Cuốn sách “Thời gian để sống và thời gian để chết” là một bản giao hưởng đầy cảm xúc về tình yêu, hy vọng và sự sống trong bối cảnh tàn khốc của Thế chiến II.
“Thời gian để sống và thời gian để chết” là lời ca ngợi sức mạnh của tình yêu. Giữa những bi kịch và tuyệt vọng, tình yêu giữa Ernst Graeber và Elisabeth Kruse đã nảy nở và mang đến cho họ niềm hy vọng vào cuộc sống. Tình yêu của họ là nguồn sức mạnh giúp họ vượt qua những ngày tháng chiến tranh đầy gian khổ và tàn khốc.
Cuốn sách cũng là lời tố cáo mạnh mẽ sự tàn khốc của chiến tranh. Remarque đã phơi bày sự tàn bạo, vô nhân đạo của chiến tranh, những kẻ đã biến con người thành những cỗ máy giết người và hủy diệt mọi giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Nhân vật chính của “Thời gian để sống và thời gian để chết” là Ernst Graeber, một người lính Đức. Anh là đại diện cho hàng triệu con người đã bị vùi dập bởi chiến tranh. Tuy nhiên, dù phải sống trong địa ngục trần gian, Ernst Graeber vẫn giữ gìn được phẩm chất cao đẹp của con người. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ những người yếu hơn, chia sẻ với họ những gì mình có và không bao giờ từ bỏ hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
“Thời gian để sống và thời gian để chết” là một tác phẩm văn học kinh điển, một lời cảnh tỉnh cho nhân loại về sự tàn khốc của chiến tranh và tầm quan trọng của hòa bình. Cuốn sách là một trải nghiệm đọc đầy cảm xúc, khiến bạn suy ngẫm về cuộc sống, về tình yêu và về giá trị của lòng nhân ái.
Mời các bạn đón đọc Thời Gian Để Sống và Thời Gian Để Chết của tác giả Erich Maria Remarque.
—
Chương 1
Yêu và chết của một người trên mặt đất, nhất là trên mặt đất đầy lửa và máu, hoài vọng và thất vọng cay đắng. Một thời yêu và một thời chết, chỉ một thời thôi đời sống của con người kéo dài trong tiếng rạn nức của diêm sinh bắn lửa trên đầu que diêm. Một thời để yêu và một thời để chết, một quyển tiểu thuyết dầy trên năm trăm trang, làm máy động lên những vùng tóc tơ của tình yêu và những tiếng kêu chiều của sự chết. Một người đàn ông mang tên X, gặp cô gái mang tên Y, gặp nhau tình cờ trong bối cảnh, mang tên Z.
Tên X ấy có thể là Ernst Graber và cũng có thể là Xuân, Minh, Vinh hay Tâm; tên Y ấy có thể là Elisabeth Kruse và cũng có thể là Vi, Thủy, Ngọc hay Lan, tên Z kia có thể là một thành phố Đức giữa thời đại chiến mà cũng có thể là một thành phố nào đó. Tình yêu giữa thời chiến, đây là câu chuyện muôn đời xảy ra muôn lần trên lịch sử muôn năm của muôn triệu con người, nhưng đọc một thời để yêu và một thời để chết của Erich Maria Remarque, chúng ta mới thấy rằng có một thời tình yêu và chiến tranh lại trở thành những đề tài sáo cũ và lỗi thời, mà cũng có một thời tình yêu và chiến tranh lại trở lại thành những tiếng gọi thầm thì và những tiếng thống thiết đồng vọng lên hơi thở không ngừng của trái tim. Remarque đưa mình vào một buổi chiều phiêu lãng có mây nhẹ bay qua trên đống gạch vụn điêu tàn của một nền văn minh giẫy chết. Remarque không làm văn chương; chất thơ phớt nhẹ vào quyển tiểu thuyết ông như một chút nước mát từ đồi cao rưới xuống mặt đất cháy đen của thời chinh chiến.
