Cuốn sách “Những Vị Thần Nước Mỹ” của tác giả Neil Gaiman đã đạt được thành công vang dội trong việc tái sáng tạo, đồng thời khẳng định tầm quan trọng lâu dài của văn chương kỳ ảo trong thời đại ngày nay.
Câu chuyện xoay quanh Shadow, một người đàn ông sắp mãn hạn tù. Anh ôm ấp niềm hy vọng về một cuộc sống bình dị bên người vợ yêu dấu. Tuy nhiên, bi kịch ập đến khi anh nhận tin vợ mình qua đời trong một tai nạn xe. Trên chuyến bay trở về, Shadow gặp gỡ Wednesday, một ông lão bí ẩn tự xưng là thần Odin và đề nghị anh làm vệ sĩ. Dần dần, Shadow bị cuốn vào trận chiến kinh thiên động địa giữa các vị thần trong lòng nước Mỹ hiện đại.
Điểm độc đáo của “Những Vị Thần Nước Mỹ” nằm ở khả năng tạo dựng thế giới hư cấu độc đáo của Neil Gaiman. Vị tác giả tài ba này đã đan xen một cách khéo léo và tinh vi hai thế giới tưởng chừng đối lập: thực tại và kỳ ảo.
Thế giới thực tại trong tác phẩm hiện lên vô cùng gần gũi và bình thường: Shadow, với những lo toan, trăn trở của một người đàn ông vừa trải qua biến cố lớn, bước vào cuộc sống mới. Bối cảnh nước Mỹ hiện đại với những vấn đề xã hội được đề cập một cách chân thực.
Tuy nhiên, ẩn sâu bên dưới bề mặt thực tại ấy là một thế giới kỳ ảo đầy biến ảo và huyền bí: thế giới của các vị thần, với những cuộc chiến tranh giành quyền lực, những mưu mô toan tính và những phép thuật phi thường. Neil Gaiman đã đưa vào tác phẩm những vị thần đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng và đầy màu sắc.
Sự kết hợp hài hòa giữa thực tại và kỳ ảo chính là điểm nhấn tạo nên sức hút cho “Những Vị Thần Nước Mỹ.” Neil Gaiman đã dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khơi gợi trí tưởng tượng và khiến họ say mê khám phá thế giới kỳ ảo ẩn giấu trong lòng nước Mỹ.
Bên cạnh yếu tố kỳ ảo, “Những Vị Thần Nước Mỹ” còn chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống, về niềm tin và sự lựa chọn. Neil Gaiman đã đặt ra những câu hỏi về bản chất của con người, về sự tồn tại của các vị thần và về ý nghĩa của cuộc sống.
Với “Những Vị Thần Nước Mỹ,” Neil Gaiman đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng của văn chương kỳ ảo trong thời đại ngày nay. Tác phẩm không chỉ mang đến cho người đọc những giây phút giải trí hấp dẫn mà còn khiến họ suy ngẫm về nhiều vấn đề của cuộc sống.
Có thể nói, “Những Vị Thần Nước Mỹ” là một tác phẩm xuất sắc, một viên ngọc quý trong kho tàng văn học kỳ ảo thế giới. Tác phẩm là minh chứng cho tài năng sáng tạo của Neil Gaiman và sức sống mãnh liệt của thể loại kỳ ảo trong thời đại mới.
—
PHẦN MỘT: Những cái bóng
CHƯƠNG MỘT
Ranh giới của đất nước chúng tôi ư, thưa ngài? Kìa, ở phía Bắc chúng tôi có biên giới là Bắc Cực Quang, ở phía Đông chúng tôi có biên giới vầng dương đang mọc, ở phía Nam chúng tôi có biên giới là các kỳ Xuân phân, Thu phân luân chuyển, và ở phía Tag biên giới là Ngày Phán xử. – Người Mỹ trong Sách cười của Joe Miller
Shadow[*] đã ở tù được ba năm. Anh to con và nhìn có vẻ đừng-giỡn-mặt-tao, đủ để vấn đề lớn nhất của anh chỉ là giết thời gian. Vì vậy anh tập thể dục, tự học làm ảo thuật bằng đồng xu và nghĩ rất nhiều về việc anh yêu vợ ra sao.
Cái hay nhất – và theo ý của Shadow thì có lẽ là cái hay duy nhất – về việc ở tù là cảm giác nhẹ nhõm. Cái cảm giác rằng anh đã sa xuống sâu nhất có thể và đã chạm đáy rồi. Anh không cần phải lo mình sẽ bị bắt nữa, vì anh đã bị bắt. Anh không cần phải sợ ngày mai sẽ đem đến điều gì nữa, vì ngày hôm qua đã đem nó đến.
Shadow quyết định rằng ta có làm cái điều ta bị buộc tội hay không cũng không quan trọng. Theo kinh nghiệm của anh, tất cả những người anh gặp trong tù đều phiền muộn vì điều gì đó: luôn có điều gì đó mà chính quyền đã sai, một điều họ nói ta đã làm trong khi ta không làm – hoặc không làm đúng như họ nói. Điều quan trọng là họ đã bắt được ta.
Anh đã nhận ra điều đó trong những ngày đầu tiên, khi tất thảy mọi thứ, từ tiếng lóng cho đến thức ăn dở ẹc, đều mới mẻ. Bất chấp nỗi khốn khổ và cảm giác kinh hoàng rợn người của việc ở tù, anh vẫn hít thở đầy nhẹ nhõm.
Shadow cố không nói quá nhiều. Đến khoảng giữa năm thứ hai thì anh mới nhắc tới giả thuyết của mình với Low Key Lyesmith, tay bạn cùng xà lim.
Low Key, một tay lừa đảo đến từ Minnesota, mỉm cười bằng cái miệng có sẹo. “Ừ,” hắn nói. “Đúng đấy. Còn tốt hơn nếu mày bị tuyên án tử hình. Khi ấy mày sẽ nhớ ra truyện cười về mấy thằng cha đá ủng đi khi thòng lọng siết quanh cổ, vì bọn bạn luôn nói chúng nó sẽ chết mà vẫn đi ủng[*].”
