Tôi làm việc nhiều năm bên mảng tài chính và quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên có một khoảng thời gian tôi đã làm việc với những dự án yêu cầu tôi đọc tài liệu và tham gia nhiều hội thảo chuyên đề về chủ đề y học. Tôi cũng có rất nhiều bạn đồng nghiệp là các dược sĩ, bác sĩ. Tôi đã tham gia nhiều chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở các bệnh viện ở cả VN và châu Âu. Tôi đã luôn nghĩ mình có một lượng kiến thức tổng quát và ít nhiều am hiểu căn bệnh này hơn hẳn những người khác ko làm việc trong ngành y khoa. Ấy thế mà khi chuyện này xảy ra trong gia đình tôi, thì tôi vẫn sốc toàn tập. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đông cứng người lại khi nghe báo tin. Tôi vẫn nhớ cảm giác bàng hoàng, sau đó là phẫn nộ bùng lên cùng những câu hỏi “tại sao lại là gia đình tôi? tại sao lại là lúc này? tại sao, tại sao, tại sao?”.
Mặc dù ngay cả khi đã trấn tĩnh lại đủ để nhận ra những câu hỏi “tại sao” của tôi thực ngớ ngẩn vì chính tôi đã trả lời những câu hỏi này cho vô số bạn bè của tôi khi họ mắc bệnh thì trong tôi vẫn ko bớt đi cảm giác hoang mang. Tôi đã ngỡ mình hầu như ko còn ngạc nhiên khi nghe tin một ai đó tôi biết bị ung thư, bởi trong nhiều năm qua, tôi đã đọc hàng tá các tài liệu khẳng định rằng cứ 1 trong 2 người sẽ phát hiện bị ung thư trong cả cuộc đời của họ. Tức là khi một đứa trẻ ra đời, thì tỷ lệ đứa trẻ đó lớn lên, trưởng thành và mắc phải ung thư là 50/50, tương đương với tỷ lệ xác suất hai mặt của một đồng xu. Thậm chí, tôi còn từng nghe một vị bác sĩ khả kính nói với tôi rằng, một người muốn ko bao giờ mắc bệnh ung thư thì chỉ có một khả năng là …bất tử.
Những điều này nghe có vẻ rất rùng rợn, nhưng trên thực tế nó đã được chứng minh bằng các số liệu từ các cuộc nghiên cứu khoa học qua hàng chục năm. Và thực ra là nó hoàn toàn hợp lý. Bởi vì một cơ thể sống thì mỗi ngày có hàng triệu, hàng tỷ tế bào chết đi và được thay thế. Những tế bào mới sinh ra dựa trên một cơ chế tuyệt vời của Mẹ thiên nhiên là việc sao chép các tế bào cũ. Hãy hình dung một cách rất nôm na là trong mỗi cơ quan của con người cũng có hàng triệu, tỷ các máy photocopy làm nhiệm vụ sao chép các tế bào mới để thay thế cho tế bào cũ. Vậy trong đời thực, có hãng bán máy photocopy nào dám tuyên bố máy của hãng họ có thể xài vĩnh viễn ko bao giờ hỏng?
Cơ thể chúng ta cũng thế, có nhiều yếu tố có thể tác động khiến tuổi thọ của những “chiếc máy photocopy” trong người chúng ta được lâu hay ko, nhưng nhìn chung thì càng trải qua thời gian, khả năng chúng hỏng hóc là càng cao. Và một khi một trong những “chiếc máy photocopy” đó trục trặc, thay vì copy ra một bản, chúng copy ra hàng triệu triệu bản trong một khoảng thời gian cực ngắn, thì đó là khi câu chuyện của một khối u bắt đầu.
Mặc dù khách quan nhìn nhận thấy mọi thứ thật hợp lẽ, nhưng bất kể khi nào một sự “hợp lẽ” như thế xảy ra theo cách ko mong đợi cho mỗi chúng ta thì dường như câu đầu tiên luôn bật ra là “tại sao? tại sao lại là tôi?”
Tuy nhiên, cách mọi người đối diện và hành động sau câu hỏi “tại sao” ấy có thể khác nhau, và dẫn đến những kết quả hoàn toàn khác biệt, thậm chí là những phép màu ngoạn mục đã luôn xảy ra với một số không ít người mắc căn bệnh này.
Điều đầu tiên, và đúng đắn nhất mà tôi cho là mỗi người nên làm trong những tình huống khó khăn tương tự là tìm hiểu càng nhiều thông tin về tình huống của mình càng tốt. Biết mình bị ung thư giống như biết tin mình sắp bước vào một cuộc chiến. Một cuộc chiến sinh tử nhưng ko có nghĩa mình ko thể giành chiến thắng. Ông bà mình từ xưa đã dạy “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thiết nghĩ câu nói này ko thể đúng hơn với căn bệnh nghiệt ngã nhưng lại quá phổ biến: ung thư.