Lối văn giản dị, không tô đậm những thông điệp của một sứ giả hay một tiên tri từ vùng trời lý tưởng trở về thế gian hữu hạn để cất tiếng nói lên kêu gọi một cái gì đó. Không, Remarque không phức tạp như một André Malraux không chua xót hận thù như Malaparte, không lạnh lùng tàn nhẫn như Norman Mailer, không thất vọng bơ vơ như Hemingway. Người về từ chiến tranh. Trong tiểu thuyết của Remarque, không về trong sự lạc loài thờ ơ của Faulkner, mà trở về với hoài tưởng tới những con chim sơn ca ở đầu làng, về trong tình yêu và ra đi trong sự chết, dó là một chút khói thuốc mà Remarque gởi tặng cho chúng ta, vì như một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết khác của Remarque “người ta chỉ có thể tìm được thanh bình trong khói thuốc”. Sự trở về kêu gọi quê hương, tình yêu, thanh bình; sự ra đi kêu gọi sự chết chiến tranh, hận thù, ngộ nhận, hư vô. Đó là một cội cây anh đào trổ bông mà Remarque đem về tặng cho mỗi người trong chúng ta, những người đang sống qua kẽ nứt của mái nhà tranh quê mẹ. Trong một quyển tiểu quyết khác của Remarque, mang tên là Mặt trận miền Tây đều yên lặng, một nhân vật nào đó không ngừng ám ảnh trí nhớ của mình, đó là một anh tân binh quân dịch, một hôm, khi ngoài cửa sổ trại lính anh bỗng nhìn thấy cây anh đào trổ bông bừng lên cả khung cửa, suốt đêm đó, anh trằn trọc ngủ không được, anh nhớ đến cây anh đào ở quê nghèo, và sáng hôm sau, người ta không còn tìm ra hành tung anh nữa. Anh đã trở về.
Ra đi và trở về. Ra đi trong trầm uất và trở về trong liều lĩnh rạo rực. Sống rạo rực và chết như khói bay lên trời. Mộ thời để yêu và một thời để chết. Yêu một lần và chết một lần. Chỉ một lần. Remarque trao tặng chúng ta một thời để yêu và một thời để chết. Từ mặt trận ở Nga, Graber trở về nghỉ phép ở quê hương, chàng đã chờ dợi hai năm rồi mới được dịp may bất ngờ này. Về tới quê nhà, chàng không còn thấy, không còn nhìn ra mái nhà xưa nữa, bom đạn đã làm tan nát tất cả: cha mẹ chàng mất tích, chàng bơ phờ tìm kiếm hành tung của cha mẹ, nhưng rồi tình cờ gặp cô Elisabeth Kruse, họ yêu nhau, yêu nhau đến độ cao cuối cùng của phong vũ biểu, vì họ chỉ biết rằng mọi sự đều chỉ đến có một lần thôi. “Thực là lạ, anh nhỉ, Elisabeth nói, có lẽ là mùa xuân đang tới, em có cảm giác là đâu đây thoảng thoảng mùi hoa đồng thảo…”.
Và thỉnh thoảng Graber còn nghe được tiếng chim họa mi vô hình kêu hót, dù bao nhiêu sự việc đã trôi qua từ bao giờ. Nhưng giữa cánh đập của con én liệng ở lầu chuông, Graber cũng thể quên hẳn kỷ luật quân đội và chàng phải trở ra trận, để rồi sau cùng bị bắn chết, lúc chàng mở cửa tù cho tội nhân trốn thoát. Lòng nhân đạo của chàng đã bắn chàng chết: chàng muốn giải tỏa tù nhân và chính tù nhân được trả tự do đã quay ngược lại chĩa súng bắn vào chàng. Câu chuyện chấm dứt bằng một câu đơn giản: “và đôi mắt chàng đóng khép lại”, thế mà chúng ta có cảm tưởng rằng câu nói ấy về sự đóng khép của một vũ trụ nào đó, một vũ trụ mà: “một cụm mây bay chậm qua bầu trời. Những con chim kêu ríu rít trong rìhững cội phong già. Một con bướm xanh lơ lảo đảo từ đóa hoa này đến đóa hoa khác và bay lượn trên những hô lạc đận. Một chặp sau đó, một con bướm khác bay tiếp theo với con bướm xanh kia. Hai con bướm vui đùa với nhau và săn đuổi nhau. Tiếng ì ầm ngoài mặt trận vang động lớn dần. Hai con bướm giao cấu nhau và bay cao lên chậm chạp trong không khí ấm và sáng. Graber nằm ngủ”.
Erich Maria Remarque, nhà văn Đức sinh năm 1898, bị thương năm lần tại mặt trận, sống ở Mỹ quốc trong thời đại chiến 1939-1945, đồng thời sống ở Pháp và Thụy Sĩ. Ông là một tiểu thuyết gia nổi danh của văn học Đức hiện đại, nhiều quyển tiểu thuyết của ông bán chạy nhất thời hậu chiến. Những quyển tiểu thuyết của ông đều nói lên sự tàn phá của nền văn minh Tây phương, của chiến tranh và hận thù. Tình yêu và tình thương vẫn là đề tài muôn thuở mà ông không bao giờ viết lên với những tiết nhịp dễ dãi của thứ văn chương lãng mạn hời hợt. Tính cách lãng mạn trữ tình của Remarque là một đóa hoa mọc lên từ máu và bùn. Đọc Remarque, chúng ta cảm thấy niềm tin vào cuộc đời vẫn còn đó rạng rỡ như một cơn lửa chiều. Chúng ta khó quên một đoạn trong một thời để yêu và một thời để chết:
– Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng.
