Review: Gió Bụi Đầy Trời của tác giả Thiên Sơn

Tác giả:
Nguồn: Nguyễn Văn Thương
Review: Gió Bụi Đầy Trời của tác giả Thiên Sơn


Về mặt diễn tiến thời gian, Một cơn gió bụi như đang dựng lại những thước phim lịch sử xoay quanh cuộc Cách mạng tháng 8/1945 đến tháng 6/1946.

Thật khó để tưởng tưởng! Quãng thời gian ngắn ngủi chưa tròn năm ấy lại chứa đựng một bàn cờ thế sự đầy phức tạp, hỗn loạn, éo le, ngặt nghèo với hàng trăm sự kiện lớn nhỏ của dân tộc. Liên tục những cuộc vần vũ đảo chiều, Việt Nam trở thành 1 “quân cờ” cho cả ngoại bang và nội loạn mặc cả, chia chác, cấu xé lợi ích và quyền lực.

“Triều đình nghiêng ngả. Nội loạn. Ngoại xâm. Nạn cướp bóc diễn ra khắp nơi. Dân đói chết đầy đường, đầy bãi, xác chất thành núi. Cánh đồng bỏ hoang cho sâu chuột sinh sống, rừng núi bỏ hoang cho thổ phỉ trú ngụ. Các quan lại từ trong triều đình đến địa phương đều thay nhau xin từ chức hoặc án binh bất động, không thực hiện các chỉ dụ của nhà vua. Bảo Đại thấy lòng đau như cắt, thấy toàn thân như có kẻ cầm dao mà cắt, mà xẻo từng mảng, từng mảng da thịt…”

Đoạn trích trên thuộc trang số 9, những dòng chữ đầu tiên miêu tả về hoàn cảnh sống trong một biến động lớn dẫn đến cuộc Cách mạng tháng 8/1945. Không biết do vô tình hay cố ý, cuốn sách này lại ra đời vào tháng 8, trùng khớp với với thời khắc định mệnh của đất nước 75 năm trước.

Có thể nói, sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật và đồng minh sau khi hứng chịu bom nguyên tử ở mẫu quốc đã giúp sức rất lớn để Việt Minh dành chính quyền bù nhìn từ Bảo Đại không tốn 1 viên đạn. Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhìn thấy viễn cảnh không thể đảo ngược và chủ động mở đường để Việt Minh tiếp quản quyền lực. Trần Trọng Kim hiểu rằng, bánh xe lịch sử đã cận kề, nếu cản trở, cái bánh xích tàn bạo ấy sẽ nghiền nát tất cả.

Ngay sau một khởi đầu thuận lợi, chính quyền non trẻ Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh lập tức rơi vào tình thế gọng kìm hiểm nghèo. Xin kể những tình thế thế then chốt:

  • Tưởng Giới Thạch đã mặc cả được với phe đồng minh cho 20 vạn quân TQ tràn qua VN dưới bình phong giải giáp quân Nhật nhằm mục đích o ép, khống chế và tiêu diệt phe Cộng sản Đông dương – đại diện là Việt Minh.
  • Pháp đã lôi kéo được sự yểm trợ của Anh cho quân Pháp đặt lại ách cai trị ở Nam Kỳ. Những bước chân của quân Việt Minh vào Phủ Khâm sai Nam Kỳ chưa kịp in dấu đã bị Pháp đánh bật ra.
  • Ở miền Bắc, hai phe VN quốc dân đảng và VN cách mạng đồng minh hội câu kết với quân TQ của tướng Lư Hán và Tiêu Văn ra sức nhũng nhiễu, yêu sách, đánh phá Việt Minh trên cả mặt trận truyền thông lẫn quân sự.
  • Phía Nam Kỳ, quân Pháp câu kéo với Nguyễn Văn Thinh – Đảng dân chủ, các phe phái quân sự cát cứ Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên… để chia chác lợi ích, đánh trả, ly khai Việt Minh lập chính phủ Nam kỳ tự trị.
  • Khi quân Tưởng thất thế trước Mao Trạch Đông CS tại TQ. Một lần nữa, Pháp mặc cả với Tưởng Giới Thạch rút quân để đưa mười lăm nghìn quân Pháp vào thế chân quân Tưởng làm “nhiệm vụ” giải giáp quân Nhật. Mục đích là để thôn tính Hà Nội – đầu não của Việt Minh.

Vậy, Chính quyền non trẻ Việt Minh đã đưa ra những đối sách gì để ứng biến trong một mớ bòng bong, rối rắm đen ngòm ấy?

500 trang sách với rất nhiều tuyến nhân vật, sự kiện đan xen lẫn nhau. Với lối kể chuyện sinh động, hấp dẫn đậm chất Văn học. Thiên Sơn cuốn người đọc vào dòng chảy của kết cấu ngôn ngữ đầy mê hoặc. Cái hay của cấu trúc Văn học là nó giúp người đọc xâu chuỗi câu chuyện một cách dễ dàng hơn.

