Phương Pháp Học Tập Feynman là một cuốn sách khá thú vị và đặc sắc của hai tác giả Âm Hồng Tín, Lý Vĩ. Vì rất ngưỡng mộ phương pháp học tập của nhà vật lý học nổi tiếng Feynman nên hai tác giả đã dày công nghiên cứu về tư duy cũng như phương pháp học tập mà Feynman đã ứng dụng trong sự nghiệp lẫn công tác giảng dạy của ông.
Cuốn sách Phương Pháp Học Tập Feynman tập trung vào 5 bước cốt lõi giúp ta học nhanh, nhớ lâu và tiến bộ vượt bậc. Đây cũng là cuốn sách tiếp theo nằm trong chuỗi 5 cuốn sách về phương pháp học tập và giảng dạy mà mình sẽ chia sẻ tới bạn trước thềm năm mới 2025.
Mình mong rằng các bạn không chỉ ứng dụng các phương pháp này cho bản thân mà còn lấy nó làm nền tảng để định hướng và đồng hành cùng các thế hệ sau của chúng ta. Đó có thể là bé con – quả ngọt giữa ta và người bạn đời, hoặc là các bạn học sinh, sinh viên, học viên – những người ta trực tiếp giảng dạy và đồng hành.
Có phương pháp học đúng không những giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian mà còn có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu và hiện thực hoá những mong ước của bản thân. 5 phương pháp này có thể ứng dụng trên mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực và mọi độ tuổi đó ạ.
1. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU
Rất nhiều bạn bỏ dở việc học giữa chừng là vì không xác định được mục tiêu của bản thân ngay từ đầu. Điều này đúng trong nhiều tình huống khác nhau, có thể là một lớp học, một dự án nhưng cũng có thể là một cuốn sách.
Nhiều bạn học vì nghe người khác ca ngợi, đọc sách theo xu hướng và trào lưu. Vậy nên họ rất dễ bỏ cuộc nếu gặp phải khó khăn và thử thách trên hành trình ấy. Do đó việc đầu tiên khi chúng ta muốn làm bất cứ điều gì thì phải xác định được mục tiêu của bản thân bằng hai bước:
- Bước một là làm rõ mục đích của việc học: Việc học không những làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta một cách sâu sắc mà còn là nền tảng để rèn giũa, hoàn thiện cách tư duy của bản thân theo 4 khía cạnh. Bao gồm tư duy cởi mở, phát triển tư duy phản biện, rèn luyện tư duy logic và tăng cường khả năng truyền đạt.
- Bước hai là tập trung vào mục tiêu: Làm rõ lợi ích to lớn mà nó mang tới cho chúng ta thông qua việc tìm ra hướng đi cho tương lai, đồng thời chú trọng vào hiện tại. Muốn làm tốt hai khía cạnh này chúng ta phải biết cách lên kế hoạch cụ thể, nhằm triển khai mục tiêu và biến nó thành những việc cần làm. Đảm bảo được nguyên tắc SMART trong quá trình đặt mục tiêu.
Mình ví dụ khi đọc cuốn sách nào đó, chúng ta phải xem cuốn sách ấy giúp được gì cho bản thân trong tương lai, về khía cạnh cụ thể nào (nuôi dạy con, phát triển tư duy, sự nghiệp, hay tài chính cá nhân). Đồng thời xem xét xem hiện tại ta có thể ứng dụng nó ra sao trong cuộc sống của bản thân. Từ đó lên lộ trình, kế hoạch để áp dụng ngay và luôn. Có thế kiến thức mới thực sự đi vào đời sống được.
2. NẮM BẮT KIẾN THỨC
Rất nhiều bạn chia sẻ với mình rằng, sau khi đọc xong một cuốn sách nào đó thường các bạn không còn nhớ gì nữa. Lý do vì các bạn ấy chưa xây dựng được cho bản thân một quy trình học tập đúng đắn. Kiến thức ta vừa tiếp nhận chỉ đang nằm trên bề mặt mà thôi. Vậy thì quy trình chuẩn ta cần áp dụng là gì?
