mô của di sản ông để lại, và cách những ảnh hưởng của Hy Lạp cổ đại trộn lẫn với của Ba Tư, Ấn Độ, Trung Á, và cả Trung Quốc nữa.
Dù cái chết đột ngột của Alexander kéo theo một giai đoạn hỗn loạn và đấu đá giữa các chỉ huy cấp cao của ông, một nhà lãnh đạo đã nhanh chóng nổi lên ở nửa phía đông của những vùng lãnh thổ mới: một sĩ quan sinh ở Bắc Macedonia tên là Seleucus, người đã tham gia vào mọi cuộc chinh phạt lớn của hoàng đế. Vài năm sau cái chết của thủ lĩnh, ông Seleucus đã trở thành tổng đốc của những vùng đất trải rộng từ sông Tigris tới sông Ấn; những vùng lãnh thổ lớn tới mức không giống vương quốc, mà như một đế quốc thật sự. Ông đã lập nên một triều đại, triều đại Seleucid, sẽ cai trị trong gần ba thế kỷ*. Những chiến thắng của Alexander thường xuyên và dễ dàng bị bỏ qua, vì người ta cho rằng đó là một chuỗi những thành tựu sáng chói nhưng ngắn ngủi, di sản của ông thường bị coi là phù du và tạm bợ. Nhưng chúng không hề là những thành tựu ngắn ngủi; mà là khởi đầu cho một chương mới của vùng đất nằm giữa Địa Trung Hải và dãy Himalaya.
Những thập niên tiếp sau cái chết của Alexander chứng kiến một chương trình Hy Lạp hóa từ từ và không thể nhầm lẫn, khi các ý tưởng, chủ đề và biểu tượng từ Hy Lạp cổ đại được du nhập vào phương Đông. Hậu duệ các viên tướng của ông nhớ về cội rễ Hy Lạp và tích cực nhấn mạnh vào cội rễ đó, chẳng hạn như việc đúc tiền ở xưởng đúc tại các đô thị lớn nằm trên những điểm chiến lược quan trọng dọc theo con đường giao thương hay các trung tâm nông nghiệp sôi động. Hình dáng những đồng xu đó được chuẩn hóa: hình ảnh đương kim quốc vương bên mặt phải, mái tóc quăn rủ xuống với vương miện trên đầu, và luôn nhìn về bên phải như Alexander, và mặt trái là hình ảnh thần Apollo, được minh định bằng các ký tự Hy Lạp*.
Có thể nghe – và nhìn thấy – tiếng Hy Lạp ở khắp Trung Á và thung lũng sông Ấn. Ở Ai Khanoum thuộc miền Bắc Afghanistan – một thành phố mới được Seleucus lập nên – những câu châm ngôn từ Delphi được khắc lên một tượng đài nói rằng:
Khi còn nhỏ, hãy ngoan ngoãn.
Khi thanh niên, hãy kiểm soát bản thân.
Khi trưởng thành, hãy công chính.
Khi già, hãy khôn ngoan.
Khi chết, hãy chết không đau đớn*.
Tiếng Hy Lạp được các quan chức sử dụng hằng ngày trong hơn một thế kỷ sau cái chết của Alexander, như các hóa đơn thuế và tài liệu liên quan tới tiền lương của binh sĩ ở Bactria vào khoảng năm 200 trước Công nguyên cho thấy*. Thật vậy, thứ ngôn ngữ đó đã xâm nhập sâu vào tiểu lục địa Ấn Độ. Một số chỉ dụ của nhà cai trị Đế chế Mauraya, Ashoka, người vĩ đại nhất trong số những nhà cai trị thuở sơ khai của Ấn Độ, được viết với bản dịch tiếng Hy Lạp song song, rõ ràng là để phục vụ cho dân cư địa phương*.
Sự trao đổi văn hóa đầy sinh động khi châu Âu và châu Á va chạm nhau thật đáng ngạc nhiên. Những bức tượng Phật bắt đầu xuất hiện chỉ sau khi việc thờ phụng Apollo đã được thiết lập ở thung lũng Gundhara và phía tây Ấn Độ. Những tín đồ Phật giáo cảm thấy bị đe dọa trước thành công của những nghi thức tôn giáo mới và bắt đầu tạo ra những hình ảnh thị giác của riêng họ. Thật vậy, có sự tương quan không chỉ về niên đại của những bức tượng Phật đầu tiên, mà còn trong dáng vẻ và thiết kế: có vẻ như Apollo là hình mẫu, tương tự là những tác động của Hy Lạp. Cho tới lúc đó, những người theo đạo Phật đã chủ động kiềm chế những cách thể hiện bằng hình ảnh; sự cạnh tranh giờ buộc họ phải phản ứng, vay mượn và sáng tạo*.
