Loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng
Để trẻ thấy hứng thú với việc đọc sách thì trước hết, phải giúp trẻ tránh xa những thứ hấp dẫn hơn sách, như game, tivi, YouTube, tiktok.
Ngay cả người lớn cũng còn cảm thấy khó dứt ra khỏi sự lệ thuộc của thiết bị điện tử và mạng xã hội, thì không thể trông chờ sự tự giác của trẻ con được.
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm, là mang những thứ gây nghiện đó ra xa trẻ, càng xa càng tốt.
Từ ngày sinh Na, gia đình mình gần như không có khái niệm xem Tivi luôn. Các chương trình YouTube cũng chỉ được xem những nội dung đã chọn lọc trong thời gian quy định. Không game online, không Tiktok nhảm.
Thực ra 2 bạn vẫn cực kỳ mê Tivi, mỗi lần về ông bà là coi thả phanh luôn dù mẹ có gào thét cấm cản cỡ nào. Nên mình thấy quyết định không mua tivi là một quyết định sáng suốt.
Chọn loại sách phù hợp với lứa tuổi
Nhật Bản nổi tiếng với những bộ sách Ehon dành cho mấy bạn lần đầu tiếp xúc với sách, mỗi cuốn có vài trang, mỗi trang có vài chữ và những hình ảnh to đùng với những gam màu đơn sắc, giúp trẻ dễ tiếp cận hơn. Gía mỗi quyển ehon hình như tầm 40-50k/quyển chỉ vài trang giấy (mắc lòi luôn). Nhiều người cảm thấy phí phạm khi phải bỏ ra từng đó tiền để mua được vài chữ có vẻ không mang lại giá trị gì. Tuy nhiên, đây lại là nền tảng để con xây dựng được kỹ năng đọc, giúp ích rất nhiều cho việc tự học, và biết đâu giúp ba mẹ tiết kiệm được 1 khoản Kha khá cho việc thuê gia sư trong tương lai
Khi con đã quen dần thì chuyển qua loại sách ít hình hơn, nhiều chữ hơn, nội dung phức tạp cần tư duy tưởng tượng hơn. Dần dần, con có thể đọc được những bộ sách chapter dày cộm toàn chữ là chữ, nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ mồn một mình đang ở trong nhà ăn của 1 ngôi trường phép thuật ồn ào náo nhiệt, đón giáng sinh cùng với lũ học trò phù thuỷ nghịch ngợm và những con ma bay lơ lửng trên đầu
Sau khi Na đọc xong bộ Harry Potter lần 1 thì mình mới cho chỉ xem phim. Và trong suốt quá trình xem, Chỉ luôn miệng bắt bẻ chỗ này không đúng, chỗ kia bị cắt bớt, nhân vật diễn chưa chuẩn, …, và cuối cùng Chỉ chốt lại là phim không lột tả hết được cái hay của truyện.
Chọn loại sách phù hợp với sở thích, tính cách
Sách cho người lớn có rất nhiều chủ đề khác nhau và thường thì người ta chỉ tìm đọc những cuốn sách có nội dung liên quan đến chủ đề mà họ đang quan tâm.
Sách cho trẻ con cũng vậy. Con sẽ rất hứng thú nếu được đọc những cuốn sách đúng sở thích.
Từ nhỏ Gấu có đã có đam mê với các vấn đề khoa học, nên cứ các thể loại sách về khoa học là ảnh ngấu nghiến hết dù tiếng việt hay tiếng anh. Trong khi Na lại thích thể loại hư cấu bay bổng, cái gì liên quan đến lý thuyết khoa học là Na sợ chạy mất dép. Nên sách mua cho 2 chị em sẽ thuộc 2 trường phái hoàn toàn khác nhau.
Tạo thói quen đọc sách mỗi ngày
Bất cứ thói quen tốt nào cũng cần nỗ lực rèn luyện, “vạn sự khởi đâù nan”, chứ đừng “gian nan bắt đầu nản”
Khi 2 bạn còn nhỏ xíu, dù bận cỡ nào mình cũng cố gắng sắp xếp đọc sách cho con 30′ mỗi tối. Riết rồi hôm nào không được nghe sách là tụi nó bù lu bù loa không chịu đi ngủ.
Giờ lớn rồi, không cần ngồi chờ nghe mẹ đọc sách nữa, thay vào đó là nghe điệp khúc “khuya rồi, đừng đọc nữa, đi ngủ đi con”
Ba mẹ hãy làm gương
Đây là nguyên tắc cuối cùng, nhưng khó thực hiện nhất
Trẻ con sẽ nhìn và học theo những gì chúng ta làm, chứ không phải những gì chúng ta thuyết giảng. Thế nên là, cách đơn giản để con chịu đọc sách là ba mẹ hãy đọc sách.
- Review: Sự Sụp Đổ Của Nhà Usher – Tác phẩm đậm tính Gothic cổ quái và đầy ảo mộng
- Review: Toàn thư tâm lý học – Cuốn sách tâm lý được đánh giá là dễ hiểu, thú vị hơn đại cương tâm lý
- Review: Sổ tay phi hành gia – Một mơ ước viển vông và một cuộc đời không ngừng học tập
- Review: Bệnh ung thư, cẩm nang cho bệnh nhân và người thân
- Review: Muôn khiếp nhân sinh – Một lời nhắc nhở bằng những câu chuyện thần thoại và hiệu ứng ngôi sao