Review: Bạch Vệ – Cuốn tiểu thuyết lịch sử mang dấu ấn tự truyện

Tác giả:
Nguồn: Đào Kiên
Review: Bạch Vệ - Cuốn tiểu thuyết lịch sử mang dấu ấn tự truyện


Về Mikhail Bulgakov

“Không có một nhà văn nào lại có thể im lặng được. Nếu anh ta im lặng, thì có nghĩa đó không phải là nhà văn chân chính. Còn nếu nhà văn chân chính mà im lặng thì anh ta sẽ chết.”

Bulgakov đã khẳng định chắc nịch như vậy trong bức thư gửi chính quyền Xô Viết, như tuyên ngôn khẳng định về sứ mệnh mà một nhà văn nên làm. Sinh năm 1891, mất năm 1949, ông được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Nga thời hiện đại. Với các Nghệ Nhân Và Margarita, Trái Tim Chó, Ổ Quỷ, Những Quả Trứng Định Mệnh, Bạch Vệ,… tên tuổi ông lưu dấu bởi phong cách sáng tác phá vỡ lối mòn cùng các chủ đề xoáy sâu vào mối tương quan giữa con người và thời cuộc. Mới đây, Bạch Vệ – cuốn tiểu thuyết đầu tay, cũng là tác phẩm giàu tính tự truyện nhất của ông, đã được dịch và phát hành.

Nước Nga những năm tháng loạn lạc

Năm 1918, Nước Nga bước ra khỏi Thế Chiến. Ch.ết chóc và đói khát bao trùm khắp nơi. Vậy mà, khó khăn này chưa tan thì đã đụng đầu ngay một nguy cơ khác. Đó là Nội Chiến Nga, một cuộc tranh giành quyền làm chủ giữa hai phe Hồng Quân và Bạch Vệ, cũng là đại diện của hai luồng tư tưởng làm nội bộ nước Nga mâu thuẫn sâu sắc: hoặc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, hoặc trở về với chế độ quân chủ.

Trên nền tảng một bối cảnh vô cùng nổi bật, tiểu thuyết Bạch Vệ đã chọn hướng vào các sự kiện đẫm máu của phe Bạch Vệ tại quê hương Ukraine vào giai đoạn cuối năm 1918. Từ cốt truyện chính đến các tình tiết đơn lẻ, tất cả đều được lấy cảm hứng từ ký ức về những ngày tham gia chiến tranh của chính nhà văn, bởi vậy đã tạo nên sức hấp dẫn rất sống động và giàu tính trần thuật. Theo chân ba nhân vật chính mang tính biểu tượng – ba anh em nhà Turbins, nhà văn đã tái hiện khung cảnh chiến tranh điêu tàn, lạc loạn, đồng thời le lói nỗi tiếc thương những ngày cuối cùng của những người lính Bạch Vệ.

Bức tranh hậu chiến thê lương

Thành phố, nơi người ta sống một cuộc sống co cụm một cách kỳ lạ giữa mùa đông, những nỗi lo chung dường như cũng co cụm lại thành những câu chuyện nhỏ hơn của nhiều cá nhân riêng biệt. Đó là những mẩu chuyện về gia đình, tình yêu, tôn giáo, lòng tốt, sự phản bội, đi kèm với tình hình chính trị mà các nhân vật phải đối mặt. Bulgakov không bỏ sót ai, ông khéo léo đan xen câu chuyện giữa các nhân vật, họ mang theo những thân phận khác nhau, với xuất thân cũng cách biệt: những sĩ quan thất trận, những lính đào ngũ, những kẻ đào tẩu, dân tị nạn, doanh nhân sa cơ và dân thường chạy loạn,…

Có sáng trong tối, thì cũng phải có tối trong sáng. Khi thực phẩm chia đều cho tất cả là điều phi lý, và mùa đông khắc nghiệt không chịu khoan dung dù chỉ một ngọn lửa yếu ớt, thì đó cũng là lúc con người phải đối mặt với những “kẻ thù trước mũi súng”. Như nhà văn đã nói “Năm 1918 là năm vĩ đại và khủng khiếp, nhưng năm 1919 còn khủng khiếp hơn”, tôi luôn tin rằng sau một cuộc chiến mới là địa ngục khủng khiếp nhất, còn cuộc chiến chỉ là địa ngục nhì. Quả vậy, chiến tranh nối tiếp bởi chiến tranh, rốt cuộc chỉ để lại nền kinh tế vốn lạc hậu nay đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nạn đói cùng hạn hán cứ đến rồi đi, kéo theo những bất đồng dân sự. Đó cũng là lúc những kẻ đầu cơ trục lợi, bọn gián điệp hai mang, và những kẻ thừa cơ bỏ của chạy lấy người,… cùng nhau hợp tác mà dẫm đạp lên những phận đồng bào như dẫm ngả rạ: dễ dàng bị tước bỏ, và chẳng còn lại chút hy vọng nào mà kiên cường sống tiếp.

Hỗn loạn trong nội bộ Bạch Vệ

Nếu đời sống những của những người dân thường đã náo loạn lắm rồi, thì đến cả phe Bạch Vệ – phe chính diện cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.