“Đấy là truyện cười à?” Shadow hỏi.
“Chứ còn gì nữa. Truyện cười giá treo cổ. Loại hay nhất đấy – rầm, thế là ăn án tử. Mày mất vài ngày mới ngấm được cái tin đó, rồi sau đó mày được cưỡi xe để đi làm trò nhún nhảy trên không.”
“Lần cuối họ treo cổ phạm nhân ở bang này là khi nào?” Shadow hỏi.
“Tao biết thế quái nào được?” Lyesmith luôn cạo mái tóc màu đỏ cam của mình gần như trụi lủi. Ta có thể thấy từng cái rãnh trên hộp sọ của hắn. “Nhưng tao bảo nhé. Đất nước này đã xuống địa ngục kể từ khi chúng nó thôi treo cổ phạm nhân. Hết giá treo. Hết kèo, treo mõm.”
Shadow nhún vai. Anh chẳng thấy án tử hình có gì là lãng mạn.
Anh nghĩ, nếu không bị án tử hình, thì nhà tù giỏi lắm cũng chỉ là một đợt ân xá tạm thời khỏi đời, vì hai lý do. Thứ nhất, đời vẫn luôn lọt vào nhà tù. Đừng tưởng bị loại khỏi cuộc chơi rồi thì ta không rơi xuống sâu hơn được nữa; sự sống vẫn tiếp diễn, dù là sự sống dưới kính hiển vi, hay đời sống trong một cái xà lim. Và thứ hai, nếu ta vẫn không nản chí, thì đằng nào một ngày nào đó họ chẳng phải thả ta ra.
Mới đầu tự do còn quá xa xôi để Shadow có thể tập trung vào nó. Rồi nó trở thành một tia hy vọng xa xăm, và anh học được cách tự nhủ “việc này rồi cũng sẽ qua” khi những chuyện khốn nạn trong tù xảy ra, như những chuyện khốn nạn trong tù vẫn luôn như vậy. Một ngày kia cánh cửa thần kỳ sẽ mở và anh sẽ bước qua nó. Vậy là anh đánh dấu từng ngày trên cuốn lịch Các loài chim biết hót ở Bắc Mỹ, cuốn lịch duy nhất được bán ở kho nhu yếu phẩm của nhà tù, và mặt trời lặn anh không để ý rồi mặt trời mọc anh cũng không để ý. Anh tập các trò ảo thuật với đồng xu học từ một cuốn sách anh tìm thấy trong cái thư viện cằn cỗi của nhà tù; anh tập thể dục; và anh lập ra trong đầu danh sách những việc anh sẽ làm khi ra tù.
Danh sách của Shadow ngày một ngắn lại. Sau hai năm, anh chỉ còn lại ba việc.
Thứ nhất, anh sẽ tắm. Ngâm mình thật lâu, thật ra trò, trong bồn tắm đầy bọt. Có thể đọc báo hoặc không. Có ngày anh nghĩ mình sẽ đọc, có ngày anh lại nghĩ là không.
Thứ hai, anh sẽ lau mình cho khô rồi mặc áo choàng vào. Có thể đi dép nữa. Anh thích ý nghĩ về đôi dép. Nếu anh hút thì lúc đó anh sẽ hút bằng tẩu, nhưng anh không hút. Anh sẽ bế bổng vợ mình lên (“Cún con,” cô sẽ ré lên với vẻ sợ hãi giả tạo và thích thú thực sự, “anh đang làm gì thế?”). Anh sẽ bế cô vào phòng ngủ, và đóng cửa lại. Họ sẽ gọi điện đặt pizza nếu thấy đói.
Thứ ba, sau khi anh và Laura ra khỏi phòng ngủ, có lẽ là sau hai, ba ngày, anh sẽ giữ mình và tránh xa mọi rắc rối cho đến hết đời.
“Rồi khi đó mày sẽ hạnh phúc chứ?” Low Key Lyesmith hỏi. Hôm đó họ đang làm việc trong xưởng của nhà tù, lắp máng cho chim ăn, một việc chẳng thú vị hơn việc dập biển số xe là mấy.
“Chẳng kẻ nào hạnh phúc,” Shadow đáp, “cho tới khi hắn chết.”
“Herodotus,” Low Key nói. “Này, mày học được rồi đấy.”
“Herodotus là thằng chết mẹ nào?” Iceman hỏi, lắp hai mặt bên vào cái máng rồi chuyển nó cho Shadow để anh bắt vít và vặn chặt.
“Một ông Hy Lạp đã chết,” Shadow nói.
“Con bồ cũ của tao người Hy Lạp,” Iceman nói. “Gia đình nó ăn toàn thứ quái gở. Không thể tin được. Kiểu như cơm gói trong lá ấy. Những thứ đại loại thế.”
Iceman có kích cỡ và hình thù của một cái máy bán nước tự động, với cặp mắt xanh và mái tóc sáng màu đến nỗi nhìn gần như trắng. Hắn đập bể ruột một thằng cha nào đó đã phạm sai lầm là sờ mó cô bồ của hắn ở quán bar nơi cô ta làm vũ công và Iceman làm bảo kê. Bạn thằng cha đó gọi cảnh sát, cảnh sát bắt Iceman và khi kiểm tra thì phát hiện ra Iceman đã lợi dụng chương trình làm việc ngoài trại giam mà bỏ trốn mười tám tháng trước.
“Thế tao biết làm gì đây?” Iceman đã rầu rĩ nói sau khi hắn kể cho Shadow nghe toàn bộ câu chuyện buồn ấy. “Tao đã bảo thằng đó cô ấy là bồ của tao. Chẳng lẽ tao lại để cho nó láo với tao như thế? Phải không? Ý tao là, tay nó sờ soạng khắp người cô ấy.”
Shadow đã nói một câu gì vô nghĩa, kiểu “Chắc thế,” và không nói gì thêm. Một điều anh sớm học được là ở tù ta hãy lo chịu án của mình. Đừng có chịu án cho kẻ khác.