- Thứ nhất là ký ức ngắn hạn.
- Phần này ta cần xây dựng được hệ thống kiến thức với các bộ câu hỏi như: Tại sao chúng ta lại đọc sách? Nó mang tới nội dung cốt lõi gì? Làm thế nào để có thể áp dụng nó vào cuộc sống?
- Thứ hai biểu tượng tâm lý.
- Phần này ta cần hình ảnh hóa ngôn từ, bởi não bộ của chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận kiến thức thông qua hình ảnh hơn là từ ngữ.
- Thứ ba mã hoá kép.
- Phần này giúp chúng ta phát triển sâu hơn về hệ thống kiến thức của mình thông qua hai hệ thống chính đó là hệ thống ngôn ngữ thông qua ý nghĩa của từ ngữ và hệ thống hình ảnh thông qua ý nghĩa của hình ảnh.
- Thứ tư là ký ức dài hạn.Biến những kiến thức vừa mới tiếp nhận được đi từ vùng ký ức ngắn hạn vào vùng ký ức dài hạn thông qua sơ đồ tư duy.
Đây cũng chính là sự kết hợp giữa từ ngữ và hình ảnh mà mình đã chia sẻ lâu nay với các bạn học viên. Khi sử dụng sơ đồ hóa chúng ta có thể hệ thống kiến thức một cách trực quan, bài bản và logic. Kết hợp với việc suy ngẫm, liên hệ và đóng gói bằng những trải nghiệm cá nhân, chúng ta sẽ tạo lên hệ thống kiến thức cá nhân cho riêng mình.
Đây là phương pháp mà mình đã ứng dụng trong suốt hơn 13 năm qua, đồng thời đã hướng dẫn chi tiết, bài bản và hệ thống cho các học viên cũng như các độc giả của mình thông qua cuốn sách đầu tay “muốn chuyển hóa sâu bắt đầu từ sách”.
Phần này tác giả cũng mang tới cho chúng ta một bộ nguyên tắc hệ thống hóa rất hữu ích thông qua ba khía cạnh. Bao gồm tư duy ngang, tư duy phân kỳ và tư duy hội tụ.
- Trong đó tư duy ngang là cách mà chúng ta phân loại, so sánh kiến thức đó ở nhiều khía cạnh khác nhau.
- Tư duy phân kỳ làm việc phát triển, liên tưởng và phân tích mối quan hệ giữa chúng để tạo ra một sơ đồ tư duy cho riêng mình.
- Tư duy hội tụ là việc cấu trúc hóa và hệ thống kiến thức lại theo hướng hoàn toán mới bằng chính tư duy và nhận thức của bản thân.
3. CHIA SẺ KIẾN THỨC
Chúng ta có hai cách học, một là học theo cách bị động và hai là học theo cách chủ động. Trong đó việc nghe, nhìn, đọc chỉ là học theo cách bị động.
Để học theo cách chủ động chúng ta sẽ cần có quá trình thảo luận với người khác, áp dụng kiến thức vào thực tế và đặc biệt đó chính là dạy lại cho người khác. Cách này giúp chúng ta nhớ tới 90% những kiến thức mà mình đã tiếp nhận.
Lý do phương pháp này hiệu quả đến như vậy là bởi nếu chúng ta không thực sự hiểu một cách sâu sắc, bài bản thì chúng ta rất khó lòng để có thể truyền tải đến người nghe.
Vậy nên nếu chúng ta luôn nghĩ rằng mình đã nắm rất rõ một lĩnh vực nào đó, nhưng không thể nào truyền tải lại được nó một cách cô đọng, dễ hiểu cho người khác thì thực tế là chúng ta vẫn đang có những điểm mù kiến thức.
Việc của ta lúc này đó chính là hệ thống hóa lại những kiến thức nền tảng của bản thân bằng s sơ đồ. Sau đó học cách trình bày, chia sẻ lại bằn ngôn ngữ của riêng mình thông qua sơ đồ ta đã tạo nên.
