Năm 1986, bắt đầu ngọn gió của thời đổi mới. Sách được in nhiều và đẹp. Với một mọt sách như mình thì thật sung sướng. Dạo ấy đang học ở Hải Phòng. Khổ và vất vả. Yêu say đắm một nàng dân Cơ đốc, đạo gốc. Yêu nàng nên cũng chịu khó đi lễ và tìm hiểu về Đạo Thiên chúa. Vừa hay lúc ấy kiếm được cuốn mới in là Quo Vadis của nhà văn Ba Lan H.Sienkievic.
Một cuốn truyện quá hay và chứa đựng nhiều kiến thức về lịch sử, về tôn giáo. Một chuyện tình đẹp đẽ. Một câu chuyện điên rồ và tàn bạo của một trong những bạo chúa nổi tiếng của loài người thời La Mã : Nero, kẻ giết cả mẹ ruột mình, kẻ đã cho đốt cả thành Roma chỉ để tạo cảm hứng để viết những vần thơ. Một câu chuyện về sự tuẫn nạn và thắng thế của đạo Cơ đốc. Câu chuyện về tình yêu thương, lòng vị tha, đức hy sinh cao cả đã chiến thắng cái bạo tàn khủng khiếp như thế nào.
Câu chuyện tình yêu đầy sóng gió, trắc trở mà cũng vô cùng đẹp đẽ giữa hai con người ngọc : Chàng là một võ quan quí tộc La Mã Markus Venecius , nàng là công chúa một xứ sở Ligi bị xâm chiếm và nàng đang là con tin cho La Mã, sống trong gia đình một võ quan và giữa những người Cơ Đốc giáo , khi ấy còn đang bị cấm đoán nên phải trong vòng bí mật.
Tình yêu của họ diễn ra trong thời đại điên rồ của bạo chúa Nero, gã thi sĩ nửa mùa, điên loạn, giả dối và độc ác. Đế quốc La Mã khi đó đã phình quá to, ngập trong thừa mứa, trụy lạc vô độ. Thế giới đó đi dần đến suy vong. Điều gì sẽ cứu vớt thế giới, cứu vớt loài người. Chính là đang hình thành tôn giáo mới với tình yêu thương, tính hy sinh, tính vị tha của những người theo Thiên chúa.
Câu chuyện của chúng ta diễn ra giữa hai thái cực đó. Cái bạo tàn hoành hành trong cơn điên mang mùi máu tanh khủng bố. Sự lừa lọc, phản bội, nịnh bợ, giả dối lên ngôi. Nhưng sức mạnh tinh thần của một giáo lý mới đã mang đến cho con người niềm tin vào cái thiện lương, niềm tin vào tương lai của loài người sống hòa thuận, thương yêu nhau. Thiên chúa giáo thời kỳ ấy còn chưa nhiễm cái bệnh giáo điều. Giáo hội chưa hình thành nên giáo quyền chưa lên ngôi. Chưa có những thánh Thomas, thánh Augustin hay những dòng như Jesuite với những kinh điển đè nặng lên tự nhiên. Mọi thứ còn trong trẻo của buổi ban đầu một thuyết cứu độ lành mạnh. Chưa có những tòa dị giáo, thánh chiến hay những Đại pháp quan như miêu tả của chàng Ivan Karamarov. Sự khủng bố của bạo chúa thật kinh khủng nhưng sự tuẫn giáo của những người Thiên chúa giáo cũng thật ghê gớm. Nó đã làm lung lay đến tận gốc những tín điều của chủ nghĩa hưởng lạc, của những kẻ Đa thần giáo nhưng thực ra là chẳng có chút niềm tin hay sức mạnh tinh thần. Chứng kiến sự tuẫn giáo ấy họ hả hê rồi bàng hoàng, kinh khủng sau đó thì tò mò tìm hiểu. Họ đã thấy được một giáo lý mới mẻ đầy thiện lương, yêu thương, vị tha. Điều đó lôi cuốn họ và đó chính là chiến thắng của cái Thiện, chiến thắng của niềm tin tôn giáo. Đức hy sinh Cơ đốc đã cứu rỗi được thế giới.