– Nên chứ, nếu không cứu vớt những giấc mộng thì cứu vớt gì bây giờ?
– Cứu vớt Niềm tin. Còn những giấc mộng thì tự chúng sẽ hồi sinh lại.
Giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại. Chỉ có Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người.
oo0oo
Cái chết ở đất Nga khác mùi cái chết ở Phi châu. Ở Phi châu trọng pháo của quân Anh cũng giết người như rạ, xác chết nằm phơi giữa hai phòng tuyến, nhưng ở đây trời nóng làm cho chóng tiêu hết. Thây người chết rã ra, hơi bốc lên, ban đêm gió đưa lại một mùi hôi thối nồng nặc buồn nôn mửa, hơi đó làm trương phình xác chết, dưới ánh sao người ta trưởng như thây ma nhỏm dậy đánh một trận cuối cùng vô vọng nữa, nhưng ngày hôm sau thây ma lại xẹp đi, teo lại, dán chặt xuống đất lồi lõm như đã mệt nhoài, như muốn tự động chui xuống dưới đất. Khi đến lượm đi người ta thấy có cái thây nhẹ bổng, khô đét, nếu để lâu độ vài tuần, thây chỉ còn là bộ xương bọc da, khô dòn, kêu rắc rắc như củi khô dưới những bộ nhung phục rộng quá. Cát, mặt trời và gió làm cho xác chết ở đây khô ráo sạch sẽ, còn xác chết ở bên Nga trương sình thôi kinh hồn.
Trời đã mưa từ mấy hôm nay. Tuyết tan thành bùn lầy. Một tháng trước tuyết còn dày đến một thước. Làng bị tàn phá mới đầu chỉ còn sót lại một vài nóc nhà cháy đen, mỗi đêm hiện rõ ra thêm một chút trên bãi tuyết đang tan. Phía trên cửa sổ hiện ra trước, vài đêm sau trông thấy vòng cung cửa ra vào, rồi đến thềm nhà xuất hiện dần từng bậc một giữa đống tuyết trắng hôi hám. Tuyết vẫn tan, bây giờ đến lượt những xác chết xuất hiện.
Đây là những xác chết từ những trận đánh trước. Làng đã lần lượt bị phe này hay phe kia chiếm đóng nhiều lần, vào tháng một, tháng chạp, tháng giêng, mới đây vào tháng tư. Quân chiếm đóng, rồi bỏ đi, rồi trở lại chiếm đóng, tuyết rơi từng đợt kế tiếp nhau lấp kín xác chết, nhiều khi lớp tuyết dày quá, lính cứu thương không biết mà đem chôn. Mỗi ngày lại thêm một lớp tuyết trắng phủ lên cảnh đổ nát, khác nào một cô khán hộ phủ một tấm vải trắng tinh lên một cái giường vấy máu và nhơ nhớp bùn.
Thây người chết hồi tháng giêng, hiện ra trước nhất. Những xác này nằm ở lớp trên, ngày tuyết tan vào đầu tháng tư đã làm xuất lộ. Khí lạnh đã làm cho xác cứng lại, mặt như tạc bằng sáp. Người ta khiêng đi coi như những hình nộm bằng gỗ. Trên một gò cao phía sau làng, lớp tuyết phủ không dày như những nơi khác, người ta hốt sạch tuyết, định đào huyệt chôn. Công việc lâu lắc và khó khăn, vì thế người ta định chỉ chôn những xác chết người Đức mà thôi. Xác người Nga chất đống lại chất đống lại trong một cái chuồng bò trống ngoài trời. Khi bớt lạnh, hơi hám xông lên quá, lại phải lấy tuyết phủ đi. Người ta không muốn chôn vì người ta biết rằng chẳng còn chiếm được làng này trong bao lâu. Quân ta đang rút lui, quân Nga đang tiến, để họ chôn lấy người của họ.
Súng của người chết vào tháng giêng lún dần xuống chỗ người chết trước vào tháng chạp nằm ở dưới. Súng và lựu đạn chìm xuống sâu hơn xác người, thỉnh thoảng mũ chiến cũng vậy.
Nước làm cho áo quần mềm nhũn ra, rất dễ cắt phanh quần áo để xem dấu vết thi hài người chết. Miệng họ đầy tuyết đã tan ra nước, nom họ như chết đuối vậy. Có khi chân tay tan tuyết trước thân mình, có khi khiêng xác đi, một cái tay hay một cái cẳng đong đưa lủng lẳng với điệu bộ thản nhiên ghê tởm, gần như bỉ ổi. Khi có tia nắng chiếu vào thì hai mắt rã tuyết trước nhất, mắt không còn sắc trong vắt của người chết, con ngươi trở thành keo. Những giọt nước mắt đặc quánh ứa dần ra.
