Từ đọc sách tới viết lách và trở thành nhà văn như thế nào?

Tác giả:
Nguồn:
Từ đọc sách tới viết lách và trở thành nhà văn như thế nào?


“Khi viết, bạn có thể hiện thực hóa cái cảm giác vinh quang khi thực hành phép thuật. Bởi viết một cuốn tiểu thuyết rốt cuộc cũng là tạo ra một mối liên kết với những người trên các hành tinh khác. Thật sự!”. Haruki Murakami.

Đối với mình viết lách là điều đơn giản và đến rất tự nhiên khi đã đọc.

Từ việc đọc nhưng khi không thoả mãn từ ý tưởng, thế giới, hay nhân sinh quan trong sách thì sẽ nảy sinh ra ý định mình sẽ viết về một điều gì đó nói lên quan điểm của mình, hoặc đó là cách bạn vận dụng những gì mình đã đọc thành một việc cụ thể. Và việc đó ở đây là từ đọc thành viết.

Bạn có thể chia sẻ bất cứ điều gì tử review sách, viết blog, thơ ca, truyện ngắn hay tiểu thuyết và về bất cứ chủ đề nào bạn muốn viết. Không hề có giới hạn. Nhưng nhiều bạn đều bị mắc kẹt ở một điểm là phải bắt đầu từ đâu, phải viết như thế nào và viết lách có thể là một công việc kiếm sống được không?

Mình có câu trả lời cho điều này.

Qua những gì mình đọc và học hỏi từ Nguyễn Duy Cần, Haruki Murakami và trên tư cách cá nhân mình – một người viết đã xuất bản sách (Chỉ là một cuốn truyện ngắn thôi, không có gì to tát cả) và đã từng kiếm được nhiều tiền từ việc viết (Viết mọi chủ đề để có tiền).

Thế hệ chúng ta bây giờ có thể nhiều lựa chọn trong công việc, nhưng mình tin có rất nhiều bạn vẫn muốn một công việc có sự sáng tạo, tự do, đậm chất thơ và không giới hạn như viết lách. VÌ thế, đối với mình những gì chia sẻ sau đây không chỉ nói về sự vui sướng như ngọn lửa không bao giờ tắt đối với việc đọc và và biết của bản thân, mà còn là “những lời dụ dỗ” đến với các bạn nào có đam mê viết nhưng còn e ngại vì một vài vấn đề.

RẤT ÍT NHÀ VĂN CÓ THỂ VIẾT HAY TỪ NHỮNG DÒNG ĐẦU TIÊN.

Đó là điều đúng với cả Haruki Murakami – tiểu thuyết gia ăn khách.

Khi viết những dòng đầu tiên Lắng nghe gió hát, cuốn sách giúp Murakami dành giải Tác giả mới ở Nhật thì ông đã gạch xoá, bỏ đi rất nhiều trang trước khi hoàn thành tác phẩm. “Khi viết tác phẩm này tôi không có lựa chọn nào ngoài viết về việc không có gì để viết. Bằng cách nào đó tôi phải biến việc không có gì để viết trở thành vũ khi trên con đường trở thành nhà văn”.

Bản thân Murakami chia sẻ mình có thể đọc rất rất nhiều tiểu thuyết, nhưng chưa bao giờ nghĩ là sẽ viết. Murakami nói rằng trước khi viết, ông đã nghĩ rất nhiều và rất thất vọng khi mình không thể truyền tải được suy nghĩ xuống ngòi bút. Lắng nghe gió hát được Murakami viết trong khoảng thời gian 2-3 giờ sáng cho đến khi ông buồn ngủ thì thôi. Đó là thời điểm Murakami và vợ đang kinh doanh một quán bar. Ông viết trong tình trạng rời rạc, thời gian lộn xộn, cứ khi nào xong việc thì viết. Sau cùng thì tác phẩm cũng đã hoàn thành và Murakami gửi đi với tâm thế “Tôi quan tâm việc nó được hoàn tất chứ không bao giờ nghĩ rằng có cần ai biết đến hay không”. Và điều kì diệu đã xảy ra. Murakami đã đem tới cho thế giới những tác phẩm siêu thực tuyệt vời, thay vì là một ông chủ quán bia.

Lý do tại sao Murakami trở thành nhà văn nghe có phần buồn cười và có sự giác ngộ. Ông đi xem bóng chày và tự nhiên nghĩ rằng “Biết gì không? Mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết”. Rồi mọi chuyện cứ thế mà bắt đầu. Lúc xuất bản tiểu thuyết đầu tay Haruki Murakami 30 tuổi (Còn mình là 28 tuổi, cũng không tồi nhỉ?”).