Một số ngai thờ bằng đá được trang trí bằng những câu khắc tiếng Hy Lạp, những hình ảnh của Apollo và những tiểu phẩm tinh tế bằng ngà voi mô tả Alexander ở vùng đất nay là miền Nam Tajikistan cho thấy ảnh hưởng từ phương Tây đã thâm nhập xa tới đâu*. Tương tự là những ấn tượng về sự ưu việt của văn hóa từ Địa Trung Hải truyền sang. Lấy ví dụ, những người Hy Lạp ở châu Á được người Ấn Độ công nhận là giỏi các môn khoa học: “Họ là những kẻ dã man”, một tác phẩm có tên Gārgī Samhitā cho biết, “nhưng khoa học thiên văn khởi nguồn từ họ và vì điều này, họ phải được sùng kính như những vị thần”*.
Theo Plutarch, Alexander đã đưa thần học Hy Lạp vào giảng dạy ở tận Ấn Độ, với kết quả là những vị thần của Olympus được thờ phụng khắp châu Á. Những nam thanh niên ở Ba Tư và xa hơn nữa lớn lên đọc Homer và “ngâm ngợi những bi kịch của Sophocles và Euripides”, trong khi tiếng Hy Lạp được giảng dạy ở thung lũng sông Ấn*. Đó có thể là lý do tại sao có thể tìm thấy những yếu tố vay mượn trong khắp các tác phẩm văn học vĩ đại. Lấy ví dụ, người ta cho rằng sử thi Rāmāyana, viết bằng tiếng Sanskrit (tiếng Phạn), vay mượn từ Iliad và Odyssey, đề tài Rāvaṇa bắt cóc nàng Sita là âm hưởng trực tiếp từ cuộc bỏ trốn của nàng Helen với chàng Paris thành Troy. Nhưng những ảnh hưởng và cảm hứng cũng tuôn chảy theo cả hướng khác nữa, một số học giả lập luận rằng trường ca Aeneid tới lượt nó lại chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm Ấn Độ, chẳng hạn như Mahābhārata*. Những ý tưởng, chủ đề và câu chuyện chảy theo những con đường, lan truyền theo những kẻ lữ hành, thương nhân và người hành hương: Những cuộc chinh phạt của Alexander mở đường khai tâm cho dân chúng ở những vùng đất ông chiếm đóng, cũng như những người ở bên rìa và xa hơn nữa, những người được tiếp xúc với những ý tưởng mới, hình ảnh mới và khái niệm mới.
Ngay cả những nền văn hóa ở các thảo nguyên hoang vu cũng bị ảnh hưởng, như có thể thấy rõ qua những đồ tùy táng tinh tế được chôn cùng các nhân vật có địa vị cao ở những nấm mộ Tilya Tepe thuộc miền Bắc Afghanistan, cho thấy ảnh hưởng nghệ thuật từ Hy Lạp – cũng như từ Siberia, Ấn Độ và xa hơn nữa. Những món đồ xa xỉ được bán cho thế giới của dân du mục, đổi lấy gia súc và ngựa, đôi khi được dùng làm cống phẩm để đổi lấy hòa bình*.
Sự kết nối các thảo nguyên thành một thế giới tương thuộc và tương liên đã được tăng tốc nhờ những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Dưới thời nhà Hán (206 trước Công nguyên – 220), những làn sóng mở rộng đã đẩy các đường biên giới đi xa hơn nữa, dần lan tới một tỉnh lúc đó có tên là Tây Vực (hay “vùng phía tây”), mà ngày nay là Tân Cương (“biên giới mới”). Vùng này nằm dọc hành lang Cam Túc, một con đường dài 600 dặm* nối Trung Quốc nội địa với thành phố ốc đảo Đôn Hoàng, một ngã ba đường ở rìa sa mạc Taklamakan. Ở ngã ba này, có thể lựa chọn đường đi về hướng bắc hoặc hướng nam, cả hai đường đều hung hiểm, rồi gặp nhau ở Kashgar, cũng là một giao điểm của dãy Himalaya, dãy Pamir, rặng Thiên Sơn và dãy Hindu Kush*.