° ° °
Bất thần trở lại rét trong vài ngày. Trên mặt tuyết đóng một lớp băng, và tuyết ngưng lại không sụt xuống nữa. Nhưng chẳng bao lâu gió nồm lại thổi.
Mới đầu chỉ thấy một chấm xám trên mặt tuyết trắng lem nhem bẩn. Chỉ một giờ sau, một bàn tay co quắp hiện ra.
– Lại một cái nữa.
– Đâu?
– Ngoài kia, trước nhà thờ. Thử moi ra xem sao.
– Không cần, gió này chẳng mấy chốc lòi ra hết. Ít ra cũng còn một hay hai thước tuyết. Cái làng khốn nạn này ở một chỗ đất thấp. Nếu mày muốn múc lấy mười lít nước vào mỗi chiếc giầy thì cứ ra mà đào.
– Thế thì tao chịu thôi!
Sauer nhìn xe lương thực.
– Mày có biết hôm nay có gì ăn không? – Lời Immermann.
– Củ cải. Củ cải nấu thịt heo, khoai tây và nước lã. Xin đính chánh: không có thịt heo.
– Lại củ cải? Tuần này ăn đến lần thứ ba rồi đó!
Sauer mở cúc quần để đi tiểu tiện: “Mới một năm trước tao còn đái vọt xa, đấy mới là đái của lính chính hiệu con nai. Đi thì nhất rồi, một ngày đi không biết bao nhiêu là cây số, tao những tưởng là sắp được giải ngũ rồi. Bây giờ thì xò rồi, đái yếu không còn là đái lính nữa”.
Immermann thọc tay vào trong áo, gãi, khoan khoái hiện ra mặt.
– Tao chẳng cần biết mình đái lính hay đái thường dân, tao chỉ cần sống đời dân sự.
– Tao cũng vậy. Nhưng điệu này thì mình đi lính mãn đời mất!
– Đi lính thì anh hùng thật, nhưng anh hùng để mà chết mất xáp. Chỉ có những thằng mật vụ SS đái xa được mà thôi.
Sauer cài nút quần:
– Họ thì họ làm được. Những thằng khác khó nhọc để cho chúng nó hưởng. Người ta chiến đấu trong hai ba tuần lễ để chiếm lấy một tỉnh rốt cuộc tụi mật vụ SS thổi kèn đánh trống kéo vào đấy làm chủ. Mày có biết tụi nó được ưu đãi như thế nào không? Mũ, giầy, thịt, cá, cái gì tốt nhất là tụi nó hưởng.
Immermann bỗng cười sằng sặc:
– Bây giờ thì tụi nó cũng chẳng kèn trống om sòm tiến vào đâu cả. Tụi nó cũng chạy dài như tụi mình.
Sauer cầm lấy ga men mà rằng:
– Đi ăn, mau lên, đến chậm chỉ còn nước rửa bát.
Một bàn tay dưới tuyết nhô dần lên. Người ta không có cảm tưởng rằng tuyết hạ xuống mà có cảm tưởng rằng bàn tay nhô lên như một cái nấm xám xịt đáng sợ, như là một tiếng kêu cứu giá băng.
Đại úy chỉ huy trưởng Rahe trông thấy lại hỏi:
– Cái gì thế này?
– Có lẽ một cái xác lính Nga, đại úy à.
Rahe mở to mắt. Ông ta trông thấy một chút tay áo màu bạc phếch.
– Không phải lính Nga đâu.
Rồi ông ta về bản doanh trong khi trung sĩ Mucke gọi mọi người lại.
– Lại tất cả đây! Graber! Sauer! Immermann! Steinbrenner! Hirschland! Beming! Mấy người trông thấy cái bàn tay ngoài kia không! Đào lên mà chôn cất tử tế nếu là xác người Đức! Nhưng tôi cá với các người rằng đó là xác lính Nga.
Steinbrenner mới có mười chín tuổi, mặt tròn như mặt một thiên thần trung cổ. Trước y ở trgng hàng ngũ SS và đã có huy chương vàng Thanh niên Hitler. Y được sung vào đội quân này, nhưng ai cũng biết y làm thám tử cho mật vụ.
Mucke lấy trong túi ra một hộp thuốc lá bằng gỗ anh đào chạm trổ rất đẹp.
– Hút một điếu?
– Còn gì bằng!
Immermann nói lướt qua:
– Steinbrenner! Quốc trưởng đâu có hút thuốc?
– Câm mồm mầy!
– Mầy cũng câm mồm đi!