Tránh xa rắc rối. Chịu án của mình.
Mấy tháng trước, Lyesmith đã cho Shadow mượn cuốn Lịch sử của Herodotus, bản bìa mềm cũ nát. “Không chán đâu. Hay lắm,” hắn nói khi Shadow kêu anh không đọc sách. “Cứ đọc đi, rồi cho tao biết là có hay không.”
Shadow nhăn mặt, nhưng rồi anh vẫn đọc, và bị cuốn vào cuốn sách dù không muốn.
“Bọn Hy Lạp,” Iceman nói về kinh tởm. “Và mấy chuyện đồn thổi về bọn chúng cũng chẳng đúng đâu. Tao thử chơi con bồ tao từ đằng sau, nó suýt móc cả mắt tao ra.”
Một hôm Lyesmith bất ngờ bị chuyển đi, không báo trước. Hắn để lại cuốn Herodotus cho Shadow. Giữa các trang giấy có vài đồng xu: hai đồng hai mươi lăm xu, một đồng một xu, một đồng năm xu. Tiền xu là hàng cấm: ta có thể mài sắc cạnh đồng xu bằng một hòn đá để rạch mặt kẻ khác khi đánh nhau. Shadow không cần vũ khí; anh chỉ cần có việc cho hai bàn tay.
Shadow không mê tín. Anh không tin vào bất kỳ điều gì anh không thấy được. Nhưng anh vẫn cảm thấy tai họa đang lơ lửng đâu đó trên nhà tù trong những tuần cuối đó, giống như anh đã cảm thấy nó trong những ngày trước vụ cướp. Anh cảm thấy một cảm giác trống rỗng nơi thượng vị, mà anh tự nhủ đấy chỉ là nỗi sợ khi phải quay về với thế giới bên ngoài. Nhưng anh không chắc. Anh trở nên nghi ngại hơn bình thường, mà trong nhà tù thì bình thường nghĩa là rất nhiều, và là một kỹ năng sống sót. Anh trở nên lặng lẽ hơn, lẩn khuất hơn trước kia. Anh thấy mình quan sát ngôn ngữ hình thể của đám lính canh, của các tù nhân khác, tìm kiếm manh mối về điều tồi tệ sắp xảy ra, bởi anh chắc chắn nó sẽ xảy ra.
Một tháng trước khi mãn hạn tù. Shadow ngồi trong một văn phòng lạnh lẽo, đối mặt với một người đàn ông thấp bé có vết chàm trên trán. Họ ngồi đối diện nhau ở một cái bàn; người đàn ông có tập hồ sơ của Shadow mở ra trước mặt, tay cầm cái bút bi. Đầu bút đã bị cắn nham nhở.
“Anh lạnh không, Shadow?”
“Có,” Shadow đáp. “Một chút thôi.”
Người đàn ông nhún vai. “Hệ thống là thế đấy,” ông ta nói. “Không được bật lò sưởi trước mồng một tháng Mười hai. Rồi đến mồng một tháng Ba là phải tắt. Luật thế đành phải chịu.” Ông ta lướt ngón trỏ dọc theo tờ giấy ghim ở bên trong phía trái của tập hồ sơ. “Anh ba mươi hai tuổi?”
“Thưa vâng.”
“Trông anh trẻ hơn tuổi đấy.”
“Nhờ sống điều độ.”
“Ở đây có nói anh là một tù nhân mẫu mực.”
“Tôi đã nhận được bài học, thưa ngài.”
“Thật ư? Thật không đấy?” Ông ta chăm chú nhìn Shadow, vết chàm trên trán hạ xuống thấp. Shadow tính kể cho ông ta nghe vài giả thuyết của anh về nhà tù, nhưng anh không nói gì. Anh chỉ gật đầu và tập trung vào việc tỏ ra ăn năn thật sự.
“Ở đây có nói anh đã có vợ, Shadow.”
“Tên cô ấy là Laura.”
“Mọi chuyện ở nhà thế nào?”
“Khá ổn. Cô ấy khá bực lúc tôi bị bắt. Nhưng cô ấy cố năng đến thăm tôi hết mức có thể – đường xa quá. Chúng tôi viết thư cho nhau và tôi gọi điện cho cô ấy khi nào có thể.”
“Vợ anh làm nghề gì?”
“Cô ấy làm ở đại lý du lịch. Đưa mọi người đi khắp thế giới.”
“Hai người gặp nhau như thế nào?”
Shadow không hiểu sao ông ta lại hỏi thế. Anh định bảo đó không phải là việc của ông ta, rồi đáp, “Cô ấy là bạn thân của vợ bạn thân của tôi. Họ mai mối cho chúng tôi. Chúng tôi hợp nhau ngay.”
“Và anh có việc làm đang đợi sẵn rồi chứ?”
“Vâng. Anh bạn tôi, Robbie, người tôi vừa kể đấy, anh ấy sở hữu trang trại Cơ Bắp, chỗ tôi từng tập. Anh ấy nói vị trí cũ vẫn để trống chờ tôi.”
Một bên mày nhướng lên. “Thật ư?”
“Anh ấy bảo tôi sẽ hút khách. Kéo về mấy khách cũ và thu hút đám ngầu chiến muốn trở nên ngầu hơn nữa.”
Người đàn ông có vẻ hài lòng. Ông ta nhai đầu cây bút bi, rồi giở tờ giấy.
“Anh cảm thấy thế nào về tội của mình?”
Shadow nhún vai. “Tôi đã thật ngu ngốc,” anh nói, và nói thật lòng.
Người đàn ông có vết chàm thở dài. Ông ta đánh dấu vài mục trên một danh sách. Rồi ông ta lật qua tập hồ sơ của Shadow. “Anh sẽ về nhà bằng cách nào?” ông ta hỏi. “Xe buýt Greyhound à?”
“Tôi đi máy bay. Có vợ làm ở đại lý du lịch cũng có cái lợi.” Người đàn ông nhíu mày làm vết chàm nhăn nhúm lại. “Cô ấy gửi vé cho anh à?”