Thật khó để độc giả có thể vô tư “du ngoạn” trong một tiểu thuyết lịch sử với một tâm hồn trong trẻo thuần khiết bằng cảm thụ nghệ thuật văn chương mà không thể nhìn nó trên khía cạnh chính trị, xã hội. Ngay cả bối cảnh ra đời của tác phẩm thường cũng không ít “phức tạp” và bản thân tác giả cũng là điều đáng quan tâm.

Thiên Sơn đã chọn viết về một đề tài gai góc, nhạy cảm nhiều tranh cãi. Một giai đoạn lịch sử nhiều uẩn khúc, bi tráng, gay cấn, hỗn mang và đầy “gió bụi”. Bằng cách rọi ngọn đèn vào tận gan ruột của những nhân vật quyền lực và qua phân tích biến động. Thiên Sơn đã phơi ra cho bạn đọc những khúc cua ngặt nghèo của lịch sử.

Những khoảng tối và sự lập lờ mà tiền nhân để lại luôn khiến hậu thế tò mò và bất bình. Bản chất của lịch sử xưa nay vẫn vậy – là đề tài luôn gây đầy tranh cãi.

Cắt nghĩa một cách dân dã thì Lịch sử là sự thật về quá khứ; là sự vật, sự việc, sự kiện, văn hóa, con người của thời đại trước. Thế nhưng, lấy nhân tố nào để chúng ta đối chứng với sự thật khi quá khứ đã bị lấp vùi, bị nhào nặn bởi ý chí chính trị và góc nhìn thiên lệch đầy định kiến của các sử gia.

Ngay chính bản thân Hồ Chủ Tịch đã là đề tài gây nhiều tranh cãi cho hậu thế. Người ta mổ xẻ, bình phẩm, soi xét… tôn vinh, tung hô, mạt sát… đủ cả.

Vậy, người trong cuộc đương thời đã nói về Hồ Chí Minh như thế nào? Kẻ thù cụ ấy nói về chính Cụ như thế nào?

Tôi xin chép đoạn hội thoại Tướng Lư Hán của Trung Hoa quốc dân đảng nói với Tưởng Giới Thạch trước khi ông rút 20 vạn quan ra khỏi Bắc Việt để chúng ta có thêm một góc nhìn:

“Tôi nói với ngài Thống chế, đừng cố cho rằng Hồ Chí Minh là một Cộng sản. Ông ấy sẽ là CS thật nếu CS chiến thắng dành được độc lập, nhưng nếu CS chỉ đưa ông ấy đến thất bại thì ông ấy sẽ vứt nó đi như vứt một cái áo rách. Người làm việc lớn phải quyền biến, phải thức thời. HCM là một người như thế”.

Tiếp theo, đoạn trích dưới đây sẽ khẳng định rõ hơn hoài nghi của Lư Hán rằng, HCM không phải là 1 người CS “kiên trung” ở chính sự băn khoăn, tự vấn của Lê Duẫn về vị Lãnh đạo của mình:

“Tại sao một người đã gieo mầm CS vào VN đến khi lên cầm quyền lại không đề ra đường lối đấu tranh giai cấp mà đề ra chủ trương đoàn kết với các thành phần, trong đó có các thành phần giai cấp đã đàn áp bóc lột người lao động nghèo khổ?
Tại sao Chính phủ mới thành lập lại có thành phần đại diện cho trí thức, tư sản và cả những người từng là quan lại của triều đình? Tại sao HCM lại giao cho Nguyễn Bình, một nhân vật ly khai từ Việt Nam quốc dân đảng làm người phụ trách quân sự miền Nam?”

Sự khẳng định của tướng Lư Hán TQ với Tưởng Giới Thạch và lời tự vấn của cụ Lê Duẫn ít nhiều cũng giúp độc giả, hậu thế có cái nhìn khách quan về sách lược của Hồ Chủ tịch. Với ông, Đảng phái chỉ là phương tiện, là giải pháp tình thế. Dân tộc VN độc lập và thịnh vượng mới là đích đến của cụ Hồ.

Đọc đến đây, có thể ai đó sẽ trề môi, nhếch mép. “Tiểu thuyết mà, thêu dệt gì chẳng được”.

Tất nhiên, tôi tôn trọng quan điểm hết thảy. Và tôi cũng tôn trọng góc nhìn của Tác giả. Rõ ràng, chọn đề tài lịch sử và để viết tác phẩm này. Ắt hẳn, Thiên Sơn đã mất không ít công sức đào bới lại lịch sử. Chắc hẳn, anh ấy đã có cơ duyên được tiếp kiến các nhân chứng lịch sử tầm vóc.

