Cuốn sách “Tôi Là Thầy Tướng Số Tập 3” mở đầu bằng việc phác họa một khung cảnh phổ biến trong việc xem tướng số, thể hiện sự tưởng tượng và quan niệm của mọi người về việc này. Thông qua việc nhấn mạnh vào sự phản ánh của khuôn mặt, nhân vật Tổ Gia và phái Giang Tướng dưới sự dẫn dắt của ông được mô tả rõ ràng và phức tạp hơn, cho thấy sự phức tạp và đa chiều của họ.
Mặc dù họ có thể đã gây ra không ít hành vi ác, nhưng vẫn tồn tại một phần tốt trong họ, như sứ mệnh cướp của người giàu để chia cho người nghèo, hoặc việc khoác lên mình chiếc áo lừa đảo để thực hiện hành động thiện lành. Sự giằng xé trong việc lựa chọn giữa thiện và ác, xấu và tốt, cùng với đấu tranh giữa đạo lý và tình thế, tạo nên một hình ảnh đa chiều và phức tạp về nhân vật và giáo phái mà họ đại diện.
Điều này khiến cho độc giả cảm thấy đồng cảm với nhân vật và cảm thấy tò mò về số phận của họ, cũng như về sự phát triển của giáo phái mà họ đang tham gia trong một bối cảnh xã hội đầy rẫy những biến động và loạn lạc.
Mời các bạn đón đọc Tôi Là Thầy Tướng Số Tập 3 của tác giả Dịch Chi.
—
CHƯƠNG 1 – PHÉP LUẬN ĐOÁN HUNG TRẠCH
THẾ NÀO LÀ “HUNG TRẠCH”*?
Từ xưa đến nay, kẻ hành nghề tướng số thường chẳng có kết cục gì tốt đẹp, người đi xem tướng số cũng vậy, bởi đem vận mệnh của con người ra mà bói đi bói lại chẳng khác nào trò chơi trẻ con, chưa cần bàn đến chuyện bói chuẩn hay không chuẩn, chỉ cần để lòng tham và lợi ích mon men đến bên bờ tội ác là đã đủ khiến cả hai đánh mất bản ngã. Người thì muốn kiếm tiền, kẻ thì muốn đổi vận, hai bên đều quên mất điều căn bản trong đạo làm người chính là ở bản thân mình. Mọi điều cát hung, họa phúc đều sinh ra từ bản tâm con người, không hỏi bản thân lại đi hỏi quỷ thần, không chịu tu thân lại đi thắp đèn nhang, những đám anh hỏi tôi đáp nhao nhao như ruồi nhặng bu quanh, những lời tâng bốc hám lợi đen lòng không khi nào là không để lộ ra lòng tham, sự yếu đuối trong bản tính con người. Họ lao tâm khổ tứ, dung tục hèn hạ, họ bấu víu vào sợi dây vận mệnh một cách vô cùng đáng thương.
Sau khi Tổ Gia chết, nhất là vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều người nghe nói trước đây tôi từng hành nghề tướng số thì lũ lượt kéo đến nhờ xem một quẻ. Thật lòng mà nói, đối với những loại người này, căn bản không cần dùng đến thủ pháp “anh diệu” gì cả, chỉ cần một chút kiến thức Chu dịch chân chính mà tôi đã lĩnh hội được là đủ để khiến họ thỏa mãn ra về, nhưng tôi không làm vậy, tôi chỉ khuyên họ một lòng hướng thiện. Một vài người nghe tôi, một vài kẻ thì không lọt tai. Tục ngữ có câu: “Phật độ kẻ có duyên”, họ không chịu nghe thì tôi cũng chẳng còn cách nào khác.
Sau này, tôi dứt khoát đóng cửa không tiếp. Tôi già rồi, chỉ muốn bình yên đi nốt quãng đời còn lại.
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Tôi từ bỏ nghiệp ác, rút khỏi giang hồ, chôn chặt mọi ân oán trong quá khứ xuống tận đáy lòng, không nghĩ đến mà cũng chẳng muốn đề cập với người khác. Rồi cuối cùng, mọi chuyện thị phi về tôi và phái Giang Tướng sẽ theo tôi bước vào quan tài, trở về với đất mẹ bình yên. Nhưng tôi chẳng thể tưởng tượng nổi cái duyên ngộ giữa người với người lại kỳ lạ đến vậy, nó tựa như cái vỗ cánh của bươm bướm có thể gây nên chấn động cực lớn trong pháp giới hư không. Ân oán của phái Giang Tướng quay về như kéo một sợi tóc nhỏ mà khiến toàn thân bủn rủn, tôi của những năm tháng cuối đời như ngọn đèn trước gió, bất đắc dĩ phải một lần nữa đối diện với quá khứ khó có thể quên đó, với cõi giang hồ hư hư ảo ảo đó.
Vào năm 1998, đầu phố bỗng đâu xuất hiện bốn kẻ hành nghề tướng số, nghe chúng nói rằng Tổ Gia chưa chết, một cảm xúc bỗng dâng trào trong tôi. Tiếp sau đó, sự xuất hiện của một người phụ nữ chừng 40 tuổi lại càng khiến cho tôi kinh ngạc không thốt nên lời, bà ta nói rằng mình là con gái của Hoàng Pháp Dung. Con cái của “Quỷ muội” ư? Hậu duệ của phái Giang Tướng sao? Hoàng Pháp Dung – vợ của Tứ Bá đầu quả thực chưa chết? Hơn nữa còn có con gái sao? Tôi như thấy trời đất quay cuồng, ngỡ rằng mình đang nằm mơ, mấy chục năm nay những giấc mơ lạ lùng vẫn luôn bám riết lấy tôi từng đêm.
Vợ tôi nắm chặt lấy tay tôi như để níu giữ tâm tư, tôi nhìn vợ tha thiết, răng cắn chặt môi, lúc này mới nhận ra mọi thứ trước mắt đều là sự thực.
Con gái Hoàng Pháp Dung và bốn kẻ hành nghề tướng số mang đến tin Tổ Gia chưa chết, hơn nữa họ còn mang theo cờ quạt trống phách, gây sự chú ý bên bãi sông chính là nhằm dẫn dụ điều bí mật đã phủ lên lớp bụi thời gian mấy chục năm, họ muốn ép Tổ Gia xuất hiện.