“Không cần phải thế. Cô ấy chỉ gửi tôi số xác nhận. Vé điện tử. Tôi chỉ cần xuất hiện ở sân bay trong vòng một tháng và chìa căn cước ra cho họ là xong.”
Người đàn ông gật đầu, viết nguệch ngoạc ghi chú cuối cùng, rồi đóng tập hồ sơ lại và đặt cây bút bi xuống. Hai bàn tay trắng xanh đặt trên cái bàn màu xám trông như hai con vật hồng hồng. Ông ta chắp tay vào nhau, đầu ngón tay chụm lại, và nhìn Shadow bằng cặp mắt màu hạt dẻ ươn ướt.
“Anh may mắn đấy,” ông ta nói. “Anh có người đợi ở nhà, anh có công ăn việc làm sẵn sàng. Anh có thể bỏ lại nơi này sau lưng. Anh có một cơ hội thứ hai. Hãy tận dụng nó hết mức có thể.”
Ông ta không chìa tay ra để bắt tay Shadow khi đứng lên rời đi, và Shadow cũng không mong ông ta sẽ làm thế.
Tuần cuối cùng là tệ hơn cả. Theo một cách nào đó thì nó còn tệ hơn cả ba năm trước dồn lại. Shadow tự hỏi có phải là do thời tiết không: nặng nề, u ám, và lạnh lẽo. Có cảm giác như một cơn bão sắp đến, nhưng cơn bão không bao giờ đến. Anh thấy bồn chồn và ngột ngạt, một cảm giác sâu thẳm trong tâm can rằng có điều gì đó cực kỳ không ổn. Ngoài sân tập, gió giật từng cơn. Shadow tưởng có thể ngửi thấy mùi tuyết trong không khí.
Anh gọi về cho vợ, cuộc gọi do người nhận trả tiền. Shadow biết các công ty điện thoại luôn tính thêm ba đô cho mỗi cuộc gọi đến từ điện thoại trong tù. Shadow nghĩ chính vì thế mà những người trực tổng đài luôn hết sức lịch sự với những người gọi điện từ trong tù: họ biết anh trả lương cho họ.
“Có điều gì đó lạ lắm,” anh nói với Laura. Thực ra đó không phải là cầu đầu tiên anh nói với cô. Câu đầu tiên là “Anh yêu em,” vì nếu ta có thể nói câu đó thật lòng thì thật tốt, và Shadow nói thế.
“Chào anh,” Laura nói. “Em cũng yêu anh. Cái gì lạ cơ?”
“Anh không biết nữa,” anh đáp. “Có lẽ là thời tiết. Có cảm giác như nếu bão được một trận là sẽ ổn.”
“Ở nhà dễ chịu lắm,” cô nói. “Lá vẫn chưa rụng hết. Nếu trời không bão thì anh sẽ thấy chúng khi về đến nhà.”
“Năm ngày nữa thôi,” Shadow nói.
“Một trăm hai mươi giờ, rồi anh sẽ về nhà,” cô nói.
“Mọi việc ở nhà đều ổn chứ? Không có chuyện gì chứ?”
“Ổn cả. Tối nay em sẽ gặp Robbie. Bọn em đang chuẩn bị tiệc bất ngờ mừng anh về nhà.”
“Tiệc bất ngờ ấy à?”
“Tất nhiên rồi. Anh không biết gì về nó, phải không nào?”
“Chẳng biết tí gì.”
“Thế mới là chồng em chứ,” cô nói. Shadow nhận ra anh đang mỉm cười. Anh đã ở tù được ba năm, vậy mà cô vẫn có thể khiến anh mỉm cười.
“Yêu em, cưng ạ,” Shadow nói.
“Yêu anh, cún con ạ,” Laura nói.
Shadow dập máy.
Khi họ mới cưới, Laura bảo với Shadow rằng cô muốn nuôi một con cún, nhưng ông chủ nhà nói rằng theo điều khoản thuê nhà, họ không được phép nuôi thú cưng. “Thôi,” lúc đó Shadow đã nói, “anh sẽ là cún của em. Em muốn anh làm gì? Nhai dép của em nhé? Tè bậy lên sàn bếp nhé? Liếm mũi em nhé? Ngửi mông em nhé? Anh cá là chẳng có gì con cún làm được mà anh không làm được đâu!” Và anh bế bổng cố lên như thể cô nhẹ bỗng và bắt đầu liếm mũi cô trong lúc cô cười ré lên, rồi anh đưa cô vào giường.
Trong căng tin, Sam Fetisher len lén đến bên Shadow và cười, khoe bộ răng cải mả. Lão ngồi xuống cạnh Shadow và bắt đầu ăn món mì nui với pho mát.
“Ta phải nói chuyện,” Sam Fetisher nói.
Sam Fetisher là một trong những người có làn da đen bóng nhất mà Shadow đã từng thấy. Lão có thể sáu chục tuổi. Lão có thể đã tám chục tuổi. Nhưng Shadow cũng đã từng gặp những thằng đập đá ba mươi tuổi nhìn còn già hơn cả Sam Fetisher.
“Hử?” Shadow nói.
“Sắp có bão,” Sam nói.
“Tôi cũng thấy thế,” Shadow nói. “Chắc trời sắp đổ tuyết.”
“Không phải bão kiểu đó. Bão to hơn thế sắp đến. Tao bảo cho mà nghe, nhóc, mày ở trong này sẽ tốt hơn là ở ngoài kia khi cơn bão đến.”
“Tôi thụ án xong rồi,” Shadow nói. “Đến thứ Sáu này là tôi biến.”
Sam Fetisher nhìn Shadow chằm chằm. “Mày quê đâu?” lão hỏi.
“Eagle Point. Indiana.”
“Mày đừng bốc phét,” Sam Fetisher nói. “Ý tao là nguyên quán cơ. Bố mẹ mày quê ở đâu?”
“Chicago,” Shadow đáp. Mẹ anh sống ở Chicago hồi bé, và đã mất ở đó, cách đây nửa đời người.
