Mình không chắc lắm mình có “yêu sách” hay không, nhưng mình vẫn biết bản thân là người “yêu sách”. (hãy hiểu nghĩa của “yêu sách” là động từ + tân ngữ hoặc danh từ, tuỳ ý bạn).
Mình trở lại với việc review sách cũng một thời gian rồi, thi thoảng đăng bài về sách này sách kia, một phần là do tính chất công việc, một phần là chia sẻ sự đọc và viết. Có những phản hồi, tương tác để mình có cơ hội nhìn nhận lại, và rèn luyện tư duy phản biện, điều ấy tốt cho mình.
Nếu có anh/chị/bạn nào đã đọc trên 2 bài viết của mình sẽ thấy điểm chung của các bài viết là mình ít nhắc đến nội dung cuốn sách mà thường chỉ trích dẫn vài câu mình đặc biệt yêu thích trong sách, còn lại là tự biên tự diễn.
Dạo còn học thạc sỹ, trong môn học của giáo sư hướng dẫn – một tác giả Đài Loan, mình cũng chia sẻ với thầy và bạn học rằng, đối với mình, đọc sách là một việc rất cá nhân và riêng tư. Bởi chúng ta thường đọc sách một mình, cảm nhận riêng mình bằng những trải nghiệm vốn có của cá nhân. Nên là, mỗi khi đọc sách thì có khi là độc thoại, có khi là đối thoại với tác giả.
“Bạn có góc nhìn độc đáo quá!” cô bạn học, cũng là một tác giả, nói vậy với mình. Rồi bỗng một ngày mình nhìn thấy dòng chữ “AI ĐANG LẮNG NGHE TA” ở cuốn Đối Thoại Với Thượng Đế (nhưng câu chuyện này sẽ để kể sau).
Thưc ra, trong thâm tâm mỗi người luôn mong muốn được nghe, lắng nghe và chia sẻ. Có những lúc, chính cuốn sách là người giúp chúng ta hiện thực hoá điều đó.
Mình lớn lên cùng với những cuốn sách. Bố là giảng viên Lịch sử nên từ những năm 10 tuổi mình đã lật giở không biết bao lần cuốn Almanach. Sau này, thì đọc cả Lịch sử văn minh thế giới, Dân tộc học, Cơ sở văn hoá, Sự va chạm của các nền văn minh,… bố đọc sách gì mình đọc sách đó.
Cuốn sách đầu tiên mình tự mua cho bản thân khi 10 tuổi cũng là một cuốn sách về nền văn minh Ai Cập.
Mẹ là thủ thư ở trường đại học, chuyên mảng sách xã hội nên mình được thoả thuê đọc mọi tác phẩm kinh điển trong và ngoài nước. Mình nhớ năm mình học lớp 11, sách của Dan Brown rất đắt khách, mình may mắn được đọc không sót cuốn nào. Thậm chí có những cuốn sách “đi trước xu hướng” như Cô đơn và gắn bó của Stephanie Dowrick đã là cuốn sách yêu thích, gối đầu giường và giúp mình đi qua những năm tháng nổi loạn của tuổi “phản nghịch”. Đó cũng là cuốn sách mình giới thiệu cho nhiều bạn bè.
Mình cũng không “đánh mất tuổi thơ” với những tác phẩm kinh điển, bởi may mắn là nhà bạn thân cho thuê sách, truyện. Hầu như cuối tuần không theo mẹ đến thư viện thì mình sẽ đến nhà bạn, vừa chơi vừa đọc truyện và thuê truyện tranh.
Từ nhỏ, mình được rèn thói quen review mỗi khi đọc xong một cuốn sách. Mẹ bảo, con hãy nói xem cuốn sách đó có điểm nào hay, có chỗ nào con thích hay không thích, vì sao lại thế? Mình cũng làm theo lời mẹ, không ngờ điều đó lại là cơ duyên mình bước vào công việc thẩm định bản thảo.
19 tuổi mình đi du học, 20 tuổi bắt đầu sáng tác, 21 tuổi – những truyện ngắn mình viết dần được lựa vào các tuyển tập, tạp chí văn nghệ. Rồi học sáng tác, thẩm bình, có sự kết nối với nhãn sách và bắt đầu công việc freelancer.
Tốt nghiệp ra trường, mình làm biên tập sách, như thể cuộc đời của mình sẽ không bao giờ thiếu vắng những cuốn sách.
Sau này, tiểu thuyết đầu tay cũng được xuất bản. Nhưng mình bỏ nghề. Bỏ viết. Sự tuỳ hứng rất biết cách đến đúng lúc. Gác lại phiên bản văn chương, mình trở thành một nhân viên văn phòng nhà nước chính hiệu và theo đuổi con đường học thuật.
Mình lại đi du học và làm việc. Cuộc sống nơi ấy với sự kỳ thị và miệt thị. Chứng kiến những con người nhỏ bé không thể lên tiếng giữa cuộc đời. Chứng kiến những người có tiếng nói nhưng trở thành “người câm” giữa mảnh đất xa lạ. Mình trở lại với câu chữ. Trở lại làm tác giả. Chia sẻ những câu chuyện mình trải qua, những điều mình thấy. Và đón nhận sự yêu thương của độc giả.