Lòng tôi mênh mang mù mịt, rồi sau đó là một nỗi thê lương kéo dài vô tận: Tổ Gia ơi là Tổ Gia, rốt cuộc thầy còn sống hay đã chết? Thầy có biết mấy chục năm nay con sống như thế nào không? Sinh tử ảo diệt, tranh đấu bất tận, duyên với pháp, đúng với sai, áo cà sa của nhân nghĩa, y bát của tà ác, tất cả cứ như con thoi chạy xuyên qua giữa sự sống và cái chết của chúng ta. Tâm tư của thầy bao trọn trong một vòng huyền bí vô tận, điều con muốn chỉ là sống một cách minh bạch, còn thầy sống là một ẩn số, chết là một món nợ đời!
Tôi muốn đi tìm con đường bất tử của Tổ Gia, vì với tôi đây sẽ là nỗi day dứt khôn nguôi trong suốt quãng đời còn lại và tôi cũng muốn thử đi so sánh với Tổ Gia trước đây mà tôi đã biết – đó là những sự việc bắt đầu từ lời nói của Nhị Bá đầu. Người phụ nữ trước mặt tôi đây chính là một minh chứng tốt nhất, chúng tôi cùng chung sự cảm nhận về Tổ Gia – thiện, ác của ông, dấu tích giang hồ bất tận của ông…
• • •
Quần đảo Chu San, chiều ngày 16 tháng 8, năm Dân Quốc thứ 25 (năm 1936).
Tổ Gia xông ra ngoài hành lang, bên ngoài lửa cháy ngút trời, những thùng xăng và đạn dược bị trúng đạn pháo nổ tan tành, tiếng hò hét vang khắp tứ phía.
Mấy trăm người kêu la chạy loạn, đạn pháo vẫn giội không ngừng, nhiều người bị trúng đạn nổ tan xác, thịt xương rơi lả tả.
Tổ Gia định thần lại, phát hiện Bùi Cảnh Long đã biến mất! Trước khi lên đảo, hai người đã thống nhất phải luôn theo sát nhau, các mắt khóa của “Bát trận đồ” đều do một tay Bùi Cảnh Long dựng nên, vào thời khắc then chốt anh ta có thể giúp Tổ Gia một tay, nhưng trong lúc hỗn loạn Tổ Gia chỉ chăm chăm chú ý đến Tây Điền Mỹ Tử, không có thời gian để mắt đến anh ta.
Tổ Gia căng cặp mắt đỏ ngầu quét nhìn đám người hỗn loạn dưới ánh lửa chập chờn.
“Tổ Gia!” Tiếng Hoàng Pháp Dung từ sau vọng lại.
“Pháp Dung! Các anh em đâu?” Tổ Gia lo lắng hỏi.
“Con không biết, mọi người chạy hết rồi!” Hoàng Pháp Dung gạt mái tóc đẫm mồ hôi trước trán, nói: “Tổ Gia, chúng ta mau chạy thôi! Quân Nhật sắp đến rồi!”
Tổ Gia đành phải gật đầu đồng ý. Cuộc họp đường hội bí mật trước khi lên đảo đã giao hẹn trước: một khi khai chiến, mọi người thân ai nấy lo, càng không cần bảo vệ Đại sư bá, vì như vậy dễ bị người Nhật tiêu diệt cả đám, tất cả chạy ngược lên thượng nguồn sông, tự khắc có thuyền tiếp ứng.
Tổ Gia và Hoàng Pháp Dung chạy thục mạng đến địa điểm hẹn trước, đang chạy bỗng thấy phía trước có một người cũng đang lao như bay.
“Lão nhị!” Tổ Gia gọi to.
Nhị Bá đầu quay lại, loạng choạng suýt ngã: “Ha ha, Tổ Gia!”
Ba người cùng chạy như bay, khi đến điểm hẹn, phóng mắt tìm kiếm, bất giác thở dài ngao ngán: hai chiếc thuyền đánh cá dùng để tiếp ứng bị trúng đạn pháo nổ tan tành, dưới nước dập dềnh mấy thi thể. Tổ Gia vội vàng lao xuống nước tìm kiếm, chỉ sợ mấy thi thể dưới nước kia chính là anh em của mình.
Bỗng nhiên Tổ Gia phát hiện trong mấy thi thể nổi lềnh bềnh kia có một gương mặt rất quen, bất chấp Hoàng Pháp Dung đang cố níu lấy mình, ông vẫn cứ bổ nhào phủ phục xuống nước: “Mai sư gia! Mai sư gia!” Thi thể Mai Huyền Tử gầy gò nổi dập dềnh dưới làn nước biển đục ngầu, sóng biển dập dềnh cuốn đi bùn đất trên mặt ông ta. Vị đại sư từng siêu độ cho hàng ngàn hàng vạn vong linh bên bờ sông Hoàng Phố, giờ đây lại trở nên nhỏ bé và đáng thương đến vậy. Tổ Gia ôm lấy thi thể Mai Huyền Tử, ngửa mặt lên trời mà khóc.
“Tổ Gia, Tổ Gia!” Tiếng gọi bất chợt vang lên từ đâu đó, Tăng Kính Võ cùng mấy anh em của Tinh Võ Hội đang chèo thuyền đến.
“Tổ Gia, lên thuyền, nhanh!” Tăng Kính Võ hô to.
Tổ Gia cố sức đưa cả thi thể Mai Huyền Tử lên thuyền, tiếp theo sau là Nhị Bá đầu và Hoàng Pháp Dung.
“Mau chèo đi!” Tăng Kính Võ giục. Mấy anh em dốc sức chèo, chiếc thuyền nhỏ nhanh chóng biến mất trong màn đêm đen trên biển.
“Đã để Tổ Gia phải sợ hãi rồi. Hai chiếc thuyền phía trước đều bị trúng đạn nổ tan tành, chúng tôi không dám lại gần, phải đợi đến khi hỏa pháo của quân Nhật giảm bớt mới dám vào bờ… ” Tăng Kính Võ nói.
Tổ Gia lặng im không nói, dường như ông vẫn chưa hoàn hồn sau cuộc sinh ly tử biệt vừa rồi. Biển cả mênh mông, bốn bề tối đen như mực không biết đâu là bến bờ, càng không thấy được tia hy vọng nào.
Gần canh ba, tiếng đạn pháo giờ đã dần xa, từng làn gió biển mát rượi thổi lên mặt, Tổ Gia dường như mới hoàn hồn. Chèo thêm mấy canh giờ nữa, đoàn người tấp thuyền vào bờ biển Thiệu Hưng. Nhân lúc trời chưa sáng, nhanh chóng chạy đến nơi ẩn nấp của Tăng Kính Võ.