F. Scott Fitzgerald – tác giả Đại gia Gastby luôn cho rằng mình có tài văn chương ngay từ trong máu và không nghi ngờ vào việc nhờ vào viết sẽ nổi tiếng khắp nước Mỹ và Châu Âu. Cùng quan điểm với Haruki Murakami, mình đồng ý Đại gia Gastby là cuốn tiểu thuyết ngắn nhưng hay kinh khủng và được viết bởi một người trẻ như thế. Khi viết bắt đầu viết Đại gia Gastby, Fitzgerald chưa tới 27 tuổi. Ông viết trong tình trạng thất vọng về bản thân, thất tình và rượu chè be bét.

Fitzgerald cưới một thiếu nữ 18 tuổi xinh đẹp với lời hứa rằng “Bằng tài viết lách của anh sẽ đem đến cho em một cuộc sống giàu sang”. Kết quả không được như vậy, các bản thảo của ông liên tục bị nhà xuất bản trả lại. Sau này dù đã được biết đến nhờ một loạt thành công của các truyện ngắn, nhưng ban đầu khi Đại gia Gastby ra mắt, nó không được đón nhận như bây giờ, khi tiểu thuyết này được đem vào giảng dạy trong các trường học của Mỹ và trở thành biểu tượng cho Giấc mơ Mỹ, văn hoá Mỹ.

Tất cả mọi tên tuổi bạn ngưỡng mộ đều bắt đầu từ không có gì để viết và rất nhiều nỗi thất vọng nhưng vẫn viết. Tại sao bạn không bắt đầu ngay từ bây giờ, bằng những dòng đầu tiên với tất cả đam mê của mình?

Hãy viết và để mọi chuyện khác xảy ra.

CÓ HAI KIỂU NHÀ VĂN BẠN CÓ THỂ TRỞ THÀNH.

“Bất cứ người nào cũng đều có thể trở thành nhà văn được. Viết ra không phải là chuyện khó, cái khó là phải có những câu chuyện đáng để viết”. Nguyễn Duy cần viết “Để trở thành nhà văn”.

Vậy phải tìm cái đáng để viết như thế nào? Đó là sáng tạo thứ hoàn toàn mới mẻ, có thể là điên rồ và học hỏi từ những điều điên rồ đó viết ra những tác phẩm của riêng mình – những thứ đáng để viết.

Kiểu thứ nhất thực sự khó và những con người đại diện cho sự sáng tạo trong văn chương này đều đã trở thành bất tử. Họ viết những gì đáng để viết theo sự bất quy tắc đến điên rồ.

Đó là Dante Alighieri với Thần Khúc mà rất nhiều nhà thơ vĩ đại như Chaucer, Milton, Goethe, Eliot chịu ảnh hưởng. Đó là Ulysses của James Joyce đã tạo cảm hứng cho tất cả những nhà văn đoạt giải Nobel William Faulkner, Albert Camus, Garcia Marquez và theo mình có lẽ có cả Franz Kafka.

Và Đến lượt Haruki Murakami, ông thừa nhận mình thích Franz Kafka rất nhiều. Hiện tại, rất nhiều người viết đã học hỏi và mong muốn mình có cái tài của Murakami.

Với các tên tuổi trên đã mãi mãi định hình và gây ảnh hưởng đến văn chương thế giới. Cách họ nghĩ và họ làm không chỉ ở việc sáng tạo, trêu đùa với văn chương mà còn ở cách mặc xác chẳng cần ai phải hiểu hay quan tâm đến những gì mình viết.

Bản thân James Joyce cũng nói về tác phẩm của mình: “Tôi đã lồng vào đó nhiều điều bí ẩn và câu đố, đến mức sẽ khiến các giáo sư luôn bận rộn trong hàng thế kỷ, để tranh cãi về điều tôi muốn nói. Đó là con đường duy nhất bảo đảm sự bất tử của một tác phẩm.”

Mình thật sự khuyên các bạn hãy suy nghĩ thật kĩ, vài năm cũng được trước khi lựa chọn viết về một cái mới hoàn toàn, vượt ra khỏi trật tự và cả sáng tạo theo đúng nghĩa đen. Mình không nói là không thể, nhưng cái giá phải trả nó rất đắt, chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc sống của các bạn. Cá nhân mình cũng đang đi theo lối này, nhưng mình chưa làm được gì nhiều cả nên chẳng có tư cách để nói như một người đã làm được. Kết luận là bạn có thể lựa chọn và chấp nhận với sự rủi ro của lựa chọn đó.

Kiểu thứ hai thì đơn giản hơn. Và Murkami cũng rất nhiều nhà văn khác đã và đang làm. Đó là hãy cứ ngồi xuống viết. Viết chưa tốt viết tiếp. Vẫn chưa được hãy cứ viết.

Nguyễn Duy Cần viết rằng muốn trở thành nhà văn hay thì “Có rèn mới trở thành thợ rèn”. Viết và viết, nghề dạy nghề, không có cách nào tốt hơn cả.