“Tao nói rồi đấy. Bão to đang đến. Cúi đầu xuống, nhóc Shadow ạ. Như thể… cái mà các lục địa nằm trên gọi là gì ấy nhỉ? Tầng gì gì ấy?”
“Tầng kiến tạo?” Shadow đoán.
“Đúng rồi. Tầng kiến tạo. Giống như chúng trôi nổi, khi Bắc Mỹ đâm vào Nam Mỹ, mày không muốn bị kẹt ở giữa. Hiểu không?”
“Chẳng hiểu tí gì.”
Một con mắt nâu của lão nhắm lại trong một cái nháy mắt chậm. “Mẹ kiếp, đừng nói là tao không cảnh báo trước đấy nhé,” Sam Fetisher nói, rồi lão xúc một thìa thạch vị cam núng nính vào miệng.
Cả đêm hôm đó Shadow trằn trọc, hết thức lại ngủ, lắng nghe gã bạn tù mới lầm bầm và ngáy ro ro ở giường bên dưới. Cách đó mấy xà lim một kẻ nào đó đang gào thét và khóc lóc như thú vật, và thỉnh thoảng lại có người hét lên bảo hắn câm mồm. Shadow cố không nghe. Anh để những giây phút trống rỗng tràn qua mình, cô đơn và chậm chạp.
Còn hai ngày nữa. Bốn mươi tám tiếng, bắt đầu bằng chảo yến mạch và cà phê tù, rồi một tay lính gác tên Wilson đập lên vai Shadow mạnh hơn cần thiết và nói, “Shadow? Lối này.”
Shadow kiểm tra lại lương tâm. Lương tâm anh yên lặng, nhưng trong tù anh hiểu là điều đó không có nghĩa là anh không gặp rắc rối to. Hai người bọn họ đi gần như cạnh nhau, tiếng chân âm vang trên nền kim loại và xi măng.
Shadow thấy có vị của nỗi sợ trong cổ họng, đắng nghét như cà phê cũ. Điều tồi tệ đang xảy ra…
Có một giọng nói trong đầu anh thì thầm rằng họ sẽ đập cho anh thêm một năm tù nữa, ném anh vào buồng biệt giam, chặt tay, chặt đầu anh. Anh tự nhủ mình đang ngớ ngẩn, nhưng tim anh đập đến muốn nổ tung trong lồng ngực.
“Tao không hiểu mày, Shadow ạ,” Wilson nói trong lúc họ bước đi.
“Có gì mà không hiểu đâu, sếp?”.
“Mày ấy. Mày quá trật tự. Quá ngoan ngoãn. Mày chờ đợi như lũ già đời, trong khi mày mới bao nhiêu? Hai lăm? Hai tám?”
“Ba mươi hai ạ.”
“Thế mày là giống gì? Mễ à? Hay Digan?”
“Thưa, theo tôi biết thì không. Có lẽ vậy.”
“Hoặc mày có máu của bọn mọi đen. Có đúng mày gốc mọi đen không, Shadow?”
“Có thể, thưa sếp.” Shadow đứng thẳng và nhìn thẳng về phía trước, tập trung không để bị gã này chọc tức.
“Thế à? Tao chỉ biết là mày làm tao sởn cả gai ốc.” Wilson có mái tóc vàng cát, bộ mặt vàng cát và nụ cười vàng cát. “Mày sắp chia tay bọn tao rồi nhỉ.”
“Hy vọng là thế, thưa sếp.”
“Mày sẽ trở lại thôi. Tao có thể thấy điều đó trong mắt mày. Mày là thằng chẳng ra gì, Shadow ạ. Nếu mà cứ như ý tao ấy, thì chẳng thằng chó đẻ nào chúng mày thoát ra được đầu. Bọn tao sẽ ném mày vào hố rồi quên phắt mày luôn.”
Oubliettes[*], Shadow nghĩ, và không nói gì. Cái này chính là khôn sống mống chết: anh không trả lời lại, không đả động gì chuyện đảm bảo công việc của cai ngục, không tranh luận về bản chất của ăn năn, hối cải hay tỉ lệ tái phạm. Anh không nói điều gì hài hước hay khôn ngoan, và để cho an toàn, khi nói chuyện với một cán bộ nhà tù, anh sẽ không nói gì hết bất cứ khi nào có thể. Chỉ nói khi được hỏi. Đừng xía vào việc của người khác. Ra khỏi đây. Về nhà. Tắm nước nóng một trận đã đời. Bảo Laura mày yêu cô ấy. Làm lại cuộc đời.
Họ bước qua mấy chốt kiểm tra. Mỗi lần Wilson lại chìa phù hiệu ra. Lên một cầu thang là họ đã đứng bên ngoài văn phòng của giám đốc nhà tù. Shadow chưa bao giờ tới đây, nhưng anh biết nơi này. Trên cửa có gắn tên của ông ta – G. Patterson – bằng chữ đen, và bên cạnh cửa là một cột đèn giao thông tí hon.
Cái đèn trên cùng sáng đỏ.
Wilson ấn cái nút bên dưới cột đèn.
Họ im lặng đứng đó vài phút. Shadow cố tự nhủ rằng mọi chuyện đều ổn, rằng sáng thứ Sáu này anh sẽ lên máy bay bay về Eagle Point, nhưng chính anh cũng không tin vào điều đó.
Cái đèn đỏ tắt rồi đèn xanh bật lên, và Wilson liền mở cửa. Họ bước vào.
Shadow mới chỉ thấy ngài giám đốc mấy lần trong ba năm vừa qua. Một lần ông ta đưa một chính trị gia đi tham quan; lúc đó Shadow không nhận ra ông. Một lần khác, trong một đợt phong tỏa, giám đốc đã nói chuyện với từng nhóm một trăm tù nhân một, rằng nhà tù đang quá tải và vì nó sẽ vẫn quá tải như vậy nên họ cần làm quen với việc đó. Đây là lần đầu tiên Shadow đến gần người đàn ông này.