– Chà, cha này coi bộ sống đúng phép tu dưỡng ghê!
Dưới hàng lông mi hung hung, Steinbrenner liếc mắt ngang nhìn người đối thoại:
– Sao trí nhớ của mày ngắn thế!
Immermann cười:
– Ngắn thì ngắn nhưng cũng đủ để hiểu mày rồi. Mày chớ nên quên điều này: Quốc trưởng không hút thuốc. Tao chỉ cần nhắc mày có điều ấy. Tao có bốn nhân chứng. Ai cũng biết rằng Quốc trưởng không hút thuốc.
Họ đã lấy ván để đi tới chỗ xác chết và bới tuyết để lộ ra cánh tay và bán thân người. Đã nom thấy bộ nhung phục ướt sũng nước đồng phục lính Đức.
Mucke ì ạch tiến tới, ghé mắt nhìn xuống hố đang dềnh nước lên.
– Tao không biết vì sao lại còn xác lính Đức. Có lẽ đấy là xác chết đã lâu, hồi tháng chạp, chúng ta đang tiến quân, xác ở lớp tuyết ở dưới cùng.
– Chúng ta đã tiến được hàng trăm cây số rồi kia mà.
– Bây giờ chúng ta lại ở chỗ cũ.
Graber xen vào:
– Vậy là chúng ta rút lui phải không?
Immermann vội lấy khuỷu tay hích Graber nhưng Graber vẫn hỏi Steinbrenner:
– Hay là chúng ta tiến?
Immermann giải thích trong khi nhìn Steinbrenner gay gắt:
– Chúng ta rút ngắn những trục giao thông. Đã một năm nay chúng ta theo chiến lược ấy, chẳng còn bao lâu nữa sẽ thắng trận. Ai cũng biết thế.
Lát sau Immermann rỉ tai Graber rằng:
– Liệu hồn mày, nếu không thằng đểu giả ấy sẽ làm mày mất nghỉ phép. Nó sẽ tố cáo mày chủ bại. Nó chỉ đợi có thế.
Vài phút sau cái thây được lôi lên để trên miệng lỗ. Trong một túi áo còn nguyên cái bóp và giấy tờ. Chữ đã lem nhem nhưng còn đọc được để biết người chết là ai. Đó là trung úy Reike chỉ huy một đại đội quân Đức vào mùa thu năm trước.
Mucke tiến đến căn nhà ở của đại úy Rahe. Làng này chỉ có một căn nhà duy nhất ấy là ở được. Có lẽ trước ngày Cách mạng nhà này là nhà của giáo trưởng giáo hội. Đại úy Rahe ngồi trong phòng lớn. Mucke nhìn lửa cháy trong cái lò sưởi Nga với con mắt thèm thuồng khinh bỉ. Con chó bẹc-dê của Rahe ngủ trên chiếc ghế gỗ dài. Mucke phúc trình rồi cùng đại úy ra.
Rahe đứng một phút yên lặng trước thi hài rồi quay lại nhìn ngôi nhà thờ đã bị phá hết một nửa:
– Khiêng lại kia đợi. Còn cái hòm nào không?
– Những hòm đặc biệt cất riêng đều bị lính Nga chiếm mất cả. Mong rằng họ sẽ có dịp dùng đến.
Immermann bật cười. Đại úy Rahe không cười.
– Không thể làm được một cái à?
– Làm thì lâu lắm – Graber nói – Cái xác đã rữa rồi. Vả chăng trong làng này khó lòng mà tìm được thứ gỗ dùng được.
Rahe đành nghe theo họ.
– Lấy miếng vải tăng mà bọc vậy. Thôi chôn thế cũng được. Đắp đất mồ rồi làm một cây thập tự.
° ° °
Bốn người du kích Nga bị bắt, Rahe quyết định đem ra xử bắn.
– Đã sâu chưa? – Lão già đang đào huyệt để chôn mình ngừng lại hỏi.
Lão độ bảy mươi tuổi. Bộ râu bạc dơ bẩn, hai mắt thật là xanh. Lão nói được tiếng Đức.
Steinbrenner trả lời lão:
– Câm mồm đi, có ai hỏi mới được nói.
Steinbrenner rất vui vẻ. Hai mắt y không rời khỏi người đàn bà Nga đi theo ba người tù binh kia. Chị ta mạnh khỏe và còn trẻ lắm.
Graber cùng đứng coi tù binh với Steinbrenner và Sauer cũng nói:
– Cứ đào đi.
Lão già lại hỏi:
– Để chôn chúng tôi hả?
Steinbrenner nhảy đến nơi tát lão một cái mạnh như trời giáng.
– Đã bảo câm miệng mà, ông nội! Ông không biết ông ở đâu à? Ở đám hội chắc?