Vừa mở cửa, một chàng trai trẻ hớt hải chạy ra đón: “Tổ Gia, thầy không sao chứ?” – là Tiểu Lục Tử.
Tổ Gia vỗ vai anh ta nói: “Ta không sao, không sao rồi.”
Năm ngoái, sau khi quy phục Tổ Gia ở chỗ Vương Á Tiểu, Tiểu Lục Tử một bước cũng không rời ông, nhưng lần lên đảo lập bẫy quyết chiến với đặc vụ Nhật Bản này, Tổ Gia dứt khoát không cho anh ta tham gia; mặc dù anh ta tìm mọi cách khẩn nài, Tổ Gia vẫn cương quyết từ chối, cho rằng anh ta là người của Cửu gia, nếu vừa mới gia nhập Đường khẩu đã mất mạng thì biết ăn nói thế nào với Cửu gia. Do đó trước khi khai chiến, tạm cho anh ta đến chỗ Tăng Kính Võ trước.
Tổ Gia quan sát thật kỹ ngôi nhà âm u này: “Tăng lão đệ, sao lại đi chọn ngôi nhà xấu thế này?”
Tăng Kính Võ ngây người ra, đoạn cười nói: “Làm sao mà Tổ Gia biết đây là hung trạch”
Tổ Gia mỉm cười nói: “Trước có hương xuân, sau trồng hồng là tượng Đảo Thọ*, bên tây cao hơn bên đông một mái nhà, đây gọi là Quỷ thám đầu. Ở trong ngôi nhà kiểu này dễ gặp việc hung họa!”
Lời luận đoán này cho thấy trình độ cao thâm của Nhất đại tông sư phái Giang Tướng. Theo tập tính của người xưa, trước nhà phải trồng cây hồng ti*, phía sau nên trồng cây hương xuân*. Hồng ti còn gọi là Quỷ mộc, trồng trước nhà để trấn giữ; hương xuân ngụ ý là tăng thọ, do đó phải là trước trồng hồng, sau trồng hương xuân, nếu làm ngược lại thì tuy phát tài nhưng đoản thọ. Ngoài ra, hai chái nhà phía đông và tây trong kiến trúc tứ hợp viện của người xưa phải cân xứng nhau, không được bên cao bên thấp, dài rộng khác nhau; nếu hai chái nhà bên cao bên thấp, vào buổi tối trông giống như một con quỷ xách một cái đầu, đây gọi là Quỷ thảm đầu, vô cùng xấu! Phái Giang Tướng tuy xuất thân thấp kém, nhưng tuyệt không phải là phường giá áo túi cơm, nhất là Đại sư bá, đều là những người có thực tài. Lý luận này của Tổ Gia được đúc kết từ tinh hoa chung nhất trong lý luận của nhiều trường phái phong thủy.
Trung Quốc sản sinh ra rất nhiều trường phái phong thủy, chỉ riêng trường phái Huyền không phi tinh đã có thể phân ra hơn 100 môn phái lớn nhỏ, mỗi môn phái đều có bộ lý luận của riêng mình, điều này nảy sinh một vấn để lớn: cùng một ngôi nhà, đại sư này nói là vượng trạch, đại sư nọ lại cho là hung trạch; phái Dương Công nói là “Hung sát gia lâm”, hình thê khắc tử*; phái Tam Hợp lại nói là “Cát tinh cao chiếu”, đa tử đa phúc*; mỗi môn phái đều rêu rao mình là chân lý, phái khác đểu là nói hươu nói vượn. Nếu là người dân bình thường lại càng khó phân biệt được thật-giả, không biết phải theo bên nào.
Tổ Gia từ khi lên nắm giữ Đường khẩu đến nay, lúc rảnh rỗi thường thích nghiên cứu sách vở về phong thủy, ông cũng thường bị những kiến giải mâu thuẫn làm cho không biết đâu mà lần. Sau này Tổ Gia nghĩ ra một phương pháp vô cùng thông minh, đó là “đúc rút điểm chung nhất để dùng”, nói trắng ra là các loại lý luận, học thuyết dù thiên biến vạn hóa, dù xung đột lẫn nhau, nhưng tựu chung lại đều có những điểm tương đồng, thứ ông đúc rút ra chính là những điểm tương đồng đó.
Bất luận là trường phái phong thủy hình thế, lý khí hay mệnh lý cũng đều có nguyên tắc chung về phương diện luận đoán cát hung, đây cũng là nguyên tắc mà các trường phái trong giới phong thủy Trung Quốc đều tuân theo.
1. Nhà trước cao, sau thấp là xấu. Thế nào là trước, thế nào là sau? “Trước” chính là hướng nhìn của cổng chính hoặc chính đường*. Trung Quốc nằm ở phía bắc đường xích đạo, từ thời thượng cổ đến nay con người xây nhà dựa theo hướng mặt trời, gọi là tọa bắc hướng nam, do đó “trước” thông thường là chỉ hướng nam, “sau” là chỉ hướng bắc.
2. Đồng nam cao, tây bắc thấp là xấu. Truyền thuyết kể rằng, Cộng Công* phạt đứt núi Côn Lôn, khiến cho trời nghiêng về phía tây bắc, đất trũng về phía đồng nam. Do đó tây bắc cao, đông nam thấp là phép tắc của tự nhiên, nếu địa thế đông nam cao, tây bắc thấp, tức không thuận với tự nhiên, tất sẽ gặp việc hung họa, hay gọi là hung trạch.
3. Kiến trúc bên phải cao, bên trái thấp là xấu. Hai điều trên là nói về địa thế, còn thứ ba đây chính là nói về kiến trúc. Nguyên lý này bắt nguồn từ thuật ngữ trong Phong thủy học: “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, thà để Thanh Long cao vạn trượng, chứ không được để Bạch Hổ thò đầu ra.” Nghĩa là trong một quần thể kiến trúc, hoặc có hai căn nhà liền kế hai bên thì kiến trúc bên phải không được cao hơn nhà chính, dù là một chút cũng không được, riêng bên trái có thể cao hơn tùy theo thiết kế. Bản đồ ngày nay được trình bày là trên bắc, dưới nam, trái tây, phải đông. Người xưa thường lấy hướng bắc làm chuẩn, lưng quay về phía bắc, lấy đó làm khởi điểm, trên đổ hình bát quái hướng bắc là phía sau, ngũ hành thuộc Thủy, do Huyền Vũ cai quản; hướng nam là phía trước, ngũ hành thuộc Hỏa, do Chu Tước trấn giữ; hướng đông là bên trái, ngũ hành thuộc Mộc, do Thanh Long chủ quản; hướng tây là bên phải, ngũ hành thuộc Kim, do Bạch Hổ cai quản. Do vậy mới có cách nói “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, thà để Thanh Long cao vạn trượng, chứ không được để Bạch Hổ thò đấu ra.”
