Review: Thép Đã Tôi Thế Đấy – Ta là ai do ta lựa chọn

Tác giả:
Nguồn: Trung Ngô
Review: Thép Đã Tôi Thế Đấy - Ta là ai do ta lựa chọn


Vài ngày trước, trong lúc tham gia hoạt động Ngày quốc tế những người tình nguyện, có một bạn trẻ hỏi tôi rằng đi tình nguyện thì được gì, trải nghiệm mà anh nói có thật sự là một lợi ích thiết thực trong xã hội hôm nay? Tôi cười và nói với bạn rằng, người ta có thể dùng tuổi trẻ để đi làm kiếm tiền, nhưng không ai có thể dùng tiền để mua lại được tuổi trẻ. Mà một tuổi trẻ không có ước mơ, cống hiến thì còn gì là tuổi trẻ và còn đâu ra cơ hội để là chính mình.

Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến cách đây vài năm, ngày mà tôi còn tại ngũ, một người bạn đã lâu không gặp đột nhiên kiếm và nói rằng bạn có cuốn sách khi đọc xong lại nhớ đến và muốn tặng tôi. Và thế là tôi được tặng cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Với cảm giác vui sướng và tò mò, tôi đã đọc và suy nghĩ rất nhiều về những điều mà bạn tôi gởi gấm: tôi giống nhật vật Paven sao; tôi có làm được những điều như nhân vật đã làm; nếu cách mạng to lớn vậy, tôi sẽ là ai trong tổng thể bộ máy đó. Khi đi tìm đáp án cho những câu hỏi đó tôi mới phần nào hiểu ra: TA LÀ AI DO TA LỰA CHỌN.

Nhiều bạn trẻ hay truyền tai nhau câu nói “chết năm 25 tuổi nhưng 75 tuổi mới được chôn” vì thực trạng nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu ổn định quá sớm để rồi an phận và tìm nhiều cách biện minh cho sự thiếu nỗ lực của mình. Bạn biết không, ta không là Paven nhưng chúng ta cũng không phải không là Paven vì tất cả chúng ta đều sống có mục đích, lý tưởng và ước mơ dù rằng mỗi người sẽ có cách hiểu, cách hình dung và diễn đạt khác nhau về chúng. Với Paven đó là con đường giải phóng quê hương và những người thân yêu, đồng chí, đồng đội thì với mỗi chúng ta đó là tất cả những gì làm cho mình cảm thấy tự hào, hạnh phúc và cuộc sống trở nên đáng sống. Có thể cuộc sống đó sẽ có vô vàn những khó khăn, thật nhiều những thử thách, vô số lần vấp ngã và không ít lần ta tự vấn chính mình vì những thất bại. Nhưng thật bất ngờ, sau những lần vượt qua vấp ngã đó là cảm giác thành công, một cảm xúc chiến thắng vĩ đại từ chính bản thân mà chúng ta đã vượt qua. Hơn tất cả bài học mà chúng ta cũng nhận ra là chúng ta có thể làm được và làm tốt hơn nếu chúng ta tiếp tục tin vào nổ lực theo đuổi ước mơ thì chắc chắn một ngày nào đó ước mơ cũng sẽ nằm trong tầm tay chúng ta khi đã thật sự chín muồi.

“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí – Paven”.

