Như đã hẹn với các bạn , mình viết Review cho cuốn Câu chuyện dòng sông(Tên tiếng anh là: Siddhartha) của Hermann Hesse . Dạo này bận rộn quá nên ít thời gian , viết hơi vội nên chưa hay lắm , mong các bạn lượng thứ nhé
Năm mình 31 tuổi gặp một tai nạn nghiêm trọng . Đang chân đi mà nằm trên giường bệnh,nhìn cái cẳng gẫy mà buồn . Bạn bè anh em nườm nượp ghé thăm,động viên an ủi các kiểu. Có một anh bạn vong niên,Thiếu úy Thủy quân lục chiến,cựu sinh viên Văn khoa,anh Nguyễn Ngọc Lập (bây giờ hay thấy trên Bolsa TV ở hải ngoại ) ghé thăm .Anh ấy nhìn mình rồi lắc đầu nói :
– Đừng mong tao an ủi nhé , mày bị thế này là đúng rồi .
– Nhưng tại sao ạ – Mình vặn lại .
– Từ trước tới giờ mày đùa giỡn với cuộc đời nhiều rồi , bây giờ phải trả giá thôi . Tao có mang vô cuốn sách này,đọc đi mà chiêm nghiệm . Cơ hội cho mày đó . Nếu không thấy ra được thì xong phim . Đã bao giờ mày tự hỏi sống để làm gì chưa,ý nghĩa cuộc đời là gì .
Nằm ngẫm nghĩ thấy anh ấy nói có lý,hơn mười năm nay chỉ như một cuộc chơi bất tận,nhảy đầm,đua xe,cà phê cà pháo ,yêu đương bao la … nói chung sống chả có trách nhiệm gì thậm chí cả với bản thân mình .
Cuốn sách anh ta cho mượn là cuốn Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse . Càng đọc càng cuốn hút theo câu chuyện của chàng Tất Đạt . Buông cuốn sách ra thấy như nhìn cuộc đời bằng đôi mắt khác .
Dòng sông , trong văn hóa của loài người , nhất là Phương Đông , luôn tượng trưng cho nguồn sống,dòng đời bất tận,sự tuần hoàn lưu chuyển của trời đất . Câu chuyện dòng sông là câu chuyện về đời người .Tác giả viết về chàng Tất Đạt mà liên tưởng như cuộc đời đức Phật .
Chàng sinh ra trong nhung lụa,đẳng cấp Bà la môn cao quí . Chàng Tất Đạt thông minh,tao nhã,đẹp trai,cuốn hút,được mọi người yêu quí . Có thể coi một số phận hoàn hảo . Nhưng chàng vẫn không hạnh phúc. Cũng như đức Phật , chàng băn khoăn về nỗi khổ đau ở đời,về linh hồn bất tử,và trên hết là Chân lý lớn lao,ý nghĩa cuộc đời . Lòng khao khát hiểu biết dẫn chàng đi mãi mà không tìm được câu trả lời,không tìm ra chân lý cuối cùng .Ở đây,Hesses muốn đề cập đến giới hạn của Duy trí,Duy nghiệm . Bằng trí tuệ và lý trí thuần túy thì không thể tìm ra Chân lý được vì lý trí chỉ nhìn sự vật bằng cái nhìn Nhị nguyên mà không thể có cái nhìn Nhất nguyên,thể thống nhất của sự vật.Nhìn được mặt này thì bỏ mất mặt kia,luôn luôn phiến diện . Điểm này là gặp gỡ của cả Lão Trang và Phật , cũng như triết Hiện sinh cũng vậy,không chấp nhận sự phân biệt rạch ròi,cứng nhắc của lý trí và trí tuệ .Mà quan điểm rằng Chân lý phải tiếp cận bằng trí huệ (từ của nhà Phật),bằng lòng trống không, bằng tâm Vô Vi .
Thất bại khi tìm Chân lý bằng lý trí thuần túy , chàng Tất Đạt cùng người bạn thân Thiện Hữu,từ bỏ gia đình ,địa vị ra đi . Chàng vào rừng tu khổ hạnh theo các Sa môn .
Theo chủ nghĩa khắc kỷ,chàng quyết tâm diệt Ngã vì cho rằng chính cái Ngã là nguồn gốc của đau khổ . Chàng học cách nhiếp phục cái Tự Ngã,khiến nó qui phục . Ở điểm này chúng ta lại nghĩ đến lối nói cửa miệng tùy tiện của nhiều người : Chiến thắng bản thân . Thực tế là dù có ngồi quán tưởng giỏi đến bao nhiêu,chàng có thể kiềm chế cái Ngã đến mức cao nhất,nhưng cũng chỉ là giả tạm,vì không bao giờ cái Ngã chết hẳn . Chỉ là ảo tưởng tạm thời mà thôi . Một cuộc chiến vô vọng .