“Thanh Long, Bạch Hổ” bắt nguồn từ thuyết “Lục thú trong Phong thủy học cổ đại. Có câu “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiên Chu Tước, hậu Huyền Vũ, Câu Trần ở chính giữa, Đằng Xà hóa rồng.” Khi khảo sát phong thủy, các thầy tướng số hoặc nhà phong thủy thường thuộc nằm lòng mấy câu này, nhưng hiểu thực sự thì không có được mấy người, nhất là sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, nhiều vị “Đại sư” hữu danh vô thực thường mở tọa đàm luận nghĩa, thậm chí viết sách tán hươu tán vượn về phong thủy. Nhưng trên thực tế ngay đến kiến thức cơ bản về phương vị trước, sau, phải, trái cũng không hiểu.
4. Nhà mà trước mặt là núi, sau lưng có nước là xấu. Người xưa xây nhà rất coi trọng “y sơn bàng thủy” tức phải có thế tựa núi nhìn sông. Núi phải ở phía sau, làm điểm tựa; nước phải ở phía trước, biểu thị tài lộc hội tụ. Ngược lại chính là không có điểm tựa, chủ gặp họa phá tán tiền tài.
Ngoài những kiêng kỵ phong thủy mang tính chất tổng quát này, Tổ Gia còn căn cứ vào lối tư duy của người xưa mà quy nạp thành phép luận đoán cát hung trong phòng ngủ.
1. Phòng ngủ nên tĩnh, không nên động. Phòng ngủ là nơi ngủ nghỉ, khi đi vào giấc ngủ, hồn phách chúng ta được nghỉ ngơi, nếu trong phòng không yên tĩnh tất hồn phách bất an, lục thần vô chủ, dẫn đến gặp nhiều ác mộng, chất lượng giấc ngủ kém, người xưa có câu: “Hồn an tắc vô mộng*.” Do đó phòng ngủ nên tĩnh, không nên động.
2. Không để gương đồng* ở đầu giường. Thời xưa gương là pháp khí để gọi thần trừ quỷ, Lý Thời Trân* từng nói: “Gương cổ như kiếm cổ, như có thần linh, có thể tránh tà ma quấy nhiễu.” Người xưa cho rằng gương có thể khiến người khi ngủ bị bóng đè, gặp ác mộng. Hồng Lâu Mộng dưới ngòi bút của Tào Tuyết Cần đã nhiều lần nhắc đến sự linh thiêng của chiếc gương. Do đó, người xưa rất kỵ đặt gương ở đầu giường, vì cho rằng gương là vật “người soi ban ngày, quỷ soi ban đêm”. Ban đêm nếu dậy đi vệ sinh, sẽ thấy trong gương những thứ đáng sợ. Đó là lý do người xưa chưa bao giờ để gương ở đầu giường, nhất là khi trong nhà có người thân qua đời, toàn bộ gương phải được che đi. Truyền thống này được giữ gìn cho đến tận ngày nay.
3. Phòng ngủ không nên để binh khí. Thời xưa ngoài kẻ luyện võ ra, người bình thường hiếm khi để binh khí trong phòng ngủ, càng không nên đặt trên giường. Cổ nhân có câu “gối giáo chờ trời sáng”, đây là trạng thái chuẩn bị sẵn sàng liều mạng, sát khí quá nặng, dễ gặp tai họa.
4. Phòng ngủ không nên đặt bàn thờ thần Phật. Thần Phật là đối tượng để thờ cúng, nơi thờ cúng phải sạch sẽ, thanh tịnh. Phòng ngủ là nơi để ngủ nghỉ, chưa cần nói đến âm thanh phòng the của vợ chồng, mà chỉ cần xú khí thải ra của con người đã đủ quy vào tội bất kính với thần Phật.
Tăng Kính Võ nghe xong cười ha hả nói: “Tổ Gia nói rất đúng, ngôi nhà này chính là nhà cũ của Đinh Ngũ Quý, chuyên nghề ‘cai thầu’ ở Thiệu Hưng này. Năm ngoái do tranh chấp với đám thợ, ông ta bị chém chết ngay tại đây, vợ và hai con cũng bị liên lụy mà chết theo.”
Tổ Gia nghe xong gật đầu nói: “Thế nên Tăng giáo đầu mới ẩn thân ở đây, ngôi nhà này chính quyền không quản, dân không hỏi đến, người thường thì tránh xa…”
Hoàng Pháp Dung hắng giọng nói nhỏ: “Nơi này ít người lai vãng, tuy là nơi ẩn thân rất tốt, nhưng dù gì cũng là hung trạch, chúng ta ở đây lâu e rằng…”
Tăng Kính Võ lắc đầu mỉm cười nói: “Hoàng cô nương quá lo xa rồi, những thứ tướng mệnh bói toán người khác tin chứ ta và Cửu gia thì chẳng tin, bọn ta chỉ tin khẩu súng trong tay, tin anh em dưới trướng. Tổ Gia và mọi người tạm nghỉ ở đây ít ngày, đợi sự việc lắng xuống, rồi hãy đến nương nhờ Cửu gia!”
Tổ Gia cũng cười nói: “Tăng giáo đầu nói rất phải, vận mệnh chính nằm trong tay chúng ta. Lần này nhờ Tăng giáo đầu tương trợ lập bẫy đại phá căn cứ đặc vụ Nhật, lại mạo hiểm chèo thuyền đến cứu, thật vô cùng cảm kích. Ngày mai an táng Mai sư gia xong, tôi cũng sẽ rời khỏi đây.
Nụ cười của Tăng Kính Võ vụt mất, ông tiến lại gần Tổ Gia, ghé đầu thì thầm mấy câu.
