Cuốn sách “Phía Tây không có gì lạ” của tác giả Erich Maria Remarque, nhà văn Đức nổi tiếng với những tác phẩm phản chiến, đã đưa người đọc đến với một góc nhìn khác về chiến tranh. Cuốn sách là lời tự sự đầy ám ảnh của Paul Bäumer, một thanh niên Đức trẻ tuổi, về những trải nghiệm kinh hoàng của anh trong chiến tranh.
Paul Bäumer, cùng với những người bạn của mình, đã hăng hái gia nhập quân đội với niềm tin vào lý tưởng cao đẹp và những lời hứa hẹn về vinh quang. Tuy nhiên, chiến tranh thực sự mà họ trải qua lại hoàn toàn khác xa so với những tưởng tượng lãng mạn trong nhà trường.
Chiến hào đầy máu, bom đạn, bùn lầy, chết chóc và sự tàn khốc hiện hữu ở mọi nơi. Những người lính trẻ phải đối mặt với sự mất mát, thương vong, và nỗi ám ảnh về cái chết. Họ dần nhận ra sự dối trá của những kẻ đã thúc đẩy họ tham gia chiến tranh, và sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
“Phía Tây không có gì lạ” là một lời tố cáo mạnh mẽ chiến tranh. Remarque đã phơi bày sự tàn khốc của chiến tranh, những mất mát và bi thương mà nó mang lại cho con người. Cuốn sách cũng là lời ca ngợi những giá trị nhân văn cao đẹp: tình đồng đội, tình yêu thương, lòng nhân ái và niềm hy vọng vào cuộc sống.
Tình đồng đội là một trong những chủ đề nổi bật nhất của tác phẩm. Những người lính trẻ, cùng nhau trải qua những giây phút cận kề cái chết, đã gắn bó với nhau như anh em ruột. Họ chia sẻ với nhau những khó khăn, động viên nhau vượt qua những thử thách, và cùng nhau tìm kiếm hy vọng trong tuyệt vọng.
“Phía Tây không có gì lạ” là một tác phẩm văn học kinh điển, một lời cảnh tỉnh cho nhân loại về sự tàn khốc của chiến tranh. Cuốn sách là một trải nghiệm đọc đầy cảm xúc, khiến bạn suy ngẫm về cuộc sống, về tình yêu và về giá trị của hòa bình.
Mời các bạn đón đọc Phía Tây Không Có Gì Lạ của tác giả Erich Maria Remarque.
—
Chúng tôi nằm sau chiến tuyến chín cây số. Đại đội vừa được thay phiên hôm qua; lúc này cả bọn vừa ăn căng rốn món đậu trắng hầm thịt bò, no nê và hài lòng. Thậm chí mỗi thằng còn được thêm một cà mèn đầy dành cho bữa tối; đã vậy còn lĩnh cả khẩu phần kép xúc xích và bánh mì – thật là quá đã. Lâu lắm rồi chẳng có bữa nào thỏa thuê như thế này: gã đầu bếp với tấm thân bò mộng và cái đầu cà chua đỏ lựng đích thân đem đồ ăn ra mời anh em; ai đi ngang qua gã cũng vẫy vẫy cái muỗng gọi lại và úp cho một muỗng đầy tú hụ. Gã đang tuyệt vọng lắm, vì không biết làm cách nào trút cho hết cái nồi quân dụng to vật này. Tjaden và Müller lôi đâu đến mấy cái chậu và để gã múc cho đầy phè đến tận miệng chậu. Tjaden làm thế vì háu ăn, còn Müller vì lo xa. Mọi người chịu không hiểu Tjaden tọng rõ lắm mà chả biết thức ăn chui đằng nào hết. Trước nay lúc nào cậu ta cũng gầy đét như con cá mắm.
Nhưng quan trọng nhất là có cả khẩu phần kép thuốc hút. Mỗi người được mười điếu xì gà, hai mươi điếu thuốc lá và hai miếng thuốc lá nhai, quả là rất đàng hoàng lịch sự! Tôi đổi chỗ thuốc nhai của mình lấy thuốc lá của Katczinsky, thế là tôi có bốn mươi điếu. Đủ xài cho cả ngày.
Thật ra thì tất cả những món quà bất ngờ này không dành cho chúng tôi. Người Phổ đâu có hào phóng thế. Chúng tôi vớ bở chỉ nhờ một sự nhầm lẫn.