Lúc còn trẻ, chúng ta thường có những ước mơ vĩ đại như giải cứu thế giới, thay đổi nhân loại hay đem lại hòa bình vũ trụ vậy mà tại sao khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta lại từ bỏ ước mơ và chấp nhận “Chết ở tuổi 25”. Bạn có biết qua nhân vật Paven cảm giác của tôi về sự vĩ đại là gì không? Đó là “một con người bình thường làm công việc bình thường với một tinh thần phi thường”. Paven không khác chúng ta, anh cũng chỉ là một người công nhân, một người lính Hồng quân, một người đoàn viên thanh niên và là một tác giả về chính cuộc đời mình. Với câu nói “Anh trước hết là người của Đảng – sau đó mới là người của em và những người thân khác” Paven đã không sợ gian khổ, không sợ định kiến, không sợ hiểm nguy mà chiến đấu để cuối cùng đạt được mục đích là một người chiến sĩ cách mạng vì sự nghiệp giải phóng con người và giải phóng xã hội. Chúng ta cũng giống Paven, vì mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ do đó ai cũng có sứ mệnh cống hiến vì ước mơ đó. Từ thời còn là sinh viên khoa triết, tôi luôn nghĩ rằng đã yêu nước là phải cống hiến và chỉ khi cống hiến đó mới thật sự là yêu nước và cách mà tôi chọn chính là nhập ngũ. Tôi còn nhớ những ngày đầu nhập ngũ, môi trường mới đã làm tôi choáng ngợp, trước đây mặc dù cũng phần nào tự lập, nhưng chưa bao giờ tôi lại có cảm giác xa nhà đến vậy. Hai năm rèn luyện trong môi trường quân đội, tôi đã học được nhiều điều từ cách trách nhiệm với bản thân đến cách chịu đựng vượt qua thử thách. Tôi tự nghĩ nếu không có cống hiến, làm sao tôi biết giới hạn của mình ở đâu, giá trị của tôi là bao nhiêu và nếu không có cống hiến, tôi dựa vào cơ sở nào để tự khẳng định cho giá trị năng lực của mình cũng như là cơ sở để người khác tin tưởng vào năng lực của tôi. Từ đó, bài học tôi rút ra được là không có sự cống hiến nào là vô nghĩa chỉ có chúng ta đã thực sự sẵn sàng và chọn con đường để cống hiến hay chưa.

Tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nikolai A. Ostrovsky chắc chắn sẽ có nhiều tầng ý nghĩa hơn nữa về cách mạng vô sản, về đấu tranh giai cấp về giải phóng con người. Thế nhưng với tôi, điều bản thân tôi thích nhất lại chính là nhân vật Paven, vì đó chính là hình tượng mà bạn tôi gửi gắm tình cảm cho tôi. Tôi tự hào khi có ai đó thấy tôi trong hình tượng Paven Korchagin. Và tôi tin rằng ngoài kia, có rất nhiều bạn trẻ cũng đang khát khao sống, khát khao cống hiến và khát khao khẳng định chính mình, khẳng định ước mơ. Tôi hy vọng tác phẩm sẽ là lời cổ vũ mạnh mẽ cho các bạn trên hành trình vượt qua thử thách, chiến thắng bản thân

  • Cái tiêu đề của quyển sách này hay gây ra sự nhầm lẫn. Thép đã TÔI thế đấy, người dịch nó không được chuẩn lắm, trữ Tôi ở đây phải dịch là trữ Rèn – Luyện – Truy mới đúng. Ngày xưa đọc tiêu đề, mình không hiểu nổi trữ ‘Tôi’ trong câu này nghĩa là gì? Vì lúc đó mình nghĩ trữ ‘tôi’ ở đây là đại từ nhân xưng = Tôi. Sau này khi lớn lên, mình biết ‘tôi’ ở đây là một ‘động từ’ trong hoạt động rèn sắt. Nhưng sau đó mình thấy trữ Rèn thì hay hơn. Thép đã rèn thế đấy, thép đã luyện thế đấy… nó sát nghĩa và hay hơn nhiều cái trữ ‘Tôi’.
    Chữ “tôi” ở đây chỉ quá trình tôi thép để tăng độ cứng rồi (khác với việc rèn sắt). Việc tôi thép bằng quá trình gia nhiệt như là sự ẩn dụ hoàn hảo cho quá trình tôi luyện, hun đúc bản lĩnh con người để trở nên cứng cỏi, kiên cường, không đầu hàng trước khó khăn thử thách. Hồi nhỏ mình cũng lơ mơ không hiểu chữ này nhưng sau lớn lên biết rồi thì thấy tác giả dùng chữ quá hay. Ngay cả sự “dễ gây hiểu nhầm” đó cũng là một ý nghĩa thú vị của tiêu đề.

Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem: