“Nước Việt Nam ta, từ khi lập quốc đã trải qua bốn nghìn năm có lẻ”, bốn nghìn năm bồi đắp một vốn phong phú những lễ nghi phong tục, những truyền thống di sản để người Việt Nam là người Việt Nam, để nước Việt Nam là nước Việt Nam.
Nhưng xưa rồi cũng đến nay. Quá khứ rồi cũng phải đến hiện tại. Cái cũ rồi cái mới. Tất cả gần như đã thành quy luật bất biến của cuộc sống…
Đứng trước lẽ tự nhiên của luật biến chuyển ấy, con người Việt Nam, xã hội Việt Nam cũng chẳng thể là một ngoại lệ khác biệt.
Rồi “nhiều phen nhớ cảnh đồng quê đất Bắc và tiếc những hạt ngọc của phong tục nước nhà”, nhà văn, nhà nghiên cứu Toan Ánh đã “không thể dừng mà không tìm cách cố ghi lấy những điểm đẹp của con người Việt Nam đang dần dần biến thể để đi tới sự mất hẳn”.
Nằm trong bộ sách “Nếp cũ”, “Bó hoa Bắc Việt – Thú vui tao nhã” là những ghi chép, quan sát và cả lời trần tình đầy chân thật của nhà văn về con người, cuộc sống mảnh đất này.
Ở phần đầu – “Bó hoa Bắc Việt” tập trung vào vẻ đẹp người phụ nữ đất Bắc khi trong trang sách không chỉ là người con gái tuổi đôi mươi trăng rằm:
“Ngọc còn ẩn gốc cây ngâu
Con còn phụ mẫu dám đâu tự tình.”
Mà còn là bóng dáng người vợ, người mẹ tảo tần “hai sương một nắng” đến quên đi chính mình: “Các bà chỉ nghĩ đến chồng đến con, còn chính các bà, các bà thường tự quên mình, quên mình để chiều chồng, quên mình hy sinh cho con thơ, quên mình để lo cho gia đình đầy đủ.”
Để giữa hoa với hoa, bóng người mẹ vẫn khắc ghi đậm sâu nhất trong tâm trí tác giả với những khắc khổ ngược xuôi một đời người phụ nữ truyền thống: “Mẹ tôi chỉ là một người đàn bà nhà quê miền Bắc. Cũng như muôn nghìn phụ nữ đồng quê khác, mẹ tôi đã sống giữa sự vất vả làm lụng, trọn đời hy sinh cho chồng con và tự nhận lấy mọi sự cực nhọc về mình.”
Ở phần sau cuốn sách – “Thú vui tao nhã”, nhà văn, nhà nghiên cứu Toan Ánh đã hé lộ phần nào những muôn màu vạn trạng, tuy đa nguyên nhưng vẫn nhất nguyên trong những thú vui tiêu khiển của dân tộc mình.
Từ cái Tết cổ truyền “là ngày thiêng liêng nhất đối với dân tộc Việt Nam”: “Khi vua ngự triều, các quan đều quỳ làm lễ, và một vài vị đại thần dâng lời chúc tụng […] Trong dân chúng cũng vậy, người ta đi chúc Tết, người xưa gọi là đi lễ Tết, vì đến chúc Tết tại một gia đình nào, việc đầu tiên người ta lễ trước bàn thờ gia tiên nhà đó, sau mới ngỏ lời chúc tụng lẫn nhau.”
Đến thú chơi hoa theo dòng chảy lịch sử cũng du nhập ít nhiều loài mới như hoa huệ, lay ơn, thược dược… rồi cả “tính cách tượng trưng của các loài hoa theo Tây phương”.
Đọc “Nếp cũ: Bó hoa Bắc Việt – Thú vui tao nhã”, ta không chỉ thêm yêu, thêm quý những giá trị Việt đã lắng đọng qua ngàn năm lịch sử. Mà “đứng trước một sự thay đổi không thể tránh khỏi”, “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn” có lẽ điều duy nhất ta phải luôn ghi nhớ.
Để dẫu cho Nho học rồi Tây học, tất cả cũng sẽ về lại Ta học…
“Cây có cội, nước có nguồn
Chim có tổ, người có tông.
Cây có gốc mới trổ cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.
Con người nguồn gốc ở đâu
Nhờ tổ tiên trước kiếp sau có mình.”
Nguồn: Phạm Võ Việt Đoan
Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:
-
eBook Múa Thiết Lĩnh…Ném Bút Chì…
Tác giả: Toan Ánh“Múa Thiết Lĩnh… Ném Bút Chì…” của tác giả Toan Ánh là một cuộc hành trình hấp dẫn đưa độc giả quay về thời kỳ lịch sử Việt Nam, nơi võ nghệ, võ thuật nổi tiếng và trở thành một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Cuốn sách mở cửa sổ cho độc …
-
eBook Nho Sĩ Đô Vật – Toan Ánh
Tác giả: Toan ÁnhCuốn sách “Nho Sĩ Đô Vật” của tác giả Toan Ánh không chỉ là một tác phẩm văn học phong phú mà còn là một hành trình độc đáo đưa độc giả trở về thời kỳ phong kiến Việt Nam, nơi mà võ thuật và những nghi lễ truyền thống đã góp phần tạo nên …
- Review: Tâm Lý Học Giải Mã Hành Vi – Lý giải những đòn tâm lý sau mỗi hành vi của bạn
- Review: Giả vờ là người hướng ngoại | Dương Tư Viễn
- Review: Thảm kịch trắng – Một cuốn sách trinh thám của Việt Nam quá xuất sắc
- Review: Kỹ Năng Thuyết Phục, Hạ Gục Đối Phương – Trần Hạo
- Review: Nhà Tranh của Ly Tran – Cuốn hồi ký đầy chân thực và thấm thía