Mười bốn ngày trước chúng tôi phải lên tuyến đầu vì đến phiên giữ chốt. Khu vực chúng tôi cắm quân khá yên tĩnh, và vì vậy để chuẩn bị cho ngày chúng tôi trở về viên quản lý đã lĩnh khẩu phần ăn thông thường đủ cho cả một trăm năm mươi lính toàn đại đội. Nhưng đúng vào ngày cuối cùng, với số lượng pháo nòng dài và pháo hạng nặng nhiều đến kinh ngạc, quân Anh đã liên tục nã đạn vào vị trí của chúng tôi, khiến chúng tôi chịu tổn thất nặng nề tới mức chỉ còn tám chục mống quay về.
Chúng tôi rút quân vào ban đêm và lập tức lăn ra đánh một giấc cho đã đời; vì Katczinsky nói đúng: chỉ cần lính tráng được ngủ nhiều hơn thì chiến tranh cũng chẳng đến nỗi nào. Thế nhưng ở tiền tuyến có bao giờ được ngủ cho ra giấc đâu, và mỗi phiên chốt mười lăm ngày lại quá là lâu.
Khi những thằng đầu tiên trong chúng tôi bò ra khỏi các lán trú quân thì trời đã trưa. Nửa giờ sau, mọi người đều vớ lấy cà mèn, kéo nhau đến tụ trước nồi thịt hầm vừa chín tới đang tỏa mùi béo ngậy. Đứng đầu tiên cố nhiên là những thằng háu đói nhất: Albert Kropp nhỏ thó, suy nghĩ sáng suốt nhất bọn nên vừa mới được lên binh nhất; Müller V, vẫn tha theo những cuốn sách giáo khoa bên mình và mơ tới kỳ thi tranh thủ ngày về phép, dưới màn đạn lửa vẫn cày các định luật vật lý; Leer, râu quai nón, rất thích các cô gái trong nhà thổ dành cho sĩ quan thề sống thề chết rằng theo lệnh nhà binh thì các cô có nghĩa vụ phải mặc áo sơ mi lụa và phải tắm trước nếu tiếp khách từ cấp đại úy trở lên; và người thứ tư là tôi, Paul Bäumer. Cả bốn thằng cùng mười chín tuổi, cả bốn thằng cùng từ một lớp học đi thẳng vào cuộc chiến.
Ngay sau lưng bọn tôi là đám bạn thân, Tjaden, một thợ khóa gầy gò, trạc tuổi bọn tôi, chén khỏe nhất đại đội. Cậu ta ngồi xuống bàn ăn người mảnh như que tăm, nhưng khi đứng dậy thì bụng kệnh như con rệp chửa; Haie Westhus, bằng tuổi, thợ than bùn, có thể dễ dàng nắm gọn một ổ bánh mì lính trong lòng bàn tay mà đố: “Đoán xem, trong tay tớ có gì?”; Detering, nông dân, chỉ nghĩ đến nông trại và vợ của mình; và cuối cùng là Stanislaus Katczinsky, thủ lĩnh của nhóm chúng tôi, gan lì, láu lỉnh, dày dạn, tuổi đã tứ tuần, mặt nâu như đất thó, mắt xanh lơ, vai xuôi thõng và có khứu giác kỳ diệu, ngửi ra ngay những mối nguy hiểm, những món ăn ngon, những chỗ nấp tốt. Nhóm chúng tôi đứng đầu đội quân xếp hàng rồng rắn trước quầy bếp lưu động. Chúng tôi bắt đầu sốt ruột, vì gã đầu bếp thẫn thờ vẫn còn đứng ì ra đấy mà đợi. Cuối cùng Katczinsky réo về phía gã: “Mở thùng súp của cậu ra đi chứ, Heinrich! Ai cũng thấy là đậu nhừ rồi kìa.”
Gã kia lắc đầu như ngái ngủ. “Các cậu phải có mặt đông đủ đã.”
Tjaden nhe răng cười. “Bọn tôi đến đủ rồi.”
Gã hạ sĩ quan anh nuôi vẫn chưa mảy may biết gì. “Các cậu đừng có tưởng bở! Thế còn những người khác đâu cả?”
“Hôm nay họ không xơi cơm của cậu! Họ đang nằm ở quân y viện và dưới mồ chung rồi.”
Con bò nấu bếp như bị một đòn chí mạng khi biết được sự thật. Gã lảo đảo.
“Thế mà tôi lại nấu cho những một trăm năm mươi người.”
Kropp huých vào sườn gã. “Vậy thì bọn này cuối cùng cũng được một bữa no. Thôi, bắt đầu đi!”
Nhưng trong đầu Tjaden chợt lóe lên một ý nghĩ. Cái mặt chuột nhọn hoắt của cậu ta sáng rỡ lên, cặp mắt nheo lại đầy vẻ láu cá, hai gò má giật giật, cậu ta sán đến gần gã đầu bếp hơn: “Này nhóc, vậy là cậu cũng đã lĩnh cả phần bánh mì cho một trăm năm mươi người, hả?” Gã kia gật đầu trong lúc còn chưa hết choáng váng và hồn vía vẫn ở trên mây. Tjaden túm lấy áo gã. “Cả xúc xích à?”