Nhìn gần, Patterson trông tệ hơn nhiều. Ông ta có bộ mặt dài thuôn, mái tóc bạc húi cua kiểu nhà binh. Ông ta có mùi lăn khử mùi Old Spice. Đằng sau ông ta là một giá sách, cuốn nào cũng có chữ Nhà tù trong tựa; bàn của ông ta sạch tinh, trống trơn ngoại trừ một cái điện thoại và một cuốn lịch xé in hình tranh biếm họa Far Side. Tai phải ông ta có đeo máy trợ thính.
“Mời anh ngồi.”
Wilson đứng sau lưng anh.
Shadow ngồi xuống, ghi nhận thái độ lịch sự.
Ngài giám đốc mở một cái ngăn kéo, lấy ra một tập hồ sơ và đặt nó lên bàn.
“Ở đây có nói anh bị tuyên án sáu năm vì hành hung và đe dọa người khác với tình tiết tăng nặng. Anh đã thụ án được ba năm. Lẽ ra anh sẽ được thả vào thứ Sáu này.”
Lẽ ra ư? Shadow cảm thấy dạ dày mình cuộn lên. Anh tự hỏi mình sẽ phải ở lại thêm bao lâu nữa – một năm nữa ư? Hai năm? Cả ba năm tròn? Anh chỉ nói, “Vâng, thưa ngài.”
Ngài giám đốc liếm môi. “Anh nói gì cơ?”.
“Tôi nói, “Vâng, thưa ngài.””
“Shadow, chúng tôi sẽ thả anh chiều nay. Anh sẽ được ra tù sớm vài ngày.” Ngài giám đốc nói điều đó mà không chút vui mừng, cứ như thể ông ta đang đọc án tử. Shadow gật đầu, và anh đợi nghe nốt điều còn lại. Ngài giám đốc nhìn xuống tờ giấy trên mặt bàn. “Cái này vừa được gửi đến từ Bệnh viện Tưởng niệm Johnson ở Eagle Point… Vợ anh. Cô ấy đã qua đời sáng sớm nay. Vì tai nạn giao thông. Tôi rất tiếc.”
Shadow gật đầu một lần nữa.
Wilson đưa anh về xà lim mà không nói gì. Gã mở cửa xà lim cho Shadow vào. Rồi gã nói, “Cứ như là chuyện cười tin tốt, tin xấu ấy nhỉ? Tin tốt, bọn tao thả mày sớm, tin xấu, vợ mày chết rồi.” Gã cười, cứ như thể cầu đó buồn cười thật.
Shadow không nói một lời.
Với vẻ đờ đẫn, anh xếp đồ, cho đi vài thứ. Anh để lại cuốn Herodotus của Low Key và cuốn sách ảo thuật với đồng xu, và, với một thoáng day dứt, để lại cả những miếng kim loại trắng dẹt mà anh đã lấy trộm từ xưởng đúc để dùng thay xu trước khi anh tìm thấy mấy đồng xu lẻ của Low Key trong cuốn sách. Sẽ có những đồng xu, đồng xu thật, ở thế giới ngoài kia. Anh cạo râu. Anh mặc thường phục. Anh đi qua hết cánh cửa này đến cánh cửa khác và biết anh sẽ không bao giờ bước qua chúng nữa, trong lòng trống rỗng.
Mưa đang bắt đầu trút xuống từ bầu trời xám xịt, một màn mưa lạnh buốt. Những mảnh băng chích lên mặt Shadow, còn mưa thấm ướt chiếc áo khoác mỏng khi họ rời khỏi nhà tù mà đi về phía chiếc xe buýt màu vàng từng là xe đưa đón học sinh, sẽ chở họ đến thành phố gần nhất.
Khi họ đến được chiếc xe thì tất cả đều đã ướt sũng. Có tám người cả thảy, Shadow nghĩ. Một ngàn năm trăm người vẫn còn trong. Shadow ngồi trên xe buýt và run rẩy cho tới khi hệ thống sưởi trên xe bắt đầu hoạt động, tự hỏi anh đang làm gì, giờ anh biết đi đâu đây.
Những hình ảnh ma mị bất chợt hiện ra trong đầu anh. Trong trí tưởng tượng của mình, anh đang rời một nhà tù khác, cách đây lâu lắm rồi.
Anh đã bị giam cầm trong một căn gác xép tối tăm quá lâu: râu anh rối tung và tóc anh như tổ quạ. Lính gác đã giải anh xuống một cầu thang đá xám và ra một quảng trường đầy những thứ màu sắc rực rỡ, đầy người và đồ vật. Đó là một ngày chợ phiên và anh choáng váng vì âm thanh và màu sắc, anh nheo mắt vì ánh mặt trời tràn ngập khắp quảng trường, anh ngửi mùi không khí ẩm ướt mặn mòi và những thứ ngon lành ở phiên chợ, và bên trái anh, mặt trời lấp lánh trên làn nước…
Xe buýt rùng rùng dừng lại chỗ đèn đỏ.
Gió gào thét quanh xe, và cần gạt nước nặng nề quẹt qua lại trên kính chắn gió, làm thành phố nhòe đi thành những vệt màu neon vàng và đỏ. Đang là đầu giờ chiều, nhưng qua lớp kính trời nhìn như đã về đêm.
“Vãi,” người ngồi sau Shadow nói, đưa tay lau lớp hơi nước đọng trên cửa sổ và trố mắt nhìn một dáng người ướt lướt thướt đang chạy vội trên vỉa hè. “Ngoài kia có gái kìa.”
Shadow nuốt khan. Anh chợt nhận ra mình chưa hề khóc – thậm chí còn chẳng cảm thấy gì hết. Không nước mắt. Không đau buồn. Không gì hết.
Anh bỗng nghĩ về một tay tên là Johnnie Larch, bạn cùng xà lim với anh khi anh mới vào tù. Hắn kể cho Shadow nghe chuyện sau năm năm ở tù hắn đã từng được thả với một trăm đô và một tấm vé đến Seattle, nơi chị hắn sống.
Johnnie Larch đến sân bay, hắn đưa vé cho người phụ nữ ngồi ở quầy, và bà ta đòi xem bằng lái xe của hắn.