Y mỉm cười quay trở lại. Trên mặt không có vẻ gì độc ác, chỉ có cái thích thú của đứa trẻ ngồi vặt chân con ruồi để chơi.
Graber nói:
– Không, không phải hố chôn ông đâu.
Lão già Nga không nhúc nhích; lão yên lặng nhìn Steinbrenner, Steinbrenner cũng nhìn lão. Mặt y bỗng biến sắc, y chú trọng đến lão già hơn. Y nghĩ rằng lão sắp đánh lại và chỉ đợi lão cử động là đập chết liền. Giết chết lão tại chỗ có sao? Lão bị kết án tử hình, vả chăng cũng chẳng ai buồn để ý đến trường hợp Steinbrenner có thật là trường hợp tự vệ hay không. Nhưng đối với Steinbrenner thì vấn đề hầu như có tầm quan trọng của nó. Steinbrenner tự hỏi không biết y làm lão già phẫn uất đến mất trí chỉ để tiêu khiển hay là y còn muốn làm cho mỗi vụ sát nhân có một cớ khả dĩ chấp nhận được để ra vẻ hợp pháp. Hẳn là cả hai sự kiện ấy đều có và Graber nhận thấy đây không phải là lần thứ nhất mà mình gặp những trường hợp tương tự.
Lão già Nga vẫn đứng yên. Một giọt máu từ mũi chảy xuống bộ râu, Graber tự hỏi không biết mình ở địa vị lão sẽ xử trí ra sao: nhảy đến chỗ Steinbrenner để giết hắn chết ngay lập tức không kịp đụng đến người hắn hay nén giận đi để sống thêm một đêm cuối cùng? Graber cũng không biết trả lời sao.
Lão già thong thả cúi xuống nhặt cuốc rồi giơ cuốc cao lên. Steinbrenner lùi lại một bước, sẵn sàng nổ súng. Nhưng lão không ngẩng đầu lên, lão ngoan ngoãn cuốc đất, Steinbrenner cười gằn:
– Nằm xuống đấy. Y ra lệnh.
Lão đặt cuốc, bước xuống đáy huyệt nằm dài ra đó, không cựa quậy. Khi Steinbrenner đến gần miệng hố, y thấy mấy nắm tuyết rơi xuống người lão già.
– Dài như vậy được chưa? – Y hỏi Graber.
– Được rồi, trung úy Reicke người cũng không lớn con.
Lão già nhìn trời, trời xanh hình như phản chiếu trong mắt xanh của lão. Chỉ có vài sợi râu chung quanh miệng khẽ rung động theo hơi thở. Steinbrenner để lão nằm dưới hố một lúc, sau y mới bảo:
– Đi ra.
Lão bật dậy chạy đến với ba người kia. Đất ẩm dính bết vào quần áo.
Steinbrenner nhìn người đàn bà và nói:
– Bây giờ mấy người tự đào hố để chôn các người, không cần sâu lắm. Đến mùa hạ này cáo có đến ăn cũng thây kệ các người.
° ° °
Mặt trời mọc. Ánh hồng nhạt ửng chân trời. Tuyết sin sít dưới gót giầy, hồi đêm tuyết lại xuống. Huyệt mới đào coi đen thui.
Sauer chửi thề:
– Mẹ khiếp! Không còn cái gì là tụi nó không bắt mình làm! Tại sao lại đùn cho mình! Tụi S.D. Phải làm chứ, họ thu dọn chiến trường mà.
Graber đong đưa khẩu súng trên tay, thấy thép buốt lạnh y bèn đeo găng tay vào. Y nói:
– Tụi S.D. hoạt động ở hậu cần.
– Dĩ nhiên, họ chẳng dại gì mà ra tuyền tuyến.
– Có phải thằng Steinbrenner trước cũng là S.D. không?
– Trước nó là trưởng khối trong một trại tập trung, hay là cái gì như thế.
Mấy người khác kéo lại. Chỉ có Steinbrenner là tươi tỉnh. Trời rét làm ửng đỏ hai má như trẻ con mới lớn. Hắn nói:
– Con đàn bà để cho tao nghe, tụi mày!
– Mày muốn làm gì nó. Bây giờ thì còn kịp làm gì nữa? Sao mày không làm từ trước?
– Thì nó đã thử rồi đó. – Lời Immermann.
Steinbrenner nổi giận quay lại:
– Sao mày biết, Hội Liên hiệp Quốc tế Lao động cho mày biết phải không?
– Thì nó đã vỡ mũi vì con mẹ đó. – Lời Sauer.
– Mày ra bộ lém lỉnh lắm. Nhưng tao nói cho mày biết, nếu tao muốn nó thì tao làm kỳ được.
– Cái đó cũng còn tùy.