Cái đầu cà chua lại gật.
Xương quai hàm Tjaden run lên. “Cả thuốc lá nữa chứ?”
“Phải, tất tần tật.”
Tjaden mặt mày sáng rỡ ngó ra xung quanh. “Mẹ kiếp, thế này gọi là đỏ hơn son đây! Vậy là tất cả dành cho anh em ta! Mỗi thằng sẽ được… xem nào… đúng rồi, chính xác là gấp đôi khẩu phần!”
Nhưng lúc này gã cà chua đã hoàn hồn, gã tuyên bố: “Thế không được.”
Giờ thì cả bọn chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên, xô nhau sấn gần lại.
“Sao lại không được, cái đồ óc bã đậu kia?” Katczinsky vặn.
“Tiêu chuẩn cho một trăm năm mươi người, không thể chia cho tám mươi người được.”
“Rồi chúng tao sẽ cho mày biết,” Müller gầm gừ.
“Thức ăn thì còn được, chứ những thứ khác tôi chỉ có thể phát đủ tám mươi suất,” gã cà chua khăng khăng một mực.
Katczinsky nổi cáu: “Xem chừng phải thuyên chuyển mày khỏi đây, hả? Mày đã lĩnh khẩu phần không phải cho tám mươi lính, mà cho đại đội hai, vậy thôi. Giờ bỏ cả ra đây! Đại đội hai là chúng tao đây này!”
Chúng tôi áp sát gã đầu bếp. Chẳng ai chịu nổi gã, đã nhiều phen do lỗi của gã mà ở ngoài chiến hào chúng tôi phải nhận bữa ăn vừa quá muộn vừa nguội ngắt, vì đạn pháo chỉ mới đùng đoàng một tí là gã đã không dám bê nồi thức ăn lại gần hơn, cho nên anh em đại đội chúng tôi đi lấy đồ ăn phải đánh đường xa hơn anh em các đại đội khác rất nhiều. Bulcke ở đại đội một chẳng hạn là một đầu bếp khá hơn hẳn. Tuy béo như con chuột đồng, nhưng khi cần, anh ta vẫn tự tay lễ mễ tha thức ăn lên tận tuyến đầu.
Chúng tôi đang bức xúc ghê gớm, và nếu viên chỉ huy đại đội không xuất hiện đúng lúc thì thế nào cũng có thằng bị chẻ nhỏ như chẻ củi. Ông ta hỏi lý do cuộc cãi vã và chỉ nói: “Phải, ngày hôm qua chúng ta đã có những tổn thất nặng nề…”
Rồi ông ta ngó vào chiếc nồi lớn. “Món đậu này trông có vẻ ngon đây.”
Gã cà chua gật đầu. “Hầm với mỡ và thịt đấy ạ.”
Viên trung úy nhìn chúng tôi. Ông ta biết chúng tôi đang nghĩ gì. Ông ta cũng biết nhiều chuyện khác nữa, vì ông ta đã trưởng thành giữa chúng tôi, khi đến đại đội ông ta mới chỉ là hạ sĩ quan. Ông ta lại nhấc vung nồi lên một lần nữa và hít hít. Trước khi bỏ đi, ông ta bảo: “Nhớ mang cả cho tôi một đĩa đầy nhé. Và chia tất cả các khẩu phần đi. Chúng ta có thể cần đến chúng.”
Gã cà chua thộn mặt ra. Tjaden nhảy nhót quanh gã.
“Cậu có thiệt gì đâu kia chứ! Cứ làm như cả kho lương thực là của mình không bằng… Nào thôi bắt đầu đi, đồ săn mỡ già đời, và đừng có đếm nhầm đấy…”
“Treo cổ mày lên!” gã cà chua gầm gừ. Gã tức nổ mắt, chuyện như thế này đi ngược với lý trí của gã. Gã không còn hiểu cái thế giới này nữa. Và để tỏ ra giờ đây gã cũng bất cần tất cả, gã còn tự động chia thêm cho mỗi người hai lạng rưỡi mật ong nhân tạo.
Hôm nay quả là một ngày đẹp. Lại có cả quà của quân bưu, hầu như ai cũng nhận được vài lá thư và báo. Lúc này chúng tôi thong thả đi về phía đồng cỏ sau lán trú quân. Kropp cắp dưới nách cái nắp tròn của thùng bơ thực vật.