Hắn đưa nó cho bà ta xem. Nó đã hết hạn mấy năm trước. Bà ta nói nó không thay được thẻ căn cước hợp lệ. Hắn nói nó có thể không phải là bằng lái hợp lệ, nhưng chắc chắn nó là thẻ căn cước hợp lệ, và chết tiệt, bà ta nghĩ hắn có thể là ai khác được, nếu không phải là chính hắn?
Bà ta nói bà ta sẽ cảm ơn nếu hắn nhỏ giọng xuống.
Hắn bảo bà ta phải đưa cái thẻ lên máy bay chết tiệt cho hắn ngay, không thì bà ta sẽ phải hối hận, và hắn sẽ không để mình bị sỉ nhục như thế. Trong tù ta không được để người khác sỉ nhục mình.
Rồi bà ta ấn một cái nút, và vài phút sau an ninh sân bay xuất hiện, và họ cố thuyết phục Johnnie Larch yên lặng rời sân bay, nhưng hắn không muốn đi, và đã xảy ra xô xát.
Kết quả là Johnnie Larch đã chẳng đến được Seattle và hắn dành mấy ngày tiếp theo ở các quán rượu trong thành phố, và khi tiêu hết một trăm đô thì hắn cướp một trạm xăng bằng một khẩu súng đồ chơi để lấy tiền nốc rượu tiếp, và cuối cùng cảnh sát bắt hắn vì tội tiểu bậy trên phố. Chẳng mấy chốc hắn đã bị tống trở lại nhà tù để ngồi nốt mấy năm còn lại và thêm mấy năm nữa cho vụ cướp trạm xăng.
Và bài học của câu chuyện này, theo Johnnie Larch, là: đừng chọc giận đám nhân viên sân bay.
“Mày có chắc nó không phải là gì đó đại loại như “Kiểu hành vi có tác dụng trong một môi trường đặc biệt, như là nhà tù, có thể không có tác dụng và thậm chí còn có tác hại khi được áp dụng bên ngoài môi trường đó chứ?” Shadow hỏi, sau khi Johnnie Larch kể xong chuyện.
“Không, nghe tao đây, tao nói cho mà biết,” Johnnie Larch nói, “đừng có chọc giận mấy con mụ ở sân bay.”
Shadow thoáng mỉm cười khi nhớ lại chuyện đó. Bằng lái của anh vẫn còn vài tháng nữa mới hết hạn.
“Bến xe buýt! Tất cả xuống!”
Bến xe nồng nặc mùi nước tiểu và bia chua lòm. Shadow trèo lên một chiếc taxi và bảo tài xế đưa anh đến sân bay. Anh cũng nói sẽ trả thêm năm đô nếu chuyến đi diễn ra trong im lặng. Họ đến nơi trong vòng hai mươi phút và tay tài xế không hề hé miệng.
Rồi Shadow loạng choạng bước qua sảnh sân bay sáng rực. Anh hơi lo về vụ vé điện tử. Anh biết anh có vé cho chuyến bay vào thứ Sáu, nhưng anh không biết nó có dùng được vào hôm nay không. Đối với Shadow, bất kỳ cái gì điện tử cũng gần như là phép thuật và có thể bốc hơi bất kỳ lúc nào. Anh thích những thứ có thể cầm nắm được.
Nhưng anh vẫn còn ví, đã trở về tay anh lần đầu tiên sau ba năm trời, trong đó có vài thẻ tín dụng đã hết hạn và một thẻ Visa mà anh sung sướng ngạc nhiên nhận ra vẫn còn hạn đến tận cuối tháng Một năm sau. Anh có số giữ chỗ. Và anh nhận ra, anh có cảm giác chắc chắn rằng khi anh về nhà, bằng cách nào đó, mọi chuyện sẽ ổn. Laura sẽ ổn. Có lẽ đây chỉ là trò bịp gì đó để lôi anh ra sớm vài ngày. Hoặc có lẽ là một nhầm lẫn đơn giản: thi thể của một Laura Moon nào khác đã được lôi ra khỏi đống đổ nát trên đường cao tốc.
Chớp lòe lên bên ngoài sân bay, qua các bức tường kính. Shadow nhận ra mình đang nín thở, chờ đợi điều gì đó. Một tiếng sấm rền xa xăm. Anh thở ra.
Một phụ nữ da trắng mệt mỏi nhìn anh từ sau quầy.
“Xin chào,” Shadow nói. Chị là người phụ nữ lạ mặt đầu tiên bằng xương bằng thịt mà tôi nói chuyện cùng trong ba năm. “Tôi có số vé điện tử. Lẽ ra tôi sẽ bay vào thứ Sáu nhưng tôi phải đi hôm nay. Gia đình tôi có tang.”
“Ừm. Tôi rất tiếc vì điều đó.” Chị ta gõ gõ bàn phím, nhìn màn hình, rồi lại gõ. “Không vấn đề gì. Tôi đã cho anh lên chuyến lúc ba rưỡi. Nó có thể bị hoãn vì cơn bão, nên anh để ý màn hình nhé. Có gửi hành lý gì không?”
Anh giơ lên một chiếc túi đeo vai. “Tôi không cần gửi cái này chứ?”
“Không,” chị ta đáp. “Không cần. Anh có căn cước ảnh không?”
Shadow cho chị ta xem bằng lái. Rồi anh đảm bảo với chị ta là không có ai đưa anh bom đem lên máy bay đâu, và đáp lại, chị ta đưa anh một cái thẻ lên máy bay. Rồi anh đi qua máy quét kim loại, trong khi túi của anh thì đi qua máy soi sân bay.
Sân bay không rộng lắm, nhưng số người lang thang khắp sân bay, chỉ lang thang thôi, khiến anh kinh ngạc. Anh quan sát mọi người thản nhiên bỏ túi xuống, nhét ví vào túi sau quần, túi xách đặt dưới gầm ghế mà chẳng cần canh chừng. Đó là lúc anh nhận ra mình không còn trong tù nữa.
