Review: Sống trăm năm & Tôi nhận thấy…

Tác giả:
Nguồn:
Review: Sống trăm năm & Tôi nhận thấy…


Một quyển sách hiếm có được viết bởi tác giả gần 100 tuổi – Giáo sư Hyungseok Kim, giáo sư triết học Đại học Yonsei suốt 31 năm và là người đặt nền móng triết học Hàn Quốc.

Đi qua những câu chuyện đời thường như gia đình, sự nghiệp, tình yêu, xã hội được thuật lại dưới lăng kính sắc bén của giáo sư, liệu chúng ta sẽ vỡ lẽ ra điều gì trong cuộc sống hữu hạn này?

Một trong những giá trị tâm đắc nhất mình nhớ mãi sau quyển “Sống trăm năm & Tôi nhận thấy…” là sự đóng góp cho sự phát triển và phồn thịnh của xã hội, phụng sự cộng đồng bằng tất cả tài trí, sức lực lẫn tinh thần.

Bởi sống bao lâu cũng không quan trọng và sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu suốt quãng thời gian tồn tại trên cõi đời này, chúng ta không mang đến sự giúp đỡ cho mọi người xung quanh, để lại những món quà giá trị cho nhân loại và các thế hệ mai sau.

Khi còn trẻ, chúng ta có nhiều thời gian để phấn đấu làm việc, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng và sống hết mình với nhiệt huyết trời ban. Thế nhưng càng gần cuối đời, thời gian càng rút ngắn và mỗi người phải tự ý thức được năng lượng hừng hực khi xưa đã giảm nhiều. Vậy ở độ tuổi tạm gọi là già, tầm 50 – 70, chúng ta có thể làm được gì?

“Tuổi trẻ cần dũng khí, tuổi già cần trí tuệ”

Đó là một trong những chương trọng yếu của quyển sách này. Theo cảm nghiệm của mình, trí tuệ có lẽ là thứ duy nhất không truyền lại được – trừ khi nó mang tính di truyền theo cấu trúc gen trong cùng 1 huyết thống.

Bởi chúng ta sẽ sống cuộc đời khác nhau, có những trải nghiệm và bài học, thành tựu và năng lực sinh tồn độc lập với nhau nên trí tuệ hình thành cũng được xem là một trong những bản sắc riêng biệt của từng người.

Điều đáng mừng rằng trí tuệ có thể rèn giũa trong những tháng năm tuổi trẻ và sẽ đạt độ chín khi ở tuổi xế chiều. Và mình rất đồng tình với tác giả quan điểm khi về già này

“Một trong những điều khôn ngoan chính là chúng ta chuyển giao những công việc khó khăn mà ta phải làm cho các hậu bối và giúp đỡ họ từ phía sau bằng trí tuệ của người đi trước.”

Vậy để kết lại những bài học xương máu tác giả đã chia sẻ trong “Sống trăm năm & Tôi nhận thấy…”, hành trang cho tuổi xế chiều không phải là cuộc sống an nhàn bên tách trà mỗi sáng hay quanh đi quẩn lại trong ngôi nhà chục mét vuông với con cháu.

Lão hoá là điều không cần tránh, thế nhưng ta có thể nỗ lực theo hướng tinh thần để tiếp tục sống hết mình như thanh xuân đã từng, hăng say sống và làm việc trong khuôn khổ thể chất cho phép và ngưỡng chịu đựng phù hợp.

Hãy nuôi dưỡng trí tuệ, nâng cao sự cống hiến của mình với xã hội bằng việc học điều gì đó mới, duy trì sở thích và tham gia các hoạt động tình nguyện.

Chỉ có như thế ta mới đạt được cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn đúng nghĩa trước khi rời xa cõi đời này.