Người ta đã xây bên rìa phải đồng cỏ một chuồng xí công cộng to đoành – một ngôi nhà chắc chắn, lợp mái đàng hoàng. Nhưng chỗ ấy chỉ dành cho bọn lính mới tò te chưa học được cách rút tỉa những điều hay ho từ mỗi việc dù nhỏ nhất. Bọn tôi tìm cái gì khác thú vị hơn kia. Số là nơi đây rải rác những cái thùng nho nhỏ với cùng một mục đích sử dụng – hình vuông, sạch sẽ, đóng toàn bằng gỗ, bốn bề bịt kín, bên trên là bệ ngồi thuận tiện, không chê vào đâu được. Hai bên thùng gắn quai xách, nên có thể dịch chuyển thoải mái.
Bọn tôi kê ba cái thùng châu vào nhau và khoan khoái ngồi xuống. Bét ra phải hai tiếng nữa cả bọn mới chịu đứng lên.
Tôi vẫn nhớ hồi còn là tân binh vừa chân ướt chân ráo đến doanh trại, cả bọn đã xấu hổ như thế nào khi lần đầu tiên phải dùng chuồng xí công cộng. Chẳng có cửa nẻo gì cả, hai chục thằng ngồi kề bên nhau như trong toa tàu. Chỉ lướt mắt một phát là bao quát cả lũ… thì lính tráng cần được giám sát thường xuyên mà.
Từ bấy đến nay chúng tôi đã học được cách vượt qua nhiều thứ hơn là vượt qua chỉ một nỗi xấu hổ cỏn con đó. Thời gian trôi đi, chúng tôi đã quen với những điều còn đáng xấu hổ hơn.
Nhưng làm chuyện này giữa trời đất quả thật là quá sướng. Tôi không còn nhớ tại sao trước kia lúc nào bọn tôi cũng ngại ngùng khi đi ngang qua những cái thùng này, vì chúng cũng tự nhiên như ăn uống thôi mà. Và có lẽ cũng không cần phải nhiều lời về chúng, nếu như chúng không đóng một vai trò quan trọng với bọn tôi, và nếu chúng chẳng mới lạ ngay với chính bọn tôi như thế… vì thực ra từ lâu chúng đã quá đương nhiên.
Tiêu hóa và bài tiết là những vấn đề thiết thân với người lính hơn với bất cứ người nào khác. Ba phần tư từ vựng của người lính từ đó mà ra, và khi thể hiện niềm vui sướng cực độ hay nỗi căm giận sâu sắc nhất thì từ ngữ anh ta dùng đều bắt nguồn từ chỗ này. Quả là không có cách nào khác để biểu lộ cảm xúc một cách ngắn gọn và rõ ràng đến thế. Cha mẹ và các thầy cô giáo hẳn sẽ lạ lùng lắm khi chúng tôi trở về nhà với lời ăn tiếng nói như vậy, nhưng ở ngoài mặt trận thì nó quá là quen tai.
Đối với chúng tôi, toàn bộ những tiến trình này đã lấy lại được đặc tính ngây thơ, vì chúng bắt buộc phải diễn ra giữa chốn công cộng. Hơn thế nữa: chúng tôi xem chúng đương nhiên đến nỗi việc hoàn thành chúng cũng khoan khoái ngang với thắng một ván bài ở mức đặt cược cao nhất. Không phải tự nhiên lại sinh ra cái từ “khẩu ngữ cầu tiêu” để chỉ đủ loại chuyện tán nhảm. Những chỗ giải quyết “nỗi buồn” là góc buôn chuyện, là nơi tụ bạ quen thuộc của lính.
Khoảnh khắc này đây bọn tôi đang cảm thấy thoải mái hơn là ngồi trong buồng vệ sinh sang trọng lát gạch men trắng. Nơi đó chỉ có thể sạch sẽ, chứ ở đây mới khoan khoái dễ chịu.
Đó là những thời khắc vô tư lự tuyệt vời. Bên trên chúng tôi bầu trời xanh biếc. Xa xa phía chân trời lơ lửng những quả khinh khí cầu màu vàng rực sáng trong nắng và những vệt khói nhỏ màu trắng của những viên đạn cao xạ. Đôi khi chúng vọt lên thành chùm để rượt theo một phi cơ.
Tiếng gầm của đạn pháo vẳng về đây chỉ ì ầm tựa một cơn dông từ nơi xa lắm. Những con ong đất vo ve bay ngang cũng đủ át hết cả.