Cuốn sách thứ hai – cũng là cuốn tản văn đầu tay được xuất bản khi mình trở lại với viết lách vào hơn một năm sau đó. Đó là một cuốn sách mà đến giờ khi nhắc lại, mình vẫn tràn đầy niềm yêu với nó – Để thương yêu vừa trong tầm với.
Cuốn sách viết về những người trẻ đứng giữa những lựa chọn, là đi xa hay về gần, là tự do hay ổn định, là những câu chuyện về giấc mộng vỡ tan ở hòn đảo mang tên “Đảo Ngọc”.
Mình lấy bằng thạc sỹ Văn học sau 4 năm học tập. Cũng là dấu chấm hết với văn học. 8 năm theo đuổi ngành Văn học, mình nhận ra mình không phù hợp với việc nghiên việc phân tích, nghiên cứu văn chương. Âu cũng bởi cái tôi của một tác giả quá lớn. Mình có một quyết định liều lĩnh là đổi chuyên ngành Triết học cho bậc học PhD. Một vài chuyện sau đó xảy đến khiến mình dừng lại con đường học vấn, nhưng việc đọc và học trong cuộc sống thì vẫn luôn tiếp diễn.
Lựa chọn an trú tại Việt Nam và làm một công việc liên quan đến sách. Hôm trước có bạn hỏi là mình đã đọc hết “đống sách kia” chưa. Mình cười (mỉm). Mình không biết từ bé đến lớn mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách, khi mà suốt bao nhiêu năm học hành, mình có sự đồng hành của 3 thư viện ở các trường đại học. Khi rảnh mình đọc sách, khi bận mình cũng đọc sách. Trong luận văn thạc sỹ viết về Văn hoá ẩm thực Việt trong văn học Việt Nam, số tài liệu tham khảo là gần 50 cuốn sách, mình biết số sách mình từng đọc không ít. Không ít so với nhiều người, nhưng cũng không nhiều so với nhiều người. Càng là một con số bé nhỏ so với số lượng sách đã được xuất bản.
Bởi vậy, đọc bao nhiêu cuốn sách cũng là ít.
Mình có kỹ năng đọc nhanh từ việc biên tập sách, có kinh nghiệm nắm ý chính, từ khoá từ việc làm báo chí, truyền thông. Có kỹ năng ghi chú và ghi nhớ. Nhưng để hiểu một cuốn sách, lại cần trải nghiệm và một trái tim – còn sống.
Bởi vậy, cả đời – đọc hiểu một cuốn sách – cũng đã là nhiều.
Hành trình đọc của mình có nhiều sự thay đổi. Có lúc là theo đuổi sự đọc nhiều. Có khi là theo đuổi sự đọc nhanh. Có khi kiếm tìm sự tán thưởng khi review sách.
Bây giờ, việc đọc sách với mình, đơn giản hơn nhiều. Vẫn là thói quen, là điều cần thiết. Chỉ là, mình không còn ép bản thân phải đọc hết một cuốn sách – ngay tức thì. Đọc chậm cũng được, miễn là có được sự “hồi vị” khi đọc sách và nhìn nhận bản thân trong quá khứ, và tìm được đáp án rằng, mình muốn trở thành người thế nào trong hiện tại và tương lai.
Nhìn hành trình đọc sách để cảm nhận sự thay đổi của bản thân.
Ý thức được sự vi tế của cái tôi. Để giữ gìn tâm niệm “chân thành” mỗi khi chia sẻ những điều rất riêng tư – từ những cuốn sách.
Có lẽ, đó là sự yêu mình dành cho các cuốn sách.
Cũng là, sự yêu sách của chính mình.
Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:
-
eBook Đối thoại với Thượng Đế
Tác giả: Neale Donald WalschCuốn sách “Đối thoại với Thượng Đế” của tác giả Neale Donald Walsch là một tác phẩm nổi tiếng, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1992. Cuốn sách này đã bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong cuốn sách này, tác …
-
eBook Almanach Những Nền Văn Minh Thế Giới
Tác giả: Nhiều Tác GiảCuốn sách “Almanach Những Nền Văn Minh Thế Giới” là một tác phẩm toàn diện và sâu sắc về lịch sử các nền văn minh lớn trên thế giới, từ những nền văn minh cổ đại cho đến hiện đại. Cuốn sách không chỉ giới thiệu về sự hình thành và phát triển của từng …
- Niết Bàn Thánh Thể và Sơn Nhạc Cự Viên của Hàn Lập là gì?
- Review: Một Đời Như Kẻ Tìm Đường của tác giả Phan Văn Trường
- Review: Sự Sụp Đổ Của Nhà Usher – Tác phẩm đậm tính Gothic cổ quái và đầy ảo mộng
- Từ đọc sách tới viết lách và trở thành nhà văn như thế nào?
- Review: Bệnh ung thư, cẩm nang cho bệnh nhân và người thân