Trời tối sầm xuống. Một người nhìn đồng hồ.
Steinbrenner bảo y:
– Mày nên mừng rằng được chỉ định ra đây. Mày sẽ hết ý nghĩ đen tối. Xử bắn! Đối với tụi này xử bắn thì phí phạm quá. Phí mấy viên đạn thật là uổng. Nên treo cổ chúng thì hơn. Người ta vẫn treo cổ du kích.
– Treo cổ ở đâu? Mày có trông thấy một cái cây nào không? Hay là lại phải làm một cái cột để xử giảo? Mà lấy đâu ra gỗ?
Graber vội la lên:
– Họ đã đến kia.
° ° °
Mucke dẫn bốn người Nga lại. Bốn quân nhân vây lấy họ. Lão già đi đầu, theo sau là người đàn bà rồi đến hai thanh niên. Họ tự ý đến xếp hàng trước miệng hố. Người đàn bà liếc mắt nhìn hố trước khi đứng ra trước mặt lính Đức. Mụ mặc cái váy len đỏ.
Trung úy Muller ở nhà đại úy Rahe bước ra. Y thay mặt Rahe trong những vụ hành quyết. Nghĩ cũng tức cười người ta cũng còn cố giữ hình thức hợp lệ. Ai cũng biết mấy người Nga này không phải là quân du kích, nhưng họ vẫn bị tra vấn và kết án theo đúng thủ tục, họ không chút hy vọng thoát chết. Trên lý thuyết thì họ bị bắt trong khi cầm khí giới. Thế thì sao còn bày đặt ra nhiều chuyện thế này? Họ sẽ bị bắn trước sự hiện diện của một sĩ quan, đúng như luật nhà binh. Chẳng ai ra vẻ cảm động vì cái hân hạnh ấy.
Viên trung úy mới hai mươi mốt tuổi và mới bổ vào đội quân này. Y nhìn tội nhân một lát rồi bắt đầu đọc bản án.
Steinbrenner khẽ nói:
– Để phần tao con đàn bà.
Graber nhìn người đàn bà. Mụ bình thản đứng đợi trước hố. Coi mụ trẻ và khỏe, một người có sức để sinh con và nuôi con. Mụ không biết Mulier đọc gì nhưng mụ biết là bản án tử hình. Mụ biết rằng trong giây lát nữa sinh lực dồi dào trong huyết quản sẽ tiêu tan vĩnh viễn, tuy nhiên mụ chờ đợi một cách bình thản và không run rẩy vì khí lạnh lúc sáng sớm.
Mucke bước tới, ra lệnh cho lão già:
– Bảo người kia cởi giày ra. – Y vừa nói vừa chỉ một trong hai người tù binh.
Ông già nói nhỏ vài tiếng, giọng như hát. Người kia là một thanh niên xanh xao gầy ốm, y ra vẻ không hiểu, Mucke gắt:
– Tháo giầy ra!
Ông già nhắc lại. Người thanh niên bấy giờ mới hiểu, y vội vàng làm ngay như để sửa chữa một lỗi lầm không thể dung thứ được. Y lảo đảo đứng một chân, tay lôi chiếc giầy ở chân kia. Graber tự hỏi: “Tại sao y vội vàng thế? Để chết sớm hơn một phút chăng?” Người tù binh tiến lại chỗ Mucke đưa đôi giầy ra. Đôi giầy còn mới. Mucke nhăn mặt chỉ một chỗ cạnh đấy. Y đem giầy lại rồi về chỗ cũ. Hai chân quấn giẻ nhơ nhớp lún xuống tuyết, ngón chân vàng ệch quắp lại vì lạnh.
Mucke lục soát mấy người Nga khác. Người đàn bà có đôi găng tay, y bắt mang lại để cạnh đôi giầy. Y dừng lại một chút cạnh cái váy đỏ. Vải tốt mà chưa rách. Steinbrenner bụm miệng cười, Mucke đành thôi không bắt mụ cởi váy, có lẽ y sợ đại úy Rahe đứng cửa sổ nom thấy, có lẽ y cho rằng quần áo đàn bà không dùng được. Y lùi lại.
Người đàn bà lẩm bẩm nói vài tiếng Nga. Trung úy Muller ra lệnh:
– Hỏi xem chị ta muốn gì?
Người Muller tái nhợt. Đây là lần đầu y dự cuộc hành quyết.
Mucke nhắc lại câu nói cho lão già nghe. Lão trả lời:
– Nó không muốn gì cả. Nó chửi các người.
Mucke không hiểu quát to:
– Cái gì?
– Nó chửi các người, các người và tất cả quân Đức dày xéo trên đất Nga! Nó chửi các con người! Nó đợi con nó lớn sẽ bắn chết con các người như các người đã bắn nó.