Còn ba mươi phút nữa mới đến giờ lên máy bay. Shadow mua một miếng pizza và bị bỏng môi vì lớp pho mát nóng. Anh đem tiền lẻ ra chỗ bốt điện thoại. Gọi Robbie ở trang trại Cơ Bắp, nhưng chỉ thấy máy trả lời tự động.
“Này Robbie,” Shadow nói. “Người ta bảo tôi là Laura chết rồi. Họ thả tôi sớm. Tôi đang trên đường về nhà.”
Rồi, vì đôi khi người ta vẫn nhầm lẫn, anh từng thấy chuyện đó xảy ra, anh gọi về nhà và nghe giọng nói của Laura.
“Xin chào,” cô nói. “Hiện tôi không có nhà hoặc không nghe điện thoại được. Xin để lại lời nhắn và tôi sẽ gọi lại. Chúc một ngày tốt lành.”
Shadow không thể bắt mình để lại lời nhắn.
Anh ngồi xuống một cái ghế nhựa bên cổng lên máy bay và siết chặt túi đến mức tay anh đau điếng.
Anh đang nhớ lại lần đầu tiên anh nhìn thấy Laura. Lúc ấy anh còn chưa biết tên cô. Cô là bạn của Audrey Burton. Anh đang ngồi với Robbie trong bàn riêng ở quán Chi-Chi, nói chuyện về một việc gì đó, chắc là chuyện một trong những huấn luyện viên vừa tuyên bố cô ấy đang mở lớp khiêu vũ riêng, thì Laura bước vào, đi sau Audrey một bước, và Shadow không thể rời mắt khỏi cô. Cô có mái tóc dài màu hạt dẻ và cặp mắt xanh biếc đến nỗi Shadow lầm tưởng cô đeo kính áp tròng màu. Cô gọi một ly daiquiri dâu và đã bắt Shadow nếm nó cho bằng được, rồi cười thích thú khi anh nếm thử.
Laura rất thích mọi người nếm thử các đồ ăn thức uống mà cô đã nếm.
Đêm đó anh đã hôn tạm biệt cô, và môi cô có vị như daiquiri dâu, và anh không muốn hôn ai khác nữa. Một phụ nữ báo đã đến giờ lên máy bay, và hàng ghế của Shadow được gọi đầu tiên. Anh ngồi ở dưới cùng, bên cạnh là một chiếc ghế trống. Mưa không ngừng lộp độp lên thân máy bay: anh tưởng tượng có những đứa trẻ đang ném từng vốc đậu khô từ trên trời xuống.
Khi máy bay cất cánh, anh ngủ thiếp đi.
Shadow đang ở một nơi tăm tối, và vật đang nhìn anh có cái đầu bò rừng, hôi hám, đầy lông, với cặp mắt khổng lồ ươn ướt. Thân mình của vật đó là thân người, bóng mượt dầu.
“Đổi thay đang đến,” con bò rừng nói mà môi không nhúc nhích. “Anh sẽ phải đưa ra nhiều quyết định.”
Ánh lửa bập bùng trên những vách hang ướt nước. .
“Tôi đang ở đâu?” Shadow hỏi.
“Trong lòng đất và dưới lòng đất,” người đầu bò nói. “Anh ở nơi những kẻ bị quên lãng đang chờ đợi.” Mắt người đó là hai viên bi lỏng đen thẳm, và giọng nói của ông ta rền vang từ dưới mặt đất. Ông ta có mùi bò ướt. “Hãy tin,” giọng rền vang nói. “Nếu anh muốn sống sót, anh phải tin.”
“Tin cái gì?” Shadow hỏi. “Tôi phải tin cái gì?”
Ông ta, người đầu bò đó, nhìn Shadow và vươn mình lên khổng lồ, lửa rừng rực trong mắt. Ông ta mở cái mõm bò rừng ngầu bọt ra và bên trong miệng đỏ rực vì những lưỡi lửa đang cháy bên trong ông ta, dưới lòng đất.
“Tất cả mọi thứ,” người đầu bò gầm lên.
Thế giới chao đảo ngả nghiêng, và Shadow lại đang trên máy bay; nhưng sự chao đảo vẫn tiếp tục. Ở đầu máy bay, một người phụ nữ khẽ ré lên lấy lệ.
Chớp lóe lên chói mắt quanh khắp máy bay. Cơ trưởng lên tiếng qua loa thông báo là ông sẽ tìm cách nâng độ cao để tránh cơn bão.
Máy bay rung lắc và rùng rùng, còn Shadow băn khoăn, thờ ơ và lạnh lùng, rằng có phải anh sắp chết không. Anh quyết định chuyện đó là có thể, nhưng ít có nguy cơ. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ và ngắm chớp chiếu sáng cả đường chân trời.
Rồi anh lại gà gật ngủ đi, và mơ anh lại đang ở trong tù, và Low Key đã thì thào với anh khi đứng xếp hàng lấy đồ ăn, là ai đó đã thuê người khử anh, nhưng Shadow không phát hiện ra được là ai hay tại sao; và khi anh tỉnh dậy thì họ đã bắt đầu hạ cánh.
Anh loạng choạng xuống máy bay, chớp chớp mắt cho tỉnh hắn.
Mọi sân bay nhìn đều như một, anh thầm nghĩ. Đã đến sân bay rồi thì ở đâu cũng thế cả: gạch lát sàn, lối đi bộ và nhà vệ sinh, cổng đáp máy bay, quầy bán báo và đèn neon. Cái sân bay này nhìn giống một sân bay. Chỉ có điều nó không phải là sân bay anh phải đến. Đây là một sân bay lớn, có quá nhiều người và quá nhiều cổng.
Mọi người có cái vẻ đờ đẫn, rù ra mà ta chỉ thấy xuất hiện ở các sân bay và các nhà tù. Nếu Địa ngục là kẻ khác, Shadow nghĩ, thì Luyện ngục chính là các sân bay.
“Xin lỗi chị?”
Người phụ nữ nhìn anh qua cái bìa kẹp giấy. “Vâng?”
“Đây là sân bay gì?”
Chị ta bối rối nhìn anh để xem có phải anh đang đùa không, rồi chị ta đáp, “St. Louis.”