Sự mở rộng những đường chân trời của Trung Quốc đã kết nối châu Á lại với nhau. Cho tới lúc bấy giờ, những mạng lưới đường sá ấy bị người Nguyệt Chi và nhất là người Hung Nô ngăn cản; đây là những bộ tộc du mục giống như người Scythia ở Trung Á, là nguồn gốc của mối lo lắng liên tục, nhưng đồng thời cũng là những đối tác buôn bán gia súc quan trọng: Vào thế kỷ 2 trước Công nguyên, các tác giả thời Hán viết rằng hàng chục nghìn đầu gia súc đã được mua từ những dân tộc vùng thảo nguyên*. Nhưng chính nhu cầu mua ngựa từ Trung Quốc mới là điều không thể thỏa mãn, nhu cầu này được thôi thúc bởi yêu cầu duy trì một lực lượng quân đội thường trực hữu hiệu để đảm bảo trật tự trong nội bộ Trung Quốc và đủ sức đáp lại những cuộc tấn công và tập kích của người Hung Nô và các bộ lạc khác. Ngựa từ miền Tây Tân Cương rất cao giá và có thể làm nên cơ nghiệp cho các thủ lĩnh các bộ lạc. Trong một lần như thế, một thủ lĩnh người Nguyệt Chi đã đổi những con ngựa lấy một lượng hàng hóa lớn mà sau đó ông ta bán lại cho những người khác, kiếm lãi gấp mười*.
Những con ngựa nổi tiếng và giá trị nhất được gây giống ở thung lũng Fergana phía bên kia rặng Pamir hùng vĩ nằm vắt qua vùng mà giờ là đông Tajikistan và Đông Bắc Afghanistan. Chúng rất được ngưỡng mộ vì sự mạnh mẽ. Các tác giả Trung Quốc mô tả chúng lấy giống từ rồng* và được gọi là hãn huyết mã hay “mồ hôi máu” – vì mồ hôi có màu đỏ đặc trưng, do một loại ký sinh trùng bản địa hay bởi những con ngựa này có da mỏng khác thường nên dễ bị vỡ mạch máu khi vận động mạnh. Một số giống ngựa tốt đặc biệt trở nên nổi tiếng, thành đề tài cho thi ca, kiến trúc và hội họa, thường được gọi là thiên mã – ngựa trời*. Một số thậm chí còn được chủ nhân chúng mang theo sang kiếp sau: Một hoàng đế đã được chôn cùng với tám mươi con ngựa nòi ông ưa thích nhất – tại nơi chôn cất có hai bức tượng ngựa đực và một tượng lính đất nung canh gác*.
Những mối quan hệ với Hung Nô, bộ tộc sống dọc theo một vùng rộng lớn từ thảo nguyên Mông Cổ đến đồng cỏ miền Bắc Trung Quốc, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các sử gia đương thời mô tả các bộ lạc này là man rợ, ăn thịt sống và uống máu; một tác giả nói họ là một dân tộc “bị trời bỏ rơi”*. Người Trung Quốc tỏ ra sẵn sàng triều cống thay vì chấp nhận rủi ro để các thành phố của họ bị tấn công. Các phái đoàn thường xuyên được cử sang thăm những bộ tộc du mục này (những người mà từ nhỏ đã được rèn săn chuột và chim, rồi sau đó là săn cáo và thỏ), và Hoàng đế Trung Hoa còn lịch sự vấn an sức khỏe của thủ lĩnh bộ tộc*. Một hệ thống triều cống chính thức được xây dựng, theo đó dân du mục được tặng những món quà xa xỉ như gạo, rượu và lụa là để đổi lấy hòa bình, cống vật quan trọng nhất là lụa, thứ vải mà dân du mục rất quý chuộng vì sớ vải mềm mịn có thể dùng lót giường hay may quần áo. Đó cũng là một biểu tượng của quyền lực chính trị và xã hội: Bao bọc trong những lụa là quý báu thùng thình là một cách quan trọng để Thiền Vu (thủ lĩnh tối cao của các bộ tộc) nhấn mạnh địa vị và tưởng thưởng cho bầy tôi*.
Chi phí đổi lấy hòa bình là rất lớn. Vào năm 1 trước Công nguyên chẳng hạn, người Hung Nô được ban tặng 30.000 súc lụa và một lượng nguyên liệu thô tương đương, cùng 370 món quần áo*. Một số quan lại Trung Quốc muốn tin rằng nỗi khát khao đồ xa xỉ của các bộ tộc cho thấy sự suy sụp của họ. “Giờ [các người] đã thích thú những thứ của Trung Quốc”, một phái bộ ngang nhiên nói với một thủ lĩnh bộ tộc rằng phong tục Hung Nô sẽ thay đổi. Trung Quốc “cuối cùng sẽ chiến thắng và thâu tóm toàn bộ Hung Nô”, ông ta tiên đoán một cách tự tin*.
