Mình mua cuốn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” vào hai năm trước, và lần thứ ba mở ra mình mới có thể một mạch đọc xong và cảm nhận được hết.
Hai lần trước mình chỉ đọc đến 1/10, ấn tượng duy nhất của mình ở hai lần đó là tại sao tiếng Việt qua ngòi bút của một Việt Kiều Mỹ lại có thể đẹp đẽ và rực rỡ đến thế. Nhưng cũng đồng thời khiến mình phải đặt câu hỏi vì sao tác phẩm này có thể đạt nhiều giải thưởng như vậy vì dù đã cố thì cả hai lần mình vẫn không biết tác giả đang thực sự muốn nói gì.
Nhưng chính vì tiếng Việt trong cuốn sách này sắc sảo và nhiều màu sắc lấp lánh quá, có những câu chữ trong sách mà dù không công nhận hay chưa kịp nhìn ra câu chuyện để công nhận thì thi thoảng nó vẫn hiện lên trong đầu mình như một bức tranh tuyệt đẹp:
“Những con bướm bay về phương Nam sẽ không bao giờ trở lại phương Bắc. Vậy nên mỗi chuyến đi đều là chuyến cuối. Chỉ có con của chúng trở về; chỉ có tương lai thăm lại quá khứ.
Đất nước là gì ngoài một câu (sentense) không biên giới, một đời.”
“Trong tiếng Việt, nhớ nhung một người và nhớ được một người đều có chung chữ nhớ. Đôi lúc, trong lúc gọi điên mẹ hỏi con, Con nhớ mẹ không? Con giật mình, tưởng rằng con còn nhớ mẹ không?
I miss you more than I remember you.”
Vì nó vẫn lặp lại trong đầu mình như một giai điệu cùng với lời đề tặng ở trang đầu tiên là “dành tặng mẹ”, nên mình quyết định cho cả cuốn sách và cho mình cơ hội thứ 3. Và ở lần này, điều mình tìm thấy còn hơn cả một bức thư con trai gửi cho mẹ, nhiều hơn cả tình mẫu tử ruột thịt, nhiều hơn cả một bài thơ về đất nước, nhiều hơn cuộc đời của tác giả là nhiều cuộc đời khác, ở đó mình còn nhìn thấy quá khứ và hiện tại, tương lai hoà quyện vào nhau tạo nên một bài ca. “Bài ca về sự sống, bền bỉ đi qua những hoang tàn và đớn đau, được năng đỡ trên đôi cánh của tình yêu và cái đẹp”.
Cuốn tiểu thuyết giàu tính tự truyện và giàu tính thơ ca của Ocean Vuong là câu chuyện ghi lại hành trình của một cậu bé được sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên trên đất Mỹ, sinh ra trong một gia đình mù chữ và trở thành một nhà thơ được ca ngợi. Mạch câu chuyện không đi theo một mốc thời gian nhất định mà được lồng ghép vào nhau, như đau đớn và cái chết vẫn luôn song hành cùng tình yêu và sự sống.
Người ta không chỉ có duy nhất một nỗi đau trong đời.
Người ta được sinh ra trong một gia đình chịu rất nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, dù thể xác nguyên vẹn nhưng tâm hồn thì dường như vỡ tan ra hàng nghìn mảnh như cách mà bom đạn dội lên trên từng mảnh đất, từng con sông của mảnh đất hình chữ S thân yêu. Dù chiến tranh đã đi xa cả mấy thập kỉ, thì nỗi đau và sự dày vò của nó vẫn ở đây mỗi ngày.
Người ta là kẻ lạ trong đất nước mình đang sống, ngày từ màu da. Nỗi đau từ quá khứ, khi mẹ Hồng là con lai bị bạo hành trên chính đất mẹ đẻ của mình vì màu da trắng và nỗi đau ở hiện tại khi con trai bị bạo hành ở nước Mỹ vì da vàng. Chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra, chẳng ai chọn được bố mẹ mình, và nhiều khi họ cũng không được chọn sống ở nơi mà họ muốn sống, ấy vậy mà xã hội vẫn vì những thứ đó để chà đạp lên cuộc đời của một ai đó không thương tiếc.
Người ta lớn lên trong một ngôi nhà vắng bóng đàn ông, bên những người phụ nữ vừa yêu thương vừa khắc nghiệt. Khắc nghiệt vì là phận đàn bà mà phải lèo lái cả nghĩa vụ của đàn ông, khắc nghiệt vì những nỗi đau bên trong mình không có cách nào thoát ra nên đành trút bỏ lên con mình và rồi hét lên “mẹ không phải là quái vật”. Một người mẹ vừa đánh con mình vừa dặn con mình phải mạnh mẽ lên vì con sinh ra đã sẵn là người Việt Nam rồi. Một câu nhắc nhở vừa đầy tự hào mà cũng có phần day dứt, day dứt vì những điều xảy ra vượt ngoài tầm kiểm soát của một con người.
Người ta nhớ về những ngày khi người ta trẻ, nhớ về rung động đầu đời trước một cậu trai dữ dội mà lại dịu dàng. Ngay cả khi người ta đang học cách chấp nhận chính con người thật của mình, thì những người xung quanh gồm cả những người giống mình hay khác mình đều xem đó như một căn bệnh, “vài năm nữa là mình sẽ khỏi phải không – Trevor”. Có những cuộc chiến dài cả một đời người, từ khi họ biết mình khác biệt với những người khác, cho đến khi họ chọn kết liễu cuộc đời mình bằng những lần phê pha.