Và bao quanh chúng tôi là cánh đồng cỏ đầy hoa. Những ngọn cỏ non đu đưa, những cánh bướm trắng rập rờn đến gần, chúng chao liệng trong làn gió êm ái, ấm áp cuối hạ; còn chúng tôi đọc thư, đọc báo và hút thuốc, chúng tôi bỏ mũ ca lô đặt xuống bên cạnh mình, làn gió đùa trên mái tóc chúng tôi, đùa với những lời nói, những ý nghĩ của chúng tôi.
Ba cái thùng của ba thằng đứng giữa đám hoa anh túc đỏ rực…
Chúng tôi đặt nắp thùng bơ thực vật lên đầu gối, vậy là có một mặt bàn nghiêm chỉnh để chơi bài Skat. Kropp thủ sẵn cỗ bài trong người. Hết chơi Skat, chúng tôi lại xoay sang đánh bài kiểu khác. Tưởng chừng có thể cứ ngồi mãi như thế.
Tiếng đàn phong cầm từ dãy lán trú quân vẳng đến. Thỉnh thoảng chúng tôi đặt bài xuống và nhìn nhau; rồi một thằng nói “Ôi các cậu, các cậu…” hoặc “Suýt nữa đã hỏng bét cả…” Rồi chúng tôi lặng đi một lúc. Trong lòng chúng tôi là một cảm xúc mạnh mẽ và kìm nén, ai cũng cảm thấy được, cho nên không cần nhiều lời. Suýt nữa thì hôm nay chúng tôi đã không còn được ngồi trên những cái thùng này; chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc. Vì vậy mà giờ đây tất cả đều mới mẻ và mạnh mẽ… bông anh túc đỏ chói và bữa ăn ngon, những điếu thuốc lá và ngọn gió hè.
Kropp hỏi: “Đã cậu nào gặp lại Kemmerich chưa?”
“Cậu ấy đang nằm ở St. Joseph,” tôi đáp.
Müller bảo Kemmerich bị đạn xuyên thủng đùi, coi như có tấm giấy thông hành về quê.
Chúng tôi quyết định chiều sẽ đi thăm cậu ấy.
Kropp rút ra một lá thư. “Kantorek nhờ tớ gửi lời chào các cậu.”
Chúng tôi cười. Müller quăng điếu thuốc lá đi và nói: “Tớ muốn giá mà lão ta đang ở đây.”
Kantorek là thầy giáo chủ nhiệm của bọn tôi, một người đàn ông nhỏ thó, nghiêm khắc, mặt nhọn như mặt chuột, luôn bận chiếc áo vét dài xám xỉn. Lão có thân hình na ná gã hạ sĩ quan Himmelstoß – “nỗi khiếp đảm của núi Tu Viện”. Mà kể cũng khôi hài là nỗi bất hạnh trên đời thường lại do những kẻ loắt choắt gây ra, những kẻ mạnh mẽ và hay sinh sự gấp nhiều lần những người to xác. Tôi luôn cố tránh để không bị sa vào những đơn vị có chỉ huy nhỏ con; phần lớn bọn họ là những tên bóc lột đáng nguyền rủa.
Trong các giờ học thể dục, Kantorek cứ lải nhải thuyết giảng mãi, kỳ cho tới lúc cả lớp đồng lòng để lão dẫn đến tỉnh đội đăng ký nhập ngũ. Tôi vẫn nhớ mồn một hình ảnh lão ngày đó, khi lão nhìn chúng tôi với ánh mắt lấp lánh sau cặp kính và xúc động hỏi: “Các em sẽ cùng đi chứ, các chiến hữu?”
Những nhà giáo như lão thường xuyên trữ sẵn tình cảm của họ trong túi áo vét, và cũng sẵn sàng đem nó ra phân phát theo tiết học. Thế nhưng thuở đó chúng tôi nào đã để tâm chuyện ấy.
Tuy nhiên, một đứa trong đám trò chúng tôi do dự và không hẳn muốn đi cùng. Đó là Joseph Behm, một anh chàng to béo và vui tính. Nhưng rồi cậu ta cũng bùi tai nghe theo, mà giả sử có muốn cưỡng lại cũng chả được. Có lẽ còn nhiều thằng khác nữa cũng nghĩ như cậu ta; nhưng ai dám tự tách mình ra chứ, bởi thời đó mà lơ mơ là bị cả cha mẹ đẻ của mình gán ngay cho hai từ “hèn nhát”. Đơn giản là mọi người không hề biết cái gì đang đến. Thực ra sáng suốt nhất là đám dân nghèo chất phác; họ ngay lập tức xem chiến tranh là một nỗi bất hạnh, trong khi những kẻ phong lưu hơn vì quá vui mừng lại chẳng biết mô tê gì, cho dù chính họ lẽ ra phải nhận biết sớm hơn những hậu quả của chiến tranh.