Tổ Gia lắc đầu: “Đa tạ Tăng giáo đầu, Cửu gia đối với tôi ân trọng như núi, nay tôi thoát được đại nạn này, không dám làm phiền Cửu gia nữa. Phái Giang Tướng đến hôm nay cũng đã được hơn ba trăm năm, có đào gốc trốc rễ cũng không hết được, dù vứt ở đâu chúng tôi cũng có thể bám rễ, mai này tôi sẽ tự đưa anh em tìm con đường ra, Tăng giáo đầu không cần lo lắng cho chúng tôi.”
Tăng Kính Võ vẫn muốn nói thêm điều gì đó, nhưng Tổ Gia lắc đầu xua tay, tỏ ý đã quyết.
Sáng sớm hôm sau, mấy người bọn Tổ Gia âm thầm chôn cất Mai Huyền Tử dưới chân núi. Ban đầu ông cũng định lập bài vị, trên để tự “Nghĩa đệ Mai Huyền Tử chi mộ”, nhưng nghĩ đến sự an toàn, thôi đành bỏ vậy.
Nhưng Tổ Gia vẫn kỳ công chọn cho Mai Huyền Tử một nơi phong thủy đắc địa, hy vọng con cháu đời sau có thể hưng vượng. Lúc đó đại sư phái Giang Tướng bỗng trở nên mê tín như vậy, thật khiến mọi người không thể hiểu nổi. Không biết có phải Tổ Gia đã lĩnh hội được thuật phong thủy sau nhiều năm bái yết cao nhân hay không, hay là vì long đong lận đận khiến ông không còn nơi nào gửi gắm cõi lòng. Tóm lại, ông chọn đất rất kỹ càng, xem long mạch, hướng gió, sa thạch * thậm chí còn nắm bùn đất đưa lên ngửi mùi vị.
Chừng giờ Ngọ* Tổ Gia nói nhỏ vào tai Tăng Kính Võ mấy câu mật ngữ, sau đó chắp tay cáo từ. Hoàng Pháp Dung, Nhị Bá đầu, Tiểu Lục Tử theo Tổ Gia âm thầm biến mất trên đường phố Thiệu Hưng…
—
CÁI CHẾT CỦA CAO THỦ ÁM SÁT ĐỆ NHẤT TRUNG QUỐC
Đêm trăng mờ gió rít, từng đám lá khô cuộn xao xác trên mặt đất.
Dưới ánh đèn dầu leo lét, Tổ Gia cầm cuốn Tử hồn linh bách đồ nghiền ngẫm một cách chăm chú. Đây là cuốn sách do đích thân nhà văn Lỗ Tấn chỉnh lý và viết lời tựa. Sở dĩ ông thích cuốn sách này là bởi nhân vật chính cũng là một tên lừa đảo vô cùng thông minh, hắn đầu cơ buôn đá quý, có thể đưa nhiều nhân vật từ quan chức đến dân quèn vào tròng của hắn.
Đúng lúc đang say sưa đọc, bỗng có tiếng bước chân gấp gáp đi đến, Tổ Gia nhanh nhẹn thổi tắt đèn, thủ sẵn mấy cây phi tiêu ở tay, nấp sau cánh cửa.
“Tổ Gia, là con.” Một giọng thấp trầm từ bên ngoài vọng vào.
Tổ Gia nghe xong thì biết là Nhị Bá đầu, hít sâu một hơi rồi mở cửa.
“Tổ Gia, xem ai đến này!” Nhị Bá đầu nói, giọng đầy phấn khích.
“Tổ Gia!” Bóng đen phía sau đẩy Nhị Bá đầu ra rồi quỳ mọp xuống đất, vừa khóc vừa nói: “Con tìm được thầy rồi!”
Thì ra là Đại Bá đầu, Tổ Gia đỡ anh ta dậy, hai người ôm chặt lấy nhau, Tổ Gia đấm thùm thụp vào lưng anh ta, nghẹn ngào nói không nên lời.
Tổ Gia thực sự đã trở nên mềm yếu. Từ sau cái ngày anh em thất tán, tiến đồ mù mịt, mỗi ngày ông đều cầu nguyện cho những người anh em của mình, hằng đêm những cơn ác mộng thường tìm đến khiến ông giật mình tỉnh giấc, rồi lại dần chìm vào giấc ngủ mụ mị. Rồi cũng đến một ngày không chịu được nữa, ông bèn sai Hoàng Pháp Dung đến ngôi chùa gần đó thỉnh tượng Quan Âm về, rồi nhang đèn ngày đêm, gửi gắm tâm tư.
Hoàng Pháp Dung và Nhị Bá đầu đều hiểu rằng đây là giai đoạn bi thương nhất trong cuộc đời ông, Tổ Gia cũng là con người, đã là con người thì tất sẽ có nỗi hoang mang, sự sợ hãi. Anh hùng cũng giống như một trang giấy, có thể múa bút thành bức tranh rực rỡ tươi đẹp, khí thế hào hùng, nhưng trong chớp mắt cũng có thể bị chọc thủng xé vụn, rụng rơi lả tả. Tổ Gia đi đến bước đường cùng này, cũng như biết bao anh hùng trong lịch sử, khi đắc ý “cười cười nói nói cũng có thể đốt cháy 80 vạn quân Tào thành tro bụi”, nhưng một khi đã đến hồi mạt vận, khí anh hùng cũng sẽ đứt đoạn, là vương bá cũng phải im hơi.
Thì ra sau hôm cáo biệt Tăng Kính Võ, Tổ Gia cùng Nhị Bá đầu, Hoàng Pháp Dung, Tiểu Lục Tử hóa trang, bí mật quay lại ngoại ô Thượng Hải. Đây vẫn là cách ông thường dùng, nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất.
Lần lên đảo lập bẫy, phá hủy cơ quan Đặc vụ Nhật Bản là một nước cờ lớn của Tổ Gia. ở Ngụy Mãn Châu quốc*, trước tiên Tổ Gia đồng ý hợp tác với Tây Điền Mỹ Tử và người Nhật, sau còn mưu đồ tổ chức Hội thi hùng biện Dịch học nhằm quy tụ bọn Hán gian trong các hội đạo môn. Trong khoảng thời gian đó ông liên thủ với Mai Huyền Tử, Bùi Cảnh Long, Tăng Kính Võ lập bẫy trên quần đảo Chu San, mặt khác sai Hoàng Pháp Dung vượt ngàn dặm xuống Vân Nam bắt rắn độc, nên mới có thảm cảnh ngắm thủy triều lên, nước biển trào dâng, rắn độc tràn vào.