Bằng bút pháp kể truyện, Thiên Sơn đã chuyển hóa những nhân vật lịch sử xơ cứng thành những con người giàu tâm tư tình cảm, đưa vào đấy cái hơi thở của cuộc sống, những dục vọng, bản ngã của giống người, sự rung cảm của tấm lòng và những động cơ thúc đẩy họ hành động. Các nhân vật “bị” tô vẽ làm tượng đài được trở về “làm người thật” hơn.

Qua các tuyến nhân vật, qua những cuộc tranh đấu khốc liệt. Tôi nhận thấy tác giả muốn bộc bạch nỗi niềm chung cho những con người đang ngộp thở trong cái vòng kim cô của thời cuộc. Mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời mà Thiên Sơn thuật lại trong tác phẩm nó như bao hàm tiếng thở dài của chính anh trước những vấn đề then chốt của thời đại.

Có một ý trong tác phẩm Luận anh hùng của Dịch Trung Thiên khi nói về thể chế độc tài mà tôi thấy rất đúng, hợp với hoàn cảnh này: chính trị chẳng phải màu đen, cũng không phải màu trắng. Nó là màu xám. Màu của sự hai mang, của dã tâm. Ẩn sau nụ cười, cái bắt tay nồng hậu là giáo mác, súng đạn, mưu mô hiểm độc.

“Hồ Chí Minh ngồi lặng trong phòng làm việc ở Bắc bộ phủ. Giống như người vừa bẻ lái con tàu trên một đại dương giông tố, ông có cảm giác lâng lâng, thấy trời đất hơi chao đảo và đằng sau con tàu, phía bánh lái đang xẻ nước, những cột sóng trắng cuộn lên… Cảm giác vừa trút đi một gánh nặng và gánh nặng khác lại đè lên.”

Mấy dòng trên là Thiên Sơn biểu đạt về tâm trạng thẳm sâu của Cụ hồ sau khi ký Hiệp định sơ bộ đình chiến ngày 6/3/1946. Một phen mặc cả đầy mưu mô hiểm độc từ Cao ủy toàn quyền Đông dương – D’Argenlieu. Ngôn ngữ tuy nhẹ nhàng, trừu tượng, nhưng tôi cảm nhận như có máu chảy trên đầu ngọn bút.

Chắc rằng, Thiên Sơn viết Gió bụi đầy trời là muốn vẽ lại bức tranh về một giai đoạn lịch sử với những tông màu khác theo niềm tin và những dữ liệu anh được tiếp cận. Bạn đọc, hậu thế có quyền được biết nhiều góc nhìn hơn về tiền nhân, có quyền lựa chọn niềm tin của mình.

Tôi không dám chắc, và cũng chẳng muốn so sánh rằng Văn học THẬT hơn hay Sử học THẬT hơn. Tôi chỉ thấy, văn học nó giúp cho hậu thế dễ tiếp cận, dễ thưởng ngoạn và đánh giá. Quan trọng là nó không bị chi phối, lèo lái bởi lợi ích, danh vọng, ý chí của quyền lực.

Cuối cùng, điều đáng trách nhất ở Chính quyền Việt Minh trong giai sử này là đã giết 2 chí sĩ lẫy lừng là Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và đốt sạch kho tư liệu hơn 300 năm của Triều Nguyễn.
Điều khiến tôi suy tư nhất trong tác phẩm này là mấy lời nhận xét của cụ Huỳnh Thúc Kháng về người của Việt Minh khi mới cầm quyền. Xin trích lời cụ Huỳnh:

“Tôi không hiểu chính quyền mới là thế nào mà ngày nay nhiều người mù chữ được trao quyền hành, họ tỏ ra oai phong lắm. Gặp chúng tôi là họ nguyền rủa . Họ căm ghét hết thảy những người có học một thời được coi là đức cao vọng trọng, họ đe dọa các bậc hào phú trong các thôn làng.
Chính quyèn như vậy đang tự cô lập mình với một bộ phận nhân dân, lại tỏ ra kiêu ngạo, đắc ý, thô lỗ sẵn sàng dùng vũ lực để giết hại những người tai mắt, những người có chính kiến khác. Đó là con đường tự hủy hoại mình và sẽ không bao giờ vươn lên trở thành chính danh.”

Ôi, cụ Huỳnh! Những lời của cụ nói từ 75 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:

  • Dòng Sông Chết
    eBook Dòng Sông Chết
    Tác giả:

    Cuốn sách “Dòng Sông Chết” của Thiên Sơn là một tác phẩm độc đáo, trong đó nhân vật chính tự trò chuyện với chính mình, kể lại những trải nghiệm và suy nghĩ trong cảm giác cô đơn và hoang mang. Giọng điệu trữ tình và sâu lắng của câu chuyện thể hiện sự miên …