Đó là một suy nghĩ ảo tưởng. Thật vậy, nền ngoại giao duy trì hòa bình và quan hệ hữu hảo gây ra thiệt hại cả về tài chính lẫn chính trị: Triều cống khá tốn kém và là một dấu hiệu của sự yếu ớt về chính trị. Vì thế không lâu sau đó, các nhà cai trị triều Hán Trung Quốc quyết tâm xử lý vấn đề Hung Nô một lần và mãi mãi. Đầu tiên, một nỗ lực có tính toán được thực hiện nhằm kiểm soát những vùng phía tây giàu có về nông nghiệp thuộc Tây Vực; người du mục bị đẩy lùi khi người Trung Quốc kiểm soát hành lang Cam Túc trong hàng loạt các chiến dịch kéo dài một thập niên và kết thúc vào năm 119 trước Công nguyên. Ở phía tây là rặng Pamir và bên ngoài đó là một thế giới mới. Trung Quốc đã mở ra cánh cửa dẫn tới một mạng lưới liên châu lục; đó là khoảnh khắc khai sinh Những Con đường Tơ lụa.
Sự mở rộng của Trung Quốc chứng kiến sự nổi lên những mối quan tâm tới những gì ở phía xa. Các quan chức được giao nhiệm vụ điều tra và viết báo cáo về những vùng đất bên ngoài các rặng núi. Một tài liệu như thế còn tồn tại đến ngày nay là Sử ký (những ghi chép lịch sử) của Tư Mã Thiên, con trai của một thái sử (sử gia cung đình), người vẫn tiếp tục những ghi chép của ông ngay cả sau khi ông đã bị làm nhục và bị hoạn vì dám lên tiếng bảo vệ một viên tướng trẻ bốc đồng đã đẩy đạo quân của mình vào thất bại*. Ông cẩn thận ghi lại những gì ông phát hiện được về lịch sử, những nền kinh tế và những đạo quân của những dân tộc ở thung lũng sông Ấn, Ba Tư và Trung Á. Ông ghi nhận, những vương quốc ở Trung Á yếu kém vì áp lực từ dân du mục bị thay thế bởi thế lực của Trung Quốc vốn đang hướng sự chú ý của họ sang nơi khác. Những cư dân của các vương quốc này “kém cỏi trong chiến đấu”, ông viết, “nhưng khôn ngoan khi buôn bán”, với những khu chợ phát đạt ở thủ đô Bactra, “nơi đủ loại hàng hóa được mua bán”*.
Thương mại giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài đã phát triển chậm chạp. Lặn lội qua những con đường ở rìa sa mạc Gobi là không dễ dàng, nhất là bên ngoài Ngọc Môn Quan, cửa khẩu biên giới mà qua đó các đoàn thương buôn đi tiếp về hướng tây. Vượt qua hết ốc đảo này tới ốc đảo khác dọc theo một địa hình bất trắc là đầy khó khăn dù cho họ có đi qua đường sa mạc Taklamakan hay qua những con đường đèo của rặng Thiên Sơn hay xuyên dãy Pamir. Họ phải vượt qua những cực đoan về nhiệt độ – một lý do khiến lạc đà Bactria được đánh giá cao. Đủ cứng cỏi để can đảm vượt qua những điều kiện khắc nghiệt của sa mạc, những con vật này còn biết trước những trận bão cát chết người, một tác giả nhận xét, và “ngay lập tức đồng loạt gầm ghè” – một dấu hiệu để những nhà buôn và những người dẫn đầu đoàn thương nhân “che kín mũi và miệng bằng vải”. Tuy nhiên, lạc đà rõ ràng cũng có thể là một cỗ máy dự báo thời tiết sai; các nguồn tư liệu kể về những đường mòn với chi chít xương lạc đà và xương người*. Trong những tình cảnh khó khăn như thế, phần thưởng phải rất cao để chấp nhận rủi ro. Dù tre trúc và vải vóc làm ra ở Tứ Xuyên có thể được bán cách đó hàng nhiều nghìn dặm ở những khu chợ của Bactria nhưng chủ yếu những hàng hóa hiếm và giá trị cao mới được vận tải qua những khoảng cách dài*.