Review: Thất Lạc Cõi Người – Kiệt tác cuối cùng trước khi tự tử

Tác giả:
Nguồn: Vũ Thảo AAnh
Review: Thất Lạc Cõi Người - Kiệt tác cuối cùng trước khi tự tử


“Nếu cô là con, cô nghĩ mình sẽ chăm chỉ học hành hơn để không công của bố mẹ.” – Tôi nói
“Nếu cô là con, cô sẽ chỉ muốn chết thôi.” – Cậu bé lớp 5 ấy đáp lời

Cuộc hội thoại đó diễn ra trong căn phòng cậu bé, tầng trên của nhà hàng Tây Ban Nha do ba mẹ cậu sở hữu. Và những điều cậu bé đó nó đã làm tôi ngỡ ngàng một thời gian dài bởi tôi không tưởng tượng nổi một đứa trẻ, với tất cả những vật chất xung quanh đó, đã phải chịu đựng những gì để có thể nói ra lời đó một cách dễ dàng đến thế.

Thật sự đọc xong “Nhân gian thất cách” tôi lại nhớ về câu chuyện ngày nào kia và đến giờ thật sự tôi vẫn không thôi trăn trở về cuộc sống cậu bé ấy hiện tại.

Trong bài review này tôi xin phép gọi “Thất lạc cõi người” là “Nhân gian thất cách” – cái tên ở bản dịch trước sử dụng vì tôi cảm thấy nó sát ý hơn. Bởi theo đúng nghĩa thì tiêu đề của truyện là “Mất tư cách làm người” hay tiếng anh là “No longer human”. Nếu chỉ là thất lạc giữa cõi người thôi thì tôi cảm thấy Oba Yozo vẫn còn hạnh phúc. Ở đây, chính bản thân Oba còn cảm thấy mình chẳng đủ tư cách làm con người nữa kìa.

Ở đây tôi sẽ chia phần review này thành 2 ý chính, trước tiên tôi sẽ nêu cảm nghĩ của mình với Oba Yozo và “Nhân gian thất cách” nói chung và đoạn sau sẽ là cái nhìn của tôi với Dazai Osamu nói riêng.bởi nếu tóm gọn lại thì 2 nhân vật này rất dễ bị nhầm với nhau, và tôi không muốn mọi người nhầm lẫn giữa hai người ấy.

Có thể mọi người sẽ thắc mắc rằng tại sao lại có thể nhầm giữa một nhân vật tiểu thuyết với tác giả được. Bởi lẽ, cuộc đời nhân vật chính Oba Yozo ở đây được xây dựng dựa trên cuộc đời thật của Dazai Osamu. Do đó nhân vật này có rất nhiều nét tương đồng với Dazai. Tuy nhiên khi tìm hiểu về cuộc đời Dazai Osamu và đọc một vài truyện ngắn khác của ông, tôi phát hiện rằng, thật ra Oba Yozo có lẽ là một sự tha thứ của Dazai dành cho chính cái sự cô đơn của mình.

“Nhân gian thất cách” là tác phẩm hoàn chỉnh cuối cùng của Dazai trước khi ông trầm mình tự tử lần thứ 5 cùng người tình của mình. Và nó cũng là tác phẩm xứng đáng được gọi với hai chữ “kiệt tác”, bởi những dòng văn, hình ảnh, cảm xúc, ngôn từ trong “Nhân gian thất cách” có lẽ phải nói rằng đã được Dazai “dùng cả đời mình để trải nghiệm mà viết ra”. Câu chuyện trong “Nhân gian thất cách” được viết theo lối tự truyện – lồng tự truyện, tức là câu chuyện chính là về một người đi đọc câu chuyện của một người khác. Điều đó khiến cho tác giả vừa kể được câu chuyện của nhân vật chính một cách trần trụi nhất thông qua chính những đoạn hồi kí của anh ta, vừa có thể nếu được cảm nghĩ của bản thân về cái bi kịch kia.

Đầu đoạn tự truyện Oba Yozo đã viết thế này: “Tôi đã sống một cuộc đời đáng hổ thẹn”

Nhưng câu kết cho toàn “Nhân gian thất cách”, Dazai đã viết thế này: “Yochan mà chúng ta từng biết cực kỳ ngoan hiền và nhạy cảm, ngay cả rượu cũng không biết uống nữa. Không mà dù có uống rượu đi nữa thì anh ta vẫn là một người tốt, một thiên thần.”

Hằn nhiều người sẽ nghĩ rằng chắc cái anh chàng Oba Yozo kia hổ thẹn vì luôn lừa gạt mọi người mình là một người tốt thế nên mới được mọi người nhận xét vậy. Không, Không hề. Với tôi Oba Yozo chẳng bao giờ che dấu bản thân. Cậu sống phóng đãng, thậm chí bại hoại nhưng cậu cũng chẳng bao giờ tìm cách che dấu cái sự tự hủy đấy của bản thân. Cậu chơi bời, uống rượu, hút thuốc, la cà nơi lầu xanh, kĩ viện, tiêu tiền như nước, làm trai bao, chồng hờ,…

Và cậu chẳng bao giờ vì phải cố tỏ ra đàng hoàng mà dấu những sở thích đó đi dù cậu luôn cảm thấy bản thân như vậy thật sự không tốt. Cái bi kịch của Yozo có lẽ đến từ chính sự mâu thuẫn trong cậu.