Người ta đọc mọi giả thuyết, ẩn dụ, phép tính, Spakespeare và Milton, Barthes, Đỗ Phủ và Homer, những bậc thầy về cái chết, rốt cuộc, cũng không thể chỉ người ta cách chạm vào người chết của mình. Người ta chỉ thực sự chạm vào cho đến khi chứng kiến lưỡi dao tử thần gọt đi sự sống của người họ yêu thương từng chút một ngay trước mắt mình. Ngoại Lan đã sống một cuộc đời đầy những nước mắt, ám ảnh và rồi ra đi cũng với những đớn đau mà căn bệnh ung thu xương quái ác mang lại đến nỗi ngay lúc cận kề cái chết vẫn phải thét lên: “Ông trời ơi, tôi đã làm gì sai mà ông chà đạp tôi như vậy”. Cuộc đời của một người hoá ra cũng có thể chịu đựng rất nhiều đau đớn, nhưng không vì thế mà không để lại dấu vết gì trên mặt đất, với ngoại Lan đó là Chó con, là hai loại hoa: hoa Mai và hoa Hồng.
Người ta lớn lên ở một xứ khác khi xứ sở của tuổi thơ chỉ còn trong kí ức đi mượn về khói lửa và cực nhọc. Khi tiếng nói của người ta chông chênh giữa hai bờ mẹ nuôi và mẹ đẻ. Để rồi như một ánh sáng vụt lên rực rỡ, người ta vượt qua những nỗi đau, giày vò, sợ hãi, bất công, tranh đấu. Vượt qua những định kiến, ranh giới, đất nước, bờ cõi. Vượt lên trên cả những dàn xếp của số phận rồi rực rỡ một thoáng ở nhân gian.
Và bất chấp tất cả, viết nên những vần thơ.
Gấp cuốn sách lại mà mình vẫn không thôi xuýt xoa về cái đẹp của tiếng Việt, một cái đẹp vượt ra quá xa sự diễn tả của ngôn từ. Cuốn sách cũng tiếp cho mình thêm rất nhiều sức mạnh để tin tưởng và cố gắng cho giấc mơ của chính mình, để mong một ngày nào đó cũng sẽ viết nên được những áng văn đẹp đẽ đến nao lòng như vậy.
Và một điều cuối cùng mình muốn tiết lộ, thay lời cảm ơn đến một người bạn Việt Kiều Pháp của mình. Chính những câu chuyện về hành trình di cư từ Việt Nam qua Pháp của đại gia đình anh đã cho mình thấy một góc nhìn khác hậu chiến tranh cũng như hiểu hơn câu chuyện trong cuốn sách và rộng hơn câu chuyện của những người con xa quê đi tìm một lời hứa mới.
Cảm ơn tác giả Ocean Vương vì đã viết nên một bài thơ về tình mẫu tử và tinh thần chiến đấu thật đẹp, cảm ơn dịch giả Khánh Nguyên đã cho mình thấy hoá ra dưới góc nhìn của tình yêu mọi ngôn ngữ đều có thể trở nên thiêng liêng và mãnh liệt như thế, cảm ơn Nhã Nam vì đã xuất bản cuốn sách này với một chiếc bìa sách lột tả được tâm hồn người viết. Thực sự thổn thức và biết ơn rất nhiều, ngay cả khi khép lại trang sách cuối cùng lại.
Nguồn: Mei Mei
Về tác giả Ocean Vuong
Ocean Vuong tên thật là Vương Quốc Vinh, sinh năm 1988 tại Sài Gòn, là một nhà thơ và nhà văn tài năng người Mỹ gốc Việt. Sớm nung nấu đam mê với thi ca, Ocean Vuong bắt đầu sáng tác thơ từ những năm cấp 3. Anh dần khẳng định tên tuổi của mình trong giới thơ ca New York, sau đó theo học tại trường Brooklyn College thuộc Đại học thành phố New York.
Trước khi nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tay, Ocean Vuong đã xuất bản hai tập thơ mỏ... Xem thêm
Cuốn sách cùng thể loại hoặc tác giả mà bạn nên xem:
-
eBook Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian
Tác giả: Ocean VuongCuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của tác giả Ocean Vương là một tác phẩm đầy cảm xúc thuộc chủ đề kỹ năng sống, được viết dưới dạng một lá thư dài của nhân vật chính, Chó Con, gửi cho người mẹ không biết chữ của mình. Dưới ngòi bút tài …
- Review: Kỹ Năng Thuyết Phục, Hạ Gục Đối Phương – Trần Hạo
- Cách thêm và chia sẻ Font chữ đẹp cho máy đọc sách Kindle
- Review: Lan man nghìn năm phố | Đỗ Phấn
- Review: Làm Ra Làm, Chơi Ra Chơi – Làm thế nào để làm việc sâu và nâng cao khả năng tập trung
- Review: Dám Sống Đời Dũng Cảm – Nhìn nhận lại bản thân, cảm nhận những điều, việc, người đã trải qua trong cuộc sống