Katczinsky quả quyết lỗi là ở nền giáo dục làm con người ta ngu muội đi. Mà Kat nói gì cũng đều đã suy nghĩ chín chắn.
Kỳ lạ là Behm lại nằm trong số những người đầu tiên chết trận. Cậu ta bị trúng đạn vào mắt trong một cuộc tấn công, và chúng tôi đã để Behm nằm lại trận địa vì cho rằng cậu ta đã chết. Chúng tôi không thể khiêng cậu ta theo vì phải gấp gáp rút lui. Đến chiều chợt chúng tôi nghe tiếng cậu ta gọi và trông thấy cậu ta đang bò lồm cồm phía trước chiến hào. Hóa ra cậu ta chỉ bị ngất đi. Do không nhìn thấy gì và đang điên dại vì đau đớn, Behm chẳng tận dụng được một chỗ trú ẩn nào, và vì thế đã bị phía bên kia bắn hạ trước khi ai đó kịp lao ra đón cậu ta.
Đương nhiên người ta không thể lôi lão Kantorek vào chuyện này… mà nếu người ta muốn gọi cái việc lão đã làm là tội lỗi thì còn trời đất nào nữa. Có đến hàng ngàn lão Kantorek, tất cả bọn họ đều tin rằng đang làm điều tốt nhất theo cái cách mà họ thấy thoải mái.
Nhưng chúng tôi lại thấy chính ở đó nguyên nhân thất bại của họ.
Đáng ra họ phải trở thành những người chỉ lối và dìu dắt chúng tôi, những học trò tuổi mười tám, đến với thế giới của sự trưởng thành, thế giới của lao động, của nghĩa vụ, của văn hóa và tiến bộ, đến với tương lai. Đôi khi chúng tôi chế giễu họ và chơi khăm họ những vố nho nhỏ, nhưng về căn bản chúng tôi tin tưởng họ. Trong suy nghĩ của chúng tôi, khái niệm “uy tín”, mà họ là những người đang có, gắn liền với sự nhìn đời thấu đáo hơn và sự hiểu biết nhân văn hơn. Thế nhưng niềm tin đó đã tiêu tan ngay khi chúng tôi trông thấy người đầu tiên chết trận. Chúng tôi buộc lòng nhận ra rằng lứa tuổi chúng tôi trung thực hơn lứa tuổi họ; họ chỉ hơn chúng tôi ở khoản lẻo mép và khôn khéo. Trận pháo kích đầu tiên đã mở mắt cho chúng tôi thấy sự nhầm lẫn của mình, và cái nhân sinh quan mà họ dày công vun xới đã sụp đổ tan tành trong lửa đạn.
Trong khi họ vẫn viết, vẫn nói, thì chúng tôi trông thấy những bệnh viện dã chiến và những người hấp hối… Trong khi họ gọi phụng sự quốc gia là điều lớn lao nhất, thì chúng tôi đã biết rằng nỗi sợ chết còn mạnh hơn. Chúng tôi không vì thế mà trở thành những kẻ nổi loạn, những tên đào ngũ hay những thằng hèn – toàn là những mỹ từ mà họ sính dùng – chúng tôi yêu quê hương mình cũng hệt như họ yêu, và chúng tôi dũng cảm xông lên trong mỗi cuộc tấn công… nhưng giờ đây chúng tôi đã biết phân biệt, chúng tôi bỗng chốc học được cách nhìn nhận. Và chúng tôi nhìn thấy từ cái thế giới của họ chẳng còn gì sót lại. Chúng tôi bỗng cô đơn kinh khủng; và chúng tôi phải tự xoay xở lấy một mình.
Trước khi đi thăm Kemmerich, chúng tôi gói ghém đồ dùng của cậu ấy, những thứ này cậu ấy có thể cần đến dọc đường.
Bệnh viện dã chiến nhốn nháo, nồng nặc mùi phenol, mùi mủ và mồ hôi như thường thấy. Tuy đã ít nhiều quen với những mùi khó ngửi trong các lán trú quân, nhưng lọt vào đây vẫn đủ khiến người ta phát ốm. Chúng tôi hỏi han tìm kiếm Kemmerich; cậu ấy đang nằm trong một gian phòng lớn, đón chúng tôi với nét mặt chỉ còn thể hiện yếu ớt sự vui mừng và nỗi bức xúc đến tuyệt vọng. Trong lúc mê man bất tỉnh, cậu ấy đã bị kẻ nào đó xoáy mất chiếc đồng hồ.
Müller lắc đầu. “Tớ đã luôn bảo cậu rồi, rằng không ai dại gì mang theo một cái đồng hồ tốt như thế.”