Trong mấy năm qua, tôi đã đọc hàng chục cuốn sách, tham gia nhiều hội nhóm, kể cả theo học một vài khoá học chuyên biệt về chủ đề này. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra, lượng thông tin về bệnh ung thư tràn lan trên các phương tiện có thể dễ dàng tiếp cận thực sự rất hỗn độn, vàng thau lẫn lộn (mà phần nhiều là thau chứ ko phải vàng). Điều này khiến cho cả người bệnh lẫn người thân của người bệnh càng tìm hiểu thì càng hoang mang, sợ hãi…và có cả một hệ thống trục lợi kiếm tiền trên sự sợ hãi này của bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, cũng thật may mắn và biết ơn, khi cuộc đời này vẫn luôn có những người tử tế. Những người thấu hiểu nỗi đau nhân đôi, nhân ba của những chiến binh khi bước vào một cuộc chiến ko cân sức để giành lại cuộc sống mà họ xứng đáng, với biết bao hoài bão, hy vọng cùng những điều đẹp đẽ mà họ còn muốn có ở cuộc đời này. Một trong số những người như thế là tác giả của bộ sách mà tôi vô cùng biết ơn khi được biết tới và sau khi đọc xong. Đó là bộ sách hai cuốn “ Bệnh ung thư, cẩm nang cho bệnh nhân và người thân”, và cuốn “Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư”. Tác giả của bộ sách tuyệt vời này là Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý và Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.
Tôi trước đây chưa nghe tên hai vị bác sỹ, nhà khoa học này trong giới y bác sỹ chuyên khoa ung thư ở VN. Đọc giới thiệu mới biết họ học và hiện giảng dạy, làm việc ở nước ngoài (Nhật Bản và Anh). Thật may là họ đã viết bộ sách này bằng tiếng Việt để hầu hết bệnh nhân và người thân ở VN có thể tiếp cận bộ sách.
Đúng như tên gọi, đây thực sự là một bộ cẩm nang rất toàn diện về những kiến thức từ căn bản đến những vấn đề rất cụ thể cho những người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư. Bộ sách được cấu trúc theo đúng một hành trình qua các phần khi một người một ngày nọ nhận được tin không lành về sự nổi loạn của một hoặc nhiều tế bào trong cơ thể mình.
Trong bộ sách này, ngoài những kiến thức tôi đã biết, tôi còn học được vô số điều hay mà tôi thấy mình may mắn quá khi biết về chúng sớm như bây giờ. Tôi cũng nhận ra, ngay cả khi mình đã biết một chút về căn bệnh này thì vẫn có vô số thứ mình chưa biết, và đôi khi chính cái tư tưởng rằng à mình có kiến thức về lãnh vực này hơn người khác mà, khiến cho mình bị hạn chế tiếp cận với những luồng thông tin mới, trong khi khoa học mỗi ngày phát triển, đã có rất nhiều tiến bộ của y khoa khiến căn bệnh này ko còn là “án tử hình” nữa. Thậm chí, khả năng chữa khỏi hoàn toàn và có một cuộc sống hoà nhập bình thường trở lại là rất rất cao.
Cuốn sách này còn đặc biệt hữu ích cho những người có khó khăn về tài chính, bởi căn bệnh ung thư khiến người ta hoảng sợ còn một phần bởi đây là có lẽ là một trong những loại bệnh đắt đỏ nhất mà con người có thể mắc phải. Tuy nhiên, với một nguồn lực có hạn về tài chính, người bệnh và người thân vẫn có thể tiếp cận những lộ trình điều trị thích hợp nhất, có hiệu quả nhất với họ nếu biết cân đối nguồn lực của mình để tập trung vào những điều quan trọng nhất, ko để lãng phí vào việc cống nạp phần lớn tài sản để làm giàu cho những kẻ bất lương, lợi dụng nỗi đau và sự sợ hãi của người bệnh, vốn xuất hiện nhan nhản xung quanh chúng ta mỗi ngày.
Cuối cùng, một trong những điều tôi rất tâm đắc khi đọc bộ sách này, đó là bộ sách ko chỉ cho tôi những kiến thức quý giá, mà hơn hết, chúng cho tôi một niềm tin. Niềm tin ko chỉ vào phép nhiệm màu mà chúng ta có khả năng tạo ra cho bản thân, mà còn là niềm tin vào tình người, vào sự tử tế của những con người vẫn đang ngày đêm cống hiến cho xã hội. Những người ấy, họ vẫn có thực.
Như bộ sách này, là một minh chứng.
- Review: Lũ trẻ đường tàu – Edith Nesbit
- Review: Rừng Nauy – Cuốn sách nguy hiểm cho người dưới 18 tuổi
- Review: Ivanhoe – Hiệp sĩ bị ruồng bỏ nhưng dũng cảm, hào hoa và mã thượng
- Review: Đồi Gió Hú – Bi kịch của cuộc sống thiếu vắng tình yêu thương
- Review: Người Ai Cập – Quyền Lực và Tình Yêu – Hành trình tìm tình bạn, cuộc sống đích thực