Nhà văn sở dĩ viết được một cách dễ dàng là nhờ vào rất nhiều công phu và thời gian bỏ ra để viết. Viết đến khi nào bạn cảm thấy đơn giản và tự nhiên. Đừng nghĩ rằng bạn có thể viết hay ngay từ những dòng đầu tiên, vì ai muốn viết hay thì lại càng không thể viết được.

Viết hay có nghĩa rằng người đọc hiểu luôn điều bạn viết, không phải giải thích dài dòng vì chính cái bạn viết, bỏ qua tất cả thứ dài dòng, miên man vì viết hay là do đơn giản, đơn giản sẽ dẫn đến sự tự nhiên và nhờ sự tự nhiên thì người khác sẽ cảm thấy trôi chảy khi đọc. Và đạt đến sự đơn giản và tự nhiên là đạt đến đén mức cao nhất khi viết rồi.

Murakami quan niệm về một nhà văn thiên tài là không hề phải cố gắng để tìm cảm hứng và sự kiên trì khi viết. Chỉ cần ngồi xuống là viết được thì được gọi là thiên tài trong văn chương. Nhưng chính Murkami cũng không làm được như thế.

Ông chia sẻ rằng để tìm được mạch viết, ông ép mình ngồi xuống bàn 8 tiếng một ngày. Không viết cũng phải ngồi xuống để nghĩ về việc phải viết cái gì. Nhờ việc kiên trì với chính bản thân, Murakami dù không có tài năng viết lách, nhưng ông luôn tìm được rất nhiều mạch viết để bồi đắp nên các tiểu thuyết dài hơi của mình.

“Đó là lợi thế của tôi. Chính vì tôi không dựa vào khả năng xuất chúng, tôi coi đó là nguồn nước duy nhất. Khi nguồn nước này cạn kiệt, người đó sẽ gặp rắc rồi.

Sau rất nhiều lần thử sai—tôi sẽ dành những chi tiết của quá trình này cho một dịp khác—tôi đã có thể kết hợp lại một phong cách phù hợp để dùng trong tác phẩm của mình. Nó không hề hoàn hảo, với những lỗ hổng rải rác ở chỗ này chỗ kia, nhưng tôi hình dung nên nó thế nào tôi sẽ phải chấp nhận nó thế đấy. Tôi có thể sửa lỗi lần sau”.

“Nếu tôi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất kế tiếp với một tiểu thuyết gia là gì, điều đó cũng dễ nữa:tập trung-khả năng tập trung tất cả tài năng có hạn của ta vào bất cứ gì quan trọng tại thời điểm đó, nếu có thể tập trung một cách hiệu quả, ta sẽ có thể bù lại cho tài năng thất thường hay thậm chí sự thiếu vắng tài năng.

May mắn là, hai kỷ luật tập trung và bền bỉ- khác với tài năng, vì ta có thể có được và mài giũa qua rèn luyện. Một cách tự nhiên, ta sẽ học được cả tập trung lẫn bền bỉ khi ta ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và luyện tập ḿnh tập trung vào một điểm. Hãy thêm vào sự khuyến khích và duy trì nó. Và lặp lại. Kiên nhẫn là một thứ bắt buộc trong quá trình này, nhưng tôi bảo đảm kết quả sẽ đến.”

Và đây là những gì Franz Kafka nói về việc mình đã viết những tác phẩm siêu thực trong hoàn cảnh thế nào.

“Bạn không cần phải rời khỏi nhà. Hãy lưu lại bên bàn và lắng nghe. Thậm chí hãy đừng nghe, chỉ cần chờ đợi. Thậm chí đừng đợi, hãy cứ tĩnh lặng và cô đơn. Thế giới sẽ hiện thân ngay trước mắt; không gì khác hơn; trước mắt bạn, nó sẽ quằn quại đớn đau trong ngây ngất vô ngần”.

Ngồi xuống. Tập trung nhưng không dồn ép bản thân và bắt đầu viết. Để cho mọi thứ xảy ra và bạn sẽ trở thành nhà văn theo cách đơn giản này. Ý mình là như vậy.

NHÀ VĂN ĐƯỢC TAO NÊN BỞI CHẤT LIỆU GÌ

Đó là đọc thật nhiều. Không có cách nào khác cả. Và thật may là nhiều bạn có thể làm được điều này. Đọc hàng ngày.

Việc đọc giúp bạn hiểu được việc một tác phẩm phải lắp ghép những gì với nhau khi bản thân bạn không có một khái niệm gì về việc này. Không quan trọng bạn đọc gì cả, hãy cứ đọc để xây dựng cốt truyện, ý tưởng, nền tảng của bạn trước. Việc viết có thể để sau, không cần phải vội vàng. Khi bạn được lấp đầy bởi những ý tưởng và mạch truyện, viết sẽ tự nhiên đên với bạn.