Müller vốn chậm hiểu và hay lý sự. Nếu không cậu ta đã biết giữ miệng, bởi ai cũng thấy Kemmerich sẽ chẳng bao giờ còn ra khỏi gian phòng này nữa. Có tìm lại được chiếc đồng hồ hay không hoàn toàn chẳng nghĩa lý gì, bất quá cũng chỉ gửi về cho gia đình cậu ấy là cùng.
“Cậu thấy trong người thế nào, Franz?” Kropp hỏi.
Kemmerich cúi đầu xuống.
“Cũng ổn mà… mỗi tội bàn chân đau kinh khủng.”
Chúng tôi nhìn xuống tấm chăn Kemmerich đắp. Cẳng chân cậu ấy nằm dưới một cái khung bằng thép, trên phủ chăn cao vồng lên. Tôi khẽ đá vào ống chân Müller, ai chứ anh chàng này dễ hở ra với Kemmerich điều mà đám quân y đã kể cho chúng tôi biết ngoài kia, ấy là Kemmerich không còn bàn chân nữa. Chân cậu ấy đã phải cưa bỏ.
Thần sắc cậu ấy thật kinh khủng, vàng vọt và tái xám, trên mặt đã hiện rõ những đường nét xa lạ mà chúng tôi quá quen thuộc vì đã phải nhìn hàng trăm lần rồi. Thật ra đó không phải là những đường nét, những dấu hiệu thì đúng hơn. Dưới làn da không còn mạch đập của sự sống; sự sống đã bị đẩy ra đến mép ngoài cùng của cơ thể, thần chết đang hoành hành ở bên trong và đã chế ngự được đôi mắt. Người đồng đội Kemmerich của chúng tôi đang nằm kia, người mới đây còn nướng thịt ngựa và ngồi dưới hố đạn pháo cùng chúng tôi; vẫn là cậu ấy, nhưng lại không còn là cậu ấy, hình ảnh cậu ấy trở nên nhạt nhòa, vô định, như một tấm ảnh chụp đè lên nhau hai lần. Ngay giọng nói của cậu ấy cũng mang âm hưởng của tro bụi.
Tôi nhớ lại ngày chúng tôi lên đường. Mẹ cậu ấy, một phụ nữ to béo tốt bụng, đưa cậu ấy ra ga. Bà khóc sướt mướt đến nỗi sưng húp cả mặt mũi. Kemmerich ngượng ngùng vì mẹ là người kém bình tĩnh nhất trong tất cả mọi người, bà dường như tan chảy thành mỡ và nước mắt. Vừa khóc bà vừa để mắt đến tôi, chốc chốc lại níu lấy cánh tay tôi mà van vỉ hãy để ý trông nom Franz ngoài mặt trận. Đúng là Franz mặt mũi non choẹt như đứa bé, xương cốt lại yếu mềm, mới đeo ba lô có bốn tuần đã rước ngay hai bàn chân bẹt. Nhưng ngoài mặt trận thì ai còn để ý trông nom ai được nữa!
“Bây giờ cậu sẽ được về nhà,” Kropp nói, “chứ bình thường sẽ phải đợi ít nhất ba bốn tháng nữa mới đến kỳ nghỉ phép.”
Kemmerich gật đầu. Tôi không thể nhìn lâu đôi bàn tay cậu ấy, chúng như làm bằng sáp. Các móng tay vẫn két đầy bụi đất chiến hào có màu xanh đen tựa chất độc. Tôi sực nghĩ, những cái móng tay này sẽ vẫn tiếp tục mọc dài ra, như những cái cây ma quái mọc lên nơi tăm tối, rất lâu sau khi Kemmerich đã ngưng thở. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những cái móng tay xoắn lại như những cái mở nút chai, mọc dài ra, dài nữa, và cùng với chúng, những sợi tóc cũng đua nhau mọc trên hộp sọ đang tan rữa như cỏ dại trên đất màu, giống hệt như cỏ dại, sao lại có thể như vậy chứ?
Müller cúi xuống. “Chúng tớ mang đồ của cậu đến đây này, Franz.”
Kemmerich chỉ tay. “Bỏ hộ xuống dưới gầm giường.”
Müller làm theo. Kemmerich lại bắt đầu ca cẩm về chiếc đồng hồ. Có cách nào an ủi cậu ấy mà không khiến cậu ấy sinh nghi được đây!
Müller lôi từ dưới gầm giường lên một đôi ủng phi công. Đó là đôi giày kiểu Anh tuyệt đẹp bằng da mềm màu vàng, cao đến tận đầu gối và thắt dây từ dưới lên trên, một món đồ đáng thèm muốn. Müller say sưa ngắm nghía đôi ủng, giơ chúng gần đôi giày thô kệch của mình và hỏi: “Cậu có định đem chúng về nhà không, Franz?”