Trong cái bẫy lần này, chỉ cần một mắt xích phạm sai lầm thì tất cả sẽ xôi hỏng bỏng không, vậy thì Tổ Gia sẽ đi đời, nhưng chết không đáng sợ, điều đáng sợ là tiếng xấu “đệ nhất Hán gian trong giới Dịch học” mãi mãi không bao giờ gột sạch được, nỗi bi ai lớn nhất trong đời người chính là bị hàm oan! Tuy rằng lịch sử rất công bằng, nhưng cũng cần phải có thời gian, Tổ Gia không muốn phải đợi mãi tới trăm năm, ngàn năm sau! Ông buộc phải đánh cuộc! Cũng giống như rất nhiều A Bảo trong lịch sử, vào thời khắc then chốt thì phải dám đánh cược tất cả, thành công thì “được ăn cả”, thất bại thì “chết cũng cam lòng, không uổng tuổi xuân!”
Ông trời có mắt, không phụ lòng người. Nhưng Tổ Gia cũng phải trả cái giá không hề rẻ, trong phút chốc Đường khẩu tan tác, các bá đầu không biết sống chết nơi nào, đám tay chân cũng cho về quê ngay từ tối hôm đầu tiên lên đảo. Lần này Đường khẩu giải tán mà không hề có lý do, nên đám tay chân dù thắc mắc nhưng không dám không theo lệnh của Đại sư bá, mỗi người đều cầm ngân lượng ẩn mình thật kỹ, không có hiệu lệnh không được phép xuất hiện hay qua lại với nhau.
Trước khi lên đảo, có bá đầu hỏi rằng: “Nhỡ ra mọi người chạy tứ tán hết thì làm thế nào?” Đây thực chất là ý hỏi nơi tập hợp, ẩn thân sau khi lên bờ.
Tổ Gia không cho họ biết địa điểm cụ thể mà ra lệnh tập trung ở đầu sông trên đảo, đến được thì đến, không đến được cũng đành mặc theo mệnh trời. Tổ Gia sở dĩ không tiết lộ nơi ẩn nấp của Tăng Kính Võ ở Thiệu Hưng là vì lo nhỡ có người rơi vào tay kẻ địch, không chịu nổi tra khảo cực hình, để lộ tin tức thì tất cả cùng đi đời.
Kế hoạch càng chặt chẽ, tỉ mỉ thì càng tàn khốc. Tổ Gia hiện đã an toàn, nhưng các anh em thì sao? Ông ăn không ngon, ngủ không yên; ban ngày sai Nhị Bá đầu và Hoàng Pháp Dung cải trang vào thành phố để tìm anh em bị thất tán. Sau mấy ngày tìm kiếm khắp nơi, rốt cuộc cũng liên lạc được với Đại Bá đầu.
Tổ Gia nhắm hờ mắt, lắng nghe Đại Bá đầu kể lại chuyến thoát hiểm của mình.
• • •
Hôm đó, sau khi rắn độc tràn vào Viện Giao lưu hữu nghị Dịch học Nhật – Trung, hiện trường phút chốc hỗn loạn. Đại Bá đầu co cẳng chạy thẳng một mạch, vóc người tuy không cao nhưng rất cường tráng, một khi đã chạy thì khó ai có thể hãm lại được, bảy tám người bị anh ta đụng phải bắn sang một bên. Là người đến điểm hẹn đầu tiên, nhưng chưa kịp mừng thì Đại Bá đầu đã thất vọng, bởi anh ta chạy nhanh quá, đến nỗi thuyền tiếp ứng còn chưa kịp tới.
Đại Bá đầu tặc lưỡi chửi đổng: “Mẹ nó chứ!”
Lúc này một chiếc thuyền nhỏ từ xa bơi lại, Đại Bá đầu giang hai tay lao thẳng xuống nước, huỵch một cái leo lên thuyền. Vừa định bảo người chèo thuyền mau chèo đi, chợt nhớ Tổ Gia vẫn chưa đến, sốt ruột lại gọi loạn lên.
Thấp thoáng trên bờ có mấy người chạy đến, là bọn Mai Huyền Tử, Cái Hà, còn có Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu nữa.
“Nhanh! Nhanh! Mau lên đi!” Đại Bá đầu gân cổ lên giục. Lúc này bỗng một âm thanh chói tai rít trên bầu trời, Đại Bá đầu tai nghe rất thính: “Là đạn pháo! Mẹ nó chứ!” Chẳng cần biết có phải bắn về hướng này hay không, anh ta lao xuống nước lặn mất.
Ầm một tiếng, đạn pháo nổ vang, chiếc thuyền vỡ tan tành, một mảnh pháo găm thẳng vào yết hầu khiến Mai Huyền Tử chết ngay tại chỗ.
Khi Đại Bá đầu trồi lên mặt nước, trên bờ lửa cháy ngút trời. Có vẻ như quân vũ trang Nhật cũng được điều đến, một phen bắn giết hỗn loạn. Đại Bá đầu quyết định: “Thôi kệ! Không đợi nữa!” nghĩ vậy liền bám vào tấm ván thuyền còn sót lại, bơi nhanh ra biển.
Đại Bá đầu luôn tự tin vào sức vóc của mình, từ nhỏ anh ta sống ở ven sông nên bơi lội rất giỏi. Nhưng lần này bơi một mạch hai canh giờ, mãi rồi cũng thấm mệt, sau mặc kệ trôi nổi trên mặt biển tối đen, vừa lạnh vừa đói, nhìn quanh biển cả mênh mông không biết đâu là bờ, anh ta luôn miệng than vãn: “Mẹ kiếp! Hôm nay chắc làm mồi cho cá rồi!”
Trong lúc tuyệt vọng, bỗng thấy có ánh đèn thấp thoáng trên mặt biển, hình như là thuyền chài đi đánh cá đêm. Đại Bá đầu dồn hết sức lực còn lại, bơi về phía ánh đèn.
Vậy là Đại Bá đầu được cứu sống. Đôi vợ chồng ngư dân vớt được anh ta khi đã thoi thóp. Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, húp cạn nồi canh, ăn hết bảy con cá đối, anh ta chẳng khác nào quỷ đói thoát chết vậy.
Ăn uống xong, Đại Bá đầu móc trong túi ra tờ Pháp tệ* ướt nhẹp trả cho vợ chồng ngư dân. Đồng Pháp tệ khi đó mới được chính phủ Quốc dân Đảng phát hành, rất có giá trị, 100 đồng có thể mua được hai con trâu to. Vợ chồng ngư dân chưa nhìn thấy nhiều tiền như vậy bao giờ, sợ hãi không dám nhận. Đại Bá đầu cáu tiết: “Cầm lấy đi! Mạng sống của ta không đáng chút tiền này ư!”