Để quá trình này diễn ra một cách hiệu quả và thiết thực, ngoài việc dùng ngôn ngữ dễ hiểu, chính xác, ngắn gọn. Biết cách trình bày một cách sâu sắc thông qua việc phân tích, mở rộng thì chúng ta cần phải học cách thêm vào sự hiểu biết cá nhân.
Đây cũng lĩnh chính là lý do vì sao mà mình luôn yêu cầu các học viên của mình phải cá nhân hóa những nội dung mà bản thân đã đọc được, học được thông qua việc suy ngẫm, quan sát và áp dụng thực tế.
Một phần cũng vô cùng quan trọng trong mục này đó chính là hãy luôn bắt đầu từ đầu ra.
- Bằng việc nhận biết những kiến thức cốt lõi, quan trọng thông qua kinh nghiệm và cảm nhận của bản thân. Hãy luôn nhớ lấy chính mình làm trọng tâm trong việc học.Cùng một cuốn sách nhưng cảm nhận của mỗi người là mỗi khác. Lý do vì tiến trình, mong muốn và đầu ra của mỗi người là hoàn toàn khác nhau.
- Sau khi đã nhận biết được đâu là những kiến thức cốt lõi, nền tảng mà chúng ta cần tập trung vào thì ta sẽ đi tới bước tiếp theo chính là giữ gìn. Giữ gìn những kiến thức cốt lõi, quan trọng đó bằng việc tìm hiểu sâu hơn thông qua các nguồn học liệu khác.
- Kế tiếp đó là tái hiện lại những kiến thức đó trong tâm trí bằng việc chia sẻ lại với những người xung quanh. Mình thường hướng dẫn học viên là chia sẻ cùng với con, sao cho một đứa trẻ cũng có thể hiểu được nội dung mà chúng ta nói tới. Khi ấy ta chắc chắn thành công.Mình thường áp dụng phương pháp này, một mặt giúp phát triển kỹ năng truyền đạt của bản thân, một mặt giúp phát triển kiến thức nền cho con gái.
- Cuối cùng đó chính là phần hồi tưởng. Đem những gì mà chúng ta đã học được để áp dụng vào công việc, cuộc sống thông qua quá trình chủ động chia sẻ, đào sâu ở các buổi hội thảo chuyên đề, đào tạo nội bộ hoặc huấn luyện những người kế cận.
4. ÔN TẬP VÀ PHẢN TỈNH
Phần này giúp chúng ta lưu giữ kiến thức mạnh mẽ thông qua thông qua ba bước: nghi ngờ, khám phá; phản tỉnh và tăng cường khả năng ghi nhớ.
- Việc nghi ngờ, khám phá về một kiến thức nào đó giúp chúng ta đào sâu, mở rộng và biết cách kiểm chứ chúng hiệu quả. Đồng thời tìm ra được những điểm yếu, điểm mù của bản thân để tinh chỉnh và thay đổi kịp thời.
- Quá trình phản tỉnh được diễn ra thông qua việc tự suy ngẫm và tham gia vào các cuộc tranh luận với những người khác. Điều này giúp chúng ta xây dựng được mối quan hệ đa chiều ở các khía cạnh như khoa học, thực tiễn và hệ thống. Nếu như khoa học giúp chúng ta phát triển về tư duy logic, thực tiễn giúp chúng ta phát triển về tính hiệu quả thì hệ thống giúp chúng ta phát triển về tính tổng thể, toàn diện.
- Cả hai quá trình trên đều giúp cho chúng ta tăng cường khả năng ghi nhớ. Bởi lúc này ta đã thường xuyên tập trung vào những kiến thức có ích cho bản thân. Đồng thời luôn nỗ lực để đào sâu và mở rộng những gì mà bản thân đã học được. Đây cũng chính là cách để chúng ta phát triển tư duy nguyên lý. Nghĩa là nhìn thấy những lợi ích tiềm ẩn ở phía sau những điều mà chúng ta đã tiếp cận.