Cả ba đứa chúng tôi chung một ý nghĩ: cho dù Kemmerich có khỏe lại đi nữa, cậu ấy cũng chỉ có thể dùng một chiếc, thành thử với cậu ấy đôi ủng vô giá trị. Nhưng cứ cái đà này thì quả là bi đát nếu để đôi ủng nằm lại đây, vì hễ cậu ấy chết là bọn y tá đương nhiên sẽ cuỗm chúng liền.
Müller hỏi lại: “Cậu không muốn để chúng lại đây à?”
Kemmerich không muốn. Đây là món đồ tốt nhất cậu ấy có.
“Tụi mình có thể trao đổi mà,” Müller lại gạ, “ở ngoài mặt trận thứ này hữu dụng hơn đấy.”
Nhưng không lay chuyển được Kemmerich.
Tôi đạp vào chân Müller, cậu ta tần ngần trả đôi ủng đẹp về dưới gầm giường.
Chúng tôi còn chuyện trò một lúc nữa rồi chia tay nhau. “Gắng khỏe nhé, Franz.”
Tôi hứa với cậu ấy ngày mai sẽ lại đến, Müller cũng hẹn quay lại, cậu ta vẫn nghĩ đến đôi giày ống buộc dây và vì vậy muốn túc trực ở đây.
Kemmerich rên rỉ. Cậu ấy đang sốt. Khi ra ngoài, chúng tôi giữ một y tá lại và năn nỉ gã tiêm cho Kemmerich một mũi.
Gã khước từ: “Nếu ai chúng tôi cũng tiêm morphin thì chắc phải có hàng thùng đầy…”
“Dễ thường cậu chỉ phục vụ bọn sĩ quan thôi hả,” Kropp hằn học nói.
Tôi vội xen vào can và thử mời gã y tá một điếu thuốc lá. Gã nhận. Rồi tôi hỏi: “Cậu có được phép tiêm món ấy không đã chứ?”
Gã nổi máu tự ái. “Các anh không tin thì hỏi tôi làm gì…”
Tôi dúi thêm vài điếu thuốc nữa vào tay gã. “Chiều lòng tụi này chút đi…”
“Thôi được rồi,” gã nói. Kropp theo gã vào trong, cậu ta không tin gã và muốn thấy tận mắt. Chúng tôi đứng đợi bên ngoài.
Müller lại bắt đầu nói đến đôi ủng. “Chúng sẽ vừa chân tớ không chê vào đâu được. Dận cái đôi xuồng này, chân tớ cứ là nốt rộp này chồng lên nốt rộp kia. Cậu có nghĩ cậu ấy sẽ trụ nổi đến hết phiên trực ngày mai không? Nếu cậu ấy tịch đêm nay thì tụi mình đừng hòng thấy lại đôi ủng nữa…”
Albert quay ra, “Các cậu có nghĩ…” cậu ấy hỏi.
“Đứt thôi,” Müller nói như để kết thúc câu chuyện.
Chúng tôi quay về lán trú quân. Tôi nghĩ đến bức thư ngày mai mình sẽ phải viết cho mẹ Kemmerich. Tôi rét run. Tôi muốn uống một ly rượu mạnh. Müller vặt mấy ngọn cỏ đưa lên miệng nhấm nhấm. Kropp bé nhỏ đột nhiên quăng điếu thuốc lá xuống đất, điên cuồng giẫm đạp lên nó, đoạn nhìn xung quanh với gương mặt dãn ra, bối rối lẩm bẩm: “Cứt! Mẹ kiếp. Cứt! Cứt! Cứt!”
Chúng tôi tiếp tục đi hồi lâu. Kropp đã trấn tĩnh lại, chúng tôi không lạ gì cái cơn khùng ngoài mặt trận đó, ai cũng đã từng trải qua. Müller hỏi cậu ấy: “Mà thật ra cái lão Kantorek đã viết gì cho cậu thế?”
Kropp cười: “Lão gọi bọn mình là tuổi trẻ sắt gang.”
Cả ba thằng cười gằn. Kropp chửi rủa, cậu ấy hả dạ vì xả ra được…
Phải, họ nghĩ vậy đấy, họ nghĩ vậy đấy, hàng trăm ngàn cái lão Kantorek ấy! Tuổi trẻ sắt gang. Tuổi trẻ! Tất cả chúng tôi đều chưa quá tuổi đôi mươi. Nhưng mà trẻ ư? Tuổi trẻ sao? Cái đó qua từ lâu rồi. Chúng tôi là những ông già.