Tôi phải thừa nhận rằng Bulgakov có một nhãn quan nhìn đời rất công bằng, không thiên vị khi viết về lịch sử. Tính chân thực có thể thấy rất rõ, mà theo đó, những mâu thuẫn đã bắt rễ ngay từ đầu, khi Bạch Vệ vốn không phải là một lực lượng thống nhất. Đó là một đạo quân ô hợp của những người xã hội chủ nghĩa, những nhà dân chủ, lẫn những người theo chủ nghĩa quân chủ. Nội bộ Bạch Vệ cũng không mấy yên ả, mà luôn bập bềnh những đợt sóng ngầm: mầm mống nổi loạn, gián điệp ẩn nấp, tham nhũng và bế tắc, tâm lý đào ngũ lan rộng, thanh trừng nội bộ,… tất cả dường như đã định sẵn kết cục không mấy tốt đẹp cho phe Bạch Vệ.

Nghệ thuật tiểu thuyết của Bulgakov

Khi đọc đến đây có lẽ bạn sẽ bắt đầu nghi vấn: Vậy các nhân vật chính – những người hùng của chúng ta đang ở đâu và làm gì? Bản thân tôi cũng rất thắc mắc, chỉ đến khi nhận ra: Vốn dĩ câu chuyện không có nhân vật chính ngay từ đầu rồi. Hay cũng có thể nói, tất cả các nhân vật xuất hiện trong sách, từ những người dân thường đến những lính Bạch Vệ, đến ba anh em nhà Turbins, tất cả đều là nhân vật phụ làm nền bức tranh Nội Chiến được phác họa từ kí ức của Mikhail Bulgakov.

Cũng chính bởi vậy nên cốt truyện Bạch Vệ cũng không đi theo một trật tự nhất định. Giống cấu trúc một cuốn hồi ký, Bulgakov không xếp các tình tiết của cuộc biến thiên lịch sử theo đường thẳng thời gian, mà để các tuyến nhân vật, các sự kiện lớn và bé, đều có chỗ đứng riêng, không nhất thiết phải đồng hành cùng nhau. Có thể, mới chương này là cảnh người dân đi tị nạn thì chương sau đã nhảy thẳng sang cảnh chiến trường giữa các phe. Có khi, chương sau nữa lại là một cuộc ám sát bất ngờ, xen kẽ là những dự đoán về một cuộc phản loạn có thể bất ngờ ập đến. Đến cả chương cuối truyện cũng chưa chắc là đoạn kết thật cho số phận những người lính Bạch Vệ.

Lần đầu đọc Bạch Vệ đã gây cho tôi một cảm giác thật khó tả. Một mặt, tôi khó chịu bởi sự thiếu vắng một nhân vật trung tâm, bởi các tuyến truyện lan man, không tập trung, nhưng cuối cùng lại tỏ ra yêu thích sự đan cài nhiều câu chuyện, với nhiều góc nhìn như vậy. Bởi, dù không hoàn toàn liên quan tới nhau, nhưng mỗi câu chuyện đều có những nhân vật rất riêng, mang những nét điển hình của nhiều thái độ, mục đích sống trong thời chiến. Và những mảnh ghép đơn lẻ đó, khi hợp lại, sẽ là một bức tranh toàn cảnh sống động và đáng nhớ.

Tôi cũng hoang mang vì ở cuốn tiểu thuyết không đi theo thứ chủ nghĩa anh hùng quen thuộc, nhưng rồi sự nhẫn nại đã khơi dậy cho tôi sự chấp nhận và lòng thấu hiểu với cách Bulgakov viết tiểu thuyết lịch sử. Trong Bạch Vệ, vốn dĩ không có cái gì gọi là chính nghĩa và phi nghĩa tuyệt đối. Bởi vì, theo kí ức của một con người, cái tốt, cái xấu, cái đẹp và cái xấu xí, vốn dĩ tất cả đều không thoát khỏi vòng xoáy của lịch sử. Nhiệm vụ của Bulgakov đơn giản chỉ là nắm thóp tất cả những yếu tố đó, sử dụng văn chương để để kể lại và tổng kết lại những gì mình đã từng trải qua và học hỏi, để rồi cho ra thành quả cuối cùng là cuốn tiểu thuyết Bạch Vệ.

“Sói dù có nhuộm, có cắt lông đi thì nó vẫn không thể nào giống với chó cảnh nuôi nhà được.” – (Mikhail Bulgakov)

Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:

  • Nghệ nhân và Margarita
    eBook Nghệ nhân và Margarita
    Tác giả:

    M.Bulgakov – Bản thảo không bị cháy Từng chương, từng trang sách, đều ẩn chứa trong đó những hàm ý triết học được “phổ” vào ngay cả những sự kiện xoàng xĩnh, khôi hài đến thảm hại của một hiện thực rã nát trong thế giới văn nhân. Và toàn thể tiểu thuyết là một …

  • Những Quả Trứng Định Mệnh
    eBook Những Quả Trứng Định Mệnh
    Tác giả:

    Mikhail Afanasievitr Bulgacov (15/5/1891 – 10/3/1940) là một nhà văn có số phận – cuộc đời cũng như sáng tác – chìm nổi, nhiều khát vọng, đau khổ, vinh quang. Với những gì xảy ra trong hơn một thế kỉ từ khi ông sinh ra và hơn bảy mươi năm từ khi ông qua đời, …

  • Trái Tim Chó - Mikhail Bulgakov
    eBook Trái Tim Chó – Mikhail Bulgakov
    Tác giả:

    “Trái tim chó” kể về câu chuyện xảy ra khi nhà bác học Preobrajenski qua thí nghiệm kết hợp thể xác chó với tuyến yên não người đã tạo ra một sinh vật biết sử dụng ngôn ngữ người. Ông hi vọng cải biến sinh vật đó thành người có trí tuệ. Nhưng vừa có …