Đại Bá đầu lên bờ, tìm không thấy Tổ Gia và các anh em đâu, đành phải hóa trang lê la đầu đường xó chợ chờ gọi tập hợp.
“Phương thuốc gia truyền, chuyên trị ngoại thương đây, đậu nhi nha nhi xuất, lão không lão khoan vô…” Hôm đó, Nhị Bá đầu cải trang thành thầy lang đi triệu tập anh em đang ẩn náu.
Đại Bá đầu quan sát tên thầy lang đó rất lâu, nhưng thuật cải trang của Nhị Bá đầu quá lợi hại, lại dùng thủ pháp châm cứu khiến ngũ quan lệch lạc. Đại Bá đầu sợ đó là người Nhật giả trang, nên theo dõi mấy ngày liền mới dám ra mặt hỏi thử.
“Ngươi là tên lừa đảo!” Đại Bá đầu đột nhiên từ phía sau vỗ vai Nhị Bá đầu một cái.
Nhị Bá đầu sợ đến thóp cả bụng lại, suýt chút nữa tè ra quần, quay lại nhìn: “Ngươi…” Đại Bá đầu cũng đang cải trang, mặt mũi trát nhọ nồi đen thui. Anh ta vốn định hóa trang mặt đầy mụn cơm, nhưng giờ trông chẳng khác gì cứt trâu dính trên mặt vậy, Nhị Bá đầu cũng không nhận ra.
Hai người nhìn nhau một hồi, đoạn reo lên: “Là anh à!” rồi cùng bật cười với nhau.
• • •
Tổ Gia nghe xong cũng bật cười, nhưng ngay lập tức nghiêm mặt lại hỏi: “Còn những anh em khác đâu?”
Đêm xuống, Tổ Gia vẫn không ngủ được, mãi đến canh tư mới thiếp đi…
Trong lúc mơ màng, Tổ Gia nghe thấy tiếng bước chân dồn dập đi lại, ông muốn mở mắt ra nhìn mà không sao mở nổi, khó khăn lắm mới mở được mắt thì thấy xung quanh mờ mờ ảo ảo, nhìn không rõ vật. Lúc này thấy có tiếng kẽo kẹt mở cửa, Tổ Gia thất kinh: ông đã tự tay cài cửa, sao lại mở ra được vậy?
Một bóng người tiến lại gần, Tổ Gia cố sức mở mắt ra, phút chốc mọi thứ trở nên rõ nét, là Cửu gia (Vương Á Tiều)!
“Cửu gia!” Tổ Gia bật dậy.
Vương Á Tiều lặng lẽ nhìn Tổ Gia, dường như có điều muốn nói nhưng lại không nói nên lời.
“Cửu gia…”
Vương Á Tiểu vẫn lặng thinh không đáp, đoạn quay người đi mất.
“Cửu gia! Cửu gia!” Tổ Gia bước nhanh theo, bên ngoài tối đen như mực, không nhìn thấy gì cả. “Cửu gia! Cửu gia!” Tổ Gia gọi to.
Tổ Gia giật mình tỉnh dậy, đầu vã mồ hôi lạnh: “Ồ… thì ra là nằm mơ.” Hoàng Pháp Dung ở phòng bên nghe thấy tiếng la hét liền vội vàng chạy sang hỏi: “Sao vậy, Tổ Gia!”
Tổ Gia lau mồ hôi trên trán: “Không sao… không sao… Mấy ngày nay bên Tăng giáo đầu không có tin tức gì mới ư?”
“Không có,” Hoàng Pháp Dung rót cho Tổ Gia một cốc nước ấm, “Tổ Gia, thầy..
“Không sao, không sao, ngươi lui ra đi.”
Ba ngày sau, lan truyền một tin tức gây chấn động trong ngoài: Vương Á Tiều một đời kiêu hùng bị tên đặc vụ đầu sỏ của Quốc dân Đảng là Đới Lạp ám sát, chết ở Ngô Châu, Quảng Tây!
Đọc được tin trên báo, Tổ Gia run rẩy, tờ báo trên tay rơi xuống đất, một cảm giác đau đớn như chính người thân của mình bị hại chết vậy, đến nỗi ông lảo đảo đứng không vững nữa. Hoàng Pháp Dung mấy lần hắng giọng nhắc nhở, ông quên mất rằng bản thân như vậy trước mặt anh em là vô cùng thất thố. Tay gạt nước mắt đang tuôn xuống như mưa, ông nức nở thốt lên một tiếng “Cửu gia..hai chân quỵ xuống đất. Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu, Tiểu Lục Tử cùng nhau quỳ xuống ôm lấy Tổ Gia, nước mắt cũng tuôn rơi.
Hôm sau, Tăng Kính Võ đến, người mặc áo tang, đầu quấn khăn trắng. Tổ Gia và Tăng Kinh Võ ôm lấy nhau, chụm đầu mà khóc, khóc đến cạn nước mắt.
Đêm xuống, Tổ Gia và Tăng Kính Võ chong đèn nói chuyện thâu đêm. Và rồi Tăng Kinh Võ đem phương hướng hành động gần đây của Vương Á Tiểu cho Tổ Gia biết.
Thì ra mấy năm gần đây, Vương A Tiều bị chính quyền Quốc dân Đảng đưa vào mục tiêu sào diệt hàng đầu, nhất là từ khi ông nhiều lần lên kế hoạch hành thích Tưởng, Tống và Uông*, điều này khiến Tưởng Giới Thạch mất ăn mất ngủ. Năm ngoái, sau khi Vương Á Tiều ám sát thành công Uông Tinh Vệ, đặc vụ Quốc dân Đảng dưới sự cầm đầu của Đới Lạp điên cuồng điều tra tung tích ông.
Ban đầu Vương Á Tiểu hoạt động rất khó khăn, sau ông dần ý thức được rằng: chỉ đơn thuần dựa vào ám sát thì không ổn, hơn nữa tranh đấu với cả một đất nước được trang bị đầy đủ thì một hiệp sĩ đơn độc dù tài giỏi đến đâu rốt cuộc cũng sẽ thất bại, không có tổ chức lãnh đạo thì cuối cùng chỉ có con đường chết mà thôi. Cân nhắc thế lực các phe cánh khi đó, Vương A Tiều quyết định đầu quân về Cộng sản Đảng, chỉ có tổ chức này mới thực sự lo lắng cho nhân dân cần lao, cũng chỉ có tổ chức này mới cứu được Trung Quốc.