5. ĐƠN GIẢN HOÁ VÀ TIẾP THU
Đây là bước cuối cùng trong phương pháp học tập của Feynman. Bước này giúp chúng ta hệ thống hóa được những gì mà mình đã học, biến nó thành kiến thức hữu dụng mang tính cá nhân. Để ta có thể áp dụng được vào sự nghiệp cũng như cuộc sống. Mục đích này đúng với tất cả các lớp học, các cuốn sách và các nguồn học liệu mà chúng ta tiếp nhận.
Để có thể đạt được kết quả tốt nhất, chúng ta hãy làm theo năm bước cơ bản sau đây.
- Bước một là ghi chép lại những kiến thức cốt lõi. Đâu là những kiến thức hữu ích có giá trị với chúng ta? Hãy tô màu, khoanh tròn và ghi chú lại nó.
- Bước hai là tổ chức lại kiến thức một cách toàn diện thông qua việc chọn lọc, sắp xếp lại thông tin sao cho logic và hệ thống nhất.
Đây cũng là lý do vì sao mình yêu cầu các học viên sau khi hoàn thành sau những buổi học cùng với mình thì phải ngồi lại để sơ đồ hóa và sắp xếp lại kiến thức theo ý hiểu của cá nhân các bạn ấy.
Việc sao chép, bắt chước chỉ là cách học thụ động. Muốn đạt được kết quả tốt nhất, bạn phải tham gia vào theo hướng chủ động. Chủ động xem xét, tổ chức và hệ thống hoá lại những gì đã học theo góc nhìn và quan điểm cá nhân. - Bước ba để tiếp thu một cách hệ thống bằng việc mở rộng, tổng hợp theo những quan điểm cá nhân. Đây là phần mà mình thấy rất nhiều bạn yếu và sợ phải làm. Tuy nhiên nó lại là một phần vô cùng quan trọng để chúng ta có thể lưu trữ kiến thức trong tâm trí một cách sâu sắc.
- Bước bốn là chia sẻ, truyền đạt lại. Bước này mình đã nói rất sâu ở phần phía trên. khi chúng ta học được một kiến thức nào đó mới, hãy đóng gói nó và chia sẻ lại với mọi người. Chính quá trình này sẽ giúp ta nhận được những phản hồi hữu ích và giúp tái tạo lại lượng kiến thức ở bên trong tâm trí.
- Cuối cùng là sáng tạo và phát triển kiến thức mới. Khi chúng ta học tập, tư duy càng nhiều thì kiến thức sẽ luôn được tái tạo, kết nối và cộng hưởng với nhau.
Chính điều này sẽ giúp chúng ta tạo ra được những lượng kiến thức mới cho riêng mình. Phần này có thêm trải nghiệm, dấu ấn và sự phát triển cá nhân nên kiến thức ta mang lại rất khác những gì ta đã đọc hay tiếp nhận trước đó. Bởi lúc này đây ta đã có quá trình kiểm chứng thông qua những trải nghiệm của riêng mình.
Đây cũng chính là nền tảng để chúng ta có thể hệ thống hóa được kiến thức cá nhân. Mục tiêu mà bất cứ ai cũng nên hướng tới trong quá trình học tập và phát triển bản thân. Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp bạn có thêm được những phương pháp, lộ trình đúng đắn trên hành trình ấy!
Bài viết của bạn Lê Nghĩa trên Facebook. Cảm ơn bạn vì bài review này
- Trở Thành Kể Thua Cuộc Có Phải Là Một Điều Xấu
- Review: Đồi Gió Hú – Bi kịch của cuộc sống thiếu vắng tình yêu thương
- Css của ebook là gì? Các cấu trúc lệnh Css cơ bản trong khi làm ebook
- Review: Phía sau nghi can X – Tiểu thuyết trinh thám hay tâm lý xuất sắc?
- Review: Thảm kịch trắng – Một cuốn sách trinh thám của Việt Nam quá xuất sắc