– Đồ hỗn xược!
Mucke sợ hãi nhìn người đàn bà. Lão già lại nói:
– Nó có hai con, tôi cũng có ba đứa!
Muller vội ra lệnh:
– Thôi! Mucke! Chúng ta không phải người đi giảng đạo ở đây. Nghiêm!
Mấy người lính đứng nghiêm. Graber đã bỏ găng tay, thép lạnh làm tê buốt bàn tay và ngón tay. Y định bắn người ở đầu phía trái. Lần đần tiên được cử đi bắn tù nhân y đã bắn lên không. Chẳng bao lâu y bỏ cách ấy vì chẳng giúp ích gì cho tội nhân. Vì những người khác cũng nghĩ như y cho nên loạt súng thứ nhứt không trúng người nào. Phải bắn lần nữa tội nhân bị hành quyết hai lần. Một hôm y dụng ý bắn không trúng một người đàn bà, chị ta chạy đến ôm chân y vừa khóc mếu vừa cảm ơn y đã có lòng từ thiện cho sống thêm một phút. Graber không muốn nghĩ đến người đàn bà ấy nữa. Từ đấy y không muốn để xảy ra chuyện như thế.
– Súng lên vai!
Graber thấy lão già hiện lên trên đường ngắm, lão già mắt xanh, râu lem luốc. Y hạ tầm súng xuống để khỏi bắn vào mặt. Đã có một lần y bắn nát hàm dưới một tù nhân. Ngắm ngực mà bắn thì đích xác hơn. Y chợt nhận thấy một người để tầm súng cao quá đạn sẽ đi ở trên đầu phạm nhân.
Y vội bảo:
– Mucke trông thấy mầy đó. Ngắm thấp xuống nữa! Ngắm thấp xuống nữa! Ngắm vào ngực ấy!
Mucke ra hiệu bắn.
Người phạm nhân chồm lại phía Graber. Toàn thân hắn cong về đằng trước, như đứng trước cái gương lõm làm lệch bóng người. Người hắn vặn đi rồi ngã ra sau.
Lão già té ngay xuống hố, trông chỉ còn thấy hai chân. Những người kia ngã xuống ngay chỗ đứng. Người mất đôi giầy đưa hai tay lên mặt như muốn chống đỡ. Một bàn tay nát bấy còn cái gân dính tòng teng. Không ai nghĩ đến việc bịt mắt trói tay phạm nhân.
Người đàn bà ngã về phía trước. Chị ta chống hai tay ngẩng mặt lên nhìn bọn Graber. Steinbrenner ra bộ hớn hở. Chỉ có mình y bắn vào người đàn bà. Đạn trúng bụng, tuy rằng y là tay thiện xạ.
Hai chân lão già giẫy giụa một lần nữa rồi ngưng lại. Chỉ có người đàn bà còn sống, chị ta vẫn chống hai tay, ngẩng mặt nhìn mấy người lính Đức. Chị ta rít lên từng cơn, nói những tiếng chẳng ai hiểu cả. Người ngồi chồm hổm như một con ếch đỏ lòm bị thương chí tử, miệng lẩm bẩm chửi bới. Không còn ai thông ngôn. Chị ta không chịu quay đi khi Mucke lại gần lấy súng lục ra. Chị vẫn nói không ngớt. Đến lúc cuối cùng chị ta mới trông thấy khẩu súng. Bỗng dưng chị ta vùng dậy lấy răng cắn bàn tay Muller. Muller văng tục và giáng một quả đấm xuống mặt. Chị ta phải buông, y dí súng bắn vào gáy chị ta.
Trung úy Muller tức giận la lên:
– Các anh không biết bắn nữa à? Làm ăn như chó mửa!
Graber nói:
– Thằng Hirschland đấy!
– Im miệng. Ai hỏi mầy mà mầy nói?
Mucke mắng Graber rồi quay lại nhìn Muller, Muller đứng yên lặng, người tái nhợt. Mucke cúi xuống nhìn xác hai người Nga. Y dí súng vào tai người trẻ nhất bóp cò, cái đầu bật lên rất mạnh rồi ngay đơ. Mucke cất súng và nhìn bàn tay rồi lấy khăn tay ra băng lại.
– Đi kiếm chút canh-ti-dốt bôi vào. Trại cứu thương ở đâu?
– Căn nhà thứ ba tay mặt đó, trung úy.
– Đi ngay đi.
Mucke đi khỏi. Muller nhìn mấy cái xác chết. Người đàn bà nằm úp mặt xuống đất.
Muller bảo mấy người:
– Bỏ xuống huyệt lấp đất đi.
Bất thần y run lên vì tức giận, không hiểu tại sao.