  • Yozo luôn cảm thấy bản thân mình thật bi kịch.
  • Bi kịch đến từ sự xa cách với gia đình
  • Bi kịch đến từ việc phải chứng kiến sự giả dối giữa con người với con người
  • Bi kịch đến từ việc không biết từ chối người khác

Nhưng với tôi, bi kịch lớn nhất của Yozo là vì ông quá tốt đẹp. Ông tốt đẹp đến mức khi không thể thay đổi được hoàn cảnh của mình, ông cảm thấy bản thân bất lực và giả dối, và cái kết là ông tự hủy hoại chính mình. Bởi ông nhận thức được tất thảy những thứ xấu xa trong cuộc đời này, nhưng lại chẳng thể làm gì. Và ông nhận ra rằng, chẳng phải ông không hiểu nổi thế gian hay chẳng phải thế gian không chấp nhận ông, mà chính là ông, riêng ông mới là người không chấp nhận nổi việc bản thân mình cũng nhơ nhuốc và bẩn thỉu như vậy. Thê nên ông mới viết rằng “cái gọi là thế gian chẳng phải là con người cá nhân hay sao?”

Nhưng đến cuối cùng, Dazai đã gửi một lời an ủi với số phận bi kịch của Yozo, với tôi, nó giống một lời đưa tiễn mà Dazai tự dành cho bản thân mình trước đây hơn. Rằng ông biết rõ bản chất bi kịch của nó, cũng biết bản thân mình thật sự cũng không tốt đẹp gì. Nhưng ông chưa bao giờ trách cứ ai, có chăng đến cuối cùng chỉ là trách người cha quá giàu có, quá nghiêm khắc của mình mà thôi. Tại sao tôi lại nói thế, bởi khi đọc “Một trăm cảnh núi Phú Sĩ”, Dazai đã nhận mình là “một kẻ vô pháp, vô thiên”. Phải, tôi cũng cảm thấy vậy, Dazai ngạo mạn, ăn chơi, bê tha, phóng đãng, ăn bám, tai tiếng,… nhưng cuối cùng tôi cảm thấy ông thật ra đã sống rất đáng đấy chứ. Ông luôn làm những gì ông muốn, thậm chí là tự tử, ông muốn tự tử và ông đã làm vậy, đến lần thứ 5 mới thỏa nguyện, mặc cho mọi người có lo lắng cho mình. Có thể nhiều người sẽ chỉ trích cách sống bất cần đấy của ông, nhưng thật ra tôi cảm thấy, nếu sống mà cứ để vừa lòng người khác có khi còn đau khổ hơn.

Dazai cảm thấy cuộc sống của ông quá bi kịch nên luôn muốn tìm cách giải thoát cho mình. Nhưng giống như Mr.Incredible đã bị kiện khi cứu một người muốn tự tử ấy, giả như ta bắt họ sống liệu họ có hạnh phúc hơn không? Thật ra như lúc viết ở Colorful ấy, tôi vẫn muốn ta tha thứ cho thế giới này một lần, chứ đến 4 lần như Dazai thì tôi nghĩ ông ấy đã quá mệt mỏi rồi.

Lời cuối về Dazai, tôi muốn so sánh một chút với Nam Cao. Nhiều người bạn tôi nói rằng cái bi kịch của Yozo sao mà giống Chí Phèo, cái bi kịch của một kẻ bị xã hội ruồng rẫy mà trở nên tha hóa. Nhưng tôi cảm thấy không hề giống vậy. Bởi tôi cảm thấy Nam Cao viết Chí Phèo để lên án một xã hội phong kiến nơi đẩy những người tốt vào cảnh khốn cùng và tước đi quyền làm người của họ. Nhưng Yozo, ngay từ đầu, ông đã không giống bất kì ai, và không phải ông không có cơ hội để làm người tốt, chính xác hơn là ông chưa bao giờ là người xấu cả. Yozo không tha hóa, ít nhất với tôi là vậy, ông chỉ sống đúng với bản ngã của mình, đúng với cái khác biệt của bản thân, xã hội ấy, thật ra đúng là nó tăm tối, nhưng tôi thấy Yozo vẫn là một đóa bạch liên hoa, vẫn trong sáng và khác biệt như vậy. Nhưng cái giá của sự khác biệt, không phải ai cũng gánh vác được. Tóm lại tôi thấy rằng, Chí Phèo chỉ muốn được sống giống mọi người, còn Yozo hay Dazai thì muốn được sống khác người, nhưng cuối cùng cả hai đều không đạt được mong muốn của bản thân.

Và cuối cùng, hãy đọc “Nhân gian thất cách” khi các bạn cảm thấy muốn chìm trong một bầu trời tâm tư và cảm xúc, thậm chí khi bạn yếu lòng. Có thể câu chuyện này đậm màu sắc u ám, nhưng tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy được rằng, thật ra nỗi cô đơn của kiếp người vẫn có thể rực rỡ đến thế.

Và nếu có thể, bạn cũng nên nghe thử đoạn Monologue trong Short film “Ride” của Lana Del Rey để thấy rằng nỗi trăn trở về kiếp người này không chỉ có ở riêng ai.

Cảm ơn các bạn đã đọc hết ❤

Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:

  • Nữ Sinh - Dazai Osamu
    eBook Nữ Sinh – Dazai Osamu
    Tác giả:

    Cuốn tiểu thuyết “Nữ Sinh” của tác giả Dazai Osamu kể về câu chuyện của một cô gái trẻ tên là Chieko. Câu chuyện bắt đầu từ khi Chieko vừa mới nhập học tại một trường nữ sinh ở Tokyo vào những năm 1930. Chieko xuất thân từ một gia đình khá giả ở thành …

  • Tà Dương - Dazai Osamu
    eBook Tà Dương – Dazai Osamu
    Tác giả:

    Cuốn tiểu thuyết “Tà Dương” của tác giả Dazai Osamu kể về cuộc đời của nhân vật chính Akiko Yokohama từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Akiko sinh ra trong một gia đình khá giả ở thành phố Osaka. Bố mẹ cô ly hôn từ rất sớm, Akiko sống cùng người mẹ …

Để lại một bình luận