“Vậy nên nếu bạn than thở rằng mình không có chất liệu cần thiết để viết thì bạn đang từ bỏ quá dễ dàng. Chỉ cần chuyển trọng tâm một chút và thay đổi cách nghĩ một chút, bạn sẽ khám phá ra cả một gia tài chất liệu đang chờ được cầm lên và sử dụng. Bạn chỉ cần nhìn thôi. Với nỗ lực của con người, những thứ mới nhìn có vẻ tầm thường lại có thể sinh ra một chuỗi hiểu biết vô tận, nếu bạn kiên nhẫn. Bạn chỉ cần, như tôi đã nói, duy trì một lượng lành mạnh tham vọng nhà văn. Đó là điểm chính yếu”. Murakami nói.

Điều thứ hai là kiên nhẫn và bỏ qua tất cả những gì người khác nói.

Bản thân mình đã mất khoảng 13,14 năm để xuất bản cuốn truyện ngắn đầu tay. Mình bắt đầu viết những chữ đầu tiên vào vở “bài tập toán” vì mình không làm toán trong đó. Mình đã viết hơn 900 trang truyện Fantasy, một loạt các truyện ngắn rất ngây ngô trước khi viết được 1 truyện ngắn đầu tiên, tiểu thuyết đầu tiên mình hài lòng. Mình có thất vọng khi không viết hay hơn, được xuât bản sớm hơn. Nhưng đó không phải là điều mình để tâm quá lâu. Viết ra những tác phẩm mới là cái mình truy cầu.

Mình đã bỏ học từ lớp 8 để bắt đầu viết. Khi ấy mình không hề nhận được sự ủng hộ của gia đình. Thậm chí gia đình, người xung quanh mình coi việc viết lách là điều điên rồ (Mình nghe nhiều lắm rồi) và mình có vấn đề về thần kinh (Mình cũng nghe nhiều lắm luôn). Người đầu tiên khen mình viết hay là một cậu bạn cấp 2. Cậu ấy đã chết trong 1 vụ tai nạn 10 năm trước.

Bản thân Franz Kafka chưa bao giờ nhận được những gì mình xứng đáng và chết trong nghèo khó và bệnh tật. Murakami đến bây giờ sau gần 40 năm viết lách vẫn bị người khác nói “văn chương của ông là rác rưởi, ông không phải là nghệ sĩ”. Murakami thừa nhận bản thân mình vẫn chưa hoàn hảo, còn phải cố gắng nhiều nhưng những lời chê bai đó không bao giờ làm ông hoài nghi hay có suy nghĩ tiêu cực khi mình chọn viết lách cả. Bạn cũng hãy như vậy. Hãy tin điều mình chọn là đúng đắn và sẽ chứng tỏ giá trị trong thời gian tới. Không phải bây giờ, nhưng tương lai sẽ khác.

Mình có tổn thương vì tất cả những gì mọi người nói không? Một chút nhưng bây giờ chẳng là gì khi mình biết mình đã kiếm được tiền và nhận được những gì từ việc viết. Dù nhuận bút từ in sách hay các truyện ngắn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số tiền mình nhận được khi viết. Nhưng mình coi những chủ đề, những yêu cầu của khách hàng cũng là cách để mình tìm được các mạch viết mới phục vụ cho những gì mình viết.

Việc trở thành người viết và nhà văn đã đưa mình gặp gỡ và kết nối rất nhiều những con người thú vị, mới mẻ và có chiều sâu nội tâm. Đến bây giờ, vài người đã trở thành bạn tâm giao, có người mình choáng váng đến mức đưa họ vào trong các tác phẩm của mình. Thật tuyệt vời! Và mình nhận ra rằng, đọc, viết là một khả năng không giới hạn trong việc sáng tác những tác phẩm hay, đồng thời gặp được nhiều con người mới, mối quan hệ mới trong thế giới rộng lớn này.

“Tóm lại, tôi có thể nói rằng, nếu mục tiêu của bạn là viết văn thì hãy xem xét kỹ mọi thứ quanh mình. Thế giới có thể mang dáng vẻ của một nơi vô vị, nhưng thật ra nó chứa rất nhiều loại quặng bí ẩn và thần bí. Nhà văn là những người may mắn có sự khéo léo để khám phá và tinh chế thứ nguyên liệu thô ấy. Tuyệt vời hơn nữa, quá trình đó gần như không tốn kém chút nào. Nếu may mắn có một đôi mắt tinh, bạn cũng có thể đào thứ quặng mà bạn chọn theo ý muốn!

Bạn có thể nghĩ ra cách kiếm sống nào tuyệt vời hơn thế không?” Murakami chia sẻ.

Nguồn: Đức Nhân

Trả lời