Và khi nghe về đức Cồ Đàm , đức Phật đã thành chính quả , đang giảng đạo tại vườn Lộc Uyển , Tất Đạt và Thiện Hữu bỏ tu Sa Môn để đến nghe . Thiện Hữu hồ hởi theo Phật . Còn Tất Đạt , chàng đã tìm gặp Phật để đàm đạo . Trường đoạn đối thoại giữa chàng và đức Phật thật hay . Tất Đạt,với sự thông minh,sắc bén của mình tranh luận về những điều Phật dạy . Nhưng để đáp lại, đức Phật chỉ mỉm cười thật hiền từ và bình an,ngài nói : “Hỡi Sa Môn , người thật thông minh và sâu sắc,nhưng hãy coi chừng sự thông minh của mình . Đừng sa vào câu chữ,người sẽ lạc lối . Hãy nghe kỹ lời ta,theo lời ấy người sẽ tìm ra chân lý . Nhưng hãy nhớ,lời ta không phải là chân lý” . Ở đây , tác giả đề cập đến điển tích nổi tiếng của Phật : Chấp chỉ vọng nguyệt ,ngón tay chỉ trăng . Đây là lời cảnh giác cho chủ nghĩa giáo điều của mọi tôn giáo . Hãy cảm nhận , suy gẫm và tự mình tìm ra chân lý . Cứ câu nệ vào bất kỳ lý thuyết nào dù hay tới đâu thì cũng không thể tìm ra được .
Sau khi gặp đức Phật thì Thiện Hữu đi theo giáo đoàn của Phật để tu . Còn Tất Đạt,dù rất khâm phục và tâm đắc với Phật,nhưng chàng vẫn quyết định ra đi,tự mình chứng nghiệm cho những suy nghĩ của mình,tự mình tìm cho được sự Giác Ngộ . Ở đây lại một ý rất hay,khi anh chạy theo số đông,anh sẽ đánh mất đi chính mình vì phải hòa vào số đông ấy . Cái chủ nghĩa bầy đàn là như vậy . Người tìm kiếm nên dũng cảm,can đảm mà đối diện với nỗi cô độc . Đừng vì sự an toàn giả tạo mà náu mình vào một tập thể nào . Đây cũng là một nội dung của Triết Hiện sinh : Một Hiện sinh đích thực phải tự ý thức được Nhân vị của mình để vươn tới .
Từ đây chàng Tất Đạt của chúng ta trở về đời thường . Chàng học bí quyết của tình yêu,của dục vọng,của kiếm tiền và tiêu tiền . Chàng thành công rực rỡ nhưng không tìm được hạnh phúc . Càng chìm đắm trong dục vọng thì càng chán chường . Đây là giai đoạn Kierkegaad gọi là giai đoạn Hiếu mỹ . Một nhân vị khi tìm kiếm chân lý phải trải nghiệm qua giai đoạn như vậy . Ta lại liên tưởng giai đoạn ăn chơi của Pie Bezukhov trong Chiến tranh và Hòa bình . Các tư tưởng lớn gặp nhau chăng .
Mệt mỏi,chán chường,buồn nôn (chữ của J.P.Sartre) ,chàng bỏ đi và gần như tìm đến cái chết . Chỉ khi đứng trước dòng sông,trước thiên nhiên hùng vĩ và trong trẻo,chàng say sưa trong một giấc ngủ ngon lành,trở dậy như hồi sinh trong một kiếp đời mới , rũ bỏ toàn bộ quá khứ với mọi lụy phiền và rắc rối . Phải chăng như lời Goeth :
Tất cả lý thuyết đều màu xám ,
Chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi
Trở về với thiên nhiên,ta lại gặp Lão Trang cũng chủ trương như vậy,sống hồn hậu,chất phát,thuận theo tự nhiên .
Chàng Tất Đạt ở lại cùng Vệ Sử,người chèo đò . Hàng ngày chàng đưa khách qua sông,trò chuyện cùng dòng sông,học được từ thiên nhiên những bài học . Nhìn vào dòng sông mà suy tưởng về dòng thời gian,quá khứ vị lai.Qua thiên nhiên mà từng bước nhìn ra gương mặt của Đại Ngã,cái Chân lý lớn lao của vũ trụ .
Lúc trước,với Sa môn chàng học được biết Nhịn ăn,Chờ đợi,Suy tư . Khi lăn vào cuộc sống khoái lạc,chàng học được bí mật của ái tình và dục vọng . Giờ đây,chàng học được cách Lắng nghe . Từng bước,từng bước,chàng trở nên ít nói,ít lý luận hơn,trở nên hiền triết hơn . Mọi người nghe đồn về 2 nhà hiền triết bên sông,họ tìm đến nhưng chỉ thấy 2 ông già với nụ cười hiền hậu,bình an .