Ngòi bút bậc thầy đã cho chúng ta những nhân vật sắc nét và sống động. Ta hình dung rõ ràng một bạo chúa Nero, quyền lực vô biên, tàn bạo vô cùng, nhưng lại hèn nhát và giả dối, gã hề ấy diễn vai trò của mình trong lịch sử với bao nhiêu máu và tội ác mà y không từ một cái nào. Hay một ngài Petronius tài hoa, thông minh, trang nhã là môn đệ của chủ nghĩa Duy mỹ. Với ông chỉ có cái đẹp là có ý nghĩa. Ông vui đùa với cuộc đời bằng cái uể oải, lười nhác một cách tinh tế của mình. Cái chết của ông thật đẹp đẽ, ấn tượng nhưng cũng chỉ rõ rằng cái đẹp ấy nó phù phiếm và xa lạ với cuộc sống con người bần hàn. Hoặc như bác Ursus, một Hercules của xứ Ligi Ba Lan cổ, trung thành, thần lực. Bác là người hầu tận tụy của nàng công chúa Ligia. Cặp đôi nhân vật y sĩ Glaucos và gã Hy Lạp phản phúc Khilon cũng rất đặc sắc. Hai người theo nhau như một định mệnh để làm bật lên sự đối lập của cái xấu xa, đê tiện, tham lam, lừa lọc, vô nhân tính với cái chất phác, thiện lương và lòng vị tha nhân đạo vô cùng tận của một con chiên. Dĩ nhiên là đẹp đẽ nhất với chúng ta là cặp tình nhân trong mơ, nàng là công chúa xứ Ligi xa xôi với nét đẹp tuyệt trần, thông minh, nhân hậu với tình yêu dịu dàng đã đánh thức tính thiện trong một chiến binh La Mã, chàng quí tộc Venecius, đẹp và dũng cảm như một chiến thần, đưa chàng tránh xa hố sâu trụy lạc, tội lỗi, tàn ác của giới thượng lưu La Mã bấy giờ. Có thể nói là chàng đã được cứu rỗi. Và họ cuối cùng đã hạnh phúc bên nhau trong tình yêu thương của Chúa.
Trong truyện có nhiều trường đoạn thật hay, ý nghĩa. Như cuộc đối mắt của hai chúa tể thế giới hiện tại và mãi mãi, Nero và Đức Tông đồ Piotr, đại đệ tử của Đức chúa Jesus. Một kẻ hiện thân cho cái tàn ác, bạo lực, khủng khiếp nhưng rồi sẽ trôi đi như một cơn ác mộng đầy máu tanh của loài người, một người là ngư dân bình dị chân đất nhưng sẽ thành chúa tể của loài người nhân danh tình yêu thương. Hay như trường đoạn cái chết của ông Petronius và nàng Eunixe, hai con người như tượng trưng cho cái đẹp, cái hoàn mỹ. Một cái chết thật nên thơ và đẹp đẽ. Nó tượng trưng cho chủ nghĩa Duy mỹ, sự tôn vinh cái đẹp, cái hoàn mỹ không thể chống chọi và tồn tại được trước cái ác, cái bạo tàn. Trường đoạn bác Ursus chiến thắng con bò rừng khổng lồ, cứu thoát cô chủ, nàng công chúa Legia cũng rất hay và hồi hộp, cảm động. Còn rất nhiều trường đoạn hay như vậy , tất cả hợp lại thành một mạch truyện thật hấp dẫn, lôi cuốn.
Nhưng mình muốn đề cập đến hai trường đoạn đáng nhớ nhất. Trường đoạn đầu là hai cuộc đối đầu của hai kẻ tử thù đầy duyên nợ : thày thuốc Glaucos và gã lưu manh chỉ điểm Khilon. Lần thứ nhất họ gặp lại nhau trong nhà một người Thiên chúa giáo. Gã Khilon sau khi bán rẻ người ân nhân của mình Glaucos, khiến ông nhà tan cửa nát, chết cả vợ con, trơ trọi một mình, đã rơi vào tay ông và những người Thiên chúa giáo. Hắn những tưởng sẽ bị trả thù tàn khốc, nhưng khi hắn van xin một cách hèn mạt thì hắn không thể ngờ ông Glaucos, dù rất đớn đau, phẫn nộ nhưng vẫn tha thứ và chìa tay ra cho hắn. Không ngờ ân nghĩa ấy chưa đủ để hắn sám hối, hắn một lần nữa lại bán đứng những người Thiên chúa, bán đứng ông Glaucos cho Nero để đổi lấy vinh hoa, phú quí. Lần thứ hai họ đối đầu là khi ông Glaucos trên giàn hỏa thiêu nhìn xuống lão Khilon đang dương dương tự đắc. Đôi mắt rực lửa căm thù của ông như thiêu đốt kẻ hèn mạt đã táng tận lương tâm dường ấy. Không chịu nổi cái nhìn ấy, gã Khilon vụt lăn ra đất cầu xin sự tha thứ một lần nữa. Trước sự sám hối kinh sợ ấy, người ta nghe trong gió, trong tiếng reo của ngọn lửa hỏa thiêu ấy lời phảng phất : Ta tha thứ. Thật ấn tượng sâu sắc cứa sâu vào tim người vì sự vị tha cao cả dường ấy. Tha thứ trên thế mạnh, khi ta nắm sinh mạng kẻ kia trong tay đã là khó, tha thứ khi cần kề cái chết do kẻ kia đem lại thì thật khó tưởng tượng nổi. Nhưng ông Glaucos làm được việc khó khăn dường ấy. Bản thân ông đã được giải thoát khỏi hận thù, không còn gánh nặng ấy mang theo. Và lòng vị tha cao cả vô biên ấy đã cải tạo được gã lưu manh tưởng chừng không còn chút tính người ấy. Gã đã xin cải đạo, đứng ra làm chứng, chứng minh sự vô tội của những người Thiên chúa giáo. Gã đã chấp nhận sự hành hạ, tra tấn và cái chết đau đớn để được giải thoát về linh hồn. Gã chết như một người Thiên chúa giáo chính trực tuẫn nạn. Cái chết ấy càng có ấn tượng mạnh với dân chúng về sức mạnh của tôn giáo đầy tình thương cao cả, bao dung vị tha ấy. Đó chính là sự thắng thế của cái Thiện trước sự bạo tàn. Mỗi lần đọc đến đây mình đều cảm động đến gai người, mắt rớm lệ vì quá ư xúc động.
Còn trường đoạn sau mà được dẫn ra cái tựa đề cuốn truyện là khi đức Tông đồ Piotr theo yêu cầu của các con chiên đi lánh nạn. Ngài ra khỏi thành và đã gặp hình bóng Đức chúa hiển hiện trở lại. Quì xuống, khóc nức nở, ngài hỏi : Quo vadis , Domine ? Đi về đâu vậy, hỡi cha? Đức chúa trả lời : Vì ngươi rời bỏ các con ta nên ta lại vào thành Roma để chịu đóng đanh câu rút một lần nữa. Đức Tông đồ lăn ra khóc và quay trở lại , ngài chấp nhận cái chết đóng đinh câu rút trên đồi Vatican, để chinh phục hoàn toàn thành Roma, thủ phủ của thế giới, hoàn thành sự chinh phục của Đạo Cơ đốc, đạo của tình yêu thương, bằng hữu. Sự hy sinh cao cả chính là sức thuyết phục mạnh mẽ nhất hơn cả ngàn trang giáo lý khô khan.
So sánh với lần trở lại này của Đức chúa với lần trở về của ngài gặp Đại Pháp Quan trong cuốn Anh em nhà Karamarov ta thấy nhiều điều đáng suy gẫm. Trong buổi bình minh ấy Thiên chúa giáo trong trẻo và đáng yêu hơn rất nhiều. Sau này khi giáo hội thắng thế trên toàn cõi Âu châu và thế giới rồi, giáo quyền và giáo điều mang đến nhiều sự khác biệt mà các bạn đọc Anh em nhà Karamarov sẽ thấy.
Còn hai chủ đề mà mình muốn bàn bạc nữa mà thấy dài quá rồi không dám lạm bàn thêm. Đó là Chủ nghĩa Duy mỹ cùng sự phóng túng của nó thông qua hình tượng ngài Petronius-Arbiter elegantiarum vị trọng tài của sự trang nhã. Nó vượt lên trên khái niệm đạo đức thông thường , tương tự như quan niệm của Lão-Trang vậy. Phảng phất như Tiêu Dao phái trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Chủ đề thứ hai là Niềm tin và Phép lạ. Cái này trong Anh em nhà Karamarov cũng bàn khá kỹ và cũng là một luận điểm tiêu biểu của triết gia ông tổ Hiện sinh : Soren Kierkegaard. Niềm tin, với ông không thể chờ phần thưởng cũng như có điều kiện được. Hai chủ đề này có lẽ chờ các bậc thức giả bàn bạc thêm.
Nhà văn Sienkievic là một người yêu nước sâu sắc. Ông có nhiều truyện ngắn nói về lòng yêu nước ấy. Đất nước Ba lan đau khổ có nhiều người con như vậy. Nhạc sĩ F.Chopin vĩ đại gửi cả trái tim về cho quê mẹ. Nhà văn nữ George Sand , nữ bác học Mary Curi dù lưu vong vẫn đau đáu về quê hương. Và đất nước Ba Lan là đất nước Thiên chúa giáo đã sinh ra Đức Giáo Hoàng John Phaolo II nổi tiếng, người đã bằng nỗ lực không mệt mỏi của mình, góp phần dập tắt được cuộc Chiến tranh lạnh, mang lại hòa bình cho thế giới. Chút lưu tâm đến các bạn như vậy khi đọc cuốn sách này.
Huy Lâm
Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:
-
eBook Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz
Tác giả: Henryk SienkiewiczQuo Vadis là một tác phẩm văn học kinh điển của tác giả người Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Cuốn sách đã được xuất bản lần đầu vào năm 1896 và nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả. Quo Vadis không chỉ là một câu chuyện lịch sử …
-
eBook Hania – Tình Yêu Của Tôi, Nỗi Buồn Của Tôi
Tác giả: Henryk SienkiewiczCuốn sách “Hania – Tình Yêu Của Tôi, Nỗi Buồn Của Tôi” của tác giả Henryk Sienkiewicz là một tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan, nói về tình yêu và nỗi đau trong cuộc sống. Được viết bởi một trong những nhà văn lớn nhất của Ba Lan, cuốn sách này đã …
-
eBook Trên Sa Mạc Và Trong Rừng Thẳm
Tác giả: Henryk SienkiewiczCuốn sách “Trên Sa Mạc Và Trong Rừng Thẳm” của tác giả Henryk Sienkiewicz là một tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan, được viết vào cuối thế kỷ 19. Cuốn sách này đã thu hút sự chú ý của độc giả không chỉ bởi cốt truyện hấp dẫn mà còn bởi cách …