Nhưng thật trớ trêu, nhân lúc Trung Cộng đang muốn kết nạp Vương Á Tiểu vào đảng, Đới Lạp ra tay lập bẫy mỹ nhân, bắn chết ông, sau đó chúng còn lột da mặt ông, thủ đoạn tàn độc khiến người ta không khỏi kinh hãi.
Sau khi Vương Á Tiều chết, Mao Trạch Đông vô cùng thương tiếc. Anh hùng khóc thương anh hùng, Mao Trạch Đông không tiếc lời bình phẩm về Vương Á Tiều: “Giết địch không có tội, kháng Nhật là lập công. Tiểu tiết không đủ kiểm điểm, đại sự không hồ đồ.” Đây là lời bình cuối cùng của người lãnh đạo cao nhất phe Trung Cộng dành cho Vương Á Tiều một đời kiêu hùng.
“Tổ Gia, hãy cùng tôi gia nhập Cộng sản Đảng!” Tăng Kính Võ nói.
Tổ Gia ngây người, vào đảng? Cộng sản Đảng? Ông chưa từng nghĩ đến điều này.
Thấy Tổ Gia im lặng không nói, Tăng Kính Võ liền nói tiếp: “Đây là nguyện vọng lúc sinh thời của Cửu gia, nay ông đã chết, các anh em đều tôn trọng di nguyện của ông. Mấy năm nay tôi cũng nhận thấy rằng chỉ dựa vào một người thì chẳng có tác dụng gì, Mao Trạch Đông từng nói: ‘Quyền lực chính trị lớn lên từ nòng súng’, chỉ có gia nhập tổ chức, sức mạnh của mọi người mới trở nên to lớn, có đội ngũ mới có thể làm đại sự!”
Tổ Gia vẫn im lặng không nói.
Tăng Kính Võ ngây người ra rồi nói tiếp: “Tổ Gia không muốn bỏ chỗ tối ra chỗ sáng ư?”
Tổ Gia thở dài nói: “Tăng giáo đầu, không phải ta không muốn, tình cảnh của chúng ta không giống cậu. Cậu và Cửu gia là anh hùng dân tộc, ta là cái thá gì chứ, chỉ là tên giang hồ lừa đảo; kẻ mà các cậu giết là bọn người xấu, kẻ ác, bọn Nhật; còn bọn ta là những kẻ đi lừa người, những người giàu có đó, dù có là người tốt, bọn ta cũng lừa…”
Tăng giáo đấu khẽ lắc đầu: “Tổ Gia, khuyết điểm chẳng thể che lấp ưu điểm, ông phá hủy cơ quan đặc vụ Nhật Bản, nhân cơ hội đó trừ khử biết bao nhiêu ‘hội đạo môn’, rõ ràng đó cũng là hành động vì đại nghĩa! Mao ủy viên nói: ‘Không có quan điểm chính trị lệch lạc, trung thực, có tinh thần hy sinh, tích cực công tác, không có tư tưởng phát tài, không hút thuốc phiện, không đánh bạc thì đều có thể vào đảng!’ Nếu quả thực không thể, thì tôi vào đảng trước, sau đó sẽ viết thư giới thiệu Tổ Gia.”
Tổ Gia cười khổ: “Tôi làm tướng* qua nhiều nơi trên thế gian này, dù sấm thét lửa thiêu cũng không tẩu phong*, sống chết với nghề tướng số. Là chủ của Đường khẩu, dưới trướng có bao nhiêu anh em như vậy, nếu tôi gia nhập Cộng sản Đảng thì họ biết làm thế nào? Nếu tôi bỏ mặc không quản, tất họ sẽ gây họa cho dân chúng, nếu ép họ gia nhập đảng cũng không biết bên đó có tiếp nhận hay không, hơn nữa Đường khẩu bốn đời, truyền thừa đã mấy trăm năm, đó không phải là việc một mình tôi có thể quyết được…”
Tăng Kính Võ lắc đầu, chẳng biết làm sao: “Sao mà người phái Giang Tướng các ông đều như nhau thế! Từ Hoài Cận cũng nói như vậy! Truyền thừa mấy trăm năm thì sao chứ? Xã hội phong kiến kéo dài có đến mấy ngàn năm, vậy mà khi cách mạng Tân Hợi nổ ra, chẳng phải đã bị hủy diệt đó sao? Nay là thời đại của cách mạng! Bỏ cũ thay mới, Tổ Gia suy nghĩ kỹ đi!”
Tổ Gia vẫn im lặng không nói.
Thấy ý Tổ Gia đã quyết, Tăng Kính Võ đành phải bỏ cuộc: “Tổ Gia, tôi sắp đi Thiểm Bắc, ngày sau… ngày sau… e rằng khó có cơ hội gặp lại, khối liên minh đã tan rã, từ nay không còn ‘Bang Búa rìu’ nữa, Tổ Gia hãy bảo trọng, bảo trọng!”
“Con muốn báo thù! Báo thù! Tổ Gia, con muốn báo thù!” Tiếng gào thét của Tiểu Lục Tử từ bên ngoài vọng vào.
Tăng Kính Võ không kìm được nước mắt, nói: “Tổ Gia, Tiểu Lục Tử… xin giao lại cho ông, tên tiểu tử này tính cách quật cường, ông hãy dạy dỗ nó…”
Tăng Kính Võ đi rồi. Tổ Gia vả cho Tiểu Lục Tử hai cái mới khiến anh ta bình tĩnh trở lại, sau đó mạo hiểm cùng với Trương Ân Thụy, Hoa Nguyệt Dung đi Nam Kinh lập bẫy mỹ nhân, sinh ly tử biệt…
Cũng trong thời gian này, Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu và Hoàng Pháp Dung hóa trang rồi ngày ngày đi tập hợp anh em tản mát trên bến Thượng Hải.
Mấy tháng sau, các tay chân ẩn nấp ở các xó xỉnh đều đã tụ họp đông đủ, đây chính là “phái Giang Tướng”! Chính là nguồn lực của tổ chức! Một hiệu lệnh của Sư bá, núi non rung chuyển! Lan tỏa theo gió bay, bén cội rễ vào đất; hội tụ như trăm chim triều phụng, khi cần chỉ trong chốc lát có thể tề tựu đồng đủ.