Tất Đạt như đã tìm được sự tĩnh tại của tâm hồn . Chàng không còn băn khoăn,day dứt,trăn trở nữa . Dường như chàng đã Ngộ ra được ý nghĩa cuộc sống, những giới hạn của con người,thấu hiểu về lẽ tử sinh,thành hủy . Đây là điểm tác giả đề cập đến Thiền tông . Theo quan niệm của Thiền thì ta chỉ thành chính quả,đắc đạo nhờ Đốn Ngộ . Ta nhập Thiền rồi nhờ cơ duyên và nhân quả mà thành tựu,không thể cưỡng cầu,gượng ép được . Thiền Tông không chủ trương tu tập,lý thuyết hay cố công . Có câu : Phóng đao đồ tể , lập địa thành Phật .
Hình tượng Tất Đạt – người lái đò cũng là một ẩn dụ . Chàng bây giờ cần mẫn đưa người qua sông . Thầm lặng mà lớn lao .
Nhưng phải đến khi chàng Tất Đạt gặp lại kỹ nữ Kiều Lan và đứa con của chàng thì mới là thử thách trọn vẹn . Chàng phải sống trong tình yêu thương với đứa con,và nỗi thất vọng khi không thể gần gũi được nó . Chàng mới thấu hiểu hết nỗi vui buồn thế gian , mới chia sẻ với mọi người mọi cung bậc cảm xúc ấy . Khi ấy chàng mới thực sự đạt đến tầm của một Hiện sinh đích thực . Chàng đã gần đến với cái Đại Ngã lớn lao .
Cuối chuyện chúng ta có được cuộc nói chuyện của hai người bạn,Thiện Hữu và Tất Đạt .Trải qua bao năm tháng,qua mấy lần gặp nhau,lần nào thì Thiện Hữu cũng không nhận ra bạn . Chàng trai hiền lành ấy cứ mải miết,chăm chỉ tu hành,mải mê tìm kiếm mà không gặp được Chân lý .
Đoạn đối thoại cũng thật sâu sắc và ý nghĩa . Cứ mải đi tìm theo những chủ thuyết,giáo điều thì thật khó mà đắc đạo . Tự nhiên trong lành và cuộc sống ngồn ngộn kia mới là nơi Chân lý trú ngụ . Nhìn vào dòng sông ta mới hiểu Thời gian là điều giả tạm,là không có thật . Quá khứ,vị lai đều không có nghĩa gì,chỉ có thực tại mới là điều đáng kể . Hãy trân trọng nâng niu từng giây phút bạn có,đừng mơ màng về quá khứ cũng như đừng ảo tưởng về tương lai .
Cuối cùng, Tất Đạt đã có câu trả lời cho 3 câu hỏi cơ bản và kinh điển của triết học : Anh là ai ? Từ đâu đến ? Và sẽ đi về đâu ?. Con người,Tự Ngã là Tiểu Ngã, một phần của Đại Ngã,của Tự Nhiên . Anh ta tới từ Đại Ngã . Thực hiện xong một vòng Sinh diệt rồi lại trở về với Đại Ngã lớn lao .
Và trên hết,cũng như mọi tác phẩm kinh điển,cái giá trị nhân văn của cuốn sách là khẳng định về Tình Yêu Thương . Đoạn Tất Đạt nói về Tình yêu thương thật hay và thấm thía . Đọc xong rồi gấp sách lại mà hồn ta như tràn ngập Tình yêu ấy . Không phải thứ tình yêu dục vọng,tình yêu chiếm hữu mà là tình cảm bao la của CON NGƯỜI TỈNH THỨC trước cuộc sống,trước con người .
Và cái đó ,theo mình có lẽ chính là ý nghĩa của cuộc sống , chúng ta sinh ra lớn lên, sống trọn đời sống của mình,ý thức được Nhân vị của mình,vươn tới điều cao cả .Cái đánh dấu sự có mặt của chúng ta trong cuộc đời này chính là tình yêu thương .Yêu thương con người,yêu thương thiên nhiên,yêu thương mọi sinh linh,mọi hữu thể vì mỗi cái đó cũng như chính chúng ta đều là hiện diện của Đại Ngã,của Thượng đế .
Trích lời Tất Đạt :
“Bởi thế đối với tôi dường như mọi sự vật hiện hữu đều tốt cả – chết cũng như sống, tội lỗi cũng như thánh thiện, khôn ngoan cũng như điên rồ. Mọi sự đều cần thiết, mọi sự chỉ cần sự biểu đồng tình của tôi, cái gật đầu của tôi, niềm yêu thương và thông cảm của tôi: lúc đó tất cả đều tốt đẹp đối với tôi và không gì có thể làm hại tôi nữa. Tôi đã học qua thể xác và linh hồn tôi rằng tôi cần phải phạm tội, cần phải đắm mê dục lạc, cần phải lao tâm nhọc trí kiếm tiền của, trải qua những cơn buồn nôn và xuống tận cùng hố thẳm tuyệt vọng, để mà học đừng chống chọi lại chúng, để mà học yêu thương cuộc đời, và không còn so sánh nó với một thứ thế giới tưởng tượng viễn vông do mình ao ước, không còn so sánh nó với một ảo tưởng nào về Toàn Thiện, mà trái lại để cuộc đời nguyên trạng là nó, yêu thương và vui thích được dự phần với nó.”
Cuốn truyện này mình đã mua ba lần vầ đều bị chôm mất , hì hì . Cũng hơi bực nhưng cũng vui vì có người yêu thích nó như mình . Hôm nay cố viết Review này , dẫu hơi dài cũng mong các bạn ráng đọc . Và nếu như có bạn nào đồng cảm mà tìm đọc thì đó là niềm vui lớn lao với mình . Xin cám ơn các bạn thật nhiều .
Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:
-
eBook Câu Chuyện Dòng Sông – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseCâu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse là một tác phẩm văn học nổi tiếng của tác giả người Đức. Cuốn sách đã đạt được sự thành công lớn từ khi được xuất bản lần đầu vào năm 1922 và vẫn được đánh giá cao đến ngày nay. Với một cốt truyện sâu sắc và …
-
eBook Mối Tình của Chàng Nhạc Sĩ
Tác giả: Hermann HesseMối Tình của Chàng Nhạc Sĩ là một tác phẩm văn học nổi tiếng của tác giả Hermann Hesse, một trong những nhà văn lớn của thế kỷ 20. Cuốn sách này đã gây ấn tượng mạnh mẽ và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả từ khi xuất bản lần đầu …
-
eBook Huệ Tím – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseHuệ Tím là một tác phẩm văn học nổi tiếng của tác giả Hermann Hesse, một nhà văn người Đức có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. Cuốn sách đã được dịch và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, và đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của …
-
eBook Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang
Tác giả: Hermann HesseNhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang là một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Hermann Hesse, người đã đoạt giải Nobel Văn học. Cuốn sách này kể về cuộc đời của hai nhân vật chính là Siddhartha và Govinda, hai người bạn thân từ thời thơ ấu. Siddhartha là con trai của một …
-
eBook Narcisse và Goldmund – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseNarcisse và Goldmund là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn người Đức Hermann Hesse, được viết vào năm 1930. Cuốn sách này kể về câu chuyện về hai nhân vật chính, Narcisse và Goldmund, và cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của họ. Đây là một tác phẩm …
-
eBook Demian: Tuổi Trẻ Băn Khoăn
Tác giả: Hermann HesseDemian: Tuổi Trẻ Băn Khoăn là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn người Đức Hermann Hesse. Cuốn sách này đã thu hút sự quan tâm của độc giả từ khắp nơi trên thế giới với cốt truyện sâu sắc và tâm hồn phức tạp của nhân vật chính. Trong bài viết …
-
eBook Đâu Mái Nhà Xưa – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseCuốn sách “Đâu Mái Nhà Xưa” của tác giả Hermann Hesse là một tác phẩm văn học nổi tiếng của Đức, được viết vào năm 1919. Cuốn sách kể về cuộc đời của nhân vật chính là Harry Haller, một người đàn ông mâu thuẫn và đầy bi kịch với cuộc sống xã hội. Cuốn …
-
eBook Đôi Bạn Chân Tình – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseĐôi Bạn Chân Tình là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn người Đức Hermann Hesse. Cuốn sách đã thu hút sự chú ý của độc giả trên toàn thế giới và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện về tình bạn mà …
-
eBook Ảo Hỏa – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseCuốn sách “Ảo Hỏa” của tác giả Hermann Hesse là một tác phẩm văn học kinh điển nằm trong bộ sưu tập của ông về chủ đề tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự tự phát triển cá nhân. Cuốn sách kể về cuộc hành trình tinh thần của nhân vật chính, Harry Haller, …
-
eBook Sói Thảo Nguyên – Hermann Hesse
Tác giả: Hermann HesseSói Thảo Nguyên là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn người Đức Hermann Hesse, được viết vào năm 1927. Cuốn sách đã đạt được sự thành công lớn và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Sói Thảo Nguyên không chỉ là một tác